TIN TỨC

Đã lỡ thương rồi thì thương cho trót

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng: 2022-09-23 09:47:23
mail facebook google pos stwis
1556 lượt xem

BÀI HƯỞNG ỨNG CUỘC THI BÚT KÝ “NHỮNG HY SINH THẦM LẶNG”

 

Đã lỡ thương rồi thì thương cho trót


HOÀI HƯƠNG

Trong thảm họa đại dịch Covid-19 lên tới đỉnh điểm ở TP Hồ Chí Minh t tháng 6- 9/2021= 123 ngày = 2.952 giờ, đã có hàng trăm ngàn tình nguyện viên của thành phố, không nề hà sự nguy hiểm lây nhiễm, dũng cảm, nhiệt tâm, tích cực, 24/24 giờ trong ngày, làm công tác thiện nguyện. Và trong cơ man sắc áo xanh tình nguyện được che kín trong lớp trang phục bảo hộ cùng màu xanh, tôi ấn tượng với em bởi đôi mắt rất đẹp, lấp lánh nụ cười trong ánh mắt, vóc dáng nhỏ xinh, có mặt hầu như ở những trọng điểm các khu dân cư bị chăng dây biển đỏ cách ly, đang gặp khó khăn thiếu thốn… 

 

Cô gái đó rất trẻ, sinh năm 1985 tại Bình Thuận, có gương mặt đẹp nhân hậu, ánh mắt lấp theo nụ cười như tỏa nắng, thân thiện và chan hòa đến xung quanh, càng đặc biệt hơn là CEO Lê Thùy Thảo Nguyên, của Công ty Tổ chức sự kiện cảm xúc Sen Việt Multimedia - TP Hồ Chí Minh. Là một doanh nhân trẻ, kinh doanh nhưng luôn hướng về cảm xúc, để thương để nhớ để hoài niệm như một kỷ niệm đẹp nhất đối với khách hàng, và cô đứng sau rất nhiều sự kiện thương mại gây “nóng” trong nghề suốt nhiều năm qua như: Phượng hoàng trỗi dậy; Fly With Passion; Shynh Shine Night 2018; Shynh The Beauty Show; Gala Lyona; Chuỗi Hội nghị đỉnh cao KTG - 23 năm vững bước tương lai; 35 năm Trần Phú - Thắp sáng niềm tin; Đám cưới cảm xúc hơn 2.000 khách của cặp đôi Quốc Bảo - Tuyết Mai…; Và tháng 2.2021 là sự kiện Symphony Of The Seas.

 

Cần mẫn với công việc thiện nguyện

Không chỉ tới khi đại dịch Covid-19 tràn vào Việt Nam tác quái và tạo thành giông bão tàn khốc đỉnh điểm quét qua TP Hồ Chí Minh vào tháng 5- 9/2021, thì Thảo Nguyên mới tham gia tình nguyện viên, làm công tác thiện nguyện đến những khu dân cư chăng dây biển đỏ cách ly. Trước đó nhiều năm, cô đã là một thiện nguyên viên tràn đầy tình thương, nhiệt tâm, trực tiếp tham gia vừa công sức vừa tài lực cùng các cộng sự và những “Mạnh Thường quân” khác cho nhiều chương trình, tiêu biều nhất là "100 ngàn - Vạn mái ấm", và tính đến năm 2021 đã xây hơn 100 căn nhà dành tặng cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên khắp mọi miền Tổ quốc.

 

Hay chương trình “nước sạch” trong dự án “Cùng miền Tây chống hạn mặn", cứu khát ở những miền nắng hạn Tây Nam bộ với hàng chục trạm lọc nước sạch, hàng ngàn bồn chứa nước ngọt… Vào mùa lũ đầy tang thương tháng 10.2020 ở miền Trung, Thảo Nguyên cùng cộng sự đã vận động hàng trăm tỉ đồng và trực tiếp mua thuyền và xây nhà chống bão lũ giúp dân nghèo bị thiệt hại. Bên cạnh đó, Thảo Nguyên đã trực tiếp góp công góp của thực hiện hàng loạt chương trình thiện nguyện cùng bạn bè trong việc trao tặng học bổng cho học sinh nghèo vượt khó, xây nhà tình nghĩa, và hỗ trợ những người gia cảnh khó khăn…

Cô chia sẻ suy nghĩ: "Ai ai cũng khao khát sống một cuộc đời theo cách mình mong muốn. Và em cũng thế, được cống hiến hết mình cho công việc mình đang làm, được chăm sóc những người thân yêu, được chia sẻ với cộng đồng những điều có thể trong khả năng của bản thân và được trọn vẹn với những đam mê cá nhân dù là nhỏ bé trong đời sống này".

Khi tôi gặp cô, cô thành thật: “Em cũng biết sợ chứ, nhiễm bệnh và một cái chết trong cô đơn lạnh lẽo…. Nhưng thấy mình đã được chích mũi 1, mũi 2, là có một lớp bảo vệ khá chắc chắn, trong khi được biết có rất nhiều khu dân cư nghèo họ còn chưa kịp được chích mũi nào đã bị chăng dây biển “đỏ” cách ly, thiếu thốn trăm bề… Mình lại có chút đầy đủ, thì tại sao không chia sẻ, không kêu gọi mọi người cùng với mình chung tay giúp đồng bào những nơi đó… Như một cách cảm ơn cuộc đời đã cho mình nhiều thuận lợi hơn họ. Và chính mình cần có mặt để tiếp sức, để tạo niềm tin, cũng là chứng kiến tận mắt những khốn khó của họ, để có những kế hoạch cứu trợ cụ thể và thiết thực…”.

Tôi đã hỏi cô: “Thế em đi làm tình nguyện viên, từ thiện  như thế, không ngại họ nói em làm chẳng qua để PR?”, bởi thực tế trong đại dịch có rất nhiều doanh nghiệp lợi dụng công việc từ thiện, “thùng rỗng kêu to”, PR kiếm lợi cho doanh nghiệp.

Cô không ngần ngại bày tỏ quan điểm: “Sẽ thật tội nghiệp cho bọn em lắm khi ai đó có ý rằng đi làm thiện nguyện là PR, đánh bóng bản thân, PR cho doanh nghiệp. Nhưng thử hỏi, khi đã chọn đầu bù tóc rối để chui vào vùng dịch từ “đỏ” đến bãi rác thì cần gì lấp lánh nữa. Bởi, đã chọn đi trong hành trình này, là từng người trong chúng em đánh cược với tính mạng, sức khoẻ của chính mình, đánh cược với những giọt nước mắt, lời cầu xin đừng đi nữa của người thân,… chút hư danh vô vị, có xá gì?

 

Chia sẻ trong đại dịch vừa là tình thương vừa là trách nhiệm lương tâm

Ngay từ “mùa” dịch đầu tiên ở TP Hồ Chí Minh, tháng 4.2020, Thảo Nguyên và các cộng sự của mình đã lập tức góp “của” vào các bếp ăn từ thiện gạo, mắm, rau củ, dầu ăn…, để có những hộp cơm tạm ứng cứu “dứt bữa” cho những người lao động nghèo như bán vé số, bốc vác thuê, luợm ve chai, bán hàng rong, vô gia cư…  Khi TP Hồ Chí Minh vào đỉnh điểm dịch năm 2021, mỗi ngày đọc thông tin các ca F0 tăng cao, rồi liên tiếp các lệnh “giãn cách xã hội” theo Chỉ thị 15, 15+, 16, 16+…, bởi dịch bệnh lan tràn đầy nguy hiểm, nhưng đồng thời những thông tin người dân ở các khu dân cư nghèo đang gặp khó khăn đã làm trái tim nhiều cảm xúc của Thảo Nguyên không chịu ngồi yên, trú tránh trong nhà tìm sự an toàn cho mình. Cô quyết định tham gia lực lượng tình nguyện “Sẻ chia mùa dịch”, không nề hà nguy cơ lây nhiễm, đi vào khu vực “đỏ” ở những khu chung cư cũ, con hẻm, thậm chí khu bãi rác, để chia sẻ với đồng bào đang gặp khốn khó “một gói khi đói” đầy nghĩa tình.

 

Cô và các cộng sự, bao gồm đồng nghiệp và những người bạn cùng chung tâm ý, đã “tả xung hữu đột”, thật sự là những “chiến binh” trên “mặt trận” cứu trợ đồng bào đang trong những khốn khó về lương thực, thực phẩm và vật dụng y tế phòng chống dịch. Cô cùng cộng sự kêu gọi các nhà hảo tâm khác chung tay đóng góp, và những xe rau củ, khoai, gạo, rồi cả cá tươi, cùng những nhu yếu phẩm cơ bản như gia vị, đường sữa…, thậm chí cả băng vệ sinh phụ nữ, đã được lần lượt hơn 30 đợt mang đến các khu dân cư ở quận 3, 5, 8, 10, 12, Bình Tân, Tân Phú, Hóc Môn, Bình Chánh, TP Thủ Đức, Hội người mù, thậm chí lan sang tận Bình Dương, ngược ra Bình Thuận…, phát tận tay từng hộ gia đình và cả người sống độc thân, tổng cộng hàng mấy chục ngàn phần quà.

Đọc trong Nhật ký từ thiện của cô với một vài con số vào khỏang nửa cuối tháng 9.2021, những đợt đi thứ 22- 27, mà thầm ngưỡng mộ cái “núi” đồ mà cô và các cộng sự trong group “Sẻ chia mùa dịch” cứu trợ cho đồng bào: “Đợt 22-23, 1.150 hộ gia đình đã nhận thêm túi lương thực trong hai ngày thứ 5 và thứ 6”. “Thứ 7 tuần này mang đến 1000 hộ dân Q10 và 1100 hộ dân trong chung cư Ngô Gia Tự.”. “Sẻ chia mùa dịch đến với 700 hộ ờ Thủ Đức và một vòng quanh Sài Gòn với 950 phần quà hôm nay”. “Ngày hôm qua với hành trình vòng quanh Sài Gòn để đến với 620 gia đình bà con”. “2.370 phần quà đã được gửi trao bằng tất cả sự sẻ chia và đồng cảm trong 16/9 vừa qua. Và ngày mai, là ngày cuối cùng của tuần, cũng là ngày của những lời hứa các xóm trọ Q12, Hóc Môn, Thủ Đức, Bình Tân, Hội người mù, Tân Phú với 615 phần quà”. “Đợt 26-27 là  3.000 phần quà đi Bình Dương và Thủ Đức”. “Quay lại Q8 đến với bà con người Chăm rất mộc mạc, thiệt thà, chỉ xin hỗ trợ 200 phần..”.

Thảo Nguyên chia sẻ: “Mỗi một chuyến đi luôn để lại trong em những cảm xúc thật khó tả và cũng không muốn tả cảm xúc đó là gì, chỉ biết là mình cần đi tiếp và đi tiếp..”

 

Đã lỡ thương rồi thì thương cho trót

Khi các nhóm thiện nguyện có quy mô khác lần lượt tạm ngừng lại thì nhóm của Thảo Nguyên và cộng sự vẫn tiếp tục đi. Sau hơn 3 tháng, không nghỉ tuần nào, Thảo Nguyên cùng cộng sự và các bạn bè trong group “Sẻ chia mùa dịch” đã tiếp ứng lương thực đến hơn 30.000 gia đình gặp khó khăn trong mùa dịch ở TP Hồ Chí Minh và Bình Dương. “Chúng tôi không tin mình có thể đi được đến ngày hôm nay. Tiền ở đâu? Hàng hoá ở đâu? Xe vận chuyển ở đâu? Nhân sự ở đâu để phụ làm giữa dịch bệnh rình rập lúc này, rồi lỡ chẳng may ai dính F0, còn gia đình, con cái, người thân của họ thì sao, rồi chẳng may “lỡ có ai mãi đi” thì sao? Làm sao chịu trách nhiệm cho nổi, làm sao mình thanh thản trong quãng ngày sau? Những câu hỏi không có lời đáp liên tục xoay xoáy trong đầu. Đi hay không đi? Tiếp tục hay dừng lại? Có cần phải thế không? Thôi thế cũng được rồi?

Chắc có lẽ, chính từ niềm tin và sự chung tay mà các anh chị em bạn bè ở trong và ngoài nước đã trao gửi nên chúng tôi mới có thể đi xa được như vậy. Chúng tôi chẳng phải là nhân vật nào to tát, chỉ đơn giản là những người có thể bước ra đường mùa dịch để trao chuyển những yêu thương mà các anh chị em bạn bè đã gửi tặng cho bà con vùng dịch. Chúng tôi lại nhủ lòng càng phải đi. Chỉ biết mình cần phải đi, đi đâu, đi đến bao lâu,… thì ngày mai tính tiếp”.

 

Đọc “Nhật ký từ thiện” của cô mà không thể không xúc động: “Sáng nay sẻ chia mùa dịch cùng các bạn thiện nguyện Sài Gòn đã đến khu bãi rác Bình Chánh. Đúng với tên gọi “Bãi rác”, xung quanh toàn rác và ngập rác. Ngay cả những “ngôi nhà” ở đây cũng được dựng lên từ những tấm ván, cây cột, tấm tôn mà bà con nhặt nhạnh từ các bãi rác… Đa phần người ở đây, đã sống ở bãi rác hơn chục năm có lẻ, từ thanh niên đến nay đã làm ba má của vài đứa con và cũng không biết đến bao giờ được thoát ly khỏi bãi rác này. Nhìn những đứa trẻ mặc bộ đồ lấm lem hồn nhiên chơi đùa bên cạnh những đống rác, có khiến trái tim của những người lớn như chúng ta bị se thắt lại không hả anh chị?”.

 

Và cô cùng cộng sự đã mang chuyến hàng tình nghĩa đến khu H16-H19, Bình Hưng, Bình Chánh  với 1.400 phần quà để gửi tặng cho tất cả các hộ dân sống trong khu bãi rác và các dãy trọ ẩm tối nơi đây. Vẫn là túi lương thực như mọi khi, có gạo, cá, rau, trứng,… để cả nhà có thể dùng trong một tuần, còn có cả những gói băng vệ sinh cho các em gái, các chị, lại có thêm nhiều bánh sữa cho các em bé, thêm hộp sữa đặc, sữa bột cho các trẻ sơ sinh, các bé dưới 3 tuổi và cả những viên thuốc hạ sốt để dự phòng.

 

Càng ở lâu bên cô, càng khám phá nhiều tiềm ẩn trí tuệ, sự thiện lành, tâm nhân ái đến ngưỡng mộ. Một người trẻ có lý tưởng sống “luôn chia sẻ” đến những số phận thiếu may mắn đang lan tỏa những tốt lành.  Và tôi cảm nhận được tiếng nói chân tình từ trái tim cô, tôi đã gửi gắm những yêu thương trân trọng cô trong vài bức “Thư Sài Gòn trong tâm dịch” đăng trên báo “Sức khỏe & Đời sống” của Bộ Y tế, và vào nhân vật trong một truyện ngắn của tôi “Covid đi qua - Tình yêu còn lại” đăng trên Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam.

 

Vâng! Chỉ là phác thảo một vẻ đẹp không chỉ dung nhan, mà đẹp cả tâm hồn của một người trẻ, cùng những cồng hiến thầm lặng đến cộng đồng, một cô gái có cái tên dễ thương - Lê Thùy Thảo Nguyên, để thêm có niềm tin vào những thiện lành của cuộc sống từ những người trẻ hôm nay./.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Tuổi thơ bên dòng lũ
Có thể nói, dù mưa bão thường mang đến nhiều thiệt hại cho người dân miền Trung, nhưng lũ lụt cũng bồi đắp phù sa cho vùng đồng bằng duyên hải này, nhờ đó mà người dân nơi đây có thể sống bằng nghề nông nghiệp ổn định với mùa màng tốt tươi, cây lúa phát triển.
Xem thêm
Chiếc Nóp quê hương – Tùy bút Nguyễn Thanh
Thời kháng chiến chống Pháp, trong giai đoạn đầu cuộc đấu tranh gian lao vì sự nghiệp giải phóng dân tộc còn thiếu thốn quân dụng, có một hình tượng đặc biệt đậm màu sắc quê hương, không thể thiếu đối với nhân dân lao động và những chiến sĩ yêu nước tham gia kháng chiến. Đó là chiếc nóp bàng mà người dân Nam Bộ sống cách đây bảy thập niên đều biết đến.
Xem thêm
Gia đình, những nỗi đau ngọt ngào của Trương Văn Dân - Elena
Mấy năm trước có một số bạn văn và bạn đọc đã đề nghị tôi và Elena nên in chung một tập truyện. Và tập truyện mà các bạn đang cầm trên tay có chủ đề về những mối quan hệ trong gia đình và tình nghĩa vợ chồng. Sự sắp xếp này này là hoàn toàn ngẫu nhiên, lựa chọn các truyện ngắn đã viết trong những năm qua, vì nếu chọn chủ đề rồi mới viết thì các bài viết có lẽ sẽ khác và thiếu tự nhiên.
Xem thêm
Má tôi - Tản văn Trần Trọng Trung
Má tôi là một người phụ nữ đảm đang, hiền thục; có một đức tính thật thà, nhân hậu; có một phẩm chất của người phụ nữ Á Đông “Công, Dung, Ngôn, Hạnh”.
Xem thêm
Dấu ấn anh hùng – Bút ký Trần Thế Tuyển
Trong kháng chiến chống Mỹ, tôi may mắn được giao chép sử Trung đoàn 174 (đoàn Cao Bắc Lạng). Sau ngày giải phóng (30-4-1975), tôi lại thêm một lần may mắn nữa: trở lại chiến trường xưa, nơi Trung đoàn đã chiến đấu và gặp lại những người con ưu tú đã góp phần xây nên truyền thống vẻ vang của đơn vị hai lần được tuyên dương danh hiệu Đơn vị AHLLVT ND.
Xem thêm
Có một người thương binh như thế
Về Trung tướng nhà văn Nguyễn Mạnh Đẩu
Xem thêm
Chữa lành và những ngôi sao thức – Bút ký Thanh Huyền
… Đêm đã về khuya, gió biển vẫn mải mê hợp xướng với dàn đồng ca đại dương. Tôi vẫn tản bộ trên dải cát cùng với những nghĩ suy, chất vấn. Tôi không biết mình đang chữa lành ở dạng thể nào nhưng mong rằng khoảng trống nơi tim được lấp đầy... và chắc chắn tôi cũng là một trong những ngôi sao thức!
Xem thêm
Hoàng hôn trên đảo vắng – Tạp bút của Thúy Dung
“Hoàng hôn” là lúc mặt trời lặn, kết thúc một ngày gieo ánh sáng. Ai từng nghe bài “Đà Lạt hoàng hôn” của Minh Kỳ – Dạ Cầm, hẳn còn nhớ câu “Lắng nghe chiều xuống thành phố mộng mơ, màu lam tím, Đà Lạt sương phủ mờ”.
Xem thêm
Hồn sông, hồn quê trong thơ trong nhạc
Nguồn: Hồn sông, hồn quê trong thơ trong nhạc (Tạp chí Sông Lam) và Văn nghệ Công an số 715, ngày 11/7/2024.
Xem thêm
Những cống hiến, hy sinh của người lính đánh đổi để có hoà bình, phát triển kinh tế đất nước
Nguyện xứng đáng với lòng tin yêu của Đảng, nhân dân. Nâng cao cảnh giác, chủ động sẵn sàng đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn phá hoại của kẻ thù, bảo vệ vững chắc môi trường hoà bình; đóng góp sức mình cùng cả nước giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh…
Xem thêm