- Truyện
- “Khi nhà vắng cha” – Truyện ngắn của Hồ Xuân Đà
“Khi nhà vắng cha” – Truyện ngắn của Hồ Xuân Đà
(Trích trong tập “Đôi bàn tay mẹ” – Nhà Xuất bản Văn Hóa Văn Nghệ 2020)
Thằng anh lớn hơn em gái bảy tuổi, có dáng người cao to, dậy thì trước tuổi, nên giọng nói và cả những hành động đều hơn những bạn cùng trang lứa. Nó thường hỏi mẹ những câu rất cắc cớ, tại sao lại như vậy, tại sao lại thế kia. Thằng anh có cái tên ngồ ngộ, mà mẹ nó đặt cho là “Gỗ”, hình như mẹ nó muốn gửi niềm hy vọng vào đó, muốn tâm hồn nó trong veo như câu truyện cổ tích “Người Gỗ-Pinocchio”, mẹ nó muốn nó hiền ngoan, thật thà, luôn yêu cuộc đời, khao khát cuộc sống, chân chất, cho tới khi trưởng thành. Cái tên thường gọi thân mật hàng ngày đi theo suốt những ngày thơ của nó, dù khi đi học nó có một cái tên rất hay và dễ gọi: “Minh Quân”. Nhưng mẹ nó ít khi gọi tên khai sinh của nó, mẹ chỉ gọi nó “Gỗ ơi, Gỗ à”. Có lúc nó cảm thấy quê quê, ngại ngại, nó giận mẹ, liếc mắt nhìn mẹ như muốn bảo: “Mẹ đừng gọi con bằng cái tên ấy, mẹ có biết tên Gỗ là mắc cười không, ai cũng chọc ghẹo con vì cái tên của mẹ ưu ái cho đó”.
Ảnh bìa tập truyện ngắn Đôi bàn tay mẹ của nhà văn Hồ Xuân Đà
“Gỗ” đã dậy thì rồi, mụn đã nổi lộ nhô đầy trán, mỗi sáng thức giấc là cơ thể nó đã khác hơn ngày hôm qua quá nhiều. Giọng nói ồ ồ như thể là một thanh niên, lý lẽ dài dòng hơn, luôn có lý do biện hộ cho hành động của mình là đúng, không cần biết giới hạn hiểu biết của mình chỉ mới là bước đầu. Có khi mẹ giận nó tới mức bỏ bữa không ăn cơm, không ra khỏi phòng, nó mới thấy chút hối lỗi, ăn năn, tìm kiếm câu chữ nhắn tin cho vui lòng mẹ.
Nhà có ba mẹ con, nên nó biết, nếu mẹ nó cứ nằm dài ôm gối thì anh em nó chỉ có nước đói dài. Ngôi nhà, căn bếp buồn tênh- hiu quạnh. Nó đang tuổi lớn, nên không thể nào nhịn đói được, bụng nó cồn cào khó chịu. Nó hiểu thêm một điều, chẳng có điều gì hay ho, khi “lý sự cùn” với mẹ. Chẳng còn gì quan trọng hơn tiếng rầy la, càm ràm, nhắc nhở không ngớt của mẹ, lúc anh em nó chuẩn bị bài học cho ngày mai. Anh em nó có khi lẩm nhẩm, bức bối, cho rằng mẹ thật phiền phức. Và giờ nó bất đầu nhận ra em gái nó, cả nó nữa, đã thật sai quấy nhiều rồi. Mẹ nó buồn, nó làm sao yên.
Em gái nó đang học mẫu giáo, em không có tên thân mật hàng ngày, mà là một cái tên có phần liên quan đến tên của nó “Thy Minh”. Một con bé gái nhí nhảnh, đỏng đảnh và có nhiều suy nghĩ hơn cái tuổi của một đứa trẻ chưa biết đọc chữ, nhưng dùng các thiết bị công nghệ số thì không ai bằng. Mỗi khi, con bé, cầm điện thoại và tìm kiếm bằng giọng nói khiến nó phải ngắm nhìn, có khi buồn cười, có khi ngạc nhiên, thán phục. Nhiều nhiều lần mẹ nó quát mắng anh em nó khi chỉ mải mê với điện thoại, máy tính, rồi iPad, không chịu ra ngoài, anh em nó khóc bù lu loa, rồi trả treo đủ câu cú lủng củng, nhưng tỏ rõ quan điểm cá nhân là thích ở nhà, hơn là phải đi ra ngoài hoạt động. Nhất là nó, nó chỉ thích game, mấy video trên youtube lảm nhảm của tuổi mới lớn cho nó cười vui vui, vài bộ phim bom tấn, hành động, và thức ăn đủ trong tủ lạnh là nó thấy ổn. Nó cảm nhận sự nhạt nhẽo, không có gì thú vị khi phải lếch tha lếch thếch đi cùng mẹ đến các khu vui chơi, nơi mua sắm, siêu thị rồi phải nhìn mẹ nó đắn đo, suy tính, nhìn lại ví tiền, cân nhắc việc mua hay không mua. Sao người lớn lại cứ hay so đo, tính toán, và mẹ nó là người luôn so tính nhất thế gian, nó nghĩ vậy.
Có lần, nó muốn được vào một nhà hàng sang trọng, thưởng thức món bò nướng kiểu Hàn Quốc, nó vòi mẹ, dĩ nhiên nó vòi thì mẹ chẳng bao giờ từ chối, vì mẹ nó thương nó nhất trên đời mà. Mẹ nó tiến tới quầy tiếp tân hỏi giá, năn nỉ ỉ ôi, viện lý do gì đó, kết quả là em gái của nó được vào nhà hàng thưởng thức mà không phải mất tiền. Nó cảm thấy xấu hổ, không vui, nó thấy cảm giác trong người cứ sao sao, hàng nghìn câu hỏi đi qua trong đầu nó rằng: “Tại sao mẹ của mình lại phải tiết kiệm đến mức như vậy, không biết ngại ngùng với thiên hạ hay sao, tại sao mẹ luôn phải chọn những món hàng khuyến mãi, giảm giá, tại sao mẹ luôn kéo tay anh em nó đi nhanh khi qua những cửa hàng đồ chơi…” Suy nghĩ của một thằng con trai vừa tập tành làm người lớn, đủ cho nó biết gia đình nó đang thiếu thiếu điều gì đó, thiếu cái điều mà hễ anh em nó nhắc đến là mẹ nó gạt ngay đi. Để rồi những giờ đồng hồ tiếp theo đôi mắt mẹ nó là nỗi buồn rũ rượi, không hứng thú với việc chụp ảnh sống ảo khoe Facebook bữa ăn ngon, cầm đôi đũa không buồn gắp, chén cơm còn y nguyên, rồi thở dài, uống nước ừng ực, đi vào nhà vệ sinh rửa mặt. Mẹ nó trở lại bàn ăn, tươi tắn hơn, không khí trong nhà bớt ngột ngạt, tiếng ồn của chương trình thiếu nhi của em gái nó, chiếm trọn cả không gian, nó biết, mẹ nó sẽ nổi giận, lại căng thẳng, quát tháo, la ó, việc em gái nó chưa hề ăn một muỗng cơm nào, nó liền nói với em:
– Em ăn đi, tắt iPad đi, mẹ đang buồn kìa, không ăn là bị la bị đòn đừng có khóc nha!
– Biết rồi.
Em gái nó cầm muỗng lên xúc cơm, trong khi mắt không rời màn ảnh. Nó bắt đầu thấy lo lo, hoài hoài, nghi nghi, có chuyện sẽ xảy ra tại bàn ăn này, nên vội vàng ăn thật nhanh, tiếp theo sau đó sẽ dọn chén. Không đợi mẹ sai nữa. Vài lần nó đã ngoan như vậy, vì nó đã quen với những cơn bốc hỏa của mẹ. Một thời gian, đã vài ba bốn năm gì đó, nó không nhớ chính xác, nhưng có thấy là rất lâu rồi nó không bao giờ thấy ba mẹ nó chuyện trò một câu, dù vẫn chung một mái nhà, một sổ hộ khẩu, mẹ nó một mình đưa anh em nó đi học, đi chơi, về quê, rất lâu rồi gia đình nó không có một tấm ảnh chụp cùng nhau. Ba nó nướng mình trong những canh bạc, trận bóng, rồi biền biệt đi không dám về. Thỉnh thoảng nó vẫn nghe bà con, họ hàng, làng xóm bàn tán xì xào về chuyện của ba nó, nó vặn vẹo hỏi mẹ thì chỉ nhận được duy nhất một câu: “Lo học đi, không phải suy nghĩ nhiều, người lớn làm người lớn chịu, con nít chỉ cần học ngoan là đủ”. Nó giận mẹ, lúc nào cũng bắt học, nó có quyền biết về hoàn cảnh của gia đình mình chứ! Tại sao mẹ nó luôn gạt bỏ đi những câu hỏi của nó. Mẹ ích kỷ. Mẹ xấu. Mẹ không chút xíu nào hiểu nó. Nó khóc. Tiếng khóc của thằng con trai mới tí hiểu biết, không phải là đau khổ mà là sự ấm ức, câu hỏi không được quan tâm giải bày.
Suốt những ngày sau đó, nó ít nói hẳn đi, nhưng khi mẹ gọi tên nó để sai bảo hay nhờ vả gì, thì nó lý sự với mẹ nhiều hơn. Vùi đầu vào game rất nhiều giờ, mặc kệ những gì xung quanh tác động vào. Mẹ nó đâu có biết, nụ cười niềm vui của người lớn chính là hy vọng của trẻ con. Nó cần một gia đình như bao bạn bè khác. Thời gian vắng một người cha trong mái nhà dài ra thêm, là khi nó biết trong chiều sâu ẩn trong đôi mắt anh em nó thèm khát bàn tay rắn chắc, giọng nói khàn đục ấm áp, mang âm trầm của đàn ông lớn hơn nó, ủi an khi bị mẹ rầy la, khi bị điểm kém ở trường biết bao, hay khi đạt điểm cao cần sự tự hào, được nhận sự đầy ắp yêu thương, như những câu chuyện của của người bạn cùng lớp.
Một mùa hè nữa đến, như những mùa hè đã đi qua, hai anh em nó bị bắt buộc đi chơi xa, rời xa thế giới của công nghệ, bốn bức tường. Đó không phải là lần đầu tiên, ngồi một chuyến xe giường nằm hiện đại, nó và cả em nó có cơ hội nhìn cuộc đời qua ô kính cửa sổ, cùng nhịp với vòng xe liên tục lăn bánh, bỏ lại xa xa những hàng cây xanh, những ngọn đèo, đồi núi rộng lớn bao la, những con người nhỏ bé đang chạy xe máy ở phía trước. Khi xe cứ tiếp tục cuộc hành trình của mình, những hành khách tranh thủ ngủ nghỉ, thì nó vẫn nhìn mãi qua ô cửa sổ. Thế giới này rộng lớn, những cánh rừng xanh xanh màu lá, xếp chồng lên nhau, trong suốt cuộc hành trình lên xứ sở ngàn hoa bạt ngàn hoa thơm cỏ lạ, bức tranh màu diệp lục trùng trùng điệp điệp, ẩn hiện lúc gần lúc xa. Con đường xa lạ bỏ dần thành phố náo nhiệt ồn ào, mỗi lúc hiện rõ lên từng nét như một bức tranh miền sơn cước, cao nguyên lộng gió.
Lần đầu tiên nó thấy mình nhỏ bé, vài suy nghĩ lóe lên trong đầu óc nó, rằng giữa thế giới thực và ảo rất khác xa. Rằng cảm nhận vẻ đẹp của thiên nhiên, tiếng gió vi vu dễ chịu hơn hẳn tiếp “pằng ! pằng ! chéo ! chéo! ” trong game trò chơi liên quân. Nó nghe một luồn nước mát lạnh từ dòng sông nào đó đang tỏa từng tia hy vọng, bình yên cho tâm hồn của nó. Nó quên ngay chuyện của ba nó, nó không muốn ai khơi gợi lại, bởi chuyện cũng người lớn xa nhau, đâu có thể làm ai buồn mãi mà bỏ quên cuộc sống, chỉ có bọn trẻ con như nó, là luôn luôn đặt dấu hỏi, khi bạn bè có ba dắt đi chơi, có ba để kể chuyện vu vơ ở trường, có ba để thằng con trai lớn lên học theo ba đức tính cứng cỏi, mạnh mẽ hơn. Mẹ nó có lần, nói gì đó với nó rất dài lê thê, về chuyện cũng ba nó, nó nhìn mẹ khóc, từ đó nó nhất quyết không nghe nữa. Nó muốn quên đi, nó không cần một người ba đã quên mất một gia đình. Nhưng em gái nó thì khác, con bé đang ngồi bên cạnh mẹ ở hàng ghế sát bên, líu lo, xin xỏ đủ điều, xong đâu đó thì bắt đầu hỏi:
– Mẹ ơi, khi nào ba về?
– … Mẹ nó- (thở dài giả bộ ngó lơ.)
– Sao mẹ ghét ba?
– Ai nói, mẹ có nói mẹ ghét ba khi nào đâu?
– Vậy tại sao mẹ không gọi ba về cho con.
-… (Mẹ nó im lặng không nói, nhìn ra ô cửa kính.)
– Sao mẹ ghét bỏ ba, mà mẹ làm đám cưới với ba?
Nó nhìn sang em gái nó, ra hiệu cho em im lặng, vì sự ồn ào đã làm nhiều hành khách thức giấc. Cảm nhận không thể ngăn cho em gái nó im lặng, mẹ nó lấy chiếc điện thoại ra, bật tìm kiếm chương trình thiếu nhi. Những câu hỏi ngây ngô mà khiến người nghe bị chạm tới vết thương u uất trong người. Những lời trẻ con nói như cào cấu vào vết thương đang rỉ máu của những con người đã lớn. Nó kéo chiếc áo khoác đắp lên cổ, nhắm mắt lại ngủ một giấc trên chuyến xe khách đường dài yên ả, thong thả từng kilomet đến thành phố sương mù, nơi có vài người bạn thân của mẹ đang chờ đợi. Nó biết, ở nơi thời tiết đủ lạnh để trẻ con- người lớn mặc ấm, nó và em nó sẽ bỏ quên các thiết bị điện tử trong căn phòng rối ren những nét vẽ nguệch ngoạc của em nó.
Nó sẽ nhìn thấy những vườn dâu, những quả bơ căng mướt, trên một ngôi nhà nho nhỏ trên đồi, có tiếng suối chảy róc rách cả ngày lẫn đêm, có tiếng chim ca khúc khích gọi nhau í ới. Những người bạn của mẹ, những đứa trẻ của bạn mẹ, vài đứa có hoàn cảnh như anh em nó cùng nhau đốt lửa trại, nướng khoai lang, rồi thưởng thức và không nhớ gì nữa chuyện của ngày hôm qua, trong một thành phố rộng thênh thang. Nó không quên quan sát, mẹ đang nhìn lên bầu trời, ánh trăng sáng vằng vặc, mỗi trong hơn, cao hơn. Nó đã từng nghe đâu đó, khi mất phương hướng thì không nên nhìn vào khu rừng, mà hãy nên nhìn lên bầu trời. Mẹ của nó nhìn lên bầu trời một cách say sưa chăm chú.
Em gái nó đang líu lo ca hát, mọi người lắng tai nghe, rồi vỗ tay động viên. Và nó nghe thấy những cảm xúc đan xen vào nhau. Nước mắt dù có mằn mặn sao vẫn nghe có vị ngọt. Khi nó có một người mẹ- luôn nghĩ về hai anh em nó hơn tất cả những đều khác. Nó không còn mắc cỡ với cái tên “Gỗ ” mẹ nó đặt cho, nó thôi lý sự với mẹ, nhường nhịn em gái nó nhiều hơn nữa. Có những điều mẹ nó không cần chỉ dạy, mà là do sự rung động từ trái tim của thằng con trai đang bắt đầu lớn mà nhận ra, mà thôi làm khó khăn cho mẹ. Bởi mẹ vừa là mẹ, vừa là một người ba của nó. Có một cảm nhận gì đó, không mùi, không vị, không lời giải thích, khiến nó muốn lại gần mẹ nói điều gì đó, mà lại e ngại hơn thường ngày, nó ngồi lặng im, cho thêm củi vào đống lửa trại, nghe hơi nóng tỏa ấm vào gương mặt mình, nó xoa xoa bàn tay lên mặt mình, và nhớ tới cô bé bán diêm trong đêm đông giá lạnh.
H.X.Đ