TIN TỨC

Đất có thổ công - Tản văn Nguyễn Linh Giang

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng: 2023-11-10 11:37:31
mail facebook google pos stwis
1474 lượt xem

Nhà văn Nguyễn Linh Giang quê quán tỉnh Quảng Trị, sinh sống và làm việc 30 năm tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội viên Hội Nhà văn TP.Hồ Chí Minh năm 2022. Nguyễn Linh Giang vừa xuất bản tập tản văn: “Sông vẫn chảy đời sông” (NXB Thanh niên, 2023). Về tập tản văn này, nhà văn Lê Minh Quốc trong “Tựa” viết cho tập sách đã viết: “Dám nói rằng, con người và vùng đất của mỗi địa phương đều đóng góp cho bộ sử của cả nước đầy đặn hơn, phong phú hơn. Mỗi khi chúng ta nói đến lịch sử một dân tộc là cần hiểu rộng hơn bao gồm cả yếu tố văn hóa, phong tục, tập quán, ẩm thực, v.v… của nhiều vùng đất khác gộp lại. Vì lẽ đó, những quyển sách về đề tài này, bao giờ cũng cần thiết, Nếu khi đọc xong, bạn đọc gật gù, tâm đắc: “À, ước chi có dịp đến nơi ấy một lần nhỉ?”. Được thế. Nhà văn đã thành công. Sông vẫn chảy đời sông của Nguyễn Linh Giang là một trong những tập tản văn như thế”.

Văn chương TP.Hồ Chí Minh xin giới thiệu tản văn Đất có thổ công được rút từ tập “Sông vẫn chảy đời sông” của nhà văn Nguyễn Linh Giang.

 

                Đất có Thổ công…

 

Ngày tôi còn nhỏ, mỗi kỳ giỗ chạp, ngoài việc cúng ông bà, cúng bậc có ngày kỵ, ở quê tôi còn có mâm cúng đất. Cha tôi nói rằng, đất này ngày xưa thuộc người Hời (người Chăm Pa), qua bao li loạn đổi thay nên các hồn ma không nơi nương tựa, không ai thờ cúng, “muôn ma Hời sờ soạng dắt nhau đi” (Chế Lan Viên). Cúng đất, lễ Tạ thổ kỳ yên trước là tri ân các bậc tiền nhân mở đất lập làng, các vị thổ địa, thổ công, thần hoàng làng; ngoài ra còn thờ cúng các thần vị cai quản đất đai, tổ tiên tộc người Chăm. Lễ vật dâng cúng bao giờ cũng dành phần riêng cho vong linh Chăm, dù rất khiêm tốn nhưng đặc trưng và thành kính.

Ảnh minh họa

Chăm Pa là một quốc gia cổ từng tồn tại từ năm 192 đến năm 1832. Cương vực của Chăm Pa xưa chủ yếu là vùng duyên hải Trung Bộ, lúc mở rộng nhất trải dài từ Hoành Sơn (Đèo Ngang, Quảng Bình) đến Bình Thuận ngày nay. Đến năm 1306 với việc công chúa nhà Trần là Huyền Trân kết duyên với Chế Mân - Vua Chăm Pa; Châu Ô, Châu Lý (sau đổi thành Châu Thuận, Châu Hóa) được làm vật dẫn cưới công chúa Huyền Trân. Từ đó, vùng đất Quảng Trị hoàn toàn thuộc cương thổ của Đại Việt. Nhìn lại, trước khi có người Việt, người Chăm Pa đã có mặt và cai quản đất này ngót một thiên niên kỷ.

  A.Laborde, một học giả người Pháp khi nghiên cứu về những dấu tích lịch sử trên đất Quảng Trị những năm đầu thế kỷ XX đã viết rằng: “Nếu người ta muốn trở về với nguồn gốc lịch sử, thời cổ xưa của Quảng Trị đáng được đặc biệt chú ý, bởi vì người ta thấy ở đất này nhiều dấu tích của người Chăm đã ở đây trước kia và để lại những di tích cổ thật kỳ lạ…” (1). Những di tích Chăm Pa ở Quảng Trị quả là những di tích cổ thật kỳ lạ! Ở rải rác nhiều nơi trong tỉnh Quảng Trị người ta “đã phát hiện những phế tích của đền đài, các tượng đá nhỏ, các bàn hiến tế bằng cẩm thạch, tượng Apsaras, tượng Garudas, các Linga và một số tàn tích khác của nền nghệ thuật Chàm” (2). Cho đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã khảo sát và xác định được gần 30 phế tích thuộc dạng đền tháp: Hà Trung (xã Gio Châu, huyện Gio Linh); Kim Đâu (xã Cam An), Định Xá, Lâm Lang (xã Cam Hiếu) thuộc huyện Cam Lộ; Trâm Lý (xã Hải Quy), Trà Lộc (xã Hải Xuân), Câu Hoan (xã Hải Thiện) thuộc huyện Hải Lăng; Dương Lệ, Võ Thuận (xã Triệu Thuận), Trà Liên (xã Triệu Giang), Bích La (xã Triệu Đông) thuộc huyện Triệu Phong… Một số nơi khác như An Lộng, Bích Khê, Đại Hào, Liêm Công được các nhà nghiên cứu người Pháp lưu ý đầu thế kỷ XX nhưng nay không còn dấu vết gì. Có thể thấy rằng, ở một địa bàn không lấy gì làm rộng lớn như Quảng Trị thì việc tồn lưu một số lượng đền tháp như thế, quả thật xứng đáng để gọi là “xứ tháp”. “Đây, điện các huy hoàng trong ánh nắng/ Những đền đài tuyệt mỹ dưới trời xanh” (Chế Lan Viên).

Các địa điểm thuộc di tích đền tháp Chăm Pa ở Quảng Trị qua các dấu tích hiện còn có thể thấy đó là những trung tâm tôn giáo của mỗi vùng trong toàn bộ địa bàn: Hà Trung- ngôi đền Indrakantesvara của Hoàng hậu Tribhuvanadevi và An Xá- trung tâm tôn giáo của vùng châu Ma Linh; Trương Xá (thượng nguồn sông Hiếu) và Dương Lệ- trung tâm tôn giáo của vùng bắc châu Ô; Câu Hoan- trung tâm tôn giáo của vùng nam châu Ô. Các khu đền tháp, phần lớn đều lấy biểu tượng của bộ sinh thực khí Linga – Yoni làm đối tượng thờ chính, đặt ở tháp trung tâm và vây quanh nó là từ ba đến bốn kalan trở lên. Ở khu tháp Dương Lệ, với những dấu vết hiện còn qua các cấu kiện kiến trúc, nền móng, nhất là kích thước to quá cỡ của bệ Yoni, có thể coi đây là một cụm tháp lớn hơn cả và hẳn là nó đã giữ vai trò như một thánh địa không chỉ của vùng bắc châu Ô xưa mà còn là cả một vùng khá rộng lớn thuộc vùng bắc Vương quốc Chăm Pa. Các đền tháp Chăm Pa ở Quảng Trị được xây dựng từ thế kỷ VIII đến thế kỷ XI.

Cùng với đền tháp, còn đây di chỉ về thành lũy của người Chăm Pa. Đó là Bến Lũy thuộc làng Cổ Lũy, xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh và địa điểm nằm ở phía tây nam khu chợ Thuận thuộc làng Vệ Nghĩa, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong. Thành Cổ Lũy và thành Thuận Châu đều được xây dựng trên vùng đồng bằng ven biển, gần các con sông chính trong vùng là sông Bến Hải và sông Thạch Hãn, đặc biệt gần hai cửa biển: Cửa Tùng, Cửa Việt. Điều đó cho thấy, người Chăm với con mắt nhìn chiến lược về biển đã đặt các trung tâm chính trị, quân sự gần ngay với các cửa biển. “Đây, chiến thuyền nằm mơ trên sông lặng/ Bầy voi thiêng trầm mặc dạo bên thành” (Chế Lan Viên).

Người Chăm Pa cổ đã làm hậu thế thán phục, kinh ngạc nhất là các công trình khai thác nước do người Chăm xây dựng, gồm nhiều thành phần cấu trúc phức tạp, liên hoàn, đa hình dạng, đa chức năng. Các công trình này nằm ven các triền đồi đất đỏ bazan hoặc ven các triền đồi cát vùng đồng bằng, ven biển và miền trung du. Hệ thống này bao gồm những công trình mang tính chất “dẫn thủy nhập điền” có vai trò thủy lợi cao, được nhân dân địa phương quen gọi là giếng: giếng Ba Vòi, giếng Mài Rạ ở vùng đất đỏ bazan Gio An, Gio Sơn; giếng Đắn, giếng Trạng làng Liêm Công, xã Vĩnh Thành; giếng Chùa, giếng Đá ở vùng cồn cát đông Gio Linh (xã Gio Mỹ). Chỉ riêng thôn Mai Lộc 2 (xã Cam Chính, huyện Cam Lộ) qua thống kê đã có 9 giếng cổ Chăm như giếng Cây Bàng, giếng Cây Thị. Độc đáo nhất là hệ thống giếng Chăm ở vùng Gio An (huyện Gio Linh), có 14 loại giếng cổ, hình thành một hệ thống giếng gần như liền kề: giếng Côi, giếng Dưới, giếng Nam, giếng Nữ… Các giếng Chăm đã trải qua hàng chục thế kỷ mà hiện nay vẫn còn dùng được, nguồn nước đang phục vụ cho người dân sinh hoạt, gieo trồng cây cối.

Ở làng An Bình của tôi, vẫn còn đó những địa danh: Cồn Chăm, Cồn Giàng, Cồn Đôống… với những giai thoại về người Hời. Ông bà ta xưa quan niệm: “Đất có Thổ công, sông có Hà bá”, cúng đất là để cầu nguyện âm siêu, dương thái, phần âm có yên ổn thì người dương mới an yên và có an cư thì mới lạc nghiệp. Sinh thời, cha tôi thường nói: người xưa tuy khuất mặt khuất mày nhưng luôn hiện diện bên ta, chỉ có chúng ta là không nhìn thấy. Bởi vậy, phải biết ơn các bậc tiền nhân đã xây dựng nên mảnh đất này. Đất Mẹ là cội nguồn của sự sống, phải biết kính trọng và tôn thờ!

………………………….

(1): A. Laborde. La province4 de Quang Tri. B.A.V.H, 1921.

(2): Theo “Nguồn gốc làng Câu Nhi”, trong cuốn “Văn hóa dân gian Quảng Trị”, Sở Văn hóa- Thông tin và Thư viện Quảng Trị xuất bản, 1992, tr.36.

 

Nguyễn Linh Giang

Bài viết liên quan

Xem thêm
Tuổi thơ bên dòng lũ
Có thể nói, dù mưa bão thường mang đến nhiều thiệt hại cho người dân miền Trung, nhưng lũ lụt cũng bồi đắp phù sa cho vùng đồng bằng duyên hải này, nhờ đó mà người dân nơi đây có thể sống bằng nghề nông nghiệp ổn định với mùa màng tốt tươi, cây lúa phát triển.
Xem thêm
Chiếc Nóp quê hương – Tùy bút Nguyễn Thanh
Thời kháng chiến chống Pháp, trong giai đoạn đầu cuộc đấu tranh gian lao vì sự nghiệp giải phóng dân tộc còn thiếu thốn quân dụng, có một hình tượng đặc biệt đậm màu sắc quê hương, không thể thiếu đối với nhân dân lao động và những chiến sĩ yêu nước tham gia kháng chiến. Đó là chiếc nóp bàng mà người dân Nam Bộ sống cách đây bảy thập niên đều biết đến.
Xem thêm
Gia đình, những nỗi đau ngọt ngào của Trương Văn Dân - Elena
Mấy năm trước có một số bạn văn và bạn đọc đã đề nghị tôi và Elena nên in chung một tập truyện. Và tập truyện mà các bạn đang cầm trên tay có chủ đề về những mối quan hệ trong gia đình và tình nghĩa vợ chồng. Sự sắp xếp này này là hoàn toàn ngẫu nhiên, lựa chọn các truyện ngắn đã viết trong những năm qua, vì nếu chọn chủ đề rồi mới viết thì các bài viết có lẽ sẽ khác và thiếu tự nhiên.
Xem thêm
Má tôi - Tản văn Trần Trọng Trung
Má tôi là một người phụ nữ đảm đang, hiền thục; có một đức tính thật thà, nhân hậu; có một phẩm chất của người phụ nữ Á Đông “Công, Dung, Ngôn, Hạnh”.
Xem thêm
Dấu ấn anh hùng – Bút ký Trần Thế Tuyển
Trong kháng chiến chống Mỹ, tôi may mắn được giao chép sử Trung đoàn 174 (đoàn Cao Bắc Lạng). Sau ngày giải phóng (30-4-1975), tôi lại thêm một lần may mắn nữa: trở lại chiến trường xưa, nơi Trung đoàn đã chiến đấu và gặp lại những người con ưu tú đã góp phần xây nên truyền thống vẻ vang của đơn vị hai lần được tuyên dương danh hiệu Đơn vị AHLLVT ND.
Xem thêm
Có một người thương binh như thế
Về Trung tướng nhà văn Nguyễn Mạnh Đẩu
Xem thêm
Chữa lành và những ngôi sao thức – Bút ký Thanh Huyền
… Đêm đã về khuya, gió biển vẫn mải mê hợp xướng với dàn đồng ca đại dương. Tôi vẫn tản bộ trên dải cát cùng với những nghĩ suy, chất vấn. Tôi không biết mình đang chữa lành ở dạng thể nào nhưng mong rằng khoảng trống nơi tim được lấp đầy... và chắc chắn tôi cũng là một trong những ngôi sao thức!
Xem thêm
Hoàng hôn trên đảo vắng – Tạp bút của Thúy Dung
“Hoàng hôn” là lúc mặt trời lặn, kết thúc một ngày gieo ánh sáng. Ai từng nghe bài “Đà Lạt hoàng hôn” của Minh Kỳ – Dạ Cầm, hẳn còn nhớ câu “Lắng nghe chiều xuống thành phố mộng mơ, màu lam tím, Đà Lạt sương phủ mờ”.
Xem thêm
Hồn sông, hồn quê trong thơ trong nhạc
Nguồn: Hồn sông, hồn quê trong thơ trong nhạc (Tạp chí Sông Lam) và Văn nghệ Công an số 715, ngày 11/7/2024.
Xem thêm
Những cống hiến, hy sinh của người lính đánh đổi để có hoà bình, phát triển kinh tế đất nước
Nguyện xứng đáng với lòng tin yêu của Đảng, nhân dân. Nâng cao cảnh giác, chủ động sẵn sàng đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn phá hoại của kẻ thù, bảo vệ vững chắc môi trường hoà bình; đóng góp sức mình cùng cả nước giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh…
Xem thêm