TIN TỨC

Điểm nhìn thứ ba bất vị lợi - phép bút tiểu thuyết của Lưu Vĩ Lân

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2023-01-03 16:35:04
mail facebook google pos stwis
1296 lượt xem

VĂN CHINH

(Bài đăng trong ấn phẩm Viết & Đọc Mùa Đông 2022)


Nhà văn Lưu Vĩ Lân và bìa 3 cuốn tiểu thuyết của ông.

Liên tiếp trong các năm 2018, 2019, 2020 Lưu Vĩ Lân cho xuất bản tiểu thuyết bộ ba Mật đạo, Ngẫu tượng Nghiệp chướng; chúng lập tức đưa tác giả lên hàng đầu các tiểu thuyết gia của nền văn chương nước nhà. Là nhờ chúng độc đáo, mỗi tập một chủ đề, một nhân vật chính khác nhau; chúng có thể tiếp tục nhau mà vẫn độc lập như các ngọn núi trong một dãy núi chung, đồng thời sau ba chủ đề lần lượt khép lại ta chợt nhận ra một chủ đề nữa như chính dãy núi sừng sững vừa bao trùm tạo nên một giá trị khác, vừa soi chiếu trở lại và soi chiếu nhau làm nổi bật hơn các giá trị đã có ở từng cuốn.

Chúng ta từng có tiểu thuyết bộ bốn Cửa biển của Nguyên Hồng, bộ hai Bão biển Đất mặn của Chu Văn, Thăng Long ký [dự kiến 20 cuốn] của Nguyễn Khắc Phục, bộ tám Cõi nhân gian của Nguyễn Phúc Lộc Thành; xa hơn nữa, Tam quốc chí diễn nghĩa, Đông Chu liệt quốc… là trường thiên tiểu thuyết. Hình như Nguyên Hồng, Nguyễn Khắc Phục đã mường tượng ra sức mạnh bùng nổ của quy luật nén xả trong tiểu thuyết bộ, nhưng tiếc thay cả hai đều quá yêu lịch sử và đều bị nó át vía. Lịch sử thể tài đã ghi nhận tiểu thuyết bộ ba Người đàn ông trong vụ án, Quả dâu tây [Khóm phúc bồn tử?], Về tình yêu của Tchekhov nhưng có vẻ như bộ ba này không có tiếp nối nhân vật thay thế nhau chính phụ mà chỉ có chung chủ đề: Mỗi người đều là tù nhân của chính mình [quan niệm sống, nỗi sợ hãi người khác mà rồi kẻ gây ra nỗi sợ ấy lại là tù nhân của chính mình hay như Nicolai Ivanuts dành cả đời nuôi dưỡng ước mơ làm chủ điền trang trồng dâu tây để rồi phải nhấm nháp cái vị vừa cứng vừa chua mà vẫn lấy làm “ngon lắm”.] 

Tôi đã đọc ngược, bắt đầu từ Nghiệp chướng, cuốn thứ 3 của bộ ba. Cái đọc của nước mình nó thế, các thành phố lớn không có sách của nhau, Tây Bắc không có sách vùng châu thổ cả Nam lẫn Bắc và ngược lại. Thật may, Nghiệp chướng vừa hay vừa hấp dẫn. Tôi đã đọc một mạch, thâu đêm. Xong thì bàng hoàng nhận ra: cùng với cuộc sống, văn chương đã quá say sưa với chiến thắng 30 tháng tư; về sau, khi đất nước tràn ngập bo bo thì văn chương lại đi sâu vào than thở, tiểu thuyết từng “oanh liệt” một thời như Đứng trước biển mới chỉ là chữa triệu chứng chứ chưa tìm ra căn bệnh của nền kinh tế, như kiểu dùng than củi chạy ô tô khi xăng đã cạn. Chưa nhà văn nào nhìn qua lăng kính sách vở để thấy được cái lõi của vấn đề: người chiến thắng sẽ quản trị xã hội, điều khiển thêm một nửa đất nước thế nào để 15, 16 triệu dân có cơm ăn việc làm như vẫn, khi mà dòng tiền hàng tỉ đô la hằng năm từ Mỹ đã ngừng rót đột ngột? Và cũng bằng ấy nữa cư dân ở miền Bắc từng thắt lưng buộc bụng mấy chục năm để phục vụ kháng chiến trong bối cảnh mà các nền kinh tế tương tác với Việt Nam đang dần bị khủng hoảng trầm kha, nó không sao gượng dậy nổi nữa để buộc phải trở về với phương thức chợ quê: hàng đổi hàng! 

Xuất thân trong một gia đình nghiệp chủ, Lưu Vĩ Lân hẳn từng chịu nhiều sức ép thời hậu chiến, nhưng may mắn là ông đã thừa hưởng tố chất ưu việt nhất trong các tố chất của giai cấp ấy: tìm cơ hội để vượt lên, vượt thoát trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn đen tối nào, chứ không chịu đầu hàng chúng rồi ngồi than thở. Đó là tố chất của Luân, Giáo sư Đại học Berkeley Hoa Kỳ, người đã bay ngược chiến dịch “Gió Lốc” (Frequent Wind) di tản triệt để người Mỹ cùng cộng sự, để từ Mỹ trở về Sài Gòn trước 4 ngày Quân Giải phóng làm chủ thành phố. Luân chứng kiến cơn hoảng loạn của giới chủ Sài Gòn trước đổi thay chóng mặt của thời hậu chiến: hàng hóa, đặc biệt là nguyên liệu khan hiếm, sản xuất đình đốn, nhiều người di tản, vượt biên; chính quyền quân quản còn lúng túng với quản trị xã hội dân sự, quản lý nền kinh tế mà chưa hề có kinh nghiệm… thực tại ấy là “đầu vào” của tâm trí Luân trong tư cách người quan sát nhưng “đầu ra” lại là thứ mà anh coi là cơ hội. Cơ hội hay chính xác hơn là lợi thế của kinh tế trong thời bình, thống nhất vì sức mua tăng lên gấp đôi, nhu cầu sắm sửa tiện nghi sau mấy mươi năm cơ cực, như thế thì hàng hóa nào, hàng kiểu gì cũng có thể bán và bán chạy; đó là một dòng chảy của cải mới Luân đã nhận ra vào lúc cái thị trường còn đang trong đại hạn, cạn kiệt.

Đáng nể hơn nữa là Luân thuộc nghị quyết, nghị định của chính quyền mới còn nhanh hơn người nhà nước, anh biết nó là luật khi nước chưa có luật thương mại để từ đó mà lách luật: Luân đã hiểu “cấm quốc doanh” xuất nhập khẩu thì tư nhân, ở đây là hợp tác xã mua bán có thể làm vì nó không phải đối tượng luật cấm và anh đã mách nước để công ty thương mại quốc doanh liên kết với họ để xuất hàng đặc sản, nhập nguyên vật liệu cho sản xuất; anh cũng lách luật cấm vận của Mỹ bằng cách giao nhận hàng ở phao số 0. Bằng cung cách ấy, anh nối lại các quan hệ bạn sản xuất hàng/mua hàng truyền thống và cuối cùng, Luân đã tiên phong trong công cuộc chuyển đổi từ nên kinh tế phụ thuộc ngoại viện sang tự chủ phát triển đồng thời phá thế bao vây cấm vận và tự cấm vận. Luân, một ví dụ về giới nghiệp chủ với ý chí vượt thoát hoàn cảnh kết hợp với tri thức tiên tiến nhất thời đại đã hình thành tư duy nền tảng của đổi mới tư duy. Đó chính là cái làm nên khác biệt giữa Việt Nam với Liên Xô, Đông Âu mặc dù chính họ перестройка (perestroika - tái cấu trúc) trước Việt Nam nhưng rốt cục đã đổ bể.

Một tố chất quý hiếm thứ hai, vốn là đặc hữu của giới nghiệp chủ già đời mà Luân thừa hưởng, là không tiêu tiền nhặt được. Đó là khoản 5 triệu dollar cùng các thiết bị chiến tranh khác của CIA chất lên cái container, một nhân viên tên Đức được giao đưa đến một địa điểm sẽ đặt bom tiêu hủy. Đức tiếc của, cũng tự biết một mình không xài nổi nên đã định cưa đôi với Luân. Trường đoạn này của tiểu thuyết nhiều li kỳ, gay cấn, thậm chí bị đám tàn binh đang trốn lủi toan tính ám sát để chiếm đoạt nhưng anh đã khôn ngoan và đầy mưu trí vượt qua. Món tiền này được chính quyền mới trả lại cho CIA, trở thành điểm son của Cộng sản trong các bước nối lại bang giao giữa hai cựu thù. Như thế, tố chất nghiệp chủ đã đóng góp vào điểm son ấy - điểm son của người Việt. Ở Mật đạo, tố chất này rõ rệt hơn trong cha của anh, ông Út Lam: khi cần, ông đã làm hết sức mình để ngăn chặn hiểm họa cho dân tộc; ông yêu nước theo kiểu của mình, đứng ngoài chính trị, phe phái, quyền lực, chỉ tự lãnh trách nhiệm phải lo cho công nhân của mình và rộng ra là người Việt mình có cơm ăn áo mặc, được yên ổn sống hạnh phúc trong hòa bình.

Mật đạo phác họa chân dung giới nghiệp chủ Sài Gòn. Họ, đại diện là ông Lam trong quan hệ với Mỹ, Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), với quân Cách mạng gồm quân Giải phóng (VC) và bộ đội chủ lực của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH.) Từ ngẫu nhiên, mảnh đất điền trang của ông Lam thành vết dao chém chia tách hai miền, dần dần nó trở thành ẩn dụ của nỗi đau lịch sử, đất trang trại của ông Lam thành bãi chiến trường. Sa trường mới chồng lên sa trường cũ - Sơn phòng Tân Sở - nơi vua Hàm Nghi và các đại thần lập chiến địa khu chống Pháp hồi năm Quý Mùi 1883, có thành cao (bao gồm cả núi non hiểm trở) hào sâu (bao gồm cả các con sông tự nhiên hung dữ) lại có đường hầm nhân tạo nối các chiến khu đồng thời là đường hầm thoát ra khỏi chiến địa khi cần. Thế rồi, như đất đai của mình, ông Lam chịu đựng cuộc chiến tranh mà phía nào cũng lợi dụng ông, ông đáp ứng tất cả bằng triết lý ai làm chủ thì dân làm ăn vẫn phải lấy lòng nhưng trong thâm tâm, ông Lam cùng Gia đình [một kiểu group, trust mini có tên như thế] vẫn chịu Hà Nội có chính nghĩa trong cuộc chiến: Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Chiến khu xưa của vua Hàm Nghi trở thành linh thiêng trong ông Lam và đến lượt mình, ông Lam đã gia cố mật đạo được hiện đại hơn để tự vệ. Ông cự tuyệt thiếu tá biệt kích Sơn, không để y biết mật đạo, đành thỏa hiệp để đại tá Jeff thuê đất đặt hàng rào MacNamara ngăn chặn quân Cách mạng Hà Nội nhưng giữ bí mật tuyệt đối một mật đạo của Hà Nội do ông Cơ - nhà tình báo chiến lược - đào qua điền trang của mình. Tại hàng rào điện tử này, đại tá tình báo Jeff lại mượn quy luật tự nhiên, hiện tượng cướp dòng nhau giữa các dòng sông, định dùng thuốc nổ gây sạt lở đất, cho nguồn nước từ các sông đều dồn cả về sông Cam Lộ, gây ra ngập lụt nhằm ngăn chặn cuộc đưa quân từ Bắc vào Nam. Mặt khác, ông phải thường xuyên thết đãi Jeff, thiếu tá biệt kích Sơn; sẵn sàng cứu ông Cơ thoát chết do đá sạt đè, về sau lại thoát khỏi lũ phỉ người Nùng - thực chất đó là cuộc vây ráp cướp của, cướp người vừa kết hợp đòi tiền thưởng của Mỹ và VNCH của đám phỉ. Mảnh đất thiêng của tiền nhân bấy giờ do ông Lam sở hữu đã bị dày xéo, tàn phá, trấn cướp đến tả tơi, nhàu nát bởi nhiều thế lực vào giữa những năm 1960. Vừa can đảm vừa mưu trí, ông Lam đã chiến thắng chung cuộc mà không mất lòng ai. Nhưng, ông đã từ nơi yên ổn là cố đô Huế mà bay ngược trở lại thượng nguồn sông Cam Lộ, nối mạch điện để những quả mìn lớn mà ông đã chôn giấu từ lâu phát nổ, phá sập âm mưu cướp dòng nhân tạo của Jeff. Cái chết của ông Lam kỳ vĩ và bí ẩn như mật đạo Sơn phòng Tân Sở nay là điền trang Ba Đồi của ông, như thể ông đã hòa vào mảnh đất thiêng khiến nó thiêng hơn. Ông Lam là hình tượng nghệ thuật lớn, chứa trong mình tinh túy của tri thức Việt, trí lự Việt, lòng yêu nước thuần Việt. Út Lam không chỉ giữ bí mật huyệt đạo của tiền nhân với Jeff, ông còn không lộ ra với thiếu tá biệt kích Sơn cùng quân lực VNCH, dù đây là thể chế mà ông có bổn phận phải phụng sự. Ông biết rằng sự nghiệp kinh doanh của mình phù hợp với thể chế VNCH hơn và rằng VNDCCH từng đánh đổ giai cấp tư sản nhưng có một thứ lớn hơn tất cả, là ngăn chặn chiến tranh xâm lược của ngoại bang. Đây vừa là một chân lý từ xa xưa truyền lại vừa là sự khẳng định về mặt nghệ thuật, lần đầu tiên, lòng yêu nước là điều thiêng linh trong mọi người Việt. Lòng yêu nước ở Út Lam thậm chí còn rất hiệu quả, do ông có ân uy, có trí lự, có kỹ thuật kỹ năng sống để cống hiến và “bước tột cùng [cũng] là dòng máu chảy” như một anh hùng liệt sĩ.

Út Lam vừa đại diện theo nghĩa đen của group Gia đình vừa tiêu biểu cho giới trí thức và nghiệp chủ góp của cải, trí lực vào cuộc chiến tranh cách mạng giành độc lập dân tộc 1945 rồi 1975. Do định kiến, lại do điều kiện “đi thực tế”, văn học ta mới có tư sản thực dân mà cũng còn vừa ít vừa mờ nhạt lắm: Đờ vanh xi, nhà Thi San của Nguyên Hồng rồi bẵng biền biệt cho đến Mật đạo mới xuất hiện dày đặc: ông Hai, cô Ba, ông Tư, ông Năm Bắc Kỳ, ông Sáu Australia, Út Lam rồi Cõi nhân gian với nhân vật nghiệp chủ, quan chức hiện đại: anh Yên, Nguyễn Thiện Hương, ông bà Công… Út Lam từng du học Pháp rồi Anh, từng khiến Jeff rồi John kính nể trình độ nói tiếng Anh như một người Anh. Trong thế chiến II, ông mua lại đồn điền Ba Đồi của người Pháp, trở thành hình ảnh của giới nghiệp chủ mới, có tri thức tác phong làm ăn lớn hiện đại.  Group Gia đình từng xuất khẩu tư bản sang Australia (ông Sáu) sang Hongkong (ông Tư Hoa kiều) và khi đất nước chia hai miền, họ đã dứt khoát để ông Năm ở lại miền Bắc cùng vốn liếng máy móc nhà xưởng. Lập luận của Gia đình rất thức thời, họ muốn nhắn nhủ với Hà Nội những thiện ý sâu xa: chúng tôi tôn trọng thể chế, xin để lại tài sản đóng góp xây dựng đất nước rồi tự nguyện làm công dân lương thiện, cùng đồng cam cộng khổ với thể chế. Do thiện ý này mà ông Năm trở thành một cán bộ thương mại rồi Mặt trận Tổ quốc; con gái ông, Tiên, được du học kinh tế ở Liên Xô và nhờ vậy, về sau, Tiên đã kết hợp nhuần nhuyễn tri thức kinh tế Đông với phương Tây do Luân đưa về; trở thành “mẹo mực” vượt rào, tiền Đổi mới. Họ đã thành công trong cuộc vượt thoát cấm vận, tự cấm vận thời hậu chiến ở Nghiệp chướng

Đại tá Jeff vừa có nhiệm vụ lập hàng rào điện tử vừa có đặc nhiệm nghiên cứu độc lập cho nhóm think tank của đại học Berkeley trong đề án: Liệu Mỹ có thắng trong cuộc chiến tranh này không, nếu không thì phải làm thế nào để giữ thể diện? Jeff, qua tiếp xúc với ông Lam, qua trực tiếp quan sát núi rừng sông suối ở nơi xa xưa là Sơn phòng Tân Sở - chiến khu chống Pháp của vua Hàm Nghi - ông ta thiết lập hàng rào McNamara trong tâm trạng biết rằng nó vô dụng, nó không thể ngăn Hà Nội mang quân ồ ạt vào chiến trường mà thậm chí không gây nổi vụ sát thương nào cho quân Bắc Việt. Ông ta cũng biết, ngay từ 1967 rằng không bom đạn và chất độc nào có thể thiêu rụi cây cỏ Trường Sơn, nó, cùng với nắng mưa nhiệt đới và sông suối ở đây là sức sống bất diệt và bất khả chiến bại. Jeff không biết rõ mật đạo ở chỗ nào, nhưng ông ta biết rằng có nó, cũng như ông lờ mờ cảm nhận được tính thiêng của nó và rằng nó đặc biệt thiêng linh ở ông Út Lam cùng những cộng sự người thiểu số. Và ông ta, cùng nhóm think tank đại học Berkeley đã hình thành học thuyết rút quân ngay từ 1967, chỉ sau vài năm Mỹ đổ hơn nửa triệu quân vào miền Nam Việt Nam. Bộ ba nhân vật thành công trong Mật đạo: ông Út Lam, đại tá Jeff và thiếu tá biệt kích Sơn hiểu nhau khá kỹ. Jeff và Sơn đều biết ông Lam có trong lòng bí mật Ba Đồi, cả hai đều muốn lợi dụng bí mật ấy; cả hai đều có lợi thế: Jeff là thầy của Luân, con trai ông, hiện vừa là đồng nghiệp vừa cấp dưới của Jeff; Sơn có quyền lực, có súng đạn đe dọa sự sống của ông Lam. Y đã bắt cóc ông Lam, buộc phải nộp mật đạo. Nhưng người chiến thắng lại là Út Lam, kẻ không có quân lực vũ khí hủy diệt, trong tay ông chỉ có trí lự, có sự đề phòng từ trước. Bằng trí lực mẫn tiệp, ông lợi dụng người nọ khống chế kẻ kia. Với Jeff, ông cư xử như giữa hai người bạn có cùng đẳng cấp, tin cậy và tôn trọng lẫn nhau, ông cũng để lộ cho Jeff biết toan tính của Sơn, muốn qua mặt Mỹ mà “nẫng” mật đạo cho riêng mình và ông đã dùng Jeff trị Sơn còn mình thì thoát ra. Bằng trí thức và tinh thần nhân văn phổ quát về môi trường, Út Lam đã thuyết phục Jeff, ngăn chặn các mưu toan cướp dòng nhân tạo [gọi mật danh là “thủy đạo”] của Jeff và gần như là mượn trực thăng, mượn quân lệnh của Jeff bay từ Huế về Ba Đồi để triệt phá âm mưu của chính Jeff mà không hề phương hại đến quan hệ thày trò Jeff - Luân. Đấy là những trang kỳ bút của tiểu thuyết. Jeff thừa biết ông Lam vừa từ Ba Đồi về nhà ở Huế để tránh đạn bom rồi lại gấp gáp trở lại Ba Đồi với mục đích gì, nó trực tiếp phá hủy chính dự án chiến lược thủy đạo của y, nhưng Jeff vẫn cho mượn, với y, ông Lam là người trọng danh dự mà phàm các việc ông đã làm, việc nào cũng có lý và đều tử tế. Cố nhiên, Jeff không thể trọng danh dự bạn bè cá nhân hơn danh dự quân nhân, càng không đặt nó cao hơn quyền lợi của Mỹ. Y đã bị ông Lam mơ hồ thức tỉnh để cảm thấy tinh thần của nước Mỹ cũng không thể cho phép y đánh bom nước - mà sức công phá hủy hoại của nó còn hơn quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima. Thật kỳ lạ, Jeff không bao giờ nói với ông Lam về thủy đạo nhưng y biết rằng ông Lam đã biết đến sự hiện hữu của nó. Cũng chính điều đó thức tỉnh Jeff nhận ra, Mỹ không thể thắng trong cuộc chiến này, vì trong mọi người Việt đều có mật đạo - chữ đạo vừa có nghĩa con đường vừa có nghĩa đạo lý chứa đựng tâm linh - cái mà không chỉ Mỹ không có, cả VNCH mà cụ thể là thiếu tá Sơn cũng không có được.

Ngẫu tượng tiếp tục vấn đề danh dự vốn là một sức mạnh ở ông Lam. Dũng từng chịu ơn ông Lam, học ở ông đức trọng danh dự, trở thành nhân vật chính trong Ngẫu tượng, có thể coi Dũng là một sĩ quan VNCH biết thua cuộc trong danh dự. Là một trong hai đại tá được đặc cách phong Chuẩn tướng để chỉ làm một nhiệm vụ là chỉ huy lực lượng Thủy quân lục chiến rút chạy khỏi Đà Nẵng. Sài Gòn quả thật biết cách thua cuộc. Họ tính trước khả năng hỗn loạn do hỗn quân hỗn quan lúc rã đám. Họ biết từng người lính vốn quen dựa vào Mỹ, cả hỏa lực lẫn tiền của, nay phải tháo chạy nhục nhã, việc đầu tiên là họ đổ trách nhiệm thua cuộc cho nước Mỹ và sẵn sàng bắn bỏ người Mỹ để hả giận; bắn chết dân thường để cướp của hoặc bắn lẫn nhau để giành chỗ trên tàu thủy, trên máy bay di tản. Lưu Vĩ Lân tả thật sống động và không nhiều lời: Ánh mắt người lính rừng xanh say rượu, say chiến trận, say cay đắng chua chát, vằn lên những tia gân máu thật dễ sợ. Trong bối cảnh như vậy, đại tá biệt kích Sơn đã gọi điện gạ bán danh sách tình báo của Việt cộng cài vào tình báo VNCH, để bắt giữ John và đòi tình báo Mỹ chuộc 1 triệu dollar và Dũng phải thực hiện nhiệm vụ trao đổi này khi Đà Nẵng đã nằm trong tay quân Giải phóng. Nhờ ý chí và danh dự của Dũng, Hải quân và một phần của quân lực của VNCH đã rút nhanh, rút gọn về Nam. Cuộc triệt thoái, thực chất là cuộc rút chạy ở toàn miền Trung lúc đó, nhanh đến nỗi quân Giải phóng đuổi không kịp, gần như không phải đánh một trận nào mà giải phóng được cả một khu vực rộng lớn.

Trong những ngày còn ở căn cứ Đà Nẵng, Chuẩn tướng Dũng có cuộc nhậu với hai người bạn thân thiết, đó là Tân, Tiểu đoàn phó Bộ binh ở Dục Đức về họp chiều lại bay vào căn cứ, và nhà báo Lữ của Việt Tấn Xã. Lữ cùng Dũng biết Tân quay lại Dục Đức là về tử địa, muốn mượn cớ trưng dụng Tân bằng quân lệnh đặc biệt để anh ta ở lại có đất sống hợp pháp, nhưng Tân “không thể bỏ lính trong vòng lửa đạn để thoát thân.” Vậy rồi Tân quay về Dục Đức và đã bị trọng thương rồi bị bắt. Thật may mắn, Lữ lại là tình báo cấp cao của quân Giải phóng, anh ta biết Tân bị trọng thương nhờ đọc được thông báo ngày của bên chiến thắng. Theo yêu cầu của Lữ, Dũng đã dùng máy bay đưa Tân từ bệnh viện quận lỵ Dục Đức nay đã do quân Giải phóng quản lý về Đà Nẵng để điều trị.

Vâng, nhờ tình bạn và nhờ các bên tham chiến là những người cùng trọng danh dự, Chuẩn tướng Dũng đã cứu sống Thiếu tá Tân giữa một bối cảnh không thể tin nổi. Cho phép và kiểm soát chuyến bay đó là ông Cơ, ông đã nói với Dũng: “Đúng như tinh thần của cái ensigne mà quân đội anh đã ghi: Tổ quốc - Danh dự - Trách nhiệm”. Ông còn nói: “Tổ quốc là Tổ quốc chung, Danh dự thì mỗi người phải giữ, nhưng Trách nhiệm thì phải gánh vác suốt đời, nên đừng làm sai. Phải cân nhắc sáng suốt phán đoán”. Về sau, ông Cơ còn gặp lại và nói với Dũng ở Đà Nẵng: “Một tên Pháp thực dân có thể dùng ba toong gõ lên đầu mình mà vẫn phải cúi đầu. Những cường hào hà hiếp mình vẫn phải dạ bẩm. Những ông Mỹ to đùng đầy súng ống và tiền của xông vào nhà mình chỉ dạy mình đủ điều, buộc mình phải đánh đấm lung tung, không chịu là nó ám sát ngay […] Có lẽ Dũng ghét Cộng sản quá mà quên mất những điều như vậy.” […] “Lịch sử oan trái phân chia chúng ta, chứ chúng ta có cùng một niềm kiêu hãnh…” “Chúng ta phải tìm cách làm hòa với nhau. Trong cuộc chiến này người Mỹ thua chứ anh em chúng ta không hơn thua nhau.” Về sau, hậu chiến đã xẩy ra những điều tệ hại, do hẹp hòi tị hiềm, thực tại đã cư xử không phải với những người như Dũng. Cũng dễ hiểu thôi, đến đồng đội còn tranh công đổ lỗi, vu vạ nhau để mình vươn lên chứ nói chi những người từng là đối thủ? Nhưng những điều ông Cơ nói là lời gan ruột của người từng 30 năm ở rừng và đó thật là những trang viết hào sảng, trượng nghĩa. Lữ nhận xét về điều xảy ra thật hay, xứng danh một nhà báo học nghề ở Mỹ: “Chiến sự là bề nổi của một cuộc chiến. ‘Toa’ là dân biệt kích biển, ‘toa’ biết rằng khi lặn xuống một đại dương đang bão táp thì dưới đó vẫn yên bình. Càng đi xuống sâu càng yên bình.” Ông Cơ và Lữ đều muốn ném chiếc phao bơi cho một đối thủ mà họ kính trọng, để Dũng không chết chìm trong cái biển thảm họa thua cuộc đang nổi sóng cuồn cuộn. Dù sao thì Chuẩn tướng Dũng cũng đã bình tĩnh, sáng suốt trong những ngày còn lại của chiến dịch rút chạy có tên “Thuyền viễn xứ”: Anh ta giải cứu 2 sĩ quan CIA bị hàng nghìn tàn binh bắt giữ tại Lãnh sự quán Hoa Kỳ ở Đà Nẵng bằng mưu trí sáng suốt cũng như tính nhân văn, tình bạn cao cả; giải cứu mẹ chồng, cô em chồng của Cúc - người yêu cũ và hàng vạn dân thường, hàng vạn tàn binh.

Căn cứ cuối cùng của Vùng 1 chiến thuật là Cù lao Chàm, nơi tập kết bộ chỉ huy chiến dịch “Thuyền viễn xứ” trước khi được chiến đỉnh PTF đón đưa vào Nam như một bức ảnh thu nhỏ của cảnh hỗn quân hỗn quan. Ở đây có bắn giết nhau giành chỗ lên tàu, có giết người cướp của và đặc biệt còn có việc thanh toán lẫn nhau để trừ mọi hậu họa xảy ra ngay sát ngày 29 tháng 3 năm 1975. Đấy cũng là ngày cuối cùng Dũng buộc phải thu xếp tương lai cho một đặc tình bất thành, do chính tay Dũng bắt Nụ đưa từ Quảng Bình vào trại Phượng Hoàng, đặt tại Cù lao Chàm huấn luyện nghề tình báo trước khi trả cô về lại quê nhà. Anh ta yêu Nụ, cũng biết cô từng bị John lợi dụng, biết Trung tá Trục cưỡng chiếm cô tới ba tháng liền và quan hệ hiện tại của cô là Bắc, tên hải tặc từng hợp tác với Dũng trong những ngày lênh đênh trên biển trong tình trạng dân quân đã nghi ngờ có vụ biệt kích mưu toan cập bờ. Nụ không thể về Bắc, cũng không thể có danh phận trong Nam, Dũng đành để cô đi với Bắc như một cặp vợ chồng dân chài lênh đênh nay đây mai đó. Nhưng chính khi quyết định như vậy, Trục đã săn lùng cô, hắn biết nếu để cô vào Nam hắn sẽ bị quân luật xử lý tội cưỡng dâm. Nụ đã bẫy Trục đến chính căn phòng cô đang ở với Dũng và đã bắn chết hắn.

Vậy là thêm một hành vi, trong nhiều hành vi của Chuẩn tướng Dũng những ngày chỉ huy rút chạy trở nên không giải thích hoàn toàn minh bạch được đối với Mỹ - ở đây là với John. Anh ta bị nghi ngờ và cách Mỹ hay làm trong trường hợp này là đưa Dũng đến sống tại một hoang đảo ngoài khơi Thái Bình Dương suốt 21 năm - thời hạn giải mật của pháp luật Hoa Kỳ, Nụ và John - có vẻ như họ đã là một cặp đưa anh tái hòa nhập cộng đồng, gần như đã mất trí nhớ. Than ôi, đó là tất cả tình sâu nghĩa nặng họ đã làm với tư cách từng là bạn trong chiến tranh. Nhưng đó có thể chính là cách Dũng chọn cho mình sau khi đã ra khỏi cuộc chiến như một bại tướng tận tụy, cách trả mình về với hư vô.

  Tiểu thuyết bộ ba của Lưu Vĩ Lân đã náo hoạt, khiến dẫn cả một thời gian dài bi thương của dân tộc, của người Việt thức dậy trong tôi: Chiến sự vùng đường 9, sông Thạch Hãn, sông Bến Hải ác liệt bậc nhất cuộc chiến, đó là vết cắt không bao giờ đứt lìa vì vậy mà nó vặn vò, nó day dứt suốt 21 năm không đêm ngày nào không đau hay nói như ông Cơ:“Tổ quốc của chúng ta đã quằn quại đủ rồi…”[Mật đạo]. Cuộc chỉ huy rút chạy khỏi Đà Nẵng của Chuẩn tướng Dũng, viên tướng có danh dự và trách nhiệm làm tất cả để đỡ đau đớn nhất, đỡ xương máu nhất cho quân lực của mình và cả phía quân Giải phóng. Việc của Chuẩn tướng Dũng, của ông Cơ có Lữ cộng sự đã làm tốt nhất phận sự của mình để chuẩn bị cho thời hậu chiến đỡ bi thảm nhất. [Ngẫu tượng] Nghiệp chướng, GS Luân, ông Năm Bắc Kỳ và con gái Tiên đại diện cho một thế hệ không kỳ thị đã hồi sinh một sa trường dai dẳng với xiết bao gian nan cơ cực. Họ đã xứng đáng với cha ông.

Tôi đã đọc nhiều tiểu thuyết của các sĩ quan quân đội viết về cuộc chiến, cả phía VNCH. Với các tác giả thuộc VNCH cũ, tôi ngạc nhiên là hơi nhiều oán thán [Mỹ bỏ rơi và Sài Gòn tham nhũng] mà ít những nhân vật kiểu như trung úy rồi Chuẩn tướng Dũng, thiếu tá rồi đại tá biệt kích Sơn, đại tá John, đại tá tình báo chiến lược Jeff. Với các tác giả QĐNDVN, tôi cũng hơi tiếc là ít nhân vật đạt tầm cỡ ông Cơ, ưu trội của các nhà văn là tả trận thật ác liệt, nhiều anh hùng, trí mưu nhưng chưa có một sa trường [chiến địa] nào gây ám ảnh, gợi được hình ảnh Tổ quốc đã quằn quại đủ rồi, như Mật đạo đã khiến tôi nhìn rõ. Tôi nghĩ đây không hoàn toàn thuộc về tài năng, nó còn bị điểm nhìn chi phối.

Các nhà văn quân đội cũng nhiều người thuần thục phân thân, nhiều tác giả chọn điểm nhìn khách quan, nhưng từ trong sâu thẳm, họ vẫn chứa chất những cảm hứng tự thân, từng căm giận đối thủ, xót thương đồng đội, dồn nén khó khăn sinh tử… những cảm thức ấy sẵn sàng vọt ra từ tiềm thức khiến trang viết thật, sống động, đọc lần đầu thấy hay, chỉ từ lần sau mới giảm dần mà nhạt đi như rượu hãm. Đó là quy luật của cảm tính bất tự giác. Lưu Vĩ Lân không có trải nghiệm chiến trường, không đứng bên này nhìn bên kia, ông chọn điểm nhìn thứ ba bất vị lợi. Đúng hơn, Lưu Vĩ Lân đứng dưới chân Tổ quốc, lắng nghe nỗi đau của oan trái lịch sử, lắng đọng thẩm thấu chúng để thành một điểm nhìn thuần túy nghệ thuật. Điểm nhìn này cho phép nhìn thấy người trước phẩm chất, chức tước, ý thức hệ; sau đó mới đến thói quen tư duy, ngôn ngữ, ứng xử. Các câu chuyện, các nguyên mẫu đều qua cái nhìn ấy mà hình thành nhân vật, do đó, chúng thật còn hơn hiện thực. Những ông Út Lam, anh Hai, cô Ba, Luân, Tiên, Jeff, John, Chuẩn tướng Dũng, đại tá biệt kích Sơn… vừa từ hiện thực vừa khác hiện thực, như thật đấy nhưng gần nghệ thuật hơn là gần thực tại, bởi vì nó sinh ra từ tư tưởng nghệ thuật.

Tiểu thuyết bộ ba này do đó chịu được cái đọc nhiều lần, có thể so sánh tính hấp dẫn đẳng cấp quốc tế với Mật mã Da Vinci của Dan Brown, với Cha con Giáo hoàng của Mario Puzo nhưng tư tưởng nghệ thuật Dan Brown lờ mờ hơn còn Mario Puzo thì không nói vì có vẻ như với tác giả này coi văn chương chỉ có chức năng giải trí. Đọc xong Ngẫu tượng, tôi liền đọc lại Nghiệp chướng và lần đọc lại này chợt hiểu rõ hơn vì sao Luân coi những ngày khó khăn cơ cực của hậu chiến lại là cơ hội, là dòng chảy của cải của đất nước bất ngờ sinh ra như biển sinh hải lưu. Thì ra bằng phép bút - điểm nhìn thứ ba Lưu Vĩ Lân suy đoán theo quy luật. Tổ quốc - sa trường lớn thì hậu chiến ắt thành thị trường lớn, như người mẹ hiền nhìn ra ngay cái ăn cho đàn con nheo nhóc sau những ngày giáp hạt. Chính nó cũng cắt nghĩa tại sao tác giả không viết về thần thánh, Chúa Phật mà văn chương nhiều chỗ đạt đến được thiêng linh.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Một cây bút nhạy bén, giàu tình
Nguồn: Thời báo Văn học Nghệ thuật
Xem thêm
Nhà thơ Nguyên Hùng với “Ký họa thơ” và “Trăm khúc hát một chữ duyên”
Phát biểu chia sẻ tại buổi ra mắt 2 tập sách Trăm khúc hát một chữ duyên và Ký họa thơ của Nguyên Hùng
Xem thêm
“Nắng dậy thì” Rọi lòng sâu thẳm
Nắng dậy thì là tập thơ thứ 4 trên hành trình sáng tạo của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh. Ở tập thơ này, Nguyễn Ngọc Hạnh thể hiện nỗi buồn thẳm sâu của một tâm hồn nhạy cảm, tha thiết yêu thương và đầy niềm trắc ẩn, như nhà thơ tâm sự: “Cho đến tập thơ này, nỗi buồn vẫn là nguồn mạch thơ tôi” (Thay lời mở). Thơ Nguyễn Ngọc Hạnh biểu hiện nỗi buồn gắn với một vùng quê cụ thể, với tình thân, bạn bè, người yêu, với dòng sông, bến nước, con đò, chợ quê hay cánh đồng làng. Những kỷ niệm thân thương và đau thương cứ “cằn cựa” trong tâm hồn người thơ để có những vần thơ độc đáo, đồng vọng trong lòng người đọc.
Xem thêm
Những vần thơ sáng nghĩa kim bằng
Nhà thơ Trinh Bửu Hoài là người bạn văn tốt của tôi đã quen thân nhau từ năm 1970 khi anh hoạt động văn nghệ ở An Giang. Cách nay hơn 10 năm, sau khi nhà văn quá cố Nguyễn Khai Phong đã vài lần giục tôi làm đơn xin gia nhập Hội Nhà văn Việt Nam cùng với tán thành của nhà thơ đánh kính Trịnh Bửu Hoài. Dù biết ở Cần Thơ mình là người mồ côi, kém tài lại vụng về trong giao tiếp nên ít có bằng hữu tình thâm, năm 1918, tôi vẫn đánh bạo nghe lời những người bạn tốt xin vô Hội Nhà văn Việt Nam với sự giới thiệu nhiệt tình cùng lúc của các nhà văn : Nguyễn Khai Phong, Trịnh Bửu Hoài, Lê Đình Bích, Lương Minh Hinh, Nguyễn Trọng Tín. Mặc dù biết rằng với mình, con đường về La Mã vẫn còn diệu vợi ! Hôm nay, nhà thơ Trịnh Bửu Hoài đã về với cõi Ly Tao bất diệt, tôi viết bài này để ân tình bày tỏ lòng nhớ ơn anh, một thi sĩ tài hoa nhân cách rất tốt với bạn bè.
Xem thêm
Nội trú trong ta một nỗi buồn
Bài viết của nhà thơ Đặng Huy Giang về “Năm ngón chưa đặt tên” của Đinh Nho Tuấn, NXB Hội Nhà văn 2024
Xem thêm
Thấy gì từ “Ký họa thơ” của Nguyên Hùng?
Bài viết của Lê Xuân Lâm, cộng tác viên tích cực của Văn chương TPHCM.
Xem thêm
Mấy điều bất thường xung quanh bài thơ “Màu thời gian” của Đoàn Phú Tứ
Không phải vì tác giả là người viết kịch, có duy nhất một bài thơ được chọn vào sách “Thi nhân Việt Nam” của Hoài Thanh và Hoài Chân, mà bài thơ này có tính bất thường. Trong sách của Hoài Thanh và Hoài Chân có những tác giả sau chỉ có một bài : Thúc Tề, Đoàn Phú Tứ, Vân Đài, Phan Khắc Khoan, Thâm Tâm, Phan Thanh Phước, Hằng Phương, Mộng Huyền. Có hai tác giả được nói đến mà không trích bài nào trọn vẹn là T.T.KH, và Trần Huyền Trân. Vậy thì bài thơ của Đoàn Phú Tứ bất thường ở chỗ nào?
Xem thêm
Tiểu thuyết “Trưng Nữ Vương” – Bản tráng ca về những Nữ Vương đầu tiên của đất Việt
Bà Trưng quê ở Châu Phong,Giận người tham bạo thù chồng chẳng quên.Chị em nặng một lời nguyền,Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân…(Đại Nam quốc sử diễn ca)
Xem thêm
Về nương bậu cửa kiếm tìm an yên
Bài viết cho cuộc ra mắt tập thơ “Lục bát chân mây” của Võ Miên Trường
Xem thêm
Nguyễn Minh Tâm với ‘Ấm lạnh pháp đình’
Bài viết của nhà văn Nguyễn Văn Hòa
Xem thêm
Bồi hồi, thổn thức, bâng khuâng…
Bài viết cảm nhận của nhà thơ Hoa Ngọc Dung
Xem thêm
Bàn về tính lý luận trong các bài giảng của thầy và bài viết của trò hiện nay
Lý luận văn học Lý luận văn học (LLVH) là bộ môn nghiên cứu văn học ở bình diện lý thuyết khái quát nhằm tìm ra những quy luật chung nhất về văn học. Trong đó bao gồm sự nghiên cứu bản chất của sáng tác văn học, chức năng xã hội-thẩm mỹ của văn học, đồng thời xác định phương pháp lý luận và phân tích văn học. Lý luận văn học tồn tại như một môn học độc lập ở một số trường đại học; nó cũng là một phân môn cho sinh viên và học sinh THPT thế hệ trước. Cho dù độc lập hay là phân môn của môn Ngữ văn thì vai trò của LLVH là vô cùng lớn.
Xem thêm