TIN TỨC

Nhà thơ Trúc Thông: Lạc vào cõi mộng

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng: 2021-12-30 22:43:24
mail facebook google pos stwis
1701 lượt xem

Khi tôi bước vào, ông đang đứng bên cửa sổ căn nhà 3 tầng nhìn ra sân gạch rộng với cây khế sai trĩu quả. Ông không cười, không nói, ánh mắt diệu vợi, xa xăm, lần hồi từng bước nhỏ tới ngồi bên bàn nước. Sau năm lần tai biến, nhà thơ Trúc Thông trở thành một người khác, trở lại như một đứa trẻ ngày ngày phải có người chăm, nâng niu từng bữa ăn giấc ngủ.

Xếp lại những vần thơ trong ngăn kéo cuộc đời, khép lại những buồn vui của đời sống văn chương, xa rời bạn văn một thuở đam mê và sôi động, ông giờ như một người khách lạ trong căn nhà yên tĩnh của chính mình, chờ từng ngày trôi đi trong sự mơ hồ của trí nhớ. Nếu không có người đánh thức, ông sẽ cứ thế ngủ triền miên từ đêm đến ngày vì căn bệnh đa ổ tụ trong não…


Nhà thơ Trúc Thông (1940 – 2021).

Bây giờ, nhà thơ Trúc Thông hoàn toàn không làm chủ được hành vi của mình, cả ngày cứ lặng thinh không nói, ông cứ ngồi đó ngáp vặt, dù phần lớn thời gian của ông chỉ dành để ngủ. Có khách đến chơi, bà Minh Nguyệt, người vợ tảo tần kém ông 17 tuổi, phải ngồi cùng ông để trò chuyện thay chồng. Thỉnh thoảng bà phải gọi giật giọng “Anh, anh nói gì đi chứ!”, thì ông chỉ cười cười trong vô thức, rồi lại trở về nguyên trạng là một người đăm chiêu, bất động, vô hồn.

Ông gầy đi nhiều, yếu đi nhiều so với tuổi. Cũng thật may mắn cho duyên số của ông là tìm được một người vợ thảo hiền, suốt một đời bên chồng, bà chủ yếu chăm lo cho “ông thi sĩ” chỉ mải mê đi tìm cái hay cái đẹp, cái lãng mạn cho những câu thơ của đời mình. Đến khi ông ngã bệnh, bà lo toan đi tìm thầy, tìm thuốc, bón cho ông từng thìa cháo xay nhuyễn, đút từng thìa sữa như cho một đứa trẻ đến tuổi ăn dặm.

Nhà thơ nghèo, chỉ có mấy đồng nhuận bút làm sao đủ thuốc thang, bà dần dần phải bán cả ngôi nhà mười mấy mét vuông trên phố Hồng Phúc để có tiền chạy chữa cho chồng. Còn lại ít tiền, đem về xây nhà trên mảnh đất bố mẹ đẻ bà hồi môn cho con ở Cầu Giấy. Bà chia sẻ: “Khi đau yếu, phải động viên mãi, anh Trúc Thông mới chịu về ở đây, chứ khi còn khỏe mạnh, anh ấy không chịu về ở nhà vợ đâu”. Điều này, có lần nhà thơ Trúc Thông đã từng nói chuyện với nhà thơ Vũ Quần Phương trong vẻ đầy kiêu bạc của một “kẻ sĩ”: “Tôi thế này mà phải đi ở nhà của nhà vợ à!”.

Nhà thơ Trúc Thông là vậy, trong ký ức của nhiều bạn bè văn chương, ông là một người luôn trân trọng cái thanh tao của một thi sĩ. Dù nghèo, dù khổ ông cũng luôn thanh tao, sạch sẽ. Ông kỹ tính trong thơ mà cũng kỹ tính cả trong cuộc đời.

Nhà thơ Thanh Thảo từng kể: “Tôi chưa thấy một nhà thơ nào lại mê thơ như Trúc Thông. Anh có thể nói về thơ từ ngày này sang ngày khác, với tất cả những bạn bè yêu thơ. Tôi cũng yêu thơ, dĩ nhiên không bằng Thông, nhưng cũng đủ là ‘đối tác’ cho anh nói chuyện thơ. Chúng tôi cứ đạp xe thong thả khắp phố phường Hà Nội trong đêm (hồi đó Hà Nội còn rất hẹp), và nói đủ chuyện về thơ, nhất là những chuyện thuộc về ‘bếp núc’ của thơ. Dĩ nhiên, chúng tôi cũng hay nói chuyện… yêu, chuyện về các cô gái mà chúng tôi để ý. Trúc Thông học trên tôi một lớp, nhưng ở vùng núi rừng sơ tán, lớp anh với lớp tôi ở rất gần nhau. Tôi nhớ, hồi ấy trong khi chúng tôi còn mải lo kiếm cái gì cỡ như… khoai lang hay củ mì để nhét vào bụng vì những cơn đói… kinh niên, thì Trúc Thông thỉnh thoảng đi ngang qua lớp tôi như một bậc thi sĩ – thiền sư, miệng lẩm nhẩm đọc thơ. Chúng tôi khâm phục lắm”.

Nhà thơ Vũ Quần Phương khẳng định: “Trúc Thông là một nhà thơ luôn dành cho thơ ca sự tôn vinh bậc nhất, và vì thế, người thơ, ở mọi góc độ, cũng đều cao sang, danh giá. Khi cả nhóm chúng tôi đi ăn quà, uống nước ngoài phố, anh không cho phép ai trả tiền, ý anh muốn nhấn mạnh, những gì gắn với bản thân nhà thơ đều là tốt đẹp, được trả tiền cho anh em bạn bè là một việc làm cao cả và nếu đi ăn uống gì, người khác trả tiền thì đó là một sự xúc phạm tới anh. Cũng vì lẽ đó, Trúc Thông luôn biến những nhược điểm thành những điều rất đáng yêu. Bà mẹ sai anh gánh nồi cám lợn ra cánh đồng ngoài đê (vì nhà anh gần bờ sông, tăng gia sản xuất luôn ngoài đó, chính là nền tảng để anh có bài thơ ‘Bờ sông vẫn gió’ sau này), thì Trúc Thông luôn gánh với tư thế là ông Nguyễn Du đi thực tế chứ không phải là một người đi nuôi lợn”.

Từng đến phỏng vấn ông thời ông còn khỏe mạnh, tôi đã hỏi về con đường ông đến với thơ ca, khi ấy nhà thơ Trúc Thông đã chia sẻ: Hồi ông 15 tuổi, thầy giáo dạy tiếng Pháp của ông là thầy Phan Khắc Hoan, nhà ở phố Bảo Khánh. Thầy biết ông làm thơ nên mỗi lần đến nhà thầy học bài, thầy thường bảo Trúc Thông đưa thơ cho thầy đọc.

Có lần thầy gọi Trúc Thông lại, xoa đầu bảo: “Cũng được đấy”. Thay vì lời cám ơn, không hiểu sao cậu bé Trúc Thông hồi ấy bực bội vô cùng, bực và tủi thân vì cái xoa đầu của ông giáo. Trong ý thức của cậu bé Thông hồi đó, cậu nghĩ mình sẽ phải cố gắng để ông giáo không xoa đầu mình được nữa. Rồi sau này, điều đó một lần nữa lại được rung lên với lòng tự trọng khủng khiếp: Người bạn thơ tuyên bố một câu “xanh rờn” khi Trúc Thông đưa thơ cho người bạn ấy xem: “Tôi thấy anh cứ làm, cọc cạch đến cuối đời cũng in được một tập!”. Mặc dù rất bực, nhưng Trúc Thông không nói gì, chỉ biết ngấm ngầm mà chăm chút, mà sáng tạo. Ông nói: “Chẳng hiểu sao thời đó mình lại bị ‘ghét’ đến vậy, không được in mặc dù thơ không phải là loại bỏ đi”.

Rồi ông cũng có một tác phẩm “để đời” là bài thơ Bờ sông vẫn gió. Bài thơ viết năm 1983. Chả là hồi đó, ông và nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm có một quy ước, mỗi người viết 15 bài thơ, không phải để in mà để biết với nhau. Bài Bờ sông vẫn gió được viết trong một chuyến đi thực tế. Ngày đó mẹ ông ốm yếu lắm. Nhà thơ hay nghĩ về cụ và trong một lần khi niềm xúc cảm mãnh liệt về mẹ và dòng sông Châu ùa đến bất chợt, ông đã viết bài thơ đó.

Bài thơ không phải sửa một câu nào cho tới lúc nó được xuất bản, trong đó những câu thơ đầu tiên cứ như là của trời cho: “Lá ngô lay ở bờ sông/ Bờ sông vẫn gió người không thấy về/ Xin người hãy trở về quê/ Một lần cuối… một lần về cuối thôi/ Về thương lại bến sông trôi/ Về buồn lại đã một thời tóc xanh/ Lệ xin giọt cuối để dành/ Trên phần mộ mẹ vương hình bóng cha/ Cây cau cũ, giại hiên nhà/ Còn nghe gió thổi sông xa một lần/ Con xin ngắn lại đường gần/ Một lần, rồi mẹ hãy dần dần đi…”.

Bà Minh Nguyệt kể lại rằng, thời gian đầu bị tai biến, nhà thơ Trúc Thông yếu đi nhưng trí óc vẫn còn tỉnh táo, tỉnh để nhận biết mọi thứ, có lúc còn có thể đọc được báo, nhưng cầm bút để làm thơ là điều không thể. Thời điểm ấy, tưởng là có thể cứu vãn được chút sức khỏe và sức sáng tạo của chồng, bà đã phải nhờ bác sĩ Đông y đến thủy châm trực tiếp vào não cho ông. Rồi khi ông đỡ hơn, trong tiềm thức ông vẫn còn nhớ mình có một tập thơ sắp in nhưng mới chỉ có 20 bài, mỏng quá chưa thể in được.

Lúc vui ông nói với vợ: “Ôi, để anh làm thêm 20 bài nữa rồi in cho dày dặn, làm 20 bài thì đơn giản không ấy mà!”. Hồi ấy nhà ông đang ở gần bờ sông, có lúc hứng chí, ông nhích từng bước chân một mình ra hồ Tây hóng gió, mặc cho vợ con, người thân ở nhà lo lắng đi tìm khắp nơi. Mãi hơn 1 tiếng sau ông mới về. Hỏi ông đi đâu, ông chỉ ậm ừ không nói gì. Vài ngày sau, khi vợ hết giận, ông mới thủ thỉ: “Hôm nọ đi ra hồ Tây!”. Bà Nguyệt vừa giận, vừa thương chồng.

Biết rằng, nếu ông còn khỏe mạnh thì ông còn có thể làm được nhiều việc có ích cho thơ ca. Bởi vì, một người yêu thơ đến thế, ủng hộ những cách tân đến thế, thì luôn tìm được những niềm đam mê cho đời mình để con đường đến với thơ ca không bị gián đoạn. Vậy mà cuối cùng ông bất lực với chính mình. Có lúc nhớ quá, ông lấy bút viết nguệch ngoạc vài chữ trên trang giấy, nhưng không ra hình thù một bài thơ, nên lâu dần ông cũng thôi không cố gắng nữa.

Thỉnh thoảng những người bạn đến chơi, có nhắc về chuyện ngày xưa, ông cười cười, vui vui chốc lát, rồi khi cánh cổng khép lại, bạn bè ra về, nỗi buồn cứ trải dài diệu vợi ập đến, ông ngồi bất động, rồi bần thần đi đi lại lại, lần tìm lại từng kỷ niệm trong trí nhớ đã lẫn lộn của mình.

Cả đời thơ Trúc Thông đến nay chỉ vỏn vẹn có 4 tập với hơn trăm bài: Chầm chậm tới mình (1985), Maratong (1993), Một ngọn đèn xanh (2000 – Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam) và Vừa đi vừa ở. Đọc thơ của ông, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đã nhận xét: “Trúc Thông làm thơ như một người làm vườn chăm chút trồng tỉa từng cái cây của mình trong một vòng hàng rào dày kín. Những cây-bài-thơ của anh chậm chạp và chắc chắc vươn dần lên trong khu vườn rồi thỉnh thoảng tỏa ra ngoài hàng rào dày kín kia một vài làn hương bí ẩn, là lạ, quyến rũ, nhưng người ta không dễ phân biệt được mùi hương của loài hoa nào. Không nóng vội, Trúc Thông vẫn ngày ngày kiên trì chăm chút cho khu vườn của mình, để rồi đến một ngày, anh mở cổng vườn, mang theo một lẵng quả mà anh đã thận trọng chọn lựa, dành tặng cho chúng ta…”.

Còn với nhà thơ Trúc Thông, nói về thơ, ông tự bạch: “Trước mỗi bài thơ định viết, tôi suy nghĩ nhiều lắm. Riêng với thơ tôi là người thận trọng, thận trọng ngay trong từng câu chữ. Tôi quan niệm rằng làm thơ tức là nhìn tạo vật, nhìn cuộc đời như lần đầu tiên nhìn thấy. Như một buổi sáng đầu tuần”. Bây giờ, mỗi buổi sáng của ông là tiếng thức gọi của vợ, tiếng giục giã của những bữa ăn chỉ chừng lưng bát cơm, lưng cốc sữa. Sau đó là một ngày miệt mài rèn luyện trí nhớ cho ông, vì nếu không có người chuyện trò, ông cứ mụ mị trong những giấc ngủ thiếp dần đi vì căn bệnh quái ác. Đến chiều tối, niềm vui duy nhất của ông là đứng ở cổng, chờ hai cô con gái đi làm về.

Bà Nguyệt bảo, bà và các con đang đánh máy, tuyển chọn lại một tập thơ của ông để in thành sách do nhà nước đặt hàng. Những bài thơ mà cả đời ông đã dành trọn vẹn niềm đam mê, niềm trăn trở để viết: “Tôi của gió cánh đồng vô cực/ Trừu tượng hơn mơ những giấc mơ/ Ai đang tựa trán vào mỏi mệt/ rơi một ngày kiếm sống nặng nề/ “Xích lô không chú ơi”/ Chở làm sao được/ Tôi về xa những xứ mơ hồ/ Vào tới cửa được nghe tiếng thở/ Thật đều đều hai đứa con thơ/ Rũ mưa đêm. Tôi biết mình trú tạm…”

 Trần Hoàng Thiên Kim/Vanvn

Bài viết liên quan

Xem thêm
Trần Gia Bảo: Văn học thiếu nhi nuôi một đời vui
Bài viết của Tống Phước Bảo trên Văn nghệ Công an.
Xem thêm
Thắp nỗi vắng xa bập bùng từng con chữ
Bài của Lê Thiếu Nhơn trên Văn nghệ Công an.
Xem thêm
“80 gương mặt Văn nghệ sĩ Quân đội” Chất lính trong những tâm hồn mơ mộng
80 con người, 80 gương mặt là 80 cá tính khác nhau. Thế nhưng ở họ có hai điểm giao rất độc đáo, đó là màu áo xanh của người lính và tâm hồn nhạy cảm, yêu nghệ thuật và cái đẹp.
Xem thêm
Nhà văn Nam Cao trong thoáng cười lặng lẽ
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TP. HCM số Xuân Ất Tỵ 2025
Xem thêm
Có một người Ninh Bình di cư
Bài viết của nhà thơ Văn Công Hùng về nhà văn Hoàng Phương Nhâm
Xem thêm
Nhà văn Đỗ Viết Nghiệm - Những kỷ niệm khó quên
Tôi được gặp nhà văn Đỗ Viết Nghiệm từ khá sớm. Đó là Trại viết Đồ Sơn năm 1996. Khi đó tôi đang là binh nhất học ở Trường Lái xe 255 - Tổng cục Kỹ thuật được nhà văn Khuất Quang Thụy đi xe máy lên Sơn Tây làm việc với Ban Giám hiệu để tôi được đi dự Trại viết...
Xem thêm
Những kỷ niệm với nhà thơ Xuân Sách
Trong những thăng trầm mỗi nhà văn nếm trải mỗi người mỗi vẻ ấy, tôi luôn có suy nghĩ rằng, nhà thơ Xuân Sách đã nếm trải nỗi buồn, có những lúc như là sự cơ hàn và cả sự thất vọng ở một tình thế khác người. Và ông đã tự vượt qua. Và ông cầm bút viết ra những bài thơ, những trang văn, theo tôi không ít trang sâu sắc và bình dị. Để rồi, khi sau này dành thời gian viết những bài thơ chân dung các nhà văn, chất lượng và tâm huyết ở thời kỳ mới, đã dường như gây ra những nỗi buồn cho người viết chăng? Tôi vẫn nghĩ chưa có sự công bằng cho các bài thơ chân dung của ông, và về phía cá nhân, tư cách người viết văn, tôi mong muốn các tác phẩm ấy được hiểu một cách bình đẳng. Chúng ta nên tự nâng mình trong sự hiểu và cho phép hiểu mọi tác phẩm văn học nghệ thuật, miễn là phục vụ sự tiến bộ của xã hội loài người, trong đó có những văn nghệ sĩ, để chúng ta, khi viết về nhau một cách bình thường, cũng là chuyện bình thường. Những khuyết điểm, kể cả sự non yếu, ấu trĩ về chính trị của người viết, đương nhiên nó sẽ tự đào thải, thời gian và sự tinh tường của độc giả đích thực sẽ biết giải quyết êm thấm một cách công bằng những điều ấy.​
Xem thêm
Nhà thơ Quang Chuyền: Một dòng sông lặng trầm, xoáy xiết
Nhà thơ Quang Chuyền sinh năm 1944 tại Sơn Đông, Lập Thạch, Vĩnh Phúc. Tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Văn. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Từng công tác tại Hội Văn nghệ Việt Bắc. Phó Tổng Biên tập Báo Thông tin. Phó Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 596 (Bộ Tư lệnh Thông tin liên lạc). Hiện sống và viết tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đã in các tập thơ: Đường qua kỷ niệm, Chùm quả đầu mùa, Khoảng cuối mùa thu, Hạt giống chim gieo, Lặng thầm, Mắt đêm, Khát, Trở lại cánh rừng, Sông gọi, Chiều đi qua cửa, Lục bát không mùa…
Xem thêm
Thơ Phan Thị Nguyệt Hồng: Nơi cảm xúc giao thoa
Chương trình Thi ca điểm hẹn của VOH và bài viết của Nguyên Hùng về tập thơ Lời khúc tạ mùa xuân của Phan Thị Nguyệt Hồng.
Xem thêm
Từ một trang văn Trang Thế Hy
Bài viết của nhà văn Nguyễn Thanh
Xem thêm
Tưởng nhớ nhà thơ Nguyễn Đình Thi & nhà báo Madelein Riffaud
Phim tư liệu về Madelein Riffaud & Bài viết nhân 100 năm ngày sinh Nguyễn Đình Thi
Xem thêm
Nhà văn Anh Đức và bản góp ý văn chương tình nghĩa
Bài của đạo diễn Lê Văn Duy đăng trên báo Phụ nữ ngày 26.8.2014
Xem thêm
Anh Đức, nhà văn yêu dấu của cách mạng và kháng chiến
Bài viết của GS Mai Quốc Liên trên báo Sài gòn giải phóng điện tử ngày 23/08/2014
Xem thêm
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng: Đi nhậu và viết văn tuy hai mà một
Sáng 6/12, Hội Nhà văn TPHCM tổ chức hội thảo “Nhà văn Nguyễn Quang Sáng – Cuộc đời và sự nghiệp” nhân 10 năm ngày ông qua đời.
Xem thêm