- Lý luận - Phê bình
- Đọc “Trò chuyện với thiên thần” - Những tai họa thế giới và giấc mơ Việt Nam
Đọc “Trò chuyện với thiên thần” - Những tai họa thế giới và giấc mơ Việt Nam
Phạm Chu Sa
Tác phẩm của nhà văn Trương Văn Dân với 75 câu chuyện dưới dạng những bức tâm thư của người cha - và một vài thư dưới danh nghĩa người mẹ - gởi cho đứa con từ lúc còn là một thai nhi. Cùng phụ lục là thư con gởi cha mẹ “từ những đám mây”- bởi con đã bay về miền mây trắng trước khi chào đời! Những cuộc độc thoại như lời tự sự dịu dàng của người cha với đứa con khi còn là một bào thai. Nhưng đó là những cảm nhận sâu sắc của một nhà khoa học, nhà xã hội học, nhà văn về những vấn đề lớn của nhân loại hiện nay…
Những bức tâm thư in liên tiếp với các vấn đề có thể bóc tách ra mà tác giả Trương Văn Dân gọi là tiểu thuyết, nhưng tôi mạn phép tác giả gọi là “đại thuyết”! Bởi tác phẩm được viết theo cấu trúc khá lạ: Thoạt là những lá thư như những lời độc thoại nội tâm, nhưng dần mở rộng ra, bao trùm hết mọi vấn đề mà nhân loại đang đối mặt. Từ chính trị - xã hội, kinh tế, tài chính - ngân hàng, khoa học, môi trường… đến tôn giáo, triết học, chiến tranh, hòa bình, cách mạng công nghệ thông tin, toàn cầu hóa… Có thể có độc giả sẽ phê phán tác giả tham lam, ôm đồm quá; hoặc cho là viết quá lan man. Nhưng tôi đồng cảm với tác giả -một người đầy tâm huyết hoang mang, trăn trở, lo ngại về một thế giới đang ở vào đêm trước một biến động lớn. Những nỗi lo của con người trước thiên tai và nhân họa do con người gây ra thường xuyên chực chờ. Tất cả đều ám ảnh tác giả. Tôi thật sự kinh hãi khi đọc đoạn tác giả kể những câu chuyện ăn thịt người: “Các thương gia Đài Loan ở Quảng Đông gần đây loan truyền một trào lưu bồi bổ rợn tóc gáy: Canh thai nhi 6 - 7 tháng tuổi, được chế biến với một số vị thuốc Đông y được ví như thuốc tráng dương thượng phẩm. Thai nhi được rửa bằng rượu cho khỏi tanh mùi máu, sau đó là xẻ, chặt, cắt để nấu thành món ăn!!! Phần lớn thai nhi đã chết do lưu sản hoặc phá thai…Các món ăn đều được làm từ thai nhi nữ. Đây có phải là tác hại của chính sách một con, hay là do tập tục của người Trung quốc”? Ở đoạn dưới, tác giả viết: “Ngày xưa khi đọc văn Lỗ Tấn, ba cứ tưởng văn hào nói chuyện người Trung quốc ăn thịt người chỉ là nghĩa bóng, ẩn dụ. Nhưng sau những tin tức rợn người, đọc lại những trang sách cổ thì thấy chuyện ăn thịt người khá phổ biến…Mới đây ở Hàn quốc người ta phát hiện những viên nang nhập từ Trung quốc làm bằng bột thịt hài nhi vì khi phân tích thì thấy toàn là DNA của người!!!”
Đây là tác phẩm tâm thuyết nhất của Trương Văn Dân. Anh đã bỏ hơn 5 năm để viết và chỉnh sửa. Những bài viết ngắn tưởng như vụn vặt, lộn xộn, nghĩ gì viết nấy, nhiều chương không liên quan gì với nhau - lại nêu bật được các vấn nạn của nhân loại qua cách nhìn, cách nghĩ của một nhà khoa học. Tác giả vốn là một dược sĩ tốt nghiệp ngành hóa và công nghiệp dược tại Italia. Từ năm 1980 phụ trách tổng hợp hóa dược. Từ 1985 nghiên cứu phát triển dược phẩm dành cho người và thú y, thành viên của một tập đoàn hóa dược lớn của Italia. Nhưng từ 2007, anh rời ngành hóa dược, cùng vợ - một người Ý, thường về Việt Nam du lịch nhiều miền đất nước, ghi chép, viết sách và tham gia hoạt động văn chương với các bạn viết trong nước... Vợ anh, nhà văn Elena Pucillo Truong là tiến sĩ văn chương Pháp, trước đây có thời gian tham gia giảng dạy tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM. Vợ chồng Trương Văn Dân thường đi về giữa Việt Nam và Italia mà anh không biết nên gọi là “Đi hay về?” - như tên một tác phẩm của Trương Văn Dân. Họ sống rất giản dị ở một căn hộ chung cư trên đường Ngô Tất Tố, Bình Thạnh, TPHCM. Sáng sáng anh chị thường ngồi ở cái quán cà phê bình dân không tên dưới sân khu chung cư mà Trương Văn Dân gọi là cà phê “Tắt đèn” - tên tác phẩm của Ngô Tất Tố - bởi quán nằm trên con đường mang tên cố văn sĩ nổi tiếng này. Anh chị ăn uống rất đạm bạc - dạng thực dưỡng: Bắp, khoai lang, khoai mì, đâu phộng luộc, uống nước lọc... Thỉnh thoảng có bạn văn anh chị quen thân mười mấy năm qua ghé thăm trò chuyện văn chương rôm rả, vợ chồng nhà văn cũng chiêu đãi khách thân quý cà phê bình dân với bắp, khoai!...
Khi Trương Văn Dân đang viết dở dang tác phẩm “Trò chuyện với thiên thần”, một bạn văn của anh xin đọc trước 200 trang đầu bản thảo. Đọc xong, bèn có cuộc “phỏng vấn bỏ túi” tác giả. Xin trích một vài câu hỏi - đáp khá thú vị. Vì chính trong đoạn văn trả lời này, tác giả gần như bộc bạch hết nỗi lòng chất chứa những suy nghĩ về thế giới này, cuộc đời này mà anh hằng thiết tha yêu quý!
Hỏi: “Vì sao anh viết cả một cuốn sách về một đứa con mà anh không có trong đời thực?”
Đáp: “Nhà văn hóa Nguyễn Hiến Lê từng viết: Khi muốn học về một vấn đề nào thì cứ viết về vấn đề ấy. Có lẽ chiêm nghiệm câu nói ấy mà ý tưởng viết về / cho đứa con của một người chưa từng có con đã manh nha trong đầu tôi từ nhiều năm…”
Hỏi: “Nói chuyện với trẻ thơ nhưng vì sao anh lại đề cập đến nhiều vấn đề xã hội?”
Đáp: “Các yếu tố môi trường, xã hội, văn hóa, gia đình và bạn bè đều là những yếu tố ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến tâm hồn con người. Không ai có thể tách rời con trẻ để đóng khung trong bốn bức tường gia đình…”
Hỏi: “Vì sao anh đề cập đến rất nhiều đề tài?”
Đáp: “Cuộc sống luôn đặt ra các câu hỏi về thiên nhiên, về vũ trụ, về thế giới, về sự sống, về kinh tế, xã hội, văn hóa.v.v… Con người tùy trình độ của từng thời đại mà có những câu trả lời khác nhau, có thể không tuyệt đối đúng nhưng phù hợp với thời mình đang sống để có những cách hành xử thích hợp”…
Trương Văn Dân tự bạch: Đây là cuốn sách nói về cuộc đời. Về niềm khao khát sống…Cái tôi của “cha”, của “mẹ” trong sách là “cái tôi văn học”, nó có tính biểu tượng hơn là hiện thực và được viết từ góc độ một nhân chứng đứng bên lề, làm một kẻ quan sát và bình luận về những điều trông thấy, chiêm nghiệm. “Trò chuyện với Thiên Thần” không chỉ kể lại số phận của một đứa bé chưa chào đời, mà còn nói lên những ưu tư và những điều các bậc cha mẹ quan tâm số phận của một thời, một thế hệ kỳ lạ mà anh là chứng nhân của nhiều năm sau khi chiến tranh chấm dứt, sự khó nhọc mưu sinh trong một xã hội đang đổi thay vùn vụt. “Ngoài sự ghê tởm với bao thứ giáo điều, độc đoán, buộc con người thích nghi đến mức tối đa, đời sống vất vưởng đến nỗi sinh lực bị vắt kiệt không còn sức đề kháng lại cái trật tự được lập sẵn, đưa năng lực phát triển cá nhân vào kỷ cương và bị san bằng…”
Phần cuối sách, tác giả cho người mẹ vừa bị sẩy thai do nhiễm phóng xạ trong chuyến đi Nhật gặp lúc động đất, sóng thần làm sụp đổ hai nhà máy điện hạt nhân năm 2011, viết cho đứa con chưa kịp chào đời đã vội bay về trời! Những dòng tâm sự trào nước mắt về sự mất mát lớn lao không thể bù đắp.Và đáp lại là lá thư của đứa con chưa từng xuất hiện trên đời này “viết từ những đám mây” an ủi người mẹ đáng thương rằng: “Xin mẹ đừng buồn vì con không được chào đời. Không có sự hiện diện của con, mẹ không bị những áp lực và lo toan. Mẹ sẽ tránh được ưu tư, được giải thoát một phần khỏi cái vòng quay nghiệp chướng tử sinh…”
Với tác giả Trương Văn Dân, mặc cho toàn cầu hóa, chiến tranh thương mại, biến đổi khí hậu... dẫn đến một thế giới suy tàn thì tác giả vẫn tin vào một ngày không xa, đất nước Việt Nam sẽ có nhiều thay đổi. Anh mơ những người Việt máu đỏ da vàng sẽ ngồi lại với nhau bằng tinh thần hòa ái…Anh mơ một ngày nước ta sẽ có một nền y tế nhân văn và một nền y học tiến bộ để tạo ra những nghiên cứu đột phá chấn động, một nền kỹ nghệ tự lưc tự cường. Anh mơ một Việt Nam nhân ái và kiêu hùng trong thịnh vượng.
“Trò chuyện với Thiên Thần” là tác phẩm đầy tính nhân bản của một nhà văn - nhà khoa học nặng lòng với vận mệnh nhân loại và đầy tâm huyết với dân tộc Việt. Một tác phẩm rất đáng đọc. Đọc và suy gẫm về những vấn nạn của thế giới hôm nay.
P.C.S