- Truyện
- Đứa con không về | Truyện ngắn của Bích Ngân
Đứa con không về | Truyện ngắn của Bích Ngân
Chú Út trở về.
Người sung sướng nhất hẳn là nội tôi. Thoạt đầu bà không tin người đàn ông cao lớn, để ria, mang kính cận đang ôm chầm lấy bà lại chính là thằng Sang sún, người tròn như củ khoai đã rời bà lên tàu ra Bắc khi vừa lên tám. Tay nội run run lần từ mặt xuống cổ, xuống vai chú, miệng lắp bắp:
- Có phải con không Sang ? Thiệt con không Sang ?
- Dạ, con đây, thằng Sang của má đây !
- Con là thằng Sang thì… trật cái quần cho má coi vết sẹo!
Khi thấy vết sẹo bằng bàn tay hằn ở mông chú Út thì nội bật khóc.
Tin chú Út về loan khắp xóm. Mấy ngày liền nhà nội tôi không ngớt khách. Họ đến chung vui và không giấu tò mò:
- Mày làm tới ông gì lận Út?
Cách hỏi mỗi người mỗi khác nhưng chung quy lại họ muốn biết chú tôi thành đạt ra sao, sau hơn hai mươi năm biền biệt. Đáp lại, chú cười hiền, bẻ bẻ mấy khớp tay. Ba tôi mở gói thuốc Thăng Long của chú đem về, mời khách. Ông trả lời thay em:
- Nó là kỹ sư ngành vật lý địa cầu!
Khách ngơ ngác nhìn nhau. Ba tôi lại phải giải thích:
- Đó là ngành học nghiên cứu sự vận hành của trái đất.
Một người đàn ông có mái tóc muối tiêu cất giọng ồm ồm:
- Học thứ gì mà xa lơ xa lắc. Sao mày không chọn nghề bác sĩ hay kỹ sư chăn nuôi trồng trọt gì đó cho bà con lối xóm được nhờ.
Giọng rổn rảng của một người đàn bà:
- Ông anh nói sao mà trớt quớt! Nếu học mấy nghề thường thường đó thì tội tình gì nó phải bỏ mẹ, bỏ cha, bỏ xứ sở chừng đó năm trời rồi còn phải chịu lạnh cắt da cắt thịt bên Liên Xô nữa.
Nghe người lớn tranh cãi, mấy lần tôi lấy tay sờ lên mũi vì cái cảm giác nó đang phình ra. Tôi lẽo đẽo theo chú và thấy hãnh diện vì người chú ruột thịt tuy lần đầu được gặp. Rồi đây thế nào tôi cũng được chú đưa đến nơi làm việc, được tận mắt nhìn vào những ống kính thiên văn đủ cỡ, đủ loại. Khi ấy sao trên trời trông giống như những chấm sáng đỏ đỏ xanh xanh sẽ thành những hành tinh gần trong tầm mắt, chỉ cần nhón gót là có thể với tới. Anh tôi, chắc không mơ tưởng xa xôi nên vẻ mặt háo hức biến mất khi thấy túi quà của chú được mở ra. Chị tôi suy đoán, có lẽ trên đường đi, chú bị kẻ gian cuỗm mất mấy chiếc valy căng phồng và lẹ tay xé mấy gói kẹo Hồng Hà chia cho lũ trẻ con hàng xóm đang tròn mắt vây quanh. Tôi bị chú véo một cái thật đau và dúi cho tôi hộp giấy cứng hình chữ nhật nằm gọn trong lòng tay. Một lúc loay hoay, một lúc được chú hướng dẫn cách sử dụng, tôi khoái quá, reo lên:
- Xem này!
Mọi người xúm lại. Lần lượt từng người được ghé một con mắt trước ống kính dài cỡ gang tay và ngắm cảnh vật hiện lên sống động như có phép màu từ những tấm phim vuông vức được đặt vào cái khe chắn ngang thân ống kính. Nhiều hình ảnh, dù năm tháng trôi qua tôi vẫn còn nhớ: Trò vây quanh thầy trước giảng đường đại học mà người mặc măng-tô xám, mũ đen đội lệch là chú tôi; dưới chân điện Krem-li, một đàn bồ câu xập xòe đôi cánh trắng; rồi cánh rừng thu vàng ngút ngát; dòng Vonga lấp loáng trăng…
Chỉ có nội tôi là không tham dự vào sự chộn rộn chiêm ngưỡng, xuýt xoa. Bà sờ, bà ngắm chiếc khăn lụa màu kem có điểm hoa văn màu nâu và đính những đường kim tuyến. Ướm khăn lên, bà nói vói chú Út:
- Sắm cho má thứ thường thường thôi. Má có đi đâu đâu mà đội sang như vầy!
Mẹ tôi góp vào:
- Chú Út về má có dịp đi rồi mà còn đi nhiều nữa đa!
- Đi đâu… hả chị? Vẻ ngập ngừng, chú hỏi.
- Chú đoán thử coi!
Không đợi chú trả lời, mẹ tôi tiếp:
- Đi nói vợ cho chú chớ đi đâu! Cỡ tuổi chú người ta có con trạc tuổi thằng Út chị rồi.
Điều mẹ buột miệng nói ra cũng là điều mong muốn của gia đình, của họ hàng mà người nôn nóng nhất là nội tôi.
Thế là, mươi ngày sau khi chú trở về, chiến dịch kén vợ cho chú được phát động, kéo nhiều người tham gia. Cuối cùng chú tôi cũng tìm được người trao nhẫn, tuy sự lựa chọn của chú có làm ba tôi ái ngại. Ông e rằng ngôi nhà ba tầng lòa xòa dây tóc tiên của thím sẽ thành chướng ngại trên con đường công danh còn ở phía trước của chú. Nội tôi hờn hờn tủi tủi xiết chặt hai chéo khăn dưới cằm khi thấy con dâu không đeo đôi bông tiền điếu, kỷ vật vô giá của ông nội mà bà nâng niu gìn giữ gần suốt một đời. Và dẫu không muốn nhìn, mắt nội vẫn vướng phải thứ ánh sáng lấp lánh của hột xoàn trên đôi tai con dâu.
Cưới vợ, thăm thú, an nhàn một thời gian, chú muốn đi làm. Nhiều người khuyên, với chuyên môn của chú nên lên thành phố lớn tìm kiếm cơ hội thi thố tài năng. Ba tôi lại bảo, mấy chục năm sống nơi đất khách quê người, phần đời còn lại nên trụ lại quê nhà. Chú thuận theo ý ba. Người khen chú nặng tình với xứ sở, hiếu thảo với mẹ già. Kẻ xì xào chú không đi xa được vì vợ đẹp, ngôi nhà lại lớn. Ba tôi sốt sắng giới thiệu chú vào làm việc ở một cơ quan có dính dáng đến kiến thức của chú. Điều bất lợi là nơi làm việc đặt ở trung tâm tỉnh lỵ, cách ngôi nhà chú thím đến ba giờ xe đò mà thời ấy phải chầu chực xếp hàng rồng rắn mới mua được vé. Thế là chú quảy túi đến ở nhà ba mẹ tôi.
Người mừng rỡ nhất đương nhiên là tôi. Mẹ bảo tôi giống chú lắm. Tôi lại thấy chú giống ba. Giống gương mặt chữ điền, trán cao, mắt sáng, răng đều, miệng rộng. Nếu ba tôi trẻ lại mươi tuổi và ông nội còn sống, ông cũng khó phân biệt đứa nào là em và chắc cũng như bà nội, ông cũng trật mông chú ra để tìm vết sẹo. Tuy nhiên sự chênh lệch về tuổi tác và địa vị xã hội đã khiến ba và chú có một khoảng cách. Nó không giống khoảng cách giữa tôi và anh tôi, chỉ đơn thuần về tuổi tác. Sự hiện diện của chú làm chị tôi thở phào. Chị giao việc kiểm tra giờ giấc học và bài vở của tôi cho chú và chúi mũi vào tủ sách hàng hàng lớp lớp của ba. Anh tôi không mê sách như chị tôi mà chỉ say sưa viết những bức thư tình lả lướt và tôi vẫn như con thoi thoăn thoắt chuyền những phong bì nặng như quyển vở một trăm trang. Có chú, chị em tôi ít cãi cọ và tập nhường nhịn nhau. Anh tôi ra dáng đàn ông khi biết bôi kem quanh miệng và dùng dao của chú cạo nhẵn những sợi râu vừa lún phún. Chị tôi tập ngồi ngay ngắn trên sa lông tranh luận với chú về văn chương và còn đỏ mặt bênh vực cho sự nông nổi của nàng Natasa nào đó. Mẹ tôi tranh thủ lúc ít việc, chùi khô đôi tay ẩm ướt, đem cây mandoline ra hòa cùng tiếng harmonica của chú những khúc nhạc cả nhà thuộc. Ba tôi cũng hát theo. Ông có giọng hát hay nhất nhà.
Cảnh ấm áp ấy chỉ kéo dài đủ để tôi nhận ra sự mất mát không gì bù đắp được khi không còn có nó. Sự đổi khác ở chú không đến nhanh như cơn lốc. Nhẩn nha như cơn gió biển, nó đưa đẩy con thuyền chú rời bờ cho đến khi ngoảnh lại thì nơi xuất phát đã không tìm thấy. Trước, khi đi làm chú trông tươi tỉnh bảnh bao: Áo phẳng phiu bỏ vào quần, chân đi giày, tay xách cặp đến công sở đúng giờ đúng buổi; giờ, chú đi dép lệch xệch, ăn mặc xềnh xoàng, tay xách giỏ đệm lùi xùi, trĩu nặng. Tò mò, có lần tôi mở giỏ đệm. Trong lỉnh kỉnh nhiều bộ phận tháo rời của quạt máy, máy bơm, bàn ủi, tăng phô, ổn áp… Mẹ tôi lặng lẽ nhấc chiếc giỏ để lại chỗ cũ, nói:
- Cơ quan rỗi rãi, chú con tìm việc làm thêm.
- Nhưng ba cái điện cơ này đâu phải là chuyên môn của chú - Tôi vẫn chưa hết ấm ức.
Mẹ tôi thở dài:
- Chú con đang khổ vì có chuyên môn.
Mẹ nói đúng. Chú chẳng những khổ vì vốn kiến thức bao năm đèn sách chưa có cơ hội sử dụng mà còn khổ vì thấy chính mình đã bị tước dần đi sự quý trọng của người thân... Anh tôi vô ý bỏ nhầm phong bì mấy bức thư tình lại nổi khùng đá văng đôi giày phủ bụi của chú vào gầm giường. Chị tôi miễn cưỡng ủi quần áo cho chú và chẳng nể nang cứ quất roi túi bụi vào tôi khi tôi mải chơi tú lơ khơ với chú. Hình ảnh đẹp ngày nào của chú không còn lưu giữ nơi tâm hồn hai đứa cháu vừa sập sựng tuổi trưởng thành. Anh tôi ra vẻ từng trải: "Tại chú không biết thích ứng!". Chị tôi lại nói như kẻ lõi đời: "Chỉ có Rhett Butler mới thật sự là người đàn ông!" và mơ màng thả hồn Cuốn theo chiều gió. Ba tôi điềm tĩnh giữ một khoảng cách im lặng đối với chú. Chỉ có mẹ tôi lúc nào cũng cảm thông, sẵn lòng chia sẻ nỗi niềm của chú, và tôi, cũng chưa đủ lớn để có thể dễ thay đổi.
Duy một điều không đổi nơi chú là lúc nào chú cũng ái ngại trước sự nhọc nhằn của mẹ tôi. Nhiều lần nài mẹ nhận số tiền đóng góp vào khoản chi tiêu hàng tháng và bị từ chối, chú âm thầm nuôi dưỡng và nảy ra sáng kiến. Chú mày mò biến chiếc tủ lạnh bình thường thành chiếc tủ lạnh cải tiến chứa đầy những ngăn đá, tuy tiếng máy nghe rền hơn và đương nhiên tốn điện cũng nhiều hơn.
Tiền thu được từ việc bán đá từ cái tủ cải tiến gấp đôi lương ba tôi và hơn bốn lần lương mẹ tôi nếu không trừ đi khoản không nhỏ tiền điện và điều này chỉ có chú tôi là biết chính xác.
Điều tôi biết rõ là từ ngày có chiếc tủ làm đá, bữa ăn hàng ngày tươm tất hơn. Mẹ tôi không còn phải đi chợ trễ với hy vọng mua được của rẻ. Từ chợ về, trên xe đạp của mẹ có thêm giỏ trái cây, thường là ổi, là mận, là nguyên buồng chuối chín.
Dần dà, sự thay đổi ấy cũng thành quen. Khi quen chính tôi cũng quên công sức của chú nếu như tôi không bắt gặp chú mở dấu niêm phong và quay ngược cây kim chỉ số tiêu thụ điện trên mặt đồng hồ. Tôi vẫn không sao quên được khoảnh khắc đáng nguyền rủa đó. Chú giật mình. Giật nẩy như bị điện giật. Rồi buông lỏng đôi tay. Đôi mắt chú, trời ơi, làm sao tôi có thể quên được đôi mắt ấy…
Cái sự thật không thể "bật mí" đã biến tôi thành kẻ đồng lõa và tự nguyện làm cái rào chắn giữ nguy cơ bị lật tẩy. Và cũng từ mối liên kết bất đắc dĩ ấy, ngoài tình chú cháu, giữa chúng tôi đã nảy nở một tình bạn.
Tôi không bất ngờ khi biết dự định sang Liên Xô lần nữa của chú. Tiêu chuẩn cần có chú đã có: vốn tiếng Nga và mảnh bằng kỹ sư. Tuy vậy, chú cũng phải nhờ đến chút tài sản quý báu cuối cùng của nội: Đôi bông tiền điếu mà con dâu không nhận.
Từ dạo đó, sắt, thép, dây đồng, dây điện ngổn ngang trong túi đệm của chú được thay bằng sách, toàn sách tiếng Nga. Và ngày cũng như đêm, chú giấu sự chờ đợi sau cái vẻ mải mê đọc đọc ghi ghi. Dường như chú đã đặt cược quãng đời còn lại vào chuyến du học lần thứ hai này.
Nôn nóng và không đủ kiên nhẫn ngồi chờ, chú tìm cách thoát khỏi tâm trạng căng thẳng bằng cách thư giãn ở đồng quê, nơi ít thấy bóng dáng người đưa thư và không nghe tiếng chuông điện thoại. Khi tôi vừa nghỉ hè, chú liền kéo tôi tháp tùng cuộc hành trình.
Nơi tạm dừng chân là ngôi nhà chú thím. Dây tóc tiên trước sân đã kết thành tấm thảm với vô số cánh hoa tim tím, lẩn khuất như đang bày trò trốn tìm. Trước khi bước vào nhà, tôi tóm một cánh hoa, vội đưa lên mũi. Lẽ ra tóc tiên đừng ra hoa. Thím tiếp đãi chúng tôi thật lịch thiệp như những người khách. Bên chú, thím vẫn đẹp như ngày cưới, vẻ đẹp hiếm thấy ở cô gái Việt, da thật trắng và mũi thật cao, nhưng là thứ nhan sắc lành lạnh của một hình nhân. Tôi đoán rằng, chú khó có được thứ hạnh phúc chồng vợ như ba tôi. Lúc nào gương mặt mẹ cũng lấp lánh thứ ánh sáng ấm áp của tình yêu.
***
Ngược lại, khi về bên nội chú như đứa trẻ được bao bọc trong tấm đắp êm ái của tình mẫu tử. Nội chợt khỏe ra, đi đứng thẳng thớm hơn và hoạt bát như một người mẹ trẻ. Chú đụng vào việc gì nội cũng phật lòng:
- Ậy, để đó cho má. Ở ngoải con làm việc cực nhọc rồi, về đây phải tranh thủ nghỉ ngơi!
Giá như chú thuyết phục được mẹ và làm lụng tự nhiên như bất kỳ đứa con nào của đồng ruộng thì có lẽ chú không khổ sở đến như vậy. Nội chăm chút yêu chiều chú bao nhiêu chú lại thấy có lỗi với bà bấy nhiêu. Mái nhà trên đầu, trải mấy đời vẫn mái lá. Mùa mưa nay mai bà con lối xóm giúp nội chen vào mái cũ những tàu lá mới. Với đồng lương công chức và lương tâm trong sạch, lòng hiếu thảo của ba tôi cũng chỉ gởi về cho mẹ được hộp sữa, cân đường. Và chú, bươn bả thêm bằng nghề tay trái cũng chỉ lo được thuốc thang cho mẹ. Ngoài những lúc quanh quẩn nói cười bên mẹ, chú thường trầm ngâm ngồi dưới mái hiên lỗ chỗ nắng nhìn đăm đăm ra cánh đồng còn trơ gốc rạ. Nhiều lần tôi kéo chú ra đồng, bày cho chú cái thú vui rình hớt lia thia, bắt dế, đào giun câu cá hay trèo dừa leo ổi. Chú hào hứng được một lúc và cái vẻ say mê ngắn ngủi ấy có được có lẽ vì sự háo hức của tôi. Chú ngỡ ngàng, chú lạ lẫm trước trò chơi hồn nhiên mà bất kỳ đứa trẻ nào cũng ưa thích. Có lẽ chú không muốn làm tôi cụt hứng mà chỉ vì tuổi thơ chỉ thoáng qua và ngay cả ký ức về nó chú cũng không có để mà lưu giữ. Dường như chỉ có tiếng kèn harmonica mới thật là tâm sự của chú. Tôi thường nghe âm thanh ấy giữa bốn bức tường của ngôi nhà cha mẹ tôi. Những âm thanh mang niềm phấn chấn khiến những bàn tay vỗ nhịp. Còn đây, tiếng kèn khác, âm thanh khác, nỗi niềm khác. Thú thật, nhiều lúc tôi như ù tai lóa mắt trước chuỗi chuỗi âm thanh không ngừng biến đổi khi ngời ngợi khi khuất lấp như ánh sáng như bóng tối. Không rõ vì hờn dỗi trước cảm giác trơ trọi của kẻ bị bỏ quên hay vì ghen tức trước ma lực khuyến dụ của tiếng kèn, tôi lén lút giấu chiếc kèn của chú. Tìm không thấy, chú không hạch hỏi mà lặng lẽ bỏ ra góc sân ngồi bệt trên lớp rơm ẩm sương đêm. Tôi lò dò men lại gần chú. Hai chú cháu lặng thinh. Vây bọc chú cháu tôi là mùi hương của rơm rạ, là tiếng kêu rỉ rả của côn trùng, là hơi thở khỏe khoắn của đất đai, cây cỏ. Chú đổi thế ngồi và soãi người xuống lớp rơm ẩm mềm. Nằm bất động một hồi, chú xoay người, đan hai bàn tay dưới đầu, ngước nhìn bầu trời mùa hè chi chít những vì sao. Tôi rụt rè ngả người theo chú và cũng đưa mắt tìm những ngôi sao quen. Tôi bắt gặp chùm sao "Bánh lái" thân thuộc và bỗng nhớ tới ống kính thiên văn trong mơ ước ngày chú trở về. Tôi nhìn sang chú, mắt chú cũng lóng lánh vì sao, vì sao thuỷ ngân, thật mong manh, chỉ cần một cái khép mi… Tôi nghe tim mình đập mạnh. Hay chú tôi cũng là một vì sao? Một vì sao lạc bước xuống mặt đất, trú ngụ chốc lát trong thương yêu và lạc lõng giữa trần gian. Một nỗi sợ mơ hồ, một xúc cảm dâng lên nghèn nghẹn, tôi lăn một vòng, choàng tay ôm lấy cái hành tinh máu mủ chưa rời bỏ mặt đất:
- Chú!
Chú ôm lấy tôi. Tôi vùi mặt mình vào bộ ngực vững chãi, ấm áp. Tim chú đập rộn. Tôi đồ rằng dưới lòng đất lạnh, trái tim ông tôi cũng hồi sinh và run nhịp cường tráng trong lồng ngực con trai mình. Tôi ngước nhìn chú. Chú cò cọ cằm vào trán tôi:
- Chú có thằng con bằng tuổi mày!
Một lát sau, tôi nhổm dậy:
- Nó ở đâu? Nó sống với ai?
- Nó đang sống với mẹ, một cô gái Nga!
Tôi chợt hiểu vì sao chú chọn người đàn bà có làn da thật trắng và nét đẹp Âu làm vợ. Chùm Đại hùng tinh mờ dần và mất hút sau nền trời thăm thẳm. Tôi vụt hỏi:
- Chú cho nội biết chưa?
- Chú muốn dành cho nội sự bất ngờ!
- Chừng nào, chú?
Chú ngồi bật dậy:
- Chuyến này, qua đó, chú đưa nó về!
Cách nói của chú, xem ra việc đưa đứa con ruột thịt từ một đất nước xa xôi về đến đây dễ như dắt nó từ bờ ruộng bên kia, chỉ cần bước qua đoạn cầu dừa là có thể vui vầy dưới mái nhà của nội.
Khi chú cháu tôi trở về nhà ba mẹ tôi, thì ngay chiều đó chú nhận được giấy báo ngày giờ lên đường. Chú vội nhét tờ giấy vào túi và gấp gửi ra bến xe. Bốn ngày sau chú quay về, phờ phạc, thất thểu như một tàn binh. Thì ra, khi chú đang còn chạy vạy thủ tục cần thiết thì máy bay đã cất cánh và trên chiếc ghế lẽ ra dành cho chú đã có người ngồi.
Mẹ tôi không nói lời an ủi, bà lặng lẽ pha xô nước ấm bảo chú tắm cho khỏe. Tắm xong, chú lần khần ngồi vào bàn ăn. Trông chú ấy vẫn còn cái vẻ thất thần của một kẻ lâm nạn. Ăn chưa hết chén cơm, như sực nhớ điều gì, chú buông chén đũa, đứng dậy, đi một mạch lên nhà trên. Tôi liếc nhìn cái ngày "đến hẹn" trên tờ lịch, mặt biến sắc. Thanh barie là tôi bị nung chảy dưới cái nhìn nghi hoặc của ba tôi. Ông cũng bỏ chén cơm bước lên theo chú và chú bị bắt quả tang khi cây kim chỉ số trên mặt đồng hồ điện chưa xoay hết một vòng.
Tôi đứng như trời trồng và chỉ còn biết cầu mong ba trừng phạt chú bằng cơn thịnh nộ như có lần anh tôi nện tôi trận đòn nhừ tử vì lá thư viết cho chị Hằng tôi lại "đưa nhầm" cho chị Hạnh. Nếu được như thế, tôi tin là chú sẽ gượng dậy sau mấy ngày bầm dập. Nhưng ba tôi không đánh đập cũng không mắng mỏ. Bình tĩnh, rạch ròi, ông phán xét hành vi của chú bằng sự thanh bạch của chính ông.
Tối đó, mẹ và tôi thập thò sau rèm cửa, chờ nghe tiếng nói của ba và cái giọng ngập ngừng của chú.
Ba và chú chỉ ngồi cách nhau một mặt bàn mêca thấp. Ba chú mục vào trang báo mở rộng trước mặt. Chú sột soạt lật những trang sách. Thời gian uể oải trôi. Quả lắc của chiếc đồng hồ trên tường trễ nải gõ những âm thanh cũ kỹ. Mẹ tôi cúi xuống xoa bóp đôi chân bắt đầu tê dại. Tôi chợt thấy ba gấp tờ báo lại. Chú lật đật bỏ sách xuống. Chậm rãi, ba từ từ hướng ánh mắt về chú rồi đột ngột nhìn thẳng vào đôi mắt bồn chồn của chú. Rồi ông nói, chỉ một câu, duy nhất một câu:
- Điều anh sợ nhất là tâm hồn sắp nhỏ vẩn đục vì tấm gương tì vết của chú!
Khuya, tôi giật mình bởi tiếng gọi, một tiếng gọi thoảng thốt vừa lạ, vừa quen. Khi tỉnh dậy, tôi quờ tìm chú chỉ chạm chiếc kèn harmonica trên gối. Linh cảm mất mát ùa tới như những luồng gió độc khiến tôi không sao ngồi dậy nổi. Nằm trong bóng tối, tôi mân mê chiếc kèn của chú, nước mắt ràn rụa.
Phải đến chín năm sau, khi chị Hạnh dẫn con dẫn chồng trở lại xứ sở thì nguồn tin về cái chết của chú tôi mới được xác định. Nhờ nhan sắc, chị Hạnh được sống sót. Còn chú tôi, sau một hồi vùng vằng chống trả, chú bị bọn hải tặc đâm mấy nhát và hất khỏi tàu. Ba mẹ tôi định lập bàn thờ cho chú nhưng nội phản đối. Bà tin là chú đang bận bịu ở một nơi xa và một khi rứt ra được công việc bộn bề chú sẽ trở về như chú đã từng trở về sau hơn hai mươi năm biền biệt.
Thời gian vẫn thản nhiên làm công việc của nó, đều đặn trôi. Chị tôi, tìm được một người chồng chỉ có mỗi chút ria là giống Rhett và cằn trước tuổi vì những ước muốn không thành. Anh tôi, giá như tôi không một lần tai quái chơi khăm, thì biết đâu chị Hạnh đã không liều lĩnh ra đi và có thể anh có được tình yêu của chị. Được như thế, có lẽ anh tôi không vướng víu như gà mắc tóc trước ảo tưởng nhì nhùng. Và tôi, thực tế hơn chị tôi, không ngộ nhận như anh tôi, làm đúng công việc yêu thích và sớm thành đạt. Nhưng tôi lại giống chú tôi ở điểm này: thiếu hơi ấm tình yêu trong ngôi nhà thừa mứa tiện nghi. Khác với thím, vợ tôi có nét đẹp rất Á Đông nhưng không thuộc câu hát ru con. Nàng phó mặc đứa trẻ cho vú nuôi và tôi, mỗi khi bế nó lại thấy ngượng nghịu như thể nó không phải là con mình. Và hình như sống, làm việc trong cái không gian đầy ắp hơi lạnh của những chiếc máy điều hòa, tim tôi cũng băng giá đi. Trước, ngày nào tôi cũng điện thoại về, hồi hộp lắng nghe niềm vui, nỗi lo qua giọng nói của mẹ. Giờ, tôi lười nhác, thường nhấc ống nghe khi chuông điện thoại reo. Và có lẽ tôi cũng không ngồi hồi tưởng, nghĩ ngợi miên man trên chuyến xe tốc hành nếu không nhận được mệnh lệnh của ba tôi: "Nội hấp hối, con về gấp!".
Mẹ thắc thỏm đợi tôi trước cổng. Nhìn mẹ, tôi biết nội chỉ còn nán lại phút giây.
Khi cái thân hình cao lớn của tôi che mất một khoảng sáng nơi cửa, thì trên giường nệm, cái cơ thể xanh xao im lìm chợt cử động. Tôi bước vội đến và như chị tôi, anh tôi, tôi cũng quỳ trước nội. Đôi mắt mờ đục của nội vụt bừng lên ánh sáng, thứ ánh sáng của ký ức, của hội ngộ. Nội mấp máy, gọi:
- S…a…n…g…
Dưới chân nội, ba tôi cúi đầu, lặng câm. Đôi vai ông trĩu xuống như thể đang quàng cái xác chết chìm của chú Út.
BN.