TIN TỨC

Bùi Giáng - Người chưa bao giờ già

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng: 2023-11-13 15:20:22
mail facebook google pos stwis
896 lượt xem

Hà Thanh Vân

Bùi Giáng (1926 – 1998) là người hay được nhắc đến với biệt danh “trung niên thi sĩ” do ông tự nhận. Quãng đời sáng tác của ông không chỉ gắn với những bài thơ hay, đầy chất ngẫu hứng, mà còn gắn với những câu chuyện kể nửa hư nửa thực. Nhân kỷ niệm 25 năm ngày ông qua đời, nhìn lại hành trình thơ của ông, thấy được người “trung niên thi sĩ” này chưa bao giờ già trong con mắt của độc giả.

Thi sĩ Bùi Giáng - Tranh họa sĩ Trần Thế Vĩnh

NHỮNG NGƯỜI TÌNH MÃI MÃI THƠ TRẺ

Nói đến Bùi Giáng là phải nói đến những bài thơ tình dành tặng cho nhiều người phụ nữ có danh và cả vô danh. Có người ông quen biết, cũng có người ông chỉ biết đến trên sách vở, phim ảnh, nhưng vẫn thành mối tình si. Người ta nhắc nhiều đến mối tình si của ông dành cho kỳ nữ Kim Cương của sân khấu kịch nói, ni sư Thích Nữ Trí Hải (Tôn Nữ Phùng Khánh), những bài thơ ông dành tặng cho nhân vật Thúy Kiều của Nguyễn Du, cho cô đào điện ảnh nước Mỹ Mộng Lỗ (Marilyn Monroe)… Nhưng còn vô số những nhân vật được ông gọi thẳng tên trong thơ như: Em Mọi, giai nhân, thiếu phụ, sơn nữ, thôn nữ, hoàng hậu… Xuyên suốt trong thơ của Bùi Giáng là hình ảnh người nữ với mọi sắc thái, mọi nhân dạng, nhưng tình yêu dành cho họ luôn là vĩnh viễn và vô biên. Trong thơ Bùi Giáng, họ là những người tình không có tuổi tác, được ông yêu với một tình yêu thơ trẻ. Với Bùi Giáng, cuộc đời chính là tình yêu, và đã yêu thì phải yêu đến muôn đời, cho dù tình yêu đó là trong thực tại hay chỉ còn trong ký ức.

Thấy em mộng tưởng vuông tròn

Trùng khơi ký ức hãy còn như nguyên

Về sau ắt sẽ muộn phiền

Trở thành vô lượng mây triền miên trôi

Tình yêu mộng mị muôn đời

Ấy là chung cục thế thời phục sinh

(Tình yêu III)

Và dù không tròn vẹn trong bất cứ tình yêu nào, cũng như giữa trời và đất nên chẳng bao giờ gặp nhau, Bùi Giáng vẫn khẳng định thêm một lần về sự vĩnh viễn của tình yêu, của nhớ thương.

Dậy từ cổ mộ ca sương

Trời xa đất mãi nên thường nhớ nhau

(Cố sử mai sau)

NGƯỜI ĐÀN ÔNG CỦA LANG THANG CÕI THẾ VÀ LÊNH ĐÊNH CÕI MỘNG

Bùi Giáng viết về bản thân mình có lẽ cũng nhiều như những tình yêu đi qua đời ông hay những tình yêu mà ông mơ tưởng. Cuộc đời của Bùi Giáng là một cuộc đời của con người đi qua cõi nhân gian này như một cơn mộng mị chiêm bao. Bùi Giáng quê ở Thanh Châu, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Ông bắt đầu bước vào nghiệp văn chương từ rất sớm. Năm ông 21 tuổi, những tác phẩm đầu tay của Bùi Giáng đã được in trong sách giáo khoa, như “Một vài nhận xét về Bà huyện Thanh Quan, Lục Vân Tiên, Chinh phụ ngâm” (1957),… nhưng ông bắt đầu nổi tiếng sau tập thơ “Lá hoa cồn” (1963). Từ đó Bùi Giáng nổi danh trong giới văn chương miền Nam như một thi sĩ “dị kỳ”. Ngoài biệt danh “trung niên thi sĩ”, Bùi Giáng còn một loạt biệt danh và bút danh khác đều rất độc đáo như: Thi sĩ đười ươi, Brigitte Giáng, Giáng Monroe, Bùi Bán Dùi, Bùi Bàn Dúi, Bùi Tồn Lưu, Bùi Tồn Lê, Bùi Bê Bối, Bùi Văn Chiêu Lỳ…

Không chỉ làm thơ, ngòi bút của Bùi Giáng còn “lang thang” ở nhiều địa hạt văn học. Bùi Giáng đã dịch vở kịch “Hamlet” của đại văn hào Anh William Shakespeare, tác phẩm “Hoàng tử bé” của nhà văn Pháp Saint Exupéry, tác phẩm “Ngộ nhận” của nhà triết học hiện sinh kiêm nhà văn Pháp Albert Camus, các tác phẩm “Khung cửa hẹp” và “Hòa âm điền dã” của nhà văn Pháp André Gide… Không chỉ dịch sách phương Tây, Bùi Giáng còn dịch cả truyện kiếm hiệp. Không chỉ là dịch giả, Bùi Giáng còn biên soạn các tiểu luận triết học và văn học như “Tư tưởng hiện đại”, “Thi ca tư tưởng”, “Lễ hội tháng ba”, “Con đường ngã ba”, “Con đường phản kháng”, “Đi vào cõi thơ”…

Tuy nhiên Bùi Giáng được người ta biết đến nhiều nhất với tư cách nhà thơ. Trong văn chương, Bùi Giáng đi theo một con đường riêng, không giống với bất cứ nhà thơ, nhà văn nào. Đó là cách nhìn về chính bản thân mình và về cuộc đời khiến cho những độc giả có cảm tưởng ông đang sống trong một cõi riêng, một cõi siêu thực! Cuộc đời của Bùi Giáng không chỉ rong chơi trên những trang chữ, mà ông còn rong chơi ở cõi đời trần thế này. Ông sống như là ông viết, cô độc giữa đám đông bạn bè, cuồng phóng giữa chốn phù hoa,

Một mình gánh nặng lẻ loi

Hai mình chung gánh cũng loi lẻ mình

Đã mang số kiếp lênh đênh

Thở than cho lắm vẫn chênh vênh đời

Thôi thì một khóc mười cười

Dẫu sao đã vỡ bình rồi bấy thân.

(Trần thế bách niên)

LẮT LẺO LIÊU XIÊU CÂU CHỮ

Giọng thơ của Bùi Giáng rất dễ nhận biết. Ông làm thơ giống như đùa. Nhà văn kiêm dịch giả Bửu Ý có viết một cuốn sách về Bùi Giáng là “Bùi Giáng một đời thơ” (Công ty TNHH Xuất bản Thiện Tri Thức & Nhà xuất bản Dân Trí, 2023), trong đó có nhận xét: “Thử tưởng tượng bạn quẳng đến cho Bùi Giáng một bó câu, hay trời cao mưa móc xuống một hộc chữ cái, hay nàng thơ cung tặng sa số vần điệu, Bùi Giáng từ đó sẽ sắp xếp lại thành thơ, những câu thơ không ai ngờ, những vần điệu đầy tung hứng.” Người ta thường hay nhắc nhiều đến những câu thơ mà chỉ có thể là của Bùi Giáng:

Bỏ trăng gió lại cho đời

Bỏ ngang ngửa sóng giữa lời hẹn hoa

Bỏ người yêu bỏ bóng ma

Bỏ hình hài của tiên nga trên trời

Bây giờ riêng đối diện tôi

Còn hai con mắt khóc người một con

(Mắt buồn)

Hay những câu thơ mà gần như độc giả nào yêu thơ của Bùi Giáng cũng thuộc nằm lòng:

Xin chào nhau giữa con đường

Mùa xuân phía trước miên trường phía sau

Tóc xanh dù có phai màu

Thì cây xanh vẫn cùng nhau hẹn rằng

Xin chào nhau giữa lúc này

Có ngàn năm đứng ngó cây cối và

Có trời mây xuống lân la

Bên bờ nước có bóng ta bên người

(Nguyên Xuân)

Tung hứng câu chữ, Bùi Giáng cũng tung hứng cuộc đời của chính ông qua những chuỗi ngày lang thang mà ông tự nhận là “điên rực rỡ” (theo Lê Văn Nghĩa, “Văn học Sài Gòn 1954 – 1975: Những chuyện bên lề”, NXB Tổng hợp TPHCM, 2020). Cuộc đời của Bùi Giáng là một cuộc đời nhất quán trong văn chương, trong phong cách viết. Ông xuất hiện trên văn đàn và chiếm một vị trí nổi bật trong đó, chỉ bằng lối viết như trò chơi. Trong văn học nghệ thuật có một lý thuyết nghiên cứu gọi là lý thuyết trò chơi và có thể áp dụng điều này khi tìm hiểu về văn chương của Bùi Giáng. Sự chơi trong ngôn từ văn chương và cách sống khiến cho con người ta bước ra khỏi cuộc sống thường nhật đầy những giới hạn, ranh giới, định kiến, để bước vào một thế giới tuy là ở trong thực tại nhưng cũng có không gian, thời gian riêng với những quy luật riêng. Ở đó con người chơi để được là chính mình, sống với bản ngã của mình, không che đậy, giấu giếm. Con người chơi để phát hiện lại chính mình, tìm kiếm sự tồn tại của chính mình và làm cho sự tồn tại ấy có ý nghĩa.

Bùi Giáng đã sống và rong chơi hết mình. Để rồi nhờ vào sự rong chơi ấy, văn chương của ông luôn mới mẻ và có giá trị với chúng ta, những độc giả cùng thời với ông và những thời sau ông.

Một trang cũ kỹ

Mới lại một lần

Linh hồn giản dị

Bờ cõi thanh tân

Em sẽ đi đâu

Với đời đi mất

Tờ giấy phai màu

Hồng kia có thật

(Màu thiên thanh mở)

DI CẢO THƠ BÙI GIÁNG – MẠCH NGUỒN CHẢY MÃI

“Trăm năm vui buồn” là tập di cảo thơ thứ 14 của Bùi Giáng ra mắt độc giả kể từ khi ông qua đời cách đây 25 năm, do Thư quán Hạnh phúc thực hiện và NXB Văn học ấn hành vào tháng 9.2023 vừa qua. Những người thực hiện tập di cảo này cho biết đây là một nén nhang lòng để tưởng nhớ đến thi sĩ Bùi Giáng. Thi tập “Trăm năm vui buồn” được thi sĩ Bùi Giáng làm vào năm 1994.

Trước đó, 13 tập di cảo thơ của Bùi Giáng đã lần lượt được xuất bản kể từ khi ông qua đời. Có thể kể đến một số tập di cảo thơ như tập thứ 9 mang tên “Ký ức” (NXB Văn hóa Văn nghệ TPHCM ấn hành năm 2010), tập thứ 10 mang tên “Bèo mây bờ bến” (NXB Văn hóa Văn nghệ TPHCM ấn hành năm 2011), tập thứ 11 mang tên “Tâm sự tuổi già” (NXB Văn hóa Văn nghệ TPHCM ấn hành năm 2011)…

Sinh thời thi sĩ Bùi Giáng làm nhiều bài thơ. Tuy nhiên do cá tính và hoàn cảnh sống, nên ông để lại nhiều bài thơ mà chưa kịp ra mắt độc giả. Từ nhiều năm nay, nhờ vào công sức của gia đình, bạn bè, thân hữu và những người yêu thơ Bùi Giáng, lần lượt các tập di cảo của ông đều đặn ra đời, giữ cho dòng mạch thơ ông luôn chảy mãi. Qua đó chúng ta thấy được tấm lòng yêu thơ của nhiều độc giả, nhưng cũng cho thấy sức làm việc phi thường, “xuất khẩu thành thơ” của Bùi Giáng.

Tập di cảo thơ thứ 14 của Bùi Giáng mang tên “Trăm năm vui buồn” gồm 91 bài thơ. Tập thơ vẫn là một phong cách quen thuộc của Bùi Giáng, gồm những câu chữ tưng tửng, những lời lẽ vung vẩy chữ nghĩa, chao đảo giữa cõi thực và mơ của riêng ông. Các nhà thơ thường có một cõi mơ của riêng mình. Nhưng thơ Bùi Giáng thì khác lạ hơn ở chỗ ông đưa người thật, việc thật vào cõi mơ. Trong tập thơ “Trăm năm vui buồn”, có nhiều bài thơ ông viết về Nguyễn Du, nối tiếp mạch đề tài có thể nói là xuyên suốt đời thơ của ông. Dường như Bùi Giáng luôn cảm thấy bản thân mình có mối liên hệ với Nguyễn Du trên phương diện tinh thần. Ông viết những bài thơ “Tố Như tặng vật”, “Thúy Kiều”, “Từ đầu tới cuối Tố Như”, “Nguyễn Du – Phạm Quý Thích – Hoạn Thư”… Trong tập thơ cũng có bài thơ dành cho Lưu Trọng Lư, cho nữ sĩ Ngọc Quế và nhiều bài thơ không đề. Chủ đề chính của tập thơ “Trăm năm vui buồn” vẫn là những sắc thái tình cảm, trong đó vẫn là những nhân vật quen thuộc như anh và em, trẫm và nàng. Nhân vật người nữ vẫn là nhân vật mà Bùi Giáng luôn nâng niu bằng những từ ngữ đẹp đẽ nhất.

“Giữa trưa em đến thình lình

Đem bao vẻ ngọc lung linh đá vàng

Đổ vào một trận mê man

Tình yêu có lẽ thênh thang lạ lùng

Anh về suy nghĩ mông lung

Nàng Tiên có một mà não nùng có hai”

(Một nàng tiên)

Bùi Giáng chủ yếu làm thơ lục bát và những bài thơ trong tập thơ “Trăm năm vui buồn” cũng phần nhiều là lục bát với lối gieo vần theo kiểu rất Bùi Giáng, nghịch dị và dắt dây chữ nghĩa, phảng phất hương xưa cũ của văn chương một thuở.

“Đi về cổ lục nhìn xem

Phong tình tâm sự trước đèn dầu lu

Mai sau sông biển tít mù

Từ bây giờ tới tạc thù tương lai

Ruộng nương Nương Tử dặm dài

Mừng Xuân tao ngộ di hài Thu Đông

Ngày mai cá sóng phiêu bồng

Ngàn trăng ngậm bóng sương đồng ra đi

Đi về với gió phù du

Mở trang Trí Huệ cho mù sa bay”

(Tặng em)

Đặc biệt trong “Trăm năm vui buồn” còn có thơ tự do, có thơ thất ngôn bát cú, cho thấy những sắc thái khác trong thơ Bùi Giáng.

“Thập thành công lực đã tung ra

Chỉ chưởng vèo bay khắp sơn hà

Lệnh chỉ rước chầu vu quy tới

Hỏa bài tiền lộ ruổi mau qua

Tưởng chừng như mộng mị là thế

Đâu biết rằng mơ tưởng ấy là

Anh định tìm em thăm viếng chút

Nào ngờ em chẳng chịu chơi a!”

(Lệnh chỉ)

Bùi Giáng đi qua cõi đời này như một cuộc rong chơi. Rong chơi trên những nẻo đường phố xá, rong chơi trong miền chữ nghĩa phù du lắt léo đảo điên. Nhưng dù rong chơi, Bùi Giáng vẫn gửi hết tâm tình, gửi hết nỗi niềm với con người, với cuộc đời vào từng câu chữ. Có lẽ vì vậy mà thơ của ông đọc nhẹ như không mà ấn tượng lại nặng đến nao lòng. “Trăm năm vui buồn” là chuyện của đời người trăm năm với muôn vàn sắc thái và khép lại tập di cảo thơ thứ 14 của Bùi Giáng, độc giả yêu thơ ông lại tiếp tục mong chờ một tập di cảo thơ thứ 15.

H.T.V

Bài viết liên quan

Xem thêm
Trăng Lạnh” và một trái tim ấm áp
“Trăng lạnh”, tập thơ mới nhất của nhà thơ Trần Thế Tuyển đến với tôi như một một món quà tặng của người anh “đồng đội”, như một sự chia sẻ cảm xúc của người yêu văn thơ, để cùng ngân nga lọc tìm những câu thơ đẹp, để có những khoảnh khắc lắng đọng chiêm nghiệm nhân gian thế sự, để càng trân quý hơn cuộc sống, tình yêu và sự thanh bình…
Xem thêm
“Những nẻo đường sáng tạo thơ ở một số thi sĩ Việt Nam nổi tiếng thời hiện đại”
Nhà phê bình văn học là người có tâm hồn giao cảm mãnh liệt với từng lời văn, con chữ và những giai điệu du dương của thơ ca. Họ đã có những cảm nghiệm sâu sắc giữa thơ văn và đời mình. Với họ, mỗi tác phẩm văn học không chỉ là một tư tưởng cần được khám phá mà còn là một thế giới sống động, nơi những dòng chữ biết thủ thỉ cùng tâm hồn.
Xem thêm
Bùi Việt Mỹ - Nhà thơ của bức họa ngoại thành thủ đô
Tôi nhớ đầu năm 1991, Bùi Việt Mỹ về làm Chánh văn phòng Hội Văn Nghệ Hà Nội. Lúc ấy nhà thơ Vũ Quần Phương làm Chủ tịch Hội. Sau đó, nhà thơ Vũ Quần Phương chuyển sang làm Tổng Biên tập báo Người Hà Nội, nhà văn Tô Hoài trở về làm Chủ tịch Hội, cho đến năm 1996, khi nhà thơ Bằng Việt đang công tác ở Ủy ban Thành phố được bầu làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội. Văn nghệ Hà Nội có 9 hội chuyên ngành tới hiện giờ.
Xem thêm
Đi tìm đôi mắt theo suốt đời người
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TPHCM
Xem thêm
Nguyên Hùng với nghệ thuật lắp ghép, sắp đặt - hai trong một
Nguồn: Văn nghệ Công an số thứ Năm, ngày 17/10/2024
Xem thêm
Một cây bút nhạy bén, giàu tình
Nguồn: Thời báo Văn học Nghệ thuật
Xem thêm
Nhà thơ Nguyên Hùng với “Ký họa thơ” và “Trăm khúc hát một chữ duyên”
Phát biểu chia sẻ tại buổi ra mắt 2 tập sách Trăm khúc hát một chữ duyên và Ký họa thơ của Nguyên Hùng
Xem thêm
“Nắng dậy thì” Rọi lòng sâu thẳm
Nắng dậy thì là tập thơ thứ 4 trên hành trình sáng tạo của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh. Ở tập thơ này, Nguyễn Ngọc Hạnh thể hiện nỗi buồn thẳm sâu của một tâm hồn nhạy cảm, tha thiết yêu thương và đầy niềm trắc ẩn, như nhà thơ tâm sự: “Cho đến tập thơ này, nỗi buồn vẫn là nguồn mạch thơ tôi” (Thay lời mở). Thơ Nguyễn Ngọc Hạnh biểu hiện nỗi buồn gắn với một vùng quê cụ thể, với tình thân, bạn bè, người yêu, với dòng sông, bến nước, con đò, chợ quê hay cánh đồng làng. Những kỷ niệm thân thương và đau thương cứ “cằn cựa” trong tâm hồn người thơ để có những vần thơ độc đáo, đồng vọng trong lòng người đọc.
Xem thêm