- Lý luận - Phê bình
- Nhà văn Sơn Tùng: “Ðạo là gốc của văn”
Nhà văn Sơn Tùng: “Ðạo là gốc của văn”
THIÊN SƠN
Nhà văn Xuân Cang thuở sinh thời có nói về nhà văn Sơn Tùng: “một đời trận mạc không biết lui quân”. Cuộc đời ông là cuộc đời vượt qua muôn vàn nghiệt ngã và cả sự ra đi của ông lúc này cũng vào chính cái lúc ngặt nghèo khiến biết bao đồng nghiệp, những bạn đọc yêu mến nhỏ lệ mà khó lòng đến để tiễn biệt ông được. Đấy phải chăng là một nghịch lý của số phận? Hay sự đau khổ, sự cô đơn mới chính là một thử thách mà tạo hóa muốn ban tặng để rèn giũa, để thử thách những tâm hồn lớn, để hun đúc lên ánh sáng nhân văn trong trang viết của một đời người?!
Trong im lặng mênh mông của đêm đen, tôi ngồi nghĩ về ông. Hình ảnh ông từ trong ký ức hiện về với dáng người tầm thước, đôi mắt hiền từ sau làn kính trắng, mái tóc trắng dài phủ kín tai, vầng trán rộng bừng sáng cả khuôn mặt, giọng nói trầm vang đầy truyền cảm. Mới đó thôi mà đã thành xa thăm thẳm…
Nhà văn Sơn Tùng sinh ra trong một gia đình có truyền thống nho học và cách mạng. Cha ông là một trong những người sáng lập chi bộ đảng cộng sản ở quê nhà. Từ thuở trong nôi và suốt những năm thơ ấu ông đã cùng với gia đình trải qua những ngày tháng khó khăn khi bị giặc Pháp truy lùng trong và sau cao trào cách mạng 1930-1931. Mới 11 tuổi ông đã mồ côi cha. Mẹ ông, một người đàn bà hay chữ, nhân hậu, tảo tần nuôi các con trong đói nghèo, cô đơn và đau khổ. Thế rồi 16 tuổi ông lại theo con đường của cha, bắt đầu tham gia tổ chức Việt Minh và dấn thân vào hành trình của cuộc đời tranh đấu. Sau cách mạng tháng tám ông làm ở tỉnh đoàn Nghệ An, rồi sau chiến thắng Điện Biên Phủ ông ra Hà Nội, làm ở Đại học Nhân dân, trở thành đại biểu thanh niên sinh viên Việt Nam đi dự Đại hội thanh niên sinh viên thế giới…
Với nguồn gốc gia đình và thành tích nổi bật thời tuổi trẻ, Sơn Tùng có thể có một con đường khác để trưởng thành. Nhưng không, ông không chọn lựa con đường bằng phẳng. Ông chọn con đường chông gai và sự hy sinh. Rời trường đại học, ông sang báo tiền phong, làm phóng viên chiến tranh lăn lộn trong bom đạn. Và rồi năm 1964 nhận nhiệm vụ vào Nam lập báo Thanh niên giải phóng, xách ba lô lên đường ngay sau khi nhận giấy báo tử một người em trai của ông vừa hy sinh ở chiến trường miền Trung. Suốt 7 năm lăn lộn làm báo ở chiến trường Nam bộ, năm 1971 ông bị thương bởi đạn M79, với 14 vết thương, mất đi 81 phần trăm sức khỏe, 3 mảnh đạn còn găm trong sọ não, thị lực còn chỉ một phần mười, hai bàn tay co quắp còn chỉ 3 ngón tay cử động được. Thế mà ông vẫn không lùi bước, trở về Hà Nội ông từ chối đi chữa bệnh dài hạn ở Trung Quốc, kiên trì tập luyện để trở thành người “tàn mà không phế”.
Nhà văn Sơn Tùng tâm niệm: “Đạo là gốc của văn”. Để tạo nên nhân cách người cầm bút của mình, Sơn Tùng đã lặng lẽ tự học suốt đời và luôn giữ một trái tim trong sáng, nhân hậu tuyệt vời, một tấm lòng yêu thương bao la và rộng mở. Ông là người mà ngòi bút luôn có chủ đích, với lòng kiên trì và khát vọng mãnh liệt dù luôn sống trong ngặt nghèo của thương tật, của hoàn cảnh khó khăn.
Ngoài mảng đề tài chiến tranh với các tiểu thuyết như “Lõm”, “Vườn nắng”, Sơn Tùng đã chọn lựa đề tài về Hồ Chí Minh và danh nhân cách mạng như phần chính yếu nhất trong sự nghiệp sáng tác của mình. Ông đã sống qua một cuộc cách mạng, đã hiểu những đau thương, tủi cực của dân tộc mình thuở còn nô lệ. Và ông đã tôn thờ, ngưỡng vọng Hồ Chí Minh khi người xuất hiện như một nguồn sáng trong cuộc đổi đời của cả dân tộc năm 1945. Thời hoạt động ở tỉnh đoàn Nghệ An Sơn Tùng đã tìm đến và trở thành người được anh trai, chị gái của Bác Hồ ký thác nhiều tâm sự và tư liệu quý. Suốt nhiều năm sau, ông nghiền ngẫm và liên tục gặp gỡ những người thân cận của Bác như cụ Vũ Đình huỳnh, Vũ Kỳ… để ghi chép tư liệu và sau này được Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thủ tướng Phạm Văn Đồng tin cậy chia sẻ thêm nhiều tư liệu quý. Với hệ thống tư liệu riêng, ông đã viết nên tiểu thuyết “Búp sen xanh” về thời thơ ấu, thời thanh niên của Bác được hàng triệu người đọc say mê, mến mộ. Và viết nhiều tiểu thuyết, truyện ký về những chặng đời hoạt động sau này của chủ tịch Hồ Chí Minh như: “Trái tim quả đất” xây dựng hình tượng Hồ Chí Minh qua chiến dịch Biên giới, “Bác về” về thời điểm từ Cách mạng tháng 8 đến khi kháng chiến toàn quốc nổ ra và nhiều tác phẩm giá trị khác như: “Nguyễn Ái Quốc qua ký ức bà mẹ Nga”, “Hoa râm bụt”, “Sáng ánh tâm đăng Hồ Chí Minh”…
Sơn Tùng là một trong những người có công đầu trong việc tạo ra một hệ thống tư liệu gốc về gia đình, quê hương, về tuổi thơ, về những mối quan hệ của Hồ Chí Minh thời trẻ. Hệ thống tư liệu ấy, cùng với ngòi bút khắc tạc nghiêm cẩn và tài tình của ông đã làm sống lại không chỉ hình tượng vĩ nhân mà còn gợi mở thêm những tư liệu quý về những thời khắc lịch sử đầu thế kỷ 20. Trong các trang sách của ông cũng làm sống dậy những tinh hoa văn hóa cổ truyền, những truyền thống tốt đẹp của tổ tiên ta. Sơn Tùng cũng là người đầu tiên thể hiện hình tượng Hồ Chí Minh thời trẻ với những vẻ đẹp bình dị, đời thường qua những câu chuyện trong gia đình, những rung động tinh tế qua mối tình trong trắng, thầm lặng với Út Huệ nhưng đành gác lại sau cuộc chia ly trên bến Nhà Rồng. Và Sơn Tùng không chỉ viết về tài trí của Hồ Chí Minh, rất nhiều tác phẩm ông chú trọng miêu tả vẻ đẹp bình dị, lòng yêu thương con người sâu sắc và khát vọng hòa bình của Bác.
Tất cả những vẻ đẹp đó trong tâm hồn, trí tuệ Hồ Chí Minh được nhà văn Sơn Tùng khắc tạc bằng ngòi bút nghiêm cẩn, qua những khoảnh khắc đặc biệt, điển hình trong cuộc đời Bác với những chi tiết có sức ám ảnh, qua ngôn ngữ chắt lọc, tinh tế mang phong cách riêng.
Sơn Tùng cũng là người suốt đời học và làm theo tấm gương của Bác. Sống và viết nhất quán. Ông là một mẫu mực về sự liêm khiết. Ông nói với tôi rằng: “Một đời hành thiện còn chưa đủ”. Suốt cả cuộc đời ông chỉ tâm niệm cố gắng hết sức làm điều thiện lành, mang lại điều tốt đẹp cho xã hội. Thời trẻ, khi đất nước có chiến tranh ông xả thân ở chiến trường. Khi bị thương nặng, trở về Hà Nội ông sống trong một căn nhà tập thể xập xệ chưa đến 20m2, không có công trình phụ, chan hòa với mọi người, cưu mang giúp đỡ biết bao người nghèo khó. Và hàng ngày tận tâm, tận lực viết. Viết như một định mệnh. Như một khát vọng. Một trách nhiệm. Khi xã hội chuyển đổi, nhiều người cầm quyền (kể cả những người ở cấp cao) tha hóa, thì ông là một trong những người đứng ra phê phán mạnh mẽ tệ tham nhũng, quan liêu, bè phái trong đảng, nêu một tấm gương mẫu mực về một người trí thức chân chính.
Đối với việc viết, nhà văn Sơn Tùng nghiêm cẩn trong từng chi tiết. Bất kỳ một chi tiết nào dù rất nhỏ, khi đưa vào trang viết cũng phải nghiền ngẫm thật kỹ. Dù là một tiểu thuyết dài hay một bài báo nhỏ ông đều thận trọng, suy nghĩ kỹ rồi mới viết. Viết bao giờ cũng có mục đích vì cái đẹp, vì cái có ích. “Văn nhân đích thị dấn thân hành đạo”. Đạo mà ông nói ở đây là lấy tổ quốc, lấy tình yêu thương con người đặt lên trên hết. Nhà văn phải sống và viết, nỗ lực hết lòng cho điều đó. Khi viết mà có được những câu, những từ gợi lên cảm xúc trong sáng của người đọc, hướng người đọc đến sự lương thiện thì đó là niềm vui của nhà văn. Đó là văn chương đã có ích.
Trong những năm tháng được gần ông, nhà văn Sơn Tùng luôn động viên khích lệ tôi trên từng bước trưởng thành trong nghề viết. Ông nhắc lại nhiều lần với tôi một câu nói của Hồ Chí Minh về nghề văn: “Chỉ có nhân dân mới nuôi dưỡng sáng tác của nhà văn bằng những nguồn nhựa sống. Còn nếu nhà văn quên điều đó, nhân dân cũng sẽ quên anh ta…” Ông dặn tôi hãy mở tâm hồn để đón nhận cuộc sống, lắng nghe cuộc sống. Và chính cuộc sống sẽ giúp nhà văn biết anh nên viết như thế nào. Hãy bước qua những cầu kỳ, thời thượng, những vay mượn ở đâu đâu, hãy tìm sự dung dị, giản đơn và những điều thiết thân với cuộc đời để đưa vào trang viết.
Viết là một chuyện. Sống và viết song hành, nhất quán. Cuộc đời nhà văn Sơn Tùng là như vậy. Đặt cái chung lên trên cái riêng mình. Đặt nhân phẩm cao hơn lợi quyền. Luôn chống lại cái xấu, cái ác dù còn một hơi thở. Ông là một người anh hùng cầm bút. Một nhà văn của phẩm giá và thiên chức làm người.
Nguồn Văn nghệ số 31/2021.