TIN TỨC
  • Nhà văn trẻ
  • Giới thiệu đại biểu nhà văn trẻ: Trương Mỹ Ngọc

Giới thiệu đại biểu nhà văn trẻ: Trương Mỹ Ngọc

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2022-06-14 09:13:56
mail facebook google pos stwis
1271 lượt xem

GIỚI THIỆU ĐẠI BIỂU NHÀ VĂN TRẺ


Nhà thơ TRƯƠNG MỸ NGỌC

Nhà thơ trẻ Trương Mỹ Ngọc là một trong 22 đại biểu của TP.HCM tham dự Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc diễn ra hai ngày 18-19/6 tại Đà Nẵng.

Nhà thơ Trương Mỹ Ngọc sinh ngày 20/05/1996 tại Trà Vinh. Là cựu sinh viên khoa Văn học Trường đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn. Hiện nay, Trương Mỹ Ngọc làm biên tập viên truyền hình tại TP.HCM.

 

VỀ

 

Những dòng sông đỏ nặng phù sa
Rớt nước mắt ngóng kẻ tha hương tìm đường về quê cũ
Xin được về quê đội mưa hứng lũ
Sài Gòn ốm đau không gồng nổi nữa rồi

Một trận dịch vừa qua tay người trắng như vôi
Cúi lạy phồn hoa cho con xin mang lệ về với mẹ
Thấy bên kia sông là nhà mình mà khóc òa như đứa trẻ
Như cái buổi cập bến đèn hoa ôm mộng Sài Thành

Một trận dịch động trời ai nấy cũng mong manh
Chia nhau từng gói mì mà nghe lòng chua chát
Xin một lần làm con người hèn nhát
Trốn chạy khỏi đau buồn nghèo đói bủa vây

Đành gác lại những ước mơ thời trẻ dựng xây
Tiếc mấy cây vàng lén má bán lên Sài Gòn lập nghiệp
Xin lỗi quê hương vì đã đi biền biệt
Để lúc thống khổ đau thương ôm nước mắt trở về

Cửa ngõ phía Tây chưa bao giờ buồn như lúc trở về quê
Bao năm làm đủ nghề nhưng vẫn không trụ vững ngày Sài Gòn ốm nặng
Khoảnh khắc rời đi lòng dâng đầy cay đắng
Phố thị vẫy tay chào chẳng còn lòng dạ để mà đau…

Xin cho con vện, con vàng đi ké yên sau
Về nương nhờ cây lá trong vườn hái rau ăn no bụng
Xin thứ lỗi cho những kẻ vụng về văn chương lủng củng
Không viết nổi lời ruột gan từ biệt với đô thành

Còn sức lực đâu mà bươn chải tiền nhà, tiền gạo, tiền xăng
Mà lăn lộn với cuộc đời, mà mưu sinh ngang dọc
Xin cho con về để em con còn đi học
Uống nước phù sa mà ráng sống nên người

Cô gái nhỏ bên kia đường khép lại chuyến rong chơi
Mang theo cả chị, cả anh nhẹ bẫng trong tay lặng yên về thăm mẹ
"Chào dì bảy dì ba chúc mọi người mạnh khoẻ"
Mới đó đã khóc oà chữ "khoẻ" chẳng trọn câu

Xin cho con về con chẳng gượng nổi nữa đâu
Mười năm lăn lộn rủi may hai bàn tay vẫn trắng
Trả lại cho Sài Gòn những tháng ngày yên ắng
Những kẻ tha phương cay đắng vẫy tay chào..

 

CHỊ QUA CẦU…

 

Em tiễn chị đi qua con đê

Cánh diều tuổi thơ nức nở mùi rạ đồng tháng sáu

Hoa xoan tím rụng đầy trong vạt áo

Lẫn với những nghẹn ngào, lẫn với những lao xao

Chị bước qua cầu, chị chẳng biết làm sao

Thấy mặt nước nghiêng soi hình bóng chị

Em ngắt vội một chùm bông bí

Bông bí vàng bươm bướm chẳng bay theo...

Chị bước qua cầu,

Em bé bỏng liêu xiêu

Tóc thắt ngang vai hai chùm bím nhỏ

 

Chị qua cầu chị cầm hoa xanh đỏ

Mắt em tím vàng những hoa bí, hoa xoan...

Em tiễn chị đi qua đoạn đường trơn

Từng dấu chân lấm lem mùi nức nở

Chị bước qua cầu, tuổi xuân còn rực rỡ

Bỏ hết những ngọt ngào,

chị bỏ lại cả em...

Em quay về trời chập tối nhá nhem

Nghe chị khóc sau lưng, chị dặn đừng ngoảnh lại

Chị qua cầu em hãy còn thơ dại

Anh rể cả làng không biết mặt là ai...

Em đi qua mấy khúc sông dài

Nghe người ta xì xào về ngày vui của chị

Em nắm chặt trong tay chùm bông bí

Cũng bởi gạo tiền

Em giết chị

Chị ơi!

 

PHÁC HỌA MÙA THU


Em vẽ hình anh lên những đầu ngón tay
Nỗi nhớ cũng gầy gò như tháng Bảy
Em vẽ hình anh lên bờ vai run rẩy
Gió xiết vai nghiêng,
Rơi mất anh rồi...

Em uống những cốc rượu đầy lem từng vết son môi
Dưới đáy nước soi hình anh trong đó
Rượu thì nồng, son môi thì đỏ
Còn anh thì xanh lam...

Mắt em nâu, còn nắng thì vàng
Sao chỗ nào cũng có anh ở đó?
Tay em gầy, mỏng manh như ngọn cỏ
Với phương nào cũng đụng phải dáng hình anh...

Tháng Bảy cựa mình trong hốc mắt em xanh
Chắc mây trắng cũng hanh hao như tháng Bảy
Chỉ là nhớ anh thôi, sao lại buồn đến vậy
Để dáng em gầy, in bóng đất liêu xiêu...

Bên hiên nhà em, hoa đã nở ban chiều
Hoa cúc tím, buồn thiu
Như em vậy,
Em gom hết mây trời đổ cả vào tháng Bảy
Đổi lấy một mình anh....

Rồi những ngày tháng Bảy này, trời hẳn cũng không xanh
Em không buồn
Còn anh không bỡ ngỡ
Em xuống phố một mình, tô son lên nỗi nhớ
Giấu một mét vuông buồn, trong hốc mắt của anh...

Và những hoang đường trong ký ức của em...

 

BẢN TÌNH CA CHỈ CẦN HAI NGƯỜI HÁT

 

Những hàng cây  đổ bóng bên đường

cùng em đi qua mùa hạ

trời xanh hơn trong mắt người xa lạ

em thì ngước mắt

… chỉ gặp anh

 

em vẽ mùa thu trên những tán cây xanh

vẽ mùa thu vào mái tóc đen dịu dàng cho anh ngắm

vẽ lời yêu say đắm

vẽ tháng tám hiền lành

hòa lẫn những nhớ thương

 

một ngày tháng tám mù sương

em ước mình có thể bước qua bậc thềm mà nắm tay anh xuống phố

hai đứa mình, hai đầu nỗi nhớ

nắng đổ bên này nhớ mưa gió bên kia

 

tình yêu là cuốn sách chỉ giở tới trang bìa

đã thấy thích như lần đầu va phải anh trên con đường tấp nập

mùa thu của em bỗng trở nên ngăn nắp

bởi những bộn bề đều nhường chỗ cho anh

 

một ngày tháng tám trong lành

em sẽ viết bản tình ca chỉ cần hai người hát

em sẽ viết về mùa thu xanh mát

một mùa thu ngân dài bát ngát trời mây

 

rồi rất nhiều mùa thu của sau này

em cũng sẽ nhặt lá vàng rơi mà thương anh tha thiết

trái tim không ngợi ca những điều bất diệt

một trái tim bình thường chỉ loạn nhịp vì an

 

CHỈ CẦN LÀ ĐỒNG BÀO THÌ NƠI NÀO CŨNG LÀ QUÊ

 

Cô bạn òa khóc giữa trưa

Khi hay tin bão quét qua quê nhà yêu dấu

Mẹ buộc vội đàn bò đang nghỉ chân bên bờ giậu

Dắt mấy đứa em qua nhà hàng xóm nương nhờ

 

Anh bạn lặng người đi trước lớp kính mờ

Từng hồi chuông ngân dài đầu bên kia không có người nhấc máy

Trên báo đài bắt đầu liệt kê về những tang thương thiệt hại

Nước mắt cuốn thành dòng, thấy nhà mình chìm trong bão lũ phía xa xa

 

Mẹ ở ngoài quê cạn nước mắt khóc đàn gà

Chuẩn bị bán đi lấy tiền cho thằng Út năm sau vào đại học

Lũ lụt lại kéo về cả xóm làng bật khóc

Miền Trung chất chồng những khó nhọc, gian nan

 

Những trận bão đi qua chưa nhòa dấu thời gian

Vài trận lụt tang thương ám ảnh thành lịch sử

Miền Trung đỏ au trong mắt đứa con xa xứ

Sạt lở vùi chôn anh, chú, bác quê nhà…

 

Mái ngói nhà ai vừa bị gió cuốn đêm qua

Cuốn cả tấm bằng khen đứa nhỏ nhiều năm nâng niu hãnh diện

Những hàng cây bật gốc như phận người la liệt

Anh quân nhân bốc đất bằng tay vì sợ cuốc xẻng làm đau đồng đội của mình…

 

Chú thạch sùng không còn tắc lưỡi mỗi bình minh

Trận cuồng phong đêm qua cuốn tới hiên nhà ai lạ hoắc

Cụ bà nhóm đèn dầu trên mái nhà leo lắt

Ngó đàn bò trôi dài theo dòng nước… mà thương!

 

Hôm nay lại có tiếng khóc òa của mấy kẻ tha hương

Anh bạn nhà bên mười mấy năm không nhớ đường về quê Mẹ

Chiều nay ngồi bên thềm nhà rưng rưng như đứa trẻ

Ruột thắt từng cơn mỗi khi nghe bão lũ kéo về

 

Chỉ cần là đồng bào thì nơi nào cũng là quê

Cầu bình an cho miền Trung

… khúc ruột yêu thương quanh năm rỉ máu

Cầu những cánh chim bay có nẻo về nương náu

Trước hiên nhà, mai sớm, nắng sẽ lên.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Văn học trẻ TPHCM: Chờ đột phá
Tháng 12/2021, Hội Nhà văn Việt Nam dự kiến tổ chức Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 10 tại Đà Nẵng. Hiện tại, Hội Nhà văn TP.HCM vừa hoàn tất danh sách đề cử 15 tác giả trẻ gửi ban tổ chức. Đây là cơ hội để nhận diện văn học trẻ của thành phố hiện nay.
Xem thêm
‘Tôi không tin một tác phẩm thiếu thực tế lại chạm được vào cảm xúc con người’
Sau những dự án về biển đảo với những ấn phẩm ra đời song hành cùng các hoạt động xã hội sôi nổi tri ân hậu phương của những người lính Trường Sa, nhà thơ nhà báo Lữ Mai lại tiếp tục đồng hành cùng những cựu chiến binh trong hành trình kiếm tìm đồng đội. Tri ân những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống nhưng không chỉ có tiếng bom đạn, không chỉ có đau thương mà còn có những cảm xúc ngậm ngùi, hoài niệm trên hành trình đưa hài cốt các anh về đất mẹ. Chư Tan Kra là địa danh đã đi vào lịch sử gắn với những cuộc chiến đẫm máu, nhưng Chư Tan Kra xuất hiện trong thơ Lữ Mai không chỉ là những trận đánh ác liệt, mà còn là một kỉ niệm, nơi tình đồng chí được tôn vinh và sống mãi. Chư Tan Kra mây trắng, tập trường ca mới nhất của chị vừa hoàn thành ngay lập tức đã tạo những hiệu ứng xã hội lan tỏa. Chị cho rằng, thực tế là điều kiện quan trọng để nảy sinh cảm xúc khi viết, chị không tin một tác phẩm thiếu thực tế sẽ chạm đến được cảm xúc của người đọc.
Xem thêm
Nghệ sĩ sáng tạo và nhà phê bình – Truyện ngắn của Võ Chí Nhất
1. Thành phố Hồ Chí Minh có bao nhiêu Quận thì Mẫn “lãng tử” có bấy nhiêu cái tên. Điều ấy đòi hỏi một trí nhớ tốt, vì người ta nhẵn mặt gã trên báo với những “chiến tích” lừa đảo và trộm cắp. Xui xẻo cho gã là cả gan đội lốt phóng viên một tờ báo Công an tìm đến tư thất nhà văn Lan Chi để nhận bài viết “Chiến công thầm lặng của những người khoác bộ quân phục xanh lá mạ”. Bà nhà văn già trước khi viết bài đã sốt sắng gọi về tòa soạn báo để hỏi thăm và thế là sau khi chôm chiếc nhẫn đính kim cương 4 karat của bà, Mẫn “lãng tử” được cảnh sát chờ sẵn để mời đi “nghỉ dưỡng”… Nhưng nhà tù chỉ giữ chân Mẫn chứ không thay đổi được gã, hết hạn thì cũng phải thả ra thôi.
Xem thêm
Người bị sét đánh - Truyện ngắn Ngô Thúy Nga
Ngô Thuý Nga sinh năm 1989 ở Hà Tĩnh, tốt nghiệp Khoa Ngữ văn – Báo chí Trường Đại học Khoa học xã hội & nhân văn TPHCM, hiện là Biên tập viên NXB Hội Nhà Văn chi nhánh miền Nam. Cô đã xuất bản 2 tập truyện ngắn Nước mưa của chàng câm, Mùa này sao cứ dài nhung nhớ, tiểu thuyết Những mùa ngâu và tập thơ Nốt lặng; được trao nhiều giải thưởng, trong đó có Giải thưởng Nhà văn trẻ Hội Nhà văn TPHCM năm 2016 cho tập thơ Nốt lặng và Giải ba Giải thưởng Cây Bút Vàng lần thứ 3 (2015 -2017) với tiểu thuyết Những mùa ngâu.
Xem thêm
Ở phía bên kia núi - Truyện ngắn của tác giả trẻ Đặng Thùy Tiên
Đặng Thùy Tiên sinh ngày 08/8/1990 ở Lai Châu, tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành bảo hiểm Trường Đại học Lao động – Xã hội năm 2013; có truyện ngắn, tản văn đăng trên báo chí địa phương, trung ương và in chung một vài tuyển tập, được trao 2 giải thưởng văn học mạng; Hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Lai Châu.Truyện ngắn của Đặng Thùy Tiên là những câu chuyện xoay quanh đời sống người miền núi, chủ yếu là giới trẻ, với những hình ảnh lạ lẫm và cung bậc cảm xúc khác nhau, hạnh phúc xen lẫn đớn đau, ấm nồng xen lẫn nghịch cảnh. Với người phụ nữ trẻ hòa trộn ba dòng máu Thái-Kinh-Hoa, văn chương với Đặng Thùy Tiên như là cánh cửa tâm hồn rộng mở để cô tìm đến sự chia sẻ, đồng cảm và lưu giữ những ký ức văn hóa, cuộc sống đang diễn ra lặng lẽ và sinh động “ở phía bên kia núi” nơi mảnh rất ruột thịt ở vùng biên cương phía Bắc. Văn chương Thành phố Hồ Chí Minh trân trọng giới thiệu truyện ngắn Ở phía bên kia núi của nhà văn trẻ Đặng Thùy Tiên đến với bạn đọc.
Xem thêm
Nhà văn trẻ và câu hỏi Vì sao chúng ta viết?
Vì sao chúng ta viết là khẩu hiệu và cũng là định hướng thảo luận quan trọng tại Hội nghị Viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 10 do Hội Nhà văn Việt Nam dự kiến sẽ tổ chức vào nửa cuối tháng 12/2021 tại TP Ðà Nẵng.
Xem thêm
Nhà văn Võ Thu Hương - Truyện viết ra được in vạn bản
Nhà văn Võ Thu Hương sinh năm 1983, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hiện là Chánh Văn phòng Hội Nhà văn TP.HCM.
Xem thêm
Đọc ‘Phút Bù Giờ’ của Minh Đan để ta có trách nhiệm hơn với cuộc đời mình
Từ một niềm say mê bóng đá, tác giả Minh Đan vừa ghi thêm vào bộ sưu tập thơ của mình một thi phẩm mới có cái tựa rất thể thao: “Phút bù giờ” sau nhiều lần trì hoãn vì dịch Covid-19.
Xem thêm
Tháng Chạp mùa đi tìm nắng | Chùm thơ Mạc Tường Vi
Cầu nguyện giữa núi rừng, Em yêu lục bát & Tháng Chạp mùa đi tìm nắng
Xem thêm
Chùm thơ Trần Hạ Vi
đường xưa quen lối ngày đã đinhuộm nước mắt trở mình tấm thiệplời chúc mừng lọt trót lời giã biệtngậm rã đắng mềm rời lạc mảnh tim
Xem thêm
Dịch Ruồi - Truyện trinh thám của Võ Chí Nhất
Dịch Ruồi – Truyện ngắn trinh thám Võ Chí Nhất
Xem thêm
Chùm thơ Nguyễn Trọng Lĩnh
Thu lại về trên mắt biếc long lanhbuồn rơi rớt chiếc lá vàng đâu đóanh vội nhặt gói vào trong nỗi nhớsay giấc Huếchiều mơ…
Xem thêm
Diễn đàn Tác động của mạng xã hội với văn chương: “Đó là một phần thế giới mà chúng tôi đang sống”
Đối với người viết trẻ, việc đề cập đến mạng xã hội, công nghệ… trong tác phẩm là hoàn toàn tự nhiên - nhà văn trẻ Nguyễn Dương Quỳnh nói.
Xem thêm
Dịch giả trẻ Hà Linh: Văn chương thế giới đang dần xoay trục
Hà Linh là một dịch giả trẻ dịch khá nhiều tác phẩm Hàn Quốc sang tiếng Việt nhưng cô khá kín tiếng trong giới dịch thuật. Cô cũng từng tham gia dự án chuyển ngữ tiếng Anh cuốn tiểu thuyết Untold Night and Day của Bae Suah – một trong những nhà văn đương đại Hàn Quốc nổi bật. Mới đây, Hà Linh đã giới thiệu đến bạn đọc Việt Nam dịch phẩm Trắng của Han Kang, một nhà văn Hàn Quốc nổi bật khác. Cô cũng đang rất háo hức với cơ hội được trải nghiệm dịch Cursed Bunny của Bora Chung trong thời gian tới. Góc nhìn của cô về văn chương Hàn và con đường để văn học xứ kim chi đi ra thế giới có nhiều điều đáng để suy ngẫm.
Xem thêm