TIN TỨC
  • Thơ
  • Giới thiệu thơ Đặng Bá Tiến

Giới thiệu thơ Đặng Bá Tiến

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng: 2024-08-29 16:19:39
mail facebook google pos stwis
324 lượt xem

Nhà thơ Đặng Bá Tiến sinh năm 1952, quê xã Sơn Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, hiện là Phó Chủ tịch Hội VHNT Đắk Lắk, thường trú tại Buôn Ma Thuột. Ông là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, Hội viên Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam (A.VAPA), Hội viên Liên đoàn nhiếp ảnh nghệ thuật Quốc tế (A.FIAP). Với gần chục tác phẩm văn chương đã xuất bản và nhận được nhiều giải thưởng văn học, nhà thơ Đặng Bá Tiến nổi bật lên như là một trong những nhà thơ có bản sắc nhất của vùng văn học Tây Nguyên. Văn chương TPHCM trân trọng giới thiệu chum thơ được rút trong tập thơ Linh hồn tiếng hú của anh để giới thiệu cùng bạn đọc.

Nhà thơ Đặng Bá Tiến

 

KHÚC VI – ĐÊM BẢN ĐÔN

 

Trắng bao đêm dầm dưới sương rơi

anh không ngủ ngồi nghe dòng sông khóc

Sê rê pốk mùa khô đá đôi bờ lăn lóc

cỏ đôi bờ chết giấc dưới trời sao

nước hắt hiu

đâu còn sóng dạt dào

trăng bức bối không còn chỗ tắm           

thuyền độc mộc nằm trơ trên bến vắng

Ama tựa đầu ngồi nhấm nháp trăng suông

cần câu cá lăng giờ câu gió câu sương

thác Bảy Nhánh hết reo cười như trẻ nhỏ

đêm

sông như con rắn đen bơ phờ nhịp thở

đợi cơn mưa xa lắc cuối trời

đêm

ai buồn để tiếng chiêng rơi

rơi vào hư không

rơi vào thăm thẳm

rơi vào tận đáy lòng trống vắng

không có rừng giọt chiêng đậu vào đâu

giọt chiêng tan vào gió bạc màu

tan như giọt mưa rơi vào sa mạc…

 

Không có rừng lời khan ngơ ngác

lời khan như cũng lạc quê hương

Đam San về tìm lại suối ngàn thương

đâu còn bóng kơ nia trên bến nước

đâu còn thác tung bờm như ngựa thần sải bước

đâu còn đàn voi đi rung chuyển đại ngàn

người kể khan ngồi trước cửa nhà sàn

thì thầm kể khan

cho chính mình nghe

rồi khóc

 

Đêm Bản Đôn

có một người không còn nước mắt

và mái đầu tóc bạc như lau

ngồi lặng yên nhìn vào tận đẩu đâu

giữa hun hút trời sao cao vòi vọi

 

Mười năm chiến chinh

đạn thù như mưa xối

chưa một lần chùn bước trước hàng quân

chưa một lần cúi đầu khuất phục

hôm nay giữa thời bình

lẽ nào đành bất lực

buông tay?

Có lẽ nào như thế đồng đội ơi

ta bất lực là vong ơn bội nghĩa

ta buông tay

là quên máu bạn ta đã tưới đầm chiến địa

để giữ từng tấc đất mầm cây

ta buông tay

là đầu hàng lâm tặc

là đại ngàn này

mặc chúng phanh thây (!)

 

Đồng đội ơi

những người gần

những người ở xa xôi

người là hồn thiêng ngự tận đỉnh trời

người đang ở suối vàng yên nghỉ

người đang giữ những chức quyền cao quý

người đang cuốc cày lo rau cháo sớm hôm

người đang trên núi cao

người dưới biển sóng cồn  

xin thêm một lần kết thành đội ngũ

xin thêm một lần hội tụ

vào cuộc chiến này để bảo vệ màu xanh

bảo vệ ngọn gió lành

bảo vệ nguồn nước mát

bảo vệ lời ru, câu hát

tiếng T’rưng vang vọng ngàn đời!

 

 

KHÚC VIII – HỒI SINH

 

Và đại ngàn

bình yên trở lại

hết tiếng thét gào

cưa lốc xé trời đêm

hết tiếng cây đổ rền như động đất

không còn nữa những đì đùng súng kíp

tiếng nai rú kinh hoàng rồi đổ vật giữa lòng khe…

 

Sau cơn mưa

hơi đất lại rụt rè

tỏa nhẹ

vấn vương trong ban mai tinh khiết

những gốc cây cụt đầu

lại hé chồi xanh biếc

con suối chết hồi sinh

nước ngọt lại tuôn dòng

bóng mát lại xòe trên bến nước

thong dong

các chị các em gội đầu chải tóc

bầy sóc lại giỡn trăng

và uống những hạt sương trong vắt

đêm già làng

ngồi bên dòng Sê rê pốk buông câu

cá lăng, cá cờ quẫy trăng nước xôn xao

cần trúc trĩu niềm vui

giỏ mây đầy ánh bạc…

 

Đêm

ai thả dàn chiêng ngân dài xa lắc

tiếng chiêng bay qua chín suối mười đèo  

tiếng chiêng cười

tiếng chiêng hát

tiếng chiêng reo

mời người bốn phương về dự hội

mời khách lạ khách quen cùng chung cần rượu mới

mừng người Bản Đôn

còn có đại ngàn

voi chưa hết đàn

chim chưa hết tổ

lời khan chưa mất quê   

vẫn còn đây quần tụ

kơ nia xanh

pơ lang đỏ

ngàn đời…

 

 

TIẾNG TÙ VÀ MA KÔNG

                                     

Ma Kông ngồi

bóp gối đầu sàn

bóp vạn dặm đời

trong hai ống xương đang khô tủy

qua vạn dặm đại ngàn suối sông đất mẹ

giờ hai ống xương rên rỉ đêm ngày

 

Và khi buồn

ông ngả nghiêng say

trong tiếng tù và

của chính mình trầm bổng

lời âm… âm… u… u…

bay vào mịt mù thăm thẳm

kết tủa hoàng hôn

đọng giọt giữa lòng người

 

Người Bản Đôn

đã thấm mỗi chiều rơi  

những nỗi niềm lênh đênh chìm nổi

trong tiếng tù và

phải đâu từ buồng phổi

mà từ trái tim khắc khoải nỗi thương rừng

 

Còn đâu những tháng ba trời đất thơm lừng

trăm thứ hoa rừng đua nhau khoe sắc

ong đập cánh cho ngợp trời phấn rắc 

mật ngọt như mưa dưới tán biếc ròng ròng

 

Còn đâu điệu múa xòe của những bầy công

cánh rừng bên sông chỉ còn đất trống

lau phơ phất một màu tang trắng

hồn cẩm hương… cũng hết gốc nương nhờ

 

 Nơi đàn voi quần tụ dưới trăng mơ

 giờ những đống xương khô tàn lạnh

 mùa săn voi chỉ còn ảo ảnh

 trong hoài niệm hằng đêm lại vỗ cánh bay về

 

 Biết ngỏ cùng ai

 ai thấu nỗi tái tê

 ông bà dưới đất sâu còn nghe ta nói

 thần linh ngự trên cao có nhìn xuống dưới

 có biết rừng, biết suối…

 biết lòng ta…?

                                                             

BMT, 9.2012

   

 

SÊ RÊ PỐC MƠ VÀ THỰC

 

Sê rê pốc trong ký ức tôi

có ba mươi mùa buồn vui

ba mươi mùa với những đêm mơ đầy lá xanh, đầy tiếng chim reo

trộn lẫn những đêm mơ chập chờn vũ điệu cánh đen bầy quạ đói...

+

Sê rê pốc

Sê rê pốc ơi

tôi nhớ những cánh rừng xanh soi bóng trên dòng trôi

những bầy công trong nắng mai xòe xiêm y ngũ sắc lượn bay với bạn tình

tôi nhớ những thảm cỏ xanh trưa vàng có chú nai con nằm day vú mẹ

nhớ tiếng gà rừng chiều lung linh dập dờn trong khóm lá

ai hú gọi ai đến uống mật ong rừng...

 

Sê rê pốc khoan thai

Sê rê pốc cuộn trào

con sông trong cho chiều Bản Đôn em khỏa thân bơi giữa dòng nước mát

để đêm đến em ngồi bên tôi ngắm trăng cũng mát rượi cánh tay mềm

con sông của cá anh vũ, cá lăng, cá rô cờ

nướng trui trên than hồng thơm ba ngọn núi

nấu canh chua lá me ăn thì nhớ suốt đời...

 

Sê rê pốc sục sôi

những ngọn thác như tự trời cao đổ xuống

tôi nhớ Đray Sáp thét gào khói nước trùm cả cánh rừng cổ thụ

chuyện tình* dẫu ngàn năm mà chẳng bao giờ cũ

đã thương nhau không sợ quỷ thần…

 

Tôi nhớ Đray Nu

cái mành nước khổng lồ

Ngọc Hoàng buông cho nhân gian ngắm cầu vồng bảy sắc

và Trinh Nữ thác reo như ai khóc

thể phách tan lâu rồi hồn trên thác vẫn vẩn vơ...

+

Ôi dòng sông của mộng mơ kỳ vĩ

chiều nay tôi về ngồi trên tảng đá mồ côi

nhìn ngọn thác phơi trần trong nắng lửa

kỳ vĩ thiêng liêng tan biến đâu rồi?

 

Chẳng còn nữa cầu vồng bảy sắc

thác thôi thét gào chỉ lấm lét dòng trôi

đá như đầu người ngổn ngang lăn lóc

ông lão buông câu dưới chân thác ngủ ngồi...

 

Sê rê pốc ơi, nước đã về trời

khi những cánh rừng

mẹ của mạch nguồn suối mát

đã trụi trơ bật gốc

thì sông là đứa bé mồ côi

rừng đã bỏ sông

sông biết sống với ai

sông khô héo thác cũng đành ngắc ngoải

giờ trên sông là bầy quạ đói

vỗ đôi cánh đen ngòm tìm xác cá khô...

  

Đêm tháng ba tôi nằm mơ thấy sông đang bị cháy

nước sôi lên, đá vỡ ứa máu hồng

-Sê rê pốc ơi...

-Sê rê pốc ơi...

tôi gào gọi tên sông trong nước mắt ròng ròng...        

                                   

BMT, 2009

(*): Chuyện tình về sự tích thác Đay Sáp.

Đ.B.T

 

 

Bài viết liên quan

Xem thêm
Thi ca điểm hẹn: Phạm Phương Lan bật cười biên câu thơ
“Nứt ra từ đá/ Cây mọc xanh đời/ Nứt ra từ tôi/ Gót hài bé mọn...
Xem thêm
Thi ca điểm hẹn: Đại tá - nhà thơ Dương Xuân Linh bình yên trong khát vọng đỏ chiều
Dẫu lấm lem bụi gió phong trần/ Quanh mắt bão càng thấy mình dũng mãnh
Xem thêm
Chùm thơ Thanh Tâm
Ta giờ chỉ nhớ dáng xưaQua bao mưa nắng như vừa hôm qua
Xem thêm
Chùm thơ Dương Lữ Yên
Dương Lữ Yên là giáo viên dạy Toán, hiện là Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở Giáo dục tỉnh Phú Yên.
Xem thêm
Chùm thơ hưu của Trần Ngọc Phượng
Chùm thơ 3 bài của nhà thơ cựu chiến binh Trần Ngọc Phượng
Xem thêm
Chùm thơ Trần Thế Vinh
Về với Thất SơnGặp núi huyền tích phương Nam biên thổGặp cây trường thọ soi mình diễm lệLá vờn nắng ươm mầm xanh đọtChùa chiền nghiệm ứng lời thiêngThạch đại đao hùng vĩĐây phía chủ quyền…
Xem thêm
Chùm thơ Dương Xuân Linh
Nếu vườn người thiếu emHoa lấy gì đối trọngHờn ghen hay mơ mộngNuôi tình yêu lên ngôi
Xem thêm
Nguyễn Khắc Thắng – Chùm thơ dự thi
Thơ dự thi Nhân nghĩa đất phương Nam
Xem thêm
Chùm thơ chào mừng Ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10
Chùm thơ của Nguyễn Văn Thanh, Dương Xuân Linh, Nguyễn Trường Thanh
Xem thêm
Chùm ca khúc về mẹ và em
Chùm ca khúc về mẹ và em nhân ngày Phụ nữ Việt Nam
Xem thêm
Nguyễn Trần Khải Duy - Chùm thơ dự thi
Chùm thơ dự thi “Nhân nghĩa đất phương Nam”
Xem thêm
Còn ai ru đời - Chùm thơ Nguyễn Hồng Linh
Chùm 3 bài thơ của Nguyễn Hồng Linh
Xem thêm
Chùm thơ La Mai Thi Gia
La Mai Thi Gia sinh ngày 15-10-1980 tại Tam Kỳ, Quảng Nam, là tiến sĩ ngữ văn, giảng viên Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn TP Hồ Chí Minh
Xem thêm
Hoàng Thị Hiền - Chùm thơ dự thi
Chùm thơ dự thi “Nhân nghĩa đất phương Nam”
Xem thêm
Bùi Ngọc Phúc – Thơ dự thi (chùm 2)
Chùm thơ dự thi Thơ “Nhân nghĩa đất phương Nam” lần 2
Xem thêm