TIN TỨC

Hình ảnh mẹ và tết quê trong thơ Trần Mạnh Hảo

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
702 lượt xem

 

TRẦN HỒNG GIANG
 

Mỗi chúng ta ai cũng có một nơi sinh ra và lớn lên, một nơi để thương nhớ, một nơi để trở về… Đó là quê hương. Và quê hương ấy có mẹ ngóng chờ ta, đặc biệt là mỗi khi tết đến xuân về. Cái lẽ nhân sinh ấy tưởng như ai cũng từng cảm nhận và hiểu thấu. Những hình ảnh ấy tưởng như đã luôn hiện hữu trong đời sống và đã đầy ắp trong tâm khảm hồn vía mỗi người. Nhưng không, khi ta bất ngờ gặp lại thì lòng vẫn trào lên những rung cảm rưng rức nghẹn ngào.

Nhà thơ Trần Mạnh Hảo

Hình ảnh người mẹ và quê hương lâu nay thường được mặc định là một khối thống nhất, gắn kết làm một, không tách rời. Khi con người ta nhắc đến mẹ thì cũng đồng nghĩa đó là quê hương, và ngược lại… Vì vậy, trong tâm thức của mỗi con người từ khi sinh ra, lớn lên, rồi rời xa khỏi vòng tay của mẹ thì luôn có một sự gắn kết, một mối dây ràng buộc như nguồn sinh khí cho mỗi cơ thể sống. Mẹ và quê hương chính là thánh đường linh thiêng nhất trong cõi lòng mỗi con người.

Hơn thế nữa, hình ảnh người mẹ ngóng chờ con vào mỗi dịp lễ tết nơi quê nhà lâu nay luôn là một nỗi ám ảnh, một cảm thức mãnh liệt trong mỗi tâm hồn người Việt. Nó còn là cả một kho tàng cảm xúc để cho các nhà văn nhà thơ khai thác, tạo nên những tình tiết đặc sắc, những sắc thái rung động trong văn chương nghệ thuật nói chung, thi ca nói riêng. Và hình ảnh ấy qua những bài thơ của nhà thơ Trần Mạnh Hảo lại như càng tăng thêm những cung bậc cảm xúc xa xót quằn quại đến thắt lòng.

Mẹ và quê hương, cùng khoảnh khắc giao thời náo nức đón chào một năm mới sắp sửa đến, làm cho lòng người chợt ngân rung lên những tiếng yêu thương diệu kì. Đó là lúc: Hoa đào tiễn gió bấc đi/ Tết ơi, xin mẹ được khi dại khờ (Xin mẹ tuổi thơ). Khi những cánh hoa đào đầu tiên hé nở xua đi cơn gió bấc lạnh căm cuối mùa, thì cũng là lúc những ảnh hình của mẹ, của quê hương, của những mùa tết xưa chợt ùa về. Hay như: Tôi như hòn đầu rau như đòn bánh cóc/ Tết đến theo đuôi hết mẹ rồi bà (Thương nhớ chó vàng). Một thuở ấu thơ sống trong gian nan nghèo khó nhưng ăm ắp phút giây hạnh phúc an vui. Nhưng hân hoan nhất chính là những ngày sát tết, nhà nhà cập rập với bao sắm sửa lo toan. Hân hoan chờ đón những khoảnh khắc thiêng liêng của năm mới, của sắc xuân tươi mới hớn hở tràn về nơi chốn quê:

Bướm ong mừng tuổi rét đài
Gọi cây rét lộc hoài thai hoa đào
Mùa đông còn ngủ dưới ao
Rễ bèo khẽ thức xanh chào gió non
(Khói lên chồi)

Nhịp đời bỗng chốc rộn lên bằng sự hối hả hơn, vội vàng hơn ngày thường: Khói nâng mái rạ lên chiều/ Cha nhờ gió buộc cây nêu mưa phùn/ Tôi ngồi xem lửa run run/ Mẹ mang rế rách chổi cùn giấu đi (Tết xưa). Cái không khí tết được bắt đầu từ những chi tiết giản dị của đời sống dân nghèo ấy, nhưng lại khơi gợi lên bao sắc thái thân thương và cũng đầy trang trọng. Mỗi khoảnh khắc thời gian như được in sâu vào tiềm thức của tuổi thơ: Chiếc lạt mưa phùn buộc chặt người/ Tuổi thơ chiều tết tối ba mươi/ Lá dong mỏng mảnh như tờ giấy/ Mà bánh chưng xanh gói lẫn trời (Giữ lấy chiều ba mươi). Những cái tết xưa tuy đạm bạc nhưng vẫn phủ đầy bao niềm hân hoan hồ hởi lên những phận đời nghèo khó. Có thể ví đó như là một món quà mà thượng đế đã rộng lượng ban xuống cho cõi nhân gian. Và nữa:

Bếp núc chiều ôm cả chó mèo
Mùa xuân trong chảo nỗi hành reo
Tôi với thằng em chờ tóp mỡ
Sung sướng nào hơn những tết nghèo
(Giữ lấy chiều ba mươi)

Tết đến là khung cảnh mùa xuân ngập tràn. Tiết xuân đong đầy cả một không gian bát ngát. Cái lạnh giá của mùa đông đã tan biến, khí trời đã ấm lên. Và đó cũng là thời điểm những người nông dân vùng chiêm trũng chuẩn bị bước vào một vụ cấy trồng mới, khi ta nghe cả tiếng từng hạt thóc đang tách vỏ nảy mầm:

Cây đội đầu nguyên một bóng râm
Gánh cơn mưa bụi xuống gieo mầm
Cao xanh xòe tán che ngày rét
Nước ấm nghe còn tiếng thóc ngâm
(Xuân thủy mặc)

Nhưng bao phủ lên tất cả cái khung cảnh tết ấy là ảnh hình của mẹ. Người mẹ tảo tần lam lũ chốn quê nghèo luôn là hình ảnh sống động và đậm nét nhất của ngày tết. Mẹ oằn mình trong gian nan khó nhọc để cho con nguyên vẹn những ngày xuân. Trời cắt ruột mẹ lượm từng thóc lép/ Ngụp sông tìm cái tết nuôi con (Rét cóng mẹ vẫn xuống sông mò tết). Lòng mẹ cao rộng vời vợi như trời như biển, dù lo lắng cho con nhiều đến mấy cũng thấy như không đủ không vừa. Đến nỗi Mẹ lấy cả vòm trời to rộng thế/ Làm chiếc ô nhỏ bé che con (Từ chiếc ô trời của mẹ). Nhưng rồi con như cánh chim mê mải bay đi tìm những chân trời mới mẻ, tìm lấy lẽ sống của đời. Con đi xa mãi, xa mãi… để đến một ngày con chợt thảng thốt nhận ra:

Không còn cách quay về nhà với mẹ
Con nhìn đâu hỡi nắm đất mưa phùn
Thuở ấy đến ông trời còn thơ bé
Gió bấc gào khói bếp hoảng hồn run
(Ngày xưa có mẹ)

Những câu thơ chất chứa nỗi đau của một người con mất mẹ đã làm nên một Trần Mạnh Hảo rất đặc sắc, rất riêng biệt. Khung cảnh nơi quê nhà cùng hình ảnh người mẹ lam lũ của ông hiện lên rõ rệt, với từng nét khắc họa không thể trộn lẫn. Những hình ảnh ấy chầm chậm lướt đi trong tâm tưởng của nhà thơ như một cuốn phim tư liệu ngồn ngộn các chi tiết, cảnh huống:

Xin mưa phùn hãy đắp chăn cho mẹ
Hoa dong riềng cháy đỏ sưởi giùm con
Hồn con vẫn co ro như thuở bé
Làm sao tin bóng mẹ đã không còn
(Đêm nay gió mùa đông bắc)

Rồi những hình ảnh ấy mỗi lúc càng ùa về tức tưởi. Ấy là vào một ngày cuối năm áp tết, khi người mẹ của ông đã lìa bỏ trần gian từ lâu, vậy mà hình ảnh người mẹ chờ con trở về nhà ăn tết ở trong ông vẫn còn thổn thức bằng những rung cảm hiện hữu, tươi rói tự đáy lòng. Từ nơi tha phương, tâm hồn ông như vẫn hiển hiện ngôi nhà của mình ở chốn quê hương thôn dã tại vùng đồng bằng Bắc Bộ. Và ở nơi ấy vẫn còn vẹn nguyên bóng hình người mẹ già của ông, bóng hình ấy như vẫn đang lặng lẽ ngồi bấm từng đốt thời gian để ngóng đợi mùa xuân về, đang thấp thỏm ngồi chờ con bên bậu cửa:

Thời gian bậu cửa đã mòn
Tết này mẹ vẫn đợi con trở về
Nỗi niềm gió bấc xa quê
Tết phương Nam níu người mê mai vàng?

Chiều ba mươi ghé đầu làng
Biết đâu con chẳng quá giang xe đò
(Tết này mẹ vẫn đợi con)

Luôn thăm thẳm trong lòng mẹ là nỗi nhớ mong đứa con rứt ruột của mình. Đó chính là bản năng tự nhiên mà thượng đế đã trao cho mỗi người mẹ trên thế gian này. Tình mẫu tử linh thiêng đã làm cho nỗi nhớ mong ấy dày lên theo mỗi nhịp thời gian, dày đến độ làm cho lòng mẹ chìm ngập trong sự khắc khoải, giày vò: Chiều ba mươi ghé đầu làng/ Biết đâu con chẳng quá giang xe đò. Đã biết là con không về, nhưng vẫn cứ ước mong thế, biết đâu đấy, trong những chuyến xe đang rộn rã trở về với cuộc đoàn viên khi tết đến ở phía đầu làng kia lại có bóng dáng con mình…

Rồi thời gian cứ mải mê trôi đi, từ năm này qua năm khác, tới khi con trở về thì Mẹ giờ đi chợ hư không/ Giao thừa con thắp hương trông mẹ về (Xin mẹ tuổi thơ). Để giờ mỗi độ tết đến xuân về, trong tim con chỉ còn lại một niềm xa xót: Tết về viếng mẹ thương cha/ Đứa con quê kiểng lạc ra thị thành (Về làng ăn tết). Con lạc bước ra thị thành và đường về quê nhà cứ vời vợi xa. Và con ngồi mơ về một thuở xưa khi con còn mẹ: Mơ ngồi đợi tết lưng trâu/ Rét run gọi mẹ một câu ấm liền/ Chạy theo chân mẹ thần tiên/ Chạy theo danh vọng bạc tiền bơ vơ (Xin mẹ tuổi thơ). Lòng con dày lên những hoài niệm xưa cũ, những ước muốn được quay về cái thời bé dại: Nghé tơ gọi may ra về bé dại/ Xin mục đồng trở lại sáo thiên thai/ Mùa xuân được cưỡi trâu về đồng bãi/ Tìm lại hồn tôi trong cỏ rả dông dài (Cưỡi trâu về niên thiếu). Thời gian hối hả và nghiệt ngã trôi đi khiến cho con người ta đôi lúc lãng quên những gì thiêng liêng quý giá, và rồi chỉ đến khi chợt giật mình nhận ra điều đó thì mới hiểu ra rằng mình đã tuột mất khỏi tầm tay, chẳng thể nào níu giữ:

Chiều ba mươi xưa không dài lâu
Khói hương ngày tết ngút trên đầu
Tôi chạy ra đường choàng gió bấc
Đi tìm mưa bụi ở đâu đâu
(Giữ lấy chiều ba mươi)

Niềm nhớ thương mẹ cha, nhớ thương nơi chôn nhau cắt rốn đã thấm đẫm trong tiềm thức của nhà thơ Trần Mạnh Hảo và luôn đi theo ông đến suốt cuộc đời. Những làn mưa bụi của tiết giao mùa miền Bắc luôn là một nỗi ám ảnh, một sự gợi nhớ, là những hoài niệm đau đáu của ông với quê hương: Xuân về cắt ruột tàn đông/ Sài Gòn mơ bế sông Hồng nhớ mong (Thương lửa rét). Giữa tiết trời xuân ngập tràn nắng ấm của Sài Gòn, với những sắc thái của không khí đón tết nơi miền đất phương Nam đã không làm ông có thể nguôi ngoai mà ngược lại càng dấy lên trong ông nỗi nhung nhớ thao thiết. Có cảm giác đó như một chút chạnh lòng, một sự tủi thân, một niềm ân hận của đứa con tha hương đang mong ngóng về quê mẹ. Và nhất là khi cảm giác được trở về làng quê yêu dấu của mình thì mọi rung cảm đều như chợt lắng lại, khắc khoải, sâu đằm:

Về thương chúc tết họ hàng
Chợt nghe mưa bụi bạc ngang tóc mình
(Về làng ăn tết)

T.H.G

 

Bài viết liên quan

Xem thêm
Tìm hiểu lý luận phê bình văn học miền nam 1954-1975
Đọc chuyên luận Lý luận - Phê bình văn học miền Nam 1954-1975: Tiếp nhận & Ứng dụng của PGS.TS Trần Hoài Anh
Xem thêm
PGS.TS Ngô Minh Oanh - phu chữ âm thầm
Bài viết của nhà thơ Ngô Đức Hành
Xem thêm
Đinh Nho Tuấn, trao em một mảnh vô thường
Ngô Đức Hành đọc tập thơ “Năm ngón chưa đặt tên”, NXB Hội Nhà văn năm 2024 của nhà thơ Đinh Nho Tuấn
Xem thêm
Miên man Xuân Lợi
(Đọc tập thơ Nghiêng phía miên man của Xuân Lợi, NXB Hội Nhà Văn, 2024)
Xem thêm
Trăng Lạnh” và một trái tim ấm áp
“Trăng lạnh”, tập thơ mới nhất của nhà thơ Trần Thế Tuyển đến với tôi như một một món quà tặng của người anh “đồng đội”, như một sự chia sẻ cảm xúc của người yêu văn thơ, để cùng ngân nga lọc tìm những câu thơ đẹp, để có những khoảnh khắc lắng đọng chiêm nghiệm nhân gian thế sự, để càng trân quý hơn cuộc sống, tình yêu và sự thanh bình…
Xem thêm
“Những nẻo đường sáng tạo thơ ở một số thi sĩ Việt Nam nổi tiếng thời hiện đại”
Nhà phê bình văn học là người có tâm hồn giao cảm mãnh liệt với từng lời văn, con chữ và những giai điệu du dương của thơ ca. Họ đã có những cảm nghiệm sâu sắc giữa thơ văn và đời mình. Với họ, mỗi tác phẩm văn học không chỉ là một tư tưởng cần được khám phá mà còn là một thế giới sống động, nơi những dòng chữ biết thủ thỉ cùng tâm hồn.
Xem thêm
Bùi Việt Mỹ - Nhà thơ của bức họa ngoại thành thủ đô
Tôi nhớ đầu năm 1991, Bùi Việt Mỹ về làm Chánh văn phòng Hội Văn Nghệ Hà Nội. Lúc ấy nhà thơ Vũ Quần Phương làm Chủ tịch Hội. Sau đó, nhà thơ Vũ Quần Phương chuyển sang làm Tổng Biên tập báo Người Hà Nội, nhà văn Tô Hoài trở về làm Chủ tịch Hội, cho đến năm 1996, khi nhà thơ Bằng Việt đang công tác ở Ủy ban Thành phố được bầu làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội. Văn nghệ Hà Nội có 9 hội chuyên ngành tới hiện giờ.
Xem thêm
Đi tìm đôi mắt theo suốt đời người
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TPHCM
Xem thêm