TIN TỨC
  • Thế giới sách
  • Hoàng Anh – Một giọng thơ triết luận, dịu dàng và giàu nữ tính

Hoàng Anh – Một giọng thơ triết luận, dịu dàng và giàu nữ tính

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
4407 lượt xem

NGUYỄN VĂN HÒA
(Nhân đọc tập thơ Nguyên Khôi của Hoàng Anh, Nxb Hội Nhà văn)

Nguyên Khôi là tập thơ thứ 3 của nhà thơ Hoàng Anh. Tập sách được chị dành nhiều thời gian, tâm sức chắt chiu, tỉ mẩn để hoàn thành nó. Vì thế, Nguyên Khôi mới có có được sự đầy đặn và chỉn chu như thế.

Nguyên Khôi gồm 52 bài thơ xoay quanh nhiều đề tài, chủ đề liên quan đến cuộc sống và tình yêu. Nhưng xuyên suốt trong cả thi tập là tình cảm đặc biệt duy nhất mà nhà thơ - nhân vật trữ tình “Em” dành cho “Anh”. Nhà thơ ký gửi vào đó biết bao tình cảm, tâm huyết, vỡ òa hạnh phúc và cả những suy tư, khắc khoải. Đọc hết Nguyên Khôi, người đọc nhận ra có một con người đời thường và một con người thơ Hoàng Anh hòa vào làm một: giàu tình cảm, tinh tế, rất đỗi chân thành và hồn hậu.

Thơ Hoàng Anh có nét dịu dàng, trầm tư, giàu nữ tính. Vì thế, mỗi lời thơ của chị đọc lên có sức rung cảm, để lại những dư ba trong lòng bạn đọc. Mùa đang về thênh thang bên cửa/ Em lặng lẽ hiên nhà cảm nhận ngàn hương/ Mùa của Đất, của Trời, mùa của yêu thương/ Mùa của tình Anh mặn nồng năm tháng// Đêm Hà Nội lời anh dịu ngọt đầy sao/ Mưa Hà Nội bay trong lòng em đầy nắng/ Ban mai hay hoàng hôn nơi tim đều màu thời gian trắng/ Nguyên Khôi một thủa đón mùa sang (Nguyên Khôi).

Thơ Hoàng Anh thường đưa ra những triết luận về tình yêu, cuộc sống mà ở đó nhà thơ quan sát một cách bao quát nhất, nghiền ngẫm một cách sâu sắc, thấu đáo nhất có thể. Viết cho đối tượng nào, vấn đề gì, trong khoảng thời gian - không gian nào... thì chị vẫn nhất quán với một thái độ trân trọng, điềm đạm, nhỏ nhẹ để sẻ chia, gửi gắm nỗi niềm.

Triết lý trong thơ Hoàng Anh, đó chính là những trải nghiệm gan ruột đã chín thành cảm xúc, được thể hiện qua những lời thơ giàu hình ảnh với sự liên tưởng tinh tế. Chính điều này tạo nên những ấn tượng thẩm mỹ phong phú và sâu sắc.

Thơ Hoàng Anh thiên về kiểu thơ tự sự, với mỗi bài thơ như là câu chuyện kể, chị nhấn nhá và bắt đầu sự việc từ câu mở đầu cho đến câu kết thúc bài thơ. Cách phân bố các biểu hiện của cảm xúc đã thể hiện sự sáng tạo của nhà thơ. Chẳng hạn ở bài thơ Mơ ước là một ví dụ.

Con gái ơi!

Ngày bé

Mẹ chỉ có quần diềm bâu, mặc áo nâu, đi dép nhựa

Vẫn ngày đêm mơ vào trường chuyên của huyện

Ngày lớn

Mẹ thành cô thôn nữ xa nhà

Vẫn quần diềm bâu, áo nâu, dép nhựa

Bước vào giảng đường, học giữa Thủ đô

Áo vải thênh thang mẹ đi khắp Bờ Hồ

Nơi tuổi thơ bao lần mẹ mơ được đến

Nhìn tháp Rùa lung linh kết đèn, hoa, nến

Bao luyện rèn thành hiện thực như mơ

Hôm nay

Nhìn con mẹ lại nhớ tuổi thơ

Con giống mẹ bao năm thủa trước

Quyết tâm luyện rèn đạt điều mơ ước

Có thành công nào không vất vả con ơi

Trước mắt con là cả bầu trời

Muốn bay được phải trộn mồ hôi và nước mắt

Điểm 10 ngày mai cần rất nhiều khó nhọc

Trong từng phút giờ con học hôm nay

Những vần thơ đầy khắc khoải, day dứt nỗi niềm bâng khuâng về một miền yêu, miền khói sương, nhân ảnh nào đó. Viết về điều gì, đối tượng nào thơ Hoàng Anh vẫn rất mực chân thành, hồn hậu. Ở đó, những phẩm hạnh của nhà thơ dường như luôn hiển hiện trên từng câu chữ. Mộc mạc, giản dị, hồn nhiên nhưng không kém phần tinh tế. Sự tinh tế của một người làm khoa học như nhà thơ Hoàng Anh đôi khi cũng là lợi thế nhưng lắm lúc lại có điều hạn chế vì liên quan đến yếu tố lãng mạn trong thơ.

Thơ viết về mẹ cũng da diết, đầy ắp tình mẫu tử thiêng liêng.

Mẹ đã thành Người Già/ Lẩm cẩm vun trồng gốc cây Gia đình mỗi giây qua vội/ Tận hưởng giọt mật Đời/ Nơi mỗi ngày cây kết nụ, nở hoa/ Cứ vậy thôi cần mẫn hiên Nhà/ Chờ bình minh lên, đón hoàng hôn tối/ Bậc thềm quen Bố và các Con bước vào Đời muôn lối/ Thành công nào Mẹ cũng góp một phần xây đắp tự Tâm (Nội tướng).

Ở đó, không chỉ là nỗi cảm thông, sự thấu hiểu mà còn là lòng biết ơn vô hạn của con dành cho mẹ. Bởi giờ nhà thơ cũng đã làm mẹ nên chị càng thương quý và trân trọng hơn người mẹ gấp bội phần. Đâu đó nhà thơ tìm thấy chính mình, lòng dậy lên nỗi thương cảm vô hạn. Bởi từ bóng dáng của mẹ, cuộc đời của mẹ, nhà thơ lại nghĩ về cuộc đời mình, cháu con mình của hiện tại và cả trong tương lai.

Viết vài dòng cuối năm bên Mẹ tần ngần/ Sao thèm giây phút được hồn nhiên như ngày xưa ấy/ Nay Mẹ đã già thật rồi như quy luật ngàn đời vẫn vậy/ Mà Con vẫn muốn lấy hết yêng hùng mắng Mẹ hẳn một câu/ Mẹ lẫn rồi, câu yêu thương hay giận hờn cũng không phân biệt được đâu/ Mẹ lại thành đứa trẻ Ngày nào như qui luật (Nghĩa Mẹ).

Gắn liền với hình ảnh của Mẹ là Cha, là “Em”, là con... trong mối quan hệ liên hoàn. Mẹ là chiếc nôi diệu kỳ, là chỗ dựa tinh thần an toàn và vững chắc nhất đối với con. Hình ảnh người mẹ chịu thương, chịu khó, che chở, nâng niu, chăm sóc, theo dõi con từ lúc còn trong bụng mẹ đến lúc trưởng thành, già cỗi đã trở thành một biểu tượng đẹp trong tâm thức người Việt qua bao thế hệ.

Hoàng Anh viết cho chính đứa con của mình bằng những dòng thơ da diết. Đó là sự hoài vọng, tin tưởng của người mẹ dành cho con. Và chị tin rằng, với sự nỗ lực, phấn đấu không ngừng thì con cũng sẽ làm được điều mà mẹ mong ước bấy lâu nay...

Rồi có một ngày con sẽ bay xa/ Miền trời rộng, triền sông dài, thênh thang ngôn ngữ/ Con sẽ thay mẹ nói lời Việt Nam ở bao vùng quê mới/ Con sẽ dệt gấm hoa giữa đời nâng mỗi bước chân vui/ Biển xanh bao la con vẽ trọn miền trời/ Thỏa ước mơ con, ngọt từ bàn tay Mẹ/ Con hãy gắng sức mình. Con hãy luôn nhớ nhé/ Đặt mục tiêu gần nhưng phải thực hiện tốt nghe Con (Lúc nào và bao giờ...).

Nhà thơ tự thức về bản thân mình đối với quê hương bằng tấm lòng chân thành, hồn hậu. Chị xem đó là cội nguồn sinh dưỡng, nơi đó là khởi nguồn, là điểm tựa, là chốn đi - về cả trong đời thực lẫn trong tâm tưởng. Do vậy, thơ của chị dù nói về vấn đề gì đi chăng nữa, bao giờ và lúc nào cũng có một khía cạnh nào đó nhắc đến quê hương, xứ sở, hay cả những nơi mà chị đã từng đi qua hoặc từng gắn bó.

Bắc Ninh là nơi chị cất tiếng khóc chào đời và cả thời niên thiếu gắn bó ở đó. Những ký ức về nơi chôn nhau cắt rốn luôn hiện diện trong mỗi bước đường của chị.

Cùng con trở lại với tuổi thơ/ Rặng tre xanh quê nghèo rợp bóng/ Râm ran tiếng Bà cười trong trưa hè nắng/ Chát, ngọt, thơm nồng mùi đồng đất trời hanh/ Con sẽ mơ rất nhiều những ước mơ xanh/ Thẳm sâu trong con hình ảnh mẹ và quê hương xứ sở/ Đấy chính là niềm vui, là điểm tựa trên đường đời đầy bỡ ngỡ/ Vượt thác ghềnh thành công mới đang nhen (Rặng tre quê nghèo).

Bên cạnh quê cha, đất tổ thì Hà Nội cũng là không gian địa lý mà nhà thơ Hoàng Anh hay nhắc đến nhiều trong sáng tác. Bởi chính tại nơi này, nhà thơ có rất nhiều những kỷ niệm. Không chỉ ở quá khứ của những năm tháng thời sinh viên mà ở hiện tại, thậm chí cả tương lai, Hà Nội chính là người bạn, là nhân chứng cho bao nhiêu thăng trầm, vui buồn... của đời chị.

Trong 52 bài của tập thơ này, có rất nhiều lần chị nhắc đến Hà Nội và những địa danh trong lòng Hà Nội. Đó là một minh chứng cho sự gắn bó và mối ân tình sâu nặng của chị, tình yêu của “Em” và “Anh” với mảnh đất ngàn năm văn hiến này.

Em đã yêu Mùa Thu/ Yêu Hà Nội nắng hanh thơm nồng hoa Sữa/ Mơn man sóng tình hồ Tây chiều lộng gió/ Yêu đến thật nhiều, cứ ngỡ đã thân quen/ Mùa Thu lại về nơi tình mới say men/ Men của tình Đất, tình Người ngây ngất Lạ/ Cám ơn Đời tặng em những nụ hồng tình yêu/ ửng hồng gò má/ Cô gái trung niên vẫn rạo rực yếm đào/ Thu mãi vàng, mãi say đắm làm sao/ Say tình Anh ủ hương ngọt ngào năm tháng/ Say nghĩa hiền, trí sâu, nặng lòng sau, trước/ Say men Đời tươi mới mỗi bình minh (Mùa thu mới).

Thơ viết về kỷ niệm, về nỗi niềm riêng tư, về người thân của chị bao giờ cũng nhỏ nhẹ, tâm tình, đầy chất nghiệm suy, thể hiện qua những chi tiết, hình ảnh rất đỗi bình thường nhưng lại khơi gợi bao điều trắc ẩn.

Anh nắm tay em vào cõi mộng mơ/ Ngày Đà Lạt sương mờ khói tỏa/ Đêm Đà Lạt lung linh huyền ảo/ Câu chuyện tình yêu Anh kể mới bao ngày/ Anh dẫn em vào cõi đắm say/ Hồ Xuân Hương, thung lũng Tình yêu ngày nối ngày/ luôn thắm/ Dù chân đã bước chậm dần, ánh nhìn bớt tinh anh/ Anh nhỉ/ Câu chuyện tình yêu vẫn như những hôm nào (Tình yêu từ đất).

Ngôn ngữ thơ vừa ẩn chứa những khao khát, sự khám phá những khoảng lặng để tìm về, hướng đến những gì bình yên và nhân văn nhất. Có người cho rằng: “Thơ từ trái tim đi và trở về với trái tim” là có cơ sở. Bởi nếu thiếu đi tình cảm nồng nàn, chân thật, không xuất phát từ trái tim “yêu thương” thì không thể có những vần thơ lay động đi vào lòng người được. Nhà thơ Hoàng Anh giờ đây dù đang sống nơi phố thị hiện đại, đủ đầy nhưng chưa bao giờ chị lại nguôi quên những năm tháng thuở nào với những hình ảnh, âm thanh cứ vang vọng mãi!

Mơ ánh đèn vàng trong khuôn cửa ngày xưa/ Rơm rạ hóng hương đêm nàng Bân tháng Ba vội vã/ Tiếng ễnh ương ca bài ca bên ao đình hối hả/ Mâu thuẫn với chính mình mong hè về trong rả rích/ mưa ngâu/ Em ngồi bần thần đếm những hạt ngọc châu/ Mơ tình yêu trong tương lai là tình yêu thực tại/ Tay bồng con hôm nay ngày mai bồng vai gầy trễ nải/ Hanh hao tháng ngày trong ấm áp một vòng tay (Khuôn cửa).

Thơ tự do là thể loại thơ được Hoàng Anh ưu tiên nhất trong tập sách này. Với những câu thơ dài, ngắn bất chợt khác nhau tạo điều kiện cho việc mở rộng biên độ liên tưởng, sáng tạo. Những trăn trở về tình yêu, hạnh phúc, những khắc khoải phận người lần lượt được nhà thơ vẽ lên bằng những dòng thơ mang đầy tâm trạng.

Thực tế cuộc sống cùng với những trải nghiệm của bản thân, Hoàng Anh đã đặt ra nhiều câu hỏi xoay quanh bản chất của cuộc sống, tình yêu trong các mối quan hệ giữa chúng.

Mỗi sáng đến trường, gặp lại hình ảnh chị Lao công/ vun từng chùm Hoa bên gốc Đại/ Hoa vẫn thật phiêu bồng, ngửa mặt cười, dưới miền/ Trời cao rộng/ Hương tình mãi say, theo gió bay, hướng nhân quả/ dòng Đời/ Ta muốn mình như giọt sóng ra khơi/ Hạt nhỏ thôi cũng làm nên Biển mặn/ Ta là Muối không hòa tan trong điệp trùng cát trắng/ Đơn lẻ tận vô cùng xây một Tháp Ngà riêng/ Vị ngọt Hoa toả suốt trăm miền/ Người đắm say tình Hoa. Người lạnh lùng quay gót/ Hoa vẫn thản nhiên cùng Mây, Trời, Sông, Nước/ Vẽ mặt cười, trên mỗi khuôn mặt Người, rạng rỡ/ mỗi bình minh (Tháp Ngà riêng).

Tình yêu trong thơ Hoàng Anh có điều gì đó vừa thực vừa ảo diệu: có lúc bảng lảng, lắng dịu, chơi vơi; có lúc lại nồng nàn, mãnh liệt, đắm say... Tình yêu trong thơ chị là sự nhắc nhớ, là lời trần tình của chủ thể trữ tình với những câu hỏi, đôi khi là những hoài nghi, khao khát. Sự hoài nghi là có cơ sở để minh định về những điều mà nhân vật trữ tình cần muốn biết, muốn hiểu, muốn thỏa khát vọng kiếm tìm.

Nhà thơ Hoàng Anh có những bài thơ viết về tình yêu dạt dào cảm xúc, đầy da diết; làm thổn thức bao con tim. Bởi ở đó, người đọc như được thấy, được gặp lại chính mình mà lâu nay họ không thể nói, không thể diễn đạt được như chị. Vương quyền của phụ nữ là một bài thơ chất chứa nhiều cảm xúc, ở đó nhà thơ đã chuyển tải những thông điệp tình yêu, hạnh phúc qua lý lẽ và ngôn từ mang nét riêng của chị. Sức dung chứa hình ảnh trong thơ cùng với việc vận dụng thủ pháp tu từ mở ra tận cùng của suy tưởng.

Em quyết định bước vào Quốc gia của Anh/ Xây Vương quyền tình yêu trong trái tim/ người khác/ Bàn tay nắm Vương quyền từ niềm tin ủy thác/ Tự nơi này Vương Quyền mới nở hoa/ Em quyết định xây viên gạch đầu tiên cho mỗi bậc thềm Nhà/ Mỗi sáng, mỗi chiều bàn tay Vương quyền của Em nắm tay Con vững trãi/ Con tự tin những bước chân trên con đường tương lai rộng mãi/ Gặt mùa vàng, quả ngọt đón tia nắng ban mai/ Vương quyền người Phụ nữ luôn được nhân hai/ Hai Họ, Hai Nhà ấm êm, ngọt ngào, yên ả/ Thắp nén hương Đời lên Án tiền cúng Tổ tiên/ khi ngoài hiên Xuân đang về vội vã/ Thực thi Vương quyền tự quả ngọt, sinh hoa./ Vương quyền người Phụ nữ chẳng giống người Ta/ Không mệnh lệnh, không sắc phong, không khách quan mang lại/ Vương quyền nội sinh tự tấm lòng thẳm sâu mãi mãi/ Tình yêu, sự kính trọng của người đàn bà khi nguyện cầu trước Hương án Họ xa./ Xuân đang về bên hiên, Xuân đến với mọi Nhà/ Vui vẻ, ấm nồng đều tự nơi bàn tay người đàn bà sum họp/ Họ quyết định nhận, quyết định xây, quyết định thực thi Vương quyền tự Tâm Mình từ ngày ấy/ Đẹp Đời, thơm sắc, ngọt hương Trời, hoa mãi nở/ ngàn hoa.

Chỉ có tình yêu chân thành mới có thể giúp con người trở về đúng với bản thể nhất.  Nhà thơ đã nhiều lần tự nghiệm suy, tự đánh giá, đối thoại với chính mình để tìm ra câu trả lời đúng đắn nhất, hợp lý nhất. Nhưng tình yêu đâu dễ như mình nghĩ, mình muốn, mình mơ ước. Tình yêu là phải sống đến tận cùng vì nhau, hy sinh cho nhau, và phải luôn nghĩ về nhau, phải có những phút giây lãng mạn... dù đôi lúc vướng bận muộn phiền. Cái hay ở thơ Hoàng Anh, nỗi buồn chị đề cập một cách thoáng qua. Và đó như là gia vị, chất xúc tác của cuộc sống.

Em ước Anh là Ngưu Lang/ Anh mơ em là Chức Nữ/ Chuyện tình yêu diệu huyền hư ảo/ Lóng lánh tuổi học trò mơ đến mãi ngàn mơ/ Ước là Ngưu Lang, mơ là Chức Nữ của tuổi thơ/ Đẹp vô ngần trong trái tim con gái/ Thánh thiện nụ cười, nụ hôn đầu nơi tim hồng mãi/ Mang hết tuổi xuân thì xanh đến hôm nay (Xuân thì).

Xâu chuỗi thời gian và không gian, đó là cách là cách tốt nhất để con người hiểu thêm về sự hiện hữu của chính mình, để lại những khoảnh khắc, những dấu ấn, những nốt lặng đến khôn cùng trong lòng người.

Có một thời em quá yêu Anh/ Nỗi nhớ tròn vo, vụng dại/ Hoa Ti Gôn tím chiều xa ngái/ Ép trang vở hồng, hoa héo như tim/ Một thời em thổn thức tìm/ Bóng hình Anh trên những nẻo đường bất chợt/ Chỉ mái tóc bồng thôi níu ánh nhìn da diết/ Nụ cười hiền chao đảo miền yêu/ Một thời nỗi nhớ tím chiều/ Ký túc xá mây mờ buồn hiu hắt/ Em lặn lội trong mơ hồ giá trị/ Ngắm sắc tím hoa cười, xây thắm một niềm tin (Một thời và... mãi mãi).

Cảm thức về thời gian, không gian luôn khắc khoải trong lòng người thi sĩ Hoàng Anh, để rồi đôi lúc chị giật mình tiếc nuối, hụt hẫng đến nao lòng.

Em nhớ Anh thật nhiều Hà Nội của em ơi/ Khi đi xa mới thấy lòng trống vắng/ Lắng về đêm ngắm sao vằng vặc/ Nhớ đến khôn cùng giấc ngủ chẳng tròn canh/ Em nhớ Anh giọt nhớ ngọt lành/ Trộn Hà Nội đêm trong tình em dịu nhẹ/ Nỗi nhớ Anh như mạch ngầm mạnh mẽ/ Xô vỡ bờ, bao phủ ngàn lau/ Nhớ đến thế Anh ơi. Nỗi nhớ một màu/ Màu của thời gian theo tình về nơi tim ấm hồng sắc lạ/ Trong trẻo sương đêm, long lanh sắc lá/ Tặng Anh men ngọt lành mỗi ngày mới đang nhen (Nỗi nhớ một màu).

Bài thơ tràn ngập những từ ngữ thể hiện cảm xúc. Tứ thơ bắt nguồn từ “nỗi nhớ” cồn cào, mãnh liệt của “Em” dành cho “Anh”.

Em viết về Anh khi đất trời đang vào Xuân rộn rã/ Những chồi non hối hả/ Vươn cao/ Em viết về Anh/ Âm thanh em nhẹ như tiếng gió rì rào/ lan tỏa, mơn man mỗi ban mai về, mỗi hoàng hôn tới/ Mình trong nhau/ Mùa Xuân tươi mới/ Tiếng lòng ẩn sau mỗi việc bình dị thường ngày/ như chăm cỏ, vun cây/ Mãi là em tâm hồn thơ bên hình dáng Mẹ thường ngày/ Thì thầm, dịu ngọt trao Anh lời yêu chưa một lần/ lỗi hẹn/ Ngẩn ngơ chiều/ Ngơ ngẩn trước hương xuân bay ngoài hiên nắng/ Ngóng anh về/ Đạm bạc cơm nhà, đầm ấm, yên vui (Lời yêu chưa một lần lỗi hẹn!).

Chủ thể trữ tình “Em” luôn dành cho “Anh” những tình cảm đặc biệt nhất với niềm tin yêu bất diệt. Ở đó hiện lên một tâm hồn “Em”: nhân hậu, bao dung, vị tha. Thật đáng trân trọng! Và bóng dáng của “Em” cũng hân hoan trong niềm vui, sự phấn khởi, hào sảng; bởi sự hạnh phúc vẹn tròn. “Anh” chính là người đàn ông đích thực, tuyệt vời nhất mà ông Trời đã dành cho “Em”. Không ngoài mục đích lý giải bản chất của tình yêu, Hoàng Anh lấy đặc tính ngàn đời của tình yêu là sự cho đi và nhận lại, hy sinh và bù đắp, loại bỏ và bổ khuyết cho nhau để hòa hợp.

Nhà thơ Hoàng Anh khai thác tình yêu trong trạng thái luôn vận động và phát triển theo chiều hướng tích cực. Bởi sau những chông chênh thì sẽ bình yên và tình yêu lại bền chặt, hạnh phúc được vẹn tròn.

Mọi giá trị đích thực của đời sống đều có ý nghĩa với bản thân mỗi người. Vì thế nhà thơ Hoàng Anh luôn đi tìm những giá trị đích thực ấy. Nhà thơ luôn trong tâm thế lo lắng, sẵn sàng đối thoại, chất vấn để tìm ra câu trả lời. Vốn xuất thân từ chuyên ngành Triết học nên thơ chị cũng mang đậm dấu ấn triết lý. Vì thế hầu như bài thơ nào bạn đọc cũng thấy thấp thoáng những triết luận được chị nêu ra.

Hãy cứ là Mình thôi kệ mọi thay đổi triền miên/ Gió vẫn thổi, mây vẫn bay giữa những tầng ozon/ nhiễm nắng/ Mộng mơ là của Trời, Đất, Tổ tiên, Ông, Bà trao riêng/ cho Mình Quà Tặng/ Hãy cứ viết bao dòng văn vần nếu Mình thích Bạn ơi/ Niềm tin con chữ/ Đếm nỗi vất vả trường chinh bằng niềm tin/ trên từng con chữ!/ Đã thật già rồi mà luôn vẫn mộng mơ/ Nhìn hoa thắm, trời xanh là tâm hồn lộng gió/ Triền đê trong tiềm thức xưa mãi luôn xanh non cỏ/ Tiếng Mẹ gọi thủa nào còn vang vọng mỗi ban mai/ Mình có là Mình không nếu không còn tươi,/ vui trong bao năm, tháng dài/ Đếm nỗi vất vả trường chinh bằng niềm tin trên từng/ con chữ/ Giấu sự thất bại, vụng về trong thanh bình miền trời/ xứ sở/ Xứ sở ấy là do bàn tay Mình tạo dựng mà lên (Niềm tin con chữ).

Con người thời hiện đại đang ở vào tâm thế, sự tồn tại, hiện hữu của nhiều thang bậc giá trị. Lệch chuẩn và những suy tưởng về giá trị đạo đức, niềm tin, đời sống xã hội, con người... đã khiến cho thơ trở nên gần hơn với đời sống, thế giới nghệ thuật thơ mang những nghiệm sinh mới về con người và cuộc đời.

Hạnh phúc hiền lành từ Đất em vun/ Nơi ngọn sắn, củ khoai cũng thắm tình Anh nhỉ/ Hạnh phúc không hiển thị thành lời, thẳm sâu/ suy nghĩ/ Ngọt tự hương đồng, gió nội Quê Ta/ (Hoa đời)

Thơ Hoàng Anh bộc trực, giản dị bởi tất cả những gì chị viết ra đều xuất phát từ tấm lòng thành thực của một tâm hồn đa cảm. Nhà thơ đã làm cuộc hành trình để đi tìm bản thân mình, trở về chính mình với những suy nghĩ, chiêm nghiệm và khao khát đầy nhân bản./.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Tố Hoài “mang bão giông khát vọng cuộn về em”
Bài viết của nhà thơ Xuân Trường về tập thơ mới của Tố Hoài
Xem thêm
Nhà văn Lê Kiên Thành chinh phục độc giả bằng sự chân thành và trái tim nhân hậu
Tiến sĩ Lê Kiên Thành khoác trên mình bộ vest xanh lịch lãm, phong thái điềm đạm nhẹ nhàng, nở nụ cười hiền lành, từ tốn bước vào khán phòng giao lưu với độc giả sau khi xuất bản quyển sách đầu tay “Những khoảnh khắc sống”. Ông đến với văn đàn muôn vàn tinh tú ở độ “Thất thập” bằng những câu chuyện thật, rất thật cùng lời lẽ chân thành, mộc mạc và hơn hết là một trái tim nhạy cảm, giàu lòng nhân hậu.
Xem thêm
Người chiến sĩ ấy - Tập truyện ngắn hay về người lính Bộ đội Cụ Hồ. 
Mỗi tập sách dày trên dưới 700 trang (khổ 16 x24cm), tạp chí Văn nghệ Quân đội vừa trình làng hai tập truyện ngắn hay mang tên Người chiến sĩ ấy (*) Theo nhà văn Nguyễn Bình Phương - Tổng biên tập tạp chí VNQĐ - chủ biên bộ sách này “ Đây là công trình nhằm hướng tới chào mừng kỷ niệm 80 năm ngày thành lập QĐND VN và ngày truyền thống Tổng cục Chính trị ( 22/12/1944-22/12/2024)”. 
Xem thêm
Nhà thơ Thiên Hương sắp ra mắt tập thơ “Đoá sen hồng an nhiên”
Nhà thơ Thiên Hương sẽ ra mắt tập thơ mới “Đoá sen hồng an nhiên” vào 17h, ngày 21/01/2024, tại số 81 Trần Quốc Thảo, Quận 3, TP.HCM.
Xem thêm
Như lòng thành dâng Mẹ - dâng Tổ tiên và những vùng đất thiêng
Đọc “Đường thơ… lặng bước” của nhà thơ xứ Đoài - Đào Ngọc Chung
Xem thêm
Long lanh một dải sông Hàn dưới góc nhìn của tâm thức văn hóa
Long lanh một dải sông Hàn được viết bắt nguồn từ một tình yêu nguồn cội đến cháy lòng và niềm hy vọng đối với Đà Nẵng - điều luôn làm tác giả Tần Hoài Dạ Vũ cảm thấy nhẹ nhàng, hãnh diện.
Xem thêm
Những điều phi thường trong Thế giới bình thường
Bộ tiểu thuyết 3 tập Thế giới bình thường lần đầu tiên được dịch sang tiếng Việt...
Xem thêm
Tính vô thường trong “Từ khi chim vịt kêu chiều” của Huỳnh Duy Lộc
Khi cảm xúc được trần tình không che giấu, cái Tôi trữ tình sẽ tràn dâng, réo đuổi mãnh liệt nơi hồn. Ở đó, ta bắt gặp một thế giới nội tâm vật vã với tiếng lòng thổn thức. Ở đó, những lạc lõng, cô đơn, nhỏ bé…của kiếp người như được trải ra, dài ra, vô tận. Nhân sinh chìm nổi, vạn vật vô thường vốn thuộc về qui luật, và có lẽ vì cảm thấu sâu sắc điều này nên nhà thơ đã thẩm mĩ hoá cuộc sống bằng những vần thơ khắc khoải, da diết, đậm tính vô thường.“Từ khi chim vịt kêu chiều” của Huỳnh Duy Lộc là một trong những tập thơ mang màu sắc ấy.
Xem thêm
Giới thiệu tiểu thuyết Song Nguy Thuyền của nữ nhà văn Tạ Lăng Khiết
Hội nhà văn TP.HCM và Công ty Cổ phần Văn hóa Chi giới thiệu tiểu thuyết Song Nguy Thuyền Tạ Lăng Khiết
Xem thêm
Viết bằng trái tim nồng ấm và chan chứa nhân văn…
Nguồn: Thời báo Văn học - Nghệ thuật
Xem thêm
Những cuộc du lịch chữ…*
Bài viết của nhà thơ Văn Công Hùng trên Văn nghệ số 47/2023
Xem thêm
Lời giới thiệu tập “Thơ tình Trịnh Duy Sơn”
Bài giới thiệu của nhà thơ Vương Trọng
Xem thêm
“Vỗ dọc mùa đêm trắng”
Một mảnh trăng vênh lưng lửng sáng/ Một hồn thương lạc mọc bên thềm/ Bóng suông ngồi xé đêm thành sợi/ Có một khúc vui đã qua đời..
Xem thêm
“Trên mỗi nẻo đường” – hành trình kết nối tình người
Vũ Trọng Thái đam mê đi và đam mê viết. Hầu như mỗi vùng đất anh đi qua đều được ghi chép bằng tất cả năng lượng và yêu thương mà anh dành cho nơi ấy.
Xem thêm
Thơ tình liệu còn có tình yêu từ bạn đọc?
Về Tuyển tập “Tình thơ một thuở”
Xem thêm
Tiểu thuyết ‘Trong vô tận’ đạt Giải thưởng Văn học ASEAN
Tác phẩm ‘Trong vô tận’ của nhà văn Vĩnh Quyền đã đạt Giải thưởng Văn học ASEAN 2021.
Xem thêm