TIN TỨC

Hoàng hôn chín – chín mọng yêu thương

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2024-03-11 11:36:30
mail facebook google pos stwis
771 lượt xem

PHAN NGỌC QUANG

Bên cạnh nhiều tập thơ riêng của từng cá nhân, mấy năm gần đây một số tác giả trong Hội Nhà văn TP.HCM đã cho ra mắt bạn đọc những “đứa con thơ” bằng hình thức mới lạ, gây nhiều sự chú ý; đó là những tác phẩm thơ in chung. Nếu nói không quá thì hầu hết người đi tiên phong trong luồng gió đổi mới này không ai khác mà chính là cánh chị em phụ nữ.

Cách đây mấy năm tôi vinh dự được tác giả tặng tập thơ của 2 tác giả nữ đình đám trong làng văn chương của đất Sài Gòn – Gia Định xưa mang tên Huệ Triệu – Trần Mai Hường. Tập thơ nhỏ nhắn dễ thương và điều quan trọng là ở đây có thêm một bản hòa âm đồng diệu giữa hai tâm hồn thơ của đôi tác giả “song kiếm hợp bích”. Đó cũng là khuôn mặt riêng được tiếp nối phong cách trong tác phẩm thơ Lục bát của ba tác giả nữ Đặng Nguyệt Anh, Huệ Triệu và Trần Mai Hường. Đến đây tập thơ đã có thế đứng vững chãi của kiềng 3 chân mà nữ thi nhân Đặng Nguyệt Anh là người chị cả.

Trên con đường đi tay nắm tay đó, phải nói nữ nhà thơ Trần Mai Hường là người miệt mài nhất. Không ngại lạ quen, không sợ sự so bì, những bài thơ của chị luôn đi tìm người bạn đồng hành tuy có khi không cùng tiếng nói về đề tài nhưng đều có mẫu số chung về giọng điệu và cách mở cánh cửa tâm hồn. Người đi trước mở đường cho thế hệ đi sau, rất vui mừng là trong năm 2023 có thêm 2 nhà thơ nữ khác là Võ Miên Trường và Triệu Kim Loan cho ra đời tác phẩm Hoàng hôn chín cũng bằng lối in chung. Có thể nói đây là 2 gương mặt không hề xa lạ mà còn rất thân quen với anh em trong Hội và bạn yêu thơ vì trước đó 2 chị đã cho ra mắt các tập thơ in riêng của mình. Ở cái tuổi không còn trẻ nữa khi nắng cuộc đời ở lúc xế chiều và vườn nhân thế đã sum suê quả ngọt. Tôi tự hỏi, phải chăng vì lý do đó mà đứa con chung của họ có tên Hoàng hôn chín?  


Các nhà thơ Võ Miên Trường - Triệu Kim Loan và bìa tập thơ in chung.

 Ban đầu cứ nghĩ đây là tên 1 bài thơ trong tập của 2 chị giống như nhiều cuốn sách khác nhưng tôi tìm mãi không có. Phải đến khi dừng tay lại ở trang 68, người đọc mới bắt gặp được bài Ấm áp tuổi hoàng hôn của Triệu Kim Loan. Mượn cảm xúc trong 1 đêm cuối năm mà cụ thể là đêm Noel 24/12, tác giả ngồi đối diện với cuộc đời mình để tự tình khi bóng chiều đang tới: “Chiều loang tím tự tình qua mắt phố/ Giọt mùa đông dan díu nắng Sài thành”. Những hình ảnh “chiều tím, hoàng hôn, gió mùa đông” không còn nằm trong quỹ đạo của thời khắc nữa mà nó đã hóa thân thành cột mốc lớn trong cuộc đời. Hoàng hôn của đất trời có nỗi buồn, hoàng hôn của cuộc đời cũng không ngoại lệ. Nhưng đó là nỗi buồn êm dịu, đẹp đẽ và rất trong sáng của 1 tâm hồn không gợn chút mây đen: “Phố về đêm sao ngọt ngào quá đỗi/ Đôi lứa dập dìu sánh bước bên nhau”. Con người có cái nhìn lạc quan nên mỗi câu thơ cũng có con mắt rõi vào tươi sáng: “Đêm Giáng sinh đan tay mình dạo phố/ Dạ thảnh thơi, ấm áp tuổi hoàng hôn”. Trong câu thơ, hơi ấm neo giữ mãi và đi suốt cuộc đời nên hạnh phúc tràn ngập như cây trái chín mọng giữa vườn thương.

Ở đâu cũng thế, thơ Triệu Kim Loan không đao to búa lớn mà luôn thủ thỉ với những hình ảnh thân thương, trìu mến thả vào tâm hồn người đọc theo từng ngọn gió ngọt ngào vị quê hương, vị cuộc đời dung dị. Đó cũng là ẩn số cảm xúc mà chúng ta có thể giải được hệ phương trình cuộc đời trong bài thơ Ký ức thời gian. Không đi theo thể lục bát hay ngũ ngôn quen thuộc của chị, nên Ký ức thời gian có 1 tiếng nói riêng khó lẫn vào đâu được. 4 khổ thơ là 4 biện pháp so sánh để nói về thời gian. Dù là ngọn gió hay cánh buồm, đoàn tàu chuyển bánh, hạt bụi, tất cả đều làm cho thời gian không hề đứng yên. Đó cũng là tâm trạng khó giãi bày trong sự nuối tiếc, muộn màng khi con người đang đứng bên kia dốc cuộc đời mình. Nhưng không vì thế mà bức tranh thời gian buồn tẻ ảm đạm mà ngược lại rất tươi sáng và đa sắc; tưởng như không bao giờ phai màu để rồi tan biến trong nuối tiếc.

Giọng thơ nữ từ cổ chí kim, hầu hết đều nhẹ nhàng, đằm thắm nhưng không thiếu suy tư, trăn trở. Ở Võ Miên Trường và Triệu Kim Loan cũng thế. Các bài Thầm em, Chợt tôi, Điều em, Giấu lửa tim mình…là những khúc nhạc du dương của nỗi lòng với từng đợt sóng ngầm dưới đáy đại dương nhưng vẫn mềm mại, duyên dáng từng con sóng vỗ trên mặt nước hiền hòa. Hoàng hôn của cuộc đời không chỉ chín trong sắc màu mà còn chín cả trong suy tư và độ lượng.

Nghe nói Võ Miên Trường đã ra được 7 tập thơ trong 10 năm gần đây. Rõ ràng sức viết của chị rất sung mãn. Những điều quan trọng là chất lượng cũng song hành với số lượng. Tôi đã từng tham dự buổi ra mắt Nhặt sợi buồn thêu chữ và Nhánh buồn trổ hoa trong đó đáng chú ý có tập thơ sau của chị được in chung với Trần Mai Hường năm 2019. Dù mặc chiếc áo nào hay đứng ở đâu, thơ Võ Miên Trường luôn tình ý trong từng câu chữ và giàu chất suy tưởng, đa chiều. Ngay từ khi đọc bài thơ thứ nhất và cầm trên tay tập thơ đầu tiên tôi đã có nhận xét đó chạy trong đầu. Thơ chị không hề dễ dãi trong việc dùng từ mà nói cách khác chị đã có những cách viết táo bạo, sáng tạo trong việc tạo ra các cụm từ mới lạ đôi khi làm người đọc sửng sốt nhưng không hề gượng ép hay sáo. Thơ Võ Miên Trường còn nghiêng về chiêm nghiệm, mượn cái cụ thể để nói cái to lớn nhưng lại rất dễ hiểu, có những câu làm cho người khác giật mình. Với phong cách đó thơ chị không cần độ dài nhưng vẫn có chiều sâu, biết bao nhiêu ý tứ nằm trong đôi ba chữ: “Em vừa cạn chén đàn bà/ Thì thầm sóng cuộn lời yêu; Cạn rằm trăng khất thực đau/ Em – bình nguyên phủ nhiệm màu vào xanh” (Đêm huyền vi). Thơ chị thiên về miêu tả nhưng không tả thực mà tả gợi, cái gợi làm nên cánh cửa mở ra chiều suy tư và đôi khi thảng thốt: “Trở mình chạm vào giấc xanh/ Giọt sương vỡ tiếng nghe rằm gọi trăng” (Đêm suông).

Những câu thơ mượn cái cụ thể để nói điều trừu tượng và ngược lại mượn chuyện mơ hồ để vẽ nên điều thiết thực: “Lở - bồi dòng chảy phù vân/ Ta tìm nhau giữa đời ngần ngại mơ” (Một người – một tôi). Phép liên tưởng cũng được nhà thơ nữ họ Võ dùng trong mỗi ý, mỗi tứ thơ: “Em về đóng cửa cài then/ Ru mình ru cả nhân duyên – lặng thầm…” (Ru mình). Phép liên tưởng đó còn tạo ra sự bất ngờ trong cách chuyển ý: “Mời trăng say cạn chén sầu/ Lênh loang em rót đục ngầu cuộc ta”. Có thể nói thơ chị là sự dung hòa giữa cái thực và cái ảo, giữa điều cao xa và bình dị, giữa cái dễ hiểu và khó tìm. Người đọc nhạy cảm với thơ sẽ tìm thấy sự đồng điệu tâm hồn chứ không phải kiểu thi phú nằm trong “nhà kho” theo trường phái siêu thực đến mức gần như đánh đố.

Ở Hoàng hôn chín có 1 đề tài mà chị chú tâm nhiều, rất khác với những tập trước đó là tình cảm gia đình. Những người thân xuất hiện trong thơ chị không còn chung chung mà đó là 1 con người cụ thể: “Mẹ ngồi cong dấu hỏi buồn/ Thương bàn tay mỏi đếm mòn tháng năm” (Nụ cười mẹ đủ xóa phiền muộn con). Chỉ miêu tả đôi bàn tay cũng đã hiện lên nỗi vất vả tảo tần trong cuộc đời thân mẫu. Câu thơ: “Cù lao chín chữ mẹ hiền/ Nụ cười mẹ đủ xóa phiền muộn con” đã đại diện đủ tấm lòng người con đối với đấng sinh thành của toàn bài thơ. Đó là thực tại, là mong ước và cũng là vinh cữu của tình mẫu tử mong được đền đáp, tri ân.

Không hiểu sao ở bài Nhớ cha chị lại viết theo thể thơ văn xuôi? Chắc chắn Võ Miên Trường có dụng ý riêng khi nhắc đến người đàn ông mạnh mẽ, trụ cột trong gia đình. Bài thơ như 1 tác phẩm văn tế thương nhớ vong linh người đã khuất nhưng tràn đầy ký ức thương yêu tình phụ tử.

Võ Miên Trường luôn chăm chút thơ tự khúc, tự sự. Điều này cũng thấy rõ trong Hoàng hôn chín. Bài thơ cho ngày sinh có nhiều câu hay dù đề tài không mới, ngay từ câu tự bạch đầu tiên đã có sự phá cách trong từ vựng: “Vỡ trời rơi xuống một tôi/ Tháng Mười một sóng gọi mời mồng Năm”. Dù nói vòng quanh tuổi đời nhưng rồi đôi chân thơ cũng dừng bước trong ngôi nhà thân yêu của mình với tấm lòng hiếu đễ: “Trăng dậy thì loang tràn tay/ Và lưng mẹ cứ mỗi ngày vồng thêm”. Khúc tâm tình đó cứ nối tiếp từ bài thơ này qua bài thơ khác như con sóng vỗ mãi mà chẳng bao giờ đến tới bờ riêng tây.

Nhờ đi dự Ngày hội thơ Nguyên tiêu năm 2024 mà tôi tình cờ “nhặt” được tập thơ của 2 vị nữ. Đọc thấy hay nên viết vội vài dòng đúng dịp Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3. Như vậy cũng có ý nghĩa chứ. Mong những câu thơ của chị em ta mãi đẹp và luôn tỏa nắng vàng cho cuộc đời dù hạ tàn hay đông muộn.

Quận 7, ngày Quốc tế Phụ nữ 2024,

P.N.Q

Bài viết liên quan

Xem thêm
Bùi Việt Mỹ - Nhà thơ của bức họa ngoại thành thủ đô
Tôi nhớ đầu năm 1991, Bùi Việt Mỹ về làm Chánh văn phòng Hội Văn Nghệ Hà Nội. Lúc ấy nhà thơ Vũ Quần Phương làm Chủ tịch Hội. Sau đó, nhà thơ Vũ Quần Phương chuyển sang làm Tổng Biên tập báo Người Hà Nội, nhà văn Tô Hoài trở về làm Chủ tịch Hội, cho đến năm 1996, khi nhà thơ Bằng Việt đang công tác ở Ủy ban Thành phố được bầu làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội. Văn nghệ Hà Nội có 9 hội chuyên ngành tới hiện giờ.
Xem thêm
Đi tìm đôi mắt theo suốt đời người
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TPHCM
Xem thêm
Nguyên Hùng với nghệ thuật lắp ghép, sắp đặt - hai trong một
Nguồn: Văn nghệ Công an số thứ Năm, ngày 17/10/2024
Xem thêm
Một cây bút nhạy bén, giàu tình
Nguồn: Thời báo Văn học Nghệ thuật
Xem thêm
Nhà thơ Nguyên Hùng với “Ký họa thơ” và “Trăm khúc hát một chữ duyên”
Phát biểu chia sẻ tại buổi ra mắt 2 tập sách Trăm khúc hát một chữ duyên và Ký họa thơ của Nguyên Hùng
Xem thêm
“Nắng dậy thì” Rọi lòng sâu thẳm
Nắng dậy thì là tập thơ thứ 4 trên hành trình sáng tạo của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh. Ở tập thơ này, Nguyễn Ngọc Hạnh thể hiện nỗi buồn thẳm sâu của một tâm hồn nhạy cảm, tha thiết yêu thương và đầy niềm trắc ẩn, như nhà thơ tâm sự: “Cho đến tập thơ này, nỗi buồn vẫn là nguồn mạch thơ tôi” (Thay lời mở). Thơ Nguyễn Ngọc Hạnh biểu hiện nỗi buồn gắn với một vùng quê cụ thể, với tình thân, bạn bè, người yêu, với dòng sông, bến nước, con đò, chợ quê hay cánh đồng làng. Những kỷ niệm thân thương và đau thương cứ “cằn cựa” trong tâm hồn người thơ để có những vần thơ độc đáo, đồng vọng trong lòng người đọc.
Xem thêm
Những vần thơ sáng nghĩa kim bằng
Nhà thơ Trinh Bửu Hoài là người bạn văn tốt của tôi đã quen thân nhau từ năm 1970 khi anh hoạt động văn nghệ ở An Giang. Cách nay hơn 10 năm, sau khi nhà văn quá cố Nguyễn Khai Phong đã vài lần giục tôi làm đơn xin gia nhập Hội Nhà văn Việt Nam cùng với tán thành của nhà thơ đánh kính Trịnh Bửu Hoài. Dù biết ở Cần Thơ mình là người mồ côi, kém tài lại vụng về trong giao tiếp nên ít có bằng hữu tình thâm, năm 1918, tôi vẫn đánh bạo nghe lời những người bạn tốt xin vô Hội Nhà văn Việt Nam với sự giới thiệu nhiệt tình cùng lúc của các nhà văn : Nguyễn Khai Phong, Trịnh Bửu Hoài, Lê Đình Bích, Lương Minh Hinh, Nguyễn Trọng Tín. Mặc dù biết rằng với mình, con đường về La Mã vẫn còn diệu vợi ! Hôm nay, nhà thơ Trịnh Bửu Hoài đã về với cõi Ly Tao bất diệt, tôi viết bài này để ân tình bày tỏ lòng nhớ ơn anh, một thi sĩ tài hoa nhân cách rất tốt với bạn bè.
Xem thêm
Nội trú trong ta một nỗi buồn
Bài viết của nhà thơ Đặng Huy Giang về “Năm ngón chưa đặt tên” của Đinh Nho Tuấn, NXB Hội Nhà văn 2024
Xem thêm
Thấy gì từ “Ký họa thơ” của Nguyên Hùng?
Bài viết của Lê Xuân Lâm, cộng tác viên tích cực của Văn chương TPHCM.
Xem thêm
Mấy điều bất thường xung quanh bài thơ “Màu thời gian” của Đoàn Phú Tứ
Không phải vì tác giả là người viết kịch, có duy nhất một bài thơ được chọn vào sách “Thi nhân Việt Nam” của Hoài Thanh và Hoài Chân, mà bài thơ này có tính bất thường. Trong sách của Hoài Thanh và Hoài Chân có những tác giả sau chỉ có một bài : Thúc Tề, Đoàn Phú Tứ, Vân Đài, Phan Khắc Khoan, Thâm Tâm, Phan Thanh Phước, Hằng Phương, Mộng Huyền. Có hai tác giả được nói đến mà không trích bài nào trọn vẹn là T.T.KH, và Trần Huyền Trân. Vậy thì bài thơ của Đoàn Phú Tứ bất thường ở chỗ nào?
Xem thêm
Tiểu thuyết “Trưng Nữ Vương” – Bản tráng ca về những Nữ Vương đầu tiên của đất Việt
Bà Trưng quê ở Châu Phong,Giận người tham bạo thù chồng chẳng quên.Chị em nặng một lời nguyền,Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân…(Đại Nam quốc sử diễn ca)
Xem thêm
Về nương bậu cửa kiếm tìm an yên
Bài viết cho cuộc ra mắt tập thơ “Lục bát chân mây” của Võ Miên Trường
Xem thêm
Nguyễn Minh Tâm với ‘Ấm lạnh pháp đình’
Bài viết của nhà văn Nguyễn Văn Hòa
Xem thêm