- Thế giới sách
- Giới thiệu tiểu thuyết Song Nguy Thuyền của nữ nhà văn Tạ Lăng Khiết
Giới thiệu tiểu thuyết Song Nguy Thuyền của nữ nhà văn Tạ Lăng Khiết
Sáng 6/12/2023 đã diễn ra cuộc giao lưu với nhà văn Tạ Lăng Khiết nhân dịp Hội nhà văn TP.HCM và Công ty Cổ phần Văn hóa Chi (CHIBOOKS) giới thiệu tiểu thuyết Song Nguy Thuyền của bà.
Nhà văn nữ Tạ Lăng Khiết là người gốc Quảng Tây, Trung Quốc, nhưng đã lập gia đình và sinh sống tại châu Âu 16 năm qua. Từ bỏ công việc quản lý tài chính, bà đã rẽ hướng sang nghiên cứu văn chương, ngôn ngữ chuyên sâu và sáng tác văn học.
Sự nghiệp văn chương của Tạ Lăng Khiết bắt đầu từ năm 2001 với nhiều truyện ngắn được đăng tải trên các tạp chí văn học và một số tác phẩm của bà đã được chọn vào các tuyển tập như: Tuyển tập truyện ngắn, Tuyển tập truyện ngắn Trung Quốc, Tác giả nữ Văn học Trung Quốc...
Tạ Lăng Khiết đã từng giành các giải thưởng như: Giải thưởng Văn học thanh niên Quảng Tây, Giải thưởng Văn học Trung Sơn dành cho Hoa kiều... Một trong những tác phẩm nổi bật nhất là tập truyện vừa Chiếc bím tóc...
Tiểu thuyết dài đầu tay - Song nguy thuyền của bà xoay quanh cuộc sống của người dân châu Âu thời kì hậu chiến tranh Thế giới II cùng những tư tưởng triết học về việc nhìn nhận đánh giá về cuộc đời, về nhân sinh, về chiến tranh... Tác phẩm được thực hiện dưới góc nhìn mới lạ, lượng kiến thức sâu sắc về lịch sử châu Âu, công nghệ, tôn giáo, triết học, điêu khắc – hội họa – nhạc kịch, đại dương học,... trong tác phẩm.
Nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh đã tặng hoa và có lời chúc mừng nữ nhà văn Tạ Lăng Khiết với tác phẩm đồ sộ không chỉ về số trang in mà cả về kiến thức và tài năng. Bà đồng thời cũng hoan nghênh và cảm ơn dịch giả Nguyễn Lệ Chi đã dành nhiều tâm huyết để cuốn sách mới của Tạ Lăng Khiết được ra mắt độc giả hôm nay với bản dịch tiếng Việt rất quý giá.
Chia sẻ về quá trình viết Song Nguy Thuyền, nhà văn Tạ Lăng Khiết cho biết, bà đã dành ra hơn 10 năm để thu thập tư liệu với sự trợ giúp của chồng người Bỉ. Với vốn sống ấy, bà thậm chí được chồng nhận xét “em còn hiểu châu Âu hơn cả anh”, và đó là một thuận lợi rất đáng kể khi viết cuốn sách này. Bà cũng chia sẻ, bà đặc biệt rất yêu quý Việt Nam, từng nhiều lần sang Việt Nam để tìm hiểu văn hóa, đời sống, con người nơi đây. Bà cũng có nguyện vọng sẽ sang Việt Nam sống một thời gian để tìm cảm hứng sáng tác.
Các nhà văn Bích Ngân và Trầm Hương tặng hoa dịch giả Nguyễn Lệ Chi.
Sau khi giới thiệu tóm tắt về nội dung tiểu thuyết Song Nguy Thuyền, dịch giả Nguyễn Lệ Chi đã truyền đạt một số câu hỏi xung quanh việc viết cuốn sách Song Nguy Thuyền đến tác giả và bà đã trả lời bằng giọng nói giàu cảm xúc và với phong thái rất chuyên nghiệp, tự tin.
Nhà văn Trầm Hương, PGS.TS nhà văn Trần Hoài Anh, nhà thơ Lê Thị Kim, TS nhà văn Hà Thanh Vân cũng lần lượt đặt câu hỏi cho nhà văn Tạ Lăng Khiết. Trong phần trả lời nhà văn Trần Hoài Anh, bà cho biết: Bà dự định sẽ về Trung Quốc thu thập tư liệu để viết một cuốn sách về thời kỳ Cách mạng Văn hóa ở nước mình.
Một số hình ảnh tại sự kiện giới thiệu tiểu thuyết Song Nguy Thuyền
Tin và ảnh: Nguyên Hùng.
Nhận xét của Trần Hương Lan - biên tập viên cuốn Song Nguy Thuyền:
Dành trọn 10 năm cho cuốn tiểu thuyết dài đầu tiên trong sự nghiệp văn chương, Tạ Lăng Khiết đã đem đến cho độc giả một tác phẩm kỳ vĩ về mọi phương diện; từ bối cảnh trải rộng, kết cấu song tuyến, hình thức thể hiện tích hợp nhiều thể loại, lối mô tả gây choáng ngợp đến độ sâu sắc về mặt tư tưởng, triết lý, lượng kiến thức khổng lồ như một bách khoa toàn thư…, tất cả khiến độc giả “phá vỡ” trải nghiệm đọc tiểu thuyết truyền thống của mình theo hướng tích cực.
Với hai tuyến truyện diễn ra trên hai dòng thời gian, Song nguy thuyền đưa độc giả “lật lại” lịch sử châu Âu (cụ thể là đời sống châu Âu với đủ đầy thăng trầm trong và sau Thế chiến II) theo cách đa chiều thông qua ký ức, trải nghiệm và góc nhìn phong phú của các nhân vật mang nhiều quốc tịch, khác biệt về thế hệ lẫn văn hóa, tư tưởng. Để từ đó, độc giả được gợi mở vô vàn suy ngẫm về chiến tranh, về lẽ công bằng, cũng như thấu hiểu hành trình tự cứu chuộc của những con người đã sống sót qua thời chiến, nhưng phải day dứt suốt phần đời còn lại và rất có thể mãi mãi “mắc kẹt” trong những tổn thương tâm lý.
Bên cạnh đó, cuốn tiểu thuyết cũng khai thác sâu sắc thế giới nội tâm của những người phụ nữ chọn gắn bó cuộc đời với những cựu binh. Không ít người trong số họ thậm chí vĩnh viễn không biết được điều gì luôn dày vò trái tim của người bạn đời và đã phải chịu đựng nỗi hoang mang, thống khổ, bất lực ấy trong suốt cuộc hôn nhân của mình; họ khiến chúng ta hiểu rõ hơn chiến tranh đáng sợ và hủy hoại lâu dài tới mức nào. Song nguy thuyền “đáng đọc” ở nhiều khía cạnh nhưng có lẽ, góc nhìn nhân văn khiến độc giả bị lôi cuốn, đắm chìm và ám ảnh hơn cả qua suốt gần 700 trang sách chứa đựng nhiều thông điệp.
Nhận xét của dịch giả Trần Trung Hỷ - người tham gia dịch Song Nguy Thuyền
“Song nguy thuyền” là một tiểu thuyết khá “lạ”, lạ về mặt nội dung và thi pháp biểu hiện. Trước tiên, đây là một tác phẩm có liên quan đến rất nhiều phương diện văn hóa như Hải dương học, kiến trúc, khảo cổ, triết học, thư viện học, lịch sử, sân khấu, văn học… và có thể khẳng định, những kiến thức ở các lĩnh vực này đã được tác giả Tạ Lăng Khiết đưa vào Song nguy thuyền” rất phong phú và có chiều sâu. Khi dịch những trang viết này, chúng tôi gặp phải những khó khăn nhất định và để chuyển tải chính xác những vấn đề mà tác giả đã dày công thể hiện, người dịch phải vận dụng tổng hợp những kiến thức có sẵn, đồng thời phải tra cứu rất nhiều tài liệu thuộc các lĩnh vực trên.
Thứ hai, nghệ thuật tự sự “Song nguy thuyền” cũng rất độc đáo, đặc biệt là kết cấu song tuyến và nghệ thuật liên văn bản đã mang lại những hiệu quả nghệ thuật khá mới mẻ và có thể khẳng định, bút pháp của tác giả nếu so với những tác phẩm văn học Trung Quốc hiện đại mà tôi cũng như nhiều người khác đã dịch sang tiếng Việt của các tác giả khác nhau thì cách viết của tác giả là mang lại cho người đọc tầm suy tư, chiêm nghiệm về nhiều lĩnh vực của cuộc sống.
Trong thế giới nhân vật của “Song nguy thuyền”, tôi đặc biệt thích thú với nhân vật Doni (多尼)và Đại Bàng (老鹰). Phần Vĩ thanh (后序 - 战争带来和平了吗) đã mang lại cho tôi nhiều cảm xúc rất nhân văn.
Tất nhiên để nói về thành công của “Song nguy thuyền” trong một vài phút trao đổi là không thể nói được điều gì cả, mà để nói được những gì mà tiểu thuyết này mang lại thì phải là một luận văn. Chính vì vậy, tôi chỉ có thể chúc mừng bà, chúc bà tiếp tục có những sáng tác mới và rất mong được chuyển ngữ những tác phẩm tiếp theo của bà.