TIN TỨC
  • Truyện
  • Không hết chuyện kể | Truyện ngắn của Lệ Hồng

Không hết chuyện kể | Truyện ngắn của Lệ Hồng

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2023-02-26 15:02:06
mail facebook google pos stwis
859 lượt xem

LỆ HỒNG

1. Mười sáu tuổi em đã bắt đầu đi quanh nghĩa địa. Nghe thì tưởng rùng rợn lắm, chứ đó là nơi tụ tập hội hè của cả xóm. Trừ giờ thành phố lên đèn thì nghĩa địa lúc nào cũng đông khách khứa.

Miệt ngã tư xóm gà trước năm bảy mươi nghĩa địa đầy. Giống như mấy bãi chợ tự phát, khu rìa ráp gianh nội thị nhà vườn rộng rãi đất đai mênh mông. Khoảng đất ở giữa xóm to bằng cái sân banh mini diễn đủ trò chơi dân gian. Đám thanh niên đá banh, con gái nhảy dây, chơi ô quan. Chiều là màn “rồng rắn lên mây có cái cây nhúc nhích có ông chủ ở nhà hôn”. Món này ngày nào cũng nghe riết lớn nhỏ thuộc làu. Dần dà, người sống cũng phải chết, nhà ai có cú kêu đêm là mang ra chôn luôn cho tiện bề nhang khói. Thời gian lướt qua hai mùa mưa nắng, đất lành chim đậu, dân cõi âm tề tựu ngày càng đông đúc.

2. Gà còn đang gáy ò ó o, mấy ông già tự giác bưng cà phê đen bình trà nhôm ra chiếm chỗ. Trăng tà còn chưa kịp lặn khu hàng ăn đã bắt đầu lục đục. Bếp lò thổi lửa tàn than bay tứ tung, quạt mo cứ phành phạch cho đến khi lửa cháy đều. Cơm tấm sườn nướng muốn ngon thì lửa sẽ quyết định độ chín thơm vừa của nó. Xe bánh mì tủ tiếu cũng cặp sát bên. Khỏi đặt bàn ăn chi cho rườm rà, ai thích thì kéo cái ghế một ngồi, rồi đặt đĩa sườn bì chả lên mộ thưởng thức. Đám thanh niên là cứ ngồi chồm hổm trên thềm đá cầm tô húp rồn rột. Giáp giờ ngọ là mấy bà cầm chén chạy theo con nít đút ăn. Chúng luồn lách trên các bậc thềm trồi lên hụp xuống. Ngậm một bụm đã rồi cũng phải nuốt, bài ca “nuốt nuốt nuốt” ngày nào cũng nghe mà ngán.

Giãn tuồng cái màn rượt đuổi rồi thì nghĩa địa trở thành nhà nghỉ trưa hè. Lãng khách đi ngang dừng chân ghé vào ngã lưng một tẹo. Mấy bà “ve chai hôn” tấp vào, đập cái nón lá vô mặt dựa bia khò khò. Dậy thì bước qua cái lu có sẵn cái gáo dừa múc nước rửa mặt. Dân trong xóm có vài ông thích gió hiu hiu xào xạc cũng bò ra chiếm chỗ. Mấy cây lá nhám già thân to tán rộng phủ bóng khắp cả sân. Mùa trái chín rộ chỉ cần vài cơn gió lướt qua trái rớt đầy, tiện tay lụm lên quẹt vô vạt áo bỏ miệng nhai cũng đỡ khát nước. Mặc kệ quen biết hay xa lạ, đã bò vô đến đây rồi thì không cần hỏi lý lịch. Người chết còn không sợ mắc gì sợ người sống.

Chiều tàn là giờ của mấy con sâu rượu cà kê ba xị đế. Không bàn đến mồi nhậu bởi cũng nhiều phiền nhiễu. Cóc ổi xoài non quẹt mắm ruốc không nói gì, chứ chơi khô mực nướng thì chỉ cần hai cọng râu thôi dẫu ở tít đằng xa mùi nó cũng bay tới quyến rũ. Nhộn nhạo, vài tên cầm tô cơm múc sẵn đồ ăn bưng ra ngồi ké cho có tụ. Tiếng ghi ta thùng muỗng gõ là không bao giờ thiếu.

3. Nhà em ở rìa xóm nghĩa địa. Ngày đi về nhiều bận đều rẽ qua lối này. Có lẽ một sở thích kỳ lạ khi nhìn cảnh đông vui của người sống trên mình người chết. Nó ngộ nghĩnh thân quen.

Nhưng đêm xuống, muốn đi ngang về tắt phải rủ nhau đi chung cặp hai ba đứa, hoặc nín thở đạp xe phóng vù một mạch. Bóng ma lắc lẻo trên cây luôn là nỗi ám ảnh của mấy cô bị cha mẹ hù cho dễ dạy, khỏi bỏ nhà đi hoang.

Hôm đầu em ra ngồi trên ngôi mộ phía trước nhà, bóng đèn ngay cổng rào chiếu thẳng vào em. Má tôi thất thần chạy ra kéo em vào nhà. Em đẹp lãng bảng mắt mơ màng, khuôn mặt thon gọn từng nét như chạm khắc.

“Bộ muốn chết hay sao mà mò ra giờ này. Con đâu được ra đây ban đêm, nguy hiểm con gái con lứa. Chùa Pháp Vân gần quá trời, sao không qua đó hả”. Em cúi đầu. “Dạ có, mà con không muốn đọc kinh nữa”

Em thuộc nhiều kinh, dẫu không hiểu chi, nhưng bước vào chùa thì cũng bắt chước mấy sư, dì làm công quả ngồi xếp bằng mà đọc. Mỗi người một quyển đặt trên bục gỗ đóng nghiêng. Mẹ nắm bàn tay lạnh ngắt của em xoa xoa. Không cần hỏi lý do, ai cũng biết.

Đêm nay em một mình.

4. Tuổi mười sáu hiểu rõ hoàn cảnh gia đình. Đủ mạnh mẽ lang thang khắp nơi, có gan bước cả vào nghĩa địa. Đêm chỉ có tiếng gió thổi u u, hòa nhịp cùng cô gái với tà áo trắng đong đưa trên cành khẽ hát. Vài chiếc lá rơi trên vai cũng không làm tâm tư em bấn động. Em ngồi, chiếc bóng lặng lẽ bên lề bia mộ.

Mẹ tôi thở dài. “Sớm muộn gì nó cũng hư”

Mẹ con tôi ngồi bó gối trên ban công, không nhúc nhích. Đêm thứ hai em ra đây.

Khoảng sân rộng phía trước ngay mặt tiền nghĩa địa có cái hại mà cũng có cái lợi. Ai ra vô thấy hết, ai chưa kịp làm bậy cũng thấy, rồi réo từ trên lầu réo xuống. Ba tôi kê cái bàn tròn nhỏ hai ghế đẩu, sáng lên đây cà phê ké, nhấm nháp hương vị ồn ào như cái chợ ở dưới. Ba còn bảo mình may lắm mới được ở đây nha, vui quá chừng.

Nhiều lúc tôi cũng chẳng biết vui hay buồn. Niềm vui của người lớn luôn khó lý giải hơn nỗi buồn của trẻ con.

Đến tuổi vào đại học tôi đi một lèo rất xa, cha không cho tôi về. Nhớ thì ông bà lên thăm. Bảo tôi cố học thành người. Tôi à, ờ vâng dạ!

5. Trước xa xứ tôi muốn về thăm nhà lần cuối. Lúc đó mới biết gia đình em vẫn còn sống nơi này. Chỉ là những đêm tá túc ở nghĩa địa của nhà em có phần lũ lượt hơn.

Nghe kể lại có hôm má em dẫn hai đứa nhỏ nhất leo lên mộ ngủ. Giữa canh lại lục đục về. Đứa út ngái ngủ không chịu dậy, bà một tay vác con, một tay dìu thằng áp chót liêu xiêu khật khưỡng. Không ai dám chứa, mà có thấy thương kéo mẹ con vào bà cũng không dám phiền ai. Người hiền lành cam chịu dẫn đến nhiều hệ lụy. Có hôm em và em trai đến thay chỗ, cứ thế họ xoay vòng nương dựa cùng người chết. Điều gì đến cũng đến! Nhà em hóa điên hai người.

Cái điên của em nghe đồn là âm hồn nhập. Em giao du với người chết nhiều hơn người sống. Em biết coi bói. Nói trúng lắm, em gọi ai đó bằng chị ba, nói chuyện với người vô hình rất thân thiết. Chị ba phán thế này thế kia.  Tin đồn lan nhanh, người tìm đến xin được xem cũng khá đông. Em nhìn mặt chọn ai về ai ở lại. Người ở lại mà khổ quá em móc tiền túi có bao nhiêu cho hết. Ai khá khẩm đưa quà bánh thì em nhận, không tiền bạc gì. Em chưa nhận của ai đồng nào.

6. Khi tôi về lại quê hương tóc đã hai màu. Em cũng thế, vẫn ở địa ngục. Nhưng không còn cậu bảy, không bói toán. Đời em một màu tím ngắt trong bốn bức tường xám đông. Em tu tại gia, không ăn chay, chỉ ngủ chay. Đó là câu bi hài nhất tôi nghe từ má mình.

“Khốn nạn mà. Hỏng một đời, chứ mà hỏng phân nửa ít ra con bé cũng được hưởng mùi đời. Mụ bà nó”. Má tiếc một cành hoa không phai nắng chỉ phai màu bụi mốc. Cơn sóng ập vào người tôi lạnh toát.

Thằng em áp chót điên kiểu khác. Cả xóm đều thấy hắn giống thằng cha nó như đút khuôn, vậy mà nỡ lòng bảo mày con thằng nào. Rồi bực gì cứ túm cổ thằng nhỏ đập đầu vào tường bốp bốp. “Lớn lên mày sẽ là thằng ăn cướp, ăn mày. Trời! Tiếng thét đó dội vào tai nó dày đặc. Đời chó má! Đã mạnh miệng ăn vụng rồi thì còn sợ gì ai. Chả phủ đầu vợ chạy tội. Đánh con đánh vợ, con cái mỗi đứa ăn đòn một kiểu. Tôi nghe phần em là màn nhúng đầu vào hồ nước trong nhà tắm mà thắt lòng.

Thời thế đổi thay, cha em làm ăn lụn bại lại đổi tâm tính khác. Ông bắt con trai đạp xích lô, bán cà rem. Con gái đi ở đợ, nghỉ học cả đám. Tin tức lan ra ngoài nghĩa địa. Thiên hạ xì xào, cha em vẫn cứ trân tráo.

Một tay mẹ em gồng gánh những đứa con giữa nghĩa địa mênh mông lòng người. Một ngày nào đó, hình như chịu không nooic cái nghèo, ông cha theo vợ bé, bà ở vậy đến giờ.

Không ai buồn khi cha em đi, nghĩa địa tổ chức tiệc linh đình như đêm ba mươi. Lâu rồi mới có chầu liên hoan ca nhạc rầm rộ. Người chết cũng được hưởng phần. Vịt quay bánh bao chiên mỗi mộ một cái.

7. Mẹ tôi bảo có kể đến tết cũng không hết được chuyện nhà đó. Một cuốn phim gia đình không lời, quá nhiều hình ảnh se lòng. Thoảng khi cái xóm nghĩa địa tụ tập thì lòng vòng câu chuyện cũng về lại nhà em.

“Chả chết rồi. Tụi nhỏ cũng qua nhà đó làm ma cay đàng hoàng. Nghĩa tử là nghĩa tận. Mà tận đâu, di sản chả để lại vẫn sờ sờ ra đó.  Thằng em ngày càng nặng, còn con chị thì trời…mấy năm rồi không ai thấy mặt mũi nó đâu. Nó nhốt mình trong nhà với nhang khói và gì gì nữa thì có trời mới biết.”

Tôi nhìn ra những căn nhà ba tầng mới toang. Nghĩa địa đã trở lại với người sống. Không còn cây lá nhám nào. Một tấc đất bây giờ quý lắm, người không đủ chỗ đứng lẽ nào cái cây to thế mà trụ được. Cái tàn của nó cũng chiếm mất bốn căn chứ ít gì. Không còn buổi chiều hoa nắng trêu đùa, tiếng rồng rắn, tiếng rượt đuổi nhau quanh các rìa mộ. Nắng rát phủ khắp các mặt tiền nhà, ánh lên khung cửa sổ màu chói chang như đèn cao áp.

Đất chật người đông, chen chúc trong không gian của bê tông và cửa kính. Nhà nhà đóng kín cửa, không tình thương mến thương gì ai. Bỗng dưng tôi thèm ăn đĩa bì sườn ăn trên mộ. Nhớ quay quắt cái mùi râu mực nướng, tiếng ve chai hôn xa dần! Và nhứ nhất là bóng em lặng thầm bên mộ từng đêm. Cái thằng thương trộm, nhưng không đủ dũng khí lấy trộm em. Tôi xa xứ vì nhiều lẽ!

8. Xóm nghĩa địa thiên hạ đồn thằng con trai nhà giàu vào thăm con nhỏ điên rất lâu. Sau ngày đó, con nhỏ hết điên, tóc gọn gàng, mặc áo đẹp, đi ra chợ mua đồ cúng. Hỏi nó cúng gì mà mua dữ thần vậy? Nó trả lời tỉnh rụi, cũng cái đời hết là nghĩa địa. Thiên hạ chề môi, đúng cái nhà này không hết chuyện để kể mà!

(Truyện đăng báo Nghệ An Cuối Tuần)

Bài viết liên quan

Xem thêm
Nỗi buồn sương khói – Truyện ngắn của Cao Chiến
Nhà văn Cao Chiến, Phó chủ tịch Hội đồng Văn xuôi, Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh.
Xem thêm
Thầm lặng một đời người – Truyện ngắn của Hồng Chiến
Già làng buôn Thi sống hơn tám chục mùa rẫy, tóc trắng như mây buổi sáng trên đỉnh Chư Yang Sin (1) mùa khô, da mặt nhiều nếp nhăn nhưng không giấu được khuôn mặt phúc hậu; ngồi như hóa đá, lưng tựa cột nhà.
Xem thêm
Mùa hoa về trên núi
Đêm nay gã lại say. Say là gã chửi. Đầu tiên, gã chửi vợ. Gã chửi vợ là con đàn bà không biết đẻ, đẻ đến lần thứ ba mà vẫn chỉ ra toàn con gái. Gã muốn vợ đẻ cho gã một đứa con trai để sau này khi gã chết đi còn có đứa cúng ma, nhưng vợ gã đã kiên quyết, nếu cứ bắt đẻ nữa nó sẽ ăn lá ngón mà chết. Đương nhiên gã sợ vợ chết, nếu nó chết thì sẽ không có người đi nương, trồng lúa để đổi lấy rượu cho gã uống. Mà không có rượu để uống thì gã bứt rứt, khó chịu trong người lắm. Mà con vợ, gã có chửi thế nào nó vẫn cứ nằm mà ngủ được chứ, nó ôm đứa con gái út quay lưng vào tường, mặc gã ở gian ngoài cứ chửi.
Xem thêm
Nặng một chữ thương - Truyện ngắn của Minh Phong
Truyện đăng Tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh số Xuân Ất Tỵ 2025
Xem thêm
Người cha thầm lặng - Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Bài đăng báo Văn nghệ - Hội Nhà Văn Việt Nam số 3382
Xem thêm
Chính ủy và tôi - Truyện ngắn của Phạm Minh Mẫn
Tôi gặp Chính uỷ trong những năm tháng hào hùng thật khó quên. Dạo đó quân đi như nước chảy vào các chiến trường. Những bài hành khúc hát tưởng mòn vẹt đi từng nốt nhạc
Xem thêm
Về quê - Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Ông Ban trằn trọc. Không thể nằm mãi, ông bật dậy, sờ soạng bấm công tắc.
Xem thêm
Khúc biệt ly màu tím - Truyện ngắn của Trầm Hương
Có một cái gì đó không giải thích được cho một chuyến đi. Vì công việc, vì được mời mọc, ham vui, vì một sức mạnh vô hình vẫy gọi…
Xem thêm
Bến nguyện – Truyện ngắn của Ninh Giang Thu Cúc
Bước chậm chậm, Dã Quỳ để mặc cho làn mưa bụi hắt vào mặt những sợi nước li ti mát lạnh, gió xuân mơn man vuốt nhẹ từng lọn tóc thả hững hờ trên đôi vai tròn trịa, chiếc áo dài bằng lụa màu tím than ôm sít sao dáng vóc gợi cảm của người thiếu phụ.
Xem thêm
Quy cố hương - truyện ngắn Châu Đăng Khoa
Để anh nhớ xem. Mẹ vẫn gọi là loài trên cạn em à. Tín hiệu mẹ cài trong đầu mình đó, em tìm lại xem. Gọi gì cũng được, mình cứ gọi theo tổ tiên thôi.
Xem thêm
Người của buôn làng - truyện ngắn của Phạm Minh Mẫn
Rút từ tập truyện ngắn GIẢI NOBEL THỨ BẢY của tác giả.
Xem thêm
Cô bé có đôi bàn tay kỳ diệu
Nguồn: Mẹ - tập truyện ngắn của Lê Thanh Huệ, Nhà xuất bản Công an nhân dân, in năm 1997; trang 221.
Xem thêm
“Ông Ba Hay” – Truyện ngắn của Phan Đức Nam
“ÔngBa Hay” – Truyện ngắn của Phan Đức Nam
Xem thêm
Những trang sách cũ
Mẹ tôi kể là trong ngày sinh nhật đầu tiên, gia đình đã bày trước mắt tôi một cây bút, một quyển sách, một tờ giấy bạc, một chiếc hàn thử biểu và một cái muổng gỗ dùng để nấu ăn. Chọn thứ nào sẽ là dự báo tương lai cho cuộc đời tôi.
Xem thêm