TIN TỨC

Kỳ 1: Từng tấc đất biên cương thấm máu Anh hùng

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2023-07-13 06:17:07
mail facebook google pos stwis
291 lượt xem

HOA BIÊN CƯƠNG

LẠI VĂN LONG

Tháng 6/2023, Tây Nguyên được giải hạn sau những cơn mưa đầu mùa. Trời mát mẻ, đất xanh chồi lộc; các con đường quốc lộ, tỉnh lộ hay các thị trấn, thị xã được làm sạch bụi đất đỏ, trông tươi mới hơn.

Đoàn văn nghệ sĩ thuộc các chuyên ngành: sân khấu, điện ảnh, hội họa, nhiếp ảnh, văn thơ, âm nhạc, văn hóa các dân tộc thiểu số... được lãnh đạo Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật TPHCM (LHVHNT) tổ chức trại sáng tác 2023 với chủ đề "Bảo vệ chủ quyền biên giới biển, đảo" và tìm hiểu những tấm gương điển hình của cán bộ, chiến sĩ (CBCS) bộ đội Biên phòng trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Hành trình 10 ngày 9 đêm bắt đầu từ ngày 02/6 trên các Quốc lộ 13, 14 đi Bình Phước, Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, sau đó xuống Phú Yên rồi theo Quốc lộ 1A về lại TPHCM. Nhà biên kịch Dương Cẩm Thúy - Phó bí thư Đảng đoàn, Phó chủ tịch thường trực LHVHNT TPHCM làm Trưởng đoàn, Trưởng trại sáng tác này.

An Lộc, Bình Long, Lộc Ninh, Phước Long... những địa danh (thuộc tỉnh Bình Phước ngày nay) không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn được các hãng tin quốc tế thường xuyên nhắc tới trong các bản tin chiến sự suốt những năm 1972 - 1975. Thời đó tôi là cậu bé mới trên dưới 10 tuổi, sống ở Đà Lạt, đêm nào cũng rúc vào tấm chăn bông dày nặng ngủ cùng ba trên căn gác trọ. Ba tôi ôm luôn cái radio ngủ. Lúc khuya, nghe lén đài Giải phóng thì vặn âm thanh cực nhỏ, có tiếng giày, tiếng người ngoài ngõ là hai cha con rất hồi hộp. Đêm nào cũng vậy, những cái tên: Bình Long, Lộc Ninh, An Lộc, Phước Long... lần hồi in vào ký ức tuổi thơ tôi cùng những giai điệu mới mẻ, giục giã từ các bài ca: Tiến về Sài Gòn, Giải phóng miền Nam, Bão nổi lên rồi... tôi nghe lén cùng ba trên đài Giải phóng!

Năm 1992, tôi một mình một "ngựa" là chiếc Honda CD50 phân khối rong ruổi tìm kiếm những địa danh ám ảnh từ tuổi thơ. Những vùng đất đó sau chiến tranh còn rất hoang tàn và đều thuộc tỉnh Sông Bé cũ (đến ngày 01/01/1997 mới tách ra thành 2 tỉnh Bình Phước, Bình Dương như bây giờ). Tôi chạy xe máy trên những con đường nhỏ len lỏi giữa tít tắp rừng cao su mênh mông, hay qua những thị tứ, thôn làng thưa thớt dân cư với niềm háo hức tìm đến những địa danh lịch sử, trong đầu thì vang vang câu hát: "... vượt qua Sông Bé oai hùng về Phước Long xây chiến thắng...".

Tôi nhặt nhạnh từng thông tin, lời kể; lo âu với từng tấm ảnh chưa biết rửa phim ra sẽ xấu hay đẹp, rồi lại trằn trọc suốt đêm để suy nghĩ, sắp xếp cho những bài phóng sự. Sau này thì tất cả hoài niệm, cảm xúc về đất và người Sông Bé, Miền Đông tôi dồn hết vào gần 2.000 trang các tiểu thuyết: "Đứa con thời hậu chiến", "Người khổng lồ đội mồ kể chuyện", "Gia tộc tướng cướp", "Mật danh Đ9"... (hai tựa sách sau đều được các giải thưởng của Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam).


Tượng đài Chiến thắng Phước Long

Tôi được trở lại những địa danh nổi tiếng trên vùng "đất lửa" miền Đông Nam Bộ thời chiến tranh chống Pháp, Mỹ và Pol Pot xâm lược với những lắng đọng, bồi hồi. Cảm xúc đó được hình thành từ những đau thương, mất mát do bom đạn của quân xâm lược giáng xuống hàng ngàn, hàng vạn người dân vô tội. Từ những yêu thương, khâm phục, tự hào về những con người, những thế hệ đã hy sinh xương máu để bảo vệ miền "đất lửa" cũng là biên cương phía Tây Nam Tổ quốc này! (tỉnh Bình Phước có 240km biên giới giáp với Campuchia)

Ngày thứ nhất của hành trình, ngồi trên xe 45 chỗ, tôi cũng như 32 thành viên trong đoàn được tận hưởng sự khoan khoái trên các Quốc lộ 13, 14 đã được nâng cấp, mở rộng chạy qua các khu dân cư trú phú, các đô thị mới hình thành và đang phát triển rất năng động. So với hơn 30 năm trước, khi tôi "một mình một ngựa" rong ruổi trên những con đường nhỏ bé, gập ghềng hoang vắng thì giờ đây phường An Lộc thuộc thị xã Bình Long thay đổi diện mạo đến bất ngờ. Hai bên đường, phố xá sáng choang, nhộn nhịp. Dấu tích tàn khốc của chiến tranh chống xâm lược không còn trên mặt đường tấp nập xe cộ hay trong quán xá ồn ào tiếng nhạc. Dấu tích đó chỉ lặng lẽ, âm thầm trong lòng những người hôm nay vẫn mang trọng trách giữ gìn biên cương, lãnh thổ.

Ngày đầu tiên trong hành trình, đoàn văn nghệ sĩ TPHCM được CBCS Đồn biên phòng Hoa Lư mời cơm trưa tại một quán ăn trên Quốc lộ 13 gần chợ xã Lộc Thái, huyện Lộc Ninh, Bình Phước. Khi tôi hỏi về những địa danh đã đi vào lịch sử của vùng này, một sĩ quan biên phòng cho biết: "Ở đây có ngôi mộ tập thể chôn 3.000 người". Đó là nỗi đau mà nhân dân Bình Phước nói riêng, cả nước nói chung không thể quên!


An Lộc - TX Bình Long hôm nay

Theo tài liệu lịch sử thì ngày 07/4/1972, khi Lộc Ninh được hoàn toàn giải phóng, quân ta tấn công như vũ bão nhằm giải phóng Bình Long. Địch ra sức giữ Bình Long để phòng thủ từ xa cho Sài Gòn. Suốt 32 ngày đêm (từ 13/4 đến 15/5/1972), chiến sự diễn ra vô cùng ác liệt. Địch tập trung vào đây mọi hỏa lực, kể cả máy bay B52 rải thảm hàng ngàn tấn bom, trúng cả vào bệnh viện thị trấn An Lộc - nơi có rất đông người dân đang tập trung để tránh bom đạn, trong đó có cả những người lính Việt Nam cộng hòa (VNCH) bị thương, đang được điều trị, gây thảm họa kinh hoàng. Chính quyền, quân đội VNCH sau đó đã dùng máy ủi, ủi các rảnh lớn chôn các xác chết đã được gom lại, hình thành ngôi mộ tập thể 3.000 người.

Ngày 02/4/1975, Bình Long được hoàn toàn giải phóng. Ngày 01/4/1985, Bộ Văn hóa xếp hạng ngôi mộ này là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Năm 2013, khu mộ tập thể tại phường An Lộc, thị xã Bình Long, Bình Phước này đã được tu bổ, tôn tạo thành một địa chỉ giáo dục cho thế hệ trẻ về tội ác của quân xâm lược; về tinh thần đấu tranh cách mạng và ý chí bảo vệ biên cương, lãnh thổ...

Chiều hôm đó (02/6/2023), đoàn văn nghệ sĩ TPHCM lại bồi hồi, xúc động trong lễ viếng Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Hoa Lư ở Lộc Ninh - Bình Phước. Đồn được thành lập ngày 04/6/1975, có 66 đồng chí chủ yếu là CBCS Công an nhân dân (CAND) vũ trang từ Sơn La vào tăng cường. Nhiệm vụ của đồn là quản lý, kiểm soát, bảo vệ tuyến biên giới từ Mũi Chiu Riu đến Cầu Trắng; phối hợp với chính quyền địa phương bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn địa bàn và phát triển kinh tế - xã hội tại các xã biên giới. Ra đời trong điều kiện rất khó khăn, thiếu thốn mọi mặt, các CBCS CAND vũ trang đoàn kết một lòng, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Từ đầu năm 1977, tập đoàn Pol Pot bên kia biên giới tăng cường thêm lực lượng cấp trung đoàn đóng dọc theo trục đường 13 - Mũi Chiu Riu và nhiều lần lén vào đất ta dò la, trinh sát.


Đoàn văn nghệ sĩ TPHCM chụp ảnh kỷ niệm tại cột mốc biên giới đồn biên phòng Hoa Lư (Bình Phước)

Giữa tháng 01/1978, nhiều toán quân Khmer đỏ xâm nhập vào khu vực đường 13B, làng 7, làng 9 xã Lộc Tấn... rồi tập kích Đồn Hoa Lư bằng các loại hỏa lực B40, B41, M79, cối 82mm. CBCS Đồn biên phòng Hoa Lư đã anh dũng chiến đấu bảo vệ biên giới, bảo vệ nhân dân. Đỉnh điểm là 2 ngày 27 - 28/02/1978, một trung đoàn địch có pháo binh yểm trợ đã tấn công quyết liệt vào đồn. CBCS CAND vũ trang trong Đồn Hoa Lư đã kiên cường bám trận địa, đánh lui hàng chục đợt xung phong của quân Khmer đỏ với quân số mỗi đợt gấp 10 lần quân ta, tiêu diệt hơn 100 tên địch. Nhưng do địch quá đông, bao vây tứ phía nên lực lượng trong đồn đều dần hết đạn sau 2 ngày đêm chiến đấu ác liệt mà không được tăng viện.

34 CBCS đã anh dũng hy sinh, 13 người khác bị thương nặng; nhiều tấm gương chiến đấu rất anh hùng, như Trung sĩ Phạm Nhật Lệ đã bắn đến viên đạn B40 thứ 17; Binh nhất Nguyễn Văn Đạm, xạ thủ đại liên bắn hết đạn thì rút lựu đạn ra tử chiến với địch; Trung sĩ Nguyễn Văn Đức - Tiểu đội trưởng bị thương nặng, biết mình không qua khỏi đã dặn đồng đội nếu về đến đơn vị hãy báo cáo với cấp trên là mình đã hoàn thành nhiệm vụ, quyết không để giặc bắt...

Máu hào hùng của các anh 45 năm trước thấm trên từng tấc đất biên cương, cho Tổ quốc vĩnh hằng và tô điểm cuộc sống hôm nay thêm tươi đẹp.

Ở Đồn biên phòng cửa khẩu Bu Prăng, huyện Tuy Đức, Đắk Nông vào ngày 04/6/2023, đoàn văn nghệ sĩ TPHCM được nghe câu chuyện bi hùng về đơn vị được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang (AHLLVT) này. Đồn được thành lập ngày 20/5/1975 với quân số ban đầu là 32 CBCS CAND vũ trang được chi viện từ tỉnh Sơn La vào. Nhiệm vụ của đồn là bảo vệ tuyến biên giới dài 16,5km giáp với tỉnh Mondulkiri của nước bạn Campuchia.

Trong cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam, CBCS Đồn Bu Prăng đã chiến đấu kiên cường suốt từ ngày 29/3 đến 16/5/1978; đẩy lùi 127 cuộc tấn công của quân xâm lược Pol Pot, bảo vệ nguyên vẹn từng tấc đất biên cương. 16 liệt sĩ và rất nhiều CBCS CAND vũ trang bị thương trong suốt 47 ngày đêm chiến đấu ác liệt ngoan cường đó.

Hai ngày sau khi chia tay CBCS Đồn biên phòng cửa khẩu Bu Prăng, ngày 06/6/2023, chúng tôi lại trào dâng xúc động, rưng rưng trong buổi lễ tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ (AHLS) ở Đồn biên phòng Sê Rê Pốk nằm bên cạnh dòng sông Sê Rê Pốk hùng vĩ thuộc địa bàn xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk. Đồn được Bộ Tư lệnh CAND vũ trang thành lập ngày 23/5/1975 và đã anh dũng, kiên cường chiến đấu với bọn xâm lược Pol Pot cũng như lực lượng phản động Fulro suốt nhiều năm sau ngày thành lập.

Khu vực này còn có Bến phà công binh - Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt trên tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại, đưa sức người, sức của vào chi viện cho chiến trường miền Nam, thống nhất đất nước. Vì vậy bến phà này trở thành trọng điểm đánh phá của không quân Mỹ và các lực lượng VNCH. 71 AHLS hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ; trong cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam và truy quét các nhóm phỉ Fulro đã vĩnh viễn nằm xuống trong cánh rừng già bên cạnh dòng Sê Rê Pốk ngày đêm cuộn trào...

(Còn tiếp...)

Nguồn: Hoa biên cương (https://congan.com.vn/)

Bài viết liên quan

Xem thêm
Nỗi lòng Huyền Trân - Tản văn Nguyễn Linh Giang
Trên đường thiên lý Bắc- Nam, đoạn Quốc lộ 1 giao nhau với Quốc lộ 9 đi về hướng Cửa Việt (tỉnh Quảng Trị), có một bảng chỉ dẫn: “Miếu thờ bà Huyền Trân Công Chúa 500 mét”.
Xem thêm
Thầy tôi - Kho báu của tôi
PGS Chu Xuân Diên thuộc thế hệ những nhà nghiên cứu tiếp thu lý thuyết thế giới qua con đường tiếng Nga và tiếng Pháp. Thầy đã tham gia dịch những công trình kinh điển về folklore học mà đặc biệt phải kể đến bộ sách 2 tập rất dày dặn là Tuyển tập V. Ia. Propp - giới thiệu gần như đầy đủ trước tác của một tác giả quan trọng hàng đầu của trường phái Hình thức Nga và nghiên cứu folklore
Xem thêm
“Cú hattrick” của nhà thơ Triệu Kim Loan
Nhà thơ Triệu Kim Loan sẽ ra mắt độc giả ba quyển sách (hai tập thơ: Khát vọng xanh, Đối thoại đêm và quyển Cảm nhận văn chương)
Xem thêm
Đất có thổ công - Tản văn Nguyễn Linh Giang
Nhà văn Nguyễn Linh Giang quê quán tỉnh Quảng Trị, sinh sống và làm việc 30 năm tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội viên Hội Nhà văn TP.Hồ Chí Minh năm 2022. Nguyễn Linh Giang vừa xuất bản tập tản văn: “Sông vẫn chảy đời sông” (NXB Thanh niên, 2023). Về tập tản văn này, nhà văn Lê Minh Quốc trong “Tựa” viết cho tập sách đã viết: “Dám nói rằng, con người và vùng đất của mỗi địa phương đều đóng góp cho bộ sử của cả nước đầy đặn hơn, phong phú hơn. Mỗi khi chúng ta nói đến lịch sử một dân tộc là cần hiểu rộng hơn bao gồm cả yếu tố văn hóa, phong tục, tập quán, ẩm thực, v.v… của nhiều vùng đất khác gộp lại. Vì lẽ đó, những quyển sách về đề tài này, bao giờ cũng cần thiết, Nếu khi đọc xong, bạn đọc gật gù, tâm đắc: “À, ước chi có dịp đến nơi ấy một lần nhỉ?”. Được thế. Nhà văn đã thành công. “Sông vẫn chảy đời sông” của Nguyễn Linh Giang là một trong những tập tản văn như thế”.Văn chương TP.Hồ Chí Minh xin giới thiệu tản văn Đất có thổ công được rút từ tập “Sông vẫn chảy đời sông” của nhà văn Nguyễn Linh Giang.
Xem thêm
Em đi tát nước… Tản văn của Nguyễn Linh Giang
Tôi lớn lên, vào những năm sau 1975, ruộng đồng vào mùa khô vẫn phải chống hạn bằng xe đạp nước. Có lần, được ngồi xe đạp nước đêm trăng cùng với cô bạn gái tôi mới biết giọt mồ hôi trên sợi tóc mai cùa cô thôn nữ vừa nghe mằn mặn vừa nồng ngầy ngậy, khó tả. Qua bao mùa trăng, tôi vẫn còn mơ được đi tát nước: “Hôm qua trăng sáng tờ mờ/ Em đi tát nước tình cờ gặp anh” (Ca dao).
Xem thêm
Dọc thượng nguồn sông Vàm Cỏ Đông – Ký của Thanh Thảo
Năm 1973, khi tôi từ chiến trường Nam Lộ Bốn (Mỹ Tho) trở về lại cơ quan binh vận ở R, tôi rất phấn khởi vì cơ quan tôi đã dời về đất Tây Ninh, đóng căn cứ ở Bến Tháp ngay sát sông Vàm Cỏ Đông. Đoạn sông này là biên giới tự nhiên giữa Việt Nam và Campuchia, cũng là thượng nguồn sông Vàm Cỏ Đông. Từ Mỹ Tho, trước khi băng qua đồng Tháp Mười lên chiến khu, chúng tôi đã vượt qua sông Vàm Cỏ Tây, bây giờ lại được ở sát sông Vàm Cỏ Đông, thật thú vị.
Xem thêm
Đỗ Nam Cao - Cô đơn và khắc khoải 
Những năm cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chúng tôi cùng sống và chiến đấu trên chiến trường Miền Đông gian lao mà anh dũng. Nhà thơ Đỗ Nam Cao công tác ở Ban Tuyên huấn Trung ương Cục, còn tôi là lính chiến thuộc Công trường 5 (Sư đoàn 5). Rừng Miền Đông bạt ngàn, bom đạn tàn phá, chất độc hóa học trắng rừng, nhưng chúng tôi thường xuyên gặp nhau qua Đài Phát thanh Giải phóng và chương trình Phát thanh Quân Giải phóng miền Nam. Đôi khi, hành quân giữa khuya, nghe đọc bài hoặc ngâm thơ Đỗ Nam Cao trong chương trình văn nghệ, tiếp sức cho cánh lính trẻ chúng tôi xông lên phía trước.
Xem thêm
Nhà thơ Thanh Thảo… Nghĩ
Bây giờ, khi đã ngấp nghé tuổi tám mươi, tôi mới nhận ra, khi mình càng về già thì thời gian trôi càng nhanh. Và thời gian là thứ mình không thể khắc chế được. Việc hôm nay chớ để ngày mai mới làm, vì có khi không kịp.
Xem thêm
Nghệ sĩ Bảo Anh đang trên đường trở về quê nhà
“Một đám rước”, dường như có những tương đồng với “đám rước” khi thân xác nghệ sĩ Bảo Anh được trở về quê nhà, về U Minh, Cà Mau, nơi chôn nhau cắt rốn của anh.
Xem thêm
Vũ Quần Phương tiết lộ chuyện đặc biệt về Xuân Diệu, Chế Lan Viên
Nhà thơ Vũ Quần Phương nhớ lại ký ức về những nhà thơ, nhà văn lão thành như Chế Lan Viên, Tố Hữu, Nguyễn Tuân… thế hệ đàn anh – những người đã “lót ổ” cho thế hệ hôm nay dưới mái nhà văn chương.
Xem thêm
Nhà văn Ma Văn Kháng: Sống rồi mới viết
Trong lớp nhà văn cao tuổi hiện nay, có một người tôi luôn chờ đợi đọc những sáng tác mới của ông. Đó là nhà văn Ma Văn Kháng (sinh năm 1936, tên thật Đinh Trọng Đoàn). Chỉ có điều thời gian gần đây tuổi cao đã khiến ông không viết đều, viết nhiều như trước. Thế nhưng, thi thoảng vẫn được đọc những truyện ngắn mới của ông, hay những bài báo gửi gắm trăn trở, suy tư.
Xem thêm
Cuộc chiến nhân tính – Tiểu luận của Hoàng Thuỵ Anh
Nhà văn Hữu Phương là một trong số những cây bút văn xuôi kỳ cựu của miền Trung, đã khẳng định sở trường, sự điêu luyện khi nhìn sâu và cắt nghĩa tính tàn bạo của chiến tranh thông qua những số phận bị chấn thương, bi kịch.
Xem thêm
Nhớ mãi kỷ niệm với nhà văn Nguyễn Quốc Trung
Qua các nguồn tin, được biết Hội nhà văn thành phố Hồ Chí Minh và Tạp chí Văn nghệ Quân đội chuẩn bị phối hợp tổ chức hoạt động tưởng nhớ nhà văn Nguyễn Quốc Trung sau 2 năm anh rời “cõi tạm” và nhân sự kiện anh được truy tặng Giải thưởng Nhà nước với tiểu thuyết Đất không đổi màu, tôi cảm thấy vui mừng xen lẫn sự bồi hồi, xao xuyến.
Xem thêm
Tàn thu vắng bóng - Tản văn của Đặng Tường Vy
 Châu Âu thật tuyệt với bốn mùa rõ rệt. Mùa nào cũng có nét quyến rũ riêng, làm người tha hương vơi đi nỗi buồn dịu vợi. ..
Xem thêm
Nhớ Nguyễn Quốc Trung
Nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội nhà văn TP HCM gọi điện thông báo với tôi về việc Hội nhà văn TP HCM phối hợp cùng Tạp chí Văn nghệ quân đội tổ chức tưởng nhớ nhà văn Nguyễn Quốc Trung nhân hai năm ông rời cõi tạm và đặc biệt nhà văn được truy tặng giải thưởng Nhà nước về tiểu thuyết Đất không đổi màu.
Xem thêm
Mùa thu đây hỡi cờ hồng vàng sao – Tản văn của Lê Xuân
Tháng Tám cũng là tháng giữa thu, tháng để các em thiếu niên, nhi đồng phá cỗ trông Trăng, mừng Tết Trung thu, rước đèn, múa lân dưới trăng thanh, gió mát…
Xem thêm
Cửa bể Cần Giờ | Bút ký của Nguyễn Minh Ngọc
Bài đăng Báo Văn Nghệ (Hội Nhà văn VN) số 35+36, ra ngày 2-9-2023
Xem thêm
Tản Mạn Vàm Cỏ Đông - Tùy bút Trần Thế Tuyển 
Có lẽ trên trái đất này, không ở đâu cái giá để có độc lập dân tộc, tự do hạnh phúc lại đắt như ở Việt Nam. Để có hình hài đất nước, vị thế quốc gia như ngày hôm nay đã có hàng triệu triệu người con ưu tú ngã xuống. Máu xương của họ tan biến thành đất đai tổ quốc và hồn của họ bay lên hóa linh khí quốc gia.
Xem thêm