- Góc nhìn văn học
- Làm mới Truyện Kiều
Làm mới Truyện Kiều
Truyện ngắn Mây bồng tác giả Nguyễn Trường in Báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam số 18+19, ra ngày 30/4/2022 đặt ra vấn đề bảo tồn Truyện Kiều trong xã hội phát triển.
Nhà văn Nguyễn Trường giao lưu với độc giả về chủ đề Nguyễn Du nhìn từ lịch sử và văn học.
Ảnh: Lê Thanh Huệ.
Hiếm truyện ngắn nào, có ba nhà đại trí thức một thời loạn lạc (Nguyễn Du, Nguyễn Thiếp, Hồ Xuân Hương) được đưa vào truyện ngắn một cách tự nhiên như Mây bồng.
Mở đầu truyện, anh em Nguyễn Du đi săn và gặp Nguyến Thiếp (La Sơn Phu Tử) ở núi Hồng. Trong hơn 2.000 chữ, chắt lọc rất nhiều sự kiện lịch sử, tác giả dựng lại thân thế sự nghiệp của Nguyễn Du từ lúc sáu tuổi, thấy cha về hưu: Cảnh đón rước quan đầu triều về trí sĩ, ngựa xe như nước. Đến lúc ba mươi tuổi mà tóc đã điểm sương với chằng chịt các mối quan hệ huyết thống trong gia đình trí thức lớn nhất nhì lúc bấy giờ và ảnh hưởng của gia đình ông đến Nguyễn Thiếp. Chính Nguyễn Nghiễm (cha của Nguyễn Du) đã dìu dắt, động viên Nguyễn Thiếp đi thi, rồi cũng chính Nguyễn Khản (Nguyễn Khản là anh cùng cha khác mẹ với Nguyễn Du) đã tiến cử Nguyễn Thiếp ra làm quan.
Điểm mờ trong lịch sử liên quan đến sáng tác Truyện Kiều
Nhiều tài liệu cho rằng Nguyễn Du có 10 năm ở ẩn tại quê vợ Thái Bình.
Trong Mây bồng thì giai đoạn này, Nguyễn Du sang Trung Quốc chu du muôn dặm sông hồ. Gần ba năm trời, vừa trải nghiệm vừa quan sát, Nguyễn Du đã có tầm nhìn cao rộng, hiểu biết thêm về thiên hạ, cũng như nhân tình thế thái.
Nguyễn Du gặp và yêu Thi sỹ Hồ Xuân Hương. Ông nhớ những kỷ niệm cùng nàng bơi thuyền hái sen trên hồ Tây… Nhớ những lần bình văn, xướng họa thi ca bên nhau ở Cổ Nguyệt đường. Việc tác giả điểm qua mối tình này không chỉ có mục đích điểm tô truyện ngắn mà với những bằng chứng văn chương để cũng cố lập luận: Lần đi điền dã bên Trung Quốc năm trước thi sĩ mua được cuốn sách (Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân).
Bối cảnh sáng tác Truyện Kiều
Với hoài bảo theo Nguyễn Ánh: “Vỗ gươm mà hát ngóng mây bồng”. “Đó mới là cái chí, là tâm sự thật của Nguyễn Du”. Trong truyện ngắn này, Nguyễn Du bị Tây Sơn bắt tại Cửa Hội khi ông vượt biển vào Nam phò Nguyễn Ánh, ông bị tống tù.
Do không thể mang được bản Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân vào tù. “Đó là loại tiểu thuyết đạo lý, chú trọng vào những chi tiết ly kỳ, thuần về giải trí”, (Do trong tù không có giấy bút để ghi chép), Nguyễn Du làm thơ rồi ghi vào trí nhớ. Truyện Kiều được sáng tác trong tù.
Đây là phát hiện mới của nhà văn Nguyễn Trường. Do phải dùng trí nhớ để dịch qua chữ Nôm nên về thực chất Nguyễn Du đã sáng tác lại Truyện Kiều bằng nghệ thuật mới trên nền hiện thực, những điều trông thấy, lồng trong thế giới tâm linh ảo diệu để nhân vật tìm đường trong vô thức, nâng lên tầm tư tưởng mới.
Nguyễn Du sáng tác lại Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân thành Đoạn trường tân thanh bằng thơ lục bát mà dân ta gọi là Truyện Kiều, thì tác phẩm này của Nguyễn Du trở nên tuyệt tác, nổi tiếng không chỉ trong nước, bên Trung Hoa (nơi sinh ra bản gốc) mà cả 83 nước trên thế giới. (Dịch và lưu hành)
Góc nhìn mới về một số nhân vật của Truyện Kiều
Nguyễn Du nhìn thấy những mặt hạn chế của nhà Tây Sơn, trong suy đoán của thi nhân, triều đại này không tồn tại dài lâu. Nguyễn Thiếp tâm sự: từ ngày vua Quang Trung băng hà thì lão biết thân phận mà từ giã về quê. Bởi Nguyễn Thiếp đã quân sư cho vua Quang Trung phải “Dĩ giáo học vi tiên” mặc dù Quang Trung rất tâm đắc, cho thực hiện ngay nhưng vì Phong trào Tây Sơn gồm chủ yếu những người khởi nghĩa “áo vải cờ đào” là nông dân ít học. Trong chiến tranh thì khả dĩ nhưng thời bình, muốn kiến quốc cần nhiều người có học, có tài. Mà rường cột nhà Tây Sơn lại gồm những người như rứa. Họ không thích xiển dương sự học, coi nhà nho là hủ lậu. Bởi vậy dù tâm đắc với những lời gan ruột của lão, Quang Trung đã cho thực hiện nhưng không thành. Nhìn thấy sự bất lực của Quang Trung. Lão nghĩ đến sự thoái trào của nhà Tây Sơn”
Truyện ngắn gợi ý cho ta thấy nhìn nhận của Nguyễn Du và tầng lớp sỹ phu yêu nước trước thời cuộc quá phức tạp lúc bấy giờ.
Hạn sử dụng
Đồ vật mới có khi tính năng tác dụng không hơn đồ cũ bao nhiêu nhưng tốn tiền mua chỉ vì nó mới. Có những đồ cũ giá trị, gọi là đồ cổ và chỉ được số người giàu có, trình độ nghệ thuật cao sở hữu.
Truyện Kiều có hình thức thơ lục bát với 3250 câu, đi kèm 3251 điển tích, chú thích… (Truyện Kiều – Nhà xuất bản Đại học và trung học chuyên nghiệp xuất bản năm 1986); nhưng về số chữ, điển tích, giải thích gấp 3 lần văn bản truyện. Điển tích, chú thích quá nhiều khiến tôi và nhiều độc giả trẻ không theo kịp. Việc đánh số các câu thơ cho thấy xu thế xếp tác phẩm vào công trình nghiên cứu nhiều hơn là tác phẩm văn học giúp giải trí. Nó trở thành tác phẩm văn học dành cho sinh viên văn khoa và các nhà nghiên cứu văn học có nhiều kiến thức hàn lâm...
Khi một tác phẩm nào đó không sống đời sống tự nhiên trong tâm trí hầu hết độc giả cư dân vương quốc văn học, nó sẽ được đưa vào diện nghiên cứu bảo tồn. Giống với cơ thể chết lâm sàng, tim vẫn đập, máu vẫn lưu thông nhờ nguồn dưỡng khí và chất bổ đưa vào cơ thể và chỉ cần ngắt nguồn cung ô xi, sẽ chết.
Đó là hạn sử dụng tác dụng lên mọi công trình kể cả văn chương dưới quy luật phôi phai.
Làm mới
Với các công trình, muốn trường tồn, phải cải tạo, nâng cấp hoặc xây dựng mới trên nền cũ.
“Mây bồng" đã chỉ rõ nhu cầu cần làm mới Truyện Kiều, đó là chủ đề ẩn và cống hiến của tác giả.
Chính nhờ sáng tác lại, theo Luận án Tiến sĩ bảo vệ thành công tại Đại học Havard năm 1981 của Charles Benoit, xuất bản tại Việt Nam năm 2016 với tên gọi “Diễn tiến câu chuyện Vương Thúy Kiều - Từ sự kiện lịch sử Trung Hoa đến kiệt tác văn chương Việt Nam”: “Tiểu thuyết của Thanh Tâm Tài Nhân chắc chắn đã được lưu truyền rộng rãi, đã ảnh hưởng đến một số phiên bản khác của câu chuyện tại Trung Hoa, được chào đón nồng nhiệt tại Nhật Bản và thậm chí có thể đã được dịch sang tiếng Mãn Châu. Song chỉ khi đến Việt Nam thì câu chuyện mới được phát triển thành một tác phẩm văn chương hàng đầu. Qua nghệ thuật sáng tạo của Nguyễn Du, ba nhân vật lịch sử của câu chuyện (Hồ Tôn Hiến, Từ Hải, Thúy Kiều) đạt đến sự hình thành chung cục của chúng, và câu chuyện Thúy Kiều được xử lý một cách thuyết phục nhất."
Nếu có nhà văn đủ tài hoa và hiểu biết trên nền 3250 câu thơ lục bát và hơn 3251 điển tích, chú dẫn viết lại truyện Kiều dưới dạng tiểu thuyết, hoặc một nhà thơ dùng thể loại trường ca viết lại; sẽ là cách bảo tồn và phát triển Truyện Kiều.
Vô số kịch bản làm mới
Có thể chúng ta làm mới lại truyện Kiều như sau: Nhân vật được Nguyễn Du ít bỏ công nhưng lại thành công nhất trong Truyện Kiều là Hoạn Thư. Họan Thư có cha là thượng thư, cô thông minh, nho nhã. Lấy phải chồng là Mã Giám Sinh, thô lỗ nhưng chưa bao giờ cô chê bai chồng mình và ngược lại còn tìm mọi cách bảo vệ hạnh phúc gia đình, đó là bản chất phụ nữ Việt Nam. Bị cướp chồng, Hoạn Thư, có thể sát hại Kiều. Nhưng cô cho Kiều ra ở lầu Văn Các chép kinh để có điều kiện trốn đi. Hoạn Thư đem 2 bảo vật đắt giá của quốc gia (chuông vàng, khánh bạc), tạo điều kiện cho Kiều lấy trộm làm lộ phí đi đường và có tài sản rất lớn lập nghiệp. Khi bị Kiều xử tội, Nguyễn Du để cho Hoạn Thư khôn khéo không kể công của mình và cũng không kể tội trộm chuông vàng khánh bạc của Kiều, buộc Kiều phải dùng ân tha mạng.
Tuy tài sắc kém Thúy Kiều nhưng về đẳng cấp, Hoạn Thư hơn hẳn. Do đó, kịch bản có thể là: Do đã từng chung sống, Kiều đã biết Hoạn Thư vô cùng yêu chồng. Mã Giám Sinh (do hám tài, hám sắc cũng là lẽ thường tình của đàn ông) nên được Kiều tha cùng Hoạn Thư, để tránh đau khổ cho Hoạn Thư. Nhưng: “Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời”, Thúc Sinh được Kiều tha, vẫn ngày nhớ đêm thương, càng yêu, kính trọng Thúy Kiều hơn. Cảm nhận được điều đó và ơn tha mạng, Hoạn Thư đã bí mật sai người giúp Kiều tái ngộ với Kim Trọng. Ngày đoàn viên, biết điều này, Kiều đã chủ động tìm đến, nhận Hoạn Thư làm chị và 2 gia đình kết nghĩa, trong hạnh phúc vững chắc của 2 gia đình…
Nhà văn Nguyễn Trường tặng sách “Mây hồng” cho độc giả - Ảnh: Lê Thanh Huệ.
***
Phản ánh góc nhìn hiện đại về Truyện Kiều bằng nghệ thuật sử dụng tư liệu lịch sử và văn học không chỉ là nhuần nhuyễn, hợp lý. Mây bồng chỉ ra cách khai thác tư liệu lịch sử gắn với văn học sử để có những lập luận logic nhằm tìm ra sự thật ở những góc khuất và điểm mờ; đồng thời chỉ ra những góc nhìn mới, với tư duy phản biện, Mây bồng đã gợi ý cách bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc bằng cách làm mới tác phẩm, cách mà cách đây 202 năm, Đại thi hào Nguyễn Du đã từng làm.
Ghi chú: Những chữ viết nghiêng trích từ văn bản gốc của truyện ngắn Mây bồng.
Nguồn: Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam, số tháng 5/2024