TIN TỨC

Tinh thần Nhật Bản | Bút ký của Nguyễn Trường

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2023-06-23 17:42:51
mail facebook google pos stwis
873 lượt xem

Bút ký của NGUYỄN TRƯỜNG

Chúng tôi đến Nhật Bản vào một ngày cuối tháng Tư, hoa Anh đào đã tàn, lâu lâu mới thấy một hai cây còn sót lại nở hoa trắng đan xen trong màu lá xanh non. Nhật Bản là xứ sở của hoa Anh đào, khi mùa xuân đến, tiết trời còn lạnh, khắp mọi miền, từ thành thị đến đồng quê, đặc biệt là ven các sườn núi, các điểm thu hút khách du lịch rực sáng một màu hoa Anh đào. Loại cây thân giống như cây đào của ta, trổ bông đơm đầy cả tán cây, cũng là lúc lá rụng hết, chỉ còn hoa và hoa. Tưởng như đất trời trải một dãi lụa trắng phớt hồng sang trọng.


Tác giả dưới tháp truyền hình  Tokyo

Khác với các đoàn du lịch đi theo tour, chúng tôi 8 người đi theo kiểu tour local guide. Anh Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc công ty Navi Combi đón chúng tôi ở sân bay Osaka. Chúng tôi được giới thiệu trước về thành phố Osaka có sân bay Kansai như một  kỳ quan của thế giới do con người tạo ra. Thành phố nằm bên vịnh Osaka ở phía Nam Nhật Bản, không có mặt bằng rộng rãi để xây dựng sân bay. Một phương án táo bạo đã được vạch ra: Đào đất lấp biển, để có mặt bằng xây sân bay. Thật là kỳ vĩ, khi người ta đóng hàng ngàn cây cọc bê tông cốt thép xuống độ sâu 60m dưới đáy biển, tạo thành vòng tròn 11 cây số đê bao, để có mặt bằng rộng 511 ha, phải đổ hơn 180 triệu mét khối cát lấp biển thành hòn đảo nhân tạo nổi trên biển bao la. Quả là một công trình vĩ đại!

Gần thành phố Osaka có cảng Kobe, là cảng biển lớn nhất Nhật Bản. Đến thành phố này muốn thưởng thức món thịt bò Kobe cũng khó tìm, nếu không phải thổ địa. Cả Nhật Bản chỉ có 3000 con bò nuôi ở tỉnh Hyogo, trực thuộc Kobe, ngoài ra không có con bò Kobe nào được nuôi trên thế giới. Bò Kobe được chọn với những tiêu chuẩn khắt khe từ bò Tajima. Bò cũng không được xuất cảng nguyên con, thịt có mã số riêng, để phân biệt được miếng thịt ấy đến từ con bò nào. Nó tỉ mỹ, khoa học từ khâu chọn giống đến chăn nuôi, như là nghệ thuật, là tín ngưỡng. Khi đưa vào giết mỗ trọng lượng bò không quá 470 kg. Nhờ thế thịt bò Kobe “Hương vị ngọt thơm, tan ra đầu lưỡi” khi thưởng thức, làm thực khách đã ăn một lần sẽ không bao giờ quên.


Khách du lịch ở Nhật Bản.

Nhưng ấn tượng nhất là ngay cảng Kobe có nhà triển lãm động đất. Tòa nhà cao 8 tầng, kiến trúc hiện đại, mặt tiền ghi thời khắc mà trận động đất lịch sử đã diễn ra: 5: 46 AM,1995, 7,3 magnitude.  Mọi người còn nhớ, 5 giờ 46 phút ngày 17 tháng 1 năm 1995, một trận động đất 7,3 độ Richter đã làm rung chuyển đất nước Nhật Bản, cơn động đất mạnh đến nỗi phá sập gần 2/3 thành phố Kobe, làm cho khoảng 4.600 người thiệt mạng, gây thiệt hại khoảng hơn 100 tỷ USD. Chúng tôi được giới thiệu rất tỉ mỉ về trận động đất kinh hoàng đó, đặc biệt là được vào phòng chiếu phim 3 D, chứng kiến cảnh động đất được tái diễn. Cảnh các tòa nhà bị rung lắc rồi sụp đổ. Cảnh các đoàn tàu đang băng băng trên đường ray bị lật nhào, cảnh người chết, lửa cháy như hỏa diệm sơn...Chỉ chứng kiến trên phim ảnh mà tim tôi đập loạn nhịp. Thế rồi cảnh người Nhật tương thân tương ái, hỗ trợ nhau vượt qua hoạn nạn rất nhân văn, cảm động. Nhật nằm trên 4 mảng kiến tạo của vỏ trái đất, khi các mảng kiến tạo này va chạm nhau... tạo ra động đất. Một năm Nhật Bản xảy ra đến cả ngàn trận động đất, sóng thần, núi lửa...(Mấy hôm sau ở khách sạn Hakone Grenn, buổi tối chúng tôi bỗng nghe trong phòng vật rơi loảng xoảng,  không biết rằng đó là một trận động đất nhỏ). Tuy nhiên người Nhật Bản rất kiên cường, họ bình tỉnh vượt qua thảm họa, dũng cảm lao động, kiến taọ, khắc phục thiên tai.

Chúng tôi có ba ngày ở thành phố Kyoto, thuê hẳn một ngôi nhà theo kiểu Homestay. Chủ nhà cho mình thuê và mình tự quản lý hoàn toàn căn nhà trong thời gian tá túc. Đây cũng là hình thức quảng bá về phong cách nhà ở, văn hóa điểm đến. Nhà hai tầng, rộng chừng 150m vuông, đầy đủ tiền nghi như máy lạnh, máy giặt, lò vi sóng, Wifi... Qua ba ngày chúng tôi trả nhà, cứ thế đóng cửa và ra đi, không gặp chủ nhà mà chủ nhà cũng không thấy mặt khách. Ba ngày ở đây chúng tôi không phải đăng ký tạm trú, cũng không thấy chính quyền hỏi han gì.  Chúng tôi đi tham quan rừng trúc Arashiyama, thăm chùa vàng Kinkakuji, nhưng ấn tượng là  chùa Kiyomizu- dera (Thanh Thủy) và khu phố cổ Sanneizaka. Ngôi chùa rất linh thiêng, nằm trên lưng chừng núi, có cảnh đẹp tuyệt vời. Mùa này hoa Anh đào đã tàn, cây đang trổ lộc non làm không gian xanh mướt mắt. Những người đi viếng chùa thường mặc Kimono. Tiệm chúng tôi đến thuê đồ Kimono ngay dưới chân núi của chùa ThanhThủy. Tôi ngạc nhiên khi tấm bảng ghi bằng 3 thứ tiếng, Anh, Hoa, Việt trước cửa tiệm: “Tiếng Việt, ok”, nghĩa là ở đây có nhân viên người Việt phục vụ. Quả là người Việt mình đi du lịch Nhật Bản rất đông, tháng 4 vừa rồi, theo thống kê của Nhật, người Việt đến Nhật nhiều  nhất thế giới. Mấy hôm sau tôi không còn ngạc nhiên khi vào nhà hàng, khách sạn đều gặp người Việt. Theo thống kê của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, tính đến tháng 10 năm 2022, số người Việt Nam đang làm việc tại nước này lên đến hơn 462 ngàn người, đông nhất thế giới.

Mỗi ngày có hàng vạn người đến viếng chùa Thanh Thủy, có ngày có cả triệu người, nhưng không tìm đâu ra thùng rác. Thế mà khắp nơi đều sạch sẽ. Người Việt ở trong nước có thói quen xả rác bừa bãi nơi công cộng, nhưng sang đây bỗng nhiên trở thành người lịch sự không kém, cũng bỏ rác vào giỏ xách mang về. Hỏi ra mới biết, ở đây có chủ trương không đặt thùng rác nơi công cộng.

Sáng sớm chúng tôi đã chuyển tiền thuê Kimono nhưng chiều quay lại tiền vẫn chưa có trong tài khoản của cửa hàng. Nếu như ở ta, thì cho chắc ăn, chủ cửa hàng bắt phải trả tiền xong mới cho chúng tôi đi, nhưng không, chủ cửa hàng nói “Ngân hàng có chút trục trặc chi đó, mấy ngày sau mà không thanh toán được, thì quý khách chuyển lại cho chúng tôi nhé”. Cũng như cách cho thuê nhà, họ hoàn toàn tin vào khách, không sợ khách lấy đi những vật dụng quý giá trong nhà. Khi chúng tôi đến Hakone, cách Kyoto chừng 500 cây số thì phát hiện bỏ quên một ba lô hành lý, liền nhắn tin về chủ căn nhà cho thuê, chủ nhà nói, cho địa chỉ nơi sắp đến, sẽ gửi theo đường bưu điện phát chuyển nhanh cho. Và quả nhiên khi đến khách sạn đã đăng ký trước ở thủ đô Tokyo thì được tiếp tân giao gói hàng phát chuyển nhanh cho chúng tôi. Người Nhật tin vào con người, tin vào tính tự giác của mỗi người. Như chuyện chúng tôi đi xe lửa, đi tàu cao tốc từ Kyoto đến Hakone, các máy bán vé, máy kiểm tra người vào ga, lên tàu đều tự động. Nếu mà ăn gian, không mua vé, đi vòng qua hai cánh cửa nhỏ không có người kiểm tra thì cũng không ai biết. Tính tự giác cao cũng dễ cho người Nhật trang bị các máy tự động như máy đổ xăng, chỉ cần đút tiền vào máy là cầm ống xăng tự đổ vào xe mình. Hay như các điểm giữ xe, khách đánh xe vào bãi, lấy thẻ ở máy tự động, rồi đi. Khi trở lại, chỉ cần nhét thẻ vào máy, sẽ biết thời gian gửi hết bao nhiêu tiền, khách nhét tiền vào máy rồi đánh xe ra khỏi bãi giữ xe. Suốt thời gian ở Nhật, chúng tôi ít được tiếp xúc với người Nhật vì thường sử dụng dịch vụ tự động.

Đến Nhật khách thường thích đến thăm núi Phú Sĩ, cách thủ đô Tokyo khoảng 100 km về phía Tây Nam. Núi cao 3776 m, xe chở chúng tôi lên đến tầng 5, cao 2300 m, nhìn xuống dưới, thấy mây trắng bồng bềnh, có cảm giác như đang ngồi trên máy bay. Trời rất lạnh, đỉnh núi tuyết phủ trắng, tưởng chỉ vài trăm bước chân là có thể sờ tay vào tuyết.  Khoảng cách còn lại ấy là 1476 m, người Nhật thừa khả năng làm đường hay cáp treo lên đỉnh núi nhưng họ không làm. Họ muốn dành khoảng cách còn lại cho những người thích leo núi. Về mùa tuyết đã tan, đường mòn đi lên đỉnh núi khô ráo, mỗi ngày có hàng ngàn người “tay gậy tay bị” leo lên đỉnh núi, vui như đi hội, đó là môn thể thao ưa chuộng cho những ai thích khám phá đỉnh núi cao nhất Nhật Bản và thứ bảy trên thế giới, cũng như tự khám phá khả năng chính mình. Những người leo núi thường xuất phát từ ngày hôm trước, lên đến đỉnh núi thì trời vừa tối, họ nghỉ đêm trên đỉnh núi để sáng dậy sớm ngắm mặt trời nhô lên từ đường chân trời. Đối với người Nhật, từ ngàn xưa, núi Phú Sĩ gắn với niềm tin tâm linh, bằng chứng là dưới chân núi còn lại rất nhiều đền chùa cổ kính linh thiêng. Núi Phú Sĩ đã từng phun nham thạch lần gần nhất  năm 1707, ngày nay một số nơi lưng chừng núi vẫn còn thấy khói trắng bốc lên nghi ngút, mùi lưu huỳnh nồng nặc. Từ trong lòng núi chảy ra những dòng suối nước nóng, cuốn hút khách thập phương đến ngâm mình, rất có lợi cho sức khỏe. Đã có nhà hàng dùng nước nóng này luộc trứng, trứng chín vỏ chuyển sang màu đen. Đồn rằng ăn trứng gà này rất may mắn.

Chúng tôi có một đêm ngủ trong khách sạn Hakone Grenn nằm dưới chân núi Phú Sĩ. Khách sạn ở Nhật nói chung phòng thường nhỏ, nhưng đầy đủ tiện nghi, rất sạch sẽ. Bạn sẽ hài lòng từ lúc bước vào khách sạn, được nhân viên khách sạn đẩy xe chở hành lý của khách vào phòng đón tiếp. Nhân viên cúi rạp mình chào khách với nụ cười niềm nở trên môi. Ở Nhật có văn hóa “coi khách hàng như người tình đầu đời của mình” bởi vậy mọi dịch vụ với khách hàng được thể hiện ân cần, chu đáo và trung tín đến khó tin.

Ở khách sạn thường có suối nước nóng (onsen) ngoài trời, nước nóng khoảng 40 độ. Khách trước khi bước xuống ngâm mình phải tắm vòi hoa sen sạch sẽ. Khách không mặc gì trên người. (Tất nhiên có khu nam riêng nữ riêng). Chúng tôi rất thích cách tắm này, lúc đầu chưa quen thì thấy nó quá nóng, nhưng quen rồi thì thú vô cùng, được xả stress, người khỏe khoắn, quên hết mệt mõi.  Để phòng xa có người  ngâm lâu trong nước nóng bị hạ đường huyết, bị mất nước, người ta đã để sẵn kẹo, bánh, trà... cho khách tự dùng. Chu đáo đến từng chi tiết nhỏ.

Thức ăn bên Nhật, các món ăn đều đã được chế biến, ít khi thấy lát cá, miếng thịt trên đĩa. Cách chế biến thật vừa miệng, giòn rụm, ngon, hợp khẩu vị dù là những món ăn xa lạ lần đầu chúng tôi được thưởng thức. Người Nhật không ăn cá sông, cá đồng, chỉ ăn cá biển. Tôi thích món cá sống như cá hồi, cá trích ép trứng, cá ngừ sashimi, kèm theo gia vị wasabi, mù tạt cùng rau tía tô, củ cải trắng bào sợi... Khi thưởng thức thì vị cay xộc lên mũi đánh thức các giác quan, rồi miếng cá ngon thơm tan trên đầu lưỡi... Nói chung thức ăn, nước uống bên Nhật rất sạch sẽ, an toàn.

Nhiều người biết giao thông bên Nhật đi bên trái. Xe máy từ 125 phân khối trở lên được đi vào đường cao tốc và được đèo thêm một người. Người đi xe đạp và xe máy dưới 125 phân khối đều phải đội mũ bảo hiểm, không được đèo thêm người. Xe đạp được đi trên vỉa hè. Người Nhật vốn giản dị, chú trọng vào công năng của xe chứ không cần phô trương nên họ chuộng xe hơi loại rẻ tiền, tiện lợi; vừa chở người lại chở được nhiều hàng hóa. Giá xe lại rẻ (chừng trăm đến hai trăm triệu đồng Việt Nam) mà đóng thuế, đóng kiểm định... chỉ bằng 1/3 xe sang. Xe loại này gắn biển vàng, thấy chạy rất nhiều trên đường, kể cả thủ đô Tokyo. Loại xe nhập khẩu của Âu -Mỹ đang "tuyệt chủng" ở Nhật vì dân Nhật ít dùng, bởi thuế cao, lại tốn xăng. Từ nhà cửa đến xe cộ ở đây chỉ nho nhỏ, vừa đủ dùng, vừa tiết kiệm chi phí vừa tốt cho môi trường, họ không chú trọng vào bóng bẩy. Đường phố ở bên này rất  thông thoáng bởi người đi lại bằng tàu điện ngầm dưới lòng đất. Chỉ khi bạn đến nhà ga tàu điện ngầm mới thấy tấp nập người đi lại. Rất ít khi thấy cảnh sát, cảnh sát giao thông không trang bị “ngầu” như ở ta, họ thường đi xe đạp để tuần tra. Còn hướng dẫn xe ở các điểm du lịch chỉ thấy người già về hưu, tình nguyện làm thêm vì ở nhà buồn quá. Tàu cao tốc ở Nhật đi về rất đúng giờ. Đúng giờ đến nỗi một công ty đường sắt lớn nhất Nhật Bản đã phải họp báo xin lỗi công chúng vì để cho tàu chạy sớm 15 giây. Tàu điện của họ êm đến mức, tôi nhìn thấy một cô gái ngồi dùng cái que khá nhọn chuốt lại hàng mi của mình, cứ sợ nhỡ tàu dừng đột ngột que nhọn sẽ chọc vào mắt cô. Nhưng tôi chỉ lo bò trắng răng. (Phụ nữ bên Nhật rất chú trọng làm đẹp đôi mắt). Đi trên đường, gặp phụ nữ Nhật thấy hầu hết đều mang khẩu trang, thói quen này có từ trước khi dich covid 2019 xảy ra. Ta chỉ nhìn thấy đôi mắt họ, theo logic điền tiếp của trí tưởng tượng, đôi mắt đẹp thế kia, hẳn phần còn lại (bị che bởi khẩu trang) cũng đẹp lắm!

 Anh Nguyễn Thanh Sơn, hướng dẫn viên du lịch cho biết. Hai vợ chồng anh không muốn vào quốc tịch Nhật- dù có đủ tiêu chuẩn nhập tịch, bởi anh yêu nước Việt, muốn giữ quốc tịch Việt Nam. (Vì nước Nhật không cho hai quốc tịch). Dù vậy anh chị vẫn được hưởng mọi đãi ngộ như người Nhật. Chính phủ trợ cấp sinh con là 500 ngàn yên/ cháu. (Theo tỷ giá trước đây khoảng 100 triệu đồng Việt Nam và tỷ giá hiện tại khoảng 90 triệu đồng). Hàng tháng được trợ cấp 15 ngàn yên cho đến khi cháu hết 3 tuổi. Cháu đi học cấp một đến cấp hai được nhà nước hỗ trợ tiền học phí. Mọi tiêu chuẩn khám chữa bệnh, cháu đều được ưu tiên như trẻ em Nhật. Nước Nhật đang báo động về dân số già. Bởi vậy Nhật khuyến khích các cặp vợ chồng sinh càng nhiều con càng tốt.

Người Nhật luôn giữ chữ tín trong kinh doanh.  Anh Trần Minh Tâm, Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh tại Nhật cho biết: “Chuyến tàu ở Hokaido trên đảo phía bắc Nhật Bản vận hành chỉ để chở một hành khách duy nhất là cô học sinh cấp hai đến trường. Chuyến tàu chỉ được công ty đường sắt cho ngừng khi cô bé chuyển trường lên học cấp ba và không cần dùng chuyến tàu này nữa”.
Dân Nhật ít nhậu nhẹt, cà phê, giết thời gian như ở ta. Họ lúc nào cũng vội. Họ dành thời gian cho học tập, làm việc. Một trong sự phát triển thần kỳ của Nhật Bản là tinh thần làm việc hết mình cho đất nước gọi là tinh thần Omotenashi.  Đó là tinh thần dịch vụ Nhật Bản, là lòng hiếu khách, cao hơn là tinh thần phục vụ khách hàng mà trong đó thấm nhuần nét văn hóa tinh thần Nhật Bản, chính nó là linh hồn của ngành dịch vụ Nhật Bản. Tinh thần đó được thể hiện qua lòng biết ơn khách hàng của người bán, lời chào, lời xin lỗi, nụ cười... Tinh thần đó được thể hiện qua cách làm việc đúng hẹn, đúng giờ, chính xác, an toàn trong quá trình cung cấp dịch vụ. Sở dĩ họ thực hiện được bởi ảnh hưởng của nền giáo dục thật tốt và bài bản trong nhà trường và gia đình từ lúc còn bé... cộng với môi trường xã hội mà họ đang sống. Tinh thần đó còn thể hiện cao hơn là  sự “xả thân”, sự “ hy sinh”  để làm tốt vai trò của mình. Như vụ rò rỉ nhà máy điện hạt nhân trong thảm họa động đất sóng thần tại vùng Đông Bắc Nhật Bản năm 2011, để làm mát các lò phản ứng, nhiều kỹ thuật viên đã tình nguyện ở lại, hy sinh mạng sống của mình để giải nguy cho đất nước.

Từ một nước nghèo vì trải qua chiến tranh tàn phá, luôn bị thiên tai như động đất, núi lửa, sóng thần... lại ít tài nguyên, nhưng với văn hóa Nhật Bản, tinh thần sáng tạo tuyệt vời của người Nhật Bản, đã đưa xứ sở “mặt trời mọc” thành đất nước phát triển vào bậc nhất trên thế giới.

N.T

Chú thích: Tài liệu tham khảo: “Omotenashi- Tinh thần dịch vụ Nhật Bản (Cẩm nang giao tiếp kinh doanh với người Nhật)”-  Thạc sĩ Trần Minh Tâm, NXB Thanh niên 2020.

Nguồn: Văn nghệ số 24, ngày 24/6/23

Bài viết liên quan

Xem thêm
Nỗi lòng Huyền Trân - Tản văn Nguyễn Linh Giang
Trên đường thiên lý Bắc- Nam, đoạn Quốc lộ 1 giao nhau với Quốc lộ 9 đi về hướng Cửa Việt (tỉnh Quảng Trị), có một bảng chỉ dẫn: “Miếu thờ bà Huyền Trân Công Chúa 500 mét”.
Xem thêm
Thầy tôi - Kho báu của tôi
PGS Chu Xuân Diên thuộc thế hệ những nhà nghiên cứu tiếp thu lý thuyết thế giới qua con đường tiếng Nga và tiếng Pháp. Thầy đã tham gia dịch những công trình kinh điển về folklore học mà đặc biệt phải kể đến bộ sách 2 tập rất dày dặn là Tuyển tập V. Ia. Propp - giới thiệu gần như đầy đủ trước tác của một tác giả quan trọng hàng đầu của trường phái Hình thức Nga và nghiên cứu folklore
Xem thêm
“Cú hattrick” của nhà thơ Triệu Kim Loan
Nhà thơ Triệu Kim Loan sẽ ra mắt độc giả ba quyển sách (hai tập thơ: Khát vọng xanh, Đối thoại đêm và quyển Cảm nhận văn chương)
Xem thêm
Đất có thổ công - Tản văn Nguyễn Linh Giang
Nhà văn Nguyễn Linh Giang quê quán tỉnh Quảng Trị, sinh sống và làm việc 30 năm tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội viên Hội Nhà văn TP.Hồ Chí Minh năm 2022. Nguyễn Linh Giang vừa xuất bản tập tản văn: “Sông vẫn chảy đời sông” (NXB Thanh niên, 2023). Về tập tản văn này, nhà văn Lê Minh Quốc trong “Tựa” viết cho tập sách đã viết: “Dám nói rằng, con người và vùng đất của mỗi địa phương đều đóng góp cho bộ sử của cả nước đầy đặn hơn, phong phú hơn. Mỗi khi chúng ta nói đến lịch sử một dân tộc là cần hiểu rộng hơn bao gồm cả yếu tố văn hóa, phong tục, tập quán, ẩm thực, v.v… của nhiều vùng đất khác gộp lại. Vì lẽ đó, những quyển sách về đề tài này, bao giờ cũng cần thiết, Nếu khi đọc xong, bạn đọc gật gù, tâm đắc: “À, ước chi có dịp đến nơi ấy một lần nhỉ?”. Được thế. Nhà văn đã thành công. “Sông vẫn chảy đời sông” của Nguyễn Linh Giang là một trong những tập tản văn như thế”.Văn chương TP.Hồ Chí Minh xin giới thiệu tản văn Đất có thổ công được rút từ tập “Sông vẫn chảy đời sông” của nhà văn Nguyễn Linh Giang.
Xem thêm
Em đi tát nước… Tản văn của Nguyễn Linh Giang
Tôi lớn lên, vào những năm sau 1975, ruộng đồng vào mùa khô vẫn phải chống hạn bằng xe đạp nước. Có lần, được ngồi xe đạp nước đêm trăng cùng với cô bạn gái tôi mới biết giọt mồ hôi trên sợi tóc mai cùa cô thôn nữ vừa nghe mằn mặn vừa nồng ngầy ngậy, khó tả. Qua bao mùa trăng, tôi vẫn còn mơ được đi tát nước: “Hôm qua trăng sáng tờ mờ/ Em đi tát nước tình cờ gặp anh” (Ca dao).
Xem thêm
Dọc thượng nguồn sông Vàm Cỏ Đông – Ký của Thanh Thảo
Năm 1973, khi tôi từ chiến trường Nam Lộ Bốn (Mỹ Tho) trở về lại cơ quan binh vận ở R, tôi rất phấn khởi vì cơ quan tôi đã dời về đất Tây Ninh, đóng căn cứ ở Bến Tháp ngay sát sông Vàm Cỏ Đông. Đoạn sông này là biên giới tự nhiên giữa Việt Nam và Campuchia, cũng là thượng nguồn sông Vàm Cỏ Đông. Từ Mỹ Tho, trước khi băng qua đồng Tháp Mười lên chiến khu, chúng tôi đã vượt qua sông Vàm Cỏ Tây, bây giờ lại được ở sát sông Vàm Cỏ Đông, thật thú vị.
Xem thêm
Đỗ Nam Cao - Cô đơn và khắc khoải 
Những năm cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chúng tôi cùng sống và chiến đấu trên chiến trường Miền Đông gian lao mà anh dũng. Nhà thơ Đỗ Nam Cao công tác ở Ban Tuyên huấn Trung ương Cục, còn tôi là lính chiến thuộc Công trường 5 (Sư đoàn 5). Rừng Miền Đông bạt ngàn, bom đạn tàn phá, chất độc hóa học trắng rừng, nhưng chúng tôi thường xuyên gặp nhau qua Đài Phát thanh Giải phóng và chương trình Phát thanh Quân Giải phóng miền Nam. Đôi khi, hành quân giữa khuya, nghe đọc bài hoặc ngâm thơ Đỗ Nam Cao trong chương trình văn nghệ, tiếp sức cho cánh lính trẻ chúng tôi xông lên phía trước.
Xem thêm
Nhà thơ Thanh Thảo… Nghĩ
Bây giờ, khi đã ngấp nghé tuổi tám mươi, tôi mới nhận ra, khi mình càng về già thì thời gian trôi càng nhanh. Và thời gian là thứ mình không thể khắc chế được. Việc hôm nay chớ để ngày mai mới làm, vì có khi không kịp.
Xem thêm
Nghệ sĩ Bảo Anh đang trên đường trở về quê nhà
“Một đám rước”, dường như có những tương đồng với “đám rước” khi thân xác nghệ sĩ Bảo Anh được trở về quê nhà, về U Minh, Cà Mau, nơi chôn nhau cắt rốn của anh.
Xem thêm
Vũ Quần Phương tiết lộ chuyện đặc biệt về Xuân Diệu, Chế Lan Viên
Nhà thơ Vũ Quần Phương nhớ lại ký ức về những nhà thơ, nhà văn lão thành như Chế Lan Viên, Tố Hữu, Nguyễn Tuân… thế hệ đàn anh – những người đã “lót ổ” cho thế hệ hôm nay dưới mái nhà văn chương.
Xem thêm
Nhà văn Ma Văn Kháng: Sống rồi mới viết
Trong lớp nhà văn cao tuổi hiện nay, có một người tôi luôn chờ đợi đọc những sáng tác mới của ông. Đó là nhà văn Ma Văn Kháng (sinh năm 1936, tên thật Đinh Trọng Đoàn). Chỉ có điều thời gian gần đây tuổi cao đã khiến ông không viết đều, viết nhiều như trước. Thế nhưng, thi thoảng vẫn được đọc những truyện ngắn mới của ông, hay những bài báo gửi gắm trăn trở, suy tư.
Xem thêm
Cuộc chiến nhân tính – Tiểu luận của Hoàng Thuỵ Anh
Nhà văn Hữu Phương là một trong số những cây bút văn xuôi kỳ cựu của miền Trung, đã khẳng định sở trường, sự điêu luyện khi nhìn sâu và cắt nghĩa tính tàn bạo của chiến tranh thông qua những số phận bị chấn thương, bi kịch.
Xem thêm
Nhớ mãi kỷ niệm với nhà văn Nguyễn Quốc Trung
Qua các nguồn tin, được biết Hội nhà văn thành phố Hồ Chí Minh và Tạp chí Văn nghệ Quân đội chuẩn bị phối hợp tổ chức hoạt động tưởng nhớ nhà văn Nguyễn Quốc Trung sau 2 năm anh rời “cõi tạm” và nhân sự kiện anh được truy tặng Giải thưởng Nhà nước với tiểu thuyết Đất không đổi màu, tôi cảm thấy vui mừng xen lẫn sự bồi hồi, xao xuyến.
Xem thêm
Tàn thu vắng bóng - Tản văn của Đặng Tường Vy
 Châu Âu thật tuyệt với bốn mùa rõ rệt. Mùa nào cũng có nét quyến rũ riêng, làm người tha hương vơi đi nỗi buồn dịu vợi. ..
Xem thêm
Nhớ Nguyễn Quốc Trung
Nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội nhà văn TP HCM gọi điện thông báo với tôi về việc Hội nhà văn TP HCM phối hợp cùng Tạp chí Văn nghệ quân đội tổ chức tưởng nhớ nhà văn Nguyễn Quốc Trung nhân hai năm ông rời cõi tạm và đặc biệt nhà văn được truy tặng giải thưởng Nhà nước về tiểu thuyết Đất không đổi màu.
Xem thêm
Mùa thu đây hỡi cờ hồng vàng sao – Tản văn của Lê Xuân
Tháng Tám cũng là tháng giữa thu, tháng để các em thiếu niên, nhi đồng phá cỗ trông Trăng, mừng Tết Trung thu, rước đèn, múa lân dưới trăng thanh, gió mát…
Xem thêm
Cửa bể Cần Giờ | Bút ký của Nguyễn Minh Ngọc
Bài đăng Báo Văn Nghệ (Hội Nhà văn VN) số 35+36, ra ngày 2-9-2023
Xem thêm
Tản Mạn Vàm Cỏ Đông - Tùy bút Trần Thế Tuyển 
Có lẽ trên trái đất này, không ở đâu cái giá để có độc lập dân tộc, tự do hạnh phúc lại đắt như ở Việt Nam. Để có hình hài đất nước, vị thế quốc gia như ngày hôm nay đã có hàng triệu triệu người con ưu tú ngã xuống. Máu xương của họ tan biến thành đất đai tổ quốc và hồn của họ bay lên hóa linh khí quốc gia.
Xem thêm