- Góc nhìn văn học
- Mấy vấn đề về phát triển văn hóa đọc thời điểm hiện nay
Mấy vấn đề về phát triển văn hóa đọc thời điểm hiện nay
Bài viết nhân Tọa đàm "Tác phẩm hay trong sự tiếp nhận hiện nay" do Hội Nhà văn TPHCM vừa tổ chức ở Trại viết văn Phú Yên, ngày 10 tháng 5 năm 20024
LÊ VIẾT HÒA
Dòng chảy Văn học nói chung và Văn hóa "đọc" nói riêng hiện nay, đang dần có chiều hướng đi xuống, gần như mất hẳn trong phần lớn các tầng lớp xã hội; ngoại trừ một số người làm công tác giảng dạy, nghiên cứu và sáng tác. Nó không còn là một lựa chọn ưu tiên (hay nói đúng hơn là bình thường) cho việc giải trí tinh thần hoặc bổ sung kiến thức mà một thời không thể thiếu trong đời sống xã hội của những thập kỷ trước.
Tôi không đi sâu về việc phân tích nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó. Ở đây, tôi chỉ nêu ra mấy vấn đề để xem xét.
Việc xây dựng và phát triển Văn Hóa Đọc trong cộng đồng xã hội tưởng chừng là một việc làm dễ dàng như vốn có của nó. Thế nhưng, những năm gần đây, do sự phát triển của công nghệ thông tin, thêm nữa những tác phẩm văn học trong nước không theo kịp đà phát triển chung; Quẩn quanh, bó hẹp trong cơ chế và định hướng tồn ứ bao nhiêu năm nay, làm cho độc giả không còn thấy thích thú và yêu quý đọc sách nữa.
Khi không còn cảm thấy thích thú và yêu quý, lẽ tất nhiên người ta sẽ tìm đến những niềm vui khác, những nhu cầu khác để thỏa mãn bản thân (bài viết này chỉ gói gọn trong Văn hóa đọc). Đó là điều tất yếu theo luận thuyết kinh tế của Adam Smith.
Trong một đất nước, xã hội; trình độ học vấn, văn hóa, tri thức của mỗi người không bao giờ đồng nhất. Vì vậy, nhận thức của mỗi con người về sự vật, hiện tượng và cảm thụ văn học cũng khác nhau.
Sự hội nhập và phát triển theo nền kinh tế thị trường mở ra rất nhiều cơ hội trên nhiều lĩnh vực: Chính trị, kinh tế, văn hóa. v.v. Nhưng kèm theo đó, rất nhiều hệ lụy không chỉ tầm vi mô mà cả ở tầm vĩ mô, (tức là thượng tầng kiến trúc xã hội). Với tư duy duy ý chí, lấy lý thuyết để biện minh cho hành động, việc làm... người ta đã quá quen cho việc đổ lỗi những thất bại là do tập thể, chưa một ai đứng ra chịu trách nhiệm về mình. Cái ngưỡng của sự tự do ngôn luận nhiều khi bị quy chụp, gán ép bởi sự phá hoại của thế lực thù địch; Nhưng nói trắng ra, ngoài một số kẻ ảo tưởng, hoặc "mượn gió bẻ măng" thì, sự phá hoại và làm cho đất nước suy đồi là do chính một số người cầm quyền, công bộc biến chất gây ra.
Có một thực tế, một số tờ báo số lượng phát hành rất lớn, nhưng không có mấy người đọc. Tôi đã từng chứng kiến những xấp báo đó còn nguyên nếp gấp, thơm mùi mực in đem cân ký bán ve chai, đồng nát. Và tất nhiên, nó trở thành gánh nặng cho ngân sách, mà ngân sách là tiền mồ hôi nước mắt của người dân đóng thuế.
Chính vì tính định hướng, viết theo thông tin một chiều đã làm cho sách văn học nói chung ngày càng xa rời thực tế, không đáp ứng được nhu cầu giải trí và nhu cầu học hỏi của đại bộ phận người đọc. Khi "cung" không đáp ứng được "cầu", người ta dần thay thế nó bằng những hình thức khác, loại hình khác phù hợp hơn; Đó là kết quả tất yếu theo nhu cầu bậc thang của đời sống kinh tế, xã hội.
Để xây dựng và phát triển Văn hóa đọc trong cộng đồng thời buổi hiện nay là một vấn đề rất khó và nan giải; Nhưng không phải không làm được.
Điều kiện đầu tiên và mang tính quyết định là: Những người muốn làm công việc này phải có Tâm và Tầm. Có cái Tâm để luôn theo mục đích nhân bản của những tác phẩm văn học muốn gởi đến người đọc; cái Tầm để chịu đựng, vượt qua những khó khăn, những tị hiềm, ganh ghét và cả cơ chế để đứng vững không gục ngã.
Lấy tiêu chí, Văn học phục vụ cho từng cá nhân cụ thể và cao hơn là phục vụ cho con người hướng đến tự do, hướng đến cái CHÂN - THIỆN - MỸ.
Sản phẩm của bất cứ doanh nghiệp nào khi thiết kế và sản xuất, trước hết và trên hết, phải xác định: Sản phẩm đó phục vụ cho người tiêu dùng, phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng. Phương châm luôn luôn đúng là: "Mồi câu phải phù hợp với từng loại cá, chứ không phải theo sở thích của người đi câu".
Như trên đã nói, chúng ta chỉ bó gọn trong phạm vi Văn hóa "đọc", vậy: sản phẩm cụ thể ở đây chính là các sáng tác Văn học, bao gồm: Thơ, Trường Ca, Văn xuôi (tản văn, bút ký, ký sự, truyện ngắn, truyện dài, tiểu thuyết, kể cả các tác phẩm lý luận phê bình văn học,.v.v.). Xét trên bình diện nhu cầu cũng như sự thay đổi trào lưu tiếp nhận các loại hình văn học trong nước, thế giới và các loại hình giải trí khác ở tầm mức nào, sự hạn chế ra sao và phải xét ở tính phổ cập hay chuyên biệt để tìm ra nguyên nhân; từ đó mới có sản phẩm văn học cụ thể, có giá trị theo kịp sự phát triển và nhu cầu chung không chỉ trong nước mà cả nước ngoài.
Thực ra, nhu cầu đọc sách trong cộng đồng không hề mất đi, chỉ là những tác phẩm văn học ngày càng đánh mất đi lợi thế trong việc giành lấy thị trường của mình. Nhu cầu của con người mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn sẽ phát triển song song với đời sống kinh tế, trong đó bao gồm cả văn hóa đọc. Sự hội nhập nền kinh tế thị trường toàn cầu, sự giao lưu các luồng tư tưởng trong thế giới đa cực là một thuận lợi nhưng cũng là một thách thức cực lớn.
Theo quy luật đào thải khắc nghiệt của văn học nghệ thuật, người ta dần dần không còn muốn đọc những tác phẩm mang tính định hướng, một chiều, không phản ánh sự thật, không nêu được những góc khuất của tảng băng chìm.
Thời đại đã và đang lớn dần lên trong khi văn học nghệ thuật nước nhà vẫn còn đang bú mớm; Điều đó, tất yếu sẽ dẫn đến sự nhàm chán, rập khuôn và việc đọc sách trong cộng đồng xuống dốc không phanh là điều không thể khác.
Đã có quá nhiều cuộc tranh luận về nghệ thuật và tư tưởng sáng tác trong văn học; Nhưng ý thức hệ và tư tưởng chủ đạo trong dòng chảy văn học hiện nay luôn luẩn quẩn với những mặc định vô hình. Đại đa phần những tác phẩm ra đời trong thời gian qua chỉ mang tính chung chung, vô thưởng vô phạt, nếu không muốn nói chỉ theo một chiều, phục vụ cho một mục đích không mang tính dự báo, không mở ra cả về nội dung lẫn nghệ thuật cho sự phát triển chiều rộng và chiều sâu, hướng tới những giá trị đích thực của đời sống.
Nghệ thuật là sáng tạo, phục vụ cho con người; đi tìm và hướng đến CHÂN - THIỆN - MỸ. Sự đối mới tư duy, ý thức là điều tất yếu và hiển nhiên trong thế giới đa chiều, đa cực hiện nay. Con đường sáng tạo nghệ thuật không thể định hướng, không thể đi theo lối mòn có sẵn. Nó phải được khai phóng, tự do; Và phải xem việc viết văn là một nghề như những nghề nghiệp khác, tự thân vận động để tồn tại và phát triển, nếu không muốn những sáng tác trở thành sáo rỗng, vô nghĩa.
Không phải cái danh xưng nhà văn, nhà thơ; hay một vài giải thưởng nào đó cùng nhóm, cùng hội trao cho nhau (tất nhiên đáng ghi nhận) là đủ; nhưng điều đó chưa phải tất cả. Cái quan trọng nhất là: tác phẩm phải được công chúng đón nhận, phải được người đọc yêu thích. Và mở ra một con đường mới, tư duy mới, vừa mang tính kế thừa văn hóa dân tộc, vừa hội nhập phù hợp với văn hóa nhân loại. Được như vậy, mới xứng đáng với tư cách nhà văn, nhà thơ; Khi đó mới mong khôi phục, phát triển "văn hóa đọc" theo đúng nghĩa của nó.