- Lý luận - Phê bình
- Minh Đan, buộc sự lặng thinh vào khung cửa nhỏ...
Minh Đan, buộc sự lặng thinh vào khung cửa nhỏ...
NGÔ ĐỨC HÀNH
“Phút bù giờ” là tập thơ của một tác giả trẻ. Hẳn nhiên cách đọc phải trẻ. Các bài thơ trong tập đều thể tự do, phá cách về cấu, tứ... Minh Đan đã có nhiều cố gắng, trở về với “cái tôi” bản ngã để hiểu hơn cuộc đời phía ngoài kia.
Tôi chưa gặp Minh Đan ngoài đời, chỉ là bạn xã hội với một người có nick (tài khoản) Lọ Lem Đất Võ. Và nữa, biết chị là Hội viên Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh. “Cô bé Lọ lem” là câu chuyện cổ tích về một cô gái không may mắn, trở thành vợ hoàng tử, đó là phần thưởng chiến thắng ở cuộc đời cho những tấm lòng. Còn “Đất võ”, tôi hiểu ý nói đến quê hương Bình Định.
Khi biết Minh Đan, tôi hơi “choáng”, bởi nằm lòng câu ca: “Ai về Bình Định mà coi / Con gái Bình Định múa roi đi quyền”. Tôi nghĩ, chắc thơ cũng dễ “nổi loạn”, phản kháng.
Và rồi, duyên thơ gặp duyên đời. Minh Đan gửi tặng tôi tập thơ “Phút bù giờ”. Bấy giờ tôi mới biết “Lọ lem” rời quê hương lập nghiệp ở thành phố Hồ Chí Minh. Tập thơ gây cho tôi sự chú ý, dù không chủ định như quy luật trong tâm lý học. Trong bóng đá, phút bù giờ thì hồi hộp lắm, vừa dài, vừa quá ngắn. Nhịp tim của huấn luận viên trưởng thường là đập nhanh nhất và rất nguy hiểm. Trong hoan lạc, phối ngẫu... “phút bù giờ” hay “hiệp phụ” cũng đầy nhạy cảm. Hoặc là thăng hoa hoặc thất vọng, ngoài ý muốn.
Và rồi, tôi thấy thú vị, dẫu công việc liên miên, bản thân không may bị tai nạn giao thông, chấn thương sọ não, do vậy chưa đọc được. Hôm nay mới bắt đầu đọc, sau khi đã hồi phục 90%. Ơn giời!
Tôi có đọc Tựa do nhà văn Nguyễn Quang Vinh viết, có một nhận định làm tôi chú ý: “Thơ phải viết trước hết cho mình, rồi viết cho người, rồi viết cho cả cuộc đời này, đó là thơ lớn từ một trái tim cảm xúc lớn...” (trang 6). Hẳn nhiên, câu này viết cho nhiều người, nó thuộc về nhận định “kinh điển”.
Minh Đan là nhà thơ trẻ nhưng sớm bộc lộ “cá tính” thơ, ngay tên bài thơ, ngôn ngữ thơ, phá cách tìm xu hướng. Bao trùm lên chính là chủ đề về nữ quyền, một tập thơ đầy hương vị đàn bà, tất nhiên trước hết thơm mùi Minh Đan. “Người cũ” là một bài thơ, có tính “đại diện”.
Trai gái yêu nhau, thành hôn, sinh con đẻ cái, thực hiện thiên chức với tổ tiên, nòi giống; nhưng ai đã yêu mới ngộ, con đường đến với hạnh phúc biết bao vật vã. Không lấy được nhau, vì nguyên nhân nào đó, cũng không thể hết “vật vã” siêu hình, nhất là mối tình đầu, sâu nặng.
“Mối tình đầu đã qua/ Không bao giờ trở lại/ Nhưng còn nỗi xót xa/ Như gió mùa thổi mãi”, chắc chắn những người sinh từ năm 1980 của thế kỷ trước trở về trước đều thuộc bài thơ “Mối tình đầu” của nhà thơ Nga Yesenin. Chính cuộc đời tác giả là một chuỗi những bi kịch, trong đó có bi kịch tình yêu.
Vì sao tôi nói đến thế hệ 1980 trở về trước? Thời đó, nam thanh nữ tú yêu nhau còn trọng cảm xúc, những điều thiêng liêng của tình yêu được nâng niu như báu vật. Chính nhạc sỹ Thuận Yến trong một ca khúc đã viết: “Chưa dám hôn nhau/ Chưa lời thổ lộ/ Mà sao hơi thở như là của nhau/ Chưa nắm tay nhau/ Chưa ngồi sát lại/ Mà sao năm tháng như là của nhau” (Ca khúc: Tình yêu không lời).
Minh Đan là người trẻ, nâng niu cảm xúc yêu. Riêng điều này đã là sự khác biệt, “em người cũ rồi sao?”. Nhân vật “em” trong “người cũ” luyến nhớ, khổ đau, tự hỏi mình, chất vấn “anh” và tự chất vấn mình. Hai người yêu nhau đã từng rất hạnh phúc “hạnh phúc giòn tan bánh tránh dừa thơm mùi quê nẫu”.
Bình Định, quê hương của nhiều văn nhân nổi tiếng. “Bình Định dừa xanh ôm bóng tháp Chàm” (thơ Xuân Diệu). Vùng quê này có rất nhiều đặc sản từ quả dừa, cốt dừa, trong đó có bánh tráng dừa. Nhưng mà “thơm mùi quê nẫu” thì tình yêu chín lắm rồi. “Nẫu” có thể là tính từ, đại từ; nhưng trong trường hợp này là tính từ. Chín lắm rồi. Nhưng tôi thích hiểu trong trường hợp nẫu ruột nẫu gan, buồn phiền không nói ra được... Thế mới hiểu sự phát triển tâm lý, cung bậc cảm xúc của “em” trong bài thơ này.
Một bi kịch của cuộc tình đã xảy ra khi “anh có đôi mắt khác không phải là em”, dẫu “anh” đã “săn tìm hạnh phúc dọc ngang đời em”. Khi yêu, người con gái tôn thờ hạnh phúc, dâng hiến cho người mình yêu, nhưng rất quan tâm đến cảm xúc. Điều này, không mấy vị nam giới để ý. Đàn ông dễ đoảng, dễ hời hợt, họ “giếng thơi” đấy nhưng thực tế là “nông nổi”. “anh săn tìm hạnh phúc dọc ngang đời em”. Có thể “anh” đã “no xôi chán chè” hoặc có “đôi mắt khác” làm lú lẫn. Không thể dối được. Thường khi yêu, yêu thật lòng, người nữ, ở đây là “em” đọc rất nhanh các “tiết tấu” của “bản giao hưởng yêu”. “Môi hôn tựa chuồn chuồn lướt nước”, không có gì thất vọng bằng, nếu phải nhận những nụ hôn giao đãi, nụ hôn “đại đoàn kết”, không bằng tất cả thao thức, chờ đợi.
“Những cơn say chẳng thể nào giấu được / cơn tỉnh bàng hoàng dốc ngược vết đau”, “em” rất dễ rơi vào trầm cảm. Thế nhưng, “em hát khẽ cho riêng mình nghe…/đủ”. Đây là hai câu chân lý của nhận thức, triết lý của cuộc đời, ngay cả trong tình yêu. “Sống biết đủ” (lời Phật), biết đủ luôn là hạnh phúc. Người biết đủ là người giàu có và hạnh phúc nhất, đó là thông điệp của “người cũ”. Nếu trước đây, khi ngã lòng Phùng Quán biết vịn vào thơ đứng dậy, thì “em” đứng dậy, ngẫng cao đầu khi biết đủ.
“Phút bù giờ” (NXB Hội Nhà văn, quý 4/2021, gồm 36 bài thơ) được tách ra các phần theo chủ đề, như “Khâu múi giờ”, “Phố trôi”, “Ghi chép vụn vặt mùa COVID”, “Nước mắt xé trời”, “Lương tâm cô đơn”. Trong đề từ trước tập thơ, Minh Đan viết: “Đài cao chín tầng bắt đầu bằng một hòn đất/ Đường xa ngàn dặm bắt đầu bằng một bước chân/ Giấc mơ của tôi bắt đầu bằng câu thơ/ Viết từ dòng máu nóng”. Không có gì lạ, khi tập thơ mang đầy thân phận, sẻ chia thân phận. Hay nói cách khác, tập thơ từ một cực đến lưỡng cực, từ lưỡng cực trở về một cực.
Phần “Khâu múi nhớ” gồm 12 bài. Đây có thể được coi là những thi phẩm viết cho nỗi đau đàn bà, những người nhiều khi bị sự ruồng rẫy của may mắn trong một xã hội vẫn thờ phụng định kiến, bình đẳng giới chưa được giải phóng. “Mẹ đơn thân”, “Người cũ”, “Đêm vỡ”, “Em đàn bà không cần tình nhân”... là những bài thơ thơm nhân vị đau khổ.
Cùng với sự phát triển của xã hội, nền văn học hiện đại Việt Nam xuất hiện ngày càng nhiều nhà thơ nữ tài năng. Họ viết về giới họ, dần dần manh nha nên dòng văn học nữ quyền. Theo TS. Hồ Tiểu Ngọc, từ các hoạt động nữ quyền thuộc làn sóng thứ nhất, cuộc đấu tranh liên tục phát triển thành làn sóng thứ hai, thứ ba và tiếp tục cho đến tận ngày nay. Theo bà, cuộc đấu tranh này diễn ra đồng thời trên mọi lĩnh vực của đời sống, trong đó, văn học nghệ thuật là lĩnh vực có thành tựu và hiệu ứng đáng kể theo đặc trưng ngôn ngữ, hình tượng và tư tưởng thẩm mỹ, nhân văn riêng biệt.
Nhân vật “em” của Minh Đan từ hạnh phúc đến thất vọng; từ thất vọng đến đổ vỡ. “em người đàn bà không cần tình nhân” đến sự lựa chọn “sống với riêng em” là xác tín về sự khảng khái; xác tín lựa chọn hạnh phúc không giống như số đông.
đôi khi cần một mối quan hệ không rõ ràng, không giấy khai sinh
những đến, đi không tròn lời hẹn ước
không dối gian sau nụ hôn ràng buộc
xanh mãi một miền thơ
(Sống với riêng em)
bao lần khiêu vũ trong mưa
tự nâng bước mình qua ngày giông gió
thăng hoa với cô đơn
(Em đàn bà không cần tình nhân)
Ngoài đời Minh Đan là người đàn bà bé nhỏ, có đôi mắt vời vợi nhưng bên trong có một tâm hồn rộng lớn, trái tim đập nhịp nhân thế. “Ám ảnh tôi là cơn đói ùa về trên đôi môi khô khát của em, đôi mắt dại đi trong đêm mà thân tôi bất lực... Biết thế, nhưng sự sống vẫn phải tiếp diễn, gắn liền với mỗi số phận, đôi khi không có lựa chọn”, Minh Đan đề từ, trước khi bắt đầu phần “Phố trôi” – thơ tặng trẻ em đường phố.
“Cầm mưa/ nghĩ về đứa trẻ/ tiếng khóc thành sông, tiếng gào thành sấm/ lụt ở đáy lòng/ công viên chật một chỗ nằm/ em trải đời vui bên thảm cỏ/ sũng ướt nụ cười/ sũng ướt hy vọng/ sũng ướt vầng trăng mùa hạ/ sự ấm bỗng thành điều khao khát lớn” (Mưa). Hiện thực đời sống trong bài thơ này, rất dễ gặp nếu ai biết quan sát, để ý Sài Gòn những mùa mưa.
cầm mọi thứ trên đời
sợ hãi nhiều hơn khát vọng
tôi cầm lòng mình qua bão, sóng thần
bằng câu thơ lóng ngóng: “đời thật như chiêm bao”
(Mưa)
Chắc chắn, đó là “chiêm bao” ám ảnh. Nhà thơ bất lực, câu thơ trở nên “lóng ngóng”, tuy nhiên sự ám ảnh hiện thực tạo nên vẻ đẹp mỹ học trong cơn “mưa” đời. Biết đâu đến một ngày nào đó, ở các đô thị lớn không còn những người vô gia cư, những đứa trẻ buộc phải rời tổ ấm, ném mình vào mưa bão cuộc đời để kiếm sống? Đó là giấc mơ thánh thiện, sau giấc mơ ám ảnh, dễ bắt gặp, nhói lòng.
“Phút bù giờ” là tập thơ của một tác giả trẻ. Hẳn nhiên cách đọc phải trẻ. Các bài thơ trong tập đều thể tự do, phá cách về cấu, tứ... trong thời đại cảm xúc tích hợp. Minh Đan đã có nhiều cố gắng, trở về với “cái tôi” bản ngã để hiểu cuộc đời. “Thử thách tôi đi”, “Tôi ngã vào tôi”... là những bài thơ có tiếng vọng đa thanh.
“Lại một đêm không ngủ/ đêm dài trên những ngón tay” (Tôi ngã vào tôi). Người làm thơ luôn sống cùng cô đơn, sở hữu cô đơn, lấy cô đơn làm vẻ đẹp, hiển nhiên, mất ngủ luôn hiện diện trên tác phẩm.
Điều đau đớn nhất là
không còn nhận ra tiếng Người
giữa những thân quen
tôi buộc sự lặng thinh vào khung cửa nhỏ
ngắm thiên hạ múa cọ
màu tranh xấu hổ
(Ý niệm)
Trong “Phút bù giờ” có phần “Lương tâm cô đơn” gồm 6 bài. “Tôi cháy trên từng trang thơ, bằng trách nhiệm và lương tâm, bằng niềm tin chưa bao giờ ngơi nghỉ là nguyện mong những điều tốt đẹp, hạnh phúc nhất cho dân, cho đất nước”, Minh Đan viết. Tôi gọi đây là phần thơ “2 trong 1” vừa thế sự, vừa thân phận; vừa vĩnh cửu vừa hiện sinh ngay trong một tác phẩm như “Sông trôi”,“Phận người trên sông Pô Kô”,“Lời cầu cứu”...
Minh Đan từng ao ước: “ước mình là viên đá cuội/ thanh thản ngồi tĩnh lặng ngắm trời cao” (Thức tỉnh). Chắc nhiều người ao ước như chị? Nhưng không, “trời đày”, chị phải tiếp tục lên tiếng vì cái đẹp, trên những trang viết.
(Theo Thời báo Văn học Nghệ thuật – Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam)