TIN TỨC

Một nhà giáo mẫu mực, tâm huyết và nhân hậu…

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2022-12-02 11:01:24
mail facebook google pos stwis
770 lượt xem

TRẦN HOÀI ANH

Nói đến PGS.TS. Trần Hữu Tá, có lẽ mọi người dễ thống nhất trong danh xưng khi gọi ông là Thầy: Thầy Trần Hữu Tá, mặc dù Thầy vẫn có khá nhiều danh xưng, học vị, học hàm như: PGS. TS, Nhà giáo ưu tú, Nhà văn, Nhà lý luận phê bình… Nhưng trên hết và bao trùm tất cả tâm cảm và tâm thức của Thầy vẫn là tấm lòng nhân hậu, tâm huyết của một Nhà giáo khả ái và nhân cách mẫu mực của một con người đáng kính. Điều này đã trở thành cốt cách chi phối toàn bộ cảm hứng trong hành trình sống và sáng tạo của Thầy trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học, viết văn, viết báo, trong tư cách công dân cũng như trong cuộc sống đời thường.


PGS.TS - NGƯT Trần Hữu Tá

Đọc những gì thầy Trần Hữu Tá đã viết ta dễ nhận ra cái tâm của một nhà giáo và tấm lòng nhân hậu của một con người luôn nghĩ đến tha nhân chi phối rất lớn cảm xúc của Thầy. Vì vậy, đã trở thành thông lệ, hàng năm nhân ngày khai trường, ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), ngày tết Nguyên đán, trên báo Tuổi trẻ và một số tờ báo khác đều có bài viết của thầy về thực trạng của nền giáo dục nước nhà với một cái nhìn khách quan, tâm huyết và đầy trách nhiệm công dân của một người thầy suốt đời đã dấn thân, tận hiến cho sự nghiệp đào tạo thế hệ trẻ. Những bài báo ấy luôn thể hiện một tinh thần xây dựng nhằm hướng đến kiến tạo một nền giáo dục mang tính khai phóng, dân tộc, dân chủ và nhân văn. Thế nên, bên cạnh việc chỉ ra những thành tựu và hạn chế của nền giáo dục, các bài viết cũng nêu lên những khuyến nghị, những giải pháp đối với các cấp lãnh đạo, quản lý của nhà nước và quan chức ngành giáo dục mà theo chúng tôi nếu những người có trách nhiệm quản lý ngành giáo dục nước nhà có thái độ cầu thị, lắng nghe ý kiến của Thầy để điều chỉnh các chủ trương, chính sách của ngành giáo dục thì hiệu quả hoạt động của ngành giáo dục có lẽ sẽ tốt hơn!? Rất tiếc, những điều tâm huyết của Thầy Trần Hữu Tá và của biết bao nhiêu những nhà giáo tâm huyết khác đóng góp cho ngành giáo dục, hình như chẳng được các vị quan chức ngành giáo dục lắng nghe hay các vị đang quá bận rộn vì phải đầu tư công sức nghĩ ra các dự án và chạy theo việc thực thi các “dự án nghìn tỷ” nên không còn đâu thời gian để mắt đến các ý kiến đóng góp để kịp thời cải tiến, điều chỉnh các chủ trương chưa đúng, chưa phù hợp với thực tiễn, nhằm tạo sự phát triển bền vững cho nền giáo dục. Vì thế, đến nay ngành giáo dục nước nhà vẫn lẩn quẩn trong rối ren, không tìm đâu ra lối thoát.

Nhìn lại những bài viết của Thầy Trần Hữu Tá trên các báo ta thấy những điều Thầy quan tâm là những vấn đề bức xúc mang tính cấp thiết đối với ngành giáo dục. Đó là việc cần thay đổi chế độ tiền lương cho nhà giáo, việc chăm lo đời sống cho thầy cô giáo ở vùng sâu, vùng xa để họ đủ sống một cuộc sống bình thường mà tận tâm, tân lực cho nghề dạy học. Đó là ý kiến làm thế nào để có tiền thưởng cho nhà giáo ở các vùng sâu vùng xa nhân các ngày lễ tết để họ đỡ tủi thân khi có những cơ quan, doanh nghiệp thưởng cho nhân viên hàng triệu đồng trong ngày tết, thì những nhà giáo ở các vùng sâu vùng xa chỉ có năm, ba chục đồng, thậm chí có nơi không có tiền để thưởng được phản ánh trong những bài viết của thầy mà khi đọc những thông tin này, lòng ta không khỏi rưng rưng khi nghĩ về số phận thầy, cô giáo ở những nơi gian khổ ấy.

Ngoài những vấn đề về chế độ chính sách đối với đội ngũ giáo viên, qua các bài báo, Thầy còn hiến kế cho ngành giáo dục những vần đề liên quan đến chuyên môn như việc đào tạo đội ngủ giáo viên ở các trường sư phạm, việc tổ chức thi tốt nghiệp phổ thông, tuyển sinh đại học, việc cải tiến hoạt động quản lý và giảng dạy, việc đầu tư cơ sở vật chất cho nhà trường… Có thể nói, vấn đề nào trong những góp ý của Thầy đối với ngành giáo dục cũng chạm đến số phận con người. Vì thế, những bài viết đó dù là những bài báo nhưng không chỉ đơn thuần mang tính thông tin, thời sự mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện tấm lòng đầy tâm huyết của một nhà giáo dấn thân, kể cả khi Thầy đã từ giã phấn bảng để về an trí tuổi già. Nhưng với một nhà giáo có hơn nửa đời người gắn với mái trường sư phạm, từ Đại học Sư phạm Hà Nội đến Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh và một số trường đại học khác mà thầy tham gia giảng dạy với tư cách giảng viên thính giảng thì hình ảnh mái trường, học trò, thầy cô giáo đã trở thành nỗi ám ảnh trong vô thức và tâm linh của thầy để phóng chiếu thành những cảm hứng sáng tạo, kết tinh trên những bài viết về các vấn đề nóng bỏng của nền giáo dục mà cả đời thầy đã yêu, sống, gắn bó với nó như chính thầy đã chia sẻ với báo chí: “tính đến nay, tôi đã gắn bó với nghề giáo 58 năm, dù đã về hưu 10 năm nay nhưng tôi vẫn tham gia giảng dạy, hướng dẫn nghiên cứu sinh, nên có thể nói tôi vẫn chưa dứt được cái duyên nợ với giáo dục.”

Và, tấm lòng của Thầy Trần Hữu Tá đối với ngành giáo dục không chỉ dừng lại ở những bài báo góp ý đối với quốc sách của ngành mà còn thể hiền qua tập sách viết về chân dung 25 người thầy trong tác phẩm Từ bục giảng đển văn đàn, (Nxb. Trẻ, 2016) với những tên tuổi mà cuộc đời của họ là những tấm gương sáng của nền giáo dục nước nhà. Dưới ngòi bút của thầy, họ không chỉ là những nhà giáo mẫu mực mà còn là những nhà văn, nhà khoa học tài năng mà những đóng góp của họ là những hằng số văn hóa không thể phủ nhận “để góp phần tạo nền, chấn hưng giáo dục nước nhà” (1) như trong lời đầu sách mà tác giả đã chia sẻ. Đó là chân dung những nhà giáo khả kính như: Trương Vĩnh Ký, Dương Quảng Hàm, Đặng Thai Mai, Đào Duy Anh, Giản Chi, Nghiêm Toản, Nguyễn Văn Nguyễn, Nguyễn Lương Ngọc,, Trần Văn Giàu, Vũ Đình Hòe, Huỳnh Lý, Nguyễn Đổng Chi, Lê Trí Viễn, Hoàng Như Mai, Nguyễn Đình Đầu,Võ Hồng, Nguyễn Văn Xuân, Phạm Thế Ngũ, Thẩm Thệ Hà, Nguyễn Đăng Mạnh, Văn Tâm… Theo Thầy, họ là những “chân dung tinh thần của những người trí thức ưu tú”(2) mà nếu không có sự hiện hữu của họ, thiết nghĩ ngành giáo dục nước nhà sẽ có những khoảng trống không thể bù đắp. Đọc tập sách, vì thế, ta càng thấy cái tâm trong sáng và sự nhiệt huyết của thầy không chỉ đối với những người thầy khả kính, những đồng nghiệp của mình mà còn là một định hướng về lối sống, cách ứng xử văn hóa mang tính giáo huấn đối với những thế hệ học trò cũng là những người thầy đang còn đứng trên bục giảng khi nghĩ về những người thầy hay đồng nghiệp của mình.

Song, cách nhìn đời, cách sống của Thầy Trần Hữu Tá không chỉ thể hiện qua những trang viết của thầy như đã nói ở trên mà còn thể hiện qua việc làm cụ thể trong hành trình sống và hành trình làm một người Thầy với tư cách là một chứng nhân của ngành giáo dục. Là một nhà quản lý có nhiều năm làm Chủ nhiệm Khoa văn của một trường đại học lớn: Trường Đại học Sư Phạm Thành phố Hồ Chí Minh, thầy đã có những đóng góp quan trọng cho Khoa Văn nói riêng và cho sự phát triển của nhà trường nói chung. Vậy mà, sau khi nghỉ hưu, Thầy vẫn cùng GS. Hoàng Như Mai tham gia thành lập và xây dựng một trường trung học nổi tiếng lấy tên một nhà báo, một học giả tài năng mang tinh thần khai phóng: Trường Trương Vĩnh Ký, một trường trung học tư thục hàng đầu của Thành Phố Hồ Chí Minh mà việc tổ chức “lễ trưởng thành” cho học sinh lớp 12 ra trường đã để lại trong tâm thức của học sinh và phụ huynh những ấn tượng tốt đẹp khó phai mờ về một phương thức giáo dục lấy nhân tâm làm gốc. Đến nay, cách tổ chức này đã được nhiều trường trong và ngoài thành phố Hồ Chí Minh ứng dụng và thu được hiệu quả tốt trong việc giáo dục đạo đức cho học sinh về tấm lòng tri ân đối với những người đã có công dạy dỗ sinh thành và nuôi dưỡng mình. Trong tình hình đạo đức xã hội nói chung và nhà trường nói riêng đang có biểu hiện xuống cấp một cách trầm trọng thì những cách làm mang tính giáo dục và tính nhân bản sâu sắc như thế là những giá trị đắp bồi cho truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc đang có nguy cơ rạn vỡ. Rất tiếc, những nghĩa cử tốt đẹp này ở ngôi trường mà Thầy Trần Hữu Tá đã làm cũng chưa được các nhà chức trách của ngành giáo dục cổ xúy, biểu dương, nghiên cứu để nhân rộng ra trong toàn ngành xem như một giải pháp, một sáng kiến cần được ứng dụng trong việc đào tạo và giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ…

Không chỉ làm công tác giảng dạy, làm quản lý giáo dục, Thầy Trần Hữu Tá còn là một nhà khoa học nghiêm cẩn và có đóng góp nhiều về học thuật với những công trình mang tính khoa học cao như Từ điển văn học, 2 tập (đồng tác giả, Nxb. Khoa học Xã hội, 1984), Văn học Việt Nam 1945 -1975 (đồng tác giả, Nxb. Giáo dục, 1986); Nhà văn Vũ Trọng Phụng với chúng ta (Nxb. TP.HCM,1996); Nhìn lại một chặng đường văn học (Nxb. TP. HCM, 2000); Từ điển văn học bộ mới (đồng chủ biên, Nxb. Thế giới, 2004); Nguyễn Đổng Chi – học giả, nhà văn (đồng chủ biên, Nxb. Trẻ, 2015); Từ Văn đàn đến bục giảng (Nxb. Trẻ, 2016) cùng nhiều bài nghiên cứu phê bình đăng ở các báo tạp chí trên cả nước. Trong những tác phẩm đó, có thể nói công trình Một chặng đường văn học của Thầy đã góp một cái nhìn mới trong việc nhìn lại một cách thấu đáo về bộ phận văn học yêu nước, cách mạng ở đô thị miền Nam 1954 -1975 như trong lời nói đầu tác giả đã xác quyết: Công trình “muốn nhấn mạnh đến ý nghĩa của sự hình thành và phát triển của văn học yêu nước, cách mạng và khẳng định những đóng góp quan trọng của nó đối với cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước cũng như đối việc làm giàu cho nền văn học Việt Nam hiện đại.”(3) Vì vậy, đây cũng là công trình gợi mở cho một số luận văn, luận án về khuynh hướng văn học yêu nước trong lòng đô thị miền Nam sau này mà PGS.TS. Trần Hữu Tá là người trực tiếp hưỡng dẫn như: “Truyện ngắn trong dòng văn học yêu nước ở đô thị miền Nam 1954 -1965” của Phạm Thanh Hùng, Truyện ngắn trong khuynh hướng văn học yêu nước ở đô thị miền Nam1965 -1975 của Bùi Thanh Thảo… Ngoài ra, thầy cũng là một trong những giảng viên hướng dẫn thành công nhiều học viên cao học, nghiên cứu sinh làm luận văn, luận án với đề tài nghiên cứu khá phong phú trong nhiều lĩnh vực của đời sống văn học mà nay họ đã trở thành những nhà khoa học, những nhà quản lý có những đóng góp nhất định cho ngành giáo dục nước nhà như PGS TS. Nguyễn Thành Thi, Trưởng khoa Ngữ Văn Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh; Nhà báo, Nhà nghiên cứu văn học Vu Gia, TS. Bùi Bích Hạnh, Trưởng Khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng; TS. Bùi Thanh Thảo, Giảng viên Đại học Cần Thơ; TS. Phạm Thanh Hùng, Giảng viên Đại học An Giang…

Không chỉ nghiên cứu và giảng dạy ở đại học, Thầy Trần Hữu Tá còn quan tâm đến giáo dục phổ thông, một môi trường giáo dục luôn gắn bó máu thịt với ngành sư phạm không chỉ qua việc Thầy tham gia quản lý ở một trường phổ thông như đã nói ở trên mà Thầy còn tham gia sáng lập ra Hội Nghiên cứu Giảng dạy Văn học TP HCM mà hiện nay thầy đang là Chủ tịch hội. Đây cũng là hội nghề nghiêp có một tạp chí phục vụ việc nghiên cứu giảng dạy với những công trình có chất lượng khoa học đã được những người trong nghề đánh giá cao trong lĩnh vực nghiên cứu văn học. Ngoài ra, thầy đã từng là chủ biên sách giáo khoa văn học lớp 11, đồng chủ biên SGK văn học lớp 12 (1988 -2005) được chọn dạy trong nhà trường mà đến nay cũng là tài liệu cần thiết cho giáo viên trung học phổ thông tham khảo, nghiên cứu để giảng dạy…

Riêng tôi, người viết bài này chưa bao giờ học Thầy và lại gặp được Thầy khá muộn khi tuổi đời không còn trẻ. Nhưng qua một số lần được tiếp xúc, được trò chuyện, được làm việc với Thầy trong những hoạt động chuyên môn như tham gia hội thảo khoa học, tham gia hội đồng bảo vệ luận văn thạc sĩ, luận án tiên sĩ và đọc những công trình nghiên cứu của Thầy cũng cảm nhận được những cống hiến đáng trân quí của Thầy trong nghiên cứu và giảng dạy văn học cũng như nhân cách sống cao đẹp của Thầy. Và tất nhiên từ những hoạt động khoa học và những công trình này của Thầy, tôi cũng học được rất nhiều điều. Đó là tinh thần nghiêm cẩn, đúng mực, khách quan, vô tư, dấn thân trong nghiên cứu khoa học mà đặc biệt hơn cả là tinh thần cầu thị hướng đến cái mới, cái hiện đại chống lại sự bảo thủ, trì trệ, lạc hậu với một bản lĩnh đáng kính của một nhà khoa học chân chính không chạy theo tiền tài, danh lợi và những thứ hư danh mà vì nó không ít người đã bẻ cong ngòi bút để tụng ca những điều vốn xa lạ với cuộc sống, với khát vọng của nhân dân, với phẩm tính của một trí thức, của một nhà khoa học chân chính theo tinh thần “Quốc gia hung vong, thất phu hữu trách”. Thầy Trần Hữu Tá đã sống và hành xử đúng với danh xưng của một kẻ sĩ Bắc Hà, nơi Thầy đã sinh ra, lớn lên và từ đó từng bước trưởng thành… Giữ được những điều ấy trong một xã hội vốn còn quá nhiều những điều nhiễu nhương, nhố nhăng, kệch cỡm như hiện nay, thiết nghĩ cũng là một nhân cách sống đáng kính mà nếu không có tấm lòng nhân hậu của một con người chân chính và sự nhiệt tâm của một nhà giáo thì không dễ gì vượt qua những cám dỗ của lợi danh để sống an nhiên và thanh bần như thế. Và như vây, Thầy Trần Hữu Tá xứng đáng nhận được sự tri ân và tôn vinh của các thế hệ học trò cũng như sự quí trọng của xã hội về một nhà giáo tâm huyết, mẫu mực, một con người có tấm lòng nhân hậu đáng kính như chính Thầy đã xác quyết trong tác phẩm Từ bục giảng đến Văn đàn: “Đúng là tất cả đã qua hoặc sẽ qua. Nhiều thứ sẽ qua nhanh, nhưng còn tình yêu, tấm lòng tri kỷ tri âm dành cho nhau, cũng như những đóng góp xuất sắc của người cầm bút cho nền văn học dân tộc thì chắc sẽ còn đọng lại, bền lâu với thời gian.” (4)

Nhân cách PGSTS. Trần Hữu Tá cùng với sự nghiệp giảng dạy và nghiên cứu văn học của Thầy chắc chắn sẽ tỏa sáng và sống lâu bền với thời gian, với nền giáo dục, nền văn học nước nhà cũng như trong lòng các thế hệ học trò và đồng nghiệp…
 

Xóm Đình An Nhơn Gò Vấp ngày 9/12/2016

Chú thích:

(2) (3) (4) Trần Hữu Tá, Từ bục giảng đến Văn đàn, Nxb. Trẻ, 2016, tr. 6, tr.6, tr.6, tr.292.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Gừng càng già càng cay
Nhà thơ Ngô Xuân Hội viết về nhà thơ Nguyễn Tùng Linh
Xem thêm
Nhà lý luận phê bình Trần Hoài Anh và sự dấn thân với ‘di sản văn học miền Nam’
Đây là Chuyên luận với nhiều trữ lượng thông tin quý và bổ ích về di sản văn học miền Nam 1954 -1975, với độ dày gần 600 trang. Tập sách được đầu tư, nghiên cứu kỹ lưỡng, nghiêm cẩn, khai mở nhiều thông tin hay và có giá trị.
Xem thêm
Thi ca điểm hẹn: Nguyên Hùng ký họa thơ và nhạc
Chương trình của VOH, Đài tiếng nói Nhân dân TP. Hồ Chí Minh
Xem thêm
Lâm Xuân Thi và những vần thơ mang nhiều nỗi niềm suy tư, trắc ẩn!
Bài viết của nhà văn nhà phê bình Nguyễn Văn Hòa
Xem thêm
Phạm Phương Lan và những câu thơ Nút ra từ đá
| “Nứt ra từ đá” (thơ song ngữ Việt - Anh, NXB Hội Nhà văn 8/2024) là tập thơ thứ bảy của nhà thơ Phạm Phương Lan (SN 1973, quê Hà Tĩnh; Hội viên Hội Nhà văn TPHCM). Trước đó, từ năm 2008, độc giả biết đến chị qua những tập thơ như: “Không là gió mây”, “Góc trọ hồn người”, “Khâu tình”, “Mật ngữ em” v.v... và một số ca khúc được phổ nhạc từ thơ của chị...
Xem thêm
Dấn thân vào con đường văn chương
Ở tuổi 80, nhà thơ Trần Nhuận Minh sáng tác và xuất bản sách nhiều hơn bất kỳ thời điểm nào trong cuộc đời ông.
Xem thêm
Nhà văn Xuân Phượng đi và đến...
Bài viết của nhà thơ Văn Công Hùng trên Người đưa tin
Xem thêm
Phùng Quán – Người đặc biệt nhà số 4
Đối với anh em Văn nghệ Quân đội, nhà thơ Phùng Quán là một trường hợp rất đặc biệt.
Xem thêm