TIN TỨC

Một tình thơ đằm thắm

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2022-10-30 09:04:00
mail facebook google pos stwis
1043 lượt xem

PHẠM VÂN ANH

Nếu dùng một câu để nhận xét về nhà thơ Trần Thị Nương, với tôi có lẽ không gì xác đáng hơn khi nói chị là một nữ thi sỹ đôn hậu với hồn thơ nhạy cảm, tràn ngập tình yêu cuộc sống.

Gần chị, có cảm giác lúc nào cũng được cộng hưởng sự nhiệt thành, thấu cảm của một người mẹ, một người chị trong một nhà giáo, nhà báo, nhà thơ đã qua biết bao thăng trầm của cuộc sống cùng những trải nghiệm bằng ngôn ngữ thi ca mà không phải ai cũng có được. Nên khi cầm trên tay tuyển thơ chọn lọc có tựa đề rất gợi là “Men lửa” của chị, tôi hoàn toàn đắm mình trong dòng thi cảm cuộn chảy chưa từng ngơi nghỉ suốt trên 50 năm đam mê với nghề cầm bút. Trên 700 bài thơ ở nhiều đề tài, thể loại khác nhau song điểm chung là tình cảm chân phương, sâu sắc, giản dị mà lắng đọng, không quá cầu kỳ về hình thức, cách tân nhưng lại đạt được sự rung cảm bởi được viết từ tài hoa và tình yêu văn chương đích thực của tác giả.

Tôi đã thực sự bất ngờ khi chứng kiến “gia tài văn chương” khá đồ sộ của chị với 16 tập thơ và 1 tập bút ký. Với những cái tên chị đặt cũng rất gợi như “Đừng đánh mất, Cánh buồm ngọn gió, Giếng khát, Tiếng gọi từ trăng núi, Bão không mùa, Sóng khát, Trầu thơm cau đắng, Biển không bao giờ lẻ, Hương mạy may…”. Điều đó cho thấy nữ thi sĩ với thiên chức sáng tạo của mình đã dành nhiều thời gian để làm việc một cách nghiêm cẩn và tận hiến. Như Giáo sư Hà Minh Đức đã viết trong cuốn “Thơ và mấy vấn đề trong thơ Việt Nam hiện đại” như sau: “Thơ ca chân chính luôn là tiếng nói yêu thương, là lời ca chiến đấu, giàu ước mơ và khát vọng, có thể nói các tác phẩm của Trần Thị Nương đều hướng tới những giá trị nhân bản của cuộc sống, của con người. Hẳn là vì thế mà các tập thơ của chị đều có sức thuyết phục. Chị đã đạt 14 giải thưởng Văn học Nghệ thuật ở Trung ương và địa phương.

Một yếu tố then chốt góp phần gây tác động đến người đọc là ngữ âm và nhịp điệu, sự hàm xúc và tính triết lý nhân sinh trong thơ Trần Thị Nương dù chị ít khi sử dụng thủ pháp “lạ hóa” trong văn bản thơ của mình. Nhiều tác phẩm giàu liên tưởng dân gian, có chứa nhiều điển tích, phương ngữ độc đáo. Vì thế mà làm cho sự cảm thụ thơ chị trở nên gần gũi với bạn đọc. Dù có sở trường về thơ lục bát song chị cũng không ngại “thay áo mới cho thơ” với nhiều thể nghiệm khác nhau. Cách nhấn nhá, xuống dòng thơ hay luyến láy vần điệu ở hầu hết các bài thơ đều nhằm mục đích tạo nên tứ thơ, hình tượng thơ mà chị hướng đến. Từ các chi tiết, câu chuyện, thông điệp gửi gắm trong mỗi bài thơ đều được chị thái nghén qua độ chín của cảm xúc, qua sự lĩnh hội của lý trí và rồi thể hiện qua thơ bằng thứ ngôn ngữ thơ chắt lọc. Đọc những bài thơ chị viết về miền núi, biên giới, về vùng trung du Bắc Bộ hay quê hương Phú Thọ của chị, từ trang giấy với những con chữ được cấu tứ thanh nhẹ, không gồng mình khoe chữ hoặc rối rắm thủ pháp, có thể nhắm mặt và cảm nhận về những miền đất sóng sánh thơm như tảng mật ong rừng.

Tôi thực sự thích thú khi đọc thơ chị theo vệt đề tài và theo hướng liên văn bản, nghĩa là khi đọc tự mình có tư duy kết nối thi tứ của nhiều tác phẩm. Đơn cử như khi đọc Hồn làng, Trầu biếc, Giếng chùa, Ở phía bên này, Mưa rơi miền Đất Tổ, Tình anh – cao nguyên, Ngườm ngao, Bên sông Kỳ cùng, Về Tây Nguyên, Gọi mãi Điện Biên, Tìm em giữa hội xòe, Nhịp đập thảo nguyên… theo hướng tiếp cận này, tôi dường như thấy trong thơ chị hiển hiện mạch đập của cuộc sống đó là: người dân hối hả trên nương, dưới ruộng cho kịp mùa gặt rộ, le lói bóng áo hoa đỏ rực, áo xanh đằm thắm. Những trảng lúa vàng, những vạt bắp sữa hòa trong sắc xanh của núi rừng phủ kín đồng bãi hay những dòng sông, dáng núi bao bọc cuộc sống và tâm hồn của dân tộc Việt. Có lẽ chính nhờ thế, tôi nhận ra rằng, chị đã rất thành công khi cho ta sức gợi những hình dung về một bình địa lắng sâu trầm tích văn hóa bản địa của đất Tổ nhưng đầy khoáng đạt với sắc thái sơn cước cửa ngõ biên khu hoài chứa trong mình trùng trùng trầm tích.

Trong miền ký ức của chị, ta dễ dàng đồng cảm với “Quê tôi nặng tình nặng nghĩa/ trong từng lá cỏ non tươi” hay cùng chị đau đáu nhớ về quê hương, nguồn cội. “Có phải anh là núi Tản/ Mùa qua vết cắt nảy mầm/ Yêu em hóa thành đàn đá/ Một đời thăm thẳm vang ngân” (Núi nhớ).  Trong chị, những sự vật, hiện tượng rất đỗi thường nhật cũng được thơ hóa một cách dung dị nhưng có sức cộng hưởng đến người đọc. Đơn cử như tiếng điếu cày và hương thuốc lào cũng đã trở nên thật khác biệt qua câu thơ của chị: “Từ khi về thành phố mới/ Rưng rưng nghe tiếng điếu cày/ Ai kéo núi non gần lại/ Tình người thêm đượm thêm say/…/Bâng khuâng điếu cày ai hút/ Chạm vào tôi mối tình quê” (Tiếng điều cày). Chị có những câu thơ ấn tượng về đề tài này như “Hun hút đồng xưa đâu dáng núi/ Hăm hở gió sương giục trâu cày/Bão lũ trớ trêu… oằn vai mẹ/ Hồn làng vời vợi cánh con bay(Hồn làng).

Là một phụ nữ đôn hậu, nên Trần Thị Nương luôn dành những tình cảm nồng ấm cho mọi mối quan hệ mà chị gọi đó là “duyên đời” ban tặng. Dù là bạn bè, đồng nghiệp, gia đình hay tình yêu nam nữ, chị hết thảy đều trân trọng và lặng lẽ vun đắp. Vì thế, hoàn toàn dễ hiểu khi thơ tình là mảng đề tài chiếm tỷ lệ lớn trong các sáng tác của chị, biểu lộ một tâm hồn mãnh liệt, một con tim đắm say và một tinh thần đầy lạc quan. Yêu đến độ: “Trái tim em tù trong nỗi nhớ/ Muối không vò xót tận trong tâm” hay “Nếu phải lặn xuống biển/ Nếu phải bay lên trời/ Người qua cơn hoạn nạn/ Tôi sẵn lòng quên tôi” và sẵn sàng “Nếu được chết/ Để đời anh hết khổ/ Xin trời/ Em được chết anh ơi!” và “Tháng năm dù sụt lở/ Mình vẫn hồi sinh nhau” … khiến những người trẻ, có tư duy khá “thoáng” như tôi cũng phải giật mình.

Trong thơ chị giầu lòng nhân ái, bởi chị đã xác tín được: “Niềm tin như nắng mai/ Ngời ngời trên mặt đất/ Cuộc đời thi vị nhất/ Khi chúng mình tin nhau!” (Niềm tin) và “Núi nặng tình sông/ hạt nhớ tích hương/ người thương tích đức/ Duyên kỳ ngộ/ nằm mơ chẳng được/ cái nhìn đầu tiên rất lạ trong đời” (Mặt trời xanh). Chị khẳng định “Không có con đường nào không có lối đi/ Không có đại dương nào không dễ vượt/ Đêm giá lạnh ngàn lần vẫn là đêm không lạnh/ Tin yêu thành lửa thắp trong nhau” (Cất sóng). Tin vào những điều lành, tin vào sự bền bỉ của yêu thương sẽ có xoa dịu mọi đau thương, buồn nản, vượt lên mọi chướng ngại vật giữa đời thường: “Trên bức tường mảnh chai/ Dây bầu xanh than thản…/ Mảnh vỡ sinh ra từ vỏ nào rỗng tuếch?/ Dây bầu sinh ra từ đất mẹ xửa xưa…/ Mảnh chai nhọn hoắt. Hoa cười hồn nhiên/ Đom đóm bay qua bức tường mảnh chai/ Gặp dây bầu bật lên thành đốm lửa/ Đàn chim bay qua bức tường mảnh chai/ Gặp dây bầu hát lên thành cung bậc/ Mặt trời đi qua bức tường mảnh chai trổ những nụ trắng ngần hóa thành dây ánh sáng…/ Trên bức tường mảnh chai cứa vào không gian/ Dây bầu ung dung trĩu quả…” (Trên bức tường mảnh chai).

Và còn đó cả những câu thơ dịu nhẹ như ban mai khiến trái tim tôi mềm lại. Bởi chị luôn tôn thờ tình yêu bằng những nỗi niềm thanh khiết nên thơ của chị cũng vì thế mà đầy tinh tế: “Ngày anh sang nắng vô tình dát ngọc/ Chiếc mũ người cầm hay lá sen thơm/…/Có phải tình yêu là ngọn đuốc/ Cháy tận cùng trong mắt người yêu” (Thiên thần tình yêu) và “Bao nhiêu khuyết để một rằm/ Dư ba ghềnh thác nghìn năm một ngày” (Lặng nghe). Niềm yêu trong chị rất thực và rất thơ: “Khát nhau như khát nước lành/ Mà vờ trốn chạy vòng quanh cả đời/ Sương sa thấm bạc kiếp người/ Vài giây phút đợi mấy đời chờ mong” (Nhật thực). “Bóng hình ai cất ngăn riêng/ Mà con tim thức đập nghiêng chợ tình”(Lời yêu chưa tròn). Là người từng ruổi rong khắp mọi miền biên viễn, tôi vô cùng thú vị trước phát hiện của chị: “Núi mềm như lụa nghiêng câu hát/ Đậu xuống vành môi thuở dại khờ/… Núi cười ngà ngọc xanh mùa bắp/ Rút ruột đại ngàn quên nắng mưa”.

Người đàn bà làm thơ ấy có những câu thơ như rỉ máu nhưng cũng đầy bản ngã và nghị lực phi thường: “Anh đừng “chém” em mà nhức rễ vàng cành/ Em có phải là cây đâu để đem về làm củi/ Anh đừng “vạc’” em như trúc rừng nhiệt đới/ Em có rỗng đâu mà làm sáo trưa hè/ Em chỉ là hạt cát dưới lòng khe/ Trôi từ núi qua đường mỏm thác/ Hạt cát âm thầm bên vồng khoai luống mật/ Sống cùng cỏ rơm nghe lúa trổ đóng đòng/ Em chỉ là hạt cát quãng đường cong/ Giáp vịnh rồi nên bờ em phải thế…/ Hạt cát em hóa thân trên chảo lửa/ Ngô nổ rồi… Em vẫn cát mà anh…” (Em vẫn cát mà anh). Và cũng có khi thuần hậu, đầy tận hiến trong men tình: “Em khoan đá gọi mạch trong/ Anh men núi thẳm hứng long lanh giời/ Thoáng buồn anh thoắt tìm vui/ Em tâm giao với đất trời dịu êm/ Đau anh – nén khúc đàn đêm/ Đau em – Nhỏ máu chữ miền nhân gian…” (Cung bậc).

Không chỉ có thế mạnh ở đề tài tình yêu, dọc qua hàng trăm tác phẩm của Trần Thị Nương, mới thấy phẩm giá nhà thơ – công dân của chị cũng rất đáng trân trọng. Trong “Biên độ của trí tưởng tượng”, nhà phê bình Đông La khẳng định “Thơ ca không chỉ tạo nên sự xúc động, sự khoái cảm, sự tâm đắc mà còn gợi lên những suy tư, trăn trở, ý thức trách nhiệm lớn lao đối với đồng loại”. Ta có thể nhận rõ điều này qua nhiều thi phẩm của chị như: “Chớp thời gian như thực như mơ/ Dấu vết Liễu Thăng/ Còn nguyên ải Bắc…/ Sông cuộn sống/ Trào dâng thời đánh giặc/ Nuôi niềm tin/ Ngút ngát đôi bờ..” (Bên sông Kỳ Cùng) hay “Đất nước ơi!/ Con yêu Người như Mẹ/ Xích lại những khoảng đời/ Từng tích tắc xuân sang” (Mắt lá). Chị tri ân và đồng cảm với những người dấn thân vì độc lập, tự do và bình yên cho Tổ quốc: “Tâm nhang quặn trước mộ Người/ Rưng rưng nghĩa Nước – mạch đời mang theo/ Biển trời linh thẳm… dương reo/ Lê-ki-ma nở ngát chiều thời gian” (Chị Sáu)“Mai đi giữ miền biên giới/ Đem theo biển thẳm lên ngàn/ Có trái tim người đỉnh núi/ Đêm ngày gọi mãi Nha Trang” (Gọi mãi Nha Trang)

Chậm rãi đọc và cảm nhận tình thơ, hồn thơ Trần Thị Nương qua bút pháp đầy biểu cảm và gửi gắm tình yêu cuộc sống của chị, tôi dường như được tỉnh thức về nhiều vấn đề trong cuộc sống cũng như sứ mệnh của người viết. Cái “dây bầu” Trần Thị Nương chính là một “dây ánh sáng” mở lối cho chị trên con đường văn chương đầy nhọc nhằn và đòi hỏi sự trăn trở sáng tạo không ngừng. Dường như nhận thức rất rõ điều ấy, Trần Thị Nương tâm niệm “Đời trao ta làm  Chức Người cao quí. Ta trao đời lẽ sống, niềm tin. Thứ lộc vàng biết trao và biết nhận… Thanh thoát diệu kỳ giữa cung bậc mùa Đông”. Sức mạnh nội tâm và khát vọng hiến dâng cho tình yêu, cho cái đẹp và thơ ca đã giúp chị “Tháng năm gieo chữ âm thầm/ Li ti… nuôi cả mạch ngầm đất đai (Có một cánh đồng) dù cũng có lúc băn khoăn “Rừng bao cây gọi rừng thưa/ Giấy bao nhiêu chữ cho vừa nhân gian?” (Cầu vồng sau mưa).

“Men lửa” – Tập thơ chọn lọc trong đời người cầm bút. Đọc và ngẫm, ta gặp nữ sỹ Trần Thị Nương, gặp đời trong thơ – một tình yêu nồng nàn như thế.

(Rút từ phần II - Những bài viết về thơ Trần Thị Nương trong tập Men lửa).

 

Bài viết liên quan

Xem thêm
Lục bát thiền trong miền đồng điệu và đồng cảm thi ca
Lục bát thiền là nét đặc trưng cơ bản được tác giả Trần Lê Khánh chắt chiu thể hiện qua tập thơ ‘Đồng’ do Nhà xuất bản Văn Học ấn hành.
Xem thêm
Hành trình trở về trong chùm thơ Phạm Thanh Bình
Những ngày cuối năm, khi mùi Tết đã phảng phất đâu đó, tôi bỗng nhận được chùm lục bát của nhà thơ Phạm Thanh Bình ở thành phố Hồ Chí Minh gửi tặng. Thật lạ, giữa thành phố ồn ào náo nhiệt vậy mà từng câu thơ lục bát vẫn trong trẻo chân quê. Bao hình ảnh về cảnh quê, Tết quê dường như cứ thao thiết chảy trong dòng cảm xúc thương nhớ của nhà thơ. Tôi cũng là người xa xứ cùng thế hệ với tác giả nên đọc thơ mà cảm thấy lòng mình cứ nao nao nỗi nhớ cố hương.
Xem thêm
Nguyễn Bình Phương, nhà thơ chơi chữ họa lên tương phản thực hư của hiện thực huyền ảo
Thơ Nguyễn Bình Phương không dễ đọc. Sáng tác của ông không hướng tới công chúng xã hội mặc định thường giới, mà cho một tầng tinh anh chỉ định, dù thơ ông chính là trữ tình tự sự, câu nào cũng dựng hình ảnh biểu tượng.
Xem thêm
Từ một trang văn Trang Thế Hy
“Tiếng sấm Đồng Khởi” Bến Tre (1960) âm vang dai dẳng dồn dập nhiều năm khiến chế độ cộng hòa đương thời còn chịu sự tác động ngoại lai phải kinh hoàng lo sợ, tiếp tục bắt lính khắp nơi để tăng quân, không chừa cả sinh viên, giáo viên ở các trường học. Năm 1963, bị gọi đi trình diện học sĩ trù bị, tôi âm thầm trốn học trò và hiệu trưởng, rời bỏ Trường Trung học Long Mỹ - Cần Thơ (nay thuộc tỉnh Hậu Giang) - một huyện lỵ xa, lánh về Cần Thơ xin dạy Việt văn tại Trung học Tư thục Thủ Khoa Huân tại đường Thủ Khoa Huân (Cần Thơ) của ông Trần Đình Thân. Tình cờ, không, phải nói là may mắn, tôi được gặp một bài văn của Trang Thế Hy mà không rõ vì lý do nào, soạn giả lại không ghi xuất xứ. Đoạn văn được nhà văn, nhà giáo yêu nước Thẩm Thệ Hà (1) biên soạn, đưa vào quyển Giảng văn lớp Đệ Lục (nay là lớp 7) do nhà xuất bản Sống Mới ấn hành năm 1962. Nhan đề bài giảng văn là “Con người quả cảm”.
Xem thêm
“Bình yên từ phía quê nhà” của Nguyễn Văn Hòa
Cầm cuốn tản văn nho nhỏ trên tay: “Bình yên từ phía quê nhà”, giữa chốn nhộn nhịp của đất Sài Gòn, mà trong lòng tôi cảm thấy có một điều gì đó rất đỗi là chân quê, rất đỗi là an yên trong tâm hồn của một con người, khi bản thân chúng ta luôn quay cuồng với những tất bất hơn thua, cố gắng, lăn lộn ngoài đời sống, để đi tìm những giá trị vật chất hay tinh thần nhằm thỏa mãn những ham muốn khát vọng ở đời thường, thì khi đọc bình yên từ phía quê nhà, chúng ta dường như, hoặc đã có trong tay liều thuốc cho sự tự chữa lành, cho việc quân bình, cân bằng lại trong cuộc sống.
Xem thêm
Có một buổi chiều như thế!
Đọc bài thơ “Thơ viết chiều cuối năm” của tác giả Ngô Minh Oanh
Xem thêm
Nhà thơ Quang Chuyền - nhìn trời thấy hiện dòng sông
Bài đăng Tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh số 157, ngày 2/1/2025
Xem thêm
Một bông hoa lặng lẽ thiền trên cát bỏng
Bài viết của Khuất Bình Nguyên về thơ Mai Quỳnh Nam đăng trên báo Văn nghệ.
Xem thêm
‘Mùa xuân’ trong thơ Trần Ngọc Phượng
Bài viết của nhà văn Nguyễn Văn Hòa
Xem thêm
“Hoa cho tình yêu” kết quả “ngọt lành”
Về tiểu thuyết “Hoa cho tình yêu” của Nhà văn Hoàng Phương Nhâm, tác phẩm được trao giải thưởng của TPHCM...
Xem thêm
Những ngón tay mải miết lần tìm mạch sống
Cảm tập thơ “Năm ngón chưa đặt tên” của nhà thơ Đinh Nho Tuấn
Xem thêm
Tôn thờ mảnh hồn quê thô mộc mà thiêng liêng trong Vẽ nhớ”
Thanh thoát, nhẹ nhàng, trầm tư, ưu nhã nhưng nhiều nỗi bồn chồn: Nỗi bồn chồn mang tên Thanh Hoàng. Tâm sự lòng riêng của một hồn thơ chọn vị trí kẻ làm con để tạo tác cái đẹp nén đau
Xem thêm
Anh Đức: Nhà văn - chiến sĩ tiêu biểu của nền văn nghệ cách mạng miền Nam
Tham luận của PGS-TS Võ Văn Nhơn đăng Tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, số 156, ngày 26/12/2024.
Xem thêm
Anh Đức, cuộc sống và quan niệm sáng tác
Bài viết của nhà phê bình Bùi Công Thuấn
Xem thêm
“Minh Châu tỏa sáng” với nhiều góc nhìn
Bài của nhà văn Lê Thanh Huệ về truyện ngắn “Minh Châu tỏa sáng” của Nguyễn Trường
Xem thêm