TIN TỨC

Một cây bút trưởng thành từ sau ngày kết thúc chiến tranh

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2021-10-17 05:36:48
mail facebook google pos stwis
1527 lượt xem

LÊ THÀNH NGHỊ

Trong số những nhà thơ nữ tôi đã được đọc, Đinh Thị Thu Vân để lại ấn tượng khó quên. Đọc chị khá nhiều, nhưng gặp chị lại rất ít. Hầu như tôi không biết gì về con người ngoài đời của chị. Chỉ thoáng gặp một lần chỗ đông người giữa một ngày rét đông Hà Nội cuối năm 2018. Thiếu phụ như cây trúc mảnh mai, lạ lẫm trong làn áo ấm mà tôi đoán lâu lắm chị mới đem ra dùng khi đụng cái rét miền Bắc. Giọng nói nhỏ nhẹ, thận trọng mà cởi mở, nét nhân từ hiện trên gương mặt hơi buồn. Hiển nhiên, mới gặp “một thoáng” thì những gì sâu kín là không thể biết.

Nhà thơ Đinh Thị Thu Vân

Nhưng với nhà thơ, nếu muốn, cũng có thể có những con đường để tìm hiểu thế giới nội tâm sâu kín của họ. Vì thơ là “biên bản của tâm hồn”, nhật ký của cảm xúc, tự sự của trái tim, diễn ngôn của xúc động… Những ký thác trong thơ trữ tình phần lớn là “lời tự thú với bản thân” của nhân vật trữ tình. Người thơ phong vận như thơ ấy (HMT). Và đấy chính là tín hiệu, là chìa khóa, là “mã vạch” để thiết lập “giao diện”, như thể mở lối vào một “vuông vườn không bao giờ đóng kín” trên mỗi trang viết. Tôi chọn góc độ này để tiếp cận thơ Đinh Thị Thu Vân.

Đinh Thị Thu Vân là nhà thơ trữ tình giàu cảm xúc, rất nữ tính. “Vuông vườn” thơ chị chủ yếu biểu hiện nội cảm, tình cảm từ bên trong của tâm hồn chị: tinh tế và lãng mạn, khát khao và ước vọng, xót xa và khắc khoải…của chị. Nói chủ yếu là vì rất ít trong thơ chị những trang “miêu tả hiện thực”, vắng hẳn chuyện “thế sự đời thường” cơm áo gạo tiền, không thấy những biến cố, sự kiện “thời sự”, ít khi bắt gặp những rắc rối trần thế ngoài câu chuyện duyên phận. Hướng nội toàn tâm làm cõi nhân gian trở nên khép kín, trong khi cõi nhân duyên trong tâm hồn mở hết biên độ. Đó là thế mạnh và cũng là điểm yếu của thơ Đinh Thị Thu Vân.

Có thể hình dung Đinh Thị Thu Vân là “người đàn bà yêu”. Ấn tượng về cái vẻ bên ngoài “e lệ” trong cảm nhận thoáng qua của những ai mới gặp chị, sẽ vỡ vụn nếu đọc thơ chị. Thì ra, trong cây trúc mảnh mai kia đã chất chứa bão tố:

em trôi về hướng gió

em trôi về hướng mây

em trôi về hướng nhớ

yêu như chưa bao giò

…yêu như là cạn sức

yêu như là cạn tim

yêu như là cạn máu

không còn lần yêu thêm

(Mang nỗi buồn tay trắng)

Dù “trôi về hướng nhớ” nhưng không đơn giản chỉ là thương nhớ: Sao có thể chỉ gọi là thương nhớ /nỗi tương tư tiền kiếp mãi sôi trào (Em không thể cam lòng trôi nổi), Chẳng phải yêu đâu – là em đang cạn máu /đang khát đến tận cùng, đang cháy đến tàn hơi…/em đốt đời em lần cuối (Em không thể cam lòng trôi nổi)…Ngôn từ căng hết biên độ “tiền kiếp”, “sôi trào”, và trên kia “cạn sức”, “cạn tim”, “cạn máu”, biện giải rất quyết liệt “sao có thể”, khát vọng cao đến đỉnh “tận cùng”, “tàn hơi”, “lần cuối”…cho thấy chị đã yêu như thể là lần cuối:

em không phải là người có thể

vừa quay lưng đã vội vã quên rôi…

em làm cát, em làm bùn, em xin làm đất vụn

lấp cho đầy hoang rỗng lòng anh

(Nhật ký).

yêu cạn trắng sông xanh và biển biếc

yêu như chỉ còn hôm nay, ngày mai đã là chết

(Dành cho em đôi phút lắng lòng đi).

Đây chính là phẩm giá của người phụ nữ: không dễ dàng để có tình yêu, và một khi đã yêu thì không dễ dàng vừa quay lưng đã vội vã quên rồi, không phải là phút xao lòng thoáng qua, không phải “lời yêu mỏng mảnh như màu khói” (Xuân Quỳnh) mà là “một lời như thể lưỡi cưa” (Hữu Thỉnh), một quyết định dứt khoát và quả quyết, không mang tính nhị nguyên, nước đôi. Tình yêu trong thơ Đinh Thị Thu Vân mãnh liệt, cao cả, tan chảy, đầy đức hy sinh: em làm cát, em làm bùn…, làm đất vụn. Đâu đây, triết lý một thời của “Ông hoàng thơ tình” họ Ngô quê Trảo Nha Hà Tĩnh: Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối (Xuân Diệu) lại tìm được mảnh đất màu mỡ để thêm lần nữa mọc lên “xanh biếc cây đời” trong tâm hồn một nữ nhà thơ thời hiện đại.

Nhưng nói thế cũng chỉ là câu chuyện chữ nghĩa thôi, với chị đâu phải là mơ ước hão huyền. Như bao thiếu phụ khác, một vòng tay thiết thực, một bờ vai tin cậy, một cánh cửa chờ đợi mỗi khi đi xa về, nghĩa là những hiện thân của hai chữ “bình yên”, với chị thế là đủ: Vai anh rộng để em thèm bé nhỏ /mơ một ngày yên ngủ giữa vòng tay (Nhớ):

ước chi biển mặn nồng thêm chút nữa

ước chi mây phiêu lãng biết quay về

ước chi người dừng lại hỏi han thôi

quên tất cả - bình yên – tôi sẽ hứa

(Trong góc tối)

Em đâu dám ví mình như lá cỏ

Như loài hoa tim tím dại ven đường

Không vóc dáng không sắc màu không tất cả

Em chỉ là…tất cả chỉ là thương

…sau cánh cửa ngàn năm em vẫn đợi

(Sau cánh cửa)

Với ai đó, những kẻ cơ hội, những lời yêu thương có thể là “cái khéo đầu môi, cái khôn cuối mắt” (Xuân Sách), nhưng tuyệt không phải là lối sống của những người nhân hậu. Lời yêu thương không phải là thứ nói cho qua chuyện, cho vừa lòng. Lời yêu thương có thể cần sự tinh tế, nhưng không cần màu mè. Để thương yêu nhà thơ đã tự vượt lên chính mình, thu mình lại: Tri kỷ ơi lẽ nào anh chẳng thấy /em đã mềm hơn nước, mảnh hơn mây (Tri kỷ ơi, anh có về như gió). Để thương yêu nhà thơ đã tận cùng cái đẹp: Đã trót giếng sâu, đã trót mưa nguồn (Là ngày mai đừng vội hôm nay). Để thương yêu nhà thơ đã hết mình: Em quỳ xuống xin cho em được nói /những lời yêu sâu thẳm ngỡ chôn vùi../em quỳ xuống trải lời yêu đền đáp /vạn chiếc hôn nồng xin ủ ấm đời ai (Muộn) Một đôi khi chợt mệt mỏi trên đường đời, chợt một ngày ngoái lại, nhớ cái thời “tuổi mười tám” khi mọi thứ vừa chớm dậy, Đinh Thị Thu Vân ao ước:

ước mình về lại ngày xưa

xôn xao mười tám tuổi vừa chớm yêu

(Nếu giao thừa đến chậm hơn)

Chị không viết “trở lại ngày xưa”, mà viết “về lại ngày xưa” chứng tỏ, với chị, ngày xưa thương mến lắm. Nhưng ngày xưa trong tâm tưởng của chị là ngày xưa “xôn xao mười tám…vừa chớm yêu”, chứ không phải ngày xưa vu vơ nào hết. Cụm từ xôn xao mười tám cho thấy một thời thanh xuân ở chị sức trẻ, sức yêu căng tràn như thế nào! Đấy bạn thấy rồi đó, nhà thơ chỉ muốn về lại tuổi “chớm yêu” thôi, có nghĩa là chị chỉ có một khao khát thôi. Đúng không? Nếu vậy thì nói chị là “người đàn bà yêu” cũng không có gì là quá!. Tôi nghĩ vậy.

Nhưng dù không hão huyền, dù rất thiết thực…thi sỹ cũng đã không được toại nguyện. Đã có những đỗ vỡ và nước mắt. Trên trần gian này có ai đong đếm được bao nhiêu nước mắt từ những duyên phận? Kể cả nước mắt của những loài cỏ cây, chim trời cá nước, cả những vật vô tri vô giác. Duyên phận là gì mà khi đang sống con người đã phải bẽ bàng cảm thấy “ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau”, đến cả loài ve cũng “kêu sầu tháng hạ”, đến cả loài chim, như chim từ quy, cũng khắc khoải gọi bạn cạn đêm?:

Em quỳ xuống lòng em mặn đắng

Xin đừng về đôi mắt ấm ngày xưa

…anh yêu dấu không thuộc về ta nữa

Trái tim em ngày ấy lạc đâu rồi

Tình yêu lạc cuối trời như chẳng có

Đời chúng mình con nước lỡ trôi xuôi

(Ngày anh trở lại)

Những câu thơ diễn đạt sự đỗ vỡ. Ngôn từ xót xa: em quỳ xuống, mặn đắng, không thiuộc về ta nữa…, sắc thái biểu cảm đượm buồn: xin đừng về, lạc cuối trời, lỡ trôi xuôi…, tâm tư người viết có gì đó như xáo trộn, bất định: giã từ trong khi vẫn còn lưu dấu hoài niệm: mắt ấm, yêu dấu, chúng mình... Cái sự Anh yêu dấu không thuộc về ta nữa đã trải qua những ngày gắng gỏi để trì níu: Anh đừng đi, em không cách chi tìm (Nhớ). Nguyên nhân của cơ sự này không thuộc về chị. Cho dù trong tâm khảm vẫn còn những hoài niệm, thì mọi việc cũng đã trở nên xa lạ, vô cảm, muộn màng: trái tim em ngày ấy lạc đâu rồi (Ngày anh trở lại). Điều này hình như chị đã linh cảm, đã tự dặn mình: Không phải tình yêu đâu, V. ơi đừng đắm đuối (Không phải tình yêu). Tất cả cho thấy tâm hồn người viết an lành, từng trải, tiếng đập của trái tim đã qua những bồng bột, nỗi buồn tuy vô cùng nhưng không quá trĩu nặng hoang mang, không quá muộn phiền trách cứ, chỉ cay đắng thừa nhận, chỉ cố gắng chấp nhận Em thươmg xuôi mà nghe đau về ngươc, chỉ lặng lẽ thở dài, chỉ nhẫn tâm nhuốm một chút “buông” để “trôi” khi mọi sự đã khồng thể trở lại: Đời chúng mình con nước lỡ trôi xuôi (Ngày anh trở lại), Đời chúng mình đã cuối /lỡ một dịp dài /em đuối sức /trôi quanh (Đời chúng mình đã cuối)

Với người đời, đến đoạn này mọi việc coi như đã kết thúc, nhưng với thi nhân thì tất cả như mới bắt đầu. Bắt đầu đối diện, bắt đầu thừa nhận, bắt đầu vào cuộc, bắt đầu chịu đựng: em không nghĩ mình cô đơn đến vậy…/em ôm làm sao, che chắn làm sao cho ngày hôm qua đừng vỡ /em chôn tủi chôn đau vào đâu để đừng khốn khổ /đừng trắng hồn tan hoang (Em có thể làm gì khác hơn).

Với một trạng thái tâm hồn như vây, thế giới chung quanh bỗng nhiên chật hẹp, bí bức, trễ nải, mù tăm. Một thế giới bên ngoài phản chiếu thế giới vô hình bên trong tâm hồn người:

Ở một góc buồn quanh quẩn

mùa xuân lơ đãng quên về

(Tự chúc).

Ngày rất lặng, em chờ rưng rức bóng

Nén đầy tim, đầy mắt nỗi sông dài

Sao có thể, sao mù tăm đến vậy

(Vài phím chữ)

Một loạt từ thương cảm: một góc, buồn quanh quẩn, lơ đãng quên về, rất lặng, rưng rức bóng, nỗi sông dài, mù tăm…gợi lên tâm trạng hoang vắng trống trải. Từ góc này nhìn ra, ngoài kia không gian đang chuyển mùa mà dường như không hàm chứa ríu rít sự sống, mà như trở nên úa vàng, li tán:

Một chiếc lá giao mùa đang rụng đấy

Gió vô tâm đùa xót nỗi hao gầy

Hồn tôi úa võ vàng đêm giá rét

Thôi cũng đành như lá phút rời cây

(Giao mùa)

Cánh cửa quen thuộc hôm nào giờ đã trở nên hoang vu lạnh giá, bóng dáng người cũ giờ chỉ còn là “nhân ảnh” quá vãng, như thể: Trăm năm cửa khép hờ mưa nắng /Mãi chẳng ai về qua gọi cho (Tô Thùy Yên – Nỗi đợi). Khung cảnh quen thuộc mà toát lên nỗi bơ vơ, dù đã quen cay đắng đã quen chìm nổi /đã quen rồi lạnh lẽo nhân gian (Giếng cạn):

Không ai đợi tôi về sau cánh cửa

Không nồng nàn không ấm áp bao dung

(Một nửa đường đang khuất)

Ai đã đến và ai từng quên nhớ

Cánh cửa màu tro bàng bạc nỗi bơ vơ

(Bên thềm hoa dại trắng)

“Bơ vơ”, “cô đơn”, “một mình”... người ngoài cuộc chẳng phải bận tâm nhiều, nhưng những thứ cũ rích này không đơn giản vượt qua như vẫn tưởng, một khi là người trong cuộc: Em nhớ anh lơ đãng đã vô chừng /Xe quên khóa, cửa quên cài, quả vườn nhà chín ửng, bao lần quên chẳng hái (Ngày rất lẻ). Đấy là nỗi nhớ tê dại của người đang yêu. Tâm trạng lơ đãng, chông chênh ấy sẽ ám ảnh, đeo bám mọi nơi, mọi lúc: em không nghĩ mình cô đơn đến vậy /trong vời vợi chia lìa (Vài phím chữ), cả những khi, (và nhất là những khi) cầm bút: câu thơ em viết buồn xa xót buồn /đã vời vợi một thời thương /đã xô dạt mất trời sương khói rồi (Hồn em theo nén nhang rời sẽ đau), thêm một lời …sẽ vỡ nát những câu thơ /sẽ vỡ nát những gì em bám níu (Hạnh phúc sẽ chẳng nguyên lành). Và vô vọng buông trôi không phải là điều khó hiểu: em đã quen sống cùng vô vọng (Xa), em đã trót phía bên này bóng tối cuộn cô đơn (Phía bên này bóng tối). Cả những tuyệt vọng nữa: tôi ra đi, trái tim ngàn vết cứa /và linh hồn trơ trọi hắt hiu đau (Xin đắng chát dừng chân bên góc mộ).

Và thời gian vẫn là nỗi ám ảnh thường đêm, nỗi ám ảnh về đêm, những lúc đơn chiếc giữa đêm dài khuya khoắt (Gió bụi chông chênh), những khi gió rạc lòng đêm giá rét (Xa biệt phía vai người)

Mãi còn nỗi tàn khuya

Mãi còn sẫm đen mảnh tim bất lực

Mãi còn

Mãi còn

Phía chân trời bạc trắng những câu thơ

(Mãi còn nỗi tàn khuya)

Không còn em nữa ngày mai

Mây giăng mưa phủ, đêm đầy nỗi đêm

Em làm sao để ru yên

Thì thôi anh cố mà quên lỡ làng

(Hồn em theo nén nhang rồi sẽ đau)

Thơ Đinh Thị Thu Vân là vậy, chan chứa nỗi niềm, thảng thốt, khắc khoải giữa vây bủa của cô đơn…và rất ít niềm vui, nụ cười, không hiện diện mặt trời của một ngày nắng đẹp, làn sương của một sáng mát lành, bầu trời sao của một đêm lãng mạn, hoa lá của một khu vườn xanh tốt… Nhưng đâu đây giữa tiếng thơ buồn vẫn le lói, như thể giấu kín đâu đó những “đốm lửa” hy vọng, những đốm lửa của một tâm hồn vốn rất tình tứ và chưa bao giờ hết lãng mạn, có từ thuở xôn xao mười tám, cho đến khi trưởng thành: tôi như sống nửa đời đêm giấu lửa (Một nửa đường đang khuất):

Rồi sẽ có một người, sẽ có

Giữ thay em mười tám tuổi êm đềm

Cả sắc áo, chiếc nơ nào nho nhỏ

Có một người rồi sẽ giữ giùm em

(Em mười tám tuổi)

Thượng đế chưa bao giờ tước đi của bất cứ ai quyền hy vọng. Qua tất cả những xót xa kia, trong thẳm sâu tâm hồn chị dường như vẫn còn giấu kín một “thế giới lãng mạn” như những “đốm lửa” còn lại trong tro ấm:

Sau giấc ngủ đau ngày vẫn non màu lá

Hương vẫn hương, gió vẫn gió vô cùng

(Sau những giấc mơ buồn)

Ôi hạnh phúc dẫu phía nào xa thẳm

Cuối con đường tìm kiếm, vẫn còn anh

(Xao xác lá vàng)

Chắc chắn những “ đốm lửa” ấm nóng kia đủ sức để hồi sinh sự sống từ tro tàn, như một tất yếu từ sự cam chịu của tiền kiếp: tuyệt vọng này /muôn kiếp trước tôi vay (Có thể buồn hơn không), hình như từ kiếp nào /tôi là khói, là rong là những gì xác xơ hơn tàn tro hơn vụn lá (Xua nhau về hư vô)…,đến một lựa chọn rắn rỏi cần thiết: ngày tháng buồn thăm thẳm ấy em quên (Còn mỗi chiều này…), đến một triết lý sống tích cực, sau rất nhiều cay đắng:

Em đứng dậy trên hoang tàn đổ nát

…em không chết sau ngày tím tái

(Đợi)

Thơ Đinh Thị Thu Vân là thơ biểu hiện tâm trạng, không phải là thơ “miêu tả hiện thực”, không phải là những ghi chép theo kiểu báo chí, không phải là thơ chính luận. Chị né bớt miêu tả để nhanh chóng đi sâu vào biểu hiện, biểu hiện con người tình cảm của chị qua chủ đề tình yêu. Nhân vật trữ tình là anh và em. Tâm sự có thể là của riêng chị, cũng có thể có cả của “người đời” mà chị phân thân. Chủ thể trữ tình là người đang dắt dẫn câu chuyện buồn của nhân thế, câu chuyện miên man về sự trớ trêu của duyên phận, một “đề tài” muôn thuở đẫm nước mắt của nhân loại. Ngoài những chỗ ngôn từ được đẩy đến độ “căng” ở những “nốt” cao nhất, còn lại vẫn là giọng điệu trữ tình mềm mại, thương cảm, hệt như tiếng kêu khan trong đêm của con chim lẻ bạn. Nếu đó là ưu điểm, thì thơ chị rất dễ lan tỏa, dễ làm xúc động lòng người, dễ để lại ấn tượng trong tiếp nhận của người đọc. Nhưng nếu đó là nhược điểm thì thơ ấy đôi khi với cái cảm giác quá mềm đến mức tưởng như ủy mi kia rất dễ sa vào lụy tình. Tôi nghĩ, bên cạnh tiếng đàn bầu và khúc vọng cổ da diết kia, cần một giai điệu trữ tình tích cực, một sự khỏe khắn của ngôn từ, một sự xa rộng của liên tưởng, một sự lấp lánh của trí tuệ…mới ngõ hầu đáp ứng được người đọc thơ hôm nay. Tôi muốn tìm trong thơ Đinh Thị Thu Vân nắng gió của miệt vườn Nam bộ, hương thơm (hương vẫn hương, gió vẫn gió vô cùng) của muôn loài cây trái, cái ngọt ngào của đờn ca tài tử, cái âm vang dài rộng của những câu hò trên sông nước miền Tây…Đinh Thị Thu Vân đã có sẵn năng lực trữ tình dồi dào, việc “chuyển” những chất liệu “nền” kia vào thơ, chắc không phải là khó đối với chị.

Sinh năm 1955 (theo lời tự thuật của chị), nghĩa là khi hòa bình lập lại trên cả nước, chị vừa tròn hai mươi tuổi, lứa tuổi rất đẹp. Đọc thơ chị, cảm đoán trước đó chị đã đọc nhiều thơ ca đô thị Sài Gòn, chắc chị cũng đọc nhiều thơ ca của cả nước sau ngày thống nhất. Vì thế, tin rằng chị sẽ còn có nhiều đóng góp cho thơ ca Việt.

Tháng 4 năm 2020
Nguồn: http://www.lethieunhon.vn/

Mời đọc:

THI NHÂN, NỖI BUỒN & PHẬN CỎ.

TÌNH YÊU MANG PHẬN CỎ VÀ NHỮNG KHẮC KHOẢI TẬN CÙNG XANH

Bài viết liên quan

Xem thêm
Nguyễn Minh Châu và sự đổi mới tư duy trong việc phản ánh hiện thực chiến tranh cách mạng
Nguyễn Minh Châu là một trong những nhà văn xuất sắc của nền văn học Việt Nam hiện đại. Sự nghiệp văn học của ông không chỉ gắn liền với cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc ở những năm kháng chiến mà còn gắn với những tháng năm đầy ưu tư của thời hậu chiến với bước chuyển dạ diệu kỳ, chuẩn bị cho tiến trình đổi mới đất nước về mọi phương diện, trong đó có văn học.
Xem thêm
Hữu Thỉnh và chiến sĩ xe tăng
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước gian nan khốc liệt của dân tộc Việt Nam trong gần một phần tư thế kỷ như một bản trường ca âm vang giai điệu trầm lắng bi hùng, đã phản ánh phẩm chất cao đẹp sáng ngời của mọi tầng lớp nhân dân ở cả ba miền. Những người tham gia vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc, cầm súng trực diện đấu tranh với quân thù có những chiến sĩ làm văn nghệ thuộc đủ binh chủng như: Nguyễn Thi (1928-1968), Lê Anh Xuân (1940-1968), … và Hữu Thỉnh. Trong đó, xuất thân từ một chiến sĩ xe tăng, Hữu Thỉnh được coi là một gương mặt thơ xuất sắc nổi trội trong nền văn học có lửa của giai đoạn 1954-1975.
Xem thêm
Lê Quang Sinh và nghệ thuật phê bình thơ
Bài viết của PGS.TS Hồ Thế Hà
Xem thêm
Anh nằm đây – trẻ mãi tuổi hai mươi
Bài viết về thơ Trần Ngọc Phượng
Xem thêm
Lê Tiến Vượng và hai tập lục bát liền hơi
Bài viết của nhà thơ Vũ Quần Phương về hai tập lục bát của Lê Tiến Vượng xuất bản cuối năm 2016 (Lục bát khóc cười) và cuối năm 2018 (Lục bát phố).
Xem thêm
“Gặp” lại nhà văn Lưu Thành Tựu với “Hoa xương rồng trên cửa sổ tầng 5”
Nhà văn Lưu Thành Tựu hiện là phó ban điều hành phân hội văn học, hội văn học nghệ thuật Bình Dương. Truyện ngắn Hoa xương rồng trên cửa sổ tầng 5 của anh là tác phẩm đạt giải tại Cuộc thi truyện ngắn Đông Nam bộ năm 2022, đã đăng trên vanvn.vn và Tạp chí Văn Nghệ thành phố Hồ Chí Minh như một sự ra mắt sau khi tác giả được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam.
Xem thêm
Chất Folklore trong Lục bát khóc cười và Lục bát phố
Cầm hai tập thơ thuần thể loại lục bát quen thuộc, nghĩ đọc cũng hơi ngại bởi cứ đều đều một điệu, dễ chán. Nhưng đọc một vài bài mở đầu trong tập “Lục bát khóc cười” và “Lục bát phố” của Lê Tiến Vượng thì cảm giác ấy dần mất đi và thay vào đó là cảm giác hào hứng và thú vị.
Xem thêm
Trăn trở sự tồn tại người - Gía trị nhân bản trong thơ Văn Cao
Đọc thơ Văn Cao, ở nhiều thi phẩm như: Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc, Những người trên cửa biển, Khuôn mặt em, Một đêm đàn lạnh trên sông Huế, Lá, Trôi, Thời gian, Cánh cửa, Thu cô liêu, Năm buổi sáng không có trong sự thật, Ba biến khúc tuổi 65, Linh cầm tiến… bạn đọc cũng có thể thấy sự đa dạng cung bậc cảm xúc, có xôn xao, có sâu lắng bâng khuâng… nhưng dường như chủ đạo vẫn là những thì thầm tự vấn, suy tư trăn trở, đau buồn và thậm chí nhiều khi hoang mang, kinh hãi, lo âu. Phải chăng, tất cả những thể nghiệm cảm xúc nội tâm ấy bắt nguồn sâu xa từ những “chấn thương” tinh thần của tác giả bởi tác động của hoàn cảnh sống? Và dưới tầng sâu lớp ngôn từ của mỗi thi phẩm ẩn giấu bao mỹ cảm mà chúng ta cần suy ngẫm“giải mã”?
Xem thêm
Nguyễn Trọng Tạo mà đời vẫn say, mà hồn vẫn gió
Hôm nay 12/6, Nhà lưu niệm nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo (1947-2019) được khánh thành tại đội 6, xã Diễn Hoa, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
Xem thêm
Số phận các nhân vật nữ trong tập truyện ngắn “Đảo” của Nguyễn Ngọc Tư
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư Sinh năm 1976 tại xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau, là nhà văn, Hội viên Hội nhà văn Việt Nam. Năm 2018, cô được trao Giải thưởng Văn học Liberaturpreis 2018 do Litprom (Hiệp hội quảng bá văn học châu Á, châu Phi, Mỹ Latin ở Đức) bình chọn, dựa trên việc xem xét các bản dịch tiếng Đức tác phẩm nổi bật của các tác giả nữ đương đại tiêu biểu trong khu vực. Giải thưởng được trao hàng năm nhằm vinh danh các tác giả nữ đến từ châu Á, Phi, Mỹ Latin, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và vùng Caribe.
Xem thêm
Lê Khánh Mai và hành trình nhà thơ nữ bứt phá
Nhà thơ, nhà văn Lê Khánh Mai đến nay (năm 2024) đã ấn hành 12 đầu sách, trong đó có 7 tập thơ, 1 tiểu thuyết, 1 tập truyện ngắn, 1 chuyên luận văn học, 1 tập tiểu luận phê bình văn học, 1 tập tản văn và tuỳ bút. Sức sáng tạo ở một tác giả nữ như vậy là liên tục và rất mạnh mẽ. Thơ là thể loại chính của ngòi bút Lê Khánh Mai nhưng văn xuôi và lý luận, phê bình cũng đạt nhiều thành tựu. Tất cả làm nên tên tuổi của một nhà thơ, nhà văn tiêu biểu của tỉnh Khánh Hoà và của văn học Việt Nam hiện đại.
Xem thêm
Trần Đàm đi tìm một bản ngã
Đã ngoài tám mươi mà mỗi lần theo ông, cánh hậu sinh chúng tôi cách ông cả giáp vẫn thấy hụt hơi. Đúng là không nói ngoa cả khi leo dốc, đường trường lẫn khi viết lách, chơi bời.
Xem thêm
Đọc Người xa lạ của Albert Camus bằng chiếc gương soi của chủ nghĩa hiện sinh
Giàu Dương Nếu triết học cổ điển đề cao bản chất và dấn thân vào việc tìm kiếm những định nghĩa về bản chất, thì trào lưu hiện sinh tập trung vào sự tồn tại của bản thể, lấy đó làm điểm khởi nguyên cho mọi sự phóng chiếu vào thực tại khách quan. Người xa lạ (L’Étranger) của Albert Camus ra đời như một dấu ấn sâu sắc của triết thuyết hiện sinh ở giai đoạn nửa sau thế kỷ XX. Là một triết gia, nhà văn tài hoa, Camus đã mở ra những cánh cửa để người đọc bước vào thế giới của “kẻ xa lạ” Meursault – một người đàn ông tự mình chọn lấy thế đứng bên lề của xã hội. Hành trình của Meursault không đi tìm một kết luận duy nhất của sự tồn tại mà chỉ trình bày sự tồn tại như nó vốn là.
Xem thêm
Một thế giới rất ‘đời’ trong sáng tác của Tản Đà
Nhà thơ, nhà báo Tản Đà (SN 1889), quê làng Khê Ngoại, xã Sơn Đà, huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây.
Xem thêm
Cây có cội, nước có nguồn
Nguồn: Báo Văn nghệ số 19/2024
Xem thêm
Khát vọng Dế Mèn
Sự ra đời của Giải thưởng Dế Mèn cùng với phát ngôn của đại diện Hội Nhà văn Việt Nam đã chạm đến khát vọng lâu nay vẫn nằm đâu đấy trong những người yêu và hiểu rõ hiện trạng văn học thiếu nhi nước nhà…
Xem thêm