- Truyện
- Nỗi lòng một người cha – Truyện ngắn Đỗ Anh Thư
Nỗi lòng một người cha – Truyện ngắn Đỗ Anh Thư
(Vanchuongthanhphohochiminh.vn) – Ông ngồi lặng hàng giờ bên tách trà vừa mới châm còn bốc khói, đôi mắt hướng ra ngoài ngõ bằng ánh nhìn đau đáu, xa xăm. Thi thoảng, ông nhấp ngụm trà, nhồi một mồi thuốc vào chiếc tẩu gỗ mun đen bóng, châm lửa rít một hơi ngắn, nhẹ nhàng phả ra những làn khói mỏng như sương… Xong lại hướng cái nhìn đăm chiêu ra ngoài cổng ngõ…
Nhà văn Đỗ Anh Thư
Đã nhiều năm rồi như thế – cứ từng chiều, từng chiều – sau một ngày làm vườn cuốc, xới, bón phân, nhổ cỏ… ông lại trầm ngâm trong thế giới biệt lập của riêng mình. Vốn là người ít nói, giờ ông càng thêm thầm lặng như lớp bùn trầm tích đọng dưới đáy thời gian.
Ông có bốn người con trai. Người con áp út đang tuổi ăn tuổi lớn, một hôm trượt ngã từ thang gác xuống, chấn thương sọ não rồi bỏ ông mà đi mãi mãi. Ông đau xót và tự nhủ “Thôi thì tại nó vắn số!”, rồi chôn chặt trong lòng nỗi buồn mất mát của người đầu bạc khóc kẻ đầu xanh.
Đất nước chiến tranh, xã hội loạn lạc. Người con trai cả – kỳ vọng lớn nhất đời ông sau khi du học ở Pháp về, theo tiếng gọi của lý tưởng, lên đường thoát ly vào vùng giải phóng với lời hứa “Khi đất nước hòa bình, con sẽ trở về!”. Rồi bặt vô âm tín luôn từ đó.
Ông nhẫn nại, kiên trì ngày tháng bám trụ, chăm sóc mảnh vườn và mỗi chiều lại ngồi bên ấm trà, rít từng hơi thuốc trong thinh lặng, dõi nhìn ra ngõ với niềm hy vọng mong manh.
Theo đà leo thang của chiến tranh, hai người con còn lại của ông cũng vào lính.
Người con thứ hai bị bắt quân dịch, làm bưu tá cho quân đội Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) đóng quân ở cạnh nhà. Bầy cháu nội và con dâu về ở cùng ông bà nên nhà cửa cũng bớt quạnh hiu. Anh con trai thứ chạy đi, chạy về chăm sóc cha mẹ, vợ con thường nhật, nhưng cũng không thể làm nguôi được nỗi lòng khắc khoải của ông dành cho người con trai cả.
Con trai út của ông theo thời cuộc thi vào trường Sĩ Quan Võ Bị Đà Lạt quân đội VNCH, huấn luyện xong chưa kịp ra trường thì đơn vị trúng đạn pháo kích của quân giải phóng, con trai ông chết chẳng toàn thây. Người con thứ lên tận nơi nhặt nhạnh từng phần thi thể em trai mang về lo hậu sự.
Trong đám tang, người ta thấy ông ngồi thẫn thờ, đôi mắt ráo hoảnh, vô hồn… Ông đã không còn nước mắt để khóc con. Nỗi đau làm trái tim ông tê dại, thần kinh ông không còn cảm nhận được những gì đang diễn ra. Ông cứ thế mà lặng đi, mặc cho mọi người ra vào, xôn xao cùng công việc. Mặc cho bà lão nhà ông khóc gào thảm thiết. Chỉ khi người ta hỏi chỗ để đào huyệt, ông mới lê bước ra vườn, chỉ vào vuông đất bên cạnh mộ của thằng con áp út.
Năm tháng dần trôi, ông vẫn cặm cụi mỗi ngày cùng cây cuốc, mảnh vườn… Bây giờ ông có thêm một việc là thi thoảng lại ra ngồi lặng thầm bên hai nấm mộ, trái tim ông có thổn thức, những giọt nước mắt hiếm hoi có đang chảy ngược vào trong?… Khoảnh khắc này chỉ một mình ông biết mà thôi!
Dạo này về đêm, ông thường giữ khư khư bên mình chiếc đài bán dẫn. Ông theo dõi chương trình “Sinh Bắc, Tử Nam” (Một chương trình của quân đội VNCH lập ra kêu gọi những người đi tập kết theo quân giải phóng trở về với quốc gia) – chỉ vì chương trình này có mục thông tin từ chiến trường về tình hình các binh sĩ quân giải phóng bị bắt còn sống hay đã chết. Ông lắng nghe không bỏ sót một tin nào, và thở phào khi không nghe tên con mình trong danh sách đó!
Mảnh vườn nhà ông nằm trong vùng tranh chấp giữa hai phe Quốc gia và Giải phóng. Khu vực Hóc môn – Bà điểm là nơi người dân sống một ngày cùng hai chính thể :
– Ban ngày thì lính Quốc gia đóng quân án ngữ, diễn tập.
– Chiều quân đội Quốc gia rút đi thì quân Giải phóng tựu về điều nghiên, địch vận.
Bà lão nhà ông đối với phe nào cũng là “Mẹ chiến sĩ”. Bà thường nói với ông rằng: “Nhìn đứa nào tôi cũng thấy thương, tụi nó đều do cha mẹ sinh ra, đều da vàng máu đỏ, sao lại nỡ nào bắn giết nhau chứ?”.
Bên nào đến đóng quân, bà đều tiếp đãi ân cần, niềm nở. Bà dùng lý lẽ của một người mẹ nhẹ nhàng khuyên bảo, hầu giảm bớt sự căng thẳng của hai bên.
Bởi vậy cho nên tại vườn nhà ông chưa khi nào có trận đụng độ, tàn sát lẫn nhau. Họ cứ đến và đi cho tròn nhiệm vụ, cố gắng không làm gì gây tổn hại đối phương.
Một ngày tháng 4 năm 1975.
Sài Gòn giải phóng!
Tâm hồn ông dường như sống lại, không phải theo cái cách mỗi chiều ngồi nhìn ra ngõ nữa. Ông nhấp nhổm mỗi ngày khi đang cuốc đất, lúc tưới cây, nhổ cỏ… hễ có tiếng chó sủa là ông lại vứt hết công việc, lao ra ngoài cổng ngõ, rồi lại bần thần trở vào tiếp tục làm việc, tiếp tục đợi chờ.
Ông cứ chờ mãi, chờ mãi cho đến một ngày…
Một anh bộ đội giải phóng đến nhà báo tin toàn bộ đơn vị con ông đã hy sinh trong một trận đánh, người đó bảo sẽ quay lại lần nữa để cung cấp giấy tờ xác nhận báo tử.
Ông nghe, hoang mang và ngờ vực. Ông không tin và cũng không muốn tin điều đó, ông tự trấn an mình là chưa có gì chắc chắn cả, có thể họ nhầm vì chẳng có gì chứng minh con trai ông đã hy sinh.
Thêm nhiều năm nữa trôi qua, không thấy người kia quay lại, ông bây giờ yếu lắm rồi, không còn làm vườn được nữa, mỗi ngày ông ra nằm trên chiếc võng mắc dưới cội mai già, mắt vẫn luôn dõi nhìn ra ngõ cùng nỗi niềm khắc khoải chờ mong. Trên bàn thờ, bà lão nhà ông đặt thêm di ảnh người con trai cả, dù không biết ngày mất để mà giỗ quảy. Ông làm ngơ điều đó, bởi ông vẫn mang trong lòng một niềm hy vọng, dẫu đã quá mong manh.
Năm 2000 ông ngã bệnh, bệnh già của 85 năm ở trên cõi đời với biết bao dầu dãi thăng trầm cùng cuộc sống và gần phân nửa thời gian trong nỗi đau vô vọng đợi chờ.
Ông ốm nặng lắm, bầy cháu nội duy nhất chăm sóc cho ông. Chúng không hiểu vì sao ông cứ một mực đòi nằm quay mặt nhìn ra hướng cửa.
Mùa Xuân năm đó ông vĩnh viễn ra đi. Ông nằm im lìm trên giường, đôi tròng mắt già nua, mờ đục vẫn hé mở nhìn ra ngoài ngõ trong một nỗi niềm mòn mỏi, ngóng trông.
Đ.A.T