TIN TỨC

Đỗ Ngọc Yên viết về nhà văn Lê Văn Thảo

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2021-10-10 08:48:35
mail facebook google pos stwis
919 lượt xem

ĐỖ NGỌC YÊN

"Văn chương cần sống thật, viết thật"- Cho đến hôm nay, những người đã từng gặp, trò chuyện hay cộng tác với nhà văn Lê Văn Thảo đều có chung một nhận định rằng ông là người trầm tính, ít nói, nhưng hóm hỉnh và sống rất chân thật. Dù được mệnh danh là anh Hai Sài Gòn, nhưng tuyệt nhiên không thấy ông “xạo” bao giờ.

Lê Văn Thảo là một trong số các nhà văn hiện đại ít gây ồn ào, xung chấn trên văn đàn Việt. Cách đây khoảng trên dưới chục năm, tức là lúc còn đương chức Chủ tịch Hội Nhà văn TP. HCM (2000-2010) và Phó Chủ tịch Hội NVVN (2005-2010), ông từng chia sẻ với văn hữu rằng: Tôi không có giáo huấn gì trong sáng tác văn học, không dạy ai trong các trang viết. Tôi ít tranh cãi nhưng cũng không chiều chuộng. Văn học đối với tôi là nỗi niềm, thân phận, lương tâm, những trải nghiệm cuộc đời và đôi điều suy tư từ những năm tháng sống lặn lội.

*

Nhà văn Lê Văn Thảo tên thật là Dương Ngọc Huy, sinh ngày 1 tháng 10 năm 1939, tại huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An. Nhưng ông lớn lên ở An Giang, sau đó lên Sài Gòn học Đại học Khoa học tự nhiên. Sau khi tốt nghiệp, năm 1962, ông thoát ly lên chiến khu làm công tác văn hóa văn nghệ. Ông là người từng tham gia nhiều chiến dịch, trong đó có chiến dịch Xuân Mậu Thân, 1968 lịch sử ở Sài Gòn.

Cuộc đời cầm bút viết văn của ông bắt đầu từ năm 1965 với hai mảng đề tài chính là nông thôn và chiến tranh du kích. Nhưng mãi đến 1972, Lê Văn Thảo mới công bố tập truyện ngắn đầu tiên Đêm Tháp Mười. Tiếp sau đấy, ông đã cho ra đời một khối lượng tác phẩm khá lớn, chẳng hạn như: Ông cá hô (1995), Một ngày và một đời (1997), Con mèo (1999), Cơn giông (2002), Truyện ngắn chọn lọc (2003), tiểu thuyết Con đường xuyên rừng (2006), Lên núi thả mây (2011),... Quá trình lao động nghệ thuật nghiêm túc và bền bỉ của ông đã được thể hiện qua các giải thưởng cao quý như: Giải A tiểu thuyết của Hội nhà văn Việt Nam; Giải thưởng Văn học ASEAN năm 2006; Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật năm 2007; Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật năm 2012 cho các tác phẩm Con đường xuyên rừng và Tuyển tập truyện ngắn.

*

Cho đến hôm nay, những người đã từng gặp, trò chuyện hay cộng tác với nhà văn Lê Văn Thảo đều có chung một nhận định rằng ông là người trầm tính, ít nói, nhưng hóm hỉnh và sống rất chân thật. Dù được mệnh danh là anh Hai Sài Gòn, nhưng tuyệt nhiên không thấy ông “xạo” bao giờ. Một lần được tiếp xúc, ngồi dùng bữa trong Hội nghị Lý luận- Phê bình văn học lần thứ 3, tháng 6/2013 tại Tam Đảo, Vĩnh Phúc, tôi thấy ông là người rất điềm đạm và lịch lãm. Tôi đoán chắc ông là con nhà dòng dõi, nên tính ông mới thế. Ông là con ma xó, gần như mọi chuyện thâm cung bí sử đều biết, nhưng lại không bao giờ viết báo hay viết sách theo kiểu lấy chuyện làm quà, đưa đẩy, câu khách như một số người vẫn làm hiện nay. Ông chỉ viết về những con người có tình thân thật sự với ông chứ không muốn tạo dựng giai thoại cho mình hay cho nhân vật đó. Trường hợp mối thâm tình của ông và nhà thơ Lê Anh Xuân là một điển hình. Chẳng thế mà có người bảo hai nhà văn Nam Bộ là Lê Văn Thảo và Nguyễn Quang Sáng chỉ khác nhau ở tiêu chí tửu. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng chỉ đi uống rượu do các fan của ông mời. Còn Lê Văn Thảo đi đâu cũng đem theo cả đống rượu để mời những người ông yêu quý. Nguyễn Quang Sáng hơn Lê Văn Thảo vài ba tuổi, nhưng ông Sáng vẫn uống tốt, còn ông Thảo giờ chỉ uống rượu vang. Tuy uống rượu vang, nhưng lúc nao trong ba lô của ông Thảo cũng có rất nhiều rượu loại chai 50ml bé bằng đầu ngón tay để mời bạn bè. Thế nhưng, khi có người thắc mắc về sự tương đồng giữa phim Cánh đồng hoang do Nguyễn Quang Sáng viết kịch bản sau ngày giải phóng và truyện ngắn Đêm Tháp Mười của Lê Văn Thảo, ông một mạch cương quyết rằng: Ông Sáng là đàn anh của tao, mãi mãi là đàn anh của tao. Cánh đồng hoang là phim còn Đêm Tháp Mười là truyện, giống nhau cũng có sao đâu!. Điều ấy nói lên tư cách con người của nhà văn Lê Văn Thảo. Chuyện giống hay khác nhau giữa phim và truyện không phải là điều ông quan tâm, mà quan trọng hơn Ông Sáng là đàn anh của tao, mãi mãi là đàn anh của tao,...

Dù nói thế nào đi chăng nữa thì Lê Văn Thảo vẫn là con nhà danh gia vọng tộc, nên sẽ không bao giờ có chuyện quan tâm đến những thứ “vặt vãnh” như thế. Về gia tộc, Lê Văn Thảo gọi Tổng thống cuối cùng của chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh và tướng “Việt cộng” Dương Văn Nhật là bác. Vì hai ông Dương Văn Minh và Dương Văn Nhật và bố của Lê Văn Thảo - cụ Dương Văn Diêu- là anh em chú bác ruột. Lê Văn Thảo có một khoản thừa kế cả ngàn lượng vàng từ ngôi biệt thự của cụ Dương Văn Diêu để lại, nhưng ông đều nhường hết cho các em của mình, không đụng đến một xu nào.

Nhắc đến cụ Dương Văn Diêu, nhà văn Lê Văn Thảo rất tự hào, vì rằng nhà giáo Dương Văn Diêu đã đào tạo rất nhiều thế hệ học sinh sau này đều thành đạt, có người trở thành nguyên thủ của quốc gia. Riêng gia đình ông sau này cũng đã có ba anh em ruột đều làm quan văn nghệ, gồm: Lê Văn Thảo, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM, Lê Văn Duy, nguyên Giám đốc Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu, Dương Cẩm Thúy Chủ tịch Hội Điện ảnh TPHCM. Có người vui miệng còn bảo Lê Văn Thảo là nhà văn xămđét, tức là dòng dõi hoàng gia, chỉ có điều là hoàng gia của phía bên kia. Nhưng cho dù bên nào đi chăng nữa, đã là xămđét thì cốt cách danh gia vọng tộc cũng đều ăn vào máu cả rồi, không thể nào gột tẩy được.

Khi có người nhắc đến một bộ phim nổi tiếng đã đoạt giải quốc tế cũng nói về đôi vợ chồng làm giao liên giữa Đồng Tháp Mười, gần giống với cốt truyện của truyện ngắn Đêm Tháp Mười của ông, nhà văn Lê Văn Thảo có biết chuyện tác giả kịch bản lấy gần như nguyên cốt truyện Đêm Tháp Mười của mình. Tuy nhiên, ông lại có cách ứng xử rất văn hóa, đúng với cốt cách của một nhà văn xămđét, không làm to chuyện, bởi xấu chàng hổ ai vì xét cho cùng cũng là giới văn chương nghệ thuật cả, sao lại nỡ vạch áo cho người xem lưng.

*

Nhà văn Lê Văn Thảo, khi còn là một người lính, ông đã có ý thức rất rõ giữ gìn những giá trị tinh thần của đồng đội, để sau này nó trở thành di sản văn hóa của dân tộc. Ấy là khi tác giả của Dáng đứng Việt Nam, nhà thơ Lê Anh Xuân bị hy sinh khi bọn địch phát hiện được căn hầm trú ẩn bí mật của anh. Nhà văn Lê Văn Thảo đã đích thân chôn cất người đồng đội anh hùng ấy. Và quan trọng hơn là ông đã tìm thấy và cất giữ rất cẩn thận cuốn sổ chép tay của Lê Anh Xuân, để mãi hơn khoảng nửa thế kỷ sau cuốn Nhật ký Lê Anh Xuân mới được ra mắt công chúng cả nước. Trong cuốn Nhật ký ấy, nhiều trang, đoạn, phần Lê Anh Xuân luôn nhắc đến mối tương giao nghĩa trọng với người đồng chí mình là Lê Văn Thảo và những đoạn cuối do chính tay nhà văn Lê Văn Thảo viết về tình bạn, tình đồng chí thắm thiết giữa hai người trong những ngày chiến đấu gian khổ ở Sài Gòn, hồi Tết Mậu Thân, 1968, cũng là để các thế hệ mai sau ghi nhớ ngày và địa điểm chôn cất người bạn chiến đấu, đồng nghiệp cầm bút của mình. Và ngay sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, lại chính ông là người đích thân đi tìm mộ phần của Lê Anh Xuân. Do hoàn cảnh chiến tranh, việc tìm mộ của Lê Anh Xuân phải mất khá nhiều thời gian. Lê Văn Thảo đã đi gần nát vùng đất khi xưa đã chôn cất Lê Anh Xuân mới tìm ra nơi an táng bạn mình. Hiện nay mộ phần Lê Anh Xuân được cải táng trong nghĩa trang TP.HCM.

Khi là một ông quan văn nghệ, nhà văn Lê Văn Thảo đã làm được nhiều việc, trong đó có hai việc khiến không chỉ những ông quan văn nghệ khác phải sờ lại gáy mình, mà còn làm cho giới trẻ cũng phải tâm phục, khẩu phục.

Thứ nhất là, cách đây vài năm, đến giữa năm 2010, Lê Văn Thảo chỉ dùng nửa số tiền ngân sách cấp thường niên cho Hội Nhà văn TPHCM, nửa còn lại ông để dành cho ban lãnh đạo hội nhiệm kỳ sau, vì ông đã có ý xin nghỉ hưu vào cuối năm. Sự thực thì nhà văn Lê Văn Thảo không bao giờ thiếu tiền, thậm chí ông có rất nhiều tiền trong khoản thừa kế của bố để lại, nhưng đã đem chia cho các em hết, nhưng lại hết sức rạch ròi về tiền bạc, của công tư. Chỉ tiếc cho miệng thế gian, thói đời ganh ghét nên đã nghĩ oan cho ông xài hết tiền nên giờ ban lãnh đạo mới không còn đồng nào để hoạt động (!?).

Đối với các cây bút trẻ, Lê Văn Thảo là người rất độ lượng, sẵn sàng mở lòng, chia sẻ, hợp tác chân tình với họ. Ông đã từng nói một cách thành thực, thẳng thắn và sòng phẳng rằng: Tôi không đồng ý với nhiều người khi cho rằng văn chương trẻ hiện nay nhạt. Tôi thích văn của một số bạn. Văn chương của họ có nhiều nét mới. Thế hệ chúng tôi nhìn đời đau đáu, thế hệ bây giờ nhìn cuộc đời nhẹ nhàng, phóng khoáng hơn... Ông cho rằng các cây bút như Trần Nhã Thụy, Đỗ Duy, Nguyễn Ngọc Thuần, Vũ Đình Giang, Nguyễn Danh Lam… viết hết sức sâu sắc. Vì thế, khi còn làm lãnh đạo Hội nhà văn TPHCM, ông đã mời nhiều cây bút không phải hội viên của Hội Văn học- Nghệ thuật TP. HCM tham dự. Nhiều người bảo tại sao “bố Thảo” lấy tiền của hội đi mời những người không phải hội viên. Nhà văn Lê Văn Thảo nói: Nhà văn là người viết có tác phẩm hay, có tâm huyết và có tài, không dứt khoát cứ phải vào hội mới là nhà văn....

Thiết nghĩ, chỉ từng ấy việc làm có vẻ như ngoài văn chương của ông quan văn nghệ Lê Văn Thảo, cũng đủ cho ta thấy tầm hiểu biết rộng lớn, tấm lòng vị tha và sức lan tỏa của uy tín ông đến mức nào. Tiếc rằng, trong giới văn Việt không có nhiều người nói và làm được những việc như ông.

*

Về văn chương thì Lê Văn Thảo vừa là anh hai Sài Gòn, lại vừa là anh ba miệt vườn. Mà kể cũng lạ, với nhiều người sau khi cuộc chiến đã lùi xa hàng chục năm, dù muốn hay không cũng khó để mà viết tiếp những gì thuộc về ngày xưa ngái ấy thành những trang văn thấm đẫm tình người như ông. Không biết có phải vì sự trung thành với quan niệm văn chương mà xem ra ông có vẻ chẳng giống ai: Tôi viết chậm, thường viết về những kỷ niệm, do vậy viết để phục vụ kịp thời là khó khăn. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, tôi có dịp cùng sống và chiến đấu với các chiến sĩ quân giải phóng, do vậy đề tài chiến tranh với những người chiến sĩ bình thường, tình đồng đội của họ đối với nhau vẫn là đề tài tôi yêu thích. Viết thật giản dị, đó là phương châm của tôi...

Truyện ngăn Con mèo của ông là một minh chứng sinh động cho quan niệm ấy và chắc chắn đã từng làm bao người xúc động. Ông kể: Thằng con tôi ngủ say tới sáng. Nhưng sáng ra vừa thức giấc đưa mắt nhìn quanh, nó hỏi tôi hai con mèo con đâu. Tôi đáp loanh quanh rồi nói sang chuyện khác. Thằng con tôi để tôi yên hai ngày, sang ngày thứ ba không báo trước gì cả, nhắc lại chuyện hai con mèo con, hỏi cụ thể tôi cho ai, người đó ở đâu, tên gì. Tôi thấy chuyện đã không đơn giản. Không thể bày chuyện các “cô chú” ra được nữa, chắc nó đã đoán biết chuyện gì rồi, nó sẽ hỏi nữa tôi sẽ sa lầy vào mớ bòng bong những câu hỏi của nó. Đành phải nói ra sự thật thôi. Nhưng cũng nên nói sự thật một nửa. Tôi nói đem cho một người bạn nhưng giữa đường nó xổng mất. Xổng chỗ nào? Tôi chỉ chỗ. Nó bảo tôi dẫn đến đó. Thì đi. Chúng tôi đến đó cũng vào lúc trời tối, thằng con tôi nhìn đoạn hè đường trống trơn, ẩm ướt, tối mờ mờ nói:

- Hai con mèo con đâu rồi?

Tôi gắt:

- Nó ở đâu làm sao ba biết được. Thôi đi về!

Thằng con tôi chịu về, không hỏi gì nữa. Nhưng như vậy lại càng khiến tôi không thể yên. Như có tội ác nào đó treo trên đầu. Thế là đêm đêm tôi mò ra chỗ đoạn đường vắng, kiểu như phạm nhân tìm lại chỗ hiện trường phạm tội, đứng nhìn một lúc mặt hè đường ẩm ướt, tối mờ mờ, mong gặp lại hai con mèo con, và cũng sợ gặp phải chúng.

... Ngày tháng trôi qua. Thỉnh thoảng đi ngang chỗ đoạn đường vắng tôi cũng có liếc dòm qua, nhưng nghĩ bụng hai con mèo chắc đã lớn rồi có gặp tôi cũng không nhìn ra. Thôi thì chúng cứ sống, còn sống như thế nào là việc của chúng.

Con mèo nhà tôi không hiểu sao không đẻ nữa, tuy vẫn thon thả óng mượt. Nó chán cảnh đẻ không được nuôi con, hay muốn cảnh báo tôi điều gì?...

Dù đã ở vào tuổi cổ lai hy, nhưng sức vóc, trí nhớ, đặc biệt là sức làm việc của nhà văn xămđét Lê Văn Thảo không những không hề suy giảm, mà có vẻ như còn vượng hơn so với khi đang làm công tác quản lý. Minh chứng cho điều ấy là vào giữa năm nay, nhà văn vừa cho ra đời cuốn tiểu thuyết có tên Những năm tháng nhọc nhằn, viết về cuộc đấu tranh của học sinh, sinh viên trong vùng Mỹ ngụy tạm chiếm.

Trong những năm tháng khói lửa của chiến tranh, nhiều người viết nên những trang văn hấp dẫn vì nó nóng hổi bầu không khí của mặt trận tiền phương, mà những người không được trực tiếp tham chiến, sau khi đọc cảm thấy thèm được ra mặt trận như bao người. Những trang văn ấy, không những chiếm được lòng mến mộ của đông đảo công chúng, mà còn được đưa vào sách giáo khoa các cấp học để giáo dục tinh thần yêu nước, lòng quả cảm hy sinh của các chiến sĩ ngoài mặt trận vì độc lập tự do của đất nước, hòa bình cho dân tộc.

Thế nhưng khi cuộc chiến đã lùi xa dần vào quá vãng, cuộc sống trong hòa bình, dựng xây ngày càng đủ đầy hơn về vật chất, thì ngòi bút của chính những người ấy bỗng dưng bị khựng lại, không thể nào viết nổi. Nhiều người đã không thể nào lý giải được nguồn cơn của cái sự bỗng dưng khựng lại ấy. Nhưng nếu nhìn vào trường hợp nhà văn Lê Văn Thảo, không đến nỗi quá khó để chúng ta tìm ra câu trả lời cho nỗi băn khoăn ấy. Không cứ trong chiến tranh, mà ngay cả trong hòa bình, những ai sống cùng nhân dân, đồng bào và đất nước mình thì luôn tìm được cảm hứng cho những trang viết của mình. Những ai tự tách mình ra khỏi nhân dân, tìm nguồn vui trong chức quyền, mánh lới làm ăn hay cuộc say đầy tháng, trận cười suốt đêm (Truyện Kiều- Nguyễn Du), thì còn đâu tâm lực cho cảm hứng văn chương nữa. Với Lê Văn Thảo điều ấy hoàn toàn ngược lại, nên ông vẫn đầy ắp nguồn cảm hứng trong tâm hồn để viết nên những trang văn cho đời về cuộc sống của nhân dân, đồng bào và đất nước mình cho hậu thế.

Có lẽ đây là lằn ranh rõ nhất giữa một nhà văn lớn và những cây viết khác. Cuộc đời và sự nghiệp văn chương của nhà văn Lê Văn Thảo là bài học kinh nghiệm quí báu cho những người cầm bút cần phải biết chọn chỗ đứng cho riêng mình, chứ không phải bằng các chiêu trò nhằm khuấy động văn đàn như một số người vẫn thường làm.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Trong màu xanh Vàm Cỏ
Nhà văn Hào Vũ, sinh năm 1950. Quê quán: An Hải, Hải Phòng. Dân tộc: Kinh. Hiện thường trú tại 6/3 Cư xá phường 3, thành phố Tân An, tỉnh Long An. Vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 1984.
Xem thêm
Đỗ Thành Đồng và chuyển động đường thơ
Sau gần 15 năm đắm say đến điên cuồng với thi ca, nhà thơ Đỗ Thành Đồng, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Bình, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đã xuất bản 7 tập thơ.
Xem thêm
Chuyện tình khó quên của Trịnh Công Sơn
Bài viết của nhà thơ Lê Thiếu Nhơn
Xem thêm
Nhà văn Di Li: Tôi bị hấp dẫn bởi người đàn ông nhân văn, tử tế
Tôi nghĩ rằng, là người văn minh thì phải chấp nhận sống chung với sự khác biệt, tuy nhiên, sự khác biệt đó nếu không tốt, muốn người ta thay đổi thì mình sẽ góp ý. Và cách góp ý của mình cũng khá hài hước nên người nghe không mấy khi khó chịu.
Xem thêm
Người tốt trại Vân Hồ
Nhà văn Trung Trung Đỉnh, Giải A cuộc thi tiểu thuyết Hội Nhà văn, 1998 – 2000) với tiểu thuyết Lạc rừng. Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007.
Xem thêm
Nhớ nhà báo Phú Bằng
Đọc bác Phú Bằng từ lâu, khi tôi còn trực tiếp cầm súng ở Trung đoàn 174 Sư đoàn 5 thời chống Mỹ. Lúc ấy bác Phạm Phú Bằng là phóng viên báo QĐND được tăng cường cho báo Quân Giải phóng Miền Nam.
Xem thêm
Nhà văn - dịch giả Trần Như Luận với tác phẩm “Tuyển tập 12 truyện ngắn Anh - Mỹ kinh điển, lừng danh”
Tháng Sáu 2022, trên Báo Thanh Niên rồi Tạp chí Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam, nhà báo Hà Tùng Sơn và nhà phê bình văn học Vân Phi giới thiệu tác phẩm thứ 7 của nhà văn Trần Như Luận (TNL): tiểu thuyết Gương Mặt Loài Homo Sapiens. Trước đó, anh từng gây tiếng vang nhờ giá trị đáng kể của bộ tiểu thuyết Thầy Gotama và 8000 Đệ Tử dày tới 1.200 trang, trình làng năm 2014. Chúng tôi cũng biết tới cả trăm tác phẩm dịch của anh, cả thơ và truyện, xuất hiện trên các tạp chí Văn nghệ Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, Văn nghệ Quân đội, Non Nước, Sông Hương, v.v… Xuân Giáp Thìn 2024, nhà văn ra mắt một “dịch phẩm” hoàn toàn mới: Tuyển tập 12 truyện ngắn Anh – Mỹ kinh điển, lừng danh. Sách dày 320 trang, bìa bắt mắt. Sách được Liên hiệp các Hội Văn học-nghệ thuật Việt Nam thẩm định chất lượng và hỗ trợ kinh phí; NXB Hội Nhà văn cấp phép. Nhân một cuộc hẹn thú vị tại Quận 7, TP Hồ Chí Minh, trong một quán cà phê tao nhã, không bỏ lỡ cơ hội, tôi đã thực hiện cuộc phỏng vấn này.
Xem thêm
Nhớ anh Mai Quốc Liên
Bài viết của nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam
Xem thêm
Nhà văn Trầm Hương: Sứ mạng nhà văn là đi tìm những ẩn số
Hàng chục năm nay, nhà văn Trầm Hương (Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM) vẫn âm thầm theo dấu chân những anh hùng, người lính, mẹ liệt sĩ… để tìm nhân vật cho những trang sách của mình. Chị ghi dấu ấn đậm nét trong dòng văn học cách mạng hiện nay.
Xem thêm
Thương nhớ anh Duy
Tôi viết ra đây mấy lời tâm sự như thắp một nén nhang kính nhớ thương tiễn anh Duy về trời cùng đàn anh Lê Văn Thảo...
Xem thêm
Nhà văn Ann Patchett: Thời gian tuyệt vời nhất là ở trên máy chạy bộ và viết sách
Ann Patchett là nhà văn Mĩ, tác giả của 9 cuốn tiểu thuyết, 4 cuốn sách phi hư cấu và 2 cuốn sách dành cho trẻ em. Trong văn nghiệp, bà từng giành giải Orange cho Bel Canto, cũng như lọt vào danh sách chung khảo giải Pulitzer 2020 với cuốn Ngôi nhà của người Hà Lan. Gần đây bà đã cho ra mắt cuốn tiểu thuyết mới mang tên Tom Lake, và điều đặc biệt là nó được viết trên bàn đặt trên máy chạy bộ và lời khuyên về năng suất từ ​​Elizabeth Gilbert.
Xem thêm
Lê Minh Quốc và cuộc hành trình chữ nghĩa
Bài của nhà thơ Ngô Xuân Hội trên báo Văn nghệ.
Xem thêm
Nhà thơ Nguyễn Thành Phong: Với chữ nghĩa, tôi như người đang yêu
Gọi Nguyễn Thành Phong là nhà thơ, nhà văn, biên kịch hay cái danh mà mang nhiều nghiệp nợ nhất là nhà báo, thì viết gì, dù là kiếm sống, anh cũng phải cố ở mức tốt nhất theo ý mình thì mới cho là được. Với chữ nghĩa, Nguyễn Thành Phong ví anh như người đang yêu, càng bị “ruồng rẫy”, càng thấy không thể bỏ cuộc.
Xem thêm
Vũ Cao - “Núi Đôi mãi mãi vẫn là Núi Đôi”
Nói đến nhà thơ Vũ Cao không thể không nói tới bài thơ Núi Đôi.
Xem thêm