TIN TỨC
  • Lý luận - Phê bình
  • Lính bay - một hồi ký sống động, cuốn hút, một trang sử hào hùng và chân thực về Không quân Việt Nam

Lính bay - một hồi ký sống động, cuốn hút, một trang sử hào hùng và chân thực về Không quân Việt Nam

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2022-07-23 09:20:11
mail facebook google pos stwis
1843 lượt xem

Tập 1 hồi ký Lính bay của Trung tướng phi công Phạm Phú Thái ra mắt tháng 7 năm 2016 và tập 2 được trình làng đúng 2 năm sau đó. Đây là cuốn hồi ký hấp dẫn với nguồn tư liệu phong phú, sinh động về một thời oanh liệt của Không quân nhân dân Việt Nam và là một trong những cuốn sách được nhiều độc giả hăng hái tìm đọc. Trước khi giúp tác giả làm công việc “bếp núc” cho tập 2, nhà văn Kao Sơn là người được mời tham gia giao lưu trong buổi ra mắt tập 1 của cuốn hồi ký này. Nhân kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ, Văn chương TPHCM trân trọng giới thiệu dưới đây bài viết của ông từ nguồn Báo Văn nghệ.

KAO SƠN
(Đọc LÍNH BAY - Hồi ký của Trung tướng phi công Phạm Phú Thái - NXB HNV)

Tôi đọc "Lính Bay" cuốn hồi ký của Trung tướng không quân Phạm Phú Thái giữa lúc những câu chuyện liên quan đến những người lính không quân đã hy sinh anh dũng "Vì sự bình yên đất nước" trong hai chuyến bay SU-30 và CASA 212 vẫn còn vang vọng.


Nhà văn Kao Sơn tại buổi ra mắt hồi ký Lính bay, tập 1.

Chiến tranh, nhất là cuộc kháng chiến chống Mỹ của ta đã thực sự chấm dứt cách đây hơn 40 năm. Đã có nhiều tác phẩm văn học viết về cuộc chiến đó. Về binh chủng Bộ binh với những nhân vật là người lính trực tiếp cầm súng. Kế đó là những tác phẩm viết về binh chủng Hải quân mà nổi bật là viết về đoàn tàu không số. Viết về binh chủng hậu cần, về lực lượng thanh niên xung phong cũng không ít. Kể cả một lĩnh vực rất khó tiếp cận là Tình báo quân đội cũng đã có tiểu thuyết, có phim ảnh, có cả hồi kí của người trong cuộc. Nhưng viết về Binh chủng Không quân thì còn hạn chế. Sách viết về lực lượng này không nhiều. Phần vì các nhà văn khó có điều kiện tiếp xúc, tìm hiểu. Người trong cuộc thì không có thời gian hoặc không có khả năng viết.

Thực ra trước đây cũng đã có Vùng trời của nhà văn Hữu Mai. Tiếp là nhà văn Lê Thành Chơn với nhiều tập ghi chép, tiểu thuyết về không quân. Một số phi công trực tiếp chiến đấu cũng có sách viết kể lại những chiến công của mình và đồng đội như Đại tá Phi công, anh hùng LLVT Lê Hải với bút ký: Phi công tiêm kích. Phi công lái Mic 21 Nguyễn Công Huy với tự truyện "Tôi là phi công tiêm kích". Đặc biệt cuốn: Những cuộc không chiến trên bầu trời Việt Nam giai đoạn 1965-1975 của Trung tá Nguyễn Sỹ Hưng phi công tiêm kích của trung đoàn 921- Sao Đỏ ... đã đem lại cho người đọc cái nhìn khái quát về binh chủng Phòng không- Không quân, trong đó đặc biệt là Không quân, một binh chúng đặc biệt với đặc thù: Không có lần thứ 2 để sửa chữa sai làm khuyết điểm. Dẫu vậy, tất cả những cuốn sách trên, đọc xong độc giả vẫn cảm thấy còn thiếu một cái gì. Vẫn muốn được hiểu chi tiết hơn nữa, đầy đủ và toàn diện hơn nữa về chính những người trong cuộc. Điều này là dễ hiểu. Theo thông lệ từ nhiều năm nay, khi viết hoặc nói về những đơn vị, những con người anh hùng, chúng ta nhiều người vẫn thường chỉ đưa ra những khoảng sáng, áp đặt cái nhìn sự việc, sự vật qua ánh hào quang chiến thắng và ở đó điều toát lên được tuân thủ là tinh thần chỉ đạo: Ta nhất định thắng. Địch nhất định thua. Ta chính nghĩa cao thượng, luôn hào hiệp, thông minh tài giỏi, địch thì luôn hèn hạ ngu dốt. Thậm chí thời ấy nhiều người trong chúng ta hồn nhiên tin rằng Đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sỹ và trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ. Điều đó thật ấu trĩ nhưng cũng thật trong sáng, đáng yêu nếu không nói trong một chừng mực nào đó, trong lĩnh vực chính trị, tuyên truyền nó là cần thiết cho một bối cảnh hoàn cảnh cụ thể là đất nước đang có chiến tranh. Phải động viên tối đa. Hãy dừng nói đến những hy sinh mất mát, thua thiệt để tập trung động viên tinh thần chiến đấu. Hãy dừng không nói đến cái Tôi để tập trung cho mô tả cái Ta, cái Chúng ta. Mang một trái tim riêng lẻ, sợ sệt trong mình thì người lính làm sao có thể thắng quân địch hung hãn với những trang bị vũ khí tối tân hiện đại gấp trăm mình?!

Tất cả những điều đã nói trên lý giải cho việc cuốn hồi ký Lính Bay của Trung tướng không quân Phạm Phú Thái nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận.


Bìa Lính bay, tập 2.

Trước hết, Lính Bay được viết bởi chính người trong cuộc. Cách kể, ngắn gọn và súc tích như chính lối sống và tính cách giản đơn của một người lính. Sinh động và thật như sự thật của chính nó. Không tô hồng. Không khuếch trương. Có thế nào nói thế. Tác giả của cuốn sách: Một người lính đặc sệt đã viết câu chuyện của mình bằng chất văn lính đặc sệt. Nó hoàn toàn không gây lẫn với các sắc lính khác. Điều đáng chú ý nằm ở thông điệp mà cuốn hồi ký cùng tác giả Phạm Phú Thái muốn truyền tới bạn đọc: Cần nhìn nhận Lịch sử bằng những trang viết thực, những ghi chép thực và ghi nhận nó chứ không phải bằng những phán xét chủ quan. Và để thực hiện tiêu chí đó, Phạm Phú Thái đã không chỉ đưa vào trang viết của mình những chiến công, những trận đánh hào hùng, những thắng lợi đã vượt qua mà còn cả những gian khổ, khó khăn trong tập luyện, tiếp cận thiết bị, cùng những mất mát, hy sinh, những sai sót, cả những sai lầm trong chiến thuật.... của mình và đồng đội. Những so sánh buồn về tương quan lực lượng chiến trường giữa Ta và Địch, giữa tiềm lực quân sự giữa Nga và Mỹ... Thực tế đó được đưa vào " Lính bay" đã giúp người đọc hiểu thêm sự gian khổ hy sinh, nhận biết được cái giá của người lính phải trả, hiểu được cái giá thật của chiến thắng. Chúng ta sẽ không hiểu hết, không đánh giá được hết tầm vóc của chiến thắng nếu không hiểu được để có được chiến thắng đó chúng ta đã phải vượt qua, phải hy sinh những gì, không biết những góc khuất trong mỗi con người, mỗi sự kiện. Những khó khăn không làm cho chúng ta cảm thấy yếu thế hoang mang mà càng làm cho chiến thắng của ta vĩ đại hơn. Hiển nhiên là như vậy. Chiến thắng không tự dưng mà có. Chiến thắng cũng sẽ mất đi ánh hào quang chói lọi của nó nếu kẻ địch chỉ là một lũ ngu dốt, yếu kém, hèn hạ.

Và không chỉ có thế. Vượt lên khỏi một Hồi ký thông thường, ngoài việc cung cấp cho độc giả những kiến thức bổ ích về binh chủng, về thiết bị và những yếu tố đặc thù của không quân, của lính bay (giống một cẩm nang kỹ thuật, một cuốn sách tổng kết khinh nghiệm bay), cuốn sách đã trở thành một tác phẩm văn học thực thụ khi nó chú trọng khắc họa và đề cập khá chi tiết đến yếu tố con người. Một cậu bé còn ở tuổi quàng khăn đỏ đột ngột như cây non bị bão bất ngờ bứng khỏi mảnh đất quê kiểng dân dã, dứt khỏi vòng tay chăm sóc của bố mẹ, bạn bè để đặt vào môi trường khắc khổ nhất của những người lính. Cây non phải tự thích nghi. Con chim non phải tự mình tập luyện để bay được bằng chính đôi cánh của mình. Chàng trai trẻ chưa một lần biết đến sự rung động ngọt ngào qua những đụng chạm với người khác giới phải tự thích nghi, tự quên tuổi thanh xuân mình, tự vượt mình để thành một chiến sỹ chân chính. Con người làm ra cuộc chiến, vận hành cuộc chiến, giải quyết cuộc chiến, hưởng lợi đồng thời là nạn nhân của cuộc chiến. Bằng cách đưa ra những góc khuất, mô tả số phận riêng tư cùng những trăn trở riêng tư của nhiều nhân vật là đồng đội và của bản thân mình- Điều mà nhiều cuốn hồi kí khác không làm được do quên hoặc cố tình bỏ qua- Phạm Phú Thái đã làm cho cuốn hồi ký của mình trở nên chân thực hơn, gần gũi hơn, sống động và cuốn hút hơn. Một trang sử chân thật, dữ dội đã được tái hiện dưới dạng một tác phẩm văn học. " Lính Bay" không còn là hồi ức riêng của một người lính mà trở thành hồi ức của nhiều thế hệ, trở thành niềm tự hào của cả một dân tộc về một giai đoạn hào hùng nhất. "Lính Bay" sẽ là món quà đặc biệt không chỉ dành riêng cho những người lính không quân nói riêng mà cho toàn quân, toàn dân trong đó có thế hệ trẻ hôm nay.

"Chỉ mong sao con cháu tôi và thế hệ con em chúng ta chiêm nghiệm được điều gì đó cho riêng cho mình về cuộc sống cũng như ý thức chính trị với non sông”.

Ước muốn của Trung tướng nhà văn Phạm Phú Thái viết trong "Lính bay" đã và đang được thế hệ trẻ hôm nay ghi nhớ và thể hiện sống động qua hai vụ máy bay SU-30 và CASA 212 rơi. Mà không chỉ thế hệ trẻ. Cả dân tộc âu lo. Cả cộng đồng mạng nổi sóng. Cả xã hội bắt tay vào cuộc khắc phục hậu quả cùng bao tấm lòng đồng cảm chia sẻ. Mỗi mất mát đang được biến thành một liều thuốc kỳ diệu có sức mạnh gắn kết để cả dân tộc thành một khối. Tin rằng sự ra đời của " Lính Bay" cũng đã trở thành một vun đắp hữu hiệu cho sức mạnh đoàn kết đó! 

TP Hồ Chí Minh, tháng 7 năm 2016.


MỘT SỐ HÌNH ẢNH 2 LẦN RA MẮT LÍNH BAY 1 VÀ 2

Ra mắt Lính bay 1, ngày 23/7/2016

Chuẩn bị cho lần 2


Ra mắt Lính bay tập 2, ngày 21/7/2018

Bài viết liên quan

Xem thêm
Tìm hiểu lý luận phê bình văn học miền nam 1954-1975
Đọc chuyên luận Lý luận - Phê bình văn học miền Nam 1954-1975: Tiếp nhận & Ứng dụng của PGS.TS Trần Hoài Anh
Xem thêm
PGS.TS Ngô Minh Oanh - phu chữ âm thầm
Bài viết của nhà thơ Ngô Đức Hành
Xem thêm
Đinh Nho Tuấn, trao em một mảnh vô thường
Ngô Đức Hành đọc tập thơ “Năm ngón chưa đặt tên”, NXB Hội Nhà văn năm 2024 của nhà thơ Đinh Nho Tuấn
Xem thêm
Miên man Xuân Lợi
(Đọc tập thơ Nghiêng phía miên man của Xuân Lợi, NXB Hội Nhà Văn, 2024)
Xem thêm
Trăng Lạnh” và một trái tim ấm áp
“Trăng lạnh”, tập thơ mới nhất của nhà thơ Trần Thế Tuyển đến với tôi như một một món quà tặng của người anh “đồng đội”, như một sự chia sẻ cảm xúc của người yêu văn thơ, để cùng ngân nga lọc tìm những câu thơ đẹp, để có những khoảnh khắc lắng đọng chiêm nghiệm nhân gian thế sự, để càng trân quý hơn cuộc sống, tình yêu và sự thanh bình…
Xem thêm
“Những nẻo đường sáng tạo thơ ở một số thi sĩ Việt Nam nổi tiếng thời hiện đại”
Nhà phê bình văn học là người có tâm hồn giao cảm mãnh liệt với từng lời văn, con chữ và những giai điệu du dương của thơ ca. Họ đã có những cảm nghiệm sâu sắc giữa thơ văn và đời mình. Với họ, mỗi tác phẩm văn học không chỉ là một tư tưởng cần được khám phá mà còn là một thế giới sống động, nơi những dòng chữ biết thủ thỉ cùng tâm hồn.
Xem thêm
Bùi Việt Mỹ - Nhà thơ của bức họa ngoại thành thủ đô
Tôi nhớ đầu năm 1991, Bùi Việt Mỹ về làm Chánh văn phòng Hội Văn Nghệ Hà Nội. Lúc ấy nhà thơ Vũ Quần Phương làm Chủ tịch Hội. Sau đó, nhà thơ Vũ Quần Phương chuyển sang làm Tổng Biên tập báo Người Hà Nội, nhà văn Tô Hoài trở về làm Chủ tịch Hội, cho đến năm 1996, khi nhà thơ Bằng Việt đang công tác ở Ủy ban Thành phố được bầu làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội. Văn nghệ Hà Nội có 9 hội chuyên ngành tới hiện giờ.
Xem thêm
Đi tìm đôi mắt theo suốt đời người
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TPHCM
Xem thêm