TIN TỨC

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư: “Tôi sợ chữ nghĩa của mình là vô ích”

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng: 2023-12-31 23:58:10
mail facebook google pos stwis
538 lượt xem

5 năm sau Cố định một đám mây, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư tái ngộ độc giả với tập truyện ngắn mang cái tên cô đọng và đầy sức gợi: Trôi. Dịp này, chị dành cho phóng viên một cuộc chia sẻ. Vẫn là Nguyễn Ngọc Tư với phong thái được nhiều độc giả yêu mến: chân thành, giản dị, khiêm cung và sâu lắng.

Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tư

Trong lĩnh vực nghệ thuật, bất kỳ ai cũng đều phải vượt qua con số 3 – tức là đứng vững và tạo dựng được phong cách riêng sau 3 tác phẩm/triển lãm mới có thể đi đường dài. Thực tế cho thấy không ít người làm sáng tạo hoặc thất bại ngay từ đầu hoặc thành công đến quá sớm và rực rỡ, không thể vượt qua. Nói như vậy để thấy công việc sáng tạo luôn đầy khắc nghiệt: đòi hỏi người làm sáng tạo phải luôn mang đến những điều mới mẻ đồng thời tạo dựng được dấu ấn riêng. Đó không chỉ là thử thách mà còn là một nỗi sợ, dẫu vô hình nhưng luôn chực chờ nuốt chửng.

Cách để giải “lời nguyền”, chính xác hơn là vượt qua được những cơn khủng hoảng của bản thân, không gì khác ngoài đọc nhiều, học nhiều và đủ dũng khí bước ra bằng lao động chữ nghĩa kiên trì, miệt mài. Viết là một hành trình cực nhọc. Người đọc nhiều chưa hẳn đã viết hay nhưng muốn viết và nuôi dưỡng sáng tạo, bên cạnh đi và quan sát, cần phải đọc.

“Tôi đọc đủ thứ, cả những dòng văn chương quá tầm với của mình. Thú thật, có nhiều tác giả tôi đọc mà cảm giác họ thuộc về một thế giới khác. Khi tiếp cận đa dạng, mới thấy thế giới văn chương mênh mông đa hình dạng. Cuốn sách tôi không thích không có nghĩa nó không hay” – nhà văn Nguyễn Ngọc Tư

Nguyễn Ngọc Tư đã không ngừng thử nghiệm và làm mới để có một cuộc “đào thoát” ngoạn mục khỏi “cánh đồng” định danh chị. Giọng văn của chị ở những tác phẩm giai đoạn sau này, từ Gió lẻ, vẫn man mác, đậm dư vị miền Tây nhưng ý tứ chuyển tải đã lớn hơn lớp vỏ bề ngoài rất nhiều. Nó không chỉ chạm đến những số phận nhỏ nhoi, quẩn quanh mà còn là sự nối kết trùng trùng, là sự minh triết trong cái phi lý và tạo ra những vùng không gian rộng lớn, cả về ký ức lẫn chiều sâu tâm tưởng.

Có lẽ vậy nên những người yêu thích Nguyễn Ngọc Tư hồn nhiên của thuở ban đầu sẽ bớt thích chị đi một chút, sẽ có so sánh lẫn tiếc nuối giữa “Tư này” và “Tư kia”. Nhưng suy cho cùng, một nhà văn viết có ý thức làm sao có thể đứng yên, chứ đừng nói là đi thụt lùi bởi điều đó đồng nghĩa với sự phản bội người đọc. Và nếu chọn thỏa hiệp để bảo toàn ma lực của sự ái mộ, có lẽ Nguyễn Ngọc Tư đã không còn giữ được sự tò mò, không được chờ đợi và đón nhận nồng nhiệt đến thế mỗi lần in sách mới, dẫu đôi khi chị làm một “cú lặn” rất dài.

Trí tưởng tượng của người viết là điều quan trọng

* Phóng viên: Những khảo sát về sự thay đổi trong lối sống hậu đại dịch đã chỉ ra, con người đang có xu hướng chọn hình thức “du mục” nhiều hơn. Nghĩa là, thay vì chôn chân một chỗ, người ta vẫn có thể làm việc ở một nơi nào đó trên thế giới; đồng thời đi đó đây. Việc chọn cái tên Trôi làm chủ đề cho tác phẩm lần này là một sự tình cờ hay chính bên trong chị cũng có sự chuyển dịch, về tư duy và cả cách sống?

– Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư: Thật ra trước giờ tôi viết về trôi nổi suốt đó chứ. Luôn có ai đó muốn bỏ đi, luôn có ai đó cảm thấy bất định. Tôi chỉ làm đậm nét hơn trong cuốn sách này. Chỉ là đã đầy, đã đến lúc. Nhưng tôi cũng không chắc sau trôi này đã hết trôi chưa (cười). Có những chủ đề như máu thịt của một nhà văn, nó sẽ lặp đi lặp lại, ẩn hiện ở đâu đó, kể cả khi có cố ý kiểm soát.

* Ở Cố định một đám mây, thứ cố định là chính bản thân mỗi người, hướng về hy vọng và những giá trị tốt đẹp. Đến Trôi, mọi thứ đều dịch chuyển không ngừng, đây phải chăng mới là quy luật của sự vận hành trong đời sống?

– Dịch chuyển trong khuôn khổ thôi. Tự do cũng vậy. Thật ra trong Trôi, các nhân vật tưởng như nổi nênh nhưng đều mắc kẹt bởi thứ gì đó, hữu hình hoặc vô hình. Ý tưởng khởi phát của cuốn sách này là đi, mà viết nửa chừng tôi thấy nó bẻ sang một hướng khác, là mắc kẹt.

* Xã hội ngày càng văn minh, vai trò và vị thế của phụ nữ cũng dần có sự thay đổi. Vậy nhưng trong truyện của chị, nỗi buồn vẫn man mác, dây dưa không dứt. Thân phận con người ở nông thôn vẫn vậy, đặc biệt là phụ nữ – vẫn là nạn nhân của đủ thứ. Vì sao vậy?

– Họ cũng là nạn nhân của chính mình, tôi nghĩ vậy. Cái sự ý thức mình là phụ nữ làm mọi thứ xoay quanh họ trở thành mặc định. Kiểu như mình là phụ nữ nên nấu nướng quét dọn hay mình là đàn bà nên nhỏ nhặt vụn vặt. Nhìn thấy váy áo bè bạn đẹp hơn mình là buồn rồi, nói chi…

* Thể nghiệm khiến tác phẩm của chị trở nên khó đọc, đôi khi làm mất đi giọng điệu quen thuộc đã từng định hình nên Nguyễn Ngọc Tư và cho thấy quá nhiều dụng công kỹ thuật. Chị có nghĩ sự đổi mới đã vô tình làm mất đi sự hồn hậu vốn có trong tác phẩm và màu sắc văn chương Nguyễn Ngọc Tư?

– Giờ thì đâu còn là vô tình nữa (cười). Thể nghiệm càng không, tôi nghĩ giai đoạn đó qua rồi. Nhưng lúc này, việc viết có ý thức khiến tôi có cảm giác mình là nhà văn. Tôi tự tin hơn một chút. Trước đây, dẫu có chút thành tựu, tôi vẫn chỉ là người viết sách. Nhà văn và người viết khác nhau. Tôi tin một nhà văn chỉ đánh mất mình khi dễ dãi cày bừa mãi trên một mảnh đất hẹp, chai cứng. Tôi không muốn mặc định mình với bất cứ thứ gì, không riêng trong việc viết.

* Làm sao để thoát khỏi tẻ nhạt, để phát hiện thêm những thứ mới mẻ, nói rộng ra là không để chính mình mắc kẹt trên mảnh đất đã cày đi xới lại nhiều lần?

– Tôi nghĩ trí tưởng tượng của người viết quan trọng. Đi xa hay không, bền nghề hay không là nhờ nó. Giàu tưởng tượng, mình không cần dựa dẫm, chắt mót hiện thực nữa. Tưởng tượng cũng khiến mình mở lòng với những dòng văn chương khác biệt.

* Trong một bài chia sẻ gần đây về việc viết, chị chọn tiến trình viết tự nhiên thay vì nghiêm cẩn kiểu ngồi vào bàn lúc mấy giờ, mỗi ngày phải viết được bao nhiêu trang. Đó là cách nuôi dưỡng sáng tạo theo cảm hứng hay là trạng thái thiền khi viết (tức là không ép buộc bản thân, chỉ viết khi cảm thấy thoải mái)?

– Việc ngồi vào bàn đúng giờ mà ý tưởng, câu chuyện chưa chín trong đầu thì vô ích, với tôi là vậy. Những lúc ấy, con chữ mình gõ ra cảm giác sống sít kiểu gì. Cảm hứng thôi là chưa đủ, còn phải chuẩn bị tốt, nghĩ nhiều, sắp soạn nghiêm túc về thứ mình sắp viết. Văn chương mà theo chỉ tiêu, tôi sợ thiếu tự nhiên. Nhà văn, nói cho cùng, không phải là máy viết.

* Thông thường trong một cuộc gặp với một nhà văn, ký giả sẽ hỏi “Anh/chị đang viết gì?”. Với chị, câu hỏi này có là một loại áp lực?

– Tôi hay đùa câu đó kiểu như thăm dò sự sống (nhà văn). Với những người không viết được nữa vì lý do nào đó, câu hỏi gây đau. Cả khi đang sung sức, đó là một câu hơi khó trả lời. Ở trạng thái “đang”, những gì ta viết đều không chắc chắn sẽ thành. Viết xong còn chưa chắc là xong.

Từng viết dưới bóng của nỗi sợ

* Nhiều cây bút không dám đọc nhiều bởi họ sợ chịu ảnh hưởng, dù là vô thức, từ những điều đã đọc. Giữa việc đọc nhiều và vẫn giữ cho bản thân một giọng văn riêng, xuyên suốt có phải là một thử thách?

– À, lý lẽ này nghe có mùi ngụy biện (cười). Với người viết, đọc là học. Tôi nghĩ không đọc khó mà đi xa. Chuyện đồng dạng mình với ai đó, biến thành bản sao chính xác không sống sượng cũng cần có tài năng, không phải dễ.

* Việc đọc, với chị, có mục tiêu nào hay chỉ là một sự lựa chọn ngẫu nhiên hoặc vì một sự chi phối nào đó, chẳng hạn tác giả nọ vừa đoạt giải thưởng lớn hay đang có sức ảnh hưởng trên văn đàn?

– Tôi chỉ đọc những gì tôi nghĩ mình học được gì đó. Thuần túy văn chương. Khá đông người đọc và cả một số giải thưởng đều không đặt ưu tiên văn chương lên hàng đầu. Nếu sự đọc của tôi có trùng với đám đông thì chắc tôi cũng quan tâm, cũng “hóng” tác phẩm đó rất lâu.

* Đã có thời điểm nào việc đọc khiến chị bị choáng ngợp, không thể đọc bất cứ thứ gì khác hoặc tự vấn tại sao người ta có thể viết hay như thế?

– Nhiều chứ. Tôi từng thổ lộ mình viết dưới bóng của nỗi sợ. Tôi nghĩ ai từng bước lần ra khỏi đáy giếng cũng vậy. Sợ chữ nghĩa của mình là vô ích. Sợ thế giới mênh mông ngoài kia, đã định hình sẵn cả khi mình chưa tới.

* Hiện tại, chị đang đọc gì?

– Tôi đọc từ điển. Bao giờ cũng vậy, lúc viết xong hoặc chuẩn bị viết gì đó mới, tôi lại đọc từ điển, lượm lặt những từ mới. Có những từ đẹp đến nỗi tôi muốn viết cả câu chuyện cho riêng nó.

* Đọc để chấm giải một cuộc thi và đọc cho riêng mình, đầu chị có bật lên trạng thái phân biệt giữa làm việc, cần sự khách quan và chế độ “tận hưởng” để thu nhận?

– Nếu đọc được thứ văn chương khiến tôi có thể “tận hưởng”, chắc phải là tác phẩm khá lắm. Cho điểm cao một tác phẩm khá, thì tôi – người đọc – cũng không có gì khác biệt với tôi – giám khảo. Tôi không tin có sự khách quan trong chấm giải bởi cái nhìn vào tác phẩm của mỗi giám khảo đều có sự chủ quan cá nhân trong đó. Giám khảo không phải cỗ máy. Quan trọng là giám khảo có mở lòng với những tác phẩm có phong cách viết khác biệt với gu mình. Anh có thể không thích nhưng anh phải công nhận nó hay.

Viết để cất tiếng nói của mình với cuộc đời

* Tôi biết chị không thích đưa ra nhận định, đánh giá. Nhưng ở góc nhìn của chị, từ những tác giả trẻ tiềm năng ở các cuộc thi viết lách, một số người mãi không bật lên được thành những tác giả có sức ảnh hưởng, lý do là gì?

– Ở hội nghị viết văn trẻ gần đây, vài bạn viết trẻ cứ băn khoăn chuyện mình bị cản trở bởi kiểm duyệt, bởi biên tập viên, bởi nhà xuất bản hay bởi truyền thông như thể chuyện chìm nổi của người viết trẻ phụ thuộc vào những yếu tố đó. Nhưng, các bạn quên cảnh giác một kẻ vô cùng nguy hiểm – là chính bản thân. Các bạn tự làm mình bốc hơi trên mạng xã hội, tự chìm mình vào biển kết giao, nhấp nhổm nghe ngóng khen chê, tự hài lòng với bầu trời trên miệng giếng.

* Thị trường xuất bản Việt Nam quá nhỏ để tác giả sống được bằng nghề. Theo chị, đó có phải là một trong những lý do khiến nhiều tài năng không mấy mặn mà với việc viết lách?

– Người khác thì tôi không rõ, với tôi, viết khởi thủy từ nhu cầu khác, không phải kiếm tiền. Tôi viết để cất tiếng nói với cuộc đời. Nói cái đã, kiếm sống là việc sau đó. Nếu anh thật sự có tài năng văn chương, việc viết là nhu cầu nằm ngoài những lý do mang tính vật chất. Tôi tin vậy.

* Mỗi khi có một tác giả nào đó, đặc biệt là tác giả gốc Việt như trường hợp Ocean Vuong đoạt giải thưởng thơ ca/văn chương, người ta lại bàn đến việc ươm mầm cho những tài năng viết lách trẻ của Việt Nam. Thực tế thì giấc mơ ấy nhiều năm qua vẫn cứ dang dở. Nguyên nhân từ đâu, thưa chị?

– Chắc phải tính từ ông trời (cười). Chính ông cụ ấy mới có quyền năng tạo mầm, chọn hạt. Đến giờ, tôi vẫn không nghĩ tài năng văn chương cần người ta xúm lại chăm ươm. Nếu việc học trong những trường dạy viết văn chương có tác dụng thì thế giới đã lủ khủ những nhà văn hàng đầu. Song, tình thế thì như ta thấy. Tôi nghĩ, một tài năng đặc biệt như Ocean Vuong tự anh ta sẽ phát tiết. Tỏa sáng chỉ là chuyện sớm hay muộn.

* Người ta thường có xu hướng thân cận/có cảm tình với những người cùng quan điểm/chí hướng với họ. Chị thì khác. Chị đặc biệt khuyến khích sự đa dạng trong văn chương và không hề ưu ái cho những cây bút có hơi hướm viết giống phong cách của chị. Giữ được sự trung lập đã khó, khuyến khích sự khác biệt càng khó hơn. Chị có nghĩ như vậy?

– Như tôi có lần nói, tôi đọc đủ thứ, cả những dòng văn chương quá tầm với của mình. Thú thật có nhiều tác giả tôi đọc mà cảm giác họ thuộc về một thế giới khác. Khi tiếp cận đa dạng, mới thấy thế giới văn chương mênh mông đa hình dạng. Cuốn sách tôi không thích không có nghĩa nó không hay. Đọc các bạn viết trẻ có phong cách viết giống mình, tôi sốt ruột lắm, nghĩ mình bỏ đi lâu vậy, mà giờ các bạn mới tới được cái chỗ tôi bỏ lại đằng xa ấy, có vẻ chậm quá.

* Cảm ơn chị đã chia sẻ.

HOÀNG LINH LAN (thực hiện)

Báo Phụ Nữ TP HCM

Bài viết liên quan

Xem thêm
Gừng càng già càng cay
Nhà thơ Ngô Xuân Hội viết về nhà thơ Nguyễn Tùng Linh
Xem thêm
Nhà lý luận phê bình Trần Hoài Anh và sự dấn thân với ‘di sản văn học miền Nam’
Đây là Chuyên luận với nhiều trữ lượng thông tin quý và bổ ích về di sản văn học miền Nam 1954 -1975, với độ dày gần 600 trang. Tập sách được đầu tư, nghiên cứu kỹ lưỡng, nghiêm cẩn, khai mở nhiều thông tin hay và có giá trị.
Xem thêm
Thi ca điểm hẹn: Nguyên Hùng ký họa thơ và nhạc
Chương trình của VOH, Đài tiếng nói Nhân dân TP. Hồ Chí Minh
Xem thêm
Lâm Xuân Thi và những vần thơ mang nhiều nỗi niềm suy tư, trắc ẩn!
Bài viết của nhà văn nhà phê bình Nguyễn Văn Hòa
Xem thêm
Phạm Phương Lan và những câu thơ Nút ra từ đá
| “Nứt ra từ đá” (thơ song ngữ Việt - Anh, NXB Hội Nhà văn 8/2024) là tập thơ thứ bảy của nhà thơ Phạm Phương Lan (SN 1973, quê Hà Tĩnh; Hội viên Hội Nhà văn TPHCM). Trước đó, từ năm 2008, độc giả biết đến chị qua những tập thơ như: “Không là gió mây”, “Góc trọ hồn người”, “Khâu tình”, “Mật ngữ em” v.v... và một số ca khúc được phổ nhạc từ thơ của chị...
Xem thêm
Dấn thân vào con đường văn chương
Ở tuổi 80, nhà thơ Trần Nhuận Minh sáng tác và xuất bản sách nhiều hơn bất kỳ thời điểm nào trong cuộc đời ông.
Xem thêm
Nhà văn Xuân Phượng đi và đến...
Bài viết của nhà thơ Văn Công Hùng trên Người đưa tin
Xem thêm
Phùng Quán – Người đặc biệt nhà số 4
Đối với anh em Văn nghệ Quân đội, nhà thơ Phùng Quán là một trường hợp rất đặc biệt.
Xem thêm
“Khắc đi… khắc đến” - Bước chân của một nghị lực phi thường
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, số 139, ngày 05/9/2024.
Xem thêm