TIN TỨC

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư: Viết dưới bóng những nỗi sợ

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
1672 lượt xem

 

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, trong những ngày giãn cách vừa qua, có một cuộc giao lưu với bạn đọc trên fanpage của Nhà xuất bản Trẻ. Nhiều câu hỏi thẳng thắn đã được tác giả của “Cánh đồng bất tận” đáp lại, cho thấy quan niệm và nghĩ suy của chị về nghề văn, nghiệp viết. Với Nguyễn Ngọc Tư, thời điểm dịch bệnh này, mọi thứ ập vào, choáng ngợp nhưng giống như trái xanh cần thời gian để chín, văn chương cũng cần một khoảng lùi nhất định, để kết thành tác phẩm.


Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư.

Chừng nào chưa vào khuôn thì còn lớn rộng ra

* Có nhiều ý kiến cho rằng đại dịch không hẳn là trở ngại mà còn là cơ hội, nhất là với nhà văn, khi đặt ra những vấn đề xã hội lớn nhiều bức bối, tiềm năng nhiều đề tài sâu rộng. Văn học Việt Nam hình như chưa có tác phẩm lớn vì chưa có sự kiện lớn, thì đây là dịp để các tác phẩm lớn ra đời. Chị nghĩ sao về ý kiến này? Và chị có dự định viết về đại dịch để chia sẻ góc nhìn của mình không? (bạn đọc Phat Duong&Jun Nht)

– Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư: Tôi còn không ý thức cái gọi là “tác phẩm lớn”. Mỗi khi tôi thấy cụm từ này là tôi thêm hai chữ “hội chứng” ở đằng trước. Hội chứng tác phẩm lớn. Sao thì gọi là lớn? Don Quixote lớn không, Con lừa và tôi lớn không? Những tác phẩm của Modiano không dịch bệnh cũng không chiến tranh vệ quốc không Lò Thiêu, gọn gàng trăm ngoài trang giấy, những cuốn sách ấy lớn không? Tôi chỉ quan tâm, để ý chuyện hay/dở, và tin rằng báo chí mới cần sự kiện lớn. Văn chương thì không. Văn chương có đề tài lớn lao là con người, bao nhiêu nhà văn viết cả ngàn năm đã hết chuyện đâu.

Dịch bệnh cho ta thấy con người mong manh cỡ nào, cuộc sống bất định cỡ nào, nhưng đó chẳng phải là bản chất của cuộc đời sao, dịch bệnh chỉ là một tín hiệu quá rõ. Tôi nghĩ người viết không cần đợi mọi thứ quá rõ ràng như vậy, họ cũng nên tự tìm nguyên liệu, trồng cấy, lai giống, đưa ra những giả định, chứ không thụ động đợi dọn lên mâm. Mà tôi thấy, đâu có dễ ăn, còn tùy vào tài năng.

Nhân loại đã trải qua bao nhiêu lần dịch bệnh nhưng những cuốn sách viết về nó thực sự hay chỉ đếm trên đầu ngón tay. Những lúc này, mọi thứ tung tóe ra đó, ập vào, choáng ngợp nhưng giống như ta không thể xem một bức tranh lớn ở khoảng cách quá gần, giống như trái xanh cần thời gian để chín, văn chương cũng cần một khoảng lùi nhất định. Cái gì còn lại sau khi thời gian mài mòn ấy, thì chính là cái mình sẽ viết. Giờ thì tôi không biết được.


Một số tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư.

* Chị Tư nghĩ sao khi một độc giả thường xuyên theo dõi chị mà cảm xúc của họ khi đón nhận một tác phẩm mới của chị không còn là một niềm hứng khởi, thay vào đó là sự hoài nghi ít nhiều cho tác phẩm cầm trên tay. Trong đầu họ luôn đặt câu hỏi liệu cuốn này cái chất mộc và cái riêng của tác giả còn như lúc ban đầu hay đã đi theo sự thay đổi nhanh chóng của đời sống xã hội nếu không biết “giữ lấy mình”? (Hữu Hà)

– Tôi cũng vậy hoài, lần lữa bên một tựa sách mới của tác giả mà mình từng dõi theo, sợ cuốn này không bằng mấy cuốn mình từng đọc trước. Chúng ta hay có kỳ vọng vào người khác, không chỉ riêng vào nhà văn mà còn vào con cái, bạn bè, cả màu sơn của bưu điện (sao nó không vàng rơm mà xanh lè).

Thật may, ngoài là người đọc, tôi còn viết, nên hiểu được tại sao Gabriel García Márquez vẫn viết những cuốn sách mà chính ông cũng biết sẽ không vượt qua được “Trăm năm cô đơn”. Hay như Ry Murakami, một nhà văn Nhật mà tôi quan tâm, cũng có cuốn vầy cuốn khác.

Nhưng tôi nghĩ những thứ tôi không thích thì không phải do nó sai, chỉ là có thể không dành cho mình. Sau khi thông suốt, tôi thấy những nhà văn ấy thật dũng cảm, thuận tự nhiên và tuyệt đối tự do khi không đóng khung chính mình vào một khuôn khổ nào hết. Chừng nào chưa vào khuôn thì còn tràn ra, lớn rộng ra, còn giãn nở.

Một nhà văn mà người đọc không chút hồ nghi nào, dễ dàng đoán được phong vị một cuốn sách của ông/bà ấy ngay khi chưa mở nó ra, thì người đó thật bất hạnh, tôi tin vậy. Đòi hỏi của người đọc là vô cùng nhưng cũng thật chật chội theo phương diện nào đó. Nhiều người bị/hoặc tự đóng đinh chính mình, nhưng Chúa thì chỉ một.

Hiện thực ngổn ngang nhưng không đủ

*Tác giả cho cháu hỏi, đối với một người viết còn chưa trưởng thành, thì những yếu tố nào là quan trọng và cần học hỏi nhiều nhất. Mong được tác giả trả lời. (Minh Tâm)

– Kể chuyện cho trôi chảy, hành văn tốt, tích trữ từ ngữ nhiều, cho thật phong phú. Bởi tả rộng không chỉ có “mênh mông”, tả một người buồn cũng không cần thiết phải dùng chữ “buồn”. Có nhiều tác giả không xuất sắc lắm, nhưng đọc dễ chịu chính là vậy, mà người trong nghề gọi là “viết sạch sẽ”. Mấy thứ đó chỉ cần đọc nhiều và để ý là sẽ có. Đọc cũng là làm việc, là học. Đến giờ cô cũng còn ghi lại những câu hay, chữ lạ mà mình đọc được đâu đó. Cách kể cũng quan trọng, thí dụ như có vụ đánh nhau, nhưng bà bán cá vào đầu bằng “rồi xong, một thằng lọi cẳng, thằng kia gãy 14 cái răng”, rồi mọi người hỏi tới, bà mới kể chi tiết. Nhưng ông xe ôm kể kiểu “hồi tối, lúc 7h, ở ngã ba gì đó, lúc đó tui chở khách đi ngang, có vụ đánh nhau”… Thì ông xe ôm thua. Mình có khiếu kể chuyện không, nhìn vào mặt bạn bè là biết. Và kể chuyện bằng lời thì cũng giống như bằng chữ vậy.

Quan trọng, đừng kể cái chuyện mình sắp viết với ai, mạng xã hội hay bạn bè. Một khi bạn kể ra, thì đã triệt tiêu gần hết ham muốn viết. Không nói được thì mới dồn hết lực viết ra, chứ nói ra được thì nhẹ người quá, còn thiết gì.

* Cháu thích truyện của cô, cả về mặt nội dung lẫn lối diễn đạt, chính văn phong vừa lạ vừa sâu của cô đã ảnh hưởng rất nhiều trong lối viết của cháu. Và hình tượng nhân vật ấn tượng nhất với cháu là các nhân vật người phụ nữ, đa số trong các truyện ngắn của cô đều tồn tại dáng hình những bà mẹ, những cô gái đậm chất miền Tây. Dù mỗi câu chuyện là một tình huống riêng, một số phận riêng, nhưng ở họ bao giờ cũng có sự dung hòa giữa đức hi sinh, sự nhẫn nhịn, cần mẫn của người phụ nữ Việt, cũng vừa can trường mạnh mẽ, dám ước mơ, dám yêu và dám chấp nhận mọi chuyện. Ngay cả khi cô viết về cái chết cho nhân vật, cháu chỉ thấy đau vì cuộc đời mà họ đã sống, chứ không đau vì cái chết của họ. Những con người ấy, nếu được nhận xét, cháu chỉ có thể nói rằng là những con người mang nỗi đau không ứa ra thành lệ, tất cả như ứ dồn bên trong, đến tả tơi, đến mục ruỗng, nhưng bề ngoài, họ vẫn thường thường vậy thôi… Thế thì những nhân vật như vậy, cô đã lấy cảm hứng từ đâu, và nếu như đó là từ nhựa đời, vậy liệu những con người thật ấy họ nay ra sao, có bi kịch như nhân vật trên trang sách hay không? (Nguyễn Thu Hương)

– Không may là không có những nguyên mẫu thật, nên cô cũng không biết họ giờ đã bớt khổ hơn chưa (Cười). Cô toàn hình dung họ thôi, và dùng những con người đó chuyển tải ý tưởng của mình. Đầu tiên là ý tưởng, sau đó cô chọn cách kể, sau đó mới là nhân vật, cần bao nhiêu người vào câu chuyện này, tính cách họ ra sao, là do cô tưởng tượng, xếp đặt. Họ có thể giống chị a cô b mà bạn biết, thì cũng là tình cờ.

Hồi trước, cô có thể viết bởi cảm hứng từ bài hát, từ một câu trong kịch, hay từ một đoạn thơ. Nhưng qua cái giai đoạn viết bản năng đó, cô thôi dựa dẫm, tìm hứng thú từ bên ngoài. Một khi việc viết vào trật tự, kỷ luật, thì sẽ bớt đi cái gọi là cảm hứng hay tùy hứng. Hiện thực ngoài kia coi ngổn ngang vậy nhưng đâu có đủ, bởi không phải chất liệu nào cũng đưa vào văn chương được, lại thêm những vùng cấm cô tự đặt ra cho mình (ví dụ như không viết theo đề tài nóng sốt, đang thịnh hành, ví dụ của ví dụ này là dịch bệnh, chẳng hạn). Thiếu đâu thì cô lấy trí tưởng tượng bù vào đó.

Ngôi sao lớn nhất không sáng thay cho những ngôi sao khác

* Có bao giờ chị Tư đọc một tác phẩm văn học nào đó xong rồi cảm thấy không muốn viết nữa vì tác giả mình vừa đọc xong đã viết quá hay rồi và cảm giác những điều mình từng viết hoặc dự định viết thật là dư thừa khi đứng trước tác phẩm của tác giả này. (Phiên An)

– Chuyện này có lần tôi than rồi, rằng tôi luôn viết dưới bóng những nỗi sợ. Trèo càng gần miệng giếng, tiếp cận nền văn học thế giới, càng ngộp thở. Thật là cũng có lúc thấy mình chẳng nên viết chi nữa, bỏ bút cho rồi, mình cố lắm thì chẳng là gì, chẳng tới đâu. Nhưng tôi lại có chuyện muốn kể quá, những ý tưởng lại dấy lên trong đầu. Những nhà văn “khủng” mà tôi thần phục sát đất ấy, mấy ông không viết thay tôi câu chuyện này được. Họ có những câu chuyện của họ. Giống như sao trên trời, ngôi sao lớn nhất không sáng thay cho những ngôi sao khác, mỗi chúng đều có ánh sáng riêng. Tôi nghĩ tự tắt đi ánh sáng của chính mình vì sợ hãi thì thật là hèn nhát, và không thật tự nhiên.

Thư Hoàng/Đại đoàn kết

 

Bài viết liên quan

Xem thêm
Gừng càng già càng cay
Nhà thơ Ngô Xuân Hội viết về nhà thơ Nguyễn Tùng Linh
Xem thêm
Nhà lý luận phê bình Trần Hoài Anh và sự dấn thân với ‘di sản văn học miền Nam’
Đây là Chuyên luận với nhiều trữ lượng thông tin quý và bổ ích về di sản văn học miền Nam 1954 -1975, với độ dày gần 600 trang. Tập sách được đầu tư, nghiên cứu kỹ lưỡng, nghiêm cẩn, khai mở nhiều thông tin hay và có giá trị.
Xem thêm
Thi ca điểm hẹn: Nguyên Hùng ký họa thơ và nhạc
Chương trình của VOH, Đài tiếng nói Nhân dân TP. Hồ Chí Minh
Xem thêm
Lâm Xuân Thi và những vần thơ mang nhiều nỗi niềm suy tư, trắc ẩn!
Bài viết của nhà văn nhà phê bình Nguyễn Văn Hòa
Xem thêm
Phạm Phương Lan và những câu thơ Nút ra từ đá
| “Nứt ra từ đá” (thơ song ngữ Việt - Anh, NXB Hội Nhà văn 8/2024) là tập thơ thứ bảy của nhà thơ Phạm Phương Lan (SN 1973, quê Hà Tĩnh; Hội viên Hội Nhà văn TPHCM). Trước đó, từ năm 2008, độc giả biết đến chị qua những tập thơ như: “Không là gió mây”, “Góc trọ hồn người”, “Khâu tình”, “Mật ngữ em” v.v... và một số ca khúc được phổ nhạc từ thơ của chị...
Xem thêm
Dấn thân vào con đường văn chương
Ở tuổi 80, nhà thơ Trần Nhuận Minh sáng tác và xuất bản sách nhiều hơn bất kỳ thời điểm nào trong cuộc đời ông.
Xem thêm
Nhà văn Xuân Phượng đi và đến...
Bài viết của nhà thơ Văn Công Hùng trên Người đưa tin
Xem thêm
Phùng Quán – Người đặc biệt nhà số 4
Đối với anh em Văn nghệ Quân đội, nhà thơ Phùng Quán là một trường hợp rất đặc biệt.
Xem thêm
“Khắc đi… khắc đến” - Bước chân của một nghị lực phi thường
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, số 139, ngày 05/9/2024.
Xem thêm