TIN TỨC
  • Trách nhiệm nhà văn
  • Nhận dạng các quan điểm sai trái, thù địch chống phá nền tảng tư tưởng, quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước ta hiện nay

Nhận dạng các quan điểm sai trái, thù địch chống phá nền tảng tư tưởng, quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước ta hiện nay

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2022-05-06 07:32:10
mail facebook google pos stwis
931 lượt xem

PGS. TS PHAN TRỌNG HÀO
(Hội đồng Lý luận Trung ương)

1. Quan niệm và tiêu xác định quan điểm sai trái, thù địch

1.1. Quan niệm về quan điểm sai trái, thù địch

Theo Từ điển tiếng Việt, “quan điểm”: 1 điểm xuất phát quy định hướng suy nghĩ, cách xem xét, đánh giá về một sự vật, hiện tượng nào đó: Quan điểm giai cấp; có quan điểm sống đúng đắn. 2 cách nhìn, cách suy nghĩ: Trình bày rõ quan điểm của mình; bất đồng quan điểm[1].

Còn “sai trái” là không đúng, không phù hợp với lẽ phải: việc làm sai trái, hành động sai trái[2]. Như vậy, sai trái có cả ở trong nhận thức và trong hoạt động thực tiễn. Sai trái trong nhận thức, được biểu hiện ở những hiểu biết (tri thức) không đúng, sai lầm. Những tri thức này trái với những tri thức đúng, tức là trái với chân lý.

Quan điểm sai trái là những quan điểm không đúng về mặt khoa học và thực tiễn. Đó là loại quan điểm có nội dung phản khoa học, phi thực tiễn. Quan điểm sai trái thể hiện ở nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Ở góc độ chính trị xã hội, đó là những quan điểm sai trái có liên quan đến vấn đề giai cấp, nhà nước, đảng phái chính trị… Có nhiều nguyên nhân dẫn đến quan điểm sai trái, có thể do trình độ nhận thức còn thấp, do ngộ nhận, do phương pháp nhận thức không đúng của chủ thể,...

Theo Từ điển tiếng Việt, “thù địch” là kẻ ở phía đối lập, có mối hận thù một cách sâu sắc: những phần tử thù địch, hai người là thù địch của nhau; chống đối lại một cách quyết liệt vì lẽ sống còn: thái độ thù địch[3]. Quan điểm thù địch, trước hết là quan điểm sai trái, nhưng đối lập về lợi ích và lập trường giai cấp của một chủ thể với một chủ thể khác. Chủ thể của quan điểm thù địch thường là chủ thể đối lập về lập trường tư tưởng, chính trị, về lợi ích giai cấp, quốc gia, dân tộc. Nguyên nhân sâu xa dẫn đến quan điểm thù địch là do đối lập nhau về lợi ích và lập trường giai cấp, nguyên nhân trực tiếp là do mục đích, động cơ của chủ thể.

Quan điểm sai trái, xét về mặt lập trường giai cấp, tuy không phải là quan điểm thù địch, nhưng trong những trường hợp cụ thể, có thể có quan điểm sai trái cụ thể trùng với quan điểm thù địch. Trong những trường hợp này, chủ thể của quan điểm sai trái là đồng minh tự nhiên của chủ thể có quan điểm thù địch tương tự. Nhưng ngay cả ở đây, lập trường của hai chủ thể này là hoàn toàn khác nhau. Họ chỉ ngẫu nhiên có sự “gặp nhau” về mặt quan điểm. Rõ ràng, cùng một nội dung quan điểm giống nhau, nhưng động cơ và mục đích của các chủ thể là hoàn toàn khác nhau. Do đó, không thể đánh đồng bản chất cũng như mục đích của các quan điểm là như nhau.

Đối với chúng ta, quan điểm sai trái, thù địch là tập hợp những quan điểm không đúng về khoa học và thực tiễn; đối lập về lợi ích và lập trường giai cấp công nhân - dân tộc Việt Nam. Những quan điểm của các chủ thể (cá nhân, tổ chức…)  gây nên những tác hại về mặt nhận thức, tư tưởng trong xã hội, làm tổn hại đến lợi ích của quốc gia - dân tộc và nhân dân Việt Nam; chống lại Đảng Cộng sản, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xâm hại an ninh quốc gia, đến độc lập, tự chủ, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam… được xem là quan điểm sai trái, thù địch.

Quan điểm sai trái có thể là của cán bộ, đảng viên, nhân dân. Quan điểm thù địch là quan điểm của các thế lực thù địch. Nhưng, như trên đã nói, quan điểm sai trái cũng có thể trở thành quan điểm thù địch khi mức độ sai trái trở nên nghiêm trọng, nó không còn là sai trái về mặt nhận thức, quan điểm mà chuyển thành sai trái trong cả lập trường chính trị, lợi ích giai cấp. Khi đó chủ thể của quan điểm sai trái tự trở thành chủ thể của quan điểm thù địch, dù không mong muốn, và vô hình trung họ rơi vào vị trí của “các thế lực thù địch” về mặt quan điểm. Quan điểm (tư tưởng) hướng dẫn hành động. Những quan điểm sai trái, bất kể là của ai, nếu không được uốn nắn, sửa chữa kịp thời, sớm hay muộn cũng sẽ hướng chủ thể của nó tới những hành động thực tiễn để thực hiện quan điểm đó trên thực tế. Khi đó quan điểm sai trái không còn thuần túy là quan điểm mà nó đã được hiện thực hóa, thực tiễn hóa trong đời sống xã hội ở những mức độ khác nhau.

Cũng cần thấy rằng, các thế lực thù địch không phải lúc nào, cũng không phải họ chỉ toàn có quan điểm thù địch đối với chúng ta, mặc dù giữa họ và chúng ta đối lập nhau về lợi ích, về lập trường, quan điểm giai cấp. Song có thể giữa chúng ta và họ vẫn có những quan điểm tương đồng, chung, giống nhau. Thậm chí họ có thể có những quan điểm tích cực, tiến bộ mà chúng ta có thể kế thừa, tiếp thu, nếu biết gạt bỏ những định kiến giai cấp hẹp hòi, thiển cận. Điều này có ý nghĩa phương pháp luật rất quan trọng: khi phê phán, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch không được tách rời quan điểm với nhân thân chủ thể quan điểm đó, nhưng cũng không được đồng nhất tuyệt đối quan điểm với nhân thân chủ thể của nó. Bản thân “các thế lực thù địch” cũng là một khái niệm “động” và “mở”. Nó không cố định cho một đối tượng bất biến nào, mà luôn có sự vận động, chuyển hóa biện chứng, có thể hôm nay chủ thể này là bạn với ta nhưng ngày mai cũng có thể là thế lực thù địch và ngược lại. Song, để nhận diện rõ các thế lực thù địch thì phải dựa trên một nguyên tắc nhất quán là: bất cứ thế lực nào có âm mưu và hành động chống phá mục tiêu của chúng ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều là thế lực thù địch. Điều này càng có ý nghĩa sâu sắc hơn trong điều kiện hiện nay khi chúng ta chủ động, tích cực hội nhập quốc tế ngày càng toàn diện, sâu rộng, với phương châm “thêm bạn, bớt thù” để góp phần giữa vững nền độc lập, tự chủ của đất nước.

1.2. Tiêu chí xác định quan điểm sai trái, thù địch

Thứ nhất, quan điểm đó không đúng về mặt khoa học, nghĩa là nó không phản ánh một vấn đề khoa học thực sự, không mang lại một giá trị khoa học thực sự; đối tượng mà nó phản ánh là không rõ ràng; mang nặng tính chủ quan, thiên kiến, tư biện và thiếu tính khách quan khoa học trong phương pháp xem xét; luận giải thiếu tường minh, ngụy biện, thiếu tính tin cậy.

Thứ hai, quan điểm đó không đúng về mặt thực tiễn. Ở đây không phải là thực tiễn chung chung trừu tượng, cũng không phải là thực tiễn mù quáng hay thực tiễn của những cá nhân hoặc nhóm người đơn lẻ. Đó là thực tiễn cách mạng sáng tạo và đổi mới của đất nước, dân tộc và nhân dân; là thực tiễn được soi sáng, dẫn dắt bởi lý luận tiên phong của thời đại; là thực tiễn phổ quát được lặp lại “hàng nghìn triệu lần” bởi đông đảo quần chúng nhân dân đã và đang tiến hành hoạt động một cách hữu ích và hiệu quả vì sự phát triển của đất nước, sự tiến bộ xã hội.

Thứ ba, quan điểm đó không đúng về mặt chính trị (lập trường giai cấp). Về thực chất, quan điểm đó không xuất phát từ lợi ích, lập trường của giai cấp công nhân, của dân tộc Việt Nam; đi ngược với lợi ích quốc gia - dân tộc và nhân dân ta. Hoặc có đại diện cũng chỉ là đại diện cho nhóm nhỏ, bộ phận, không phải đại diện cho toàn bộ giai cấp công nhân, nhân dân hay toàn bộ quốc gia - dân tộc Việt Nam.

2. Một số dạng quan điểm sai trái, thù địch chống phá nền tảng tư tưởng, quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước ta hiện nay

Từ quan niệm và dựa vào các tiêu chí trên đây, có thể nêu một số dạng quan điểm sai trái, thù địch chống phá nền tảng tư tưởng, quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước ta hiện nay:

2.1. Dạng thứ nhất: Phủ nhận hoàn toàn, hoặc phủ nhận những nội dung cơ bản chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta (phủ định sạch trơn và phủ định có chủ đích, có chọn lọc)

Mục đích: Tấn công vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phủ nhận vai trò nền tảng tư tưởng của Đảng, Nhà nước ta, đòi thay chủ nghĩa Mác - Lênin bằng hệ tư tưởng khác; phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; đả kích chế độ xã hội chủ nghĩa và con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội, nhằm hướng lái đất nước ta đi theo con đường tư bản chủ nghĩa.

Về nội dung: Tấn công vào những nội dung cốt lõi, những giá trị căn cốt của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam. Cụ thể:

- Phủ định chủ nghĩa Mác - Lênin.

Trong triết học: Họ phê phán phép biện chứng duy vật mácxít là phương pháp đại ngụy biện, “nói thế nào cũng được”. Phủ nhận học thuyết hình thái kinh tế - xã hội - xương sống của chủ nghĩa duy vật lịch sử. Họ cho rằng hình thái kinh tế - xã hội chỉ là một lý thuyết về chủ nghĩa xã hội không tưởng, không bao giờ thực hiện được, theo đó, sự sụp đổ chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Đông Âu, Liên Xô là một tất yếu, được dự báo trước, có căn nguyên từ lý thuyết hình thái kinh tế - xã hội nói trên. Phủ nhận học thuyết đấu tranh giai cấp của C. Mác, phủ nhận vai trò động lực đấu tranh giai cấp trong xã hội có sự phân chia giai cấp. Phủ nhận lý luận mácxít về con người: cho rằng chủ nghĩa Mác - Lênin đề cao quyền tập thể, phủ nhận quyền cá nhân, tức phủ nhận quyền con người.

Trong kinh tế chính trị: Phủ nhận học thuyết giá trị thặng dư của C. Mác, cho rằng học thuyết đó không còn đúng trong điều kiện hiện nay, khi mà chủ nghĩa tư bản đã tự điều chỉnh và thích nghi, quan tâm nhiều hơn tới người lao động, quan hệ bóc lột giữa tư bản và lao động cũng không còn như trước nữa, công nhân cũng không còn là “vô sản” như trước đây, một bộ phận công nhân đã gia nhập tầng lớp trung lưu, có mức sống khá. Ở nhiều nước tư bản, một số công nhân đã có cổ phần và trở thành cổ đông trong các công ty cổ phần, họ cũng là một thành phần tham dự phân phối lợi nhuận, v.v..

Trong chủ nghĩa xã hội khoa học: Phủ nhận sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân. Cho rằng giai cấp công nhân không có đủ trình độ, năng lực và điều kiện để lãnh đạo xã hội. Cho chủ nghĩa xã hội khoa học là học thuyết “viển vông”, đem áp dụng vào thực tế chỉ sinh ra những “quái thai của lịch sử”. Mô hình chủ nghĩa xã hội mà C. Mác đưa ra là “ảo tưởng”, không bao giờ thực hiện được.

- Phủ định tư tưởng Hồ Chí Minh.

Một mặt, họ cho rằng Hồ Chí Minh là người theo chủ nghĩa dân tộc, không phải là người mácxít, không theo chủ nghĩa cộng sản; chỉ lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm phương tiện. Mặt khác, lại hạ thấp tư tưởng Hồ Chí Minh, cho Hồ Chí Minh không có tư tưởng riêng, chỉ cóp nhặt tư tưởng của những người khác. Cả hai quan niệm này đều phủ định mối liên hệ giữa tư tưởng Hồ Chí Minh với một trong những nguồn gốc hình thành của nó là chủ nghĩa Mác - Lênin. Do đó, về thực chất, các quan điểm này đều nhằm phủ định tư tưởng Hồ Chí Minh.

- Công kích, xuyên tạc đường lối, quan điểm của Đảng ,chính sách, pháp luật của Nhà nước ta.

Tập trung phủ nhận con đường quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội, phủ nhận mục tiêu của chủ nghĩa xã hội; ca ngợi chủ nghĩa tư bản và con đường tư bản chủ nghĩa. Họ cho rằng: “Quá độ lên chủ nghĩa xã hội là con đường vòng quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa tư bản”. Sau khi chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, có quan điểm cho rằng, hiện nay ở các nước này đang thực hiện một bước “quá độ ngược từ chủ nghĩa xã hội về chủ nghĩa tư bản” (!). Cùng với phủ nhận con đường quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội, họ cũng phủ nhận định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển kinh tế thị trường ở Việt Nam. Các quan điểm sai trái, thù địch cho rằng định hướng xã hội chủ nghĩa là một thứ định hướng “tù mù”, “hư ảo”, vì xã hội xã hội chủ nghĩa mà Đảng Cộng sản muốn hướng đến là một xã hội không có thực, chính chủ thể định hướng là Đảng Cộng sản cũng còn chưa hình dung được nó là như thế nào (!). Do đó, nên gác lại mục tiêu xã hội chủ nghĩa và trở về với cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân là con đường đúng đắn nhất.

Phê phán pháp luật Việt Nam, các quan điểm sai trái, thù địch phủ nhận tính hợp hiến, hợp pháp và tính chính đáng về sự lãnh đạo của Đảng đối với xã hội; tập trung phủ nhận Điều 4 trong Hiếp pháp năm 2013 của nước ta quy định Đảng Cộng sản Việt Nam lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Các quan điểm này cho rằng Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay đã hết vai trò lịch sử. Đảng cầm quyền là không chính đáng, vì không được bầu lên.

Về phương thức: Tấn công trực tiếp/trực diện vào nền tảng tư tưởng và quan điểm, đường lối của Đảng ta và chính sách, pháp luật của Nhà nước ta. Kích hoạt các hành động “phản kháng” trong xã hội đối với các chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Đồng nhất bản chất của Đảng ta với những hiện tượng biểu hiện sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ở một bộ phận cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, từ đó quy chụp mọi khuyết điểm, sai lầm thuộc về Đảng, phủ nhận công lao của Đảng. Một số sử dụng các chiêu thức quen thuộc: ngụy biện, công kích nói xấu, bôi đen, suy diễn vô căn cứ, hạ bệ thần tượng đối với cá nhân các lãnh tụ của Đảng Cộng sản.

2.2. Dạng thứ hai: Chia cắt các bộ phận, các giai đoạn phát triển của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chia cắt tư tưởng của các nhà kinh điển; chia cắt tư tưởng Hồ Chí Minh với quan điểm của Đảng ta

Mục đích: Làm mất/phá vỡ tính chỉnh thể, tính liên tục phát triển của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phủ nhận từng mảnh, từng bộ phận và tiến tới phủ nhận toàn bộ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; làm cho bên tiếp nhận thông tin có định hướng tư duy sai lầm, dẫn đến những nhận định, quan điểm sai lầm.

Nội dung: Đem đối lập tư tưởng của C. Mác thời trẻ và tư tưởng C. Mác lúc trưởng thành. Đối lập tư tưởng của C. Mác với tư tưởng của Ph. Ăngghen; tư tưởng của C. Mác và Ph. Ăngghen với tư tưởng của V. I. Lênin. Đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác - Lênin: cắt rời mối liên hệ tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác - Lênin, cho rằng chủ nghĩa Mác - Lênin đã lỗi thời, không còn phù hợp với thực tiễn hiện nay, không phù hợp với Việt Nam, chỉ nên dựa vào tư tưởng Hồ Chí Minh. Tách rời hoặc đối lập những nhà sáng lập chủ nghĩa Mác - Lênin với những người phát triển về sau, muốn xoá bỏ toàn bộ chủ nghĩa Mác - Lênin. Hoặc giả đề cao tư tưởng của người này phủ nhận tư tưởng của người kia, thực chất là phủ định tất cả. Chẳng hạn, lợi dụng đề cao tư tưởng (dân tộc) Hồ Chí Minh để đòi xóa bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin.

Về mối liên hệ giữa tư tưởng Hồ Chí Minh với quan điểm, đường lối của Đảng ta, các quan điểm sai trái, thù địch cố tách rời hoặc phủ nhận mối liên hệ hữu cơ này. Họ cho rằng Đảng ta lấy tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng, “kim chỉ nam” cho hành động, song thực chất chỉ là “bình phong”, “lá chắn” cho những hành động sai trái, Đảng “nói vậy mà không phải vậy” (!). Trên thực tế, Đảng đang ngày càng rời xa tư tưởng Hồ Chí Minh, không làm đúng những “di huấn”, những “chỉ dẫn” của Người (!). Họ cho rằng, “con đường Bác Hồ đã chọn là con đường dân tộc, không phải chủ nghĩa xã hội”, “Đảng Cộng sản Việt Nam thực hiện xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là không đi theo con đường mà Bác Hồ đã chọn”(!).

Phương thức: Tìm những điểm khác biệt trong tư tưởng của các nhà kinh điển để so sánh với nhau, từ đó đối lập hoá tư tưởng của các nhà kinh điển, làm cho tư tưởng của họ trở nên trái ngược và mâu thuẫn với nhau, bất chấp điều kiện lịch sử, hoàn cảnh ra đời của những tư tưởng đó; che giấu, xuyên tạc mối liên hệ lôgích nội tại, tính chỉnh thể - toàn vẹn và xu hướng phát triển có sự bao hàm và kế thừa nhau trong quá trình hình thành, phát triển tư tưởng của các nhà kinh điển, cũng như giữa các nhà kinh điểm với nhau.

2.3. Dạng thứ ba: Xuyên tạc, bóp méo nội dung của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam

Mục đích: Làm cho nhiều người (do trình độ lý luận thấp) không phân biệt được đúng sai; đánh đồng các quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin là như nhau, và về mặt bản chất là sai.

Nội dung: Tấn công vào những tư tưởng của các nhà kinh điểm trước đây đúng và hiện nay vẫn đúng và vẫn còn giá trị lâu dài, - đó là những nguyên lý nền tảng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đặc biệt tập trung vào những tư tưởng trước đây đúng nhưng hiện nay có biểu hiện không phù hợp với thực tiễn mới và một số tư tưởng cụ thể đã bị thực tiễn lịch sử vượt qua, đặc biệt thực tiễn ở Việt Nam cần phải bổ sung, hoàn thiện; những tư tưởng ngay từ thời các nhà kinh điển còn sống đã thừa nhận là không đúng và những tư tưởng trước kia chúng ta nhận thức chưa đúng, cần phải nhận thức lại cho đúng.

Phương thức: Tiến công từ “điểm” đến “diện”; pha trộn, cắt xén, khoét sâu vào những tư tưởng của các nhà kinh điển có biểu hiện không phù hợp với thực tiễn mới cần phải bổ sung, hoàn thiện hoặc đã bị thực tiễn mới vượt qua. Từ đó rút ra kết luận rằng: Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là lạc hậu, lỗi thời, không phù hợp với thực tiễn, với thời đại, không nên tin và đi theo.

2.4. Dạng thứ tư: Đem đối lập một cách siêu hình, phiến diện và khiên cưỡng lý luận và thực tiễn để vừa phủ nhận lý luận khoa học vừa phủ nhận thực tiễn cách mạng của chúng ta; đánh đồng những hạn chế của lý luận và thực tiễn; dùng những sai lầm, hạn chế của thực tiễn do chủ quan của chúng ta để làm căn cứ phủ định lý luận, cho lý luận đang cản đường thực tiễn

Mục đích: Phủ nhận đối với Đảng, Nhà nước ta trên cả hai bình diện lý luận và thực tiễn, từ đó phủ nhận vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước ta.

Nội dung: Dùng lý luận để phê phán thực tiễn của Đảng, Nhà nước ta; đồng thời dùng thực tiễn để kiểm chứng phản bác lý luận, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta.

Phương thức: Ngụy biện, lợi dụng những yếu kém, hạn chế của chúng ta cả trong công tác lý luận và thực tiễn tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để tập trung chống phá, hạ thấp, phủ nhận những thành tựu mà chúng ta đã đạt được; “thổi phồng, bơm to” những khuyết điểm, yếu kém của chúng ta.

Nhận diện, nhận dạng các quan điểm sai trái, thù địch chống phá nền tảng tư tưởng, quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước ta chính là “chỉ mặt, gọi tên” và làm “hiện hình” nguyên bản các quan điểm sai trái, thù địch. Đây là một quá trình không hề dễ dàng, không làm một lần là xong, mà luôn phải được bổ sung, phát triển. Bởi lẽ, nhận thức là một quá trình “đi sâu một cách vô hạn”, ngày càng tiệm cận đầy đủ, sâu sắc về bản chất đối tượng mà nó phản ánh. Hơn nữa, các quan điểm sai trái, thù địch cũng không phải là bất biến, mà bản thân nó cũng vận động, biến hình, biến dạng để thích ứng với mọi điều kiện, hoàn cảnh và tình hình mới. Chủ thể của các quan điểm sai trái, thù địch cũng không ít thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt để “phù phép”, “biến hóa” các quan điểm của họ, kể cả “giả danh”, “khoác áo” của chúng ta để chống lại chính chúng ta. Để nhận dạng đúng các quan điểm sai trái, thù địch, cần phải dựa chắc vào thế giới quan và phương pháp luận mácxít, đứng vững trên lập trường giai cấp công nhân, xuất phát từ lợi ích quốc gia, dân tộc, bình tĩnh, tỉnh táo xem xét, xử lý thấu đáo vấn đề; không được đơn giản, hời hợt, vội vàng.

[1] Trung tâm Từ điển học (2008), Từ điển tiếng Việt, Nxb. Đà Nẵng, tr. 990.

[2] Trung tâm Từ điển học (2008) , Từ điển tiếng Việt, Nxb. Đà Nẵng, tr. 1045.

[3]Trung tâm Từ điển học (2008), Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, tr. 1189.

Nguồn: Tạp chí Lý luận Phê bình Văn học, Nghệ thuật.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Một đòi hỏi cấp thiết của đời sống văn học
Nguồn: Tuần báo Văn nghệ số 10/2024
Xem thêm
Nghĩ về chuyện “làm gương” và “nêu gương”
Bài viết nhân kỷ niệm 69 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2-1955 – 27-2-2024)
Xem thêm
Khuyến khích mọi sự tìm tòi, tôn trọng tự do sáng tạo của người nghệ sĩ
Lễ kỷ niệm do Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức ngày 25/7 tại Nhà hát lớn, Hà Nội.
Xem thêm
Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư về đội ngũ văn nghệ sỹ
Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (1948 - 2023)
Xem thêm
Xây dựng lối sống đẹp trong không gian văn hóa Hồ Chí Minh
Bài viết tham luận tại Hội thảo khoa học về Không gian văn hóa Hồ Chí Minh do Ban Tuyện giáo tổ chức vào ngày 6/6/2023
Xem thêm
Nhà văn Trình Quang Phú và những sáng tác về Bác Hồ
Chuyên đề Những câu chuyện đẹp của HTV
Xem thêm
Hậu trường đối ngoại văn chương
Tự can đảm bước ra khỏi cái giếng cạn
Xem thêm
Cuộc gặp chiều cuối năm
Của Bí thư Thành ủy và Chủ tịch TPHCM với lãnh đạo Văn học Nghệ thuật TPHCM
Xem thêm
Khi nhà nước chưa thể ra tay, thì nhân dân làm
Câu chuyện quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài đã được nhắc đi nhắc lại nhiều năm nay.
Xem thêm
“Ngựa thồ văn hóa” và câu chuyện quảng bá văn chương Việt ra thế giới
Trong những năm qua, sự phát triển và hội nhập mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực của đất nước đã tạo động lực quan trọng góp phần thúc đẩy việc giới thiệu, quảng bá văn học - nghệ thuật nước ta ra thế giới. 
Xem thêm
Trở về Trường Sơn || Ký của Võ Thu Hương
Bài đăng Tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh số 50, ngày 17/11/22
Xem thêm
Lời chúc hòa bình từ các nhà văn
Trường Đại học Văn Lang (TP. Hồ Chí Minh) tổ chức chương trình giao lưu văn hóa “Lời chúc hòa bình” nhân kỷ niệm 27 năm bình thường hóa mối quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ.
Xem thêm
Khi giáo viên các trường phổ thông kêu cứu…
Các giáo viên lẽ ra “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, nhưng thực ra mỗi ngày đến trường là một ngày lo đối phó, thậm chí là sợ hãi, dẫn đến tình trạng họ chọn cách làm việc thúc thủ, giao việc gì làm việc ấy, miễn làm sao được coi là hoàn thành công việc để không bị ai “động” vào, để yên thân… Khi giáo viên mất động lực làm việc, như người mất sinh khí, dẫn đến tình trạng dạy, học và các hoạt động khác của nhà trường như người ngái ngủ, lờ đờ, mệt mỏi, chán nản…
Xem thêm
Nghĩ về “Tiếng nói nhà văn”
Bài đăng Văn nghệ số 33/2022
Xem thêm