TIN TỨC
  • Lý luận - Phê bình
  • Những đóng góp nổi bật của tiểu thuyết Tự lực văn đoàn trên đề tài hôn nhân – gia đình

Những đóng góp nổi bật của tiểu thuyết Tự lực văn đoàn trên đề tài hôn nhân – gia đình

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
2930 lượt xem

Nguyễn Công Thanh

 Tự lực văn đoàn là một tổ chức văn học có tôn chỉ, có mục đích, có cơ quan ngôn luận, có giải thưởng văn học và con dấu riêng. Tổ chức văn học này ra đời năm 1932 và chỉ sau một thời gian ngắn đã thu hút được nhiều nhà văn, nhà thơ tài năng tham gia, cộng tác. Mặc dù thời gian hoạt động không dài (1932 – 1944) nhưng thành tựu văn học Tự lực văn đoàn để lại rất lớn. Các sáng tác của những thành viên Tự lực văn đoàn tuy không tránh khỏi những hạn chế thiếu sót nhưng nhìn chung có nhiều cách tân, nhiều giá trị ưu việt so với văn chương trước đó. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ trình bày những đóng góp nổi bật của tiểu thuyết Tự lực văn đoàn trên đề tài hôn nhân gia đình.

1. Đấu tranh đòi giải phóng cá nhân, đòi tự do hôn nhân và chống lễ giáo phong kiến

Các nhà nghiên cứu đã nhất trí khẳng định những thành tựu nổi bật của văn chương Tự lực văn đoàn trong lĩnh vực đấu tranh đòi giải phóng cá nhân, đòi tự do hôn nhân và chống lễ giáo phong kiến. Trong bài Nhìn nhận lại vấn đề giải phóng phụ nữ trong tiểu thuyết Tự lực văn đoàn, Trương Chính đã đánh giá rất cao đóng góp của Tự lực văn đoàn trên vấn đề kêu gọi giải phóng phụ nữ và tự do hôn nhân (dĩ nhiên là bằng văn học và theo kiểu văn học). Ông viết: “Các nhà văn Tự lực văn đoàn đã công kích nhiều mặt của chế độ phong kiến, đặc biệt là luân lý phong kiến đối với phụ nữ. Họ chủ trương tự do hôn nhân, tự do yêu đương xây dựng hạnh phúc gia đình trên tình yêu đôi lứa. Họ căm thù cảnh mẹ chồng nàng dâu, họ chủ trương đàn bà trẻ được tự do cải giá, họ vạch bộ mặt giả dối, xảo quyệt của những bà mẹ ghẻ. Họ đứng về phía những người chống lại lớp người cũ. Họ đứng về phía cá nhân chống lại chế độ gia đình” [dẫn theo 4, tr. 4]. Trong chuyên luận Tự lực văn đoàn – con người và văn chương, Phan Cự Đệ nhấn mạnh thêm: “Tự lực văn đoàn không đặt vấn đề giải phóng xã hội nhưng đã đấu tranh đòi giải phóng cá nhân, giải phóng bản ngã, đặc biệt đấu tranh cho tự do hôn nhân, cho quyền sống của người phụ nữ chống lại sự ràng buộc khắt khe của lễ giáo phong kiến, của đại gia đình phong kiến” [2, tr. 298].

Thực ra, khát vọng tình yêu tự do, hôn nhân tự do… ít nhiều đã xuất hiện trong văn học Việt Nam từ cuối thế kỷ XVIII – đầu thế kỷ XIX ở các sáng tác của Nguyễn Gia Thiều, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du… ; trong văn học Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến năm 1930 ở các sáng tác của Hồ Biểu Chánh, Hoàng Ngọc Phách…Thơ Nôm truyền tụng Hồ Xuân Hương đã không tiếc lời phỉ báng chế độ đa thê: “Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng/ Chém cha cái kiếp lấy chồng chung” (Làm lẽ). Mạnh bạo hơn, bà còn lên tiếng bênh vực cho những người phụ nữ trẻ “cả nể” dẫn tới sự “dở dang”: “Không có nhưng mà có, mới ngoan” (Không chồng mà chửa). Còn Nguyễn Du đã xây dựng nên mối tình tự do, đầy thơ mộng Kim – Kiều. Tình yêu đắm say, mãnh liệt của nàng Kiều rất hiện đại. Hành động “Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình” của Kiều sang nhà Kim Trọng đến bây giờ, vẫn làm cho không ít người ngơ ngác, phân vân [3, tr. 98]. Tuy vậy, đề tài gia đình trong văn học trung đại Việt Nam chưa trở thành dòng mạch chính. Nó chỉ mới dừng ở khát vọng, ước mơ và rồi khi cân đo thì “bên hiếu” vẫn nặng hơn “bên tình”.

Hoàng Ngọc Phách trong tiểu thuyết Tố Tâm (1924) đã dệt nên mối tình tuyệt đẹp giữa Đạm Thủy và Tố Tâm nhưng họ vẫn không bước qua được rào cản của lễ giáo phong kiến để xây ngôi nhà hạnh phúc. Chỉ vì “gia pháp nhà tôi còn nghiêm ngặt lắm, tình gia quyến tôi rất mạnh” nên khi cha mẹ định cho một nơi, Đạm Thủy phải lánh xa Tố Tâm, gạt nước mắt khuyên người yêu từ bỏ mình: “Ta yêu nhau, ta quý nhau như hạng người tri kỉ trên đời không thể có hai, thế nhưng cái bắt buộc của tình gia quyến tối thiêng liêng nó bảo ta phải bưng mắt ôm lòng mà chịu, biết nói sao đây. Thôi em yêu anh như thế cũng là yêu rồi, đừng yêu thêm nữa mà làm anh hối hận”. Còn Tố Tâm không dám cưỡng lại lời mẹ lúc “thập tử nhất sinh” đã phải lấy người mình không yêu để 36 ngày sau “chết vì hai chữ ái tình”.


Tự Lực Văn Đoàn bao gồm toàn bộ nhân viên toà soạn báo Phong Hoá: Nhất Linh, Khái Hưng, Tứ Ly (Hoàng Đạo), Thạch Lam, Tú Mỡ, Thế Lữ, Xuân Diệu.

Chỉ đến Tự lực văn đoàn, tình yêu – hôn nhân – gia đình mới trở thành một đề tài lớn với nhiều tác phẩm có giá trị phản phong và giá trị nhân đạo đặc sắc. Các tiểu thuyết Hồn bướm mơ tiên, Nửa chừng xuân, Gia đình, Thoát ly, Thừa tự (Khái Hưng); Đoạn tuyệt, Lạnh lùng, Đời mưa gió (Nhất Linh); Gánh hàng hoa (Nhất Linh, Khái Hưng)… đã tập trung phản ánh cuộc đấu tranh giải phóng cá nhân, đấu tranh cho tự do hôn nhân, cho quyền sống của người phụ nữ chống lại sự ràng buộc khắt khe của lễ giáo phong kiến trong đại gia đình phong kiến.

Nửa chừng xuân của Khái Hưng, Đoạn tuyệt của Nhất Linh đều triển khai cuộc đấu tranh chống phong kiến trên mặt trận hôn nhân – gia đình, chống lại những bà mẹ chồng thủ cựu, coi con dâu như nô lệ, cũng như chống lại cả pháp luật hiện hành công nhận chế độ đa thê bất công, tàn nhẫn. Trong Nửa chừng xuân, Khái Hưng đã đưa ra quan niệm nhân sinh mới là hôn nhân phải gắn với tình yêu, hôn nhân một vợ, một chồng. Đồng thời công bố sự lỗi thời của những tập quán luân lý cổ hủ. Câu nói khẳng khái của Mai với bà án: “Nhà tôi không có mả lấy lẽ” là thái độ chống đối đến cùng chế độ đa thê. Nhưng cuộc đấu tranh giữa cá nhân với đại gia đình phong kiến ở Nửa chừng xuân chưa thật quyết liệt. Lộc là trí thức Tây học, yêu Mai tha thiết, biết tạo dựng nên một gia đình hạnh phúc nhưng vẫn chịu khuất phục trước quyền uy lễ giáo. Còn Mai chỉ biết đem cái nhân hậu, thanh cao ra chống đỡ, giữ gìn tình yêu trong sáng, thuỷ chung chứ chưa kiên quyết đấu tranh để bảo vệ hạnh phúc đôi lứa, hạnh phúc gia đình. Ngược lại, trong Đoạn tuyệt, Nhất Linh đã đẩy mâu thuẫn, xung đột lên đến đỉnh điểm. Xung đột giữa Loan – một gái mới – với mẹ chồng và những người trong nhà chồng càng ngày càng căng thẳng.  Mặc dầu nàng đã phải hy sinh đời  nàng, hy sinh tình yêu để làm vui lòng cha mẹ. Trong đêm tôn hôn, Loan “đau đớn ví thân nàng với thân phận của gái giang hồ (…) đành nhắm mắt hiến mình cho Thân, một người mà nàng không yêu để mưu lấy cái sự vui lòng cha mẹ”. Về nhà chồng, Loan đã hạ mình, cố hoà hợp với gia đình chồng, cố coi bố mẹ chồng như bố mẹ đẻ. Nhưng sự hy sinh của nàng trở nên vô nghĩa. Sự hạ mình của nàng chẳng có ích gì bởi gia đình chồng là một gia đình nệ cổ. Họ quan niệm cưới dâu để hầu hạ mẹ chồng và gia đình chồng chứ đâu phải để làm vợ. Họ đối xử, sai phái nàng như tôi tớ. Mẹ chồng, em chồng, những người thân thích trong nhà chồng không coi nàng như người trong nhà mà là “nữ nhân ngoại tộc” không có quyền “sống một cuộc đời riêng”. Hơn thế, họ không thành thực dạy bảo, bày vẽ cho nàng. Họ tìm mọi cách hành hạ, hắt hủi nàng như hắt hủi một người khách lạ bỗng dưng xen vào phá hoại hạnh phúc của gia đình họ. Người có học và trọng nhân cách như nàng dĩ nhiên không thể chịu nổi. Vì thế, trong người nàng xuất hiện sự phản kháng: “Hễ người ta còn dễ bắt nạt thì người ta còn bắt nạt mãi, và muốn cho người ta vị nể mình thì không gì hơn là chống cự lại”. Từ đó, một mình nàng phải đơn độc chống lại cả thế lực nhà chồng. Nhà văn luôn đứng về phía nàng lên án lễ giáo lỗi thời, lên án những kẻ đại diện cho đại gia đình phong kiến. Ông mượn lời nhà báo Hoạch, lời Dũng và đặc biệt là lời của trạng sư bênh vực nàng và kết án những thế lực chống lại nàng: “Con bà chết là lỗi ở bà, lỗi ở cái luân lý trái mùa và quá ư nghiêm ngặt kia. Người có tội chính là bà mẹ chồng thị Loan và cái luân lý cổ hủ kia…”. Chính câu nói dõng dạc, đanh thép của trạng sư: “Giữ lấy gia đình! Nhưng xin đừng lầm giữ gia đình với giữ nô lệ” đã thâu tóm toàn bộ quan điểm của tác giả và tư tưởng – chủ đề của tác phẩm.

Khác với Nửa chừng xuân và Đoạn tuyệt, tiểu thuyết Lạnh lùng của Nhất Linh phê phán, đả phá lễ giáo phong kiến và đại gia đình phong kiến ở vấn đề giải phóng phụ nữ ra khỏi những quan niệm tiết trinh, thủ tiết thờ chồng của lễ giáo phong kiến. Nạn nhân ở đây là Nhung – người đàn bà goá chồng khi mới ngoài 20 tuổi. Từ hôm bắt gặp Nghĩa say đắm ngắm mình, Nhung “nhận thấy đời mình đương sống là một đời thiếu thốn và ngang trái”. Nàng hy vọng được cùng Nghĩa “làm lại cuộc đời”. Những lúc bên Nghĩa, nàng cảm thấy hạnh phúc tràn trề. Vì vậy, nàng mạnh dạn vượt qua mọi rào cản, vụng trộm gặp người yêu ngoài vườn vào những đêm khuya, vụng trộm đến tự tình với người yêu nơi gác trọ. Thậm chí nàng công khai thái độ của mình với mẹ đẻ: “Con thưa với mẹ biết là để khỏi làm mẹ phiền lòng về sau. Chứ con, con đã nhất định rồi. Thầy mẹ không cho lấy thì con sẽ trốn đi”. Nhưng trước “khổ nhục kế” của mẹ đẻ, bản tính do dự, yếu đuối trong con người Nhung đã không cho phép nàng thực hiện được ước mơ chính đáng đó. Nàng phải cam chịu cuộc đời buồn tẻ, chán ngắt để đổi lấy cái danh thơm. Tuy nhiên, việc tác giả để cho một goá phụ tự do “đi ngang về tắt”, tự do “ăn nằm” với tình nhân mà vẫn mang danh “tiết hạnh khả phong” quả là một sự mỉa mai, chua xót! Do đó, Lạnh lùng là tiếng nói đả phá những tục lệ cổ truyền mà Khổng giáo dựng lên để hãm hại, trói buộc những người phụ nữ cũng như giúp người đọc hiểu rằng “luân lý ấy là luân lý áp bức, đạo đức ấy là đạo đức giả dối, danh dự ấy là danh dự hão huyền” [4, tr. 269]. Vì vậy, đọc xong Lạnh lùng, chúng ta thấy cần phải đạp đổ chế độ đại gia đình lỗi thời, vô nhân đạo đã trói buộc tuổi xuân, hãm hại khát vọng ái ân của những goá phụ trẻ.

2. Đả phá mô hình gia đình đại phong kiến

Các tiểu thuyết Thoát ly, Gia đình, Thừa tự của Khái Hưng đi sâu vào cảnh ngộ của những gia đình giàu có, phát hiện những mâu thuẫn, những rạn nứt khó hàn gắn do tính chất lỗi thời của lễ giáo phong kiến và quyền lực của đồng tiền gây ra. Tiểu thuyết Thoát ly và Thừa tự khai thác mối quan hệ mẹ ghẻ – con chồng trong đại gia đình phong kiến. Hồng trong Thoát ly mỗi khi nghĩ đến gia đình là rùng mình. Học ở Hà Nội nhưng mỗi năm Hồng sợ nhất mười ngày nghỉ tết và ba tháng nghỉ hè, bởi trong những ngày đó cô phải sống “bên một người cha nghiêm khắc, gần một người dì xảo quyệt, với một lũ em thù ghét”. Dì ghẻ Hồng là một người tàn ác, nham hiểm. Bề ngoài bà ta ngọt ngào, giả nhân giả nghĩa nhưng trong thâm tâm luôn tìm mọi cách hãm hại đứa con riêng của chồng. Đặc biệt sau khi Hồng không chịu lấy cháu bà ta, bà đã “đem hết tâm lực ra hành hạ nàng cho bõ ghét. Chiến lược của bà nay đã khác hẳn trước nhưng ghê gớm gấp mấy vì trước kia bà mắng nhiếc, thù ghét ra mặt, Hồng còn biết đường mà đối phó lại. Nay trái hẳn, bà chỉ yên lặng ngấm ngầm bày mưu làm hại. Một cái nhìn sắc như gươm, một nụ cười chứa đầy nọc độc đôi khi thoáng qua mặt Hồng, nhưng đủ khiến nàng rùng mình”. Bà tìm mọi cách xúc xiểm, vu khống, đặt điều để bôi xấu danh dự Hồng, để ông phán mạt sát, đánh đập Hồng. Nham hiểm hơn, khi biết Hồng có bạn trai ở Hà Nội, bà thường xuyên sai Hồng lên Hà Nội để mong cô “lầm lỡ”. Lòng “tử tế” của bà chính là “một mưu sâu, cay độc, tàn ác bằng mấy mươi những lời mỉa mai, gièm pha, vu khống mà bà vẫn thủ thỉ bên chồng”. Đê tiện hơn, khi Lương – người yêu của Hồng đến nhà, bà đã sỉ nhục anh trước mặt mọi người: “Người với ngợm! Tưởng thế nào! Trời ơi! Thế mà con tôi…” nhằm đánh vào lòng tự trọng của Lương, làm cho anh tưởng Hồng chấp nhận lấy anh chỉ vì thương hại chứ không phải vì tình yêu.

Hồng nhận thấy mọi hành vi, lời nói của dì ghẻ toàn là “những sự hằn thù nhỏ nhen, những lời bóng gió, nhiếc móc”. Hồng cũng nhận ra thái độ lãnh đạm, a dua của cha nàng. Do đó, sống ở nhà mình mà nàng cảm thấy “như lạc vào giữa đám quân thù”. Ý định thoát ly gia đình luôn lởn vởn trong Hồng. Nhưng cô biết đi đâu khi người yêu bị dì ghẻ hạ nhục đã xa lánh, còn danh dự cô bị bêu rếu trên mặt báo và trong dư luận xã hội. Vì thế chỉ có cái chết mới giúp cô “thoát ly” khỏi gia đình. Đúng, chỉ có cái chết mới giúp Hồng, giúp những người con gái xinh đẹp, trong trắng có học thức, có tư tưởng tự do… thoát khỏi gông cùm của lễ giáo phong kiến – lễ giáo sinh ra những bà dì ghẻ ác độc; sinh ra những bà án, bà phủ, bà đốc… vô công rỗi nghề, suốt ngày ngồi lê đôi mách nói xấu, hãm hại những cô gái mới vô tội. Chỉ có cái chết mới giúp các cô gái mồ côi mẹ thoát khỏi gia đình – thoát khỏi chốn “địa ngục trần gian”, sống không được, chết không xong. Vì vậy, hình ảnh: “Hồng bằn bặt thiếp đi, cặp môi vẫn tươi cười…” cuối tác phẩm là lời tố cáo mạnh mẽ, sâu sắc chế độ đại gia đình phong kiến mà Khái Hưng gửi gắm trong tác phẩm.

Cũng khai thác quan hệ dì ghẻ – con chồng nhưng Thừa tự phản ánh mâu thuẫn giữa mẹ kế và con chồng xoay quanh vấn đề thừa tự. Chuyện thừa tự chỉ là cái cớ, là miếng mồi mà bà án ba đưa ra để đánh lừa thiên hạ và hãm hại đám con riêng của chồng: “Việc thừa tự bà cho là một việc có lợi cho bà mà có hại đến danh dự bọn con chồng. Bà thừa hiểu rằng ở ngoài người ta chỉ trích bà nhiều lắm, người ta cho bà là một con yêu quái đến phá hoại hạnh phúc gia đình ông án Nguyễn. Vậy thì việc lập thừa tự đủ trả lời lại hết thảy những câu chuyện gièm pha vô căn cứ”. Chính nhằm mục đích “bịt miệng thế gian” và “hãm hại đám con chồng” nên bà ta cho tôi tớ thân tín tung tin lập lờ: “Cụ tôi bảo kể thì ông Khoa ngoan ngoãn hơn nhưng ông Trình lại đứng đắn hơn” để chia rẽ anh em họ. Đòn ác hiểm của bà ta đã làm cho hai cặp vợ chồng Trình và Khoa mâu thuẫn, nghi kỵ lẫn nhau. Hai chị em dâu rào nhà, ngăn bếp, nói cạnh khoé nhau. Hai anh em trai cãi vã, oán trách, căm tức nhau. Từ đó “trong khắp làng Giáp, đi đâu cũng nghe thấy người ta nói đến chuyện bất bình, khích bác, kình địch, ganh ghét, thù hằn của hai gia đình anh em Trình và Khoa”. Thấy thế, bà ta sung sướng, hả hê và nghĩ thầm: “Cho chúng mày chết! Chưa ăn thua đâu, chúng mày đã lục đục rồi. Được lắm! Chuyến này thì hết cả khí khái…”. Như vậy, Thừa tự một mặt phê phán người dì ghẻ xảo quyệt, độc ác, lắm cơ mưu, chỉ nghĩ đến mình và tìm mọi cách hãm hại những người thân trong gia đình, mặt khác đả kích lối sống thực dụng, coi trọng tiền tài, của cải hơn tình nghĩa ruột thịt.

Ở tiểu thuyết Gia đình, nhà văn đi sâu vào miêu tả những cái xấu xa, đê tiện, bỉ ổi, đáng ghét trong gia đình phong kiến. Trong đó, An và Nga được tác giả khắc họa đậm nhất nên gia đình họ nổi rõ hơn trong tác phẩm. Gia đình An thuộc dòng dõi khoa bảng nhưng chàng không theo con đường hoạn lộ của tổ tiên. Học xong tú tài, An về quê vui thú với cảnh điền viên. Song, họ hàng gia tộc, gia đình vợ và nhất là Nga – vợ anh – không cho An yên thân. Cả dòng họ Phạm trông chờ vào sự thành đạt của An để giành lại cái chức tiên chỉ trong làng. Bố mẹ vợ mong An đỗ đạt để vênh váo với đám quan viên và thiên hạ. Còn Nga thích chồng làm quan để lấy lại vị thế của vợ chồng mình trong đại gia đình và ngoài xã hội. Nga dùng mọi thủ đoạn từ dày vò, dằn vặt, mắng nhiếc đến tử tế, hoà nhã, cầu viện chú; thậm chí nàng sẵn sàng hy sinh cả ái tình, cả hạnh phúc gia đình miễn là đạt được ước mong: An thi đậu ra làm quan. Thế nhưng, khi ước mơ thành hiện thực thì gia đình họ nào có hạnh phúc. An vô cùng khổ sở trong cảnh quan trường. Có lần chàng đã thốt lên đau đớn: “Làm quan! Làm quan! Trời ơi, sao tôi lại làm quan?”. Nga cũng vậy. Phải chứng kiến và chịu cảnh “vào luồn ra cúi” mua chuộc công sứ, tuần phủ, bà lớn, bà bé… cô ngán ngẩm và thầm ao ước cuộc sống của gia đình em mình: “Mỗi lần gặp sự buồn phiền, hoặc sự bất hoà trong gia đình hay sự bất mãn trong công việc làm quan của chồng, Nga lại thốt nhiên nghĩ tới Hạc và Bảo, nghĩ tới cái đời bình dị, tới hạnh phúc êm lặng, chắc chắn của họ. Nàng bùi ngùi, tự nhủ thầm: “Chúng nó sung sướng thực!”.

Mặt khác, sự rạn nứt, tan vỡ của mô hình gia đình phong kiến cũ cũng kéo theo sự lủng củng, xấu xa trong các gia đình phong kiến quan lại. Ông án Báo lợi dụng ngày giỗ để “đem cả cha mẹ ra làm tiền”. Hai chị em gái Phụng – Nga coi nhau chẳng khác gì kẻ thù. Phụng lấy được chồng làm quan, trở thành bà huyện liền coi em như rơm rác. Còn Nga ganh tị với chị được bố mẹ cưng chiều còn mình thì bị ghẻ lạnh. Hay huyện Viết, nhân lúc bà con nhờ tranh chức lý trưởng mà mạt sát và mua như cướp ruộng đất của chú ruột để rửa mối hận xưa. Do đó, tiểu thuyết Gia đình xứng đáng là “nhát búa cuối cùng vào bức tượng khổng lồ nhưng đã mục nát của thế hệ trước: chế độ đại gia đình” [5, tr. 656].

3. Quan niệm mới về tình yêu, hôn nhân – gia đình

Các nhà văn Tự lực văn đoàn một mặt khẳng định hôn nhân phải gắn với tình yêu, hôn nhân một vợ một chồng nhưng mặt khác họ lại đưa ra quan niệm tình yêu không gắn liền với hôn nhân. “Họ xem ái tình là một sự đuổi bắt, khám phá của hai tâm hồn, hai thế giới riêng tây, xa lạ. Và tất cả cái thú vị của tình yêu là trò chơi ú tim. Khi chàng và nàng đuổi bắt được nhau, nghĩa là hôn nhân bắt đầu thì tình yêu kết thúc” [2, tr. 25].

Hồn bướm mơ tiên, quyển sách “có sức cám dỗ lạ lùng mà nhà phê bình sung sướng gặp được trong khi khảo cứu về văn học Việt Nam hiện đại” [5, tr. 60] đã đưa ra một vấn đề mới mẻ là đối lập tình yêu với hôn nhân: “Gia đình! Tôi không có gia đình nữa. Đại gia đình của tôi nay là nhân loại, là vũ trụ mà tiểu gia đình là… hai linh hồn của đôi ta ẩn núp dưới bóng từ bi Phật tổ”. Quan niệm này thời bấy giờ được coi là quan niệm có tính chất nhân văn, chống lại hôn nhân phong kiến. Mặt khác, bản thân tình yêu giữa Ngọc và tiểu Lan – một kẻ tu hành – đã mang tính phản phong sâu sắc.

Trong Nửa chừng xuân, Khái Hưng ví “ái tình là bông hoa thơm không bao giờ kết quả”. Quan niệm này được Nhất Linh đẩy lên một cách rõ nét trong Đời mưa gió thông qua nhân vật Tuyết. Đối với Tuyết “ái tình là sự gặp gỡ của hai xác thịt”. Châm ngôn sống của cô là “không tình, không cảm, chỉ coi lạc thú ở đời như vị thuốc trường sinh”. Nàng đã thề với chính mình là không bao giờ làm vợ, nghĩa là không bị ràng buộc vào cuộc sống gia đình. Do đó, cuộc sống gia đình hạnh phúc từ tình yêu của Chương đem đến vẫn không giữ nổi nàng. Ma lực lạ lùng của “đời mưa gió” luôn “vẫy gọi” nàng. Tuy nhiên, hình ảnh Tuyết “lang thang, thất thểu một tấm linh hồn phiêu bạt… không cửa, không nhà, không thân, không thích, không một chút tình thương để thầm an ủi” vào ngày mồng một tết ở cuối truyện đã gián tiếp phủ định lối sống giang hồ, phóng đãng, trác táng của nàng. Đây cũng chính là tia sáng, dù rất nhỏ, đã loé lên trong tác phẩm về mái ấm gia đình.

4. Những đề xuất về một hình mẫu mới cho gia đình Việt Nam hiện đại

Các tiểu thuyết Gia đình của Khái Hưng, Con đường sáng của Hoàng Đạo, ra đời khi “Hội Ánh sáng” do Nhất Linh làm chủ tịch được thành lập đã phần nào làm sáng tỏ đường lối cải lương tư sản của Hội này. Vì thế, bên cạnh các mô hình gia đình cũ, trong hai tiểu thuyết trên còn đưa ra mô hình gia đình mới.

Trong Gia đình, ngoài những gia đình phong kiến như gia đình ông án Báo, gia đình Viết – Phụng, gia đình An – Nga, còn xuất hiện mô hình gia đình mới của “địa chủ văn minh” Hạc – Bảo. Khác với các anh chị mình học để thi đỗ ra làm quan, vợ chồng Hạc – Bảo có lối sống khác. Họ lấy việc chăm lo hạnh phúc cho người nghèo làm hạnh phúc của mình. Họ đem kiến thức và trí tuệ, sức lực và của cải đóng góp vào công cuộc nâng cao dân trí, cải thiện đời sống cho những tá điền nghèo khổ. Họ sẵn sàng từ giã phố phường đô hội lên trung du, miền núi lập đồn điền, mở trang trại, xây nhà cửa, trường học, bệnh xá, sân thể thao, quán trọ du lịch… phục vụ người nghèo. Đôi bạn trẻ ấy đã biết tìm hạnh phúc của mình trong hạnh phúc của kẻ khác. Giản dị và vui vẻ, họ sống bình an, không ham muốn, không so bì, không ghen tị. Được Bảo che chở và giúp sức, Hạc theo đuổi công cuộc của chàng: nâng cao trình độ dân quê về phương diện vật chất và tinh thần.

Ở Con đướng sáng cũng vậy, Duy chán ngấy cuộc sống gia đình xa hoa, vô nghĩa bên những người đàn bà lòe loẹt son phấn nơi thị thành. Chàng đã trở về nông thôn, kết hôn cùng cô thôn nữ, xây dựng trang ấp của mình sạch đẹp, văn minh, đem lại cuộc sống no đủ cho những người nông dân nghèo khổ. Tuy có lúc Duy đã nghi ngờ, thất vọng, mất lòng tin vào người nông dân khi họ đã dùng tiền bạc để xây làng, mở trang trại… ném hết vào hội hè. Anh suýt sa ngã khi theo những người bạn cũ trở về Hà Nội, lao vào vũ trường, say sưa với rượu, thuốc phiện và gái lầu xanh. May thay, những bộ mặt hốc hác, nhợt nhạt của gái làng chơi đã làm cho anh ghê tởm. Tấm lòng trong trắng của Thơ đã giúp anh từ bỏ được quá khứ để tìm ra “con đướng sáng” cho cuộc đời mình.

 Mặc dù, trong hoàn cảnh xã hội nước ta vào thập niên ba mươi của thế kỷ trước những cách cải, những ý tưởng trên thiếu cơ sở hiện thực, nhưng đó là những ước mơ lãng mạn đẹp đẽ, bay bổng rất đáng trân trọng của Khái Hưng, Hoàng Đạo.

5. Những đặc sắc về nghệ thuật khi viết về đề tài gia đình trong tiểu thuyết Tự lực văn đoàn

Tiểu thuyết Tự lực văn đoàn có nhiều thành công về nghệ thuật xây dựng diễn biến tâm lý nhân vật. Các nhà văn đi sâu khám phá thế giới bên trong của con người, đặc biệt rất thành công khi phân tích tâm lý của những người phụ nữ trẻ, của những bà mẹ chồng trong đại gia đình phong kiến. Nhân vật tiểu thuyết Tự lực văn đoàn rất nhạy cảm, phức tạp. Trong tâm hồn họ luôn có cuộc đấu tranh giằng xé giữa tình yêu và gia đình, giữa tình yêu tự do và bổn phận. Chẳng hạn trong Hồn bướm mơ tiên, tiểu Lan bị hai mãnh lực là ái tình và tôn giáo lôi kéo. Đến với tình yêu, Lan sung sướng thấy hợp với lòng mình nhưng rồi cô cảm thấy có lỗi với đức Phật. Nhiều lúc, cô tự dối lòng coi ái tình là nhỏ nhen, tầm thường, dễ gạt bỏ nhưng chính ái tình đã choán ngợp, chứa chan khắp linh hồn cô.

Mặt khác, tiểu thuyết Tự lực văn đoàn đã khắc hoạ thành công sự đối lập giữa các lực lượng cũ – mới, thủ cựu – tân tiến. Lực lượng bảo thủ gồm những người như dì ghẻ, mẹ chồng… là những kẻ xấu xí, thâm hiểm, độc ác, đáng ghét. Họ được gọi tên theo chức tước của chồng như bà phán, bà án, bà phủ, bà tuần, bà nghị, bà án ba hay theo năm sinh như Thân, Tuất… Họ là những kẻ cậy quyền, cậy thế, hách dịch, nhẫn tâm; mở miệng là  nói chuyện đạo đức, lễ nghĩa, gia giáo, gia phong nhưng trong lòng chứa đầy mưu mô, thủ đoạn. Họ sử dụng mọi mánh khoé để áp chế và duy trì địa vị của mình trong gia đình. Qua ngòi bút sắc sảo của Nhất Linh, Khái Hưng và các nhà văn Tự lực văn đoàn, người đọc thấy rõ bộ mặt của những người đàn bà quyền quý trong các gia đình phong kiến: độc đoán, ác nghiệt như bà phán Lợi trong Đoạn tuyệt; khôn khéo, ranh mãnh, quỷ quyệt như bà án trong Lạnh lùng, trong Gia đình; quỷ quyệt, nham hiểm như dì ghẻ Hồng trong Thoát ly hay bà án ba trong Thừa tự; toan tính “đào mỏ”, bám vào vợ, vào dâu chứ không phải lấy vợ, kén dâu như cử Phan, bà huyện trong Thừa tự… Ngược lại, những cô “gái mớí” là những con người đẹp người, đẹp nết. Tên họ là Lan, Mai, Loan, Hồng, Tuyết đầy mộng mơ. Con người họ được “Âu hoá” từ hình thức bên ngoài như má hồng, răng trắng, “áo cài khuy bấm” đến ngôn ngữ, hành vi, cử chỉ. Họ là những người có học, có khát vọng tự do luyến ái. Họ ước mơ thành thực trong tình yêu và  ghét sự giả dối, cổ hủ. Khi cần họ cương quyết đấu tranh để bảo vệ ái tình hay để tự giải thoát mình.

6. Thực chất cuộc đấu tranh trong tiểu thuyết Tự lực văn đoàn viết về hôn nhân – gia đình là cuộc đấu tranh cũ – mới diễn ra trong gia đình và ngoài xã hội. Không phải bao giờ cái mới cũng chiến thắng cái cũ, không phải bao giờ những cô gái mới cũng chiến thắng những bà án, bà nghè phong kiến nhưng tác giả bao giờ cũng đứng về phía họ. Nhà văn không chỉ trực tiếp bênh vực họ, bảo vệ họ, phê phán chỉ trích những thế lực thủ cựu, những luật lệ khắt khe mà qua hình tượng các nhân vật được khắc họa trong tác phẩm làm cho độc giả yêu mến, cảm thương cho số phận những nàng dâu bị áp bức, những cô gái mồ côi bị hắt hủi, đoạ đày và căm ghét những bà mẹ chồng khắc nghiệt, những dì ghẻ xảo quyệt, nhẫn tâm.

Sở dĩ các nhà văn Tự lực văn đoàn tập trung khai thác mâu thuẫn, xung đột giữa mẹ chồng – nàng dâu, mẹ ghẻ – con chồng trong cuộc đấu tranh giữa cũ và mới, giữa lễ giáo khắt khe với tư tưởng hôn nhân tự do, vì đây là mâu thuẫn trung tâm nhất, nổi bật nhất trong gia đình phong kiến Việt Nam lúc bấy giờ. Những bà mẹ chồng vốn là nạn nhân của lễ giáo phong kiến. Tuổi thanh xuân của họ phải trải qua những năm tháng đắng cay, tủi nhục dưới sự áp chế của  những bà mẹ chồng. Vì thế khi đổi địa vị thành một bà mẹ chồng họ không muốn con dâu được hơn mình mà muốn bắt người khác cũng khổ như mình cho được thăng bằng. Đó là cái vòng luẩn quẩn cần lên án, phá bỏ. Vả lại, trong xã hội phong kiến Việt Nam vai trò của người phụ nữ trong gia đình rất lớn. Phụ nữ là người nắm “tay hòm chìa khoá” và nuôi dưỡng con cái. Ra ngoài xã hội hình thức phụ quyền được tôn trọng, còn trong gia đình quyền lực của người đàn ông chỉ là chiếu lệ vì lệnh ông không bằng cồng bà [1, tr. 61 – 62]. Mặt khác, với quan niệm dân chủ, giải phóng phụ nữ, văn chương lãng mạn quan niệm phụ nữ trẻ là những người nhạy cảm trong việc tiếp thu cái mới để tự đổi mới chứ không phải khư khư bảo thủ “giữ nguyên quê mùa”.

N.C.T

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Phạm Đức Dương, Văn hoá Việt Nam trong bối cảnh Đông Nam Á, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2000.

[2] Phan Cự Đệ, “Tự lực văn đoàn-con người và văn chương”, Văn học lãng mạn Việt Nam (1930 – 1945),  Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1997.

[3] Hoài Thanh, Tuyển tập Hoài Thanh, Tập 2, Nxb Văn Học, Hà Nội, 1982.

[4] Phan Trọng Thưởng, Nguyễn Cừ, Văn chương Tự lực văn đoàn, Tập 1, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1999.

[5] Phan Trọng Thưởng, Nguyễn Cừ, Văn chương Tự lực văn đoàn, Tập 2, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1999.

[6] Phan Trọng Thưởng, Nguyễn Cừ,  Tuyển tập Tự lực văn đoàn, Tập 3, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 1999.

[7] Phan Trọng Thưởng, “Cuối thế kỷ nhìn lại việc nghiên cứu, đánh giá văn chương Tự lực văn đoàn”, Văn học, (2), 2000, tr. 51 – 64.

 

 

Bài viết liên quan

Xem thêm
Trăng Lạnh” và một trái tim ấm áp
“Trăng lạnh”, tập thơ mới nhất của nhà thơ Trần Thế Tuyển đến với tôi như một một món quà tặng của người anh “đồng đội”, như một sự chia sẻ cảm xúc của người yêu văn thơ, để cùng ngân nga lọc tìm những câu thơ đẹp, để có những khoảnh khắc lắng đọng chiêm nghiệm nhân gian thế sự, để càng trân quý hơn cuộc sống, tình yêu và sự thanh bình…
Xem thêm
“Những nẻo đường sáng tạo thơ ở một số thi sĩ Việt Nam nổi tiếng thời hiện đại”
Nhà phê bình văn học là người có tâm hồn giao cảm mãnh liệt với từng lời văn, con chữ và những giai điệu du dương của thơ ca. Họ đã có những cảm nghiệm sâu sắc giữa thơ văn và đời mình. Với họ, mỗi tác phẩm văn học không chỉ là một tư tưởng cần được khám phá mà còn là một thế giới sống động, nơi những dòng chữ biết thủ thỉ cùng tâm hồn.
Xem thêm
Bùi Việt Mỹ - Nhà thơ của bức họa ngoại thành thủ đô
Tôi nhớ đầu năm 1991, Bùi Việt Mỹ về làm Chánh văn phòng Hội Văn Nghệ Hà Nội. Lúc ấy nhà thơ Vũ Quần Phương làm Chủ tịch Hội. Sau đó, nhà thơ Vũ Quần Phương chuyển sang làm Tổng Biên tập báo Người Hà Nội, nhà văn Tô Hoài trở về làm Chủ tịch Hội, cho đến năm 1996, khi nhà thơ Bằng Việt đang công tác ở Ủy ban Thành phố được bầu làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội. Văn nghệ Hà Nội có 9 hội chuyên ngành tới hiện giờ.
Xem thêm
Đi tìm đôi mắt theo suốt đời người
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TPHCM
Xem thêm
Nguyên Hùng với nghệ thuật lắp ghép, sắp đặt - hai trong một
Nguồn: Văn nghệ Công an số thứ Năm, ngày 17/10/2024
Xem thêm
Một cây bút nhạy bén, giàu tình
Nguồn: Thời báo Văn học Nghệ thuật
Xem thêm
Nhà thơ Nguyên Hùng với “Ký họa thơ” và “Trăm khúc hát một chữ duyên”
Phát biểu chia sẻ tại buổi ra mắt 2 tập sách Trăm khúc hát một chữ duyên và Ký họa thơ của Nguyên Hùng
Xem thêm
“Nắng dậy thì” Rọi lòng sâu thẳm
Nắng dậy thì là tập thơ thứ 4 trên hành trình sáng tạo của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh. Ở tập thơ này, Nguyễn Ngọc Hạnh thể hiện nỗi buồn thẳm sâu của một tâm hồn nhạy cảm, tha thiết yêu thương và đầy niềm trắc ẩn, như nhà thơ tâm sự: “Cho đến tập thơ này, nỗi buồn vẫn là nguồn mạch thơ tôi” (Thay lời mở). Thơ Nguyễn Ngọc Hạnh biểu hiện nỗi buồn gắn với một vùng quê cụ thể, với tình thân, bạn bè, người yêu, với dòng sông, bến nước, con đò, chợ quê hay cánh đồng làng. Những kỷ niệm thân thương và đau thương cứ “cằn cựa” trong tâm hồn người thơ để có những vần thơ độc đáo, đồng vọng trong lòng người đọc.
Xem thêm