TIN TỨC

Quê hương Tuy An với nhà văn Võ Hồng

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2022-05-06 07:01:01
mail facebook google pos stwis
1453 lượt xem

TRÌNH QUANG PHÚ

Tuy An của quê tôi nằm giữa tỉnh, phía Bắc là Sông Cầu, phía Nam giáp thành phố Tuy Hòa, phía Tây là huyện Sơn Hòa và Đồng Xuân, phía Đông giáp biển, là nơi mặt trời mọc sớm nhất nước.

Người ta nói Tuy An là quê hương của đá. Hàng triệu triệu năm trước núi lửa phun trào gặp biển phải co lại, tạo nên những gành, những đảo với nhiều đá dựng rất đẹp mà tiêu biểu nhất là Gành Đá Dĩa, thắng cảnh quốc gia, là hòn yến, với cả công viên san hô phơi mình là đảo Chùa, là Gành Bà, Gành Ông mượt mà trong phân cảnh “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”. Tuy An còn nổi tiếng với đầm Ô Loan nhiều sò huyết ngon… Có thể nói: Tuy An là vùng đất thơ mộng, là nơi núi và biển vờn nhau tình tứ, là vùng đất nhiều hải sản, đặc sản. Tuy An là quê hương của làn điệu dân ca bài chòi, của hò bá trạo, quê hương của đàn đá và độc nhất vô nhị ở Việt Nam là cây kèn đá với niên đại mấy nghìn năm tuổi… Có lẽ, chính vì lẽ đó mà quê hương Tuy An đã cho chúng tôi những người con sinh ra ở đây có tâm hồn với thơ, với văn và sớm cho chúng tôi năng khiếu để trở thành người cầm bút, được gia nhập đội ngũ những nhà văn, nhà thơ hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam.

Tôi muốn nhắc đến trước nhất là người đồng nghiệp cùng xã An Chấn với tôi, nhà thơ Thanh Quế. Quế nhỏ hơn tôi vài tuổi. Cùng tập kết ra Bắc học ở trường học sinh miền Nam. Ba của Quế, bác Phan Công là một trong những nhà cách mạng tiền bối sớm nhất của xã từ phong trào 1936-1939, là bạn, là đồng chí thân thiết của ba tôi. Thanh Quế sớm có những bài thơ từ lúc còn là sinh viên và cây bút trở thành vũ khí sắc bén cùng anh vào chiến trường chống Mỹ. Nhiều tác phẩm là thơ, là ký, là truyện của anh đã phục vụ những năm kháng chiến. Có thể nói anh đã có những trang văn, áng thơ giữa đạn bom, chết chóc… Thơ của Quế rất gần gũi mọi người với những rung cảm chân tình và sâu sắc. Anh có nhiều thơ và ký về: quê hương “Tuy An”, “Chợ Xổm”… Hiện anh là Chủ tịch Hội Văn nghệ thành phố Đà Nẵng.

Tuy An tự hào có liệt sĩ nhà thơ Nguyễn Mỹ, tác giả Cuộc chia ly màu đỏ được nhiều người biết. Nguyễn Mỹ sinh ra và lớn lên ở Tuy An. Ông sáng tác bài thơ Cuộc chia ly màu đỏ năm 1964, khi cả nước đang bước vào giai đoạn căng thẳng, ác liệt nhất của cuộc chiến tranh chống Mỹ kéo dài hơn 20 năm. Nguyễn Mỹ có nhiều thơ về Tuy An, về đầm Ô Loan cảnh đẹp quê mình. Nguyễn Mỹ có nhiều áng thơ rất hay như Giấc mơ xanh là một ví dụ. Rất tiếc anh hy sinh quá sớm.


Nhà văn Nhà giáo Võ Hồng

Tuy An cũng là quê của các nhà thơ: Mai Phương, Trúc Chi, Khánh Chi… Tuy An còn có những nhạc sĩ nổi tiếng như Nhật Lai, Vũ Trung Uyên.

                                                                                 *
Võ Hồng là một nhà văn lớp trước cũng được sinh ra ở mảnh đất này rất gần với quê hương của Nguyễn Mỹ, Nhật Lai.

Võ Hồng quê ở tại làng Ngân Sơn, xã An Thạch, nơi có nghề dệt lụa và làm đồ gốm nổi tiếng. Nhà ông sát với sông Ngân Sơn (còn gọi là sông Phường Lụa), gần cầu Lò Gốm. Ông từng lấy tên quê hương mình làm bút danh như Võ An Thạch, Võ Ngân Sơn. Nếu tính theo khai sinh (ghi ngày 5/5/1921), thì đến nay nhà văn tròn 100 tuổi. Cho dù trong cuộc đời, nhà văn Võ Hồng từng sống ở nhiều nơi khác nhau, nhưng trong ông và trong văn chương của ông, quê hương Tuy An vẫn là phần in dấu đậm nét nhất. Có thể nói người lưu giữ hình ảnh Tuy An nói riêng và Phú Yên nhiều nhất trong văn chương, là nhà văn Võ Hồng.

Điểm dễ nhận ra đầu tiên là nhà văn Võ Hồng trung thực với tên làng, tên đất, ghi đúng các địa danh quê mình, dù ông không viết ký hay viết các thể văn phi hư cấu. Các tên gọi quen thuộc của Tuy An như núi A Man, sông Phường Lụa, sông Cái, cầu Ngân Sơn, cầu Lò Gốm, đập Đồng Cháy, đập Tam Giang, chùa Châu Lâm, nhà thờ Mằng Lăng, An Thạch, An Thổ, An Dân, An Cư, An Định… đều có trong tác phẩm Võ Hồng. Như một sự nhất quán từ quan niệm sáng tác trộn lẫn với tình yêu quê nhà, nhà văn coi việc lưu giữ những địa danh, hình ảnh quê hương là việc cần thiết và nên làm. Từ tiểu thuyết Hoa bươm bướm, Như cánh chim bay đến truyện dài Người về đầu non và nhiều truyện ngắn, Tuy An và Phú Yên luôn hiện hình trong câu chuyện của các nhân vật. Điểm thứ hai là nhà văn rất chú trọng việc ghi nhận nếp sinh hoạt, cách ăn nói và đời sống thường nhật của con người làng quê mình. Đọc văn chương Võ Hồng, nếu là người cùng quê sẽ thấy như mình đang ngồi giữa quê hương Phú Yên và sự đồng cảm với nhà văn về những kỷ niệm được chia sẻ trong tác phẩm; nếu là người nơi khác sẽ hiểu hơn về văn hóa và con người ở vùng đất Phú trời Yên đầy nắng gió này.

Tôi thích những câu tả mộc mạc mà trong trẻo, rất thơ của nhà văn. Ví dụ ông tả bờ sông Phường Lụa gần nhà ông trong truyện ngắn Lễ cúng trường:

“Nắng vàng nhẹ, không khí trong suốt khiến cảnh vật sáng tưng bừng. Đứng ở bến đò Thiện Đức có thể nhìn thấy rõ bầy bò lội qua bến đò Gạch cách đó 2 cây số. Bờ tre ở Hội Phú, rặng dương liễu ở Mằng Lăng hiện lên thành một dải xanh ngăn ngắt và dãy núi cát ở mũi Vũng Lắm toàn một màu vàng rất nhạt, sáng óng ánh mặt trời…”.

Còn đây là không khí Tết ở làng quê Tuy An ngày trước. Trong truyện Ngày xuân êm đềm của Võ Hồng, Tết ở làng quê bắt đầu bằng việc trồng hoa vạn thọ trước ngõ: “Cùng với sự phát triển của dãy cúc vạn thọ, cái Tết như cũng lớn dần. Manh nha từ đầu tháng 11 với những cơn mưa nhẹ, mưa gieo cải, cái Tết thấp thoáng mơ hồ với những rò cải, ngò, xà lách, tần ô nằm vuông vắn ở hầu hết mọi sân nhà. Cái Tết lớn dần lên với những bụi hoa, vạn thọ, cúc đại đóa, thược dược phát chồi sum suê và bắt đầu ra nụ…”. Trong truyện dài Người về đầu non, nhà văn cũng tả: “Hăm sáu tháng chạp, phiên chợ Hôm đã nồng nàn hương vị của ngày Tết. Tiếng pháo tre nổ đì đùng làm mạch máu tôi như nhảy tưng lên. Những đứa trẻ đi theo mẹ đi chợ về tay cầm bó pháo thăng thiên và đồ chơi. Đó là con chút chít gồm hai khuôn đất sét sơn đỏ dính vào nhau bởi một lớp giấy xếp khiến khi đẩy ra hay kéo vào thì phát ra âm thanh chút chít. Đó là con gà cồ bằng đất sơn đỏ, thổi vào bụng thì kêu ò ớ o. Mứt gừng, mứt bí, mứt chanh, nho táo chà là, cốm bột bánh in, cái Tết không mê hoặc bằng món ăn mà bằng niềm vui rộn ràng của sự vui chơi sung túc…”. Tuy An giờ đã thay đổi nhiều. Những món đồ chơi bằng đất như con chút chít, con gà cồ… không còn nữa. Nếp sống, nếp sinh hoạt thường nhật của người dân cũng khác xưa. Nhưng hồn quê thì vẫn còn đó, và niềm vui giản dị mỗi khi Tết về hay điều mơ ước về cuộc sống tốt đẹp hơn, thì xưa nay đều giống nhau. Đọc văn chương Võ Hồng thấy thương một vùng quê Tuy An xanh tươi, trù phú, yêu quí những người dân quê mộc mạc, chân chất. Nhà văn Võ Hồng viết:

“Ông Thủ Lạc tính tình hiền lành, ít oi nên cái vườn rộng của ông chỗ góc nào có mọc cây gì, người trong xóm không ai không biết. Cây khế lạt ở trước sân gần bực thềm, cây khế chua gần bờ giếng, cây nhàu gần chuồng heo, cây chùm kết ở ngoài hàng rào, cây me xế chái bếp… Lá ngải cứu vò uống ho, lá ổi phụng chưng uống tháo dạ, lá é, lá cửu, lá tía tô, bạc hà mỗi thứ một ít chia nhau làm rậm cái không gian sinh hoạt gần gũi của ông.

Mùa đông chú Ba rảnh rang công việc, chú Ba còn gánh lờ đi xuống đồng Hà Yến, đồng Xóm Làng đặt ở mấy trổ nước bờ ruộng. Chú bắt được nhiều cá rô cá sặt đem về rộng trong chum (…). Ngoài việc câu lươn, bắt cá, chú đào lỗ trồng những dây mướp dây bầu, dây dưa leo…” (Người về đầu non, tr.73).

Chắc chắn những đoạn văn trên không làm những người ưa lối văn chương nhiều xung đột, kịch tính, tâm lý phức tạp thỏa mãn, nhưng với nhiều người coi trọng ký ức và văn hóa dân tộc, vùng miền sẽ có nhiều đồng cảm, chia sẻ. Tôi nghĩ rằng truyện Võ Hồng được nhiều người yêu mến cũng vì lẽ đó. Ông không viết tự truyện hay hồi ký để chỉ kể về mình. Ông sáng tác tiểu thuyết, truyện ngắn, chọn văn xuôi hư cấu, hướng đến tác phẩm nghệ thuật, nhưng vẫn cố gắng đưa vào đó nét chân thực về quê hương, về đặc điểm văn hóa, lịch sử, nếp sinh hoạt của người dân. Đọc Võ Hồng thấy Tuy An hiện ra mộc mạc, chân chất từ màu đất, màu cây lá đến con người. Phong vị, màu sắc quê hương đậm đà, rõ nét đến nỗi ai từng sống ở Phú Yên, từng trải qua tuổi thơ ở vùng đất này đều thấy da diết, thấm thía. Đây là mùi mù u nồng nàn vào mỗi buổi chiều, này là dòng sông Cái bên bồi bên lở, con đường lổn nhổn mảnh sành, ông lão chèo đò gầy gò, khô khan như cây sào chống đò của ông, tiếng chuông nhà thờ… Thú vị nhất là đám học trò quê ngày xưa được miêu tả trong truyện Hoài cố nhân tò mò khi lần đầu thấy xe ô tô chạy trên đường, thi nhau ngửi mùi xăng rồi khen xăng thơm, đi học mang theo muối hột và lá é để ăn, ngày Tết mang tặng thầy cặp dưa leo hay con gà cồ… Truyện Thế giới của Năm Nhiều là một truyện ngắn xuất sắc của Võ Hồng ghi lại chân thực đời sống thực và đời sống tâm linh của những người dân quê nghèo Tuy An, Phú Yên. Chuyện khói nhang, cúng kính xưa nay vốn phổ biến, nhưng qua miêu tả của nhà văn, chúng ta thấy nét văn hóa riêng trong nếp sinh hoạt giản dị của người dân. Người Phú Yên không cúng ông Công ông Táo như người xứ Bắc, mà chỉ cúng ông Táo và thường gọi là “đưa ông Táo”. Vào ngày 23 tháng chạp, mọi người đưa ông Táo lên thiên đình báo cáo với Trời tình hình trong một năm và lúc giao thừa sẽ cúng đón ông Táo trở về nhà. Cả đưa đi và đón/rước ông Táo về nhà đều quan trọng như nhau. Ông Táo không đơn giản chỉ là người chăm lo việc bếp núc, mà như một vị thần cai quản trong nhà, chăm sóc sức khỏe cho mọi người. Thường nhà giàu sẽ cúng nhiều món, ngoài nhang, đèn, nước, hoa quả, còn có bánh cốm, bánh in, bộ đồ mới bằng vàng mã cho ông Táo, bà Táo và nhiều thứ khác; người nghèo thì cúng ông Táo bằng một phong cốm nếp (nếp rang, xay giã, trộn đường, ép trong khuôn thành cái bánh hình chữ nhật). Không chỉ cúng ông Táo vào dịp Tết, người dân Phú Yên còn có tục cúng ông Táo khi đứa trẻ trong nhà được sinh ra, đầy tháng và đạt những dấu mốc quan trọng như lúc 6 tuổi, 12 tuổi… như một sự biết ơn và gửi lời cầu mong được ông Táo phù hộ khỏe mạnh, thành đạt. Trong truyện Thế giới của Năm Nhiều, nhà văn Võ Hồng còn kể nhân vật được cúng khai tâm vào ngày đầu tiên đến trường, thậm chí mỗi dịp nhà có người nóng sốt, đau bụng hay xảy ra chuyện bất thường, anh Năm Nhiều đều bày lễ cúng ông Táo. Tả nhân vật Năm Nhiều đội cái bánh tráng nướng lên đầu cung kính bẻ đôi mỗi khi mời mọi người ngồi cỗ ăn đám giỗ, tìm bẻ bông điệp về cắm bình hoa cúng, hăng hái xào nấu, thành kính khấn vái…, nhà văn Võ Hồng dường như ít hướng đến việc xây dựng tính cách, số phận nhân vật, mà chủ yếu tập trung tái hiện sống động nếp sống của người dân quê mình.

Võ Hồng đã sống và trải qua giai đoạn chiến tranh khốc liệt, chứng kiến quá nhiều những mất mát bi thương, nên ông muốn lưu giữ qua văn chương hình ảnh quê hương và lịch sử, cuộc sống một thời ở một địa phương và chung nhất là khu vực Nam Trung bộ. Nhà văn may mắn có quê hương làm chỗ dựa tinh thần và làm chất liệu hiện thực để khai thác, sáng tạo nên tác phẩm; và ngược lại quê hương Tuy An cũng may mắn có được nhà văn Võ Hồng để vùng đất này được in dấu, được tỏa sáng trong văn chương nghệ thuật.

Giọng quê hay tình quê là thứ không dễ đổi, nếu mình vẫn để quê hương ở trong tim, trong máu thịt của mình. Càng nhiều tuổi, càng nhận ra nhiều thứ được mất, thực – giả trong cuộc đời. Trong nhiều thứ được ấy, được có quê hương, được vì quê hương, góp với quê hương, viết về quê hương là một niềm hạnh phúc lớn. Vậy nên, đọc lại văn chương Võ Hồng càng thêm yêu mến ông, yêu mến Tuy An hơn, vì văn chương ông đã hiển hiện quê hương trước mắt tôi và đọc Võ Hồng càng yêu quê hương Tuy An, quê hương Phú Yên nhiều hơn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Võ Hồng (1968), Người về đầu non, Nxb. Sài Gòn.
2. Võ Hồng (1971), Như cánh chim bay, Nxb. Lá Bối, Sài Gòn.
3. Võ Hồng (1989), Hoa bươm bướm, Nxb. Trẻ – TP. Hồ Chí Minh tái bản.
4. Võ Hồng (2003), Tuyển tập Võ Hồng, Nxb. Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh.
5. Nguyễn Thị Thu Trang (2003), Võ Hồng – Nhà văn và tác phẩm, Nxb. Sở Thông tin – Văn hóa Phú Yên (Hội Liên hiệp Văn học – Nghệ thuật Phú Yên).
6. Nguyễn Thị Thu Trang (2004), Văn học Phú Yên thế kỷ XX, Nxb. Văn nghệ TP.HCM.

Nguồn: Tạp Chí Văn Nghệ TP.HCM số 20.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Gừng càng già càng cay
Nhà thơ Ngô Xuân Hội viết về nhà thơ Nguyễn Tùng Linh
Xem thêm
Nhà lý luận phê bình Trần Hoài Anh và sự dấn thân với ‘di sản văn học miền Nam’
Đây là Chuyên luận với nhiều trữ lượng thông tin quý và bổ ích về di sản văn học miền Nam 1954 -1975, với độ dày gần 600 trang. Tập sách được đầu tư, nghiên cứu kỹ lưỡng, nghiêm cẩn, khai mở nhiều thông tin hay và có giá trị.
Xem thêm
Thi ca điểm hẹn: Nguyên Hùng ký họa thơ và nhạc
Chương trình của VOH, Đài tiếng nói Nhân dân TP. Hồ Chí Minh
Xem thêm
Lâm Xuân Thi và những vần thơ mang nhiều nỗi niềm suy tư, trắc ẩn!
Bài viết của nhà văn nhà phê bình Nguyễn Văn Hòa
Xem thêm
Phạm Phương Lan và những câu thơ Nút ra từ đá
| “Nứt ra từ đá” (thơ song ngữ Việt - Anh, NXB Hội Nhà văn 8/2024) là tập thơ thứ bảy của nhà thơ Phạm Phương Lan (SN 1973, quê Hà Tĩnh; Hội viên Hội Nhà văn TPHCM). Trước đó, từ năm 2008, độc giả biết đến chị qua những tập thơ như: “Không là gió mây”, “Góc trọ hồn người”, “Khâu tình”, “Mật ngữ em” v.v... và một số ca khúc được phổ nhạc từ thơ của chị...
Xem thêm
Dấn thân vào con đường văn chương
Ở tuổi 80, nhà thơ Trần Nhuận Minh sáng tác và xuất bản sách nhiều hơn bất kỳ thời điểm nào trong cuộc đời ông.
Xem thêm
Nhà văn Xuân Phượng đi và đến...
Bài viết của nhà thơ Văn Công Hùng trên Người đưa tin
Xem thêm
Phùng Quán – Người đặc biệt nhà số 4
Đối với anh em Văn nghệ Quân đội, nhà thơ Phùng Quán là một trường hợp rất đặc biệt.
Xem thêm
“Khắc đi… khắc đến” - Bước chân của một nghị lực phi thường
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, số 139, ngày 05/9/2024.
Xem thêm