TIN TỨC

Sông Luộc ở phương Nam và những “mã nghệ thuật”…

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
1025 lượt xem

(Đọc tiểu thuyết Sông Luộc ở phương Nam của Khôi Vũ. Nxb Dân Trí 2022.

 Tác phẩm đoạt giải ba Cuộc thi tiểu thuyết 2016-2019 của Hội Nhà văn Việt Nam).

 

Bùi Công Thuấn

Nhà văn Khôi Vũ sinh năm 1950, quê ở làng Hới, huyện Hưng Nhân, tỉnh Thái Bình. Tính đến năm 2022 ông đã in 30 tập truyện, tiểu thuyết ký tên Khôi Vũ và 40 tập truyện, truyện dài cho thiếu nhi (ký tên Nguyễn Thái Hải).  Năm 1990, ông đoạt giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam với tiểu thuyết Lời nguyền hai trăm năm. Năm 2020 ông lại đọat giải cuộc thi tiểu thuyết 2016-2019 của Hội Nhà văn Việt Nam với tác phẩm Sông Luộc ở phương Nam ngay khi tác phẩm còn ở dạng bản thảo. Điều ấy khẳng định tài năng và tầm vóc nhà văn của Khôi Vũ đối với văn học Việt Nam đương đại.

Nhà văn Khôi Vũ

Sông Luộc ở phương Nam của Khôi Vũ là một tiểu thuyết tự truyện. Nhưng nếu bạn đọc nghĩ đơn giản đó là truyện thật ngoài đời Khôi Vũ viết về gia đình mình và về chính mình thì đó là một ngộ nhận. Bởi vì Sông Luộc ở phương Nam là một tác phẩm hư cấu, mọi yếu tố của tác phẩm đã được đã được “mã hóa”. Nó có tiếng nói riêng…

PHƯƠNG NAM TRONG CÁI NHÌN CỦA KHÔI VŨ

Đó là một vùng đất đầy biến động

Khôi Vũ ghi lại tất cả những sự kiện chính trị (cả những chi tiết nhỏ) diễn ra ở phương Nam suốt từ 1945 thời ông Quản còn đi lính tập cho Pháp đến những năm 2008, lần Thái về thăm quê. Đây là những gì Khôi Vũ ghi nhận:

Ngày 23/10/1955, miền Nam trưng cầu dân ý. Thủ tướng Ngô Đình Diệm lên thay Bảo Đại. Ngày 26/10, ông Diệm tuyên bố miền Nam là một nước Cộng hòa (tr. 21).

Cuối năm 1956, tù nhân trại giam Tân Hiệp phá khám trốn ra. Nhiều người chạy về hướng chiến khu Đ (tr.48).

Ngày 22/2/1957, tổng thống Ngô Đình Diệm bị ám sát khi khai mạc hội chợ ở Ban Mê Thuột (tr.49).

Tháng 5/1959 chính phủ Ngô Đình Diệm ban hành sắc lệnh 10/59 đặt Cộng sản ra ngoài vòng pháp luật (tr.60); Chiều 10/10/1960 đảo chính; ngày 10/12/1960 Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam được tuyên bố thành lập.

Năm Qúy Mão 1963, biến cố thượng tọa Thích Trí Quang xảy ra ở Huế. Đảo chính tháng10/1963.

Nguyễn Văn Trỗi bị xử bắn. Sự kiện vịnh Bắc bộ tháng 8/1964. Nửa đêm một ngày hạ tuần tháng 8 năm 1965, một loạt tiếng nổ vang lên liên hồi ở phía phi trường Biên Hòa.

Tính đến 1967,  bốn năm sau vụ đảo chánh tổng thống Ngô Đình Diệm, chính quyền miền Nam thay đổi đến chóng mặt”. Bầu cử, liên danh Thiệu - Kỳ đắc cử. Lính Mỹ, Đại Hàn, Thái Lan, Úc, Tân Tây Lan tràn vào Việt Nam.

Năm 1968, sự kiện tết Mậu Thân. Tướng Nguyễn Ngọc Loan bắn Việt Cộng trên đường phố…Sau Mậu Thân, “cuối cùng Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa và Mỹ cũng đồng ý sẽ ngồi với nhau để bàn việc ngưng chiến”. Chuyện lính Mỹ sát hại dân thường ở Sơn Mỹ.

Từ 1969 đến 1974: Nguyễn Thái Bình, Jane Fonda phản chiến;  tướng Đỗ Cao Trí chết trận; 1971, Nguyễn Văn Thiệu tái đắc cử; 1972 “Mùa hè đỏ lửa”; Nick Ut đã chụp được bức ảnh “Em bé Napal”(tr.175); Hội nghị 4 bên Paris; Mỹ ném bom Hà Nội; 27/1/1973 ký Hiệp định Paris; 29/3/1973, lính Mỹ cuối cùng rời Việt Nam.

 Năm 1974, Trung cộng chiếm Hoàng Sa. Ở Long Khánh: trinh sát đánh mìn ở quán Hoàng Diệu, quán Ngọc Hương, quán Song Nga.

Từ tháng 3/1975, Buôn Ma Thuột thất thủ; rồi Huế, Đà Nẵng, Nha Trang liên tiếp thất thủ. Nguyễn Thành Trung ném bom Dinh Độc lập; Thị xã Long Khánh bị tấn công. Ngày 21/4/75 tổng thống Thiệu từ chức; Mỹ di tản. Ngày 29/4/1975 Dương Văn Minh lên thay. Ngày 30/4/1975 Dương Văn Minh đầu hàng.

Từ 1975 đến 1978: Nhà nước tiến hành tập trung học tập cải tạo với “ngụy quân, ngụy quyền” Sài gòn. Đổi tiền. Tháng 2/1976 sáp nhận tỉnh. Cuối năm 1976 đổi tên Đảng Lao động thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Tháng 9/1977 Việt Nam gia nhập Liên Hiệp quốc. Cuối 1978, tình hình Việt Nam-Cambuchia căng thẳng.

Từ 1978 đến 1980: Đổi tiền lần II. Năm 1978 Thanh Nga bị ám sát. Ngày 17/2/79 Chiến tranh biên giới phía bắc. Tháng 12/1980 Hiến pháp mới ra đời. Quốc hội vận động sáng tác quốc ca.

Chương 14: Trọng án Giám đốc Công an Đồng Nai bán bãi cho thuyền nhân.

Đổi tiền lần III (14/9/1985); Thập niên 90, trong nước đã cởi mở. Tình hình Liên xô: Goc-ba-chop (chương 15).

Chương 16: Cuối năm 1989, quân Việt Nam rút khỏi Cambuchia. Hiện tượng mua bán con lai; Lý Tống cướp máy bay rải truyền đơn bị tù 20 năm. Ông Võ Văn Kiệt lên làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

Năm 2000 không thấy tận thế. Thủ tướng Phạm Văn Đồng qua đời; khánh thành cầu Mỹ Thuận;  Ngày17/11/2000 tổng thống Mỹ Bill Clinton thăm Việt Nam.

Năm 2001 Bus con tuyên thệ nhậm chức Tổng thống thứ 43 của nước Mỹ; Ngày 11/9 Al-Qeada khủng bố nước Mỹ. Nguyễn Văn Thiệu đột quỵ; vụ án Năm Cam…

Tất cả những “sự kiện chính trị” ấy ở miền Nam là ông Quản nghe được qua lời kể của thầy Hòa (một người bạn). Tác giả chỉ ghi lại như những mẩu tin ngắn, không miêu tả trực tiếp, không tường thuật báo chí hay viết phóng sự chiến trường, cũng không bình luận để bày tỏ quan điểm của mình. Ông Quản nghe tin tức một cách bàng quan, đôi khi ông bày tỏ sự lo lắng:“Tình hình đất nước những năm sau này khiến ông quản lo âu” (167). Ông luôn “giữ mồm giữ miệng” trước thời cuộc. Khi đất nước đổi mới, gia đình an cư lạc nghiệp, con cháu thành đạt, ông bày tỏ sự vui mừng. Năm 1998, ông nói: “Mình sống trong nước cũng đã vượt qua bao khó khăn. Được như hôm nay là mừng rồi” (tr.369).

Thái độ như vậy của ông Quản (cũng là của Khôi Vũ) có ý nghĩa gì?

Nhìn ở góc độ tự truyện: ông Quản là người lính tập Pháp “đào ngũ”, ông luôn sống trong mặc cảm và lo sợ vì ông từng bị bắt và bị đe dọa về tội “đào ngũ” (tr.30). Kinh nghiệm bản thân buộc ông “giữ mồm giữ miệng” để an thân.

Ở góc độ diễn ngôn của tác giả, nhà văn muốn trình bày một thực tại khác của miền Nam (khác với hiện thực cách mạng trong các truyện ký được dạy trong nhà trường phổ thông như Hòn Đất, Người mẹ cầm súng, Chiếc lược ngà, Rừng xà nu, Chiếc thuyền ngoài xa…). Đó là: người bình dân miền Nam, trong những năm tháng biến động khốc liệt ấy, chẳng mấy ai quan tâm đến chính trị. Họ chỉ có mơ ước hòa bình, yên ổn làm ăn, nếu con cái có bị động viên thì tìm cách trốn quân dịch.

  Ông Quản ngậm ngùi: “Chiến tranh gây ra những hoàn cảnh đau lòng, đâu tha cho bất cứ ai, dù bên này hay bên kia” (tr.313).

Thầy Hòa bình luận:

“Cuộc chiến 21 năm đó ông bên chiến thắng thì khẳng định là cuộc chiến giành độc lập cho đất nước, còn bên thất trận thì bảo là cuộc chiến ý thức hệ nên bên này tùy thuộc vào viện trợ Mỹ, đại diện cho thế giới tự do. Bởi vậy người Việt nào đã cho rằng mình khác ý thức hệ thì khó mà xóa bỏ được lòng hận thù”...

Ông Quản trả lời: “Theo tôi thì ta cứ làm một người dân sống lương thiện và làm việc theo pháp luật là yên tâm nhất” (tr.331).

 Việc Khôi Vũ ghi nhận lịch sử miền Nam trong một thời gian dài (theo cách điểm tin) không tạo nên chất sử thi cho tác phẩm, bởi lịch sử không được miêu tả như nó đang diễn ra trong hiện thực với không gian rộng và thời gian dài. Tác giả không hề miêu tả một một biến cố lịch sử nào (thí dụ đảo chánh 1963), không ghi nhận (ký) một trận đánh hay trình bày một chiến dịch nào (thí dụ biến cố Mậu thân 1968); hay đứng ở tầm cao để nhận định bàn cờ thế cuộc (nhận định về chiến tranh Việt nam trong thế cuộc hai phe Xã hội chủ nghĩa và Tư bản chủ nghĩa); hoặc đứng ở góc độ người viết lịch sử rút ra những bài học cho hậu thế (như nhà viết sử nhận định về thời Lê-Mạc, hoặc thời Trịnh-Nguyễn phân tranh, thời Nguyễn Huệ-Nguyễn Ánh). Khôi Vũ có thể kiến tạo một tác phẩm sử thi song nhà văn đã viết Sông Luộc ở phương Nam với mục đích khác, có thể là do hoàn cảnh riêng. Hoặc ông chỉ cốt thực hiện  mục đích là: “… ghi chép lại cuộc đời của cha mẹ tôi từ khi vào  Nam đến khi ông bà qua đời…”. 

Dù chương nào Khôi Vũ cũng ghi nhận những biến cố chính trị, song người đọc khó nhận ra ảnh hưởng thời cuộc trên số phận của gia đình ông Quản, ngoại trừ sự kiện 30/4/1975, gia đình ông Quản có “di tản” về Sài gòn lánh nạn, sau đó lại trở về nhà. “Kể từ khi di cư vào Nam, hầu như ông chỉ quanh quẩn ở Biên Hòa, hay đi Sài Gòn”(tr.369). Suốt mấy chục năm miền Nam bất ổn trong tranh chấp chính trị, rồi chiến tranh, gia đình ông Quản vẫn bình an và thăng tiến. Trước 1975, đề-pô bia của ông vẫn phát đạt, và sau 1975, dù có lúc ông trăn trở “Làm gì để sống”(tr.237), nhưng ông vẫn thực hiện được ước mơ của mình là xây chùa, đúc chuông, lập nghĩa trang, đi chùa lễ Phật, giữ nề nếp cổ truyền những ngày tết, ngày giỗ, gìn giữ tình nghĩa xóm làng, tình quê hương, dòng tộc, dạy dỗ con cháu và được thấy con cháu lớn lên trong thành đạt…

Nói tóm lại, người dân miền Nam không quan tâm đến chính trị. Khôi Vũ loại bỏ tất cả những tuyên truyền (của bên này hoặc bên kia) về thực tại miền Nam. Thí dụ, dân miền Nam (vùng được truyền thông miền Bắc gọi là “vùng tạm chiếm”), không ai nói đến “kháng chiến chống Mỹ”. Họ chỉ nói đến chiến tranh, và rất nhiều người “phản chiến”. Nửa đêm một ngày hạ tuần tháng 8 năm 1965, một loạt tiếng nổ vang lên liên hồi ở phia phi trường Biên Hòa, ông Quản trả lời con: “Việt cộng đánh nhau với quốc gia” (tr.98). Những năm 1978 đến 1980, ông Quản tự hỏi: “Hòa bình rồi sao cuộc sống vẫn đầy bất trắc và khó khăn như thế?” (tr.267). Ông không đặt vấn đề với Nhà nước hay với chế độ mới, không bộc lộ thái độ chính trị trước hiện thực. Có thể đó là lối sống minh triết của người bình dân: tất cả rồi sẽ qua đi. “Con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa thì quét lá đa”. Mọi đã người nhận xét về ông: “Thì ra, sau 25 năm, dù đã thay đổi chế độ thì ông Quản vẫn là một người uy tín nhất nhì trong khu ngoại ô Phúc Hải”(tr.373).

Thực ra, hiện thực đời sống của nhân dân miền Nam rất phức tạp và vô cùng khốc liệt. Sự sống, cái chết chỉ cách nhau gang tấc. Ở nông thôn, người nông dân sống chung với “Việt cộng” trong tình làng nghĩa xóm. Dân thành phố chỉ lo làm ăn, và nhiều người đã phất lên nhờ chiến tranh. Trên đường phố có lính Mỹ, me Mỹ vô cùng lộn xộn và đồi trụy. Chiến tranh càng khốc liệt, người dân càng đổ về thành phố. Biểu tình và chống biểu tình, đảo chính rồi lại đảo chính. Tiến công tết Mậu Thân làm kinh hoàng cả miền Nam: quân Giải phóng tràn vào 42 trên 44 tỉnh thành phố miền Nam, đặc biệt là hai lần tiến công vào Sài gòn. Khi Mỹ rút quân và cắt viện trợ chgo chính quyền Sàigòn thì dân miền Nam đã biết điều gì sẽ xảy ra. Mùa xuân 1975, Ban Mê Thuột thất thủ, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cho lính “di tản chiến thuật” từ Quảng Trị về Huế về rồi Đà nẵng, dân miền Nam như đàn kiến trên chảo lửa. Quân đội Cộng hòa bắt đầu tan rã. Người miền Nam vô cùng sợ hãi về những thảm họa sắp ập đến. Sau 1975. Giai đoạn từ 1975 đến 1980, việc tập trung cải tạo binh lính và nhân viên chế độ cũ, việc đổi tiền, rồi đánh tư sản; dân không có đất sản xuất phải đi kinh tế mới; tình trạng “ngăn sông cấm chợ”, việc phân biệt đối xử với nhân viên miền Nam “lưu dung”, “chế độ lý lịch” áp dụng cho mọi đối tượng người dân miền Nam làm điêu đứng bao thân phận… kinh tế suy sụp, chiến tranh biên giới phía Bắc và phía Tây Nam, …dân miền Nam sống trong thê thảm,…tất cả những “sự thật lịch sử”  ấy Khôi Vũ đã không miêu tả trong Sông Luộc ở phương Nam.

Sống trong một hoàn cảnh tang thương như thế, người dân thường miền Nam sẽ chỉ nghĩ một điều là, làm thế nào để sống còn? Họ hiểu rõ bản chất của lịch sử. Họ không còn niềm tin, không còn lối thoát, không có gì để bám víu, không biết tương lai về đâu. Còn đấy rồi mất ngay đấy! Ai là bạn, ai là thù?... Bão táp thời đại đã dập vùi họ. Ông Quản giữ thái độ “ẩn cư” im lặng. Có lẽ còn lâu nữa mới có tác phẩm viết về thực tại miền Nam như những gì đã xảy ra. Ngày xưa Nguyễn Du cũng sống thầm lặng như thế trong “cuộc bể dâu”. Không phải vô tình mà Khôi Vũ trích câu thơ: “Tráng sĩ bạch đầu bi hướng thiên” của Nguyễn Du làm đề từ cho cả tập truyện (tr.6). Ông Quản đã vượt qua “bể dâu” nhờ triết lý sống lương thiện: “Tốt nhất là cứ sống lương thiên, lo cho gia đình được đủ ăn đủ mặc, con cái được học hành thành đạt. Và siêng năng đến chùa lạy Phật, cầu cho quốc thái dân an” (tr.171).

Khôi Vũ không viết về chiến tranh trước 1975 như “Mùa hè đỏ lửa”(Phan Nhật Nam) hay “Nỗi buồn chiến tranh”(Bảo Ninh). Ông cũng không “tô hồng” “hiện thực cách mạng” sau 1975, cũng không viết về mặt trái Hiện thực Xã hội Chủ nghĩa như Thời Xa Vắng của Lê Lựu, Thiên Sứ của Phạm Thị Hoài, Thời của Thánh thần của Hoàng Minh Tường…Khôi Vũ có ý thức sáng tạo riêng. Tôi cho rằng, đó là bản lĩnh của một ngòi bút có cốt cách minh triết.

Việc trao giải cho Sông Luộc ở phương Nam của Hội Nhà văn, theo tôi, chính là ở giá trị phần Khôi Vũ viết về hiện thực miền Nam. Hiện thực này chưa có trong văn học Việt Nam đương đại. Có lẽ Khôi Vũ là người đầu tiên phác họa những nét sơ lược về một nửa phần đất, một nửa đồng bào đã sống thế nào, đã gìn giữ gia đình, truyền thống văn hóa thế nào, đã nuôi dưỡng những tình cảm thiêng liêng, tình yêu quê hương thế nào, và đã “giữ mình” tránh khỏi những hệ lụy chính trị như thế nào (dù có bị ảnh hưởng của bối cảnh tư tưởng, kinh tế, chính trị). Viết Sông Luộc ở phương Nam, Khôi Vũ cho biết: “tôi chỉ nghĩ đơn giản trước là giúp mình nhìn lại cuộc đời của cha mẹ, gồm cả cuộc đời mình trong đó mà ngẫm nghĩ ra những ý nghĩa của các sự việc buồn, vui, cay đắng cơ cực… hầu có một cái nhìn mới và lạc quan hơn về đời người”…(tr. 404).

Vâng. “một cái nhìn mới và lạc quan hơn về đời người” chính là thái độ minh triết trong văn chương của Khôi Vũ.

THÂN PHẬN NGƯỜI TRÍ THỨC MIỀN NAM TRONG CHẾ ĐỘ MỚI

Nhân vật Thái trong Sông Luộc ở phương Nam có thể là hình bóng người trí thức miền Nam trước và sau 1975.

Sông Luộc ở phương Nam kể lại cuộc đời của Thái từ nhỏ cho đến những năm 2008 Thái về thăm quê. Người đọc có thể tìm thấy một phần đời của Thái trong cuốn Nhớ Biên Hòa (xuất bản 2005) tự truyện của Khôi Vũ-Nguyễn Thái Hải. Ông viết: “Năm 1955 từ Đà Nẵng tôi bị bệnh thương hàn nặng cha tôi quyết định đưa cả gia đình vào tận Sài Gòn để chữa trị cho đứa con trai duy nhất của mình.” Sự kiện ấy được kể chi tiết hơn ngay trong chương 1 của Sông Luộc ở phương Nam. Khôi Vũ kể tiếp trong Nhớ Biên Hòa: “Sau này cha tôi xin được làm đại lý (quen gọi là đề bô) bán bia nước ngọt nước đá bẹ cho hãng BGI”. Chi tiết này được kể ở chương 2, tr 36 trong Sông Luộc ở phương Nam. Kết thúc Nhớ Biên Hòa là hình ảnh Khôi Vũ đi xe Vespa Sprint lên Sài gòn học. Trong Sông Luộc ở Phương Nam Khôi Vũ nhắc lại: “Năm thứ nhất trường Dược, Thái trọ học ở Sài Gòn, cuối tuần về nhà bằng chiếc xe Vespa Sprint đèn vuông 150 phân khối đời mới nhất” (chương 9, tr. 152). Tôi dẫn 3 chi tiết để khẳng định Thái cũng chính là tác giả Khôi Vũ. Toàn bộ cuộc đời Khôi Vũ trở thành chất liệu tự truyện. Điều này giúp Khôi Vũ kể tự nhiên những điều gan ruột, nhưng cũng hạn chế việc sáng tạo hình tượng do bị tự truyện trói buộc.

Nhưng xin lưu ý rằng, Sông Luộc ở phương Nam, là một tiểu thuyết (nghĩa là tác phẩm hư cấu), người đọc không thể áp đặt con người xã hội của nhà văn Khôi Vũ-Nguyễn Thái Hải với nhân vật Thái trong tiểu thuyết, bởi có những phần đời thật, Khôi Vũ không đưa vào tác phẩm. Thí dụ, việc Nguyễn Thái Hải viết truyện Tuổi Hoa trước 1975 ở Sài Gòn và Khôi Vũ được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1990 với cuốn Lời nguyền hai trăm năm. Cũng vậy, thời gian Khôi Vũ tập trung học tập cải tạo từ 1975 đến 27 tháng Chạp năm 1978 không được ông miêu tả cụ thể. Ông Quản chỉ nhắc đến sự việc này qua những lần thăm nuôi Thái. Người đọc không biết gì về thời gian Khôi Vũ đi cải tạo: ông đã sống thế nào, đã có những cảm nghĩ gì, môi trường cải tạo và những người cùng cải tạo đã sinh hoạt ra sao. Tại sao Khôi Vũ không đưa những sự việc ấy vào tiểu thuyết? Đó là một sự chọn lựa. Ông chỉ để nhân vật Thái thực hiện một diễn ngôn nào đó. Thái không phải là tất cả cuộc đời ông. …

Thái là một nhân vật tiểu thuyết, cuộc đời Khôi Vũ - Nguyễn Thái Hải đã được “chưng cất” để thành một hình tượng nghệ thuật. Vậy “mã nghệ thuật” của nhân vật này là gì?

Thái là sinh viên tốt nghiệp Đại học Dược. Thời sinh viên, anh là kiểu sinh viên “tự do” ở Sài Gòn (không đứng trong đoàn thể, tổ chức chính trị nào, chẳng hạn: Tổng Hội sinh viên Sài gòn). Thái có dự hội thảo, tham gia biểu tình phản chiến, theo trường đi Nha Trang cứu trợ nạn nhân chiến tranh; anh cũng thích ca hát, thích đọc thơ “Phía bên kia” (tr.178); Tháng 7/1973, Thái tốt nghiệp Dược sĩ, anh mở tiệm thuốc tây. Ngày 2 tháng 1 năm 1974 Thái vào trường Quân y “mặc dù không muốn mặc áo lính” (tr.186). Ra trường, Thái chọn về bệnh viện Xuân Lộc, và bắt đầu làm việc từ tháng 7/1974 (tr.193). Tháng 11/1974 Thái nhận lời Lm Xuân, tiếp tế thuốc cho tù nhân trại Tân Hiệp “vì lý do nhân đạo”(tr.199). 

 Sau 1975, Thái đi học tập cải tạo. Anh học 8 bài cơ bản và lao động. Ngày 27 tháng Chạp (1978) Thái được về, không phải quản chế. Thái xin việc làm ở cơ quan Nhà nước, tuy có trầy trật, nhưng sau một năm Thái được vào biên chế. 30 tuổi Thái lấy vợ (cô giáo Yên). Thái buồn vì không thể thăng tiến, đồng thời phải chứng kiến nhiều chuyện tiêu cực của cán bộ Nhà nước. Bảy nói với Thái: “chắc anh cũng biết sự thật này: Người lỡ có lý lịch như anh thì khó có đường làm lãnh đạo! Cứt nát đừng đòi có chóp, anh Thái à…”. Nhưng cũng có người nói: “Không thể ngờ được!...ông Trung úy quân lực Việt Nam Cộng hòa nay lại là một công chức Nhà nước Cộng sản, còn có vai vế như ai nữa chớ”(tr. 295). Dù vậy, “cũng như phần đông trí thức miền Nam, anh hạn chế đến mức thấp nhất những phát biểu” (tr268). “nhiều chuyện trong trại cải tạo tập trung vẫn còn ghi nhớ trong anh, chưa sao xóa mờ được” (tr.281). Chính Thái khi nói chuyện với ông Quản đã nhận thức được thân phận của mình: “Càng về sau này con càng nghĩ ra rằng mình chỉ là một chuyên viên thì đừng đặt mục tiêu phấn đấu làm lãnh đạo rồi phải thất vọng. Chính quyền của một nước nào đó, tư bản hay cộng sản, thì cũng thuộc về những người làm chính trị cùng một lý tưởng với nhau…”(tr.309).

Khi đất nước mở cửa, Thái lại mở nhà thuốc Tây tư nhân, ký hợp đồng với công ty nước ngoài, tập huấn ở Singapor. Anh “có của ăn của để” (tr.339); Con cái đi học. Thái chịu khó tập thể dục; xem bóng đá cùng vợ; tổ chức lễ thượng thọ cho ông Quản (chương 17- tr.344). Thái về quê và tìm hiểu gia phả dòng họ mình, tra cứu về bà cô tổ Nguyễn Thị Lộ, thiếp của Nguyễn Trãi, về những tồn nghi của vụ án Lệ Chi Viên. Anh mơ thấy bà Nguyễn Thị Lộ và nói chuyện với bà. Bà nói cả chuyện xưa và chuyện nay, chuyện người vợ hai và đứa con riêng của ông Quản. Thái mơ thấy người con trai, con người vợ hai của bố trở về, anh ta xin nhận bà Quản làm mẹ và nhận Thái là anh, vì tuy lớn tuổi hơn Thái song anh ta là con dòng thứ.

Nhìn lại cuộc đời của Thái, Khôi Vũ muốn gửi gắm điều gì?

Ở miền Nam trước 1975, có nhiều thanh niên trí thức “tự do”như Thái. Họ bị cuốn vào thời cuộc và đẩy vào hoàn cảnh mình không muốn. Hoặc là trốn quân dịch, nếu không, thì học xong họ phải vào quân trường mặc áo lính. Sau 1975, những trí thức này (những người không dính dáng gì với chế độ Sài gòn) được Nhà nước “lưu dung” cho đi làm việc trở lại, nhưng họ không có con đường thăng tiến vì lý lịch là người chế độ cũ. Bảy đã nói rõ với Thái: “chắc anh cũng biết sự thật này: Người lỡ có lý lịch như anh thì khó có đường làm lãnh đạo! Cứt nát đừng đòi có chóp, anh Thái à…”. Đấy là lý do rất nhiều “trí thức” miền Nam đã ra nước ngoài định cư sau 1975 (thí dụ, trường hợp GS Nguyễn Văn Trung, người từng có lập trường “thân cộng”. Ông dạy Triết và Văn ở ĐH Văn Khoa Sài Gòn và ĐH Huế; sau 1975 ông chỉ được làm nghiên cứu ở Khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp TPHCM; 1993 ông định cư ở Canada).

 Con đường của Thái là sự lựa chọn làm việc tự do ngoài cơ quan Nhà nước. May cho Thái, sau thời gian cải tạo Xã hội chủ nghĩa, miền Nam đã bước vào thời kỳ mở cửa hội nhập toàn cầu hóa (1986), nhờ đó Thái mới có cơ hội mở nhà thuốc tây, hợp tác với công ty nước ngoài, mới có “của ăn của để”(tr.339), sắm xe hơi Toyota Camry chở bố mẹ con đi chơi (tr.367).

Phương châm sống của Thái là thực hiện lời cha dạy: “Nhưng dù sao thì con cũng phải rất cẩn trọng trong lời ăn tiếng nói, nhất là về quan điểm chính trị”(tr. 319). Và thực hiện lối sống thẳng thắn, lương thiện của cha: “Tốt nhất là cứ sống lương thiên, lo cho gia đình được đủ ăn đủ mặc, con cái được học hành thành đạt. Và siêng năng đến chùa lạy Phật, cầu cho quốc thái dân an” (tr.171). Thái sống bằng chuyên môn của mình và từ chối những “chức vụ” hành chính, anh giữ mình khỏi những tiêu cực trong cơ quan (tr. 286-287).

Nhân chuyện của ông Quản và của Thái, tôi nhớ đến nhân vật bà cô Hiền trong truyện Một người Hà Nội của Nguyễn Khải. Ông Quản cũng sống đồi thời với bà cô Hiền. Bà cô Hiền đã trải qua một cuộc đời từ trước 1945 đến thời đổi mới (1986). Suốt thời kháng chiến chống Pháp, dân Hà Nội lên rừng kháng chiến, bà vẫn sống vương giả ở Hà Nội. Hòa bình lập lại, bà chê: “Cách mạng gì toàn để ý đến những chuyện lặt vặt!”. Miền Bắc cải tạo Xã hội chủ nghĩa, đánh tư sản. Có hai căn nhà, bà bán trước một căn và cản chồng không cho mở xưởng in. Khi cán bộ đánh tư sản đến kiểm tra, bà bảo họ đến chỗ căn nhà bà đã bán mà hỏi. Bà nói với Khải: “– Tao có bộ mặt rất tư sản, một cách sống rất tư sản, nhưng lại không bóc lột ai cả thì làm sao thành tư sản được”. Thời chiến tranh, hai đứa con bà tình nguyện vào Nam chiến đấu, bà nói: “Tao không khuyến khích, cũng không ngăn cản, ngăn cản tức là bảo nó tìm đường sống để các bạn nó phải chết, cũng là một cách giết chết nó”. Mấy chục năm Hà Nội ăn bom Mỹ, tháng nào ở nhà cô cũng tổ chức tiệc tùng họp mặt những “người quý phái” thuộc “giai tầng thượng lưu”. Con đi Nam sống sót trở về vào đứng ở giữa nhà, cô cũng không nhận ra con. Bà Hiền-một Người Hà Nội- đã sống những ngày bão táp của lịch sử như thế. Khi cây si cổ thụ ở đền Ngọc Sơn bị bão đánh bật gốc, “Lập tức cô nghĩ ngay tới sự khác thường, sự dời đổi, điềm xấu, là sự ra đi của một thời”. Bão táp cách mạng sẽ qua đi, văn hóa Hà Nội vẫn sống mãi. Cô nói: “Thiên địa tuần hoàn, cái vào ra của tạo vật không thể lường trước được”.

Người miền Nam như ông Quản, như Thái, cũng có thái độ sống bản lĩnh và minh triết như bà cô Hiền (nhưng bộc lộ dung dị và kín đáo hơn). Họ sống với “ý chí tự lập, quyết tự thử thách bản lĩnh”(tr.309). Họ hiểu rõ bản chất lịch sử của thời cuộc, từ đó đối mặt và vượt qua “bể dâu”. Họ chọn con đường sống chết với quê hương, cộng đồng; gìn giữ những giá trị truyền thống, nếu có làm gì thì cũng “vì lý do nhân đạo”(tr. 199).  Họ giữ cái tâm thanh thản, và nỗ lực làm việc thực hiện những điều mình hằng ước mơ. Họ đạt được những giá trị vĩnh cửu: tình quê hương, tình gia đình, bạn bè, sự lương thiện, lòng yêu thương con người (như ông Quản: “Thì ra, sau 25 năm, dù đã thay đổi chế độ thì ông Quản vẫn là một người uy tín nhất nhì trong khu ngoại ô Phúc Hải”(tr.373).

NHỮNG ĐẶC SẮC NGHỆ THUẬT CỦA KHÔI VŨ

Sông Luộc ở phương Nam là một tiểu thuyết khá đầy đặn (406 trang khổ 15x23cm. khoảng 187.572 chữ), lại viết về đề tài gia đình, miêu tả rất nhiều chuyện thường ngày, nhưng Khôi Vũ có cách viết mạch lạc, dễ đọc và hấp dẫn.

Tài kiến tạo tác phẩm của ông thể hiện chỗ, cuối tác phẩm, tất cả các nhân vật đều tụ về, gặp lại nhau sau bao nhiêu biến cố, lưu lạc; một cuộc đoàn tụ nhiều niềm vui (xin đọc chương 19, tr.372), như là một kết thúc có hậu, thể hiện một niềm tin tâm linh về cuộc đời: “Mình sống trong nước cũng đã vượt qua bao khó khăn. Được như hôm nay là mừng rồi” (tr.369).

Ông Quản cũng như Thái không oán trời, không trách người, không ngả nghiêng bên này bên kia, không mưu cầu lợi ích riêng mà làm tổn thương người khác, ẩn nhẫn giữ mình, để tâm thanh tịnh. Ông đứng vững trên những tín niệm đã được xác quyết ngay từ ban đầu: “sống lương thiện, lo cho gia đình được đủ ăn đủ mặc, con cái được học hành thành đạt. Và siêng năng đến chùa lạy Phật, cầu cho quốc thái dân an”. Ông đã ra đi hết sức thanh thản.

Nhìn ở góc độ này, Tiểu thuyết Sông Luộc ở phương Nam là một tiểu thuyết tư tưởng. Tư tưởng ấy là: làm thế nào vượt qua bể dâu của lịch sử để tồn tại? Các nhân vật Ông Quản và Thái đôi khi thấp thoánh tư tưởng định mệnh. Ông Quản nói với vợ: “Tất cả là do Trời Phật định đoạt. Mình cứ vui sống những ngày còn lại này” (tr.356). Thái cũng từng nghĩ đến số mệnh. Chuyện Hoàng được đi Mỹ theo diện HO, Thái nói với bố: “Chuyện của anh ấy khiến con đang tự hỏi có phải thật là người ta có số hay không” (tr. 309). Tất nhiên tư tưởng này không chi phối việc kiến tạo tác phẩm của Khôi Vũ.

Khôi Vũ cũng thành công ở thể loại tiểu thuyết tự truyện có khuynh hướng nghiên cứu lịch sử, văn hóa. Ông viết “rất thật” những sự việc, những biến cố cuộc đời của cha mẹ mình và của chính mình qua việc đưa vào những chi tiết đời thường, các hình thức sinh hoạt văn hóa của đời sống Việt.

Thí dụ: ông kể cảm giác lần đầu đi xe lửa; chuyện ngồi đồng; Ông Quản chăm sóc cây mai; cúng đưa ông Táo, cúng Giao thừa. Ông Quản mê nuôi gà; ông cai thuốc lào; ông đánh Tổ tôm một mình; bà Quản mê coi Cải lương, bà siêng đi chùa. Bà và con dâu nguyện ăn chay mỗi tháng 4 ngày. Bà cũng “du nhập’ vào gia đình hai món ăn miền Nam là món lẩu và món thịt kho trứng cuốn với rau sống, bánh tráng ăn trong mấy ngày tết. Cũng không thể thiếu món thịt đông. Ăn giỗ ở bên ngoại, các con của Thái xem bà ngoại đổ bánh xèo, nghe mấy cô mấy chú đờn ca tài tử; Cô giáo Yên nhập tâm làm nghề cơm rượu truyền thống, món giò thủ trên mâm cơm khách. Nghề dệt chiếu của làng Hới được miêu tả khá kỹ (tr. 327). Rạp Biên Hùng có kịch Kim Cương. Thái đậu Tú Tài được ông Quản cho làm 2 bàn tiệc. Thái bỡ ngỡ món “Mì vịt tiềm”, món lạp xưởng. Thái tắm ngoài trời, Thái chăm sóc cây xoài; Thái đi học lấy bằng Vespa Sprint; học lái xe hơi Toyota; chuyện lầm lẫn “hộp quẹt” với “hòm diêm”(sự khác biệt ngôn ngữ, văn hóa Bắc-Nam),…

Những chi tiết ấy khi được tiểu thuyết hóa, nó mang ý nghĩa văn hóa. Những thế hệ sau này, hoặc những nhà làm phim sẽ có chất liệu về đời sống, sinh hoạt của con người miền Nam nửa cuối thế kỷ XX để dựng thành phim. Có thể nhìn thấy rõ hiệu quả nghệ thuật này: những chi tiết đời thường ấy đánh thức rất nhiều tình yêu quê hương, sẽ tô đậm  những nét “bản sắc” dân tộc trong lòng người con xa quê …

Điều đặc sắc của văn chương Khôi Vũ là ở cách viết. Viết về chiến tranh, về cải tạo Xã hội Chủ nghĩa ở miền Nam, về những năm tháng bao cấp, về “chủ nghĩa lý lịch”, Khôi Vũ đã không viết bằng “cảm hứng phê phán hiện thực” của dòng văn chương Nhân văn và Dân chủ (nhưn các tác phẩm: Thời xa vắng của Lê Lựu, Cù Lao Tràm của Nguyễn Mạnh Tuấn, Thời của Thánh thần của Hoàng Minh Tường, Chuyện kể năm hai ngàn của Bùi Ngọc Tấn…). Cái nhìn của Khôi Vũ “thoáng” hơn nhiều. Có lẽ nhà văn đã có một độ lùi đủ xa để nhìn vấn đề trong sự phát triển, hơn là nhìn cục bộ.

Cuộc sống luôn phát triển về phía trước, đó là quy luật. Việt Nam phải “đổi mới”, đó là con đường, là xu thế tất yếu của thời đại toàn cầu hóa sau chiến tranh lạnh. Cách mạng công nghệ đã làm thay đổi triệt để cả nhân loại. Việt Nam đã bang giao với Mỹ (kẻ thù cũ) và làm bạn với mọi dân tộc trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và hai bên cùng có lợi. Giao lưu văn hóa trở thành những giòng chảy lớn. Sông Luộc ở phương Nam được viết trên nền của những xu thế thời đại ấy. Tư tưởng về hòa hợp, hòa giải dân tộc đã trở thành hiện thực trong nhiều lĩnh vực của đời sồng, thế nên, nếu viết Sông Luộc ở phương Nam như cách viết của Thời xa vắng hay Cù lao Tràm, sẽ trở thành lạc hậu. Có thể hiểu tại sao tiểu thuyết Kiến Chuột Và Ruồi của Nguyễn Quang Lập và Mối chúa của Đãng Khấu (Tạ Duy Anh), đã không còn sức hấp dẫn là vậy.

Về kỹ thuật tiểu thuyết, Khôi Vũ kể truyện theo kiểu tiểu thuyết truyền thống. Mỗi chương khai thác các sự việc theo 3 tuyến chính: trung tâm là tuyến nhân vật ông Quản. Tuyến thời sự được kể theo năm tháng, và tuyến nhân vật Thái cũng kể theo thời gian, và sự kiện cuộc đời của ông Quản. Mỗi đầu chương có những câu đề từ. Khôi Vũ còn đưa vào 6 “Tiểu truyện” kể những câu truyện bên ngoài mạch truyện chính, chẳng hạn những chuyến Thái về Bắc tìm hiểu về gia phả tộc họ Nguyễn Khắc, về bà cô tổ Nguyễn Thị Lộ, về người vợ hai của ông Quản (chương 19, 20 và Vỹ thanh)…

Trong kỹ thuật viết tiểu thuyết tự truyện, việc phân thân, tách biệt tác giả với nhân vật Thái, mới là thành công đáng ghi nhận. Ngòi bút Khôi Vũ giữ được chất nhân văn đáng quý. Ông chỉ đưa vào tiểu thuyết lượng thông tin cá nhân vừa đủ để nhân vật tiểu thuyết trở nên đầy đặn. Ông tránh được sự phô trương “cái Tôi” hoặc tự bao biện việc này việc kia như người đọc thường thấy trong các tự truyện. Chẳng hạn chi tiết: năm 1946, ông Quản góp thóc cho Việt Minh, được tướng Nguyễn Bình đặt bí danh (tr.82), và việc Thái tiếp tế thuốc tây cho tù nhân trại Tân Hiệp qua trung gian Lm Xuân (tr. 199). Người viết “non tay” sẽ đẩy những chi tiết ấy trở thành “thành tích” nhà văn có công với cách mạng để tự hào... Điều này ảnh hưởng đến thái độ tình cảm của bạn đọc khi tiếp cận Sông Luộc ở phương Nam (nhất là những bạn đọc ở Biên Hoà biết rõ cuộc sống thực của tác giả ở Phúc Hải). Bản thân ông cũng tách bạch sông Luộc phương Bắc là quê cha đất tổ, với sông Đồng Nai phương Nam. Ông yêu quý trân trọng sông Luộc quê cha nhưng khẳng định ông và con ông đã là người của Biên Hòa, của dòng sông Đồng Nai. “Sông Luộc và làng Hới đã hiển thị trước mắt tôi nhưng vẫn chưa thấm được vào tận cùng máu thịt” (tr.325)

VỸ THANH

“… ghi chép lại cuộc đời của cha mẹ tôi từ khi vào  Nam đến khi ông bà qua đời. Làm việc này tôi chỉ nghĩ đơn giản trước là giúp mình nhìn lại cuộc đời của cha mẹ, gồm cả cuộc đời mình trong đó mà ngẫm nghĩ ra những ý nghĩa của các sự việc buồn, vui, cay đắng cơ cực… hầu có một cái nhìn mới và lạc quan hơn về đời người; kế đến tôi cũng muốn cho thế hệ con cháu mình biết được để nhớ, để thương, để học được nhiều điều từ cuộc đời ông bà, cha mẹ chúng. Hơn nữa để biết được gốc gác dòng họ ở tận một vùng quê Bắc”(tr.404).

Đoạn văn trên ghi lại mục đích, “tâm nguyện” của Khôi Vũ khi viết Sông Luộc ở phương Nam. Đó là tấm lòng rất mực hiếu thảo của nhà văn đối với cha mẹ mình, là ước vọng về tương lai, là tình nghĩa sâu nặng với quê hương, là những thương yêu và đồng cảm gan ruột với con người quê hương, cũng đồng thời là cái nhìn minh triết của ngòi bút Khôi Vũ về một quãng đường dài của lịch sử Việt Nam đương đại.

Những gì tôi viết trong bài này chỉ là một góc nhìn riêng khi tiếp cận tác phẩm theo Thuyết người đọc đương đại (Reader Theory). Bạn đọc Sông Luộc ở phương Nam hoàn toàn có những cách tiếp cận khác.

Xin chúc mừng nhà văn Khôi Vũ. Ở tuổi “cổ lai hy”, viết được một tác phẩm tâm huyết của đời mình, hẳn nhà văn có được một niềm hạnh phúc “rất thanh thản” (tr.402).

Tháng  8/ 2022

B.C.T

Bài viết liên quan

Xem thêm
Trăng Lạnh” và một trái tim ấm áp
“Trăng lạnh”, tập thơ mới nhất của nhà thơ Trần Thế Tuyển đến với tôi như một một món quà tặng của người anh “đồng đội”, như một sự chia sẻ cảm xúc của người yêu văn thơ, để cùng ngân nga lọc tìm những câu thơ đẹp, để có những khoảnh khắc lắng đọng chiêm nghiệm nhân gian thế sự, để càng trân quý hơn cuộc sống, tình yêu và sự thanh bình…
Xem thêm
“Những nẻo đường sáng tạo thơ ở một số thi sĩ Việt Nam nổi tiếng thời hiện đại”
Nhà phê bình văn học là người có tâm hồn giao cảm mãnh liệt với từng lời văn, con chữ và những giai điệu du dương của thơ ca. Họ đã có những cảm nghiệm sâu sắc giữa thơ văn và đời mình. Với họ, mỗi tác phẩm văn học không chỉ là một tư tưởng cần được khám phá mà còn là một thế giới sống động, nơi những dòng chữ biết thủ thỉ cùng tâm hồn.
Xem thêm
Bùi Việt Mỹ - Nhà thơ của bức họa ngoại thành thủ đô
Tôi nhớ đầu năm 1991, Bùi Việt Mỹ về làm Chánh văn phòng Hội Văn Nghệ Hà Nội. Lúc ấy nhà thơ Vũ Quần Phương làm Chủ tịch Hội. Sau đó, nhà thơ Vũ Quần Phương chuyển sang làm Tổng Biên tập báo Người Hà Nội, nhà văn Tô Hoài trở về làm Chủ tịch Hội, cho đến năm 1996, khi nhà thơ Bằng Việt đang công tác ở Ủy ban Thành phố được bầu làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội. Văn nghệ Hà Nội có 9 hội chuyên ngành tới hiện giờ.
Xem thêm
Đi tìm đôi mắt theo suốt đời người
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TPHCM
Xem thêm
Nguyên Hùng với nghệ thuật lắp ghép, sắp đặt - hai trong một
Nguồn: Văn nghệ Công an số thứ Năm, ngày 17/10/2024
Xem thêm
Một cây bút nhạy bén, giàu tình
Nguồn: Thời báo Văn học Nghệ thuật
Xem thêm
Nhà thơ Nguyên Hùng với “Ký họa thơ” và “Trăm khúc hát một chữ duyên”
Phát biểu chia sẻ tại buổi ra mắt 2 tập sách Trăm khúc hát một chữ duyên và Ký họa thơ của Nguyên Hùng
Xem thêm
“Nắng dậy thì” Rọi lòng sâu thẳm
Nắng dậy thì là tập thơ thứ 4 trên hành trình sáng tạo của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh. Ở tập thơ này, Nguyễn Ngọc Hạnh thể hiện nỗi buồn thẳm sâu của một tâm hồn nhạy cảm, tha thiết yêu thương và đầy niềm trắc ẩn, như nhà thơ tâm sự: “Cho đến tập thơ này, nỗi buồn vẫn là nguồn mạch thơ tôi” (Thay lời mở). Thơ Nguyễn Ngọc Hạnh biểu hiện nỗi buồn gắn với một vùng quê cụ thể, với tình thân, bạn bè, người yêu, với dòng sông, bến nước, con đò, chợ quê hay cánh đồng làng. Những kỷ niệm thân thương và đau thương cứ “cằn cựa” trong tâm hồn người thơ để có những vần thơ độc đáo, đồng vọng trong lòng người đọc.
Xem thêm