TIN TỨC

Nhà thơ khiếm thị Huỳnh Duy Siêng và ánh sáng thi ca trong bóng tối số phận

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2024-05-08 16:24:48
mail facebook google pos stwis
506 lượt xem

LÊ THIẾU NHƠN

Nhà thơ khiếm thị Huỳnh Duy Siêng có thể xem như một trường hợp độc đáo của đời sống văn chương Việt Nam. Đã hơn 8 thập niên sống trong bóng tối, ông vẫn luôn lạc quan với đời, với thơ.


Nhà thơ khiếm thị Huỳnh Duy Siêng qua nét vẽ Trần Trưởng

Chưa từng được đi học, nhà thơ khiếm thị Huỳnh Duy Siêng sắp xếp vần điệu trong tâm tưởng, rồi nhờ bạn bè và người thân chép lại. Vì vậy, không thể nói khác hơn, mỗi bài thơ của nhà thơ khiếm thị Huỳnh Duy Siêng luôn hiện diện hai văn bản, một văn bản khát vọng thi ca và một văn bản nghị lực cuộc sống.

Vì hoàn cảnh cá nhân, nhà thơ khiếm thị Huỳnh Duy Siêng không có cơ hội cưới vợ sinh con. Ông nương tựa gia đình người em trai cư ngụ ở thôn Đông Phước, xã Hòa An, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên. Ông cho biết bắt đầu làm thơ từ năm 30 tuổi, với tâm sự “em đứng gần chờ nghe tôi hát, dòng sông nào trôi trong ca dao”.

Nguyên cớ đến với thi ca, được ông thổ lộ dí dỏm: “Hồi 30 tuổi, hình như tui cũng đẹp trai. Có cô gái nhà đối diện ngày nào cũng sang đề nghị tui hát nhạc tiền chiến cho cô ấy nghe. Mỗi lần tui hát xong, cô ấy gọt ổi hay cắt xoài cho tui ăn. Ấm áp lắm, ngọt ngào lắm. Được vài năm, cô ấy đi lấy chồng. Tui thất tình và khởi sự làm thơ”.


Hai nhà thơ khiếm thị ở Phú Yên: Huỳnh Duy Siêng (sinh năm 1937) và Lê Đình Hòa (sinh năm 1963)

Mối tình đầu lỡ làng ấy, đã lưu dấu trong thơ Huỳnh Duy Siêng nhiều cung bậc ngổn ngang: “Gặp trong mơ em vẫn còn trẻ quá/ Trái thị nghèo thường có một nàng tiên/ Ta chờ em tuổi chưa già tóc bạc/ Nghe tâm tư lắng đọng chút hồn nhiên/ Hương cỏ thơm như tình em sót lại/ Mặt trời lên ta ngơ ngác đi tìm/ Chạy giữa trần gian làm người si dại/ Trên những cánh đồng đầy dấu chân chim/ Sợ cô đơn ta sợ hình bóng lạ/ Đứng bên khe nghe vượn hú gọi bầy/ Em tan biến vào núi rừng hoang dã/ Ta gửi người trong sương bạc hoàng hôn”.

Nếu đừng chú ý đến đôi mắt, thì gặp gỡ nhà thơ khiếm thị Huỳnh Duy Siêng, không ai nghĩ ông là một người khuyết tật. Bởi lẽ, ở ông không chỉ không có sự già nua, mà luôn lan tỏa năng lượng rất tích cực. Ông chia sẻ: “Cả đời tui chỉ khóc một lần. Đó là ngày má tui hấp hối. Bà gọi tui đến bên giường bệnh, thều thào: “Má sinh con mà không thể san sẻ bất hạnh của con. Con để tang má đã là đại hiếu rồi. Con không phải đưa má ra nghĩa trang đâu. Con bị mù, má miễn cho con”. Tui đã khóc ngon lành như trẻ thơ”.

Năm ba tuổi, Huỳnh Duy Siêng bị bệnh đậu mùa. Cái vùng đất Tuy Hòa ngày ấy chỉ là một thị trấn nhỏ, dân cư thưa thớt, thầy thuốc càng hiếm. Dù gia đình đã cố sức chạy chữa, biến chứng của bệnh đậu mùa đã cướp đi đôi mắt của ông. “Hơn 80 năm qua, tui sống trong bóng tối triền miên”, ông Huỳnh Duy Siêng nhẹ nhàng thổ lộ.

Vào giai đoạn nào trong đời, thì ông mới thấy sự thiệt thòi của mình? Không chút đắn đo, Huỳnh Duy Siêng trả lời mạch lạc: “Tui còn nhớ rất rõ, đó là lúc mấy đứa hàng xóm sang chơi nhà tui khoe rằng, ngày mai tụi nó sẽ đi học. Năm ấy 7 tuổi, tui nói với má tui: “Sao con không được đến lớp?”. Má tui không nói gì, bà ôm tui thật chặt vào lòng. Tui lặp lại câu hỏi ấy đến lần thứ ba, thì nghe nước mắt rơi lộp độp trên mặt tui. Má tui khóc. Những giọt nước mắt nóng hổi đã dạy tui rằng, cái sự mù của tui chính là vết thương khủng khiếp đối với má tui. Từ đó, tui không hỏi nữa. Tui sợ má tui buồn”.

Gia đình không đến nỗi túng thiếu, nhưng thập niên 40 của thế kỷ 20 thì chữ nổi chưa du nhập đến xứ sở “hoa vàng cỏ xanh” mà Huỳnh Duy Siêng sinh sống, nên ông chấp nhận mù chữ.

Tuy nhiên, Huỳnh Duy Siêng vẫn có phương pháp học của ông. Mỗi ngày ông lén trốn khỏi nhà, lò dò đi theo tụi bạn đến trường tiểu học. Bạn bè ngồi trong lớp, còn ông ngồi ngoài hành lang. Dù nghe tiếng được tiếng mất, bài văn vần nào lọt vào tai thì ông thuộc ngay lập tức. Khốn nỗi, những ngày học chui kéo dài không được bao lâu. Một hôm ông vừa dò dẫm đến trường thì nước lụt tràn về. Học trò sáng mắt di tản hết, còn ông quờ quạng không biết chạy đường nào. Ông ôm được một gốc cây, và cứ đứng yên giữa mưa gió cho đến khi không biết gì nữa.

Huỳnh Duy Siêng hồi tưởng: “Tui tỉnh lại lúc nghe tiếng kêu thất thanh của má tui. Sau cả buổi tìm kiếm, má tui phát hiện tui đã cứng đờ bên gốc cây. Bế tui về nhà, thấy toàn thân tui lạnh ngắt, má tui tưởng tui đã chết nên gào thảm thiết. Cái câu than trách gần như một sự vô vọng của má tui khiến tui không dám mạo hiểm tự ý ra khỏi nhà nữa. Tui nghĩ rằng, nếu tui gặp tai nạn gì chắc má tui không sống nổi”.

Sau cú thoát hiểm trong gang tấc kia, Huỳnh Duy Siêng không lén đến trường nghe giảng bài nữa. Huỳnh Duy Siêng quanh quẩn trong sân nhà, khỏe thì trèo cây, mệt thì nghe đài. Mỗi chiều, khi cha tan sở, Huỳnh Duy Siêng nài nỉ cha dắt xuống biển Tuy Hòa để tập bơi. Cơn lụt dạo nào đã giúp ông biết được, người mù không biết bơi sẽ không xoay sở được khi gặp sóng nước. Chỉ mất vài tháng, Huỳnh Duy Siêng bơi giỏi hơn tất cả lũ trẻ láng giềng.

Cũng nhờ sớm ý thức tập bơi mà mấy chục năm sau ông đã có dịp chiến thắng thủy thần một cách ngoạn mục. Năm 1993, Phú Yên bị một trận lụt lịch sử. Đúng hôm ấy, Huỳnh Duy Siêng có hẹn đi đọc thơ giao lưu bên kia sông Chùa. Khi những vần điệu du dương kết thúc, thì mấy chục thi sĩ cấp tỉnh lẫn cấp huyện đều hồn xiêu phách tán vì nước lụt giăng kín bốn bề. Người sáng mắt hoảng hốt tìm đường tháo chạy, riêng Huỳnh Duy Siêng vẫn bình tĩnh. Ông bàn bạc với những người đi cùng và nhẩm tính, nếu đi đường cũ về thì phải vượt qua 10 cây số mà đường xá đã bị nước phủ trắng xóa rồi, cứ bơi cắt ngang sông Chùa sẽ đến nhà nhanh nhất.

Sau khi xác định chỉ cần bơi thẳng hướng sẽ là bờ bên kia của thị xã Tuy Hòa, nhà thơ khiếm thị Huỳnh Duy Siêng lao mình xuống nước và bơi một mạch. Những người còn lại ngạc nhiên đến mức tái mặt, nhưng cũng tăm tắp làm theo Huỳnh Duy Siêng. Kết quả, nhà thơ mù năm ấy 56 tuổi Huỳnh Duy Siêng đã dẫn đám thi hữu trẻ về đến nơi an toàn.

Khi nỗi đau về đứa con đầu lòng bị mù dần tan biến, mẹ của Huỳnh Duy Siêng sinh thêm hai người con nữa. Vậy là Huỳnh Duy Siêng có một đứa em trai và một đứa em gái. Những buổi tối, khi hai đứa em mở vở ra học, thì Huỳnh Duy Siêng cũng mở đài ra học.

Nhà thơ khiếm thị Huỳnh Duy Siêng biết cách phát huy thính giác để bù đắp cho sự thiệt thòi của mình. Không thể nhìn, thì ông suy nghiệm mọi vật bằng kỹ thuật “nghe”. Trong thơ ông có lúc “Nghe xuân hoa nở phân vân tình người”, có lúc “Nghe nỗi nhớ dài thêm/ Nghe lá chiều gió lật” và cũng có lúc “Mây trời bay ngơ ngác/ Cành cao rơi tiếng chim/ Nghe lòng khơi biển động/ Bên đường bóng chiều nghiêng/ Mơ màng theo khói thuốc/ Tôi hình dung tóc em”.

Năm 2012, nhà thơ khiếm thị Huỳnh Duy Siêng in tập thơ “Hết mùa thu chưa” giúp công chúng nhận ra một sự thật, khi sáng tạo thi ca vượt qua bóng tối học vấn và bóng tối định mệnh, thì mỗi bài thơ của Huỳnh Duy Siêng có giá trị bằng hai bài thơ. Bởi lẽ chính khao khát sống, rung cảm sống của Huỳnh Duy Siêng đã là một bài thơ rồi! Thơ Huỳnh Duy Siêng thăm thẳm hoài vọng và ưu tư: “Cơn mưa chiều chợt đến/ Như một đêm chuyện dài/ Lật nhàu trang nhật ký/ Tháng ngày ta nhớ ai/ Dòng sông đời bão táp/ Xô vỡ tình yêu em/ Dẫu đường đời băng giá/ Ta vẫn làm cánh chim”.

Hiện tại, sức khỏe nhà thơ Huỳnh Duy Siêng đã giảm sút rất nhiều ở tuổi 87. Những bài thơ gần đây của ông có niềm thảng thốt “đã nghe có tiếng trời cao gọi/ đã nghe tơ chùng dưới gót chân”, nhưng ông vẫn bám lấy ánh sáng thi ca để nuôi dưỡng tình yêu cuộc sống “ta như một cánh bèo chìm/ lặn vào non nước đi tìm câu thơ”.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Gừng càng già càng cay
Nhà thơ Ngô Xuân Hội viết về nhà thơ Nguyễn Tùng Linh
Xem thêm
Nhà lý luận phê bình Trần Hoài Anh và sự dấn thân với ‘di sản văn học miền Nam’
Đây là Chuyên luận với nhiều trữ lượng thông tin quý và bổ ích về di sản văn học miền Nam 1954 -1975, với độ dày gần 600 trang. Tập sách được đầu tư, nghiên cứu kỹ lưỡng, nghiêm cẩn, khai mở nhiều thông tin hay và có giá trị.
Xem thêm
Thi ca điểm hẹn: Nguyên Hùng ký họa thơ và nhạc
Chương trình của VOH, Đài tiếng nói Nhân dân TP. Hồ Chí Minh
Xem thêm
Lâm Xuân Thi và những vần thơ mang nhiều nỗi niềm suy tư, trắc ẩn!
Bài viết của nhà văn nhà phê bình Nguyễn Văn Hòa
Xem thêm
Phạm Phương Lan và những câu thơ Nút ra từ đá
| “Nứt ra từ đá” (thơ song ngữ Việt - Anh, NXB Hội Nhà văn 8/2024) là tập thơ thứ bảy của nhà thơ Phạm Phương Lan (SN 1973, quê Hà Tĩnh; Hội viên Hội Nhà văn TPHCM). Trước đó, từ năm 2008, độc giả biết đến chị qua những tập thơ như: “Không là gió mây”, “Góc trọ hồn người”, “Khâu tình”, “Mật ngữ em” v.v... và một số ca khúc được phổ nhạc từ thơ của chị...
Xem thêm
Dấn thân vào con đường văn chương
Ở tuổi 80, nhà thơ Trần Nhuận Minh sáng tác và xuất bản sách nhiều hơn bất kỳ thời điểm nào trong cuộc đời ông.
Xem thêm
Nhà văn Xuân Phượng đi và đến...
Bài viết của nhà thơ Văn Công Hùng trên Người đưa tin
Xem thêm
Phùng Quán – Người đặc biệt nhà số 4
Đối với anh em Văn nghệ Quân đội, nhà thơ Phùng Quán là một trường hợp rất đặc biệt.
Xem thêm