TIN TỨC

Tết Cồn Cù nhớ… lân ky!

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2022-02-06 19:46:14
mail facebook google pos stwis
1241 lượt xem

TRẦN DŨNG

“Lân ky” không chỉ mang đến cho Cồn Cù một phong vị Tết kháng chiến độc đáo mà nó còn trở thành niềm tự hào của các thế hệ cư dân địa phương.

Xuân này theo chân mấy anh bạn cũ, tôi có dịp trở về đón Tết ở Cồn Cù sau gần ba mươi năm xa cách. Những đầu tư kết cấu hạ tầng của Nhà nước nhằm phát triển vùng kinh tế trọng điểm ven biển đã từng bước làm đổi thay diện mạo kinh tế - xã hội và đời sống người dân vùng căn cứ kháng chiến năm nào.

Chiếc cầu bê-tông vĩnh cửu thuộc loại lớn và đẹp nhất Trà Vinh, được chiếu sáng bởi hai hàng đèn cao áp, như vầng trăng non khổng lồ vắt ngang sông Long Toàn lịch sử, kéo dài Quốc lộ 53 ra tận bờ biển, nối Cồn Cù gần hơn với thị xã Duyên Hải và thành phố Trà Vinh. Sau ba nhà máy nhiệt điện, giờ những công trình điện mặt trời, điện gió hối hả mọc lên chuyển dần sang công nghệ tiên tiến của ngành năng lượng tái tạo, không gây ô nhiễm môi trường. Ngày đêm, trên Quốc lộ 53, đủ chủng loại xe cộ nối đuôi nhau vận chuyển các loại vật tư nguyên liệu ngành công nghiệp năng lượng ngược đường với hàng nông thủy sản, như vận chuyển cả niềm vui của bà con. Hai bên đường, đường dây cao thế, trung thế, hạ thế, dây điện thoại giăng ngang, mắc dọc tạo ra thế vững chãi cho bố cục của bức tranh xuân miền ven biển. Tỷ lệ nhà cơ bản, bán cơ bản lên đến hơn chín mươi phần trăm là hệ quả tất yếu của việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ nghề muối truyền thống sang nuôi thủy sản và các loại dịch vụ khác. Trong dạt dào niềm vui, bên ly rượu nồng ấm nghĩa tình, câu chuyện xoay dần về với những kỷ niệm ngày xưa, vất vả cùng chiếc ky gánh muối…

Nghề muối đã làm cho đời sống người dân Cồn Cù gắn chặt với chiếc ky. Thực ra, người ta cũng không thể làm ra hột muối nếu không có chiếc xa quạt nước, chiếc trang cào… Nhưng xa quạt chỉ cần cho người chủ ruộng còn trang cào thì mỗi gia đình làm muối chỉ cần sắm một vài chiếc cũng đã là quá đủ. Trong khi đó, mỗi lao động làng muối - dù là chủ hay bạn - đều phải có cặp ky và chiếc đòn gánh. Nhà càng nhiều lao động thì càng nhiều ky, không ít gia đình có đến năm, bảy cặp ky. Gánh muối bằng ky tiện lợi hơn bằng thúng bởi ky dễ xúc, dễ đổ lại mau rỏ nước. Khác với những nơi khác, ky Cồn Cù rất đều nhau và có kích cỡ duy nhất là khoảng hai mươi lăm, hai mươi bảy lít, để mỗi gánh là một giạ “phủ bì” chắc ăn. Ky đã trở thành đơn vị đo lường duy nhất để xác định năng suất, sản lượng cũng như trong trao đổi, mua bán của nghề muối Cồn Cù trong suốt dọc dài lịch sử làng nghề.

Trong suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, Cồn Cù nói riêng và “Trường Long Hòa sắt thép” (khi ấy Cồn Cù là một ấp của Trường Long Hòa, sau tách ra thành lập xã Dân Thành) nói chung là căn cứ địa vững chắc của nhiều cơ quan, đơn vị vũ trang cách mạng tỉnh Trà Vinh và huyện Duyên Hải. Không chỉ vậy, Trường Long Hòa còn là một trong những mắc xích quan trọng, là bến tiếp nhận, lưu kho, phân phối một số lượng lớn vũ khí, trang thiết bị chiến tranh mà hậu phương lớn miền Bắc chi viện cho chiến trường đồng bằng sông Cửu Long theo tuyến đường huyền thoại Hồ Chí Minh trên biển. Do vậy, từ Vùng IV chiến thuật cho đến Tiểu khu Vĩnh Bình, Chi khu Long Toàn, Chi khu Long Khánh… đều xem đây là mục tiêu tự do tác xạ, tự do oanh kích. Ba trận địa pháo từ Long Toàn, Long Khánh và từ Hạm đội Bảy của Mỹ túc trực trên Biển Đông cứ thay nhau cấp tập nhả đạn vô tội vạ, bất kể ngày hay đêm. Các loại máy bay chiến đấu đến phản lực, pháo đài bay B52… ngày đêm rình rập, sẵn sàng oanh kích bằng bom tấn, bom rải thảm, bom napalm… vào bất cứ mục tiêu nào được xem là tín hiệu sự sống của con người, dù là nhỏ nhất. Trên đường đi bắn phá, ném bom mục tiêu nào đó trở về, nếu còn bom đạn không sử dụng hết, chúng sẵn sàng “tặng không” một cách hào phóng cho vùng đất Cồn Cù. Mỗi khi hành quân càn quét vào đây, các đơn vị từ chủ lực, biệt kích đến bảo an luôn được “quán triệt tư tưởng” giết sạch, đốt sạch, phá sạch. Để sống và chiến đấu chính nơi kẻ thù ra sức hủy diệt, người dân Trường Long Hòa phải làm nhà âm vào lòng cát. Mọi sinh hoạt trên mặt đất chỉ diễn ra vào ban đêm.

Dưới sự hủy diệt của kẻ thù, Trường Long Hòa như bị băm nát. Gần trăm nóc nhà ở Cồn Cù không còn được vật dụng gì đáng giá nguyên vẹn, đến chiếc lu sành chứa nước ngọt lành lặn cũng không. Nhưng những chiếc ky vẫn hiên ngang tồn tại, thấm đẫm vị mặn của muối, của mồ hôi và cả máu người. Đêm, ky ra đồng gánh muối. Ngày, ky vào nhà âm cùng người nghỉ ngơi. Có thể nói, với người dân Cồn Cù những năm đó, chiếc ky là một phần của cuộc sống, của tâm hồn. Mà không chỉ ở thời điểm đó, ngày nay, dù đã khá giả với nghề nuôi tôm, nhiều gia đình ở đây vẫn trân trọng treo cặp ky ở góc nhà như một hoài niệm về quá khứ cơ cực mà hào hùng.

Dưới sự hủy diệt của kẻ thù, Trường Long Hòa vẫn bền bỉ một sức sống mãnh liệt. Dưới những ngôi nhà âm trong lòng cát, người ta vẫn bình thản sinh sống, bình thản cưới xin, bình thản sanh con đẻ cái, bình thản mở trường dạy học… Và, theo dòng tuần hoàn của thời gian, cứ đông tàn thì mùa xuân lại đến, bất chấp những khắc nghiệt của cuộc sống.

Bất ngờ, sáng mồng Một Tết năm Kỷ Dậu - 1969, cả ấp Cồn Cù vang động nhịp trống lân. Từ phía cuối giồng, một đoàn lân xuất hiện kéo theo đám trẻ con reo hò ầm ĩ, dần dần kéo luôn cả những người lớn tuổi rời khỏi nhà âm, nôn nả đón nàng xuân phơi phới như chưa hề có sự hủy diệt của chiến tranh. Lạ lùng thay, “trống lân” là những chiếc xoong, cái thau đã bung vành, hở bụng. “Đuôi lân” là chiếc cửa màn của đôi trai gái mới cưới nhau hồi trong năm. “Đầu lân” là chiếc ky gánh muối mới được bồi thêm mấy lớp giấy đủ màu vui mắt, có cả râu, cả miệng, cả mắt… Chiếc ky cùng con người cực nhọc ngày nào bỗng hóa thân thành niềm vui đón xuân trên vùng đất Cồn Cù đầy lửa đạn chiến tranh. Người cầm trống cứ tha hồ gõ nhịp một cách tùy thích. Vũ điệu của lân cũng là cảm hứng bất chợt của mấy thanh niên trong xóm chưa một lần được ai hướng dẫn, chỉ bảo. Thậm chí, nhiều chú, nhiều anh có tuổi sau năm ba ly rượu đón xuân cao hứng nhảy vào giành lấy đầu lân. “Lân ky” là sáng kiến của anh thương binh Ba Én - một cán bộ đại đội thuộc Tiểu đoàn 501 bộ đội địa phương tỉnh Trà Vinh, sau nhiều lần vào sanh ra tử được đơn vị cho về dưỡng thương tại Cồn Cù. Trong cuộc tập kích chiến lược Xuân Mậu Thân, chiến sĩ Ba Én cùng Tiểu đoàn 501 là đơn vị chủ công tiến công thọc sâu vào nội ô Trà Vinh. Giữa mưa bom bão đạn, bất ngờ anh nhận ra bên vệ đường Hàng me, nằm lăn lóc một chiếc đầu lân, mà chắc đoàn lân nào đó đang biểu diễn phục vụ người dân thì chiến sự ập đến, vội “bỏ của chạy lấy người”. Sau khi bị thương trở về căn cứ, hình ảnh chiếc đầu lân nằm lăn lóc khiến Ba Én nhiều đêm mất ngủ, với nghĩ suy làm sao mang niềm vui tương tự đến cho bà con vùng giải phóng.

Và, đoàn “lân ky” Cồn Cù ra đời từ những đêm dài thao thức đó!

Sau ba ngày vui chơi sôi nổi khắp xóm dưới làng trên, đoàn “lân ky” Cồn Cù trở nên “giàu có”. Những tặng phẩm như dưa hấu, bánh tét, mứt gừng… của các gia đình được “lân ky” đến chúc Tết đã theo chân đoàn lân mang niềm vui đến với những bà mẹ có con vừa hy sinh, những người chị có chồng đang ở chiến trường xa không thể về đón xuân, sum họp gia đình.

“Lân ky” không chỉ mang đến cho Cồn Cù một phong vị Tết kháng chiến độc đáo mà nó còn trở thành niềm tự hào của các thế hệ cư dân địa phương.

Sau ngày giải phóng, để người dân vùng căn cứ vốn chịu nhiều thiệt thòi trong chiến tranh có thêm niềm vui đón mừng xuân mới, UBND xã Dân Thành xuất tiền mua đầu lân, trống lân thật đẹp rồi lên tận thị xã Trà Vinh rước thầy về hướng dẫn thật bài bản, lớp lang. Sau gần hai tháng tập dượt, sáng mồng Một tết, đoàn lân phát pháo xuất hành đi về các ấp chúc Tết. Bất ngờ, từ phía Cồn Cù, đoàn “lân ky” xuất hiện trong nhịp xoong, nhịp chảo. Và cũng thật bất ngờ, bà con Dân Thành vẫn nhiệt tình ủng hộ đoàn “lân ky” có hình vóc thô sơ, vũ điệu hệch hạc ấy. Theo chân đoàn “lân ky”, vẫn cơ man quà tặng, nào là bánh tét, trái cây… hướng về những gia đình chính sách neo đơn. Muối mặt, đoàn lân thiệt xênh xang lân mới, trống đẹp hậm hực quay đầu.

“Lân thiệt đụng lân ky”, kỷ niệm ấy đến nay vẫn không phai mờ trong ký ức các thế hệ cư dân Cồn Cù.

Nguồn: Báo Văn Nghệ Tết Nhâm Dần.

 

Bài viết liên quan

Xem thêm
Tuổi thơ bên dòng lũ
Có thể nói, dù mưa bão thường mang đến nhiều thiệt hại cho người dân miền Trung, nhưng lũ lụt cũng bồi đắp phù sa cho vùng đồng bằng duyên hải này, nhờ đó mà người dân nơi đây có thể sống bằng nghề nông nghiệp ổn định với mùa màng tốt tươi, cây lúa phát triển.
Xem thêm
Chiếc Nóp quê hương – Tùy bút Nguyễn Thanh
Thời kháng chiến chống Pháp, trong giai đoạn đầu cuộc đấu tranh gian lao vì sự nghiệp giải phóng dân tộc còn thiếu thốn quân dụng, có một hình tượng đặc biệt đậm màu sắc quê hương, không thể thiếu đối với nhân dân lao động và những chiến sĩ yêu nước tham gia kháng chiến. Đó là chiếc nóp bàng mà người dân Nam Bộ sống cách đây bảy thập niên đều biết đến.
Xem thêm
Gia đình, những nỗi đau ngọt ngào của Trương Văn Dân - Elena
Mấy năm trước có một số bạn văn và bạn đọc đã đề nghị tôi và Elena nên in chung một tập truyện. Và tập truyện mà các bạn đang cầm trên tay có chủ đề về những mối quan hệ trong gia đình và tình nghĩa vợ chồng. Sự sắp xếp này này là hoàn toàn ngẫu nhiên, lựa chọn các truyện ngắn đã viết trong những năm qua, vì nếu chọn chủ đề rồi mới viết thì các bài viết có lẽ sẽ khác và thiếu tự nhiên.
Xem thêm
Má tôi - Tản văn Trần Trọng Trung
Má tôi là một người phụ nữ đảm đang, hiền thục; có một đức tính thật thà, nhân hậu; có một phẩm chất của người phụ nữ Á Đông “Công, Dung, Ngôn, Hạnh”.
Xem thêm
Dấu ấn anh hùng – Bút ký Trần Thế Tuyển
Trong kháng chiến chống Mỹ, tôi may mắn được giao chép sử Trung đoàn 174 (đoàn Cao Bắc Lạng). Sau ngày giải phóng (30-4-1975), tôi lại thêm một lần may mắn nữa: trở lại chiến trường xưa, nơi Trung đoàn đã chiến đấu và gặp lại những người con ưu tú đã góp phần xây nên truyền thống vẻ vang của đơn vị hai lần được tuyên dương danh hiệu Đơn vị AHLLVT ND.
Xem thêm
Có một người thương binh như thế
Về Trung tướng nhà văn Nguyễn Mạnh Đẩu
Xem thêm
Chữa lành và những ngôi sao thức – Bút ký Thanh Huyền
… Đêm đã về khuya, gió biển vẫn mải mê hợp xướng với dàn đồng ca đại dương. Tôi vẫn tản bộ trên dải cát cùng với những nghĩ suy, chất vấn. Tôi không biết mình đang chữa lành ở dạng thể nào nhưng mong rằng khoảng trống nơi tim được lấp đầy... và chắc chắn tôi cũng là một trong những ngôi sao thức!
Xem thêm
Hoàng hôn trên đảo vắng – Tạp bút của Thúy Dung
“Hoàng hôn” là lúc mặt trời lặn, kết thúc một ngày gieo ánh sáng. Ai từng nghe bài “Đà Lạt hoàng hôn” của Minh Kỳ – Dạ Cầm, hẳn còn nhớ câu “Lắng nghe chiều xuống thành phố mộng mơ, màu lam tím, Đà Lạt sương phủ mờ”.
Xem thêm
Hồn sông, hồn quê trong thơ trong nhạc
Nguồn: Hồn sông, hồn quê trong thơ trong nhạc (Tạp chí Sông Lam) và Văn nghệ Công an số 715, ngày 11/7/2024.
Xem thêm