TIN TỨC

Mỗi giọt máu như mặt trời

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
1082 lượt xem

 

Vũ Tuấn

Theo dòng ký ức, tôi nhớ lần đầu tiên đọc thơ của nhà thơ Võ Tấn Cường trên tập san Văn hóa Văn nghệ huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang năm 1988. Năm tôi bước vào học cấp ba, cũng là lúc tập tễnh làm thơ, mở tờ báo ra là tìm ngay trang thơ, thói quen này còn theo tôi đến giờ.


Nhà văn Võ Tấn Cường.

Bài thơ “Đêm đồng sen”, có hai câu kết dễ nhớ, vì nó đánh trúng tâm trạng tôi, năm đó tôi có một mối tình đầu vừa tan vỡ sau phút hào nhoáng ngây thơ của tuổi học trò, đã để lại tâm hồn mình dư âm buồn khôn xiết, một dư chấn yêu thương còn run rẩy như tờ giấy trắng lấm mực không cách gì bôi xóa…

Câu thơ như mối duyên nợ “chở khẳm” tình cảm của tôi và anh tới nay, chắc chắn còn “khẳm” thêm cho tình yêu thơ ca bao la về sau…

“Nếu vắng em đồng không trời trống
Xuồng anh chở khẳm nỗi niềm thương”

Đồng điệu về tâm trạng, câu thơ neo lại hồn tôi. Chính vì nó đã biến hóa tài tình thành chiếc xuồng ”tâm thức” chuyên chở nỗi nhớ niềm thương cho tất cả những ai đã yêu, đang yêu, sẽ yêu nên không bao giờ chìm khuất trong cái biển ngôn từ mênh mông ám ảnh. Lạ là chỉ một từ “khẳm” mà ấn tượng dai dẳng quá.

Và mấy chục năm sau chữ “khẳm” lại quay về trong thơ của Võ Tấn Cường, chuyên chở một cảm thức khác, không kém phần xa xót:

“Con tàu thời gian chở khẳm niềm đau
Miền giá lạnh đời em chờ anh ga cuối?”
(Thèm say)

Không chỉ chở nặng cảm xúc thơ, tâm hồn đa cảm của nhà thơ còn chở nặng bao nhiêu tình ý cuộc đời chất chứa trong hành trình sáng tạo, không bao giờ còn có thể kịp khai phá trên con tàu thời gian lao vùn vụt…

Thơ ca, hay chính xác là ngôn ngữ thơ ca có sức quyến rũ, cuốn hút kỳ lạ. Nó mê hoặc và làm thăng hoa cảm xúc người đọc, qua trái tim và ngòi bút như “cây gậy” quyền uy có khả năng “điều binh khiển tướng” của nhà thơ. Nó vượt thoát tầm kiểm soát, mang về cho nhà thơ những “thắng lợi” tinh thần ngoài mong đợi…

Qua nhà thơ Võ Tấn Cường tôi biết và làm quen nhiều nhà thơ đàn anh ở Mỹ Tho như: Lê Ái Siêm, Nguyễn Thạnh, La Quốc Tiến, Nguyễn Chi… Bây giờ, trong các anh có người đã gánh thơ thong dong về miền mây trắng… như La Quốc Tiến, Nguyễn Chi. Còn lại anh em làm thơ chúng tôi phải chịu “cuộc lưu đày xứ mộng” (“Nhà thơ và cuộc lưu đày xứ mộng”, tập tiểu luận phê bình của nhà thơ Võ Tấn Cường) không biết đến bao giờ?

Riêng nhà thơ Võ Tấn Cường là người luôn gần gũi, gắn bó, chia sẻ thân tình trao đổi nhiều về công việc sáng tác đối với tôi.

Tôi có đủ năm tập thơ của anh, từ tập đầu tay: “Cánh thời gian” đến tập thơ xuất bản gần đây là “Ru giọt máu” và hai tập tiểu luận phê bình anh tặng mỗi dịp xuất bản. Nếu chọn đọc để “khám phá cơ chế sáng tạo” như ý anh đã viết thì tôi chọn đọc cả hai mảng. Nếu chọn một để thưởng thức, tìm cái chất, cái vẻ đẹp nhân văn mang chiều sâu nội tâm thì tôi chọn thơ. Suy cho cùng, khám phá tâm hồn nhà thơ cũng không gì khác hơn là khám phá tác phẩm nhà thơ sáng tạo để dâng tặng cuộc đời…


Tập thơ “Ru giọt máu” của Võ Tấn Cường.

Có lần ghé thăm nhà văn Trang Thế Hy ở Bến Tre, ông nhắn nhủ đôi điều về công việc viết lách, tôi đã ghi vào sổ tay của tôi: ”Đừng ngại sự bắt chước, miễn là bắt chước có sáng tạo”. Đôi lúc, tôi cứ nghĩ theo cách của mình thật ra, công việc sáng tác với các nhà văn có thể nói là một sự bắt chước “vĩ đại”, nếu không bắt chước hiện thực cuộc đời, bắt chước cách nói, cách nghĩ của xã hội loài người, nhà văn có được bao nhiêu vốn sống để viết? Điều ₫ó nói lên rằng sức sống của ngôn ngữ thật kỳ lạ!

Ngôn ngữ đời sống và ngôn ngữ của thơ ca có lẽ giống triết lý “một trong tất cả, tất cả trong một” chăng? Ngôn ngữ là của chung nhưng ta lại có quyền xác lập một “bản quyền” bất khả xâm phạm khi sáng tạo nó theo cách riêng của mình? Nhà văn – anh “sáng tạo” đúng nghĩa được bao nhiêu phần trăm? Câu hỏi này luôn truy vấn tôi trong suốt quá trình làm thơ, để nhắc nhở mình “tỉnh táo” trước cơn say bốc đồng ngôn ngữ dễ ngộ nhận…

Một chữ “khẳm” khi đọc thơ của Võ Tấn Cường từ những ngày đầu biết yêu, tập tễnh làm thơ, rồi găm trong tiềm thức của mình, bất chợt một hôm nó bay vào câu thơ tôi đang viết:

“Mênh mang gió lộng sông Tiền
Ru say búp nõn giữa miền phù sa
Xuồng ai chở khẳm lời ca
Chòng chành giai điệu bay qua cánh đồng!”
(Giai điệu phù sa – Vũ Tuấn)

Nói vậy để thấy rằng sự cảm ứng đồng điệu trong ngôn ngữ thơ ca là có thật!

Với ý thức sáng tạo gần như thiên bẩm, nhà thơ Võ Tấn Cường không chấp nhận nép mình dù phải bay trên đôi ”Cánh thời gian”. Ngay từ tập thơ thứ hai: “Gọi xanh”, anh đã mở lối đi mạnh mẽ cho thơ bằng lối viết tự do, mới mẻ, hiện đại, mạnh dạn kiếm tìm thể nghiệm với cách viết không lặp lại. Nhất là tránh sa đà vào sự ru ngủ của vần điệu khuôn sáo giết chết thơ, đa phần các nhà thơ như vướng phải bẫy rập ngôn từ không cách nào thoát ra được trên hành trình sáng tạo của mình.

Nhưng phải công nhận một điều, ở chặng đầu này anh đã lập nên “kỳ tích” với bài thơ “Cha chơi cờ” từng đoạt giải nhì cuộc thi thơ Tác phẩm tuổi xanh báo Tiền phong năm 1991.

Bài thơ viết theo thể ngũ ngôn truyền thống, khi đó được anh đọc nghe vài lần tôi đã thuộc. Đến giờ này anh đã in năm tập thơ, có nhiều bài thơ hay, tôi chưa thấy có bài thơ nào vượt qua và tỏa sáng hơn?! Tôi tin bài thơ này chính là điểm nhấn làm nên thương hiệu thơ Võ Tấn Cường. Bài thơ mượn hình ảnh cha chơi cờ để nói lên tâm trạng thời đại nhiều ẩn ý.

Nhà thơ, nhà phê bình văn học Hồ Thế Hà đã có bài bình và phân tích rất hay, sâu sắc, tôi chỉ xin chép lại từ trí nhớ của mình ngõ hầu thêm lần gởi đến bạn đọc sự trọn vẹn của một bài thơ hay:

“Cha nhặt tờ lịch cũ
Cánh thời gian rụng rơi
Cha vấn điếu thuốc cũ
Thời gian cháy ngậm ngùi
Cha chơi trận cờ tàn
Đóng hai phe chiến bại
Tướng sĩ thiếu đường chạy
Xe pháo liều chống càn
Tàn trận tướng sĩ lật
Nằm lăn lóc góc nhà
Con tốt trong tay cha
Hóa người hùng cô độc
Cha dọn lòng chôn cất
Bao héo hon tuổi già
Cờ không thể giải mã
Nỗi tủi hờn đời cha.”

Như tất cả các nhà thơ của chúng ta, nhà thơ Võ Tấn Cường cũng “chuyên chế” một loại “biệt dược” đó là thơ tình. Thơ tình của nhà thơ Võ Tấn Cường ba phần đắm say hai phần tỉnh táo. Anh đưa người đọc vào mê lộ tình yêu bằng ngôn ngữ của con tim thiêm thiếp đắm say nhưng luôn được đánh thức bằng cây gậy quyền năng lý trí:

“Mắt em trời thẳm linh thiêng
Tôi bơi vượt thoát bóng đêm hãi hùng
Mắt em hố thẳm không cùng
Tôi rơi vào khoảng lạnh lùng trống không”.
(Mắt em)

Cái nhìn của nhà thơ thật khác lạ. Nếu như với người mình yêu thì đôi mắt là cửa sổ tâm hồn cho ta thả vào đó con thuyền tình ái nồng nàn như nhà thơ Lưu Trọng Lư viết:

“Mắt em là một dòng sông
Thuyền anh bơi lội giữa dòng mắt em”

Thì nhà thơ Võ Tấn Cường lại như người bơi lướt qua nhanh nhanh để vượt thoát sự cám dỗ ấy, rồi như người quá tỉnh táo anh dặn mình hãy cảnh giác với đôi mắt ấy!

Phải chăng thiên hướng nghệ thuật của nhà thơ phát lộ từ cái nhìn đó, nên khi viết về tình yêu anh vẫn còn “lạnh“ và lý trí hơn nữa:

“Em – giọt thủy ngân
Mang hình hài trái tim
Mang gương mặt diều hâu
Biến ảo
Phù phép
Vỡ nụ cười chan nước mắt”
(Chân dung thủy ngân)

Tâm thức nhà thơ là một loại mật ngữ vừa như đóng kín vừa như mở ra vô tận, ta vừa như nắm bắt trọn vẹn vừa như hụt hẫng, cảm giác mông lung đưa ta vào hành trình đồng sáng tạo với nhà thơ như không bao giờ kết thúc. Theo tôi, đó chính là sự thành công của nhà thơ. Bởi nếu ta truy vấn nhà thơ thì lúc ấy tác giả cũng chỉ còn biết cách trả lời ta bằng cách trỏ cho ta một lối đi khác nhiều mê hoặc hơn mà thôi…

“Ru người
Máu chảy về tim
Ru ngày êm ả
Ru đêm yên bình
Ru môi nồng thắm hồi sinh
Nụ hôn say đắm để dành mùa yêu
Ru người
Trọn giấc phiêu diêu
Lặng thinh giọt máu
Trăm điều bão giông…
Mơ hoang ru mặt trời hồng
Đẹp như giọt máu…bềnh bồng đáy tim”.
(Ru giọt máu)

Mơ hoang… Ôi! Cảm ơn phút mơ hoang phiêu hốt này, nhà thơ Võ Tấn Cường đã mang được ngọn lửa vũ trụ là mặt trời hồng vào trái tim mình. Thắp sáng con đường thơ, thắp sáng con đường tình, thắp lên trong ta niềm khát khao hy vọng…

Mỗi giọt máu là một mặt trời hồng. Tôi tin đây chính là thông điệp của nhà thơ Võ Tấn Cường gửi đến mọi người.Tôi tin đây là cánh cửa chính mở ra phía chân trời sáng tạo của thơ ca… “Ru giọt máu” là ẩn dụ nghệ thuật về niềm tin yêu cuộc đời, là bài ca lẽ sống cô đúc trong thể thơ lục bát ngắn gọn mà “trăm điều bão giông.” Bởi cuộc đời rộng lớn ngoài kia chỉ có hình tượng nghệ thuật đặc sắc mới có thể ôm chứa nổi, mới có thể cắt nghĩa được. Đấy là sức mạnh của ngôn từ, thăng hoa qua tâm thức sáng tạo của nhà thơ!

Tình yêu – thi ca – nghệ thuật của một nhà thơ chỉ có một bản chính. Bạn đọc khi tiếp cận có quyền nhân bản nó theo cách cảm, cách hiểu của mình. Không làm nó nhòe mờ mà còn làm phong phú thêm, thú vị thêm…

Tôi không rõ đường tình của nhà thơ Võ Tấn Cường nhưng đọc thơ anh, tôi tin anh trước “ải tình” – mà không mấy kẻ can đảm vượt qua – nhà thơ của chúng ta lại mỉm cười như nhìn rõ “chân tướng” đối phương?

Dù có thể đó không phải tâm trạng cá nhân anh, bởi khi sáng tạo nhà thơ đã hóa thân, tan chảy vào nhịp điệu sôi động của cuộc đời… Tôi vẫn cho đây là một góc nhìn đa diện về tình yêu, của một tâm hồn biết đặt con mắt tỉnh táo bên trái tim đa cảm. Không cần cảnh báo ai, chỉ cần cảnh giác với chính mình bằng con mắt quán sát tinh tế, chắc chắn trên đường đời, đường tình, đường thơ của nhà thơ Võ Tấn Cường ít va vấp và hy vọng anh sẽ về đích trong tâm thế bình yên vượt thoát.

V.T

 

Bài viết liên quan

Xem thêm
Tiểu thuyết “Trưng Nữ Vương” – Bản tráng ca về những Nữ Vương đầu tiên của đất Việt
Bà Trưng quê ở Châu Phong,Giận người tham bạo thù chồng chẳng quên.Chị em nặng một lời nguyền,Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân…(Đại Nam quốc sử diễn ca)
Xem thêm
Về nương bậu cửa kiếm tìm an yên
Bài viết cho cuộc ra mắt tập thơ “Lục bát chân mây” của Võ Miên Trường
Xem thêm
Nguyễn Minh Tâm với ‘Ấm lạnh pháp đình’
Bài viết của nhà văn Nguyễn Văn Hòa
Xem thêm
Bồi hồi, thổn thức, bâng khuâng…
Bài viết cảm nhận của nhà thơ Hoa Ngọc Dung
Xem thêm
Bàn về tính lý luận trong các bài giảng của thầy và bài viết của trò hiện nay
Lý luận văn học Lý luận văn học (LLVH) là bộ môn nghiên cứu văn học ở bình diện lý thuyết khái quát nhằm tìm ra những quy luật chung nhất về văn học. Trong đó bao gồm sự nghiên cứu bản chất của sáng tác văn học, chức năng xã hội-thẩm mỹ của văn học, đồng thời xác định phương pháp lý luận và phân tích văn học. Lý luận văn học tồn tại như một môn học độc lập ở một số trường đại học; nó cũng là một phân môn cho sinh viên và học sinh THPT thế hệ trước. Cho dù độc lập hay là phân môn của môn Ngữ văn thì vai trò của LLVH là vô cùng lớn.
Xem thêm
“Lời của gió” - Lời của nước mắt, nụ cười
Tôi may mắn được người anh, người đồng nghiệp quý mến - Nhà thơ, Nhà báo Trần Thế Tuyển gửi bản thảo trường ca “Lời của gió” với tin nhắn giản dị, mộc mạc “Gửi chú đọc và thẩm cho anh”. Đọc thì đương nhiên rồi, nhưng không dám “thẩm”. Mấy lời sau đây tôi viết với tư cách là bạn đọc, là người em của Nhà thơ Trần Thế Tuyển.
Xem thêm
Không gian thiền tịnh và buông xả trong thơ Nguyễn Thị Sơn
Chùm thơ 4 bài: Thiền, Tịnh, Buông, Nhàn của nhà thơ Nguyễn Thị Sơn đã khái quát một không gian thơ mang tính tâm linh cho riêng mình, ở đó mỗi bài đều chứa đựng những tầng ý nghĩa sâu sắc về tâm trạng và trải nghiệm của con người. Những bài thơ này thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa cảm xúc và trí tuệ, giữa thiên nhiên và tâm hồn. Mỗi bài thơ là một khía cạnh khác nhau của sự tìm kiếm sự an lạc và bình yên trong cuộc sống.
Xem thêm
Dòng sông tâm thức của Elena trong “Hạt bụi lênh đênh”
Trong những câu chuyện đan xen giữa thể loại tùy bút và truyện ngắn và tôi chọn 7 bài viết trong “Hạt bụi lênh đênh” để nói về “dòng sông tâm thức” của Elena đã trải qua .
Xem thêm
Nỗi buồn trổ bông và tình mẹ trong thơ Nguyễn Minh Ngọc Hà
Nguyễn Minh Ngọc Hà sinh năm 1985 tại vùng đất An Sơn thuộc thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương. Nơi đây vốn là chiến khu cách mạng hào hùng trong hai cuộc kháng chiến và là một phần của Vườn trái cây đặc sản Lái Thiêu nổi tiếng. Có lẽ đặc điểm, truyền thống quê hương đã sớm chắp cánh cho hồn thơ của chị. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, trong đầu cô cựu học sinh lớp chuyên toán của trường trung học phổ thông chuyên Hùng Vương luôn phảng phất âm điệu của thi ca. Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Tài chính - Ngân hàng tại trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh rồi vào làm việc tại một ngân hàng lớn chưa bao lâu, như duyên phận đã định trước, Nguyễn Minh Ngọc Hà “rẽ bước”, chọn nghề tự do để có thời gian dành cho văn chương nghệ thuật
Xem thêm
So sánh bài thơ Cây đánh đu của Lê Thánh Tông và bài thơ Đánh đu của Hồ Xuân Hương
ĐÁNH ĐUTám cột khen ai khéo khéo trồngNgười thì lên đánh kẻ ngồi trôngGiai du gối hạc khom khom cậtGái uốn lưng ong ngửa ngửa lòngBốn mảnh quần hồng bay phấp phớiHai hàng chân ngọc duỗi song songChơi xuân đã biết xuân chăng tá?Cọc nhổ đi rồi, lỗ bỏ không
Xem thêm
Chân dung đẹp từ nét vẽ của thơ
Nguồn: Thời báo Văn học Nghệ thuật, ngày 22/8/2024
Xem thêm
Nhịp điệu của sức bền
1. Trong nhiều tác phẩm và bài viết trao đổi, Mai Văn Phấn thường nhắc đến quan niệm viết (và sáng tạo nghệ thuật nói chung) như một hành động kiến tạo không gian khác – khác với người khác và khác với chính mình, xem đấy như kim chỉ nam cho quá trình tìm tòi của ông. Đấy là một ý tưởng dễ được chia sẻ (và dễ biến thành các tuyên ngôn to tát) nhưng rất khó để hiện thực hoá, bởi nó buộc người viết phải ý thức đầy đủ về bản chất sáng tạo, biết liên tục đổi mới, hoặc nói cách khác, biết phủ định và tự phủ định. Càng ngày, khi càng đi xa và đạt nhiều thành tựu hơn, Mai Văn Phấn càng thấy rõ áp lực của việc phải khác trong thực hành sáng tạo. Nhưng đồng thời, việc viết trong áp lực (chủ yếu xuất phát từ đòi hỏi của ông với chính bản thân) đã hình thành ở tác giả này một tinh thần và thái độ thực tế mà ta có thể nói đơn giản như sau: muốn viết khác thì phải đọc sâu, đọc rộng. Có lẽ vì vậy, sau nhiều tác phẩm thơ liên tiếp xuất bản trong và ngoài nước, Mai Văn Phấn chọn nhịp bước chậm lại và rẽ sang phê bình với tập Không gian khác (2016) và mới đây nhất, là Nhịp điệu vẽ lối đi (2024).
Xem thêm
Hoa thơm, trái ngọt của lòng yêu thương
Nguồn: Thời báo Văn học - Nghệ thuật số ra ngày 15/8/2024
Xem thêm
Đọc thơ Trần Mai Hường
Bài viết của nhà văn Tuấn Trần
Xem thêm