TIN TỨC

Tết đến xuân về với vạn thọ hoa

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng: 2022-01-31 16:59:49
mail facebook google pos stwis
1248 lượt xem

Hồ Thu

(Vanchuongphuongnam.vn) – Ngày Tết bao giờ cũng muôn ngàn sắc hoa, cây lá đủ màu đủ sắc. Và nắng, nắng xuân hanh hao miên man từ phố thị đến làng xứ trên những cành hoa Tết. Là cành mai chớm nở rung rinh trước gió, là chậu cúc, thược dược, là luống bươm bướm xanh cánh mỏng manh… Và tôi, giữa nhiều loại hoa của khoảng sân nhà ngày ấy, tôi thích một loài hoa mộc mạc và đậm hồn quê kiểng – hoa vạn thọ.

Thú thực, bỗng chốc trong ký ức hơn mấy chục năm rồi, tôi vẫn nhớ man máng như vậy khi đứa bạn thân sưu tầm trên mạng và gửi cho tôi vài tấm ảnh cảnh quang chợ hoa xuân ngày Tết. Và những lần khi Tết đến xuân về, đứng giữa nhiều loại hoa bây giờ phong phú, sang trọng và kiêu sa, hoa vạn thọ vẫn nổi bật lên với dáng vẻ khiêm nhường và một mùi hương đặc trưng không lẫn vào đâu được. Đó là vị nồng từ lá đến nụ hoa rất riêng chỉ có ở vạn thọ, níu kéo những người lớn tuổi như tôi về với hồn quê một thời không thể nào quên…

Quê tôi, một làng nhỏ nằm bên dòng Thu Bồn sông mẹ xứ Quảng. Nép mình bao bọc bởi lũy tre làng, mỗi năm lụt qua bồi thêm lớp phù sa màu mỡ rất hợp với nhiều loại cây trồng, nhiều loại hoa. Năm nào cũng vậy, việc trồng hoa chuẩn bị cho kịp Tết cũng được người dân quê tôi chú trọng, như công việc xuống giống lúa vụ đông xuân, như chuẩn bị đồng, vườn cho vụ rau Tết. Thường độ sau cây lụt hai mươi ba tháng mười âm lịch, tất cả mọi việc ấy cứ lặp đi lặp hàng năm để rồi đi vào ca dao: “Ai ơi dẫu có đi xa/ Nhớ gieo vạn thọ sau hai ba tháng mười…”. Vậy đó, hoa vạn thọ thường có màu vàng hoặc các “cấp độ” vàng khác nhau như vàng rực, vàng tươi, vàng cam, cam, cam nâu… Loại này cũng thuộc họ với hoa cúc, nên hoa cũng có nhiều cánh và mùi hương phảng phất như nhau. Tôi nhớ ngày trước, khoảng sân hay vườn nhà nào cũng rộng, thoáng mát.

Chừng trước Tết cả tháng, hoa vạn thọ đã thấp thoáng trổ những búp nõn nà. Để có được những hàng vạn thọ nở vàng rực đúng vào dịp Tết, ba tôi đã chuẩn bị giống từ mùa trước, chọn những bông hoa to và tròn, nở hết đời hoa, để khô và chọn làm giống cho năm sau. Ba tôi thường gieo hạt, trộn với đất tơi xốp trên một luống nhỏ. Khi những mầm cây nhú lên, rồi những chiếc lá mọc dài ra. Ba tôi bứng từng cây nhỏ và trồng khoảng cách đều đặn dọc theo sân nhà ra cửa đến đầu ngõ. Khi cây ra được chừng 5-7 cặp lá thì phải bấm đọt cho cây, để cây ra nhiều nụ và đều quanh thân cây. Hoa vạn thọ dễ trồng, ba tôi hay cho “bổi” hay rơm mục vào gốc cây, vót nẹp tre cắm xung quanh cho cây thẳng đứng, lá xanh đều. Ở quê tôi ngày ấy, các loại hoa Tết chủ yếu là tự trồng và có khi trồng đan xen nhau như mào gà, thược dược, móng tay, bông bướm, bông trấu, vạn thọ… để trang trí trong nhà, hay để cúng trên bàn thờ thường là vạn thọ, bông trang. Vì thế, sau những ngày chăm sóc, các loại hoa đua nhau đơm sắc đón xuân đón Tết. Mỗi hoa có một vẻ đẹp riêng. Những bông hoa vạn thọ tròn xoe, mỗi sáng long lanh giọt sương trong vắt. Cả mùi thơm nồng nàn, không lẫn vào đâu được.

Ba tôi bảo, vạn thọ là loài hoa dễ trồng. Mấy anh em tui cũng thích thú chăm cây, nhổ cỏ, vào rơm cho gốc, bắt sâu… mỗi ngày ngóng trông đếm từng nách lá, chờ đợi và vui mừng niềm vui con trẻ khi thấy những nụ hoa he hé đầu tiên. Như cùng với nụ hoa mai, nụ vạn thọ cũng là “nhân vật truyền tin” cần mẫn báo hiệu Tết đến xuân về. Tôi nhớ ba tôi, chăm vườn rau vườn hoa, tỉa lá mai già trong những ngày nắng tháng chạp công việc bề bộn. Nghỉ tay “ăn nửa buổi”, uống chén nước chè xanh, ba tôi nói rằng thấy hoa là thấy Tết về. Tôi biết ba má tôi lo đủ thứ trong dịp Tết cuối năm cho việc cúng kiếng ông bà tổ tiên, cái ăn cái mặc, tấm áo Tết cho con… Ba tôi thường nói hoa vạn thọ tháng chạp là hình ảnh hướng về những ngày Tết cổ truyền ấm cúng đoàn viên, nếu không có hoa vạn thọ thì vẫn chưa cảm hết phong vị của ngày Tết, hoặc thấy thiếu đi một phần Tết. Vì thế, năm nào cũng không thể “vắng” hoa vạn thọ nở từ giữa tháng chạp và qua hết tháng giêng trong nắng ấm xuân tràn, cùng với các loại hoa khác, thêm hoa cải, tầng ô, hoa ngò… để giống cho mùa sau thành một vườn hoa thật đẹp, tinh khiết mùi hương quê kiểng… Cùng với cội mai vàng, tất cả loài hoa rất đỗi quen thuộc ấy trong nắng xuân dịu dàng, gió xuân mơn man khẽ rung rinh những đóa hoa. Với tôi, không thể nào quên điệp khúc đẹp đẽ ấy của ngày Tết quê hương trong suốt hành trình cuộc đời… Tôi nhớ những năm xa nhà đi học đại học, trên chuyến tàu háo hức mỗi lần về quê dịp Tết, tôi cứ mường tượng ra “khoảng trời góc sân” nhà mình, và khi đến nhà, đập vào mắt tôi đầu tiên từ cổng là khu vườn của các loại hoa, và vạn thọ là loại hoa tôi thích nhất…

Tôi là đứa trẻ nhà quê suốt những năm tháng tuổi thơ lớn lên qua bao nắng mưa quê nhà, nơi có dòng sông Thu Bồn vẫn bốn mùa lặng lẽ vơi đầy con nước tuôn về biển khơi xa. Tôi đã đi qua mùa vạn thọ quê nhà, qua bao mong ngóng Tết để được mặc tấm áo mới, được hít hà mùi hương bánh Tết và được ngắm nhìn bao mùa hoa Tết. Và nỗi ngóng trông khát khao hơn nữa là những năm tháng xa quê, nhớ ngôi nhà của ba mẹ, chòm xóm yêu thương, ước được về sớm từng ngày. Với tôi, dù có đi đâu, làm gì thì hoa vạn thọ vẫn luôn hiện diện trong bao nhiêu ký ức đẹp về quê nhà và hễ nhìn thấy hoa, nghe mùi hương đặc trưng của nó là như đã thấy quê hương trong không khí Tết đến xuân về!

Bây giờ, Tết xưa Tết nay có biết bao nhiêu sự đổi thay. Các loại hoa ngày càng phong phú hơn, đủ màu đủ sắc đủ các chủng loại, hoa vạn thọ theo đó cũng “biến tấu” với nhiều loại cao thấp, hoa to hoa nhỏ, cánh ít cánh nhiều, màu này màu kia… Vạn thọ cùng nhiều các loại hoa khác được bày bán khắp nơi từ vườn ra phố, từ siêu thị đến chợ, từ bày bán trực tiếp đến chợ online. Trước muôn sắc hoa thời nay lựa chọn trang trí vào dịp Tết, có người vẫn luôn “trung thành” với hoa vạn thọ bởi ý nghĩa đặc biệt truyền thống của loài hoa này. Hoa vạn thọ báo hiệu xuân về, sự hiện diện của hoa cũng là sự hiện diện của cái Tết đoàn viên. Tên hoa có chữ “vạn thọ” là biểu trưng cho nhiều sự tốt lành, cho sự sống dài lâu để hưởng phúc lộc đủ đầy, để cầu mong một năm mới nhiều may mắn, thành công, sung túc. Và hoa vạn thọ là biểu tượng của hồn quê kiểng, dung dị, điềm nhiên mà ăm ắp tình thân khắc sâu trong tâm tưởng mỗi người.

Hai năm nay, dịch bệnh Covid-19 diễn ra và kéo theo nhiều hệ lụy về sự gặp gỡ, đoàn viên trong mỗi gia đình, nhất là dịp Tết. Người dân vẫn tiếp tục một cái Tết thực hiện 5K. Những ngày tháng chạp này, đứa bạn thân của tôi giờ ở quê vừa gửi qua zalo những hình ảnh về “khu vườn yên tình” bạn trồng nhiều loại hoa đang vào vụ Tết. Chao ôi là đẹp, cả trời hoa muôn sắc thắm, trong đó nổi bật lên là những chậu vạn thọ lá xanh rì, he hé nở những nụ vàng tươi thắm. Tôi như thấy cả quê nhà gói gắm vào đây, như thấy Tết và xuân đang đến thật gần.

Hẹn bạn nhé, chúng mình sẽ cùng check-in và lưu lại những khoảnh khắc xuân này. Tôi nghe như lời bạn thì thầm: Ngần ấy là đủ rồi, Tết đến xuân về và vạn thọ hoa…

H.T

Bài viết liên quan

Xem thêm
Tuổi thơ bên dòng lũ
Có thể nói, dù mưa bão thường mang đến nhiều thiệt hại cho người dân miền Trung, nhưng lũ lụt cũng bồi đắp phù sa cho vùng đồng bằng duyên hải này, nhờ đó mà người dân nơi đây có thể sống bằng nghề nông nghiệp ổn định với mùa màng tốt tươi, cây lúa phát triển.
Xem thêm
Chiếc Nóp quê hương – Tùy bút Nguyễn Thanh
Thời kháng chiến chống Pháp, trong giai đoạn đầu cuộc đấu tranh gian lao vì sự nghiệp giải phóng dân tộc còn thiếu thốn quân dụng, có một hình tượng đặc biệt đậm màu sắc quê hương, không thể thiếu đối với nhân dân lao động và những chiến sĩ yêu nước tham gia kháng chiến. Đó là chiếc nóp bàng mà người dân Nam Bộ sống cách đây bảy thập niên đều biết đến.
Xem thêm
Gia đình, những nỗi đau ngọt ngào của Trương Văn Dân - Elena
Mấy năm trước có một số bạn văn và bạn đọc đã đề nghị tôi và Elena nên in chung một tập truyện. Và tập truyện mà các bạn đang cầm trên tay có chủ đề về những mối quan hệ trong gia đình và tình nghĩa vợ chồng. Sự sắp xếp này này là hoàn toàn ngẫu nhiên, lựa chọn các truyện ngắn đã viết trong những năm qua, vì nếu chọn chủ đề rồi mới viết thì các bài viết có lẽ sẽ khác và thiếu tự nhiên.
Xem thêm
Má tôi - Tản văn Trần Trọng Trung
Má tôi là một người phụ nữ đảm đang, hiền thục; có một đức tính thật thà, nhân hậu; có một phẩm chất của người phụ nữ Á Đông “Công, Dung, Ngôn, Hạnh”.
Xem thêm
Dấu ấn anh hùng – Bút ký Trần Thế Tuyển
Trong kháng chiến chống Mỹ, tôi may mắn được giao chép sử Trung đoàn 174 (đoàn Cao Bắc Lạng). Sau ngày giải phóng (30-4-1975), tôi lại thêm một lần may mắn nữa: trở lại chiến trường xưa, nơi Trung đoàn đã chiến đấu và gặp lại những người con ưu tú đã góp phần xây nên truyền thống vẻ vang của đơn vị hai lần được tuyên dương danh hiệu Đơn vị AHLLVT ND.
Xem thêm
Có một người thương binh như thế
Về Trung tướng nhà văn Nguyễn Mạnh Đẩu
Xem thêm
Chữa lành và những ngôi sao thức – Bút ký Thanh Huyền
… Đêm đã về khuya, gió biển vẫn mải mê hợp xướng với dàn đồng ca đại dương. Tôi vẫn tản bộ trên dải cát cùng với những nghĩ suy, chất vấn. Tôi không biết mình đang chữa lành ở dạng thể nào nhưng mong rằng khoảng trống nơi tim được lấp đầy... và chắc chắn tôi cũng là một trong những ngôi sao thức!
Xem thêm
Hoàng hôn trên đảo vắng – Tạp bút của Thúy Dung
“Hoàng hôn” là lúc mặt trời lặn, kết thúc một ngày gieo ánh sáng. Ai từng nghe bài “Đà Lạt hoàng hôn” của Minh Kỳ – Dạ Cầm, hẳn còn nhớ câu “Lắng nghe chiều xuống thành phố mộng mơ, màu lam tím, Đà Lạt sương phủ mờ”.
Xem thêm
Hồn sông, hồn quê trong thơ trong nhạc
Nguồn: Hồn sông, hồn quê trong thơ trong nhạc (Tạp chí Sông Lam) và Văn nghệ Công an số 715, ngày 11/7/2024.
Xem thêm
Những cống hiến, hy sinh của người lính đánh đổi để có hoà bình, phát triển kinh tế đất nước
Nguyện xứng đáng với lòng tin yêu của Đảng, nhân dân. Nâng cao cảnh giác, chủ động sẵn sàng đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn phá hoại của kẻ thù, bảo vệ vững chắc môi trường hoà bình; đóng góp sức mình cùng cả nước giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh…
Xem thêm