TIN TỨC

Nguyễn Tấn On với tập Tiết tấu thơ

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
1097 lượt xem

Nguyễn Văn Hòa

Nhận được tập sách Tiết tấu thơ của Nguyễn Tấn On gửi tặng vào một chiều cuối thu đã muộn, tôi vội mở ra và tìm đọc ngay bài thơ cùng tên. Tên tập thơ và những câu thơ trong bài thơ cùng tên với thi tập Tiết tấu thơ đã tạo cho tôi ấn tượng. Ở đó, hiển hiện tâm thế, tấm lòng, sự chân thành của một người yêu thơ và sống trọn vẹn cho thơ.

Nhà thơ Nguyễn Tấn On

Tôi ôm tôi quấn tròn

nằm lăn ra làm thơ

khi nỗi buồn mặt trời còn giấu kín

khi em bảo thơ chẳng làm ra cơm áo

Bao nhiêu đời, họ ngẩn ngẩn ngơ ngơ

thơ rất đỗi bình thường

như người nông dân chân lấm tay bùn

trên cánh đồng thời vụ

như nhà bác học trăn trở

trước những phát minh

như lời khẩn cầu

mưa thuận gió hòa cho mùa

vung tay gieo hạt

để thành đạt những ước mơ

để chắp cánh cho thơ bay bổng

Tôi ẵm bồng

sinh sản những mùa đau.

Ở thời buổi này mà có người say đắm thơ như thế thì điều ấy thật đáng quý và đáng trân trọng. Vì thế, tôi đọc liền một mạch hết 40 bài trong Tiết tấu thơ của Nguyễn Tấn On. 40 bài thơ trong tập sách được nhà thơ dành cả những tâm huyết, sự trăn trở của mình vào đó. Mỗi nơi anh qua, mỗi vùng đất anh đến, những gì anh nghe thấy, anh chứng kiến hay cả những dự cảm về mọi điều diễn ra trong đời sống đều được Nguyễn Tấn On ghi lại một cách chân thực, sinh động. Chính điều này đã tạo nên những dấu ấn nhất định đối với độc giả khi đọc thơ anh.

Điều thú vị và cũng là tín hiệu đáng mừng cho Tiết tấu thơ: đây là tập thơ song ngữ Việt - Anh. Tâp sách được dịch bởi dịch giả, nhà thơ Võ Thị Như Mai. Đó là yếu tố thuận lợi để thơ Nguyễn Tấn On có dịp để mở rộng đối tượng tiếp nhận và cũng là cơ hội tốt để thơ anh có sự lan tỏa.

Bao trùm trong Tiết tấu thơ của Nguyễn Tấn On chủ yếu là giọng trầm, buồn. Ở đó thể hiện một cái tôi trữ tình yêu thương da diết, một cái tôi đầy suy tưởng về những điều hiện hữu, về quá khứ đã qua và cả những dự cảm về tương lai.

Cái hay ở thơ Nguyễn Tấn On là anh thường dùng những thủ pháp nghệ thuật: ẩn dụ, hoán dụ, so sánh, nhân hóa... một cách linh hoạt để chuyển tải những nỗi niềm một cách vi tế nhất.

Tiếng dương cầm tắm gội cùng mưa, ngay tên nhan đề bài thơ đã tạo nên sự ám gợi.

xuống phố/ dốc nghiêng vai chầm chậm/ gió phất phơ/ cành đào rụng lá trơ xương/ nhu nhú những nụ hoa vươn tới/ cơn mưa xõa tóc một làn hương/ mỏng mảnh phai mấy màu áo lụa/ trời nắng mưa trầm tích những vần mây/ xuống phố/ chạm cơn mưa nhè nhẹ/ chậm thế nào cũng vấp một tiếng rơi/ hàng cây cũ soi mặt hồ trong mới/ mưa ngọt ngào lún từng giọt thiết tha/ chiếc khẩu trang đi qua mùa dịch bệnh/ ấm áp nụ cười, bùi ngùi sẻ chia/ vết thương nào cũng thành sẹo/ nhưng cầu mong bệnh đừng trở nặng thêm// mùa giêng/ mưa nghiêng qua ô cửa/ nhà ai - mùi củi thơm tho/ bên lò sưởi mặn nồng/ nhón gót bên rào tường vy thấp thoáng/ tiếng dương cầm tắm gội cùng mưa.

Thực tại đời sống có muôn vàn ẩn số, ám dụ, ẩn dụ nhưng bằng lôgic thông thường con người không giải mã được trọn vẹn. Vì thế, đôi lúc trong sáng tạo thi ca nhà thơ phải dùng biểu tượng. Biểu tượng: mặt trời, nắng, mưa, đêm, mùa thu, biểu tượng quê hương - đất nước... được Nguyễn Tấn On sử dụng trong thơ anh như là cách để giải thích, sáng tạo, tái sinh, liên tưởng trong sự kết hợp văn hóa, sự đa dạng của đời sống.

Đọc những câu thơ trong bài Người vẽ mùa thu gợi cho ta cảm giác thương nhớ ngút ngàn, sự hoang hoải, trống vắng, niềm tiếc thương và cả thái độ trân trọng. Quá khứ thương đau nhưng không thể nào tắt đi niềm tin yêu, hi vọng vào sự hồi sinh ở phía trước. Người đàn bà quên gương lược/ để tóc tự tình mưa gió vui...// Mùa thu về đâu?/ không có lá vàng chỉ có đàn kiến tha những sợi tơ mùa/ qua ngã tư, ngã năm vừa lắp đèn xanh, đèn đỏ/ về đồi cao làm tổ, chờ đông về ấp ủ tình yêu/ những khu phố không còn giăng dây - cách ly - chống dịch./ những hũ tro, cốt tẫn liệm/ bằng ký ức sẻ chia/ bằng tiếc thương/ trân trọng// Mặt trời lên/ người đàn bà vẽ mùa thu/ bằng âm thanh/ bằng ký tự/ bằng nhịp thở/ hồi sinh.

Một sự bất thường đã xảy ra: mùa thu không có lá vàng rơi rụng nhưng lại là mùa của những linh hồn ra đi vất vưởng, ai oán, nức nở khi chưa kịp giã biệt bất cứ điều gì...

Nắng quê nhà là bài thơ hay, để lại nhiều cảm xúc đối với người đọc; bởi nhà thơ đã nói lên tiếng lòng thành thực của chính mình về quê nhà bằng tình yêu và nỗi nhớ trong trẻo, da diết.

Ta về tắm nắng nhà quê/ Cây rơm khuyết chỗ con bê rút ngày/ Rủ em về ngay - hôm nay/ Con chào mào hót rất hay em à// Cây ổi đỏ ruột vườn nhà/ Bánh xèo mẹ đổ nhân là nấm rơm/ Bếp quê chín lửa sôi cơm/ À ơi! Sợi khói, mùa thơm thảo về// Về nhe em, nắng nhà quê/ Thả diều, đánh vụ thích ghê gió đồng/ Về đây tập ta bơi sông/ Con chuồn chuồn cắn, hồng hồng đêm mơ.

Nhưng chắc chắn rằng đó chỉ là kỷ niệm, bởi bây giờ quê hương đã đổi khác, cảnh như lạ như quen càng làm cho đứa con “tha phương” trở lại thêm bùi ngùi.

Nhớ đến quê hương, nhà thơ còn nhớ đến hình ảnh của mẹ của cha đang mòn mỏi trong ngóng đứa con xa trở về thăm nhà. Trong tâm tưởng của một người đứng tuổi như Nguyễn Tấn On, không bao giờ anh nguôi quên mảnh đất chôn nhau cắt rốn của mình. Vì thế dù trong bất cứ tình huống, hoàn cảnh nào nhà thơ cũng phải “Tìm về” chốn cũ. Đó là cách để cho lòng được an yên, là cách để xoa dịu những vết thương lòng, là cách hóa giải những ẩn ức đã và đang hiện hữu trong tâm hồn... Phải là người nặng lòng với quê hương, với những điều bình dị, gần gũi của quê nhà mới có thể viết lên những vần thơ da diết, chan chứa hoài niệm đến thế.

Nhà thơ Nguyễn Tấn On có nhiều bài thơ viết về Sài Gòn, anh xem đó là thành phố cưu mang, thành phố nghĩa tình, thành phố mà ở đó gắn với bao nhiêu ký ức đẹp, không thể nào nguôi quên. Nhắc về Sài Gòn, nhớ về Sài Gòn đó cũng chính là lời cảm ơn chân thành nhất xuất phát tận trong đáy sâu tâm hồn anh. Nhất là trong những tháng ngày đại dịch Covid bao phủ, hoành hành. Nhiều bài thơ chắt lắng, đậm chất trữ tình về đất và người Sài Gòn được ra đời, tạo nên những tình cảm đặc biệt. Phố bệnh, Mưa người dưng, Sài Gòn – Ngày giãn cách, Thành phố hương của đời, Người và Đất, Thành phố cưu mang, Thành phố nghĩa tình...

Những tháng ngày Đại dịch covid tràn về, nỗi lo lắng bao trùm nhất là những nơi dịch bùng phát nhiều, nơi có con cháu, người thân yêu, bạn bè ở đó thì nỗi lo lại càng nhiều hơn gấp bội. Nguyễn Tấn On cũng có nỗi thấp thỏm của riêng anh, vì ở tận phố núi Đà Lạt, nhà thơ đang lo cho con đang ở vùng tâm dịch Sài Gòn.

Đà lạt - ngày đêm mưa rả rích/ Tỉ tê từng giọt buốt hiên nhà/ Âm ỉ - lo âu mùa dịch bệnh/ Đau lòng thương nhớ con xa// Đà lạt - Sài gòn bao thân thiết/ Hai nơi hai nỗi quê nhà/ Từng đoàn người rời Sài gòn lũ lượt/ Mong con về trong nỗi thiết tha (Thành phố cưu mang).

Nguyễn Tấn On có những bài thơ cô đọng, bật lên từ những cảm xúc bất chợt trong thời gian xảy ra Đại dịch Covid.  Con nhà thơ vẫn bám trụ ở Sài Gòn, không về Đà Lạt. Vì thế, khi nghe tin con bị F0, nhà thơ chết điếng vì quá lo lắng, bởi cái chết vì nhiễm bệnh ngày càng nhiều, không biết rồi sẽ có mệnh hệ gì với con?

Tin con dính F0, cả nhà mình chết điếng/ Ánh mắt buồn sũng ướt vấp vào nhau.

May thay, con anh đã vượt qua cơn hiểm họa. Đó là điều may mắn nhưng cái quan trọng hơn cả đó là nhờ vòng tay bao dung, chở che của Sài Gòn.

Sài gòn đổi thay/ con người không thay đổi/ vẫn hiền hòa hiếu khách, bao dung/ những thùng nước bên đường làm dịu cơn khát nắng./ những cây gạo ATM nghĩa tình/ ổ bánh mì ấm lòng người cơ nhỡ/ đĩa cơm hai ngàn không tính toán thiệt hơn.

Sài Gòn đổi thay trên các phương diện khác nhau của một thành phố năng động, đầu tàu về kinh tế của cả nước nhưng có một điều thật đáng quý đó là tình người, là sự bao dung, sẻ chia trước sau vẫn không hề thay đổi. Thậm chí mỗi ngày được hun đúc thêm, bồi đắp thêm. Họ không chỉ sống cho bản thân mình mà còn sẵn sàng làm những việc nhân nghĩa cho người, cho đời...

Mưa người dưng là một bài thơ mới đọc qua tưởng như tất cả là lời tự sự giản đơn của tác giả nhưng đọc kỹ lại thấy có nhiều điều trăn trở, nhiều thông điệp mà nhà thơ muốn ký gửi.

Sài gòn - mưa đầu mùa ập xuống/ Mưa ầm ầm - ào ạt/ Mưa - vội vã - dâng trào/ Mưa thì thầm chầm chậm/ Chảy về tôi/ Ký ức// Sài gòn - những trận mưa chiều thứ 7/ Người như sông trôi trên mặt đường/ Ngày lang thang/ Cơm bụi/ Cùng người/ Mưa - che chung dù hoa/ Mưa thắm tình áo trắng/ Mưa - ấm góc giảng đường/ Mưa - thương người - người dưng// Sài gòn mưa bay hàng me xanh phố/ Mưa êm - đềm/ Mưa - bao dung/ Mưa - sẻ chia/ Mưa - hạnh phúc/ Mưa - thành đôi/ Ơn - cơn mưa - người dưng.

Điệp khúc mưa trở đi trở lại liên tục (15 lần), mưa gắn liền với bao nhiêu sự việc, mưa trở thành một biểu tượng trùng phức, mang giá trị nhân văn sâu sắc.

Đà Lạt, thành phố nơi Nguyễn Tấn On đang sinh sống cũng để lại trong anh tình cảm đặc biệt. Để rồi nhà thơ có sự so sánh rất đáng yêu, giãi bày những nỗi niềm sâu kín của mình về đất và người nơi đây. Anh nhớ em như anh nhớ Đà Lạt, một sự so sánh rất đặc biệt. Ở đây nỗi nhớ em được đặt ngang hàng với nỗi nhớ một thành phố núi nơi anh đang trú ngụ. Nỗi nhớ vừa trừu tượng, miên man, vừa hữu hình, cụ thể. Gắn liền với nỗi nhớ về em là những địa danh được nhà thơ nhắc đến, những đặc trưng về địa hình, khí hậu... có sự ảnh hưởng nhất định đến con người. Tình yêu và nỗi nhớ về em luôn hiện diện và đan cài trong tình yêu Đà Lạt. Bởi ở đó có quá nhiều những kỷ niệm!

Anh nhớ em như anh nhớ Đà lạt/ Nắng lạnh hai mùa áo khoác thân quen/ Vừa xuống đèo Prenn mà lòng đã nhớ/ Tháp Grand lycee ướt đẫm một màu trăng// Nỗi nhớ dùng dằng trên dốc Lê Đại Hành/ Ném chiếc khăn choàng vào đêm thứ bảy/ Lạnh run người mà em cứ dỗi hờn tôi/ Để sóng hồ Xuân Hương bối rối...

 

Con người trong thơ Nguyễn Tấn On là hiện diện của nỗi cô đơn, của sự khao khát khám phá, hướng đến những điều nhân bản, tốt đẹp. Ở đó, bạn đọc dễ nhận ra nhân vật trữ tình luôn tự tâm tình, đối thoại thông qua những hình ảnh, câu chữ, biểu tượng đầy ám gợi: phố tình thân, phố cưu mang, nắng quê nhà, nỗi buồn sủi tăm, mưa người dưng, tiếng dương cầm tắm gội cùng mưa, anh nhớ em như anh nhớ Đà Lạt...

Ta nợ Em – Mùa Thu gợi ra nỗi niềm trăn trở của nhân vật trữ tình thông qua những hình ảnh liên tưởng tự nhiên nhưng đầy bất ngờ và thú vị. Một cách chuyển tải vô cùng hồn nhiên, thật đáng yêu, ở đó có cả sự e ngại, dại khờ vì không có chút gì toan tính thiệt hơn mà chỉ thuần khiết một tình yêu trong sáng.

Gặp em thuở chưa là hoa/ Chỉ là búp nụ giữa chồi lá non/ Trong vườn chim hót véo von/ Một vầng nguyệt bạch vừa tròn thanh tân// Gió không rung, cây tần ngần/ Tay cầm hoa cúc lòng phân vân tình/ Mấy bài thơ giữ riêng mình/ Rồi ta cứ thế lặng thinh lên đường// Buổi về qua ngõ đồi sương/ À ơi! Sợi nắng tỏ tường - lời ru/ Ta nợ em - một mùa thu/ Trăng buông cổ độ mịt mù vàng rơi.

Viết cho ai, viết về điều gì thơ Nguyễn Tấn On cũng tự nhiên, hồn hậu. Lời thơ chậm rãi, nhấn nhá kiểu như vừa đi vừa kể một câu chuyện nhưng rất đỗi chân thành. Sự chân thành ấy đã là bản chất, là cốt cách của một người làm thơ như Nguyễn Tấn On. Anh sống chan hòa, điềm đạm, luôn yêu thương và quan tâm đến những người xung quanh anh, nhất là bạn bè và những người thân yêu ruột thịt.

Viết cho người bạn văn Nguyễn Thanh Đạm đã tạm biệt trần gian đi về cõi khác, Nguyễn Tấn On dành cho bạn bằng những lời nghẹn ngào, hụt hẫng: Bạn đi lật đật như uống rượu/ Chầm chậm thôi còn ngắm mây bay/ Bạn bè ngùi ngậm mưa như khóc/ Vợ con khăn trắng quấn heo may// Đà lạt mùa thu - mưa, không bão/ Sao lòng ta gió giật từng hồi?/ Đưa tay nâng chén còn đầy rượu/ Rưng rưng tưới xuống đất - vậy thôi!...// Giọng trầm âm ấm mềm như hát/ Nhớ bạn nhìn ly - buồn sủi tăm. Nguyễn Tấn On ví von một cách đầy hình tượng, nhà thơ gọi đó là “Nỗi buồn sủi tăm”.

Thơ Nguyễn Tấn On với những cảm xúc lắng đọng, mở ra không gian tâm tưởng đầy lãng mạn với những hình ảnh vừa gẫn gũi, giản dị nhưng đôi khi cũng mơ hồ, hư ảo đầy chất suy tưởng. Dù thơ anh đã tạo được vị thế nhất định trong lòng công chúng yêu thơ và sự đánh giá cao của những bạn bè, đồng nghiệp nhưng Nguyễn Tấn On vẫn rất mực khiêm tốn, với những lời rất đỗi chân thành, tha thiết: “Xin đừng gọi tôi - nhà thơ/ tôi chỉ gieo vần từ nỗi lòng thành hạt/ khi niềm vui, nỗi buồn tìm chút sẻ chia/ tôi ôm thơ vào lòng/ khao khát/ tiết tấu buồn trong tiếng vỗ tay vui”.

Nguyễn Tấn On cũng có một nguyện ước đáng để những người yêu thích và nghiên cứu văn chương suy ngẫm - khi anh đã ý thức một cách sâu sắc về cuộc đời, về thơ trong một cái nhìn đa diện, đa chiều. Để rồi, người thi sĩ Nguyễn Tấn On phải thốt lên lời tâm huyết, khẩn cầu: “Thơ ta xin thả lên trời”.

Những vần thơ cháy bỏng/ Khao khát và đam mê/ Bao bài thơ hoài niệm/ Một thời núi nghiêng vai// Đây bài thơ truyền thống/ Có cánh cò chiều đông/ Đây câu thơ hiện đại/ Thất tình em sang sông// Chiều cuối năm gặp bạn/ Bằng trường phái Đa đa/ Cắt dán chữ hảo hán/ Rượu chưa say nhớ nhà//... Thơ. Không có ranh giới/ Giữa lãnh thổ quốc gia/ Nhưng. Nhà thơ phải có/ Đất nước quê hương mình.

N.V.H

Bài viết liên quan

Xem thêm
Nguyễn Minh Châu và sự đổi mới tư duy trong việc phản ánh hiện thực chiến tranh cách mạng
Nguyễn Minh Châu là một trong những nhà văn xuất sắc của nền văn học Việt Nam hiện đại. Sự nghiệp văn học của ông không chỉ gắn liền với cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc ở những năm kháng chiến mà còn gắn với những tháng năm đầy ưu tư của thời hậu chiến với bước chuyển dạ diệu kỳ, chuẩn bị cho tiến trình đổi mới đất nước về mọi phương diện, trong đó có văn học.
Xem thêm
Hữu Thỉnh và chiến sĩ xe tăng
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước gian nan khốc liệt của dân tộc Việt Nam trong gần một phần tư thế kỷ như một bản trường ca âm vang giai điệu trầm lắng bi hùng, đã phản ánh phẩm chất cao đẹp sáng ngời của mọi tầng lớp nhân dân ở cả ba miền. Những người tham gia vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc, cầm súng trực diện đấu tranh với quân thù có những chiến sĩ làm văn nghệ thuộc đủ binh chủng như: Nguyễn Thi (1928-1968), Lê Anh Xuân (1940-1968), … và Hữu Thỉnh. Trong đó, xuất thân từ một chiến sĩ xe tăng, Hữu Thỉnh được coi là một gương mặt thơ xuất sắc nổi trội trong nền văn học có lửa của giai đoạn 1954-1975.
Xem thêm
Lê Quang Sinh và nghệ thuật phê bình thơ
Bài viết của PGS.TS Hồ Thế Hà
Xem thêm
Anh nằm đây – trẻ mãi tuổi hai mươi
Bài viết về thơ Trần Ngọc Phượng
Xem thêm
Lê Tiến Vượng và hai tập lục bát liền hơi
Bài viết của nhà thơ Vũ Quần Phương về hai tập lục bát của Lê Tiến Vượng xuất bản cuối năm 2016 (Lục bát khóc cười) và cuối năm 2018 (Lục bát phố).
Xem thêm
“Gặp” lại nhà văn Lưu Thành Tựu với “Hoa xương rồng trên cửa sổ tầng 5”
Nhà văn Lưu Thành Tựu hiện là phó ban điều hành phân hội văn học, hội văn học nghệ thuật Bình Dương. Truyện ngắn Hoa xương rồng trên cửa sổ tầng 5 của anh là tác phẩm đạt giải tại Cuộc thi truyện ngắn Đông Nam bộ năm 2022, đã đăng trên vanvn.vn và Tạp chí Văn Nghệ thành phố Hồ Chí Minh như một sự ra mắt sau khi tác giả được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam.
Xem thêm
Chất Folklore trong Lục bát khóc cười và Lục bát phố
Cầm hai tập thơ thuần thể loại lục bát quen thuộc, nghĩ đọc cũng hơi ngại bởi cứ đều đều một điệu, dễ chán. Nhưng đọc một vài bài mở đầu trong tập “Lục bát khóc cười” và “Lục bát phố” của Lê Tiến Vượng thì cảm giác ấy dần mất đi và thay vào đó là cảm giác hào hứng và thú vị.
Xem thêm
Trăn trở sự tồn tại người - Gía trị nhân bản trong thơ Văn Cao
Đọc thơ Văn Cao, ở nhiều thi phẩm như: Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc, Những người trên cửa biển, Khuôn mặt em, Một đêm đàn lạnh trên sông Huế, Lá, Trôi, Thời gian, Cánh cửa, Thu cô liêu, Năm buổi sáng không có trong sự thật, Ba biến khúc tuổi 65, Linh cầm tiến… bạn đọc cũng có thể thấy sự đa dạng cung bậc cảm xúc, có xôn xao, có sâu lắng bâng khuâng… nhưng dường như chủ đạo vẫn là những thì thầm tự vấn, suy tư trăn trở, đau buồn và thậm chí nhiều khi hoang mang, kinh hãi, lo âu. Phải chăng, tất cả những thể nghiệm cảm xúc nội tâm ấy bắt nguồn sâu xa từ những “chấn thương” tinh thần của tác giả bởi tác động của hoàn cảnh sống? Và dưới tầng sâu lớp ngôn từ của mỗi thi phẩm ẩn giấu bao mỹ cảm mà chúng ta cần suy ngẫm“giải mã”?
Xem thêm
Nguyễn Trọng Tạo mà đời vẫn say, mà hồn vẫn gió
Hôm nay 12/6, Nhà lưu niệm nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo (1947-2019) được khánh thành tại đội 6, xã Diễn Hoa, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
Xem thêm
Số phận các nhân vật nữ trong tập truyện ngắn “Đảo” của Nguyễn Ngọc Tư
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư Sinh năm 1976 tại xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau, là nhà văn, Hội viên Hội nhà văn Việt Nam. Năm 2018, cô được trao Giải thưởng Văn học Liberaturpreis 2018 do Litprom (Hiệp hội quảng bá văn học châu Á, châu Phi, Mỹ Latin ở Đức) bình chọn, dựa trên việc xem xét các bản dịch tiếng Đức tác phẩm nổi bật của các tác giả nữ đương đại tiêu biểu trong khu vực. Giải thưởng được trao hàng năm nhằm vinh danh các tác giả nữ đến từ châu Á, Phi, Mỹ Latin, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và vùng Caribe.
Xem thêm
Lê Khánh Mai và hành trình nhà thơ nữ bứt phá
Nhà thơ, nhà văn Lê Khánh Mai đến nay (năm 2024) đã ấn hành 12 đầu sách, trong đó có 7 tập thơ, 1 tiểu thuyết, 1 tập truyện ngắn, 1 chuyên luận văn học, 1 tập tiểu luận phê bình văn học, 1 tập tản văn và tuỳ bút. Sức sáng tạo ở một tác giả nữ như vậy là liên tục và rất mạnh mẽ. Thơ là thể loại chính của ngòi bút Lê Khánh Mai nhưng văn xuôi và lý luận, phê bình cũng đạt nhiều thành tựu. Tất cả làm nên tên tuổi của một nhà thơ, nhà văn tiêu biểu của tỉnh Khánh Hoà và của văn học Việt Nam hiện đại.
Xem thêm
Trần Đàm đi tìm một bản ngã
Đã ngoài tám mươi mà mỗi lần theo ông, cánh hậu sinh chúng tôi cách ông cả giáp vẫn thấy hụt hơi. Đúng là không nói ngoa cả khi leo dốc, đường trường lẫn khi viết lách, chơi bời.
Xem thêm
Đọc Người xa lạ của Albert Camus bằng chiếc gương soi của chủ nghĩa hiện sinh
Giàu Dương Nếu triết học cổ điển đề cao bản chất và dấn thân vào việc tìm kiếm những định nghĩa về bản chất, thì trào lưu hiện sinh tập trung vào sự tồn tại của bản thể, lấy đó làm điểm khởi nguyên cho mọi sự phóng chiếu vào thực tại khách quan. Người xa lạ (L’Étranger) của Albert Camus ra đời như một dấu ấn sâu sắc của triết thuyết hiện sinh ở giai đoạn nửa sau thế kỷ XX. Là một triết gia, nhà văn tài hoa, Camus đã mở ra những cánh cửa để người đọc bước vào thế giới của “kẻ xa lạ” Meursault – một người đàn ông tự mình chọn lấy thế đứng bên lề của xã hội. Hành trình của Meursault không đi tìm một kết luận duy nhất của sự tồn tại mà chỉ trình bày sự tồn tại như nó vốn là.
Xem thêm
Một thế giới rất ‘đời’ trong sáng tác của Tản Đà
Nhà thơ, nhà báo Tản Đà (SN 1889), quê làng Khê Ngoại, xã Sơn Đà, huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây.
Xem thêm
Cây có cội, nước có nguồn
Nguồn: Báo Văn nghệ số 19/2024
Xem thêm
Khát vọng Dế Mèn
Sự ra đời của Giải thưởng Dế Mèn cùng với phát ngôn của đại diện Hội Nhà văn Việt Nam đã chạm đến khát vọng lâu nay vẫn nằm đâu đấy trong những người yêu và hiểu rõ hiện trạng văn học thiếu nhi nước nhà…
Xem thêm