TIN TỨC

Thẳng như đường kẻ mộc

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2021-12-06 15:19:36
mail facebook google pos stwis
1525 lượt xem

TRỊNH THANH PHONG

Chiều chủ nhật ngày cuối năm nhưng vẫn còn mặt giời, tôi đang hý hoáy nhổ cỏ ở vườn rau thì thấy Mai Hùng đứng trên cổng giọng ô ố: “Bác có khách này...”. Tôi vứt nắm cỏ ngẩng lên thì thấy Mai Hùng đèo một gã vận quần áo rất ngổ, đầu húi cua nom càng ngổ. Tôi tần ngần cố lục trong đầu xem có tay bạn nào kiểu này không. Không, không có nhưng vốn nhà vẫn hiếu khách tôi tất tả chạy lên, gã chìa tay, tôi bảo: Toàn đất... nhưng bàn tay tôi đã nằm gọn trong tay gã, thấy tôi ngại ngại, gã cười: Nhiều thứ bẩn hơn còn nắm được, tay bác lấm ngại gì... và cứ thế tôi và gã kéo nhau vào nhà. Gã cười thông thoáng:

- Em là Tiến (Phạm Ngọc Tiến). Còn có biệt dânh “Tiến Trọc”...

-  Ờ, ờ có nghe qua Đỉnh...

- Lão Đỉnh già chứ gì, trước khi lên đây em có qua lão, lão bảo: Cần cứ đến chỗ mạnh thường quân của tao “Phong nhà quê - nhà quê lại vùng sâu vùng xa nữa” và lão ghi cho em số điện thoại của anh đây. Có số điện thoại nhưng em không gọi, lơ ngơ chỗ lưng dốc thấy cái biển đề: Họa sĩ Mai Hùng. Mừng quá, họa sĩ, lại ở cái thị xã be bé này chắc họ biết nhau cả. Thế là em vừa gõ cửa vừa hỏi để nhờ họa sĩ chỉ giúp nhà “Phong nhà quê”... Mai Hùng cười hà hà rồi mở cửa. Rót một chén nước uống với nhau rồi bảo:

- Bác ngồi lên xe em chở đi. May thế, đúng thằng Tiến trọc thật, đi đâu cũng có người giúp. Tiến cười rất tự đắc. Tôi và Mai Hùng cũng cười theo. Tào lao nhăng nhít một tý tôi bảo:

- Hôm nay nhậu nhà tớ, Mai Hùng gọi về nhà đi...

- Như mà muộn bỏ mẹ, bắt bà chị lệch kệch khổ ra, để mai...

- Quán, nhưng đừng trách đến nhà mà...

- Vẽ, anh vẫn giữ nếp lề quê thói...

- Thôi, đi kẻo muộn. Thế là cả ba vẫy tay chào bà chủ rồi cùng leo lên chiếc xe của Mai Hùng. Chả ai nói với ai, Mai Hùng lái thẳng đến quán nhà sàn. Tôi bảo Hùng nháy mấy đứa cạ nữa cho đủ mâm rồi tôi gọi bà chủ cho cá. Một lát thấy mấy tay bạn cùng cạ đến, lại có thêm cô bé hội viên. Tiến cười: Có cả hoa nữa, vui, nhậu mà có hoa nó càng lung linh. Câu nói của Tiến làm con bé đỏ mặt. Cỗ bày ra, một đĩa cá tô lô, rán vàng cong. Tiến bảo: Anh rất thấu đáo, Ở Hà Nội thịt thà nhiều ngán, cá cho nó nhẹ như mà loại này như là tép. Vừa nói Tiến vừa thò tay nhúp một con thử. Ngon, ngon lại lạ...

- Rầm xanh, Anh Vũ đấy bố đừng gọi là tép....

- Có nghe, có nghe nhưng giờ mới thấy, đặc sản xứ Tuyên, chắc đắt...

- Đắt rẻ kệ lão Phong, nhậu đi.

Sáu cái chén cùng cạch.

Vui đến khoảng chín giờ thì Tiến chéo tay:

- Thôi, đủ rồi, giờ có việc riêng tý… Phải đến nhà cô giáo của con, cô ấy dậy con mình, về tết sớm, chưa kịp thăm, vợ mình giao nhiệm vụ, uống nữa không hoàn thành mai về chỉ có nước ra ghế công viên ngủ. Thông cảm, Tiến đi đây. Vừa nói gã vừa đứng dậy. Mọi người cũng lặng lẽ rút. Tôi gửi tiền cho chủ quán rồi lừ lừ theo Tiến. Tiến trợn mắt:

- Anh về đi, tơ mơ thế, đến gặp cô giáo mà tào lao thì...

- Nhưng chú biết đường đâu.

- Đường ở mồm, anh về đi, em ngủ đâu kệ nhé, sáng mai sẽ trở lại nhà anh. Tiến dứt khoát.

Tôi đành quay đầu rẽ lối tắt chất chưởng về nhà. Mệt, lăn ra ngủ. Sáng dậy chưa kịp làm gì thì Tiến đã xe ôm đến, gã hể hả:

- Xong, xong việc rồi, hôm qua vui quá nhưng bây giờ em phải xuôi đây...

- Gì mà chú như chạy giặc...? Ở ăn với anh chị bữa cơm...

- Thì tối hôm qua ăn rồi...

- Cơm quán, vợ tôi ăn năn...

- Quán thì cũng tiền của chị, có điều chị không được ăn, hai đĩa rầm xanh chả tiền triệu à... Tiến cười khà khà rồi mở túi lôi ra tờ lịch. Cái này tặng chi, lịch của hãng phim, đây làm gì có, chị treo lên để nhớ thằng Tiến trọc nhé, còn đây là sách, lúc nào đọc thì đọc. Gã để cả lên bàn rồi vừa quay đầu vừa nói: Về, trái “lệnh bà” chết ngay. Xe ù đi, cả nhà tôi nhìn theo. Có cái gì rất ấn tượng với Tiến.

Lên cơ quan, loay hoay vào tờ báo tết cũng quên chuyện vui vẻ tối qua, trưa về tự nhiên không ngủ được, mở cuốn tiểu thuyết Tiến tặng thấy dòng chữ to tướng: Kính tặng anh chị Phong - Học. Đọc mà chết khiếp nhé. Tự nhiên tôi phì cười một mình rồi mở từng trang. Thấy quấn hút nhưng cũng để đây đã, báo tết chưa xong. Tiểu thuyết lúc nào đọc cũng được, đọc thưởng thức để biết bạn, biết mình chứ có phê bình giới thiệu đâu mà vội, mà việc ấy cũng không đến lượt mình. Văn chương của Tiến cũng nghe ồn ào giải nọ, giải kia trên báo rồi, lại phim ảnh ầm ỹ, mình có nói cũng thừa. Nghĩ vậy tôi lẳng lặng cất quển sách lên giá.

Tối, vừa ăn cơm xong thì Tiến gọi điện. Giọng Tiến ồn ồn trong máy. Em đến nhà an toàn, vui vẻ. À này ngồi trên xe em có nghé quyển Ma Làng của bác. Khá, rất khá, em sẽ chuyển thể thành phim dài tập nhưng đợi đấy, vừa xong cái Đất và Người, nghỉ tý đã. Tiếc, giá biết quyển này sớm thì tuyệt con cú mèo đấy. Bác yên tâm, chờ đấy...

- OK, việc ý của chú, mình có tỏ gì phim ảnh... làm được chú cứ làm thôi. Tôi thật thà. Tiến ok rồi tắt máy. Chuyện lại bỏ đấy, ắng một thời gian lâu lâu, nhân chuyến về Hà Nội họp Liên Hiệp văn nghệ, nằm ở khách sạn một mình, buồn buồn tôi gọi cho Tiến. Chỉ mươi phút thấy Tiến đến ngay. Vừa mở phòng thấy nhau Tiến đã ô ố:

- Về đây mà đêm mới gọi, không muốn nhậu với nhau à...

- Họp...

- Họp, cái liên hiệp của các bác gì mà quan trọng, có mặt rồi lặn, chết ai đâu. Tiến cười khà khà rồi lại nói: Đùa tý, đám quan chức các bác họp quan trọng lắm... Nói rồi Tiến ngồi xuống ghế, mở túi lấy ra tập giấy A4 nhì nhằng đầy chữ viết tay, vừa mở Tiến vừa nói: Đây, cái Ma Làng thằng Tiến cùng với ông Nguyễn Hữu Phần cày xong rồi. Những 22 tập, xong rút lại 19 tập nhé. Ngon nghẻ lắm. Chỉ đảo và thêm tý đâu, bớt chương cuối, làm cả chương cuối thì hay hơn nhưng tiền chỉ có vậy, đành rút ngắn... Anh thấy chưa. Thằng Tiến này nói là làm vả quyển sách của anh cũng đáng làm, nó đụng đến vấn đề rất nóng ở thôn quê lại khác biệt với Mảnh đất lắm người nhiều ma... anh nén trang viết rất cừ, giàu hình ảnh, ngôn từ độc địa lại rất làng quê... chỉ ngót hai trăm trang sách mà vẽ ra thành mười chín tập phim đâu phải đùa... ngon rồi nhé, giờ chỉ chờ ông Phần đạo diễn phân cảnh là triển khai quay thôi. Giờ đi uống tý nhỉ...

- Thôi, khuya rồi vả mình cũng mệt quá...

- Vây, em về đây, vừa nói Tiến vừa bỏ tập bản thảo vào túi rồi đi một mạch. Tôi lặng nhìn theo, thấy con người này cái gì cũng dứt điếm, cũng thẳng tuột như đường kẻ mộc bật trên gỗ. Càng thấy mên mến Tiến và tôi cũng mới tin cái việc Tiến chuyển thể Ma Làng là thật.

Thời gian sau, cũng vào đầu chiều chủ nhật, trời chói chang nắng, một chiếc xe có nhãn: Hãng Phim Truyền Hình Việt Nam đậu ịch ngay cổng, tôi ngó ra thấy Tiến và một người tóc đốm bạc bước ra, tay bắt mặt mừng. Kéo nhau vào nhà chưa kịp uống nước giọng Tiến đã oang oang:

- Đây là đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, ông đã cùng em chuyển thể cái kịch bản từ tiểu thuyết của anh. Việc hôm nay ngắn gọn ta ký tắt với nhau một chữ là xong.

- Ký, các lão cứ làm gì phải ký.

- Luật, chơi cũng có luật ông ạ. Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần cười rồi chìa ra tờ giấy. Tiến bảo anh ký vào là xong. Việc ổn, bác Phần bảo:

- Hôm nay chỉ có vậy, giờ bọn mình phải về...

- Ấy, phải ở lại chiều nhậu với nhau....

- Có việc gấp ở Việt Trì, còn phải gặp nhau nhiều mà. Mình về phân cảnh gửi ông xem, sửa cùng nhé. Nói rồi ông và Tiến lên xe, nắm tay Tiến tôi cười bảo.

- Có mỗi cái chữ ký mà mất một chuyến xe.

- Việc nó thế, nhỡ bác kiện bản quyền thì sao.Tiến cười rồi cúi đầu đi thẳng. Mấy ngày sau tôi mở “meo” đã thấy bác Phần gửi lên hai ba tập đầu. Tôi đọc nghiến ngấu nhưng có tỏ gì phim ảnh lắm, tôi chỉ chỉnh sửa những từ ngữ mà các nhân vật đối thoại nhau cho đúng với người quê thôi, việc xong lại meo trả, bác Phần đều ok. Cứ thế, ngày sang ngày cũng phải gần hai tháng mới hết tập 19. Qua công đoạn này Tiến lại gọi điện và bảo. Sang tuần em và ông Phần lại lên, gặp tỉnh nhờ giúp đỡ để đoàn làm phim quay ngay trên quê hương tác giả. Vui quá, tôi mừng mừng nhưng rồi là cái mừng hụt. Khi đạo diễn Nguyễn Hữu Phần lên, tôi dẫn gặp lãnh đạo tỉnh, đồng chí chủ tịch tỉnh tiếp, không khí ban đầu rất thoải mái, song sau nghe qua nội dung kịch bản và những đề đạt của đoàn làm phim thì đồng chí chủ tịch tỉnh từ chối khéo léo với lý do đoàn đông diễn viên, thời gian lại ở lâu mà ủy ban chỉ có một cái khách sạn, khó quá, các anh thông cảm. Bác Phần lưỡng lự rồi nói thêm: - Chúng tôi chỉ cần cái hội trường để anh em nghỉ... đồng chí chủ tịch vẫn lưỡng lự. Tiến lắc đầu, buông một câu thẳng tuột.

- Thôi, mình đi làm phim cho nhà nước, nèo nỉ làm gì. Nói rồi Tiến đứng phắt đi thẳng, tôi và ông Phần ngẩn người rồi chào bà chủ tịch đi theo. Ra khỏi cổng ủy ban Tiến văng một câu: Mẹ họ sợ nội dung phim chống tiêu cực, ảnh hưởng đến họ chứ nhà ở thiếu gì. Tìm chỗ khác. Tôi tần ngần rồi bảo:

- Hay về quê tôi, xóm làng có mà ở cả tiểu đoàn, lại gần hơn lên đây, chỉ cần đến km 45, rẽ về Tràng Xão mấy bước, sang sông là đến, không phai đi bộ...

- Ok, Tiến gật đầu, xe lại chạy, qua cầu Nông Tiến tự nhiên bác Phần bảo dừng lại.

- Có chuyện gì bác. Tôi hỏi.

- Không ổn đâu, về quê ông nhưng vẫn thuộc địa bàn tỉnh, nhỡ lúc đang làm, người ta công văn, mà tỉnh có công văn về làng xã thì phức tạp lắm, mình thành đám làm ăn bất chính à, và như thế cánh diễn viên nó nản, vỡ trận ngay...

- Ờ, may bác nghĩ ra. Tiến làu bàu. Tôi tần ngần.

- Để mình gọi chỗ này.

- Chỗ nào.

- Chỗ tay Khoa mũi đổ...

- Cái lão hôm cưới con anh hắn say bét nhè á?

- Ừ. Tôi bấm máy, Khoa bắt ngay, tôi nói điều gì Khoa ok điều ấy. Tôi bảo bác Phần và Tiến. Ta lên Thanh Hà, cha này ok rồi nhưng hắn đang ở Tam Đảo...

- Vậy mình lên đấy với ai?

- Hắn bảo cứ lên, cơm nước chỗ nghỉ, cả chỗ... hắn bảo quân lo đâu đấy rồi, đêm hắn về. Tiến cười hà hà và quay đầu xe ngược Hà Giang. Đến nơi cũng hết giờ chiều, mọi thứ đã chu đáo, lễ tân đưa đón lịch sự, tắm giặt, cơm nước xong ai về phòng ấy, Tiến khoái chí vì được tự do. Sáng hôm sau Khoa đến sớm, ăn uống qua loa rồi đi thị sát địa hình. Khoa cứ thao thao. Đoàn lên chỗ ở khỏi lo, ăn uống Khoa hỗ trợ một nửa, cảnh đấy, người đấy các bác cứ thoải mái...

- OK, tạm ký kết vậy nhé. Khoảng cuối tháng này đoàn lên.

- Vâng, khi nào lên các bác cứ điện, Khoa hầu hạ ngay. Vui nhé, mấy anh em nắm tay rau cười ròn. Nhưng sau đận khảo sát thứ hai, có cả đạo diễn phụ và họa sĩ thiết kế. Xem xét địa hình xong, lại nhậu, đang hứng khởi thì ông họa sĩ phán. “Làm phim ở đây thì sướng thật nhưng mà vứt, vứt các bác ạ...”

- Sao? Tiến tròn mắt.

- Còn sao nữa, chuyện của bác Phong là một vùng đất chó ăn đá,... con người thì nhếch nhác, các bác chuyển thể cũng thế, kịch bản phân cảnh của ông Phần cũng thế... vậy mà phong cảnh ở đây lại đẹp như thiên đường, nó đối nhau, dựng phim là vứt, vứt mà bọn em cũng đầu hàng vô điều kiện...

- Leo cây đến buồng mà bỏ à...

- Đành thôi. Không khí lắng xuống. Bác Phần thong thả. Khắc phục, khó khăn khắc phục, bỏ sao được, mấy nghìn trang viết cuẩ bọn tớ đâu phải... Thôi cũng cảm ơn chú Khoa.

- Khoa đuỗn mặt rồi bảo. Việc là của các bác, không làm được ở đây cũng chịu, nhưng khi cần các bác cứ gọi, em hỗ trợ...

- Ok. Thế là chia tay nhau, ai về chỗ người ấy.

Chuyện phim ảnh cũng ắng dần. Tiến cũng chả tin cho tôi và ngược lại. Mãi đến mùa hè năm sau thì thấy Tiến réo điện thoại. Tôi chưa kịp hỏi có việc gì thì giọng Tiến oang oang:

- Này, mai bác có rảnh?

- Rảnh.

- Thế khoảng tám giờ về chỗ hãng phim nhé.

- Có việc gì không?

- Đi Hô Ten Hòa Bình, phim quay gần xong rồi, mai đoàn mổ bò ăn vui, lên chầu rìa tý...

- OK.

Bữa trưa hôm ấy thật là vui, được gặp gỡ đông đủ anh em diễn viên trong đoàn... Chiều về hãng phim, Tiến gọi tôi vào phòng, đưa cho tờ giấy nhì nhằng con số, Tiến bảo anh ký cho một chữ. Tôi không hỏi lại và thò bút ký ngay. Ký xong Tiến đưa cho tôi cái gói to to rồi bảo:

- Nhuận bút của anh đấy, đếm đi. Tôi tròn mắt lẳng lặng bỏ cái gói vào cặp. Tiến cười;

- Anh không sợ em bớt xén à... Tôi chỉ cười và anh em chia tay nhau, từ ấy cũng không hỏi chuyện phim ảnh nữa vì biết ván đã đóng thuyền. Phim chưa chiếu thì Khoa lâm nạn rồi bệnh hiểm nghèo mất đột ngột. Thời gian khoa ốm Tiến lặn lội lên thăm. Khoa yếu nhưng vẫn bắt vợ con bày bữa, nể Khoa anh em ở lại. Hôm ấy Khoa còn gọi bê ra một bình rượu to, rượu cao có xương hổ, khoa lấy giấy bút ghi vào tờ giấy mấy chữ. Tặng Phạm Ngọc Tiến, rồi dán vào bình. Tiến tròn mắt rồi lẳng lặng bê bình rượu vào góc ngậm ngùi. Coi như em đã nhận, nhưng mà cứ để đây... Khoa nhìn Tiên mắt rơm rớm. Hôm Khoa mất đoàn làm phim cũng lên viếng. Tiến ngậm ngùi cứ lẩm bẩm: Tội, tội quá, rồi bảo tôi: Không có ông này phim Ma Làng không thành đâu, tuy ông ấy không cho gì nhưng từ sự hào phóng, chân thành của ông giúp anh em mình có động lực... Tiếc ông ấy chưa được xem phim. Tiến thần người và đưa tay quyệt ngang mắt.

Chuyện rồi cũng qua, khi phim chiếu Tiến gọi cho tôi hỏi:  Được không bác? Tôi cười:  Thì “mua vui cũng được vài hồi trống canh...”

Sau phim, Tiến còn trở lại Tuyên và đưa đội của Thục Khuê đi cùng làm tập phim tài liệu ngắn nhưng gần như tổng kết rất toàn diện hoặt động sáng tạo của hội sau hơn 20 năm trưởng thành và phát triển, các gương mặt tác giả tiêu biểu của hội được khắc họa giản dị mà sâu sắc. Khi được chiếu trên màn hình VTV3 ai cũng phấn khởi. Lại cái đận tôi vời Tiến cùng mấy bác ở Hà Nội lên chấm cuộc thi viết về đề tài thiếu nhi. Số lượng tác phẩm tham gia cuộc thi ấy khá dày dặn vì có cả thơ và văn. Ban giám khảo có 5 người mà phải làm việc trong ba ngày mới xong. Lúc khớp giải bỏ phiếu kín. Mở phiếu thì thì 4 phiếu bỏ cho tác phẩm A giải nhất, 5 phiếu bỏ cho tác phẩm B giải nhì... trưởng ban giám khảo công bố phiếu rồi quyết định, ông vừa đứng dậy thì Phạm Ngọc Tiến khua tay. Tác phẩm C mới xứng. Trưởng ban giám khảo ngần ngừ. Tiến lại hùng hổ: “Các bố đọc lại đi, thi chấm tác phẩm chứ đâu chấm người... “

- Ờ, thì đọc, thế là lại mất thêm mấy giờ nữa. Xong lại bỏ phiếu. Quả lần này cả 5/5 bỏ cho tác phẩm C. Việc êm ấm và khách quan. Tiến cười ha hả và tự khen: Tiến này mà phán thì chỉ có vô tư, chuẩn. Mọi người cùng cười nắm tay Tiến rất khoái. Con người, tính nết Tiến là vậy, thân thiết là thân thiết nhưng công việc phải khách quan, thẳng thán, thẳng như đường kẻ mộc. Càng chơi với Tiến tôi càng tỏ điều này và tôi lầm lũi mở lại những trang văn của Tiến qua Vũ Hội Trăng, Đợi Mặt Trời, Tàn Đen Đóm Đỏ... Quả thấy văn và người đồng hành thật. Mà thôi, không bình luận văn chương của Tiến làm gì bởi người ta đã nói. Tiến đến với văn chương từ ồn ã nhiều giải thưởng, lại xôn xao phim ảnh... Người ta bình, bàn nhiều rồi, mình có nói thì cũng là thừa, thừa lại chả đâu vào đâu, Tiến cười cho. Vậy chỉ cảm nhận chút xíu giữa văn và người trong tâm hồn một Phạm Ngọc Tiến thôi. Quả gấp lại những trang văn của Tiến, khắp người cứ thấy ngập những ám ảnh, ám ảnh về chiến trânh, về lẽ đời qua những: Điếu Văn Cho Người Sống, Những Mảnh Đời Ghép Lại, Chạy Trốn rồi Tàn Đen Đốm Đỏ... Đặc biết là Tàn Đen Đốm Đỏ. Thấy phong cách văn chương đậm chất Phạm Ngọc Tiến. Ồn ã, say xỉn, ngang ngược nhưng lại thăm thẳm nỗi buồn nhân thế, thăm thẳm những cô đơn đến đau đớn. Cứ ngẫm chương viết về Vịnh vừa cõng Phương vừa giải thằng ngụy với những chuyện xẩy ra ở cái hang là tỏ. Ở đây cứ viết theo hướng ta thắng, địch thua thì chả có gì nói, tại cái hang này Tiến để cho thằng ngụy chứng kiến tất cả mọi nỗi kinh hoàng của thương đau, chết chóc do chiến tranh rồi Vịnh phóng thích cho nó đi... Đọc mà gai gà cứ sởn lên, Quả Tàn Đen Đốm Đỏ có cái nhìn đồng nghĩa với Nỗi buồn Chiến Tranh, với Rơ Mác... Tất cả đều bày trước ta một hoang cảnh “Chiến tranh chả anh hùng hảo hán gì cả, chỉ đau thương, tàn khốc cho con người...”. Vậy mới nói sau cái ồn ã, xô bồ là những thăm thẳm nỗi buồn, cô đơn đến đau thương của Phạm Ngọc Tiến. Đấy là phong cách văn chương. Còn phim ảnh của Tiến thì rõ rồi, đi đâu Tiến cũng khoe Làng Nhô, Đất Và Người, Ma Làng, Gió làng Kình... Tiến khoe, nhưng có lần bị anh bạn tôi giội nước lạnh: “Ăn theo mà cứ khoác...”. Tiến lại cười, không nổi khùng, lạ thế. Nhưng quả tôi xem những phim Tiến làm cũng thấy thích, những phim chuyển thế chả nói làm gì, nhưng Sinh Tử thì hay thật, chất Tiến trăm phần trăm, nó giống tiểu thuyết như mà là tiểu thuyết hình ảnh. Khán giả xem tập cuối có người bảo tôi: “Sao lão Tiến không cho tay chủ tịch Nghĩa đi tù nhỉ, để thế...” Tôi cười. Để thế được rồi, cho đi tù thì còn gì là Phim. Ông khán giả tròn mắt. Tôi nói thêm. “Là thế này. Nghĩa suốt đời làm quan, chỉ lo cho thằng Bạt và bao thầu cho bọn ăn cước, Bạt và đồng bọn tèo hết, cái cơ nghiệp Nghĩa vun vén với mục tiêu cha truyền con nối  cũng tèo. Lão ngồi bo mặt khóc nhìn sự đổ vỡ mà bắt lực, còn gì đau hơn...”. Ông khán giả à một tiếng. Hay, hay - vấn đề rất nhậy cảm... - Nhậy, nhậy với cảm gì. Đấy là hiện thực...

Văn chương, phim ảnh, con người Phạm Ngọc Tiến là thế, ồn ào, xông pha nhiều khi còn ngỗ ngược, thẳng tưng như đường ket mộc, nhưng ẩn sau là lòng nhân ái đầy trách nhiệm và luôn chứa đọng một nỗi buồn, cô đơn thăm thẳm đến đau đớn. Vậy nên bây giờ ngoại lục tuần rồi Tiến vẫn lặn lội đi làm từ thiện, vẫn đến với những người nghèo ở vùng sâu, vùng xa khắp mọi miền đất nước. Điều đó há chả chứng tỏ con người nhân ái của Phạm Ngọc Tiến sao!

Nguồn Văn nghệ số 49/2021

Bài viết liên quan

Xem thêm
Gừng càng già càng cay
Nhà thơ Ngô Xuân Hội viết về nhà thơ Nguyễn Tùng Linh
Xem thêm
Nhà lý luận phê bình Trần Hoài Anh và sự dấn thân với ‘di sản văn học miền Nam’
Đây là Chuyên luận với nhiều trữ lượng thông tin quý và bổ ích về di sản văn học miền Nam 1954 -1975, với độ dày gần 600 trang. Tập sách được đầu tư, nghiên cứu kỹ lưỡng, nghiêm cẩn, khai mở nhiều thông tin hay và có giá trị.
Xem thêm
Thi ca điểm hẹn: Nguyên Hùng ký họa thơ và nhạc
Chương trình của VOH, Đài tiếng nói Nhân dân TP. Hồ Chí Minh
Xem thêm
Lâm Xuân Thi và những vần thơ mang nhiều nỗi niềm suy tư, trắc ẩn!
Bài viết của nhà văn nhà phê bình Nguyễn Văn Hòa
Xem thêm
Phạm Phương Lan và những câu thơ Nút ra từ đá
| “Nứt ra từ đá” (thơ song ngữ Việt - Anh, NXB Hội Nhà văn 8/2024) là tập thơ thứ bảy của nhà thơ Phạm Phương Lan (SN 1973, quê Hà Tĩnh; Hội viên Hội Nhà văn TPHCM). Trước đó, từ năm 2008, độc giả biết đến chị qua những tập thơ như: “Không là gió mây”, “Góc trọ hồn người”, “Khâu tình”, “Mật ngữ em” v.v... và một số ca khúc được phổ nhạc từ thơ của chị...
Xem thêm
Dấn thân vào con đường văn chương
Ở tuổi 80, nhà thơ Trần Nhuận Minh sáng tác và xuất bản sách nhiều hơn bất kỳ thời điểm nào trong cuộc đời ông.
Xem thêm
Nhà văn Xuân Phượng đi và đến...
Bài viết của nhà thơ Văn Công Hùng trên Người đưa tin
Xem thêm
Phùng Quán – Người đặc biệt nhà số 4
Đối với anh em Văn nghệ Quân đội, nhà thơ Phùng Quán là một trường hợp rất đặc biệt.
Xem thêm
“Khắc đi… khắc đến” - Bước chân của một nghị lực phi thường
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, số 139, ngày 05/9/2024.
Xem thêm