- Chân dung & Phỏng vấn
- Thơ có cần thiết cho đời sống?
Thơ có cần thiết cho đời sống?
Trong kỷ nguyên nghe nhìn, thơ đang có khoảng cách với đời sống. Độc giả thèm khát những câu thơ tương tác trực tiếp với thực trạng xã hội, chứ độc giả đã chán ngấy những vần điệu than mây khóc gió.
Sau 3 năm tạm ngưng vì đại dịch Covid-19, Ngày Thơ Việt Nam được tổ chức trở lại tưng bừng trên khắp cả nước, như một sự kiện văn hóa khởi động năm mới Quý Mão. Chứng kiến cuộc phô diễn tình yêu thi ca ấy trong bối cảnh ChatGPT xuất hiện gây sửng sốt, nhiều người phải đặt lại câu hỏi: Có phải thơ rất cần thiết cho đời sống hôm nay không?
Cuộc sống hiện đại vốn đã ngột ngạt, mà thành tựu văn minh với đặc sứ là chiếc smartphone càng khiến con người chênh chao hơn và bơ vơ hơn khi đối diện chính mình. Điện thoại kết nối toàn cầu, triệu triệu thông tin mà thưa vắng câu chuyện ân cần, triệu triệu hình ảnh mà thưa vắng trái tim ấm áp. Thi ca chỉ đặt một khoảng trống mỹ cảm vào chuỗi ngày bận rộn của từng cá nhân. Thi ca luôn chậm chân và luôn đứng ngoài vòng xoáy danh lợi. Thế nhưng, thi ca giúp chúng ta hiểu rằng, con người không phải robot có thể lập trình buồn vui thương nhớ. Cơm ăn áo mặc và những điều kiện vật chất đủ đầy khác, cũng không thể làm tắt tiếng hát ru bên cánh võng ấu thơ, cũng không thể làm nhòa mái chèo khua trên dòng sông tuổi nhỏ. Những người yêu thơ và làm thơ đã tìm thấy nhau, như món quà hạnh ngộ quý báu của số phận, để mỗi câu thơ dắt nhau qua năm tháng hững hờ.
Dù không có ý định đề cao, thì mỗi bài thơ cũng tự chứng minh rằng, trí tuệ nhân tạo trưng dụng mọi thuật toán và phát huy mọi phần mềm, vẫn không đủ thẩm quyền và không đủ khả năng để thay thế những rung động con người. Bởi lẽ, thi ca đâu hẳn tồn tại trên lớp vỏ ngôn ngữ rộn ràng, mà thi ca chắt chiu từng xao xuyến riêng tư. Lẽ thường, thi ca không tự nhiên gõ cửa bất kỳ người nào. Thi ca chỉ ghé đến và chỉ ở lại với những tâm hồn biết trân trọng thi ca.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa bày tỏ: “Việc đánh giá thơ bây giờ cũng rất khó. Hầu như không tìm được tiếng nói chung. Nhiều cuộc tranh luận gay gắt dẫn đến cãi vã cũng thường bắt đầu từ thơ. Đó là sự va đập giữa các khuynh hướng nhằm muốn tự khẳng định, gây ảnh hưởng trước công chúng, có khi gay gắt dẫn đến triệt tiêu nhau. Tất cả các cuộc tranh luận này rốt cuộc dường như vẫn bỏ ngỏ, không có kết luận và cũng không có tiếng nói cuối cùng. Trong cái sự ồn ào có tính báo chí đó, cũng có không ít các nhà thơ của chúng tôi chỉ im lặng sáng tạo và quan tâm đến những vấn đề lớn hơn, là giữ gìn bản sắc dân tộc và tìm cách hoà nhập với thế giới rộng lớn. Đây là một vấn đề cấp bách, mang tính toàn cầu”.
Nói đi phải nói lại, trong kỷ nguyên nghe nhìn, thơ đang có khoảng cách với đời sống. Độc giả thèm khát những câu thơ tương tác trực tiếp với thực trạng xã hội, chứ độc giả đã chán ngấy những vần điệu than mây khóc gió. Có không ít thơ hay vẫn đang nằm trong sổ tay của các nhà thơ, và bị sự bận bịu cơm áo giam kín lại. Giữa thời cuộc đang âu lo về sự sạt lở nhân tính, nhà thơ rất cần có thêm sự can đảm mới mong có được những bài thơ rung động công chúng.
Mặt khác, mối quan hệ giữa thơ với giải thưởng thơ và công chúng thơ, thực sự mơ hồ và mông lung. Thơ có cần đi qua giải thưởng thơ để đến với công chúng thơ chăng? Có chứ, nếu những người tổ chức giải thưởng thơ không ung dung chủ quan ngồi chờ sung rụng, kiểu được hoa mừng hoa được nụ mừng nụ. Tiền thưởng tuy quan trọng, nhưng không quan trọng bằng thiện chí của nơi đăng cai. Giải thưởng thơ phải cao hơn một chốn tranh tài, mà phải là một chốn hội tụ những giọng điệu khác nhau, những thể nghiệm khác nhau, những thao thức khác nhau của người làm thơ. Nếu đạt tiêu chí ấy, thì giải thưởng thơ mới làm được chiếc cầu nối đáng tin cậy giữa thơ và công chúng thơ.
Phát biểu tại Ngày Thơ Việt Nam 2023 vừa qua, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam – Nguyễn Quang Thiều cho rằng: “Trong suốt hàng trăm, hàng ngàn năm nay, thơ ca không bao giờ bỏ chúng ta và vẫn hiện diện trong nhiều thách thức. Đến bây giờ, trong thời đại 4.0, các nhà thơ và những người tổ chức, quản lý về văn học nghệ thuật đã tìm rất nhiều cách để thơ ca đến với con người: trên những bản in, trên những buổi đọc thơ, những ngày thơ… Tôi nghĩ các bài thơ không được rời bỏ đời sống này, thơ là người đồng hành tận cùng với con người, trong mọi ngóc ngách của đời sống. Họ nói về đau thương nhưng để nói về tương lai. Họ nói về mất mát nhưng để nói về tương lai. Và họ phải đối mặt với tất cả hiện thực đời sống. Mỗi bài thơ, hay mỗi nhà thơ không được trốn chạy khỏi hiện thực đời sống. Nhưng hiện thực đó phải mang lại cho con người đức tin, tình yêu và sự khát vọng”.
Nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng
NHÀ THƠ NGUYỄN THANH MỪNG: THƠ NHƯ VỊ NGỮ CỦA TÌNH YÊU
Người Việt truyền thống dành cho thơ một tình yêu quá sâu rộng và bất hoại, dường như nó phủ kín các mạch máu trong sinh thể văn hóa Việt, lịch sử Việt, từ bến đò của thôn nữ đến màn trướng của bậc hào kiệt, từ khóm trúc của kẻ ẩn sĩ đến chén trà của vị chân tu, từ lưng trâu của trẻ mục đồng đến ngai vàng của đấng quân vương … Vượt lên nữa, hào quang của thơ từ chiếc nón dân cày đến vương miện giới hàn lâm trong gia tài mà ta quen gọi là văn hiến, không dừng lại ở chính bản mệnh tác phẩm thơ.
Người Việt còn dùng thi ca làm bản vị cho các tiêu chuẩn khác từ văn bản hành chính chiếu hịch cáo tấu sớ biểu đến các loại hình nghệ thuật dân ca quan họ, hát nói, tuồng, chèo; từ các nghi thức tín ngưỡng thờ cúng gia tiên đến văn tế chúng sinh, nghĩa liệt hoặc nhạc lễ làng xóm, miếu mạo, cung đình. Không dừng lại ở đó, bản vị thi ca còn tiêu dao trong bố cục chiếc bánh dầy bánh chưng của nghi lễ ẩm thực, niêm luật vị trầu cau của phong tục tập quán, vần điệu của kiến trúc cửa nhà đền miếu cung điện hiệp thông với thiên nhiên, lời thiệu nhân văn trong trước tác võ thuật phối ngẫu cùng càn khôn vạn vật, kết nối phóng dật ghềnh hoang thác dại với khuôn thước nghĩa lý bậc thánh hiền…
Chúng ta hiện nay sống trong thời đại chuyển đổi số, các thiết bị tính toán giao tiếp với nhau biểu diễn dưới dạng tín hiệu mã nhị phân, trên nền tảng những trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, chuỗi khối… Thân phận của thơ sẽ ra sao giữa văn minh kỹ trị khi các cường quốc hiện thực hóa siêu máy tính lượng tử, mã nhị phân sẽ thay bằng tính toán lượng tử sử dụng các qubit mà chúng có thể ở trong trạng thái chồng chập, vướng víu lượng tử, hứa hẹn sẽ làm thay đổi sâu sắc thế giới hiện đại. Đã đến thập kỷ thứ 3 của thế kỷ XXI, người Việt vẫn là chủ ngữ của một vị ngữ mang tên Thơ, với nguồn năng lượng tình yêu không bờ bến, nói theo ngôn từ công nghệ là kích hoạt mã nguồn mở.
Trở lại ngọn nguồn Việt, trong đặc thù lịch sử văn hóa, biểu tượng tâm thức bốn ngàn năm của dân tộc ta là thanh gươm và ngòi bút, như vậy mặc nhiên đặt địa vị của anh hùng và thi nhân lên hàng thượng thừa. Hai biểu tượng này vừa có tính độc lập của nó, vừa chuyển hóa trong nhau. Thơ vừa là một định danh vừa là một trạng thái thăng hoa của tự nhiên và xã hội, vừa là rượu cất vừa là chất xúc tác từ nhịp điệu “trái tim thiên nhiên”, hương vị “lương thực văn hóa”, như thế giới quan người xưa“thơ là cửa ngõ của muôn vật”, “huyền diệu của biến thông”.
Trong cái lẽ biến thông ấy, nếu chúng ta xem An Tiêm là một hào kiệt, thì đó là một hào kiệt không gươm giáo và xem An Tiêm là một khách hàn mặc thì đó là một thi nhân không văn tự. Hào kiệt ấy, thi nhân ấy đã tay không đối diện với bão cuồng sóng loạn, đối diện với sự chối bỏ của phụ hoàng, dấn thân vào cuộc lưu đày, tìm lẽ sống cùng chim trời cá nước và trình bày chiến công mình bằng bản quyền tác phẩm là quả dưa hấu vỏ xanh lòng đỏ. Quả dưa hấu ấy là một bài thơ vừa lãng mạn vừa hiện thực, một kiệt tác của tâm chí, nó kiến tạo đời sống thành một biến tấu huy hoàng cạnh nền văn minh lúa nước, đồng thời thư thái trung gian giải quyết mối quan hệ của tác giả với triều đình. Từ cõi cô độc ngàn trùng, sự mát ruột nhân dân đã lan tỏa làm mát lòng nhà nước, quả dưa hấu ngoài tham dự vào ẩm thực thường ngày còn được dâng lên ban thờ ngày lễ tết, từ túp lều dân gian đến cung vàng điện ngọc.
Tốc độ ngoạn mục của văn minh kỹ trị đương nhiên biến cải môi trường sống và tư duy, trong đó không loại trừ thơ ca, thách thức phải có những thay đổi mà vẫn không suy suyển giá trị cốt lõi. Nhìn lại người Việt thời đại phi công nghệ, chúng ta tùy nơi tùy lúc, vương víu với truyền thống cách nhìn xuyên thấu qua cái hiện tồn để hội thông vào những chiều sâu vô thức bí ẩn của tự nhiên và xã hội, của kiếp người và cõi người. Tùy theo góc nhìn, sâu xa thì sâu xa lắm, gần gụi thì cũng gần gụi lắm qua các quan niệm người xưa “Thi thị thiên địa tâm” (thơ là tâm của đất trời); “Thi thị thiên địa chi nguyên âm” (thơ là âm đầu tiên của đất trời)… những nguồn lực nguyên thủy của sự sống hình thành trong tiềm thức, nói theo ngôn ngữ phân tâm học là tạo nên những “cổ mẫu” kiến thiết từ sự kinh lịch của quan hệ tự nhiên xã hội từ thuở hồng hoang, cư ngụ trong hệ duy thức của người Việt truyền thống, gửi tới hậu duệ hiện đại.
Còn phúc phận của thơ, không thể phân định là từ nụ cười hân hoan hào sảng của người thơ hay từ giọt lệ Tố Như nuốt vào trong “Phong vận kỳ oan ngã tự cư” (Ta cũng đã ở sẵn trong khối oan khiên- như nàng Tiểu Thanh- ở chốn phong lưu), càng khó bề cân đo sự sẻ chia lan tỏa từ bếp lửa sắn khoai nơi đầu non cuối bãi hay trong nghi trượng chói chang của sân khấu phồn hoa đô hội.
Nhà thơ Trần Đức Tín (Khét)
NHÀ THƠ TRẦN ĐỨC TÍN: THƠ CHO TÔI NIỀM TIN VÀO CON NGƯỜI
Thơ có cần thiết trong đời sống xã hội hôm nay? Đầu tiên, đây là một vấn đề có phạm vi hẹp nhưng rất sâu. Hẹp vì không chỉ riêng thơ, thơ chỉ là một trong nhiều chuyên ngành nghệ thuật mà ta đang có hôm nay, nhưng vấn đề này rất sâu, vì thơ tồn tại gần như song hành cùng sự tồn tại của con người, bằng thể cách này hay thể cách khác.
Cơ chế nền tảng xã hội thay đổi, có thể nói là thay đổi liên tục, và như nhiều nhà nghiên cứu đã cho rằng: Văn chương nói chung, hay thơ nói riêng là một bức phác thảo, ghi nhận, phản ánh lại mọi mặt đời sống xã hội và con người ngay thời điểm đó. Điều này không cần phải bàn cãi, ví như dân tộc ta phát triển qua các hình thái xã hội khác nhau. Ở đó từ các nhu cầu, tâm thức, hoàn cảnh của con người đến nền tảng cơ hữu của xã hội tương ứng cũng khác nhau, và văn chương sẽ phác họa lại tất cả những ngõ ngách tâm hồn của con người và thời đại ấy.
Ta có cụ Nguyễn Du với Truyện Kiều phác họa về hoàn cảnh xã hội phong kiến, tình yêu đôi lứa cũng như thân phận người phụ nữ, và kể cả sự nổi loạn của một giai cấp nào đó, ta có Hồ Xuân Hương – một tiếng nói mạnh mẽ về quyền của nữ giới, Lý Thường Kiệt với những câu thơ vệ quốc đầy hào khí,… Về sau, ta có phong trào Thơ Mới với diện mạo gần như hoàn hảo về con người, từ sự trằn trọc đối với xã hội, cuộc sống đến những hỉ nộ ái ố khi trong cuộc sống thường nhật, và những vần thơ 1945 – 1975 của trường kỳ kháng chiến giữ và dựng nước,…
Sơ lược như trên để thấy được một vấn đề là: Thơ đã song hành với dân tộc ta ở mọi mặt đời sống cá nhân đến sự đại đồng, mà nhiều lúc, thơ còn là vũ khí đấu tranh mạnh mẽ cho các cuộc vệ quốc của dân ta.
Vậy thì hiện tại, thơ có cần thiết trong đời sống xã hội hôm nay? – Xin khẳng định là có.
Thứ nhất, Thơ gắn với quá trình tồn tại, xây dựng và phát triển con người, đất nước.
Hiện tại, thời đại của công nghệ thông tin, thay đổi từng phút, từng giờ. Xã hội và kinh tế ta cũng thế, thay đổi để phát triển, để thích ứng với tiến trình chung của thế giới. Ta thấy làng quê ta không còn như trước, diện tích đô thị hóa ngày càng nới rộng ra, vậy tâm thế con người cũng thay đổi ít nhiều. Có những vùng nửa chợ nửa quê, người ở đó dần dà cũng không còn là “thuần nông” nữa. Họ đã thay đổi, tâm tư, tình cảm những khó khăn và tươi đẹp trong lòng họ cũng đổi thay theo. Từ điểm họ đứng và ánh nhìn họ nay đã khác với cha ông. Vậy, thơ là một trong những công cụ hoặc đôi lúc là “người bạn” để họ “phát ngôn”, giãy bày lòng mình. Và như Tô Thùy Yên từng nói: “Thế giới vui từ mỗi lẻ loi”, từ mỗi cá thể đó, tập hợp lại, ta sẽ có cái nhìn tổng thể cho con người Việt trong giai đoạn hôm nay, họ đã sống, đã nghĩ gì. – Điều này tối quan trọng làm tiền đề cho các thế hệ sau, là một trong những yếu tố cần để nhận định và đưa ra đường lối phát triển xã hội, đất nước phát triển hơn ở tương lai.
Thứ hai, như thiên chức của nghệ thuật là: “sự cứu rỗi lòng người”.
Văn chương, theo tôi, có viết, có nghĩ, có thể hiện bằng lối nào, bằng ngôn ngữ nào đi chăng nữa thì điểm đến cuối cùng, mục đích cuối cùng vẫn là con người, hay nói theo cách của Nam Cao: “làm cho người gần người hơn”!
Ta thấy, các cuộc chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh, nhân họa,… vẫn diễn ra hằng ngày đâu đó trên quả địa cầu này, tôi sợ tiếng khóc trẻ em giữa làn đạn, tôi sợ tiếng mẹ thảng thốt tìm con, tôi sợ màu máu mà chính con người gây ra cho con người.
Và chính thơ đã cho tôi niềm tin vào con người. Sau tất cả những nỗi đau, thơ đã nhen nhóm, đã thôi thúc điều gì đó về sự sống, niềm tin trên từng con chữ. Tôi nghĩ rằng, chung quy lại những gì ông – cha - ta muốn là bình yên, là hạnh phúc. Mà chúng ta chỉ thật sự hạnh phúc, thật sự bình yên khi và chỉ khi ta sống bằng lòng tốt, đối đãi bằng lòng tốt và thở bằng lòng tốt. Và tôi cho rằng thơ (văn chương) sẽ làm tốt điều đó!
Nhà thơ Lê Minh Quốc
CHỮ CỦA TÂM LINH MỚI LÀ CHỮ CỦA ÁI TÌNH
Trò chuyện với nhà thơ Lê Minh Quốc – Chủ tịch Hội đồng Thơ, Hội Nhà văn TP.HCM:
? Thưa nhà thơ Lê Minh Quốc! Một nhà phê bình cho rằng “Thơ không thể bị kéo thấp xuống cho ngang tầm công chúng, mà công chúng phải biết tự nâng mình lên ngang tầm của Thơ”. Ông nghĩ sao về quan niệm này?
Lê Minh Quốc: Theo tôi, đây là một nói ngớ ngẫn, quá quen thuộc và đã sáo mòn lắm rồi. Nào có riêng gì thơ, với nhiều thể loại nghệ thuật khác lâu nay thiên hạ cũng gào lên tương tự. Với người làm thơ thật sự sống với thơ, vì thơ, làm thơ như một cách khám phá lấy nội tâm, suy nghĩ, tâm trạng của chính họ, tôi nghĩ rằng, họ tiếp tục viết chân thật như những gì họ đã và đang nghĩ đến. Họ không cần phải quan tâm “kéo thấp xuống” hay “nâng lên ngang tầm” gì sất. Họ chỉ nghĩ về chính họ. Lúc ấy, cảm xúc của họ sẽ dẫn dắt họ đi. Điều quan trọng vẫn là ở chỗ nhà thơ tự hỏi chính mình, chứ không phải đòi hỏi ở công chúng.
“Bấy lâu cửa đóng then cài
Bịt tai nhắm mắt miệt mài với thơ
Tâm không bợn chút bụi mờ
Trí không náo động chín ngờ một nghi
Nhịp đời nhẵn nhụi phẳng lì
Nhịp yêu tròn trịa chu vi rạch ròi
An toàn đến thế thì thôi
Thôi thì thơ cũng cọc còi tong teo
Tâm không vật vã eo sèo
Trí không giông bão cheo leo bụi hồng
Đừng đợi mà cũng đừng mong
Câu thơ khỏe mạnh sống trong cõi người”
? Trong đời sống thi ca, từng có nhiều lời hô hào đổi mới, cách tân Thơ nhưng vẫn chưa thấy thành tựu gì rõ nét. Ông nghĩ xu hướng làm mới thơ có quan trọng không và phải như thế nào?
Lê Minh Quốc: Có những điều tưởng rằng đã cũ, rất cũ, đến thời đại chúng ta cần phải có ý thức thay đổi, cách tân cho mới mẻ. Tưởng là tưởng thế thôi. Bản thân tôi không quan tâm đến điều này. Chính cảm xúc lúc ấy thế nào, tự nó sẽ quy định cho nhà thơ tìm ra cách viết phù hợp nhất. Có thể vẫn hình thức đã cũ, có thể hình thức mới lạ, thật ra điều đó chẳng quan trọng gì, cái cần nhất vẫn là nhịp thơ, tiếng nói của tâm trạng trong khoảnh khắc ấy. Hình thức để làm gì, cách tân để làm gì khi trong lòng không một cảm xúc? Cảm xúc ấy cần cho thơ hơn cả hình thức nữa.
“Anh làm thơ kể những điều đã thấy
Nhưng sao chẳng ai buồn?
Dẫu chỉ là chốc lát
Dẫu trong thơ đầm đìa nước mắt
Dẫu trong thơ ngập đầy tiếng khóc
Lạ không?
Lạ quái gì đâu anh phải hỏi lại lòng
Cái lòng anh có thật lòng đớn đau không đấy chứ?
Tột cùng đớn đau mới bật ra câu chữ
Chữ của tâm linh mới là chữ của ái tình
Anh chả đớn đau mà kể lể những điều đã thấy
Chả ai thấy gì ngoài trang giấy trắng tinh”
? Có một thực tế là việc xuất bản thơ hiện nay rất dễ dàng. Hầu như các nhà xuất bản sẵn sàng cấp giấy phép cho tác giả tự bỏ tiền in thơ, mà không quá đắn đo về chất lượng. Vậy, vai trò biên tập thơ có còn không?
Lê Minh Quốc: Vai trò của biên tập thơ vẫn còn đấy chứ. Cứ xem thời gian gần đây số lượng thơ vẫn in ấn xuất bản nhiều, mà, có bi “thổi còi” gì đâu. Nhà thơ chịu trách nhiệm với chất lượng thơ của họ, chứ nào thuộc về biên tập. Họ có trách nhiệm và có quyền in thơ, kể cả quyền làm thơ dở. Điều này bình thường. Thời gian, năm tháng còn sàng lọc chán chê.
? Không chỉ có danh xưng “nhà thơ thế giới” mà gần đây còn có phong trào dịch thơ ra ngôn ngữ khác để được trao giải thưởng quốc tế. Ông có lạc quan với con đường xuất khẩu thơ tự phát?
Lê Minh Quốc: Tôi nghĩ đến sự nở rộ của nhiều sân chơi hiện nay, có thể giải thưởng thơ, dịch thơ ra tiếng nước ngoài của câu lạc bộ nào đó, đoàn thể nào đó họ trao cho nhau thì cũng là lẽ bình thường. Vui thôi. Có gì đó cho đời sống của thơ thêm nhộn nhàng, rôm rã một chút cũng tốt. Nói về “con đường xuất khẩu thơ” là một chuyên đề khác, chứ không chỉ dừng lại ở mỗi một động tác là tập thơ đó của tác giả đó in bằng tiếng nước đó và phát hành ở nước đó.
? Từ kinh nghiệm bản thân, ông thấy thơ Việt đang có điều gì đáng băn khoăn và có điều gì đáng chờ đợi?
Lê Minh Quốc:
“Trên đời này có cái gì mặn nhất?
Nước biển ư? Hay là muối của đời?
Đừng nói thế. Chính là nước mắt
Của chúng sinh lao khổ dưới gầm trời
Anh đã viết những câu thơ nhạt thếch
Bởi lòng anh nước mắt đã cạn rồi
Có một ngôi sao băng vừa vút qua
Chỉ trong khoảnh khắc
Làm sao anh nắm bắt
Để giữ lại thiên thu?
Giữ lại thiên thu cái cụ thể ấy để làm gì?
Sao anh không âm mưu nắm giữ
Cái vệt ngang trời vừa lóe sáng bay đi?”
Theo Lê Thiếu Nhơn/ Văn Nghệ Công An