- Truyện
- Tiếng hát đêm trăng thanh | Truyện ngắn dự thi của Vũ Đại Việt
Tiếng hát đêm trăng thanh | Truyện ngắn dự thi của Vũ Đại Việt
Chợ Hòa Thành có từ bao giờ không ai biết, ông Ba Thọ tuổi hơn 80, nhà cách chợ một đoạn kể rằng từ khi còn nhỏ xíu, ông đã theo cha ra chợ xem đám người Sơn Đông mãi võ bán thuốc dạo. Như vậy, chợ Hòa Thành nhóm họp thời gian có lẽ đến cả 100 năm nay.
Chợ là đầu mối giao lưu giữa những người từ trong miệt vườn có mớ cá, gánh cải, con gà… của nhà làm được, đem ra bán. Chợ là nơi người từ trên phố giang xe đò chở hàng xuống bỏ mối. Cặp mé phải chợ có con kinh xáng lớn chạy qua thành thử ghe, thuyền lúc nào cũng ì oạp ngược xuôi chở đồ tới bán.
Góc phía bên phải chợ là nhà ông Tư Ó, vựa trái cây lớn nhất cả một vùng. Từ bốn rưỡi sáng đã có người đến mua bán tấp nập. Tiền vô nhà này ào ào, có bữa hết ngày tiền đếm không xuể, tối quá Tư Ó phải bỏ trong giỏ xách quăng vô hộc tủ, chờ sáng hôm sau đếm tiếp. Ông Tư là dân kinh doanh “thứ thiệt” nhưng lại có thú nuôi chim kiểng. Trong nhà, chim lồng lớn lồng bé treo lủng lẳng khắp nơi. Mỗi sáng thức dậy, nghe chim hót véo von, vào nhà Tư Ó tưởng như lạc trong rừng.
Cha là Ó, nên các con ông cũng lựa theo tên các loài chim để đặt cho. Cô Hai tên Yểng, nhưng dạo còn đi học bị bạn bè trêu chọc dữ quá, chịu không thấu nên đã tự đổi thành Yến cho dễ nghe. Cô Ba ông đặt là Cưỡng, cô Tư đặt là Sáo, cô Năm ông đặt là Sẻ. Cô Yến, cô Sáo, cô Sẻ có công ăn, việc làm ổn định và đều đã yên bề gia thất. Duy chỉ còn lại cô Ba Cưỡng là ham vui, chẳng chịu tu chí học hành gì ráo trọi, thành thử dở dang mọi chuyện, khiến ông bà Tư sốt ruột lo ngay ngáy.
Một dạo, có thằng ve chai không rõ gốc gác ra sao, từ đâu đến nhà Tư Ó xin ở đậu để đi thu gom phế liệu bán cho mấy chủ vựa ngoài chợ Hòa Thành. Ban đầu, bà Tư nhất định không chịu. Hỏi lý do bà bảo nhà làm ăn buôn bán, đồ đạc tùm lum người ngoài đến ở, đi sớm về muộn không tiện. Nhưng sau, nghe ông Tư rỉ rả thế nào đó, bà liền đổi ý thuận cho hắn đến ở đậu. Trước thịnh tình của ông chủ, gã ve chai cảm động lắm, hắn lấy lòng chủ nhà bằng mọi cách, ông Tư xem ra cũng có cảm tình với hắn, thỉnh thoảng ông cũng dành cho hắn những ưu ái nhất định. Có hôm vui miệng, ông hỏi hắn: Bay có chịu ở rể qua không, chịu tao gả con gái cho? Gã ngại ngùng do dự, nghĩ đến thân phận côi cút không nơi nương tựa của mình, hắn xót xa. Biết đâu nhận lời rồi cô Ba không đồng ý thì “quê độ” dữ lắm.
Một bữa nhà có đám giỗ, hắn được ông chủ cho đánh chén một bữa say “ngoắc cần câu”, say đến mức hắn chun vô buồng Ba Cưỡng ngủ lúc nào không hay. Nửa đêm Tư Ó thức giấc, cầm cái mác vót trên tay, ông vào dựng gã ve chai dậy rồi cảnh cáo rằng hắn đã làm cái chuyện đồi bại đối với con gái ông, giờ thì tính sao? Lúc đó, Ba Cưỡng mới lập bập lên tiếng: “Tụi… tụi con thương… thương nhau mà. Xin cha đừng hành hạ ảnh!”. Tư Ó hỏi hắn: “Phải vậy hôn?”. Hắn lắp bắp mãi mới nói được một câu: “Dạ… dạ! Ông Tư tính sao con cũng chịu hết!”.
Đám cưới diễn ra ngay sau đó, rềnh rang mấy ngày mới xong. Bà con khu chợ bàn tán ì xèo, bảo nhà Tư Ó “bắt cóc” được chàng rể thiệt đã.
Lúc cô Ba làm vợ thằng ve chai, cái bụng đã lùm lùm, 4 tháng sau khi cưới gả, cô sinh thằng Cà Bi da đen kịt. Biết chẳng phải con mình nhưng thân phận ở rể lép vế đủ điều, gã đành cắn răng chịu đựng không dám hó hé nửa lời. Dẫu sao thì tía má vợ cũng đã cho hắn một chỗ trú thân. Hắn cũng đã có gia đình, chết cũng có đất chôn. Thứ nữa tía má vợ là chủ một cơ ngơi đồ sộ biết đâu sau này khi ông bà chết đi, vợ chồng hắn sẽ được thừa kế gia sản? Cơ ngơi kếch xù này sẽ cho vợ chồng hắn cuộc sống giàu có, sung túc. Hắn sẽ thành ông chủ vựa trái cây, hắn sẽ đoạn tuyệt với cái nghề ve chai mạt hạng nhất trong thứ các nghề mạt hạng nhưng lại đầy rẫy mọi thứ nguy hiểm ở xứ này. Nghĩ đến cái đoạn được làm ông chủ hắn sướng run lên.
Nhưng mộng ông chủ của hắn chưa thấy đâu đã thấy ngay sự đắng cay, nhục nhã ê chề của một kẻ “đóng thế” trong vở kịch do ông Tư soạn sẵn để làm cái việc “đổ vỏ cho kẻ ăn ốc” cách đây chưa lâu.
Nhà có cửa hàng buôn bán ì xèo là vậy, thế nhưng mấy lần hắn định bỏ nghề ve chai ở nhà phụ giúp tía má bán trái cây đặng học nghề. Nhưng con vợ hắn dứt khoát không đồng ý. Ba Cưỡng nói với chồng: “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, nghề cũ quen rồi cứ thế mà làm sau này con lớn lên sẽ tính lại! Biết bao giờ con mới lớn? Vợ nó nói chờ cho thằng con lớn mới tính? Hừm! Chờ con lớn hay là chờ cái thằng “cha căng, chú kiết” nào đó đến đón thằng con “cốt nhục” của nó đi?
Đã thế, đi thu gom phế liệu cả ngày về mệt bã người, không được nghỉ ngơi còn bị vợ sai làm đủ mọi thứ chuyện. Trái ý một tý là nó la toáng lên, nhiều lúc mắc cỡ hết sức.
Nghĩ lại cái lúc chưa làm rể hắn thấy tiếc, nhưng những ngày xưa ấy bây giờ đâu còn nữa! Hắn lấy vợ chẳng khác gì đi ở đợ vậy.
Cha chết từ lúc gã mới lọt lòng, một năm sau đó mẹ hắn đi theo người đàn ông khác, bỏ lại đứa con thơ chưa biết nói cho ngoại nuôi. Năm hắn 15 tuổi thì ông ngoại qua đời, một năm sau đó bà ngoại cũng lại đi theo ông ngoại về với tiên tổ. Thân thích chẳng có ai, hắn thành kẻ bơ vơ, không nơi nương tựa. Với hắn một tiếng gọi “ba, má” cũng không có, huống hồ là sự bao bọc chở che của đấng sinh thành, ngẫm lại thấy tủi nhục, xót xa.
…Đêm nay khuya lắm rồi, đang chập chờn trong giấc ngủ nửa tỉnh nửa mê, bỗng hắn nghe tiếng ai đó, giọng khàn đục cất lên thê thảm, não nề: “Chúng mình không còn yêu nhau thì thôi/ Anh nói ra đi trắng đen một lời…”. Hắn nhỏm người ngồi dậy, nghển cổ nghe. Nghe cho đến khi hai con mắt sụp xuống mới thôi.
Tiếng hát lạc lõng trong đêm ấy, chính là tiếng hát của người đàn bà khùng mới đến tá túc tại khu chợ Hòa Thành. Chị ta tên gì, bao nhiêu tuổi, từ đâu tới không ai biết. Chỉ khi nghe tiếng hát của chị cất lên, người ta mới hay tại khu bán chạp phô chợ Hòa Thành có thêm một cư dân lạ đến tá túc qua đêm. Chị biết rất nhiều bài hát. Từ tân nhạc đến cổ nhạc các điệu lý giao duyên, các bản vắn, rồi sáu câu vọng cổ thứ gì cũng biết chút chút chớ không thuộc cả bài. Tiếng hát của chị thường nói về tình yêu, về nỗi nhớ xa xăm, có cái gì đấy âm u, uẩn khúc bám theo người đàn bà này.
Nghe câu hát, người thì đoán rằng trên đường tình chị ta đã không gặp may mắn. Có một cú vấp ngã nào đó khiến chị bị sốc nặng chịu không nổi, trở nên điên dại chăng? Kẻ thì đoán hay do căn bệnh hoang tưởng về tình dục khiến chị đột quỵ trở thành kẻ mất trí? Chẳng ai biết được lý do chính xác. Người đàn bà khùng ngay cả cái tên của mình, chị cũng không nhớ nổi! Thì làm sao chị có thể cho người khác biết được lý do mình ra nông nỗi này? Tuy khùng điên vậy nhưng người đàn bà này tương đối sạch sẽ, mỗi sáng thức dậy thấy chị cũng đi ra bờ kinh vốc nước lên rửa mặt. Ăn uống thì đi xin của mấy người bán hàng nấu sẵn, chớ tuyệt nhiên không thấy bới rác, nhặt nhạnh tìm kiếm đồ ăn dơ dáy như mấy người khùng trước đây đã từng lai vãng đến khu chợ Hòa Thành.
Như đã thành thói quen cứ tối đến, nhất là những đêm trăng thanh vắng, người ta lại nghe tiếng hát người đàn bà cất lên, giọng ai oán não nề: “Thôi rồi còn chi đâu anh ơi/ Có còn lại chăng dư âm thôi/ Trong cơn thương đau men đắng môi/ Yêu rồi, tình yêu sao chua cay/ Men nào bằng men thương đau đây…”.
Tiếng hát vu vơ lạc lõng ấy của người đàn bà khùng tưởng chỉ là vô bổ, thế mà bỗng nhiên giờ đây lại làm cho gã ve chai xao động.
Tâm sự của kẻ khùng điên kia sao lại giống hắn đến thế! Hắn dỏng tai ngồi nghe không sót một câu cho đến thật khuya khi người đàn bà ngưng tiếng hát, hắn mới chun vô mùng, đặt mình nằm xuống.
Đêm tàn đêm, rồi ngày lại ngày qua, tiếng hát người đàn bà khùng như thể thứ thuốc phiện ngấm dần, ngấm dần khiến cho gã ngất ngây, ngây ngất. Rồi như thành lệ, cơm nước xong lấy cớ đi sang mấy bạn ve chai hỏi mối làm ăn, gã lén đi ra khu nhà lồng trong chợ để nghe tiếng hát người đàn bà khùng.
Người đàn bà khùng thoạt đầu không biết có người đến nghe đứng bên cạnh, nên chị ta vô tư hát. Hát đến mê mải, mãi không thôi. Sau biết có người đến nghe chị ta im bặt, thả hồn vào hoang tưởng.
Chịu không nổi, gã ve chai phải xuất đầu lộ diện. Hắn nói năng khẩn khoản, chị mới chịu hát tiếp. Nhưng tiếng hát nghe không còn vô tư như trước, cứ một đoạn, một đoạn lại ngừng nghỉ, y như thể trò mèo vờn chuột. Gã ve chai nghĩ ra một kế, trước khi đi gặp người đàn bà khùng hắn mua sẵn mấy trái bắp, có khi là mấy củ khoai luộc hay mấy gói bim bim đến dúi vào tay chị. Người đàn bà khùng cầm ăn vô tư và thế là lại hát tiếp. Riết người đàn bà khùng trở thành quen với những gói bim bim do hắn mang đến. Thành thử, hôm nào chưa có bim bim, chị hỏi ngay “Bim đâu?” và bắt phải đưa bim bim ra, chị mới chịu hát.
“Người từ ngàn dặm về mang nỗi sầu/ Nhịp cầu Ô thước hẹn đến mai sau? Ngày dài nhung nhớ mình cũng như nhau/ Trên cao bao vì sao sáng/ Rừng vắng có bao lá vàng/ Là bấy nhiêu sầu…”.
Tiếng hát người đàn bà khùng cứ như một lời tự sự, da diết nỗi buồn không tên. Tâm sự của chị hệt như là tâm sự của gã ve chai vậy. Bởi thế nên giờ đây việc đi ra khu nhà lồng chợ Hòa Thành để nghe tiếng hát ấy như một nhu cầu không thể thiếu của gã. Hắn lén vợ ra đi, Ba Cưỡng rồi sau đó cũng biết chuyện nhưng ngó lơ, vợ hắn còn bận mải với việc nựng đứa con nhỏ, ru cho nó ngủ.
Đêm nay hắn lại đến, khật khưỡng trong cơn say. Đưa mấy trái bắp cho chị, hai chân hắn như không muốn bước nữa, hắn ngồi xuống ngay cạnh người đàn bà đang hát và đặt cánh tay lên bờ vai chị. Chị một thoáng giật mình rồi một tay nhẹ gỡ bàn tay hắn ra, tay kia cầm trái bắp ăn vô tư. Nhưng sau, cái bàn tay ấy lại tiếp tục quàng vào cổ chị, chị cầm tay hất mạnh, tay hắn rơi xuống đùi người đàn bà và để nguyên trên đó. Một lát, thấy không có phản ứng gì ở người đàn bà khùng, gã ve chai nhẹ xoay người rồi xích sát đến chị và đột nhiên hắn choàng tay ôm ghì lấy cổ chị, hôn lấy hôn để. Người đàn bà khùng ớ… ớ kêu lên nhưng rồi như chợt hiểu ra, chị thả trái bắp xuống và cũng ôm ngược lại hắn. Cái bản năng hôm nào của người con gái đã trở lại trong chị. Chị cũng đáp trả lại hắn bằng những cái hôn cháy bỏng. Gã ve chai như bừng tỉnh cơn say, hắn ôm chặt người đàn bà khùng vào lòng rồi vuốt ve mơn trớn, hai bàn tay hắn sờ soạng vào những chỗ kín trên người chị. Cái cảm giác sung sướng, đê mê khiến người đàn bà rạo rực, tay chị cũng đan chặt trong tay hắn, mặt đờ đẫn đón nhận những cái hôn tới tấp. Khi những nụ hôn đã kín hai khuôn mặt, hắn mới đưa tay vạch ngược chiếc áo màu cháo lòng chị đang mặc. Bằng động tác rất thuần thục, hắn kéo tuột chiếc quần dài rồi tiếp là chiếc quần con trên người chị xuống đến tận chân và cái gì đến cũng đã phải đến. Người đàn bà ngây ngất trong cơn say tình ái, chị ôm sát vào thân hình lực lưỡng của gã ve chai và cất tiếng rên khe khẽ. Gã ve chai ghì mạnh người đàn bà khùng và thở gấp gấp. Ngoài kia, trăng vẫn sáng lung linh huyền ảo, chợ Hòa Thành tĩnh mịch yên ắng lạ thường. Tiếng rên, tiếng thở gấp gấp của đôi trai gái nghe rõ mồn một rồi chìm dần, chìm dần vào trong đêm.
Tiếng hát của người đàn bà khùng sau đó ngày một thưa đi, chỉ vài bài hát lên lúc đầu tối sau đó thì im lặng cho đến tận sáng hôm sau. Vào một đêm sáng trăng suông, ông Ba Thọ nghe tiếng chó sủa khu đầu chợ, đã thức giấc. Đứng ngó qua cái cửa sổ hẹp bên hông nhà, ông thấy thấp thoáng hai bóng liêu xiêu đi nhanh khỏi khu bán chạp phô. Sáng ra không thấy người đàn bà khùng đâu nữa. Chàng rể nhà Tư Ó cũng mất dạng ngay đêm hôm ấy.
Chồng bỏ đi, Ba Cưỡng biết chuyện nhưng cũng không tỏ ra quan tâm, riêng Tư Ó thì vẻ lo lắng đã lộ rõ. Ngay sáng hôm sau, ông nhờ người dọ hỏi, tìm tung tích nhưng “bặt vô âm tín” không thấy tăm hơi gì về chàng rể của mình.
Bẵng đi một năm, đúng vào một chiều mưa cuối mùa, có một người quen - mối mua hàng của Tư Ó, ghé quán và thì thầm to nhỏ. Nghe người bạn nói, Tư Ó mặt đanh lại từ đỏ bừng chuyển dần thành tím tái, hai hàng ria mép rung lên, chân giậm bịch bịch. Mãi sau, ông mới thốt ra được một câu: “Đi với con khùng, rồi mày cũng khùng luôn!”.
Nghe đồn, gã ve chai sau đó cũng làm nghề thu mua phế liệu nhưng sống hạnh phúc với người đàn bà khùng và làm ăn rất khấm khá.
V.Đ.V