- Tư liệu văn học
- Trần Quang Quý gã trai trung du nửa dại nửa khờ
Trần Quang Quý gã trai trung du nửa dại nửa khờ
“Có ông thầy tướng bảo anh thế này chú ạ: Bác là người tài và có uy. Những gì gian khó, những gì người ta không làm được thì bác đều làm được, và làm rất tốt. Nhưng bác như tướng ngoài biên ải, cứ đánh đồn lập ấp xong thì người khác lại hưởng, bác lại đi mặt trận khác. Ngẫm thấy mình cầm tinh con ngựa, có làm tướng thì tướng của những vó ngựa truy phong, gập ghềnh biên ải, chắc gì được an nhàn nội cung. Anh đã tha thứ cho tất cả”.
Nhà thơ Trần Quang Quý (1955 – 2022)
– Thế là thu năm nay gần như mất mùa – Nhà thơ Trần Quang Quý than nhẹ một câu, ngước chậm nhìn những họa tiết hoa lan tây trần phòng khách của ngôi nhà bốn tầng rồi mới tiếp: – Hà Nội bớt đi một khoảng thời gian trắc ẩn nhất trong năm…
Đằng sau dãy phố là con đê Nghi Tàm liền mạch Hồ Tây. Ngôi nhà yên tĩnh. Nhưng vị chủ nhân ngồn ngộn vẻ đường bệ thì dường như hãy còn xao động trước mỗi âm thanh lắng vọng thưa mau.
Chè Phú Thọ ướp gạo sen Tây Hồ không tinh tế nhưng cũng đủ sang. Thứ sang của người quê ít nhiều có chữ nghĩa ngấm phố thị trong câu chuyện của những người từng ở quê ôn chuyện cũ.
Tôi đụng anh dong xe máy đi vu vơ mười lăm phút trước, gần Giảng Võ. Áo sơ mi kẻ nhỏ sáng màu “đóng thùng”, cài đủ các khuy, quần xám, giày láng lướt. Cao lớn, mượt mà chưa kịp chảy xệ của tuổi tác…
Trần Quang Quý – Một thời từng hai tay hai điện thoại, bất kỳ trong phòng, trên xe ô tô, trong hội thảo liên tục chạy ra ngoài, ngoẹo đầu áp tai nghe, tay bấm số, nhào tới cơ quan là mắt chăm chắm bản “phôi” tờ Gia đình & Xã hội, giờ bỗng vu vơ trên những khúc phố quen.
Những năng lượng tồn dư, những dự định bão chí bị giam hãm trong con người anh, tôi có cảm giác chúng đang hí lên như bầy ngựa hoang tìm cách thoát ra. Sau tai nạn của trường văn trận bút, gã thuyền trưởng buộc lòng phải rời con tàu giữa biển trở về chôn chân bên bờ góc làng…
…Xốc ba-lô, tôi dừng trước cánh cổng tre. Hàng rào tre cắm chéo mắt cáo níu vào những thân cây vông và dây bìm. Trên sân sỏi lổn nhổn và loằng ngoằng rễ mít bò nổi, hai người đàn ông đang dìu nhau. Có vẻ như cả hai vừa uống rượu. Người lớn tuổi, trán hói, chưa già lắm những đã khòm khòm, áo bỏ trong quần, dây lưng thắt quá tay như bó mạ già: Nhà thơ Nguyễn Đình Ảnh.
Người thanh niên lưng thẳng, đen sắt, tóc dài một lọn, kiểu gọng kính buông lửng trước trán ngênh nghênh. Tổng thể xơ tướp như là dầm mưa dãi nắng triền miên. Quần kaki gấu lơ-vê, dép nhựa Tiền Phong trắng ngả màu đất, hàn đắp tứ tung.
Hình như anh ta có võ: Tay dìu Nguyễn Đình Ảnh trĩu xuống như quả mướp héo, tay nắm cổ-phốt chiếc xe đạp “cởi truồng “đen bóng, bàn đạp nhọn hoắt đôi “bút chì”, ghi-đông ngoắc chiếc túi vải bạt thòi lên mép giấy sần vàng vàng mà vẫn đặt bước vững tiến.
Lễ phép tôi bước lại gần chào. Nguyễn Đình Ảnh nấc lên, nồng mùi rượu sắn, giọng lờ nhờ:
– Ô ô ..Thiện Kế đấy à…đây là Trần Quang Quý em tao. Tài lắm. Thơ hay lắm… lạ lắm” Xứ đạo rùng rình tiếp đập“ hình tượng lắm. Nó vừa ép…ép rượu… mời…mời bằng tiền… thưởng huy chương…chương vàng kịch bản Hội diễn nghệ thuật quần chúng.
Tôi hình dung cái huy chương vàng kia là kết quả của những băng-rôn dọc ngang, áp phích xanh đỏ la liệt thành phố. Cảm giác thán phục người thanh niên Trần Quang Quý đang đứng trước mặt. Làm cán bộ văn hóa huyện lại biết làm thơ, viết kịch, kiêm cả “bầu sô” thì quả là hơi nhiều tài năng.
Ánh mắt nâu trầm, những nét tròn, mềm chủ đạo trên gương mặt. Cuời hề hề. Thoạt trông thì có vẻ khờ khờ dại dại, nhưng trầm lại cảm nhận thêm một chút thì cảm giác đã thay đổi; đây hẳn là một người nhạy cảm, thông minh, ít lời nhưng không kém phần quả đoán, vượt hướng lên cao.
Sắc nâu phả lênh loang trong mắt như là biểu hiện phẩm chất thi ca nào đấy, như là nỗi buồn chợt thoáng âm u hẳn sẽ khiến anh ta khổ lắng đắng vì những cái không đâu. Dẫu chỉ số IQ hơn người bao nhiêu, một khi vướng vào lưới thi ca thì tất tật các nhà thơ đều cả tin, ngây thơ khó cưỡng điều như thuộc về định mệnh của họ.
Linh cảm buổi ban đầu ấy, chẳng bao giờ dứt khỏi tôi ngay cả lúc Trần Quang Quý ngự trên ngôi vị Tổng biên tập tớ báo “hot“ nhất nhì. Sự thật là ở Hội VHNT Vĩnh Phú thời đó, hễ nhắc đến những người có khả năng “làm một cái gì đấy “rạng rỡ nền VNNT Đất Tổ” ở thì tương lai, từ lãnh đạo, hội viên đến bạn đọc đều hô to hai cái tên: Văn Chinh và Trần Quang Quý.
Trần Quang Quý nhìn vượt lên.
Tôi tròn mắt quan sát chiếc nhẫn vàng ta dễ đến mươi chỉ, gắn viên đá đỏ to như trái trứng chim câu trên ngón tay của một võ sĩ nhưng móng tay để dài trắng nuốt. Chiếc áo sĩ quan Nga màu rơm tươi nguyên nếp quân nhu. Hỗn giao trong phong cách thời trang. Chiếc xe đạp như bộ xương khủng long bay. Quần ka-ki lem nhem nhựa cây. Những đai nhựa của đôi dép bó chặt bàn chân lính chiến đến mức sắp sửa đứt phựt.
Đôi dép, quần ka-ki và những cơ bắp rắn như cao-su đúc hẳn thuộc về trai làng của đồng đất bán sơn địa. Xe đạp giống chiếc xe thồ đá của nhà thơ Hữu Loan. Áo sĩ quan Nga và nhẫn vàng thì gợi đến các ông chủ cửa hàng phố cổ, hay có rạp vải bán buôn ở chợ Đồng Xuân. Từng ấy mảng miếng bao bọc dựng nên hình hài một nhà thơ trẻ thời bao cấp.
Ánh xạ đá đỏ, vàng mười, những móng tay để dài trau truốt. Có gì đó cứ gợi đến các nhà thơ cổ điển xanh xao phương Tây nhưng cũng khiến tôi cảm thấy vô lý trái lẽ thế nào ở Trần Quang Quý, bởi tố chất lầm lì như viên chánh tổng bị biếm xuống hàng lý trưởng và cả sự lầm lụi, phong sương như kỹ sư hầm lò hòa trộn khí chất tiêu dao của một ngư phủ…
Văn Chinh nhớ lại vụ Trần Quang Quý dẫn một cô Hà Nội phi dê tóc bồng vào nông trường Phú Sơn thăm “Hái sơn văn sĩ” : tếu danh chung để gọi Sao Mai, Văn Chinh, Nguyễn Tham Thiện Kế – những người viết văn cùng cư ngụ dưới chân núi Lưỡi Hái- Thanh Sơn- Phú Thọ) .
– Ai ngờ lương viên chức văn hóa hàng huyện như mình lại phải oằn lưng hầu cái thằng đeo chiếc nhẫn như con đỉa trâu cõng hạt xoàn to như hòn cuội chèn dưa trong vại” giá bằng cả căn nhà cấp bốn, cùng với nhân tình thành phố của nó mấy ngày. Có nhẫn vàng, có tình nhân mà lại rỗng túi. Chặc, chỉ vì mến tài thơ của nó (TQQ)…
Nghe đâu, sau này Trần Quang Quý góp chiếc nhẫn lóe mắt vui buồn bao nhiêu văn nhân đồng hạng làm vốn đi buôn hàng nông thổ sản với Văn Chinh để có tiền đi học Nguyễn Du. Hai văn nhân từ quê ra tỉnh ngu ngơ đã bị thằng cha buôn “tàu hỏa “lừa trắng dã bốn con mắt nhiều trăm nghìn đồng…
Nguyễn Đình Chiến kể, Trần Quang Quý hồi đang đi học, một lần đến uống rượu, say ngủ, làm rơi ví ra giường. Nguyễn Đình Chiến cất hộ và đã không thể không liếc nhìn miệng chiếc ví da rách tã hé ra những tờ năm trăm một nghìn xếp cẩn thận theo chủng loại, tờ nào tờ nấy phẳng căng như vừa mới là hơi…
…Vâng, tiếng là tôi có nhiều ông anh đồng hương hành nghề “làm chữ” ở Thủ đô, nhưng nhiều khi “lai kinh” thì tôi lại nhao đi gặp người thiên hạ bù khú, quên bẵng các ”bậc trên”. Chỉ khi nào cơ sự dồn bí mới đến dập đầu trước các ông anh, hỏi chào.
Tôi từng đến nhà “gãi đầu” muốn được về làm báo Gia đình & Xã hội với Trần Quang Quý.
– OK. Chú là đồng hương lại có vẻ cũng tài. Nhưng vẫn phải thử việc. Viết bài nào ăn bài ấy. Kèm lương cơ bản. Quên luôn biên chế. Chịu được thì tuần sau xuống Giảng Võ. Tự chú tạo dựng lấy tương lai báo chí, anh chỉ cho chú cái sân thôi.
Thú thực khi nghe đàn anh dội xuống đầu điều ấy, tôi choáng vì giận. Ai lại thế bao giờ, anh có tài giỏi thì em mới đến cậy nhờ. Đằng này trắng phớ tình tình thì đồng hương đồng khói gì cho cay.
Rồi đến độ tôi cũng hiểu nhà báo Trần Quang Quý đã có lý. Nhận thức đuợc chút nghề báo, nhưng người ta có làm được báo hay không lại chuyện khác. Khi khuyến cáo, hẳn Trần Quang Quý đã không thể thực lòng hơn với tôi.
Thời điểm năm 2000 đó tôi chỉ thấy hiện tượng Gia đình & Xã hội là tờ báo “hot” với những vấn đề nhạy cảm, bức xúc và bám sát đời sống, có tiêu chí chiến lược riêng. Dân bán báo dạo rao loa réo tên Gia đình & Xã hội khắp ngõ ngách Hà Nội và vùng lân cận. Báo có mặt tận các thị trường khó tính, như Nha Trang, Bình Định, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đồng Tháp…Nhiều vụ bỏng rãy: Thủy cung Thăng Long, Kỳ án Dương Thị Nga, Xóm 10 vợ, xung quanh những kỳ bí tà yểm ở sông Tô Lịch, vụ nước khoáng Lavie nhiều lần đối mặt tranh đấu trước tòa với nguyên đơn… Và các chuyên mục của đời sống gia đình…
Báo trở thành một thương hiệu, lương và nhuận bút phóng viên cả chục triệu một tháng. Cháy báo, người ta nhân bản photocopy để chuyền tay nhau
Tôi đâu biết ông anh Tổng biên tập từng tam phen, tứ phen “lì đòn”, chịu trận làm xiếc trên dây, bị đe dọa khủng bố trên điện thoại, bị dọa mang mìn đến tòa soạn, vài lần bị đe đóng cửa báo, và …thường xuyên chuẩn bị tinh thần rớt chức.
Chưa kể ba năm trước Trần Quang Quý lang thang làm báo tự do. Có những vụ điều tra phải đi ngay trong đêm, xa hàng trăm cây số bằng chiếc xe máy bãi rác, trong vòng bảo vệ của hàng chục thanh niên qua vùng nguy hiểm của tranh chấp.
Hơn một lần tôi và nhà thơ Nguyễn Hưng Hải tấn ngần trước túp lều rộng chưa đầy hai manh chiếu lợp giấy dầu liền kề dòng kênh sặc mùi xú uế, ban ngày quơ tay vẫn vơ được cả nắm muỗi. Trong không gian tối om chỉ có một giường cá nhân và hai chiếc xe đạp han gỉ. Bát đũa, xoong nồi để dưới gậm giường.
Chị Mùi vợ nhà thơ là bác sĩ tốt nghiệp ở Liên- Xô, làm việc ở Bộ Y tế đang đi bán mía róc ở đầu ngõ. Trần Quang Quý chạy ra nắn túi vợ mong kiếm dăm bìa đậu, cút rượu. Đã có thời, chị ở Việt Trì, liền tường với cơ quan tôi, từng dịch văn xuôi, làm thơ…
Tôi không tưởng tượng được một nhà thơ, một bác sĩ và một đứa trẻ lại có thể ngủ trên chiếc giường cá nhân ọp ẹp, mặt chiếu thâm đen có bề ngang 80 cm. Bàn viết kiêm nhiệm làm nắp thùng gạo.Thơ viết tặng em trong ngôi nhà chật, và vô số những phóng sự điều tra quằn quại từng câu từng chữ cũng lấy nắp thùng gạo làm bệ phóng, ngay dưới chân con.
Nếu thằng cu mà tè thì nước đái sẽ tong tong không những xuống bát đĩa nồi niêu đựng thức ăn, giấy có chữ và chưa có chữ, bản thảo chắc cũng không thoát số phận thấm ngấm amoniac. Ở trong đó người ta chỉ có thể khom khom, đi nghiêm, nếu như không muốn đụng nhau.
Thế nhưng, ngôi nhà trải vừa hai chiếc chiếu ấy lúc nào cũng rộng cửa, nếu ai đó chịu được mùi nước thải và ruồi muỗi. Trần Quang Đạo cũng là người đã từng nằm lăn ra khoảng hẹp nền đất qua đêm. Vợ con Văn Chinh cũng ngủ đỗ. Nguyễn Hưng Hải thì thường xuyên cởi trần, tay chống ngả phía sau hoặc ngồi rung đùi uống rượu và rồi cảm khái thơ Bốn mét vuông nhà bạn .
Mùa hè, ánh nắng thấu qua giấy dầu, trong nhà không khí sánh đặc như trên mặt đường nhựa. Có lần nhà thơ Việt Phương sang chơi, nhìn túp lều, ông đứng ngẩn ra, lặng đi, gạt mồ hôi bỗng vã ra không dám bước vào. Cả gia sản chỉ là chiếc quạt cóc réo ù ù thì hướng về thằng bé đầm đìa mồ hôi đang ngủ.
Thời kỳ này, sau một loạt bài phóng sự gây shock, Trần Quang Quý đã có nhiều lựa chọn: trụ lại báo Nông dân Việt Nam với chức Phó tổng Biên tập hoặc tại vị biên tập ở tạp chí Dân Số hay về báo Văn Nghệ sau khi ít nhiều khẳng định được phong cách làm báo. Nhà thơ Hữu Thỉnh dí dỏm “trải chiếu hoa”:
– Ở đây nghèo thật nhưng lấy được cô gái trẻ, cái người mà mình yêu!
Nhưng Trần Quang Quý đã dự cảm được hướng đi cho mình, đang “âm mưu” tờ Gia đình & Xã hội, hy vọng được làm theo ý tưởng của mình, có cơ hội tạo ra một tờ báo có phong cách, có chủ kiến, có động lực phát triển…
Nhấp ngụm chè sen, nhác thấy tôi nhìn vào tủ rượu, Trần Quang Quý cười rủm:
– Hay ta nhấp một đôi ly cô-nhắc nhỉ. Chú vẫn chơi được thứ này chứ?
Tôi lúc lắc đầu chẳng rõ ràng ý tứ. Tiếng rao báo đâu đó trong con ngõ dài hút, tiếng loa qua băng từ không có tên một tờ báo quen. Gắng dìm bớt ngậm ngùi, Trần Quang Quý lật lại chuyện cũ như đang muốn vuốt ve nó:
– Bà Bộ trưởng Trần Thị Trung Chiến bổ nhiệm Trần Quang Quý từ cán bộ biên tập lên thẳng Tổng biên tập. Và chua thêm: “Đã giao, thì giao hẳn chức Tổng biên tập để người ta có quyền mà làm và chịu trách nhiệm, làm không được thì cho nghỉ”.
Riêng chuyện bảo vệ tên báo cũng khá ly kỳ, tôi đã suýt nhất đấy chú em ạ. Dự kiến hai tên: Gia đình & Xã hội, Gia đình & Thời đại. Cuộc họp lãnh đạo Ủy ban Quốc gia dân số với toàn bộ lãnh đạo vụ nghe tôi thuyết trình đề cương, chiến lược làm báo, có đến 70-80% lãnh đạo các đơn vị đề nghị tên Dân số & Phát triển.
Vã mồ hôi, tái mặt tôi lý lẽ rằng tên báo mà giống tên đề án, luận án, nghị quyết nào đấy, tên này khai sinh là cũng khai tử luôn. May thay có một hai ý kiến ủng hộ và đặc biệt Bộ trưởng Trần Thị Trung Chiến kết luận: “Chúng ta phải tôn trọng ý kiến của người làm chuyên môn. Những người làm báo hiểu hơn ta về lĩnh vực này. Tôi đồng ý và giao cho đồng chí Quý hoàn thiện đề án… ”
Ngày 25/1/1999 báo Gia đình & Xã hội ra số đầu tiên, cũng là số báo Tết. Người ta bảo liều vì chọn thời điểm ra báo dễ bị chìm nghỉm trong thị trường báo Tết nhan nhản, màu mè…Có những cán bộ quản lý báo chí cấp trên còn ái ngại “Khó thật, báo đặt vòng đặt vèo thì bán cho ai!”. Nhưng ngay số báo đầu tiên, báo đã bán vèo vèo trên các sạp. Tôi đã khóc vì mừng. Những ngày đói rách, khó khăn chồng chất hay cả cái hoạn nạn sau này, cũng không thế khiến tôi rơi nước mắt. Vậy mà hôm đó tôi đã khóc..
Ông anh nhắc lại chuyện mình khóc nhưng lại cười. Cuộc đời là chuỗi đan xen khóc cười. Quan trọng là sự cười trước hay khóc trước… Trên một góc kệ sách, vẫn còn nguyên những xấp báo Gia đình & Xã hội xếp ngay ngắn. Chai rượu cô-nhắc Pháp hồi hộp chờ bật nút. Giọng Trần Quang Quý trầm khàn, dẫu đã nhấp chè sen…
… Tháng 8/2002, bà Trần Thị Trung Chiến về Bộ Y tế. Ủy ban bảo vệ trẻ em sát nhập Ủy ban Quốc gia dân số thành Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em. Người ta bắt đầu đồn đoán và tiên lượng những điều không hay sẽ diễn ra. Và đúng thế, tờ báo phát triển nhanh quá, đất văn phòng ở TP Hạ Long, Dự án đất ở Đô thị mới Dịch Vọng, ngoài báo trên thị trường 4 kỳ/tuần, một nguyệt san, năm 2005 thêm Dự án báo cho vùng sâu vùng xa bao cấp gần 9 tỉ đồng. Nghĩa là sau mấy năm lăn lưng ra làm, giờ đến ngày “hái quả” thì sự cố xảy ra… như mọi người đã biết.
…Tuổi thơ Trần Quang Quý đẫm phù sa sông Đà ở ngôi làng cổ hình thành từ thời Hùng Vương: thôn Hạ Bì, xã Xuân Lộc, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ. Đối diện bờ bên lừng lững núi Tản và làng Khê Thượng của cụ Tản Đà.
Sông Đà lở bồi, vỡ đê, ngập lụt, làng quê xơ xác tuổi thơ dìm trong lam lũ, Trần Quang Quý bỏ học ngang ở nhà chăn bò đổi công điểm cho HTX ở vùng kinh tế mới một năm, kinh tế gia đình tạm ổn mới đi học tiếp.
Lẵng đẵng theo bà nội, chiếc oản, trái hồng mùng một lên chùa níu dải áo vàng nhà Phật, ngày rằm xuống đình ôm theo manh chiếu nghe hát chèo xem diễn kịch từ khi mới bước lon xon đến suốt thời HTX hóa nông thôn, đình làng thành kho thóc, chùa làng Phật lánh ngói tan còn in dấu mãi trong hồn thơ Trần Quang Quý.
Được lựa chọn bởi tiêu chí khắt khe từ vị thế xuất thân, sự cân bằng sức khỏe, sau khi tốt nghiệp cấp III Trần Quang Quý trở thành lính cơ động của Công an vũ trang năm 1971. Giỏi võ, lại thêm cái máu yêng hùng sẵn có trong vần điệu Lục Vân Tiên của giáo khoa thư đã kịp ngấm, chàng lính trẻ say mê lao đi dẹp những nhóm thanh niên “đầu gấu”, bảo vệ các mục tiêu kinh tế, chính trị suốt từ Bắc qua Nghệ An, An Giang, Kiên Giang. Những tay giang hồ xăm trổ rồng phượng khắp lưng kín ngực dữ như trâu cà cũng bị chàng lính trẻ quật ngã…
Bài thơ đầu tiên của Trần Quang Quý thổn thức trước nhan sắc nữ sinh Cao đẳng sư phạm thời kỳ ở Nghệ An trong đêm liên hoan văn nghệ dưới tán rừng phi lao sát biển. Người đẹp tên Hà, nhưng chàng nghe không rành tiếng Nghệ lại tưởng là Hạ. Bài thơ ”Em ơi mùa hạ” được chuyền tay trong đơn vị rồi lọt vào tay nhà thơ Biển Hồ, kỹ sư thủy sản. Nhà thơ kiêm kỹ sư này đã khen nức nở:”Trần Quang Quý sẽ đi xa“.
Chẳng biết Trần Quang Quý đi xa được những đâu, nhưng đơn vị cơ động của chàng chủ nhật nào cũng được thưởng thức món cá chích nướng ngậm ngùi do nàng mang lên từ Cửa Hội.
Rồi một đêm mưa đơn vị được lệnh vào chiến trường, mối tình nồng vị biển cất dưới đáy ba-lô, mãi đến năm 1975 mới được thăng hoa trở lại trong hồn thơ Trần Quang Quý. Bài thơ năm chàng 20 tuổi in trên Văn nghệ giải phóng. Tất tả từ Phú Quốc lên Sài Gòn nhận mấy trăm đồng tiền chế độ cũ nhuận bút không khiến chàng lính run rẩy bằng cuộc gặp mặt với các nhà thơ cùng họ: Trần Ninh Hồ, Trần Nhật Thu…
Mãi 9 năm sau người đẹp miền thùy dương xứ Nghệ mới chợt hiện về: Miền Trung tuổi yêu đầu tôi đó/khi tôi đến miền Trung đâu kịp ngủ/võng lính giăng chỉ còn hở nóc nhà/tôi như chim non nhà miền Trung là tổ/miền Trung bọc tôi bằng cả cái nghèo/khi em đến thì tôi đi vội vã/câu hát đò đưa vò rối khăn trao/em đừng trách, đường vô trong bấy giờ nhiều bom đạn/chia tay nhau, chè chát đặc rót đầy mới thích/tôi đã uống với miền Trung một bát/lúc cạn rồi mới biết là say….
…Gặp nhau lần đầu buổi sáng thì buổi tối tôi và Trần Quang Quý cùng tá túc trong căn phòng đầu hồi của họa sĩ Nguyễn Đài ở văn phòng Hội VHNT Vĩnh Phú. Giường một, chăn màn thơm tho, những mòn xơ và thủng lỗ chỗ. Hai anh em đấu lưng nằm nghiêng. Trằn trọc lựa nhau xoay người. Mộng gỗ xoan kỹ thuật mậu dịch cọt kẹt đưa võng.
Tôi thiếp đi.
Bỗng mùi nhang trầm mơn man khứu giác, trong ánh đèn bàn lờ đờ cuốn vở ô ly mở trắng toang, lăn lóc cây bút bi gia công. Choàng tỉnh tôi lạnh người thấy Trần Quang Quý chắp tay kẹp ba que hương hướng lên trời thập thững đi quanh phòng, mặt trắng bệch, mắt nhắm lơ ngơ, tóc xõa xòa, miệng lẩm nhẩm khấn, bi thương, thành kính như một con chiên đáng sám hối, khổ đau… Mà… mà thực lòng lúc còn cảm giác hơi ngây ngô buồn cười, vì tôi thấy nhà thơ giống ông thầy cúng làm lễ dâng sao giải hạn cho khổ chủ nào đấy…
Từng nghe các thày đồ chọn ngày đẹp tháng lành đốt trầm, thắp hương cầu khấn Trời Đất để viết chữ, làm thơ, giờ tận chứng người vừa nằm cùng giường đang hành bái, tôi vừa sờ sợ vừa nao nao cảm giác trước một cái tôi bé mọn run sợ trong bể chữ. Ma trận chữ hành con nhang đệ tử của nó mỗi người mỗi kiểu. Từ buổi đó, tôi đã chứng những lần tao ngộ, hễ có Trần Quang Quý, khi ai đó chuẩn bị đọc thơ hoặc là mình đọc thơ thì dứt khoát phải thắp hương trầm.
Rạng sáng ấy thì Trần Quang Quý lay tôi thức dậy. Ngái ngủ, tôi ngáp vắn dài. Ông anh hào hứng mắt nhắm la đà, đầu cui cúi ngân nga đau khổ. Bài thơ về mối tình “ sét đánh “ với nhan sắc bậc nhất đội văn nghệ xã Đào Xá, một địa danh văn hóa truyền thống lâu đời, quê hương của các nghệ sỹ có tên tuổi: NSND Thu Hiền…
Ngỡ tưởng đã kết tóc se duyên, ngờ đầu chiến tranh biên giới năm 1979, nàng tình nguyện thay em trai vào quân ngũ. Cuộc tình gói lại cũng cuốn theo chiến tranh mà tàn, hình như dư ba vẫn còn khiến cho nhà thơ đau đớn đến tận giờ.
Bài thơ tôi được nghe rạng ngày đó sau này không thấy xuất hiện trong bất kỳ tập thơ nào. Phải chăng, đó là nỗi niềm riêng…
Trần Quang Quý nhập học khóa II trường Đại học Viết văn Nguyễn Du, thi thoảng cùng Văn Chinh ghé qua Việt Trì. Tôi và Nguyễn Hưng Hải thường được “hầu hạ “ nước chè cơm bụi cho hai văn nhân bậc trên để được “ thụ giáo” thời sự văn chương Hà Nội.
Đặc biệt Trần Quang Quý mỗi nhấp xuôi ngụm rượu, vê vê lớp vỏ lụa mấy nhân lạc, cười cười rủm rỉm tiết lộ hậu trường Viết văn. Những mẫu chuyện “lật chăn” vô thưởng vô phạt nhưng sao mê dụ bọn trẻ chúng tôi làm vậy.
Vốn coi văn chương là thứ thiêng liêng ngang trời đất, nên mặc nhiên con người làm ra văn chương hoặc đang học tập để sáng tạo văn chương thì cũng phải cao sang lắm lắm. Nhưng Trần Quang Quý lại tưng tửng kể, mặc cho Văn Chinh thi thoảng búng lưỡi chằng chặc.
Cho đến bây giờ tôi vẫn không hiểu tại sao Trần Quang Quý lại ra tập thơ” Những giấc mơ hình chiếc thớt “ giữa lúc đang ở đỉnh cao của sự nghiệp báo chí. Sự nhạy cảm của nhà thơ về những qui luật bình thường nghiệt ngã của cuộc đời? Hay là một điềm báo quãng tụt thấp của số phận mà ai cũng phải gánh chịu. Cầm tập thơ Trần Quang Quý gửi tặng, tôi cứ có linh cảm mơ hồ và nói với Nguyễn Hưng Hải:
– Tôi thấy lo lo cho ông anh…
– Sao lại lo vớ vẩn – Nguyễn Hưng Hải cười khẩy- Trần Quang Quý từng được Hà Đình Cẩn, Nguyễn Đình Chiến “ giải mã để học“. Nguyễn Thụy Kha, Hoàng Nhuận Cầm, Phạm Xuân Nguyên, Hoài Nam, Nguyễn Đăng Điệp… khen tắc lưỡi. Lại còn Văn Giá, Hoài Nam, Đoàn Ánh Dương, Nguyễn Chí Hoan nữa… Chưa kể một lô giải thưởng của Hội Nhà văn, Văn nghệ quân đội, báo Văn nghệ, báo Người Hà Nội…Ông anh lừng lẫy thế cơ mà…
Tài Thơ hay Báo của Trần Quang Quý đã được khẳng định qua cái tên sắc đậm trong lịch sử văn chương và báo chí. Tôi đã không muốn giải thích thêm với Nguyễn Hưng Hải về cái gọi là “đòn đánh của số phận” và cầu mong đó là dự cảm nhiễu loạn của riêng tôi…
Dù sao thì huyền thoại của một tờ báo từ số không đã thành con số những tỷ gắn liền với thăng trầm nhà thơ Trần Quang Quý làm báo cũng đã khép theo cách “ không việc gì cũng không sao cả”. Chỉ có những người trong cuộc là bị tổn thương giữ những tranh chấp đúng sai không mấy rõ lằn ranh. Nhà thơ này thay thế nhà thơ kia làm Tổng biên tập tờ Gia đình & Xã hội.
Lịch sử báo chí sẽ còn tốn bút mực về một hiện tượng báo chí xuất sắc trong thời kỳ đổi mới: Hiện tượng báo Gia đình & Xã hội, hiện tượng nhà báo Trần Quang Quý.
Trần Quang Quý về giữ chân Phó tổng biên tập NXB Hội Nhà văn với bao nhiêu những dự định mới nhưng nỗi buồn thì chưa hẳn đã tan loãng, dẫu đó là tâm hồn cứng cỏi của một nhà báo lão luyện. Huống hồ, trong góc khuất của một nhà thơ…đó là một gã trai trung du nửa dại nửa khờ, luôn quá tin ở mình quá cả tin thiên hạ…
Tiễn tôi ra cửa, Trần Quang Quý tư lự, như là tự vấn:
– Có ông thầy tướng bảo anh thế này chú ạ: Bác là người tài và có uy. Những gì gian khó, những gì người ta không làm được thì bác đều làm được, và làm rất tốt. Nhưng bác như tướng ngoài biên ải, cứ đánh đồn lập ấp xong thì người khác lại hưởng, bác lại đi mặt trận khác. Ngẫm thấy mình cầm tinh con ngựa, có làm tướng thì tướng của những vó ngựa truy phong, gập ghềnh biên ải, chắc gì được an nhàn nội cung. Anh đã tha thứ cho tất cả. Nhưng chưa thể tha thứ cho mình… Ấy chết vào uống rượu đã hẵng về!
Mải chuyện, chai cognac mang ra vẫn chưa kịp mở. Nhưng tôi thì tin rằng, với nhà báo Trần Quang Quý và nhà thơ Trần Quang Quý, vẫn còn những chuyện bất ngờ khi ở cương vị mới. Lúc đó, dẫu anh không mời thì tôi cũng đến “hành” để có rượu, mà không chỉ một chai chưa kịp mở…
Tháng 12 năm 2009
NGUYỄN THAM THIỆN KẾ