TIN TỨC

Tháng tư Long Khốt – Bút ký của Trần Thế Tuyển

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
1109 lượt xem

 Đã nửa thế kỷ, tháng 4 “về cánh đồng chó ngáp” nắng vẫn cứ như thiêu như đốt. Dòng sông Long Khốt lục bình lững lờ trôi. Ven cột mốc biên giới, ao sen vẫn rực rỡ tỏa hương giữa nắng gió hào phóng của mảnh đất phương Nam huyền thoại.

Nhà thơ Trần Thế Tuyển

Đoàn cựu chiến binh trở lại thăm chiến trường xưa. Gió Tháp Mười vẫn thổi, bồng bềnh mái tóc hoa râm. Chân đã chậm, da đã mồi, chỉ có ánh mắt và nụ cười vẫn thế.

Kỷ niệm về những dòng chữ trên bức tường 

Kỹ sư Trình Tự Kha bồi hồi đứng nơi bến vượt cách đây nửa thế kỷ. Ngày ấy Kha là khẩu đội trưởng ĐKZ của Trung đoàn 174 (Đoàn Cao Bắc Lạng). Chính bến sông này, đêm công đồn, khẩu đội anh đã đánh rớt nòng pháo ĐKZ. Cũng chính dòng sông này đã có hàng trăm đồng đội của anh nằm lại trước ngày toàn thắng. Là con em học sinh Miền Nam theo cha ra tập kết Miền Bắc, sau khi tốt nghiệp phổ thông Trình Tự Kha được sang đào tạo ngành hóa chất ở Cộng hòa Dân chủ Đức. Tốt nghiệp đại học, về nước năm 1972, Kha tình nguyện nhập ngũ vượt Trường Sơn trở lại quê hương chiến đấu. Cuối năm 1973 đoàn 2020 của anh được bổ sung vào Trung đoàn 2 (Trung đoàn 174) thuộc Công trường 5 (Sư đoàn 5). Ấy là lúc cuộc chiến ở vùng biên giới này đang diễn ra quyết liệt. Chi khu Long Khốt quy mô không lớn, nhưng do tính chất chiến lược – án ngữ cửa ngõ thọc sâu xuống Đồng bằng sông Cửu Long của ta nên địch đã tập trung mọi khả năng có thể, biến nơi đây thành một pháo đài kiên cố. Tháng 6 năm 1972, Trung đoàn 174 được giao làm mũi chủ công tiêu diệt căn cứ quân sự này. Nhưng trận đánh không thành, hệ lụy hàng trăm cán bộ, chiến sĩ đã nằm lại nơi “cánh đồng chó ngáp” và “áo lính trận phơi nhòe đêm trăng Long Khốt”.

Từ năm 1973 đến 1975, trước khi đánh chiếm, giải phóng thị xã Tân An, Trung đoàn 174 “quần nhau với giặc” ở đây.

Sau nửa thế kỷ, Trình Tự Kha vẫn còn nhớ những dòng chữ trên bức tường ngôi nhà ven đồn. Địch và ta giành nhau từng ngày từng giờ. Khi đồng đội của Kha đặt chân tới đây, viết những dòng chữ đẫm máu trên bức tường: Chúng tao đã có mặt ở đây ngày này, giờ này thì hôm sau địch chiếm lại. Những dòng chữ của “phía bên kia” cũng thế: Chúng tao đã chiếm lại giờ này, ngày này…!

Trở lại trận địa cũ sau nửa thế kỷ, Trình Tự Kha cứ nghĩ ngày ấy cuộc chiến cực kỳ khốc liệt mà có lúc nực cười như trò chơi một thời thơ ấu. Cũng chính nơi chiến trường khốc liệt này, Trình Tự Kha đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhận Huy hiệu 45 năm tuổi Đảng, Kha không hổ thẹn với đồng đội, những người đã nằm lại nơi chiến hào. Đồng đội hy sinh, mình còn sống, còn có sự nghiệp, gia đình. Mình không có tên trong danh sách hàng ngàn liệt sĩ khắc ghi trên tường đá hoa cương. Điều đó có nghĩa là đồng đội cử mình ở lại để cùng mọi người tiếp tục phấn đấu cống hiến, xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Suy nghĩ thế, Trình Tự Kha đã cùng đồng đội vận động mọi nguồn lực xã hội xây nên ngôi đền thờ liệt sĩ linh thiêng trên miền đất di sản quốc gia này.

Hàng cây thắm máu người nằm xuống

Cựu chiến binh Trần Văn Hân thăm lại chiến trường xưa với tâm trạng khác. Niềm vui, nỗi buồn đan xen nhau. Cùng Trình Tự Kha, Phùng Ngọc Đồng… (đoàn 2020) vượt Trường Sơn cuối những năm chống Mỹ, Hân có mặt tại mảnh đất vùng biên viễn này. Trực tiếp cầm súng chiến đấu, Trần Văn Hân đã tự tay chôn cất biết bao đồng đội. Sau chiến tranh, Trần Văn Hân giải ngũ về làm nghề dạy học. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng Trần Văn Hân nghĩ mình là người hạnh phúc hơn đồng đội đã hy sinh vì Tổ quốc. Đưa vợ trở lại thăm chiến trường xưa, Trần Văn Hân ước nguyện trồng đường cây phượng đỏ để ghi nhớ đồng đội. Nguyện vọng của Trần Văn Hân đã thành sự thật. Trong 6 hạng mục phục hồi, tái tạo khu Di tích lịch sử cấp quốc gia này có dự án hàng cây theo đề xuất của anh. Trần Văn Hân bàn với vợ bán những chỉ vàng tiết kiệm cuối cùng để mua cây trồng nơi trận địa xưa.

Tháng 4 này, sau 5 năm, hàng phượng do gia đình CCB Trần Văn Hân trồng đã xanh tốt. Những cánh phượng rực màu cờ đỏ như máu trong tim tỏa sáng dưới nắng gió nơi cửa ngõ vùng biên giới.

Trở lại chiến trường xưa Long Khốt lần này không chỉ có những CCB đã từng tham gia chiến đấu mà còn có các nhà văn, nhà thơ thuộc Hội Nhà văn TP HCM. Các nhà văn không chỉ được giao lưu với nhân chứng lịch sử mà còn trực tiếp gặp gỡ những người của hiện tại với biết bao khát vọng tiếp tục cống hiến để tri ân đồng đội – những người “Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc/ Hồn bay lên hóa linh khí quốc gia”. Sau khi vận động xây dựng đền thờ liệt sĩ Long Khốt, các anh đang vận động xây dựng tượng đài cùng bến vượt bên dòng sông thắm xương máu đồng đội này.

Đứng giữa cánh đồng nơi biên giới, tôi bỗng nhớ đến những câu thơ của nhà thơ Hoài Vũ:

“Gió Tháp Mười đã thổi, thổi rất sâu
Có nỗi thương đau có niềm hy vọng
Bầu trời thì cao, cánh đồng thì rộng
Hương tràm bên anh, mà em đi đâu?”

Vâng, nửa thế kỷ rồi, gió Tháp Mười vẫn thổi, hương tràm vẫn còn đây mà em, những cô du kích và đồng đội của chúng tôi đang ở tận đâu ?

Vĩnh Hưng, tháng 4 năm 2022
T.T.T/VCPN

 

Bài viết liên quan

Xem thêm
Tuổi thơ bên dòng lũ
Có thể nói, dù mưa bão thường mang đến nhiều thiệt hại cho người dân miền Trung, nhưng lũ lụt cũng bồi đắp phù sa cho vùng đồng bằng duyên hải này, nhờ đó mà người dân nơi đây có thể sống bằng nghề nông nghiệp ổn định với mùa màng tốt tươi, cây lúa phát triển.
Xem thêm
Chiếc Nóp quê hương – Tùy bút Nguyễn Thanh
Thời kháng chiến chống Pháp, trong giai đoạn đầu cuộc đấu tranh gian lao vì sự nghiệp giải phóng dân tộc còn thiếu thốn quân dụng, có một hình tượng đặc biệt đậm màu sắc quê hương, không thể thiếu đối với nhân dân lao động và những chiến sĩ yêu nước tham gia kháng chiến. Đó là chiếc nóp bàng mà người dân Nam Bộ sống cách đây bảy thập niên đều biết đến.
Xem thêm
Gia đình, những nỗi đau ngọt ngào của Trương Văn Dân - Elena
Mấy năm trước có một số bạn văn và bạn đọc đã đề nghị tôi và Elena nên in chung một tập truyện. Và tập truyện mà các bạn đang cầm trên tay có chủ đề về những mối quan hệ trong gia đình và tình nghĩa vợ chồng. Sự sắp xếp này này là hoàn toàn ngẫu nhiên, lựa chọn các truyện ngắn đã viết trong những năm qua, vì nếu chọn chủ đề rồi mới viết thì các bài viết có lẽ sẽ khác và thiếu tự nhiên.
Xem thêm
Má tôi - Tản văn Trần Trọng Trung
Má tôi là một người phụ nữ đảm đang, hiền thục; có một đức tính thật thà, nhân hậu; có một phẩm chất của người phụ nữ Á Đông “Công, Dung, Ngôn, Hạnh”.
Xem thêm
Dấu ấn anh hùng – Bút ký Trần Thế Tuyển
Trong kháng chiến chống Mỹ, tôi may mắn được giao chép sử Trung đoàn 174 (đoàn Cao Bắc Lạng). Sau ngày giải phóng (30-4-1975), tôi lại thêm một lần may mắn nữa: trở lại chiến trường xưa, nơi Trung đoàn đã chiến đấu và gặp lại những người con ưu tú đã góp phần xây nên truyền thống vẻ vang của đơn vị hai lần được tuyên dương danh hiệu Đơn vị AHLLVT ND.
Xem thêm
Có một người thương binh như thế
Về Trung tướng nhà văn Nguyễn Mạnh Đẩu
Xem thêm
Chữa lành và những ngôi sao thức – Bút ký Thanh Huyền
… Đêm đã về khuya, gió biển vẫn mải mê hợp xướng với dàn đồng ca đại dương. Tôi vẫn tản bộ trên dải cát cùng với những nghĩ suy, chất vấn. Tôi không biết mình đang chữa lành ở dạng thể nào nhưng mong rằng khoảng trống nơi tim được lấp đầy... và chắc chắn tôi cũng là một trong những ngôi sao thức!
Xem thêm
Hoàng hôn trên đảo vắng – Tạp bút của Thúy Dung
“Hoàng hôn” là lúc mặt trời lặn, kết thúc một ngày gieo ánh sáng. Ai từng nghe bài “Đà Lạt hoàng hôn” của Minh Kỳ – Dạ Cầm, hẳn còn nhớ câu “Lắng nghe chiều xuống thành phố mộng mơ, màu lam tím, Đà Lạt sương phủ mờ”.
Xem thêm