TIN TỨC

Trăng Trung thu vẫn tỏa sáng ấm áp

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2021-09-21 15:02:53
mail facebook google pos stwis
1003 lượt xem

HOÀI HƯƠNG

Em Hà Nội có chút bâng khuâng hỏi nhỏ như sợ chạm vào một vết thương khó:

Trung thu năm nay Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh chắc buồn lắm, không còn những cuộc rước đèn phá cỗ đông vui cùng trẻ em đường phố ngoài công viên, không còn náo nức nhộn nhịp bánh bánh trái trái trong các khu phố đón trăng rằm…

-  Lạ lắm em à. Cứ nghĩ trung thu năm nay Sài Gòn sẽ lạnh, sẽ trống vắng đìu hiu, sẽ không còn nghe tiếng trẻ thơ hát mừng trăng, chú Cuội, chị Hằng, tiếng trống rộn ràng múa Lân, ghẹo Ông Địa… Nhưng thành phố vẫn có một trung thu ấm áp đến thương mà có lẽ sẽ thật khó quên với người Sài Gòn cả trăm năm sau.

Cán bộ, sinh viên của Trường Đại học Y dược Thái Bình đang tỉ mẩn làm đèn Trung thu tặng trẻ em trong khu cách ly tập trung điều trị bệnh nhân COVID-19 tầng 1 tại trường THPT Phước Kiển (Nhà Bè), TP.HCM.
(Ảnh: Bộ Y tế/ Báo Sức khỏe & Đời sống)

Trung thu phương Nam rơi vào mùa mưa, những cơn mưa mà dân gian Nam bộ hay nói chơi “mưa ông tha bà không tha”, đổ xuống những cây nước xối xả, dai dẳng, có khi kéo suốt từ trưa tới khuya vẫn còn rỉ rả rầy rà, hay từ chiều tối đến sáng hôm sau vẫn rả rích rơi rớt hạt luyến tiếc. Nhưng thật lạ, dù mưa thế nào, trung thu vẫn thấy trăng, trăng sau mưa phố đẹp kỳ ảo, huyền bí, siêu thực, trời đêm trong suốt như pha lê đen, ánh trăng lọc qua lây rây bụi nước sau mưa làm cho phố lung linh những chuỗi sắc màu lóng lánh như châu như ngọc.

Những trung thu trước, ngay từ trước rằm, đã nhộn nhịp với hàng ngàn gian hàng bánh trung thu đầy ắp, thơm lừng những con phố. Cả một khu Chợ Lớn - Quận 5, Quận 6 là vương quốc đèn lồng rực rỡ với hàng ngàn kiểu dáng từ truyền thống đến hiện đại, từ loại đèn thủ công dán giấy bóng kiếng đến dùng đèn cầy bằng pin điện tử. Rồi cây trái của mùa thu khắp bốn phương tám hướng, từ trái hồng ngâm, cốm Vòng, nhãn lồng, hồng tre vượt đường thiên lý từ Bắc vào phương Nam, đến những loại trái quả quý thơm ngọt như táo, lê, đào, mận… từ các nước láng giềng trong châu lục và phương Tây cùng tụ hội Sài Gòn phố.

Trung thu năm nay, vẫn là những cơn mưa mùa day dứt, man mác, nhưng thấm hơn chút xao xác thao thiết trĩu nặng. Vẫn ánh trăng bàng bạc thả huyền ảo xuống phố, nhưng tâm trạng người phố không có cái náo nức khi trung thu cận kề, không có cái hân hoan đón đợi rằm trăng, không có những xôn xao hoài niệm ngược thời gian trở về thơi thơ ấu phá cỗ cùng chú Cuội, chị Hằng, chơi đèn kéo quân, dung dăng dung dẻ, rồng rắn lên mây… Không có cái ồn ào xuôi ngược chen chen lấn lấn trước các tiệm bánh trung thu nổi tiếng…

Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 75 làm đèn ông sao tặng các em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn tại TP.HCM dịp Tết Trung thu. (Ảnh: Báo Quân đội nhân dân)

Tết Trung thu, Tết của thiếu nhi. Khoảng 4 tháng đại dịch tràn đến Sài Gòn, cứ nghĩ đến con số 1517 em bé bỗng chốc mồ côi trong ám ảnh ly biệt cha mẹ mãi mãi, hàng mấy ngàn em bé khác đang còn ở các khu cách ly, bệnh viện dã chiến xa cha mẹ ông bà gia đình trong hoang mang ngơ ngác, mọi cảm xúc đều muốn chùng xuống, lắng lại nhịp thở, để nghe xót thương đến trào nước mắt, để nghe đau thắt tận tâm can. Không là người thân của các bé mà còn đau thấu như dao cắt gai đâm đến xước xác. Làm sao có thể lành tổn thương sâu sắc này, làm sao để cho các bé có được một tương lai không vì những mất mát đau thương đầy khỏang trống cuộc đời ảnh hưởng.

Em ạ, đó sẽ là một trong những việc được thành phố quan tâm trước mắt sau đại dịch. Đã có những lời kêu gọi bảo trợ trẻ mồ côi, như báo Thanh Niên đang phát động, và đã có nhiều “Mạnh Thường quân” mở rộng vòng tay ôm ấp các em.  Hay như một nhóm các nhà văn nhà thơ và bạn hữu trong group “Sài Gòn nghĩa tình”, admin là nhà văn trẻ Tống Phước Bảo, đã nhận bảo trợ ăn học hai em bé mồ côi cả cha lẫn mẹ trong đại dịch ở TP Thủ Đức- TP Hồ Chí Minh cho tới năm các em 18 tuổi.

Cho dù không có một Tết Trung thu nhộn nhịp như thường hàng năm, nhưng thành phố vẫn tạo một cái Tết Trung thu âm thầm mà ấm áp. Có lẽ, Trung thu năm nay kỳ lạ nhất, Ông Địa không mặc áo đỏ áo vàng, mà áo màu trắng màu xanh bảo hộ, đi phát quà cho trẻ các khu phố lao động. Các khu phố nhà nào có trẻ con đều được quà là một túi bánh kẹo trung thu và một chiếc đèn lồng xinh xắn. Và đặc biệt, các tình nguyện viên đã rải đều khắp các khu cách ly, các bệnh viện dã chiến mang trung thu đến cho từng em nhỏ.

Xin lỗi các con, rước đèn một mình trong nhà biết là không được vui, Trung thu nhưng không được đón trăng phá cỗ mà phải nhốt mình trong khu cách ly buồn đến thế nào. Nhưng người lớn hứa, chắc chắn Trung thu sau, các con không phải tao tác, các con không phải bơ vơ, sẽ mang đến các con gấp nhiều lần niềm vui.

Một trung thu đầy kỳ lạ với Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh, trăng Trung thu vẫn tỏa sáng ấm áp. (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa)

Trăng trung thu Sài Gòn- TP Hồ Chí Minh năm nay hình như cũng có chút đặc biệt, không biết có phải vì thành phố ít ánh đèn, các con phố cũng không đèn màu rực rỡ, nên ánh trăng như trong hơn, sáng hơn, len lỏi được vào cả con hẻm nhỏ, dù bầu trời thu ban đêm mọng đầy hơi nước. Mà có trung thu nào kỳ lạ đến thế, tưởng rằng trăng lạnh, trăng cô đơn, nhưng không, chính vì cái thời khắc đặc biệt lạ lùng này, bởi giãn cách, nên nhà nhà người người cùng được ngắm trăng, rồi chia sẻ với nhau trên FB trăng nhà mình ra sao, rồi là chụp những bức ảnh trăng từ mọi góc phố, mời nhau thưởng trăng, thưởng hoa, thưởng bánh trái trung thu qua online. Dù ảo mà sao tình thân lại thật đến thế. Trăng trung thu bỗng nhiên thấy ấm áp, thân thiện, gần gũi.

Như nhà văn Trầm Hương chia sẻ trên FB của chị: “Nhưng cũng chưa bao giờ con người biết yêu thương nhau như thế. Cũng chưa bao giờ con người trở nên mạnh mẽ đến thế… Trung thu mùa giãn cách vẫn có bánh trung thu.  Việc tìm ra đủ nguyên liệu để làm nên những chiếc bánh nhỏ xinh này thật kỳ công, là cả một “nghệ thuật” lo xa… Củ đền, hoa đậu biếc, trà xanh… làm nên màu sắc thiên nhiên tinh khiết… Gửi đến những người bạn tôi yêu những chiếc bánh nhỏ xinh, tinh khiết này!”.

Bánh trung thu do nhà văn Trầm Hương tự tay làm

Và tôi thật sự ấn tượng với những chiếc bánh trung thu tự tay chị làm, khéo léo, xinh xắn, đẹp dịu dàng với màu bình yên. Chị còn nhắn với tôi: “Sẽ tới tháng 10, Sài Gòn sẽ lại bình thường, vẫn còn thu, chị để dành bánh cho em”.

Có một nỗi xúc động trào nước mắt, khi nghe từ trong khu nhà mang bảng đỏ, một giọng trong veo vút cao câu hát:

Bóng trăng trắng ngà có cây đa to/ Có thằng cuội già ôm một mối mơ/ Lặng im ta nói cuội nghe/ Ở cung trăng mãi làm chi…/ Các em thích cười muốn lên cung trăng/ Cứ hỏi ông trời cho mượn cái thang/ Mười lăm tháng tám trời cho/ Một ông trăng sáng thật to/ Các em thích cười muốn lên cung trăng/ Cứ hỏi ông trời cho mượn cái thang…”- (Thằng Cuội- Lê Thương).

Một trung thu đầy kỳ lạ với Sài Gòn- TP Hồ Chí Minh, trăng trung thu vẫn tỏa sáng ấm áp./.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Thương phố ngày đau… – Tản văn của Thanh Tuân
Nghe cái tên thôi đã thấy xa hoa, mĩ miều. Phố. Nghe tên thôi đã gợi sự sầm uất, tấp nập. Và phố, những tráng lệ, nguy nga của nhà cao tầng, biệt thự; những xô bồ của dòng người xuôi ngược; những inh ỏi còi xe gầm rú; những tiếng rao quà đêm ngọt lịm như rót mật. Và phố, rộn ràng với nhạc xập xình có, du dương có; lung linh với những ánh đèn muôn màu sắc… Cứ nghĩ phố mãi với những niềm vui say ngất bất tận, thế nhưng đâu ai hay phố cũng có những ngày buồn. Đó là những ngày phố trở bệnh.
Xem thêm
Sài Gòn ơi! Tôi hứa…
Gần một tháng rồi Sài Gòn oằn mình chống đỡ với nạn dịch covid. Các tòa nhà đóng kín, phố xá vắng vẻ, đìu hiu, quán hàng cửa đóng im lìm, lác đác còn lại những những của hàng nhu yếu phẩm và các quán xá phục vụ mang về. Tuy nhiên khách cũng thưa thớt vắng vẻ.
Xem thêm
Sài Gòn mùa thương
Em Hà Nội điện thoại vào quan tâm hỏi, những ngày Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh giãn cách theo chỉ thị 16 có tâm sự gì, cảm xúc ra sao? Bỗng dưng cay mắt, bỗng dưng lạc một nhịp thở…
Xem thêm
Sài Gòn mưa - tình người như nước tràn đầy thương yêu
Tiếng mưa xối xả nghe đến thương con phố. Chen trong mưa tiếng còi xe cứu thương như xé đêm rẽ nước lao đi hối hả đau rát như vết cắt.
Xem thêm
Đại dịch và tình người
(Vanchuongthanhphohochiminh.vn) - Tiếng lao xao ngoài ngõ vọng vào. Tiếng í ới gọi nhau nặng nề, yếu ớt. Những âm thanh này đã không còn xa lạ với Nhật gần nửa tháng nay nhưng anh vẫn vội vàng mở cửa bước ra xem. Đó là những người sống cùng con hẻm trong khu phố của anh. Những người bạn sớm tối với gia đình anh trong mấy chục năm qua.
Xem thêm
Những người xây nền móng cảnh sát biển Việt Nam
Lực lượng CSB Việt Nam đã có và vẫn luôn có những sĩ quan trung thành và sẵn sàng quên mình vì biển đảo của Tổ Quốc.
Xem thêm
Du Tử Lê – Ai nhớ ngàn năm một ngón tay
Bài viết tác giả gửi đăng nhân 2 năm ngày nhà thơ Du Tử Lê rời cõi tạm.
Xem thêm
Sài Gòn thương khó - Sài Gòn hồi sinh
Trước đã yêu Sài Gòn/ Trong mất mát yêu hơn Sài Gòn
Xem thêm
Chạm vào đâu cũng thấy mình mắc nợ
Nếu cắt đứt quá khứ, ta chỉ còn là cái cây bật gốc, với một tương lai héo rũ, yếu ớt.
Xem thêm
Mùa thu rồi cũng trôi qua | Đoản văn | Bích Ngân
Viết, nha chị! Mùa thu ngun ngút rồi cũng trôi qua.
Xem thêm
Nhớ nhà văn Lê Văn Nghĩa
(Vanchuongthanhphohochiminh.vn) - Bạn là nhà văn, nhà báo nổi tiếng. Bạn mất vào thời điểm đại dịch bùng phát dữ dội phải cách ly, phong tỏa, bạn bè không thể tiễn bạn một đoạn đường…
Xem thêm
Những ký ức không thể nào quên| Lê Tú Lệ
Ông bà mình thường nói “Nghĩa tử là nghĩa tận”.
Xem thêm
Siêu lý của tình yêu - Bút ký của Nguyên Ngọc
Gần đây, Bảo tàng Quân đội đã công bố bức thư của Đặng Thùy Trâm gửi người yêu và cả trang nhật ký của Khương Thế Hưng, tức M. trong nhật ký của Trâm. Tôi biết cả hai người ấy gần như là từ đầu, cuộc chiến đấu anh hùng, tình yêu đẹp, buồn của họ, và từ lâu tôi cũng suy nghĩ nhiều về câu chuyện đau đớn này.
Xem thêm
Chiều mưa sông Sài Gòn và trăng 16 hạ ngươn
Mưa mùa Sài Gòn đã đến cái hẹn tới luc đỏng đảnh dỗi hờn “ông tha bà không tha” như triệu triệu năm miền đất phương Nam này...
Xem thêm
Cây học trò
Có lẽ rất lâu nữa tôi mới có dịp về lại chốn cũ, trường xưa Long Hựu, Vĩnh Bình ắp đầy kỉ niệm. Đời người khác nào đời cây luôn sẵn lòng, hết lòng dâng quả, tỏa hương ngọt ngào, thanh tao cho cuộc đời khi chữ tình bền sâu gốc rễ.
Xem thêm
Trên chuyến tàu về quê ăn Tết
Bản dịch của Trương Văn DânMệt mỏi! Chiếc xe lửa liên tục dằng xóc tạo nên những va đập trên lưng làm toàn thân tôi ê ẩm. Có lúc cơn mệt nhọc đã làm tôi thiếp đi trong một giấc ngủ ngắn, rồi giật mình thức giấc vì cái đầu lắc lư, đập lên thành toa, đau điếng.
Xem thêm
Tháng 12 xuôi về Tết hồn quê
(Vanchuongthanhphohochiminh.vn) – Chiều nay, giữa đất Sài Gòn hoa lệ. Tôi lang thang một mình trên phố, dường như năm nay Sài thành cũng mang hơi hướng của tiết trời miền Trung lẫn cả miền Bắc, một chút lành lạnh hanh hao, có chút mưa có chút khắc khoải bồng bềnh. Có lẽ thành phố vừa trải qua một trận ốm nên gió chướng cũng ùa về theo. Một cánh chim nhỏ khẽ bay ngang giữa bầu trời rộng, chợt thấy mình lạc lõng, chơi vơi giữa dòng đời xuôi ngược trong dòng xe hối hả, ồn ào của một mảnh đất như lạ nhưng lại từng quen. Xa xa những cánh hoa màu tim tím lờn vờn buông nghiêng trong gió rồi khẽ chạm xuống mặt đất một niềm riêng mang.
Xem thêm
Hoa bông súng phèn
(Vanchuongthanhphohochiminhvn) - Nhá nhem tối, khi đóng xong cửa chuồng heo và chốt ngang cửa chuồng gà là tôi chạy tót ngay qua nhà anh, hai anh em dẫn nhau đi xem ti vi. Trong xóm đã có nhiều nhà mua được tivi trắng đen, nhìn lác đác những “bờ cào” dựng ngược trời, lơ lửng nóc nhà mà ước ao thật thích.
Xem thêm
Huyền sử mẹ | Trầm Hương
Bài viết kỷ niệm 40 năm thành lập Hội Nhà văn TP.HCM của nhà văn Trầm Hương
Xem thêm