- Truyện
- Vết sẹo | Dụ Nguyên
Vết sẹo | Dụ Nguyên
DỤ NGUYÊN
Đứng lại! – Chị bất thần giật giọng. Cú giật ấy có hiệu quả kì lạ. Bàn chân tôi tự động rụt lại trước khi tôi kịp nhận biết chị đang nói gì.
Và tôi cũng chưa kịp đặt câu hỏi trước khi chị khàn khàn nói với tôi:
- Đó là một ngôi mộ.
Đúng là có một vỉa đất hơi nhô lên. Không xây gạch, không lập bia. Trước mặt tôi, nhưng mà sau lưng chị. Tôi không thắc mắc tại sao chị biết tôi sắp bước qua một ngôi mộ. Dù sao chị cũng biết mảnh đất này hơn tôi và hơn bất cứ ai. Mảnh đất của những người sống và những người chết.
- Sao còn đứng đó? – Chị lại quay người về phía tôi, hỏi.
- Không biết người đó là ai nhỉ… – Tôi ngập ngừng – Người em suýt bước qua ấy…
- Không biết – Chị đáp. Rồi bồi thêm – Ai từng biết thì cũng chết cả rồi.
-…
- Cô đừng nhìn vào lưng tôi. Nhìn vào chân ấy. Tôi bước ở đâu thì cô bước ở đấy. Đừng có bước lung tung.
Nói rồi, chị lại đi. Gằm mặt. Tôi nhìn gót chân chị thô nứt trong đôi dép bợt màu, dẫm chắc chắn trên con đường đá dốc mòn nhẵn cỏ, từng bước dài ngắn khác nhau. Bàn chân tôi nguệch ngoạc tìm đến những dấu ấy. Lần đầu tiên tôi thấy xấu hổ vì bàn chân nhỏ nhắn và trắng trẻo như chưa từng bám trên mặt đất của mình, mà mẹ tôi vẫn thường đùa “giống của các khuê nữ ở Trung Quốc thời xưa”.
Không hiểu sao tôi cứ có cảm giác đang vô tình xúc phạm đến những người đã khuất. Nhưng tôi không thể nhìn thấy sự xúc phạm ấy, nên không sao xóa được.
Mặt trời rũ dài cái bóng của mình sau những tàng cây bụi. Một con chim đột ngột dứt tiếng hót, đang ngơ ngác với sự lặng im của chính nó.
Buổi sáng, nhìn từ xa, tôi thấy ngọn đồi này như được phủ bởi tầng tầng lớp lớp những ngọn bạch dương lung linh nhũ nắng. Đến khi vào đến đây tôi mới hiểu tại sao họ gọi nơi này là Đồi Xám. Như những con người đã nằm xuống tại đây, màu xám ấy không có bóng hình, dẫu là một cái bóng tờ mờ của một mảnh hương khói. Hơn một nửa những ngôi mộ dưới chân đồi là mộ hoang. Đến hương khói, khi cuối cùng được thắp lên, cũng đã trở thành một cái gì đó quá xa lạ.
Nếu phải vẽ vùng mộ địa này, tôi sẽ dùng màu xám trước tiên. Một lớp mỏng thôi, nhưng khiến cho tất cả những màu khác đều chỉ có thể hiện hữu bằng cái bóng phản chiếu của mình trên đó. Hãy nhìn cái địa hình mấp mô một cách kì dị do phải oằn đỡ quá nhiều những thửa mộ chồng chéo và vặn vẹo lên nhau, tựa hồ như đang bám víu vào những nỗi đau lúc còn sống này.
Màu xám ngự trị ở đó. Hãy nhìn những phiến đá nơi rêu mốc tràn lên những vết lở lói vong niên và những cái cây khốn khổ xác xơ vừa không được săn sóc từ lâu, vừa chẳng được buông tha để sống đời tự nhiên bởi chính những bàn tay đã vun trồng chúng từ thời quá vãng. Màu ấy buồn hơn màu của khói nhang. Đó là màu của hoang phế và ruồng bỏ. Màu ấy càng buồn hơn dưới những bóng nắng trần trụi này – chẳng thà vào ban đêm, nó vẫn có thể tự an ủi mình bằng những hoang ảo u linh.
Nắng – tranh khắc gỗ – Ngô Thái Hiệp.
- Sao ông lại nằm ở chỗ này chị nhỉ? – Tôi bỗng bâng quơ hỏi.
- Ông muốn thế – Chị đáp cộc lốc. Nhưng đi được vài bước, như chưa nguôi được điều gì, chị tiếp – Mẹ của ông, tức là bà cố của chúng ta, được chôn cất ở đây khi ông còn nhỏ. Ông nói tuổi thơ ông đã nằm lại ở đây. Ông muốn đoàn tụ với nó.
- Thế thì chút nữa mình thăm mộ bà cố luôn đúng không?
- Đương nhiên rồi.
Tôi nhận thấy giọng của chị đã ấm và có sinh khí dần lên. Dường như tôi vừa chạm vào một sợi dây đàn thiêng liêng trong tâm tưởng chị.
- Cô có còn nhớ ông không? – Quả nhiên, chị lên tiếng, đầu vẫn chúi về phía trước.
- Thật sự thì… Em không còn nhớ rõ mặt ông. Chị cũng biết em xa quê lâu rồi. Nhưng có một chuyện em nhớ rất rõ. Em nhớ ông từng cõng em lên một đỉnh đồi. Nắng hôm đó rất rực rỡ. Nó rực rỡ tới mức em cảm thấy giả sử có chết ngay lúc ấy cũng không hề gì cả.
Tôi dừng lại trong giây lát. Hình như ông đã khóc. Và tôi nữa. Hình như tôi đã khóc.
- Em không nhớ ngọn đồi ấy là ngọn đồi nào…
- Không biết có phải ngọn đồi này không nhỉ? – Chị nhìn lên. Những tán cây đã che lấp đỉnh đồi đầy nắng.
Đường có vẻ dốc và lồi lõm hơn. Đất đá như bị một bàn tay trẻ con xé rách và vò nham nhở.
- Hình như hôm ông mất, tôi nhớ cô cũng có về để nhìn mặt ông lần cuối…
- Em có về. Nhưng không kịp nhìn mặt ông lần cuối. Em chỉ nhìn thấy mặt của một người chết. Người đã cõng em lên đỉnh đồi hôm ấy không phải là một người chết.
Quả thật là như vậy! Tôi đã không tìm được trên khuôn mặt ấy những đường nét khả dĩ chắp lại được người ông trong kí ức tôi, người mà trong thế giới nhỏ bé của tâm hồn tôi thuở xưa, là người đàn ông đẹp đẽ và hiền lành nhất trên đời.
- Tiếc thật!
- Sao vậy ạ?
- Tự nhiên tôi thấy cô và ông rất hợp nhau. Hèn gì khi bị bệnh ông vẫn nhắc đến cô. Cứ như cô chưa từng ra đi, chưa từng lớn lên…
- Em cũng nghe nói cuối đời ông có hơi đãng trí…
Chị im bặt, bước chân vẫn thoăn thoắt, nhưng tôi lại có cảm giác mái đầu chị đang ngưng đọng một điều gì đó.
- Không hẳn là đãng trí đâu.
- Vâng ạ?
- Ông vẫn nhớ. Nhớ rất nhiều thứ…
Dường như quá khó khăn để bắt đầu. Chị như người đã câm điếc từ rất lâu, nay chập chững tìm lại được tiếng nói.
- Cô nói cô không nhớ được mặt ông. Chắc cô cũng không nhớ trên người ông có nhiều vết sẹo…
Sẹo. Từ này rơi xuống kí ức long lanh nắng của tôi như một cơn mưa đá.
- Em chưa từng biết gì về chúng – Tôi thốt lên.
Chị hơi lúng túng.
- Cô không biết là phải. Ông xưa nay vẫn ăn mặc kín đáo. Chỉ khi biết là kí ức mình đang xẹp dần xuống như một cái bong bóng để lâu ngày. Một đôi lúc, ông còn quên béng mất cả tên tôi, ông mới cho tôi xem những vết sẹo và kể tôi nghe về chúng. Tất cả.
Chị bỗng dừng bước hẳn lại – lần đầu tiên trong suốt chuyến đi. Và khi tôi đến bên cạnh, chị vén tay áo lên và cầm tay tôi đặt vào bắp tay chị, chỗ gần bả vai. Tôi thấy chỗ ấy khô mồ hôi, nhưng rất nóng. Có lẽ một phần vì đi bộ lâu dưới trời nắng, một phần vì cơn xúc động nào đấy, lẳng lặng, mơ hồ.
- Ở đây có một vết sẹo lồi rất bóng, hình tam giác – Chị nói những lời như lôi thẳng ra từ kí ức – Ông kể rằng lúc còn trẻ, lần đầu tiên theo anh
chị thả diều, ông đã nhìn mãi lên cánh diều.
Chạy mãi. Chạy mãi. Sao mà trời xanh đến thế. Ông cũng nói như vậy, giả sử có chết lúc ấy ngay thì cũng mãn nguyện. Không hề gì cả. Nhưng rồi ngay sau đó ông đã sẩy chân ngã xuống ruộng và bị thương ở đây. Khi thả diều lại, ông bao giờ cũng để ý mặt đất hơn bầu trời. Thế là không bao giờ, không bao giờ ông còn chạm vào cánh diều lần nữa…
Chị ngồi xuống một phiến đá của một ngôi mộ bên cạnh và xoa xoa bắp chân mình, chỗ trên mắt cá một chút. Một khoảnh khắc dịu dàng.
- Còn đây là vết sẹo mà chị lúc nào cũng muốn được chạm vào. Nó bình yên lạ. Ông nói đã có nó khi đang ẵm theo cha của chị và mẹ của em trên đường chạy giặc. Đang chạy giặc mà chân bị thương, nhưng rồi ông và con ông vẫn sống. Em có hiểu sống là thế nào không? Mỗi khi nhắc tới nó, ông cứ trầm trồ mãi: “Thật kì diệu! Thật kì diệu!”…
Chị nhìn tôi, ngỡ ngàng.
- Chị chưa bao giờ thực sự nghĩ là ông đã chết. Vậy mà chị cứ dẫn mọi người tới mộ của ông và cố gắng kể mãi những câu chuyện về ông cứ như ông đã là người chết rồi.
Tôi ngồi xuống bên cạnh chị.
- Em biết không, mỗi vết sẹo có một câu chuyện riêng. Đánh nhau, nghịch dại, lọt hầm lọt hố… Có đủ. Chị thuộc lòng những câu chuyện ấy. Đôi khi nhắc vài tên người, gợi lại vài chuyện cũ với ông, ông cứ ơ hờ không quen. Nhưng mỗi khi chỉ vào từng vết sẹo trên chính cơ thể ông và tỉ mẩn kể đúng theo cái cách mà ông vẫn hay kể về chúng, đôi mắt ông lại sáng rực lên và chị thấy ông thật hạnh phúc. Không, không phải hạnh phúc. Là thanh thản. Giống như cách em và ông nói ấy: có chết cũng được. Có chết cũng không sao cả. Thì ra nỗi đau và những gì đáng xấu hổ cũng có thể trở thành một cái gì thiêng liêng lắm, mà chị không thể hiểu nổi.
Chị nhìn tôi.
- Nhưng em hiểu mà, đúng không?
Chị không nhìn tôi.
Tôi mỉm cười, lắc đầu.
- Thì ra là thế! – Một lúc lâu sau, chị cũng cười. Tôi ngỡ mình nhầm khi nhìn thấy trên nụ cười này, cái mà – như cách chị đã nói – sự thanh thản của ông tôi.
Chị vươn vai đứng dậy với một sức sống khác.
- Còn một chút nữa là tới chỗ ông chúng ta rồi.
- Vâng – Tôi cũng đứng lên. Nhưng không đi theo chị ngay. Chúng tôi đang ở một triền dốc cao, nhìn từ đây có thể bao quát được cả khu mộ địa. Nhưng tôi không tìm thấy ngôi mộ hoang mà khi nãy suýt nữa tôi đã bước qua. Tất cả thửa đất dọc ngang ấy giờ đây trông như những vết sẹo chi chít ghì trong lòng đất.
Mộ ông tôi ở kia, dưới một tán nắng màu xanh.
Nguồn: Tạp Chí Văn Nghệ TP.HCM số 20.