TIN TỨC

Vị bá tước của trường viết văn

Người đăng : vanchuong
Ngày đăng: 2021-11-10 20:16:53
mail facebook google pos stwis
1461 lượt xem

VŨ XUÂN HƯƠNG

Chúng tôi quen gọi Thầy là “Bá tước” (Graf Bakh Kư ), không chỉ vì ông là một trong những chuyện gia về Bakhtin học, còn vì ông là một vị “Bá tước” thực sự về tinh thần hào hiệp, hướng  đích những giá trị nhân văn và cái đẹp.


Phút suy tư của PGS-TS Phạm Vĩnh Cư

“Ông J”

Một lần ra nhà Đỗ Quang Hạnh chơi, thấy một người trông vui vẻ, tóc mượt, miệng mủm mỉm như đang có một niềm vui nào đó, giống hình người trong lá bài J, khập khiễng bước vào. Hạnh nói: “- Đây là anh Phạm Vĩnh Cư – người mới về trường Nguyễn Du làm cán bộ giảng dạy…”. Tôi chào rồi nghe hai người nói chuyện về công việc sắp xếp các chuyên đề và mời giáo viên thỉnh giảng. Khi “ông J” đó ra về, tôi hỏi Hạnh đó là người như thế nào, Hạnh nói: “- Ông này giỏi, rất xuất sắc!”. “- Tôi nhớ có người tên Phạm Vĩnh Cư viết bài rất hay giới thiệu về Dostoievsky, không biết phải ông này không?”. “- Đúng ông ấy!”. Tôi nêu ra mấy tên tuổi lừng lẫy về tiếng Nga và  nghiên cứu, dịch thuật văn học Nga, xem “ông J” cỡ tên tuổi nào. Ông bạn lắc đầu quầy quậy, không cái tên nào tôi nêu sánh được! Tôi tin bạn mình đánh giá khách quan, song cũng còn chút lưỡng lự. Hạnh biết thế nên nói thêm: “- Ông này học và sống ở Nga mấy chục năm, lại biên dịch cho ông Nguyễn Khắc Viện bên NXB Ngoại văn. Tiếng Việt nói lắp bắp chút, nhưng tiếng Nga thì tuyệt nhiên trôi chảy…”.

Nhập trường mấy hôm, thấy thầy Phạm Vĩnh Cư đi hơi cà nhắc, chúng tôi hỏi “- Thầy là thương binh sao?”. “- Không. Ấy là do thời gian về Việt Nam nghỉ hè, bị máy bay Mỹ thả bom ở gần, mảnh bom văng phải. Vết thương mưng nhức,  mủ máu rỉ ra rất đau đớn…”. Chúng tôi tưởng ông được chữa khỏi nhờ “sang Liên Xô học, được Liên Xô với những điều kiện tốt chữa trị. Hoặc ít ra cũng nhờ bệnh viện trung ương ở Hà Nội chữa …”. Nhưng thật bất ngờ, Thầy nói sau khi chữa ở mấy bệnh viện Việt Nam không khỏi, tôi được mách gặp một ông thầy lang, ông cho thuốc nam đắp mới lành…”.

Phạm Vĩnh Cư vừa đi vừa nói tốc độ rất nhanh nhưng thông tin rất đơn giản, thế nên phát âm hay bị lặp lại nhiều lần, nhất là những từ quan trọng. Một hôm ông vừa đi vào trường vừa vẫy tay gọi mấy học viên chúng tôi: “- Các các các cậu, các cậu lại cho, cho tôi nói cái này…”. Mấy thằng chúng tôi nhìn nhau, một bạn nói:”- Tại sao thầy Cư hay bị lắp?”. “-  Chắc ông ấy quen nói tiếng Nga tốc độ phát âm nhanh nên khi nói tiếng Việt vẫn theo tốc độ đó”. Chắc đúng thế bởi tới khi gặp đoàn các giáo sư trường Viết Văn Gorky sang, thầy nói tiếng Nga với họ thật lưu loát, không hề lắp.

Trong những buổi các giáo sư Nga nói chuyện, trường Nguyễn Du nhờ mấy dịch giả giỏi tới dịch, song có những lúc dịch giả lúng túng thì phải nhờ tới sự trợ giúp của siêu dịch giả Phạm Vĩnh Cư. Có người nói thật lòng:”- Chỗ này tôi không rõ lắm, nhờ anh Cư dịch và giải thích giúp!”. Thầy Cư ngồi nghe ở dưới với tư cách Phó hiệu trưởng – đại diện lãnh đạo trường, sẵn sàng dịch ngay. Có những lần khác, thấy dịch giả ngần ngừ, Phạm Vĩnh Cư dịch ngay giùm không chờ dịch giả phải cầu viện. Có vài buổi, Thầy Phạm Vĩnh Cư trực tiếp dịch và nói chuyện với chuyên gia Nga, mọi chuyện diễn tiến một cách thoải mái, tự nhiên, không hề gút mắc. Các trí thức thượng thặng của trường Gorky gật đầu hài lòng khi Phạm Vĩnh Cư dịch và trao đổi chuyên môn. Có những chỗ hai bên vừa nói vừa cười hả hê như chỗ bạn nối khố, không hề có khoảng cách. Sau đó thầy Cư mới dịch đoạn trao đổi vừa rồi giữa hai bên cho lớp khóa 3 Nguyễn Du và rất nhiều đại biểu các nơi đến nghe dự thính.

Một buổi như vậy vào giờ giải lao, ông dịch giả người Tày đứng nói chuyện với bọn tôi ở hành lang:”- Tôi dịch rất “chiến” đó, nhưng phải bái phục anh Cư. Anh ấy dịch thì không ai qua được. Đặc sắc nhất của anh ấy là khi dịch ngược từ Việt ra Nga, dịch miệng nhanh mà đúng với phong thái Nga…”. Một buổi khác, một nữ dịch giả xuất sắc được mời dịch. Nhìn chung dịch lời giáo sư nói thì ổn. Nửa buổi sau buổi học là một nhà văn viết chuyện hài. Khi ông nói về cái truyện mới đăng trên báo Nga, ông nhớ thuộc lòng và “đọc” thật diễn cảm từ trong trí nhớ - như nhà thơ nhớ và đọc bài thơ tâm đắc của mình. Nữ dịch giả dịch được một đoạn rồi bối rối, vì tác phẩm đa nghĩa, nhiều kiểu chơi chữ, không thể dịch miệng được. Nữ dịch giả đành phải “cầu cứu anh Cư” và chúng tôi được nghe những truyện ngắn cực kỳ hài hước và thâm thúy, có chỗ trào phúng chua cay từ miệng tác giả tới miệng dịch giả. Nhà văn rất vui nói với chúng tôi rằng ông không nói được tiếng Việt nhưng qua vẻ mặt háo hức, có lúc cười hể hả của mọi người thì ông biết tác phẩm của mình đã đến được với bạn đọc Việt Nam đúng với tinh thần, diện mạo của nó. Nhà văn thật hạnh phúc! Hạnh phúc này có được là nhờ vào trình độ, tài năng của dịch giả Phạm Vĩnh Cư!
 

Lối nghiên cứu và dịch thuật sáng tạo kỳ đặc

Không chỉ dịch miệng, dịch sách báo, văn kiện càng không đơn giản. Một chiều chủ nhật, bọn tôi ghé chơi nhà Thầy để nghe một vài đĩa nhạc. Thấy Thầy ăn cơm trễ, chúng tôi định ra về thì Thầy giữ lại:”- Chờ tôi tý ăn xong ta nghe nhạc… Hôm nay tôi ghé thư viện dịch một văn bản thuộc văn kiện nghị quyết về “Đổi mới” của đại hội Đảng sang tiếng Nga cả ngày, vừa mới về…”.

Dịch và giới thiệu tác phẩm của Bakhtin, tổ chức dịch và giới thiệu “Văn thư nghị luận chọn lọc” của Lev Tolstoy… dịch và giới thiệu thơ của  Akhmatova, Tsveteieva… đủ biết khả năng song ngữ (trình độ ngoại ngữ và tiếng mẹ đẻ) cũng vốn kiến thức, hiểu biết phải như thế nào! Thử dẫn một vài đoạn: “… ở người Do Thái, người Hồi giáo, Lạt Ma giáo và những người khác, tuyên tín những học thuyết tôn giáo cấp thấp hơn nhiều so với đạo Kitô, nhưng lại có những quy định ngoại tại chính xác về hôn nhân, thì nhân tố gia đình và tình chung thủy vợ chồng lại vững chắc hơn một cách không thể so sánh với những người gọi là tín đồ Kitô giáo.

Một bên có thể chế tì thiếp được xác định, thể chế đa thê được giới hạn bằng những ranh giới nhất định. Một bên thì hiện tồn một sự buông tuồng tuyệt đốicả việc có tì thiếp, cả sự đa thê và đa phu đều không được đặt dưới bất kỳ một quy định nào mà đơn thuần nương náu dưới hình thức hư tưởng của thể chế một vợ một chồng.” (Đường sống, NXB Tri thức, 2010 – tr.165)… Những chỗ chúng tôi in nghiêng thật thú vị về văn phong dịch của PVC. Việc sử dụng các từ chuyên môn, từ Hán Việt kết hợp những từ láy, thuần Việt (hiện tồn một sự buông tuồng tuyệt đối/  nương náu dưới hình thức hư tưởng “…) đã tạo ra điểm nhấn, tiết điệu đặc biệt, in khớp vô người đọc.

Đó là phong cách dịch đặc hữu của Phạm Vĩnh Cư! Những thuật ngữ  V. Soloviev dùng như “Mistika” được dịch là “Phép thần hiệp”; M. Bakhtin dùng như “Polyphonie” được dịch là “Phức điệu” (chứ không phải “đa thanh” như bình thường)… cho thấy một sự xác quyết, chọn lọc sau rất nhiều nghiền ngẫm, công phu  của một nhà nghiên cứu thấu thị.

Chưa đọc những suy nghĩ thật của các danh nhân, đại trí thức, chúng ta chỉ ngắm ngôi nhà tác phẩm của họ từ xa, nó đẹp, hay nhưng chỉ là “viễn vọng”… Phải tìm cách tới gặp và kết thân với họ, được vị chủ nhân ấy mời vô trong nhà, chuyện trò, ăn uống, dẫn đi xem các phòng, các đồ vật kèm lời giải thích về chúng bằng các câu chuyện, các kỷ niệm, những cảm xúc, suy nghĩ không thể quên…chỉ khi ấy, ta mới hiểu đúng (và giúp bạn đọc hiểu đúng) chủ nhân của nó là người như thế nào và tại sao ông làm ra được những kiệt tác mà người đời ca ngợi!

Không thể hiểu đúng Lev Tolstoy nếu không đọc được những dòng như trích dưới đây: “Đức Kitô đã mở mắt cho tôi thấy mối cám dỗ thứ năm tước đi của tôi hạnh phúc – đó là sự chia rẽ giữa dân tộc mình và các dân tộc khác… Giờ đây, tôi biết tất cả mọi người ở mọi nơi đều là anh em của nhau. Bây giờ nhớ lại tất cả những điều độc ác mà tôi đã làm, đã trải nghiệm và chứng kiến do sự thù địch giữa các dân tộc, tôi thấy rõ rằng nguyên nhân của tất cả là sự lừa gạt thô thiển được gọi là chủ nghĩa ái quốc và tình yêu tổ quốc. Nhớ lại nền giáo dục của mình, giờ tôi thấy rằng cảm giác thù địch với các dân tộc khác, cảm giác tách biệt mình khỏi họ tuyệt không vốn có trong tôi, song tất cả những cảm xúc ác độc ấy đã được truyền thụ cho tôi bằng nền giáo dục giả tạo và phi lý… Cái trước đây tôi thấy là tốt đẹp và cao thượng – tình yêu tổ quốc, yêu dân tộc mình, đất nước mình, sự phụng sự chúng một cách có hại cho lợi ích của những tộc người khác, những chiến công của người đời – tất cả đều trở nên đáng khinh ghét và đáng thương đối với tôi… Tôi không thể tham gia vào tất cả các công việc dựa trên sự phân chia quốc gia – không thể tham gia hải quan hay thu thuế, sản xuất đạn dược hay vũ khí hay bất kỳ một hoạt động vũ trang nào, không thể tham gia quân dịch và lại càng không thể tham chiến với các dân tộc khác, và không thể giúp những người khác làm những việc ấy.” (Sđd., tr. 150-151).

Trong cuốn Siêu lý tình yêu (NXB VHTT, 2005, 991 tr), tôi thấy “choáng” về trước tác của nhà thơ-triết gia V. Soloviev – người được mệnh danh là “Platon Nga”. Đặc biệt “choáng” khi đọc tới “Trung Quốc và châu Âu”, đơn cử đoạn sau: “Cái phúc của sự trường tồn, không thể nghi ngờ, bằng thực tế thấy được của mình nói lên tính ưu việt của nguyên tắc sống Trung Hoa. Nhưng bên cạnh cái đó lại còn một thực tại khác, cũng không thể hồ nghi – đó là văn hóa Trung Hoa, với tất cả tính bền vững và sung mãn vật chất của nó, lại nghèo nàn về tinh thần và ít bổ ích cho nhân loại. Nó tốt đẹp với bản thân người Hoa, nhưng nó đã không cống hiến cho thế giới một tư tưởng vĩ đại nào và một sản phẩm có giá trị tuyệt đối vĩnh hằng nào trong một lĩnh vực nào. Người Trung Quốc là một dân tộc lớn, nhưng không vĩ đại, trong dân tộc ấy đã không có những vĩ nhân. Một ngoại lệ duy nhất là Lão Tử. Nhưng ngạc nhiên trước những bước ngoặt mạnh bạo và độc đáo của tư tưởng của ông, không nên quên rằng tất cả những gì hệ trọng trong tư tưởng ấy đã được diễn đạt một cách không kém phần mạnh bạo, nhưng lại rõ ràng hơn và đầy đủ hơn bởi các nhà huyền học Ấn Độ - các tác giả của các kinh Upanishad Bhagavad-gita…” (Sđd., tr. 219 – 220). Trước khi đọc những dòng này, tôi chưa bao giờ nghĩ rằng có ai đó “dám” phê bình mạnh mẽ (và thuyết phục đến thế) về nền văn hóa có bề dày lịch sử chỉ sau Ai Cập!

Ở đây nổi bật lên hàng loạt vấn đề về khả năng bao quát cũng như đào sâu vào một nền văn hóa, thâm cứu nó tường tận, đãi cát tìm vàng, chọn lọc ra những tác giả, tác phẩm mới, đặc sắc, tiêu biểu nhất, cần thiết nhất cho sự thức nhận của dân tộc mình, đất nước mình. Ngay ở yếu đích này đã đòi hỏi dịch giả không chỉ phải thông thạo ngoại ngữ và nền văn hóa, VHNT đó, anh ta phải có quá trình công phu theo dõi, nghiên cứu thấu đáo nó.

Vấn đề thứ hai, sau khi làm được như thế, dịch giả phải làm việc, đọc và lựa chọn, tìm ra phong cách dịch tương ứng, thỏa mãn được việc truyền đạt trung thành nguyên tác, đồng thời thỏa mãn được nhu cầu thưởng thức của bạn đọc bên mình khi dịch ra bằng phong cách đặc sắc của dịch giả - người đồng sáng tạo.
 

Chuyến du hành tới Vladimir và Suzdan

Lần Thầy Phạm Vĩnh Cư ghé Moskva (12/1993) thăm chúng tôi và làm việc với trường Gorky, tôi có chuyến được tháp tùng ông đi thăm hai thành phố Nga cổ là Vladimir và Suzdan. Chiều hôm ấy, có người nhắn tôi sau tiết học ca 3 ghé lên văn phòng có việc. Vị trưởng phòng nói với tôi: “- Trường đã mời Thầy Phạm Vĩnh Cư đi thăm thành phố Vladimir và Suzdan. Chúng tôi muốn Thầy chuyến đi thật vui nên nhờ anh Hương đi cùng…”. Được nghỉ học đi chơi mà không phải “trốn” thì tuyệt vời rồi còn gì(!). Nhưng tôi vẫn hỏi lại cho rõ: “- Vậy Trường báo giùm cho các giảng viên là tôi nghỉ học để làm việc do Trường điều động!”. “-Tất nhiên rồi, cứ yên tâm đi chơi  với Thầy Cư. Cùng đi có một người dẫn đường là nhà văn N. đang là học viên năm cuối của Trường. Chúc đoàn chuyến đi may mắn nhé!”.

Ba chúng tôi đi tàu, toa tàu khá đông, phần lớn là dân các tỉnh lên Moskva có công việc rồi trở về. Ấy là tôi đoán thế! Cứ trông cách ăn mặc, nói năng và vẻ chất phác, mệt mỏi của hành khách thì biết. Nó làm tôi nhớ những chuyến tàu Việt Nam thời chen lấn khủng khiếp trước khi rời ga Hàng Cỏ hoặc ga Sài Gòn… Tôi tranh thủ ngắm nhìn quang cảnh hai bên đường, những rặng bạch dương thân trắng, gợi tới những thân bằng lăng rừng miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Những khóm liễu ủ rũ, buồn tha thiết như giai điệu những bài dân ca Nga… Ruộng đồng trải mênh mông, lác đác bóng nhà. Cứ thế, cứ thế.  Tới lúc thấy nhà tầng loáng thoáng nhô ra, anh bạn Nga đồng hành chỉ tay: - Vladimir đó!

Xuống ga chúng tôi gặp một người niềm nở đón mừng. Hàng ria râu bắp mọ moạy liên tục, khiến chúng tôi quên hết mệt mỏi dọc đường. Anh là nhà văn có tiếng, dân “bản địa” vùng này. Phạm Vĩnh Cư nói chuyện với ông là chính. Rất nhiều chuyện khác nhau liên quan tới con người, lịch sử vùng này. Nhà văn bản địa rất tự hào và nhiệt tình giải thích., Phạm Vĩnh Cư  lắng nghe và gật gù bổ sung. Nhưng một số trường hợp hai bên xảy ra tranh luận một lúc, rồi Phạm Vĩnh Cư hỏi, nhà văn bản địa đỏ mặt, rồi im. Lúc ấy thì chỉ thấy Phạm Vĩnh Cư nói, làm như mình là nhà văn bản địa, còn ông “bản địa thứ thiệt” kia lại đóng vai một du khách, khoanh tay lắng nghe, trầm trồ… Nhiều chuyện tôi chỉ hiểu loáng thoáng, ví như Phạm Vĩnh Cư có nhắc tới tòa lâu đài còn khá đẹp ở ngoại ô – lúc tàu ngang qua, chúng tôi đã chú ý. Đó là lâu đài của một dòng họ quý tộc. Nhà văn bản địa chỉ biết đại khái về chủ nhân tòa lâu đài đó, nhiều chi tiết ông nhớ rõ hoặc không biết. Phạm Vĩnh Cư tóm tắt lại tiểu sử mấy đời dòng họ đó, vị quý tộc đời sau số phận như thế nào, tòa lâu đài này đã được xây dựng như thế nào, phong cách kiến trúc của nó ra sao v.v… Chúng tôi chỉ há miệng nghe. Sau đó, nhà văn bản địa lắc lắc đầu, ghé tai tôi: “- Ông này ghê quá, cái gì ông ấy cũng biết, mà lại biết chi ly tường tận mới chết tôi chứ!!!”.

Chúng tôi được ở trong căn nhà gỗ sồi truyền thống, ăn bánh mì đen và uống chút vodka. Giờ tôi quên hết những chuyện khác của Vladimir, chỉ nhớ căn nhà gỗ sồi và những câu chuyện giữa Phạm Vĩnh Cư với nhà văn bản địa kia…

Sáng hôm sau, xe chở chúng tôi đi Suzdan. Những cánh đồng lúa mì trĩu hạt, trải dọc hai bên đường, xa hút tầm mắt. Tài xế bảo đây là vùng lúa mì hàng đầu của Nga. Chẳng những bánh mì ngon cực phẩm mà rượu vodka chất lượng “number one”.

Thành Suzdan đã hiện ra, những dãy tường cổ, những tháp chuông. Tôi nhớ mấy câu thơ của Trần Đăng Khoa viết về Suzdan: “Thành xưa đổ bóng vào trời/ Khói sương lãng đãng một thời đã xa…”. Bài thơ lục bát chắt lọc, chững chạc, rất hợp khẩu vị người Việt. Tuy nhiên, nó không đúng những gì như tôi thấy và trải nghiệm về Suzdan, như trong chuyến đi này.

Nói tới Suzdan là nói tới dãy tháp chuông nổi tiếng, có thể nói độc nhất vô nhị không chỉ về số lượng và chất lượng chuông, được sắp xếp một cách cực kỳ khéo léo. Thấy chúng tôi tới, ba người ăn mặc đúng mugic Nga xưa, đã mời chúng tôi lên tháp chuông để xem họ biểu diễn.

Những nghệ nhân gióng chuông và tốp ca nam hòa giọng nơi tu viện – đó là hình ảnh tuyệt vời mà tôi chưa thấy ở đâu khác được như vậy!!

Khái niệm bè tôi đã rõ khi nghe nhạc giao hưởng, nhất là những tối đi nghe tại phòng hòa nhạc Tchaikovsky. Những tác phẩm của J.S Bach, Vivandi, Mozart, Beethoven… Nhưng đó là sự phối hợp các nhạc cụ khác nhau trong dàn nhạc, dưới sự chỉ đạo chung của một vị nhạc trưởng. Còn đây chỉ là chuông – cả một giàn nhưng chỉ mỗi một loại là chuông. Giàn chuông  như một giàn bầu trĩu trái. Mà không có vị nhạc trưởng giơ đũa làm hiệu chỉ đạo chung. Tốp nhạc công tự phối hợp với nhau sao cho ăn ý, mỗi người tự điều hành, phối hợp  các chuông của mình với nhau, cũng như các chuông của người khác sao cho thật ăn ý, tạo nên bản giao hưởng chuông hùng tráng, rung động cả đất trời.  Không như tiếng chuông chùa thủng thẳng thu không hay tiếng chuông nhà thờ khánh lễ một hồi rồi thôi. Chuông Suzdan gióng dả liên hồi, lên bổng xuống trầm, những chùm hòa âm của chuông lớn, chuông vừa, chuông nhỏ khi nhanh khi chậm, tạo nên các giai điệu thần thánh giữa lưng trời.

Chúng tôi tranh thủ chụp một lô ảnh trên tường thành, dưới giàn chuông danh tiếng của Suzdan. Tiếc rằng do trục trặc kỹ thuật, loạt ảnh này về mất hết. Tôi tiếc nhất là ảnh chụp những nghệ nhân đang ngả người gióng chuông. Họ như những diễn viên xiếc, hay những con chim tung cánh trên tường thành… Khi xuống dưới chân tường thành, chúng tôi được dẫn qua chiếc sân tu viện, vào một căn phòng lớn. Một tốp ca nam đã chờ sẵn, thấy chúng tôi đến là họ liền cất giọng. Tác phong của họ thật chuyên nghiệp, các giọng trầm bổng phối hợp nhau nhuần nhuyễn, giai điệu thánh ca như những bầy chim én bay vút lên trời, lan tỏa. Trình độ thanh nhạc, hòa điệu (Harmonie) của họ thật tuyệt vời. Không cần tới một nhạc cụ đệm, các giọng hát đan xen, nâng đỡ nhau, quấn quýt. Tôi đã nghe-xem một số tiết mục hòa giọng kiểu này, nhưng chưa thấy ở đâu hòa thanh hay như ở đây(!), kể cả những tiết mục củamột số giàn đồng ca nổi tiếng… Sau màn trình diễn, chúng tôi hỏi chuyện thì được biết họ vốn là những tu sỹ, nay kiêm việc biểu diễn cho các đoàn du khách đặc biệt thưởng thức truyền thống hòa thanh của đàn chim họa mi Suzdan. Đi với Bá tước, nghe cách ông giao tiếp, bắt chuyện với mọi người, cách dùng từ, cách lắng nghe, cách hỏi chuyện, nêu vấn đề, tranh luận và cả khi tạm biệt…, chúng tôi học được vô số điều không có trong giáo án, trong các giờ giảng trước nay...

Trong lúc ăn sáng, tôi đàm đạo với Bá tước về văn xuôi, cụ thể là về tiểu thuyết và truyện ngắn. Vì lịch sự, chúng tôi nói tiếng Nga chứ không dùng tiếng Việt. Anh bạn nhà văn đồng hành dỏng tai nghe rồi góp chuyện, cùng bàn. Cuối cùng, anh bạn kín tiếng kia cũng buột miệng rằng: “-Anh Hương là nhà thơ mà sao nói về văn xuôi - mà nói hay thế?”. Bá tước liếc qua tôi rồi gật gù với nhà văn đồng hành: “- Đúng Hương là nhà thơ! Nhưng nhà văn cũng phải phấn đấu đạt tới hiểu biết như thế…”. Với tôi, đây không chỉ là một đánh giá, lời khen mà còn là một phần thưởng, một sự thừa nhận vô cùng khó khăn của một vị Thầy nghiêm cẩn, uyên bác, khó tính số một về chuyên môn. GS-TS Nguyễn Văn Hạnh một lần phàn nàn với tôi: “- Luận án của P. nhờ Cư phản biện mà mãi chả thấy nó phê cho mấy chữ…?”. Tôi biết Thầy Hạnh là một trong những người lứa đầu tiên làm nghiên cứu sinh và bảo vệ thành công luận án nghiên cứu văn học tại Nga. Ông có học thuật chắc chắn và cập nhật nhưng cũng tỏ ra thức thời và rất thương học trò, gần với kiểu GS-NGND Lê Trí Viễn. Bá tước thì thiên về học thuật thuần túy nên ông “ngâm” rất lâu – để thẩm tra, cân nhắc. Tôi biết bài phản biện của ông sẽ là cả một công trình thu nhỏ. Và nếu đúng chuẩn yêu cầu của Bá tước thì chắc khó cho việc luận án được Hội đồng thông qua với kết quả cao! Tôi biết bạn P. là người có thực học ở Nga về, so mặt bằng chung thì tốt hơn nhiều luận án khác. Vậy nên tôi đành gọi điện cho Bá tước, đề nghị cứ góp ý chuyên môn kỹ, nhưng đánh giá phải đặt vào tương quan chung để người ta khỏi bị thiệt thòi…

PGS-TS Phạm Vĩnh Cư và tác giả bài viết

Một nhà giáo tận tâm với nghiệp trồng người

Trong cuốn Sáng tạo và Giao lưu - NXB Hội Nhà Văn, 10/2020, 1262 trang, ít nhất có hai bài viết trực tiếp bàn về việc “bồi dưỡng nhân tài”. Thứ nhất là bài Trường Viết Văn Nguyễn Du với nhiệm vụ bồi dưỡng văn tài  (Sđd., tr.209 – 215). Đây là một tham luận viết năm 1994, dẫn việc ông Christian Ide Hinze – Hiệu trưởng trường Thơ văn Viên (Áo) sang thăm và giảng bài tại trường Viết Văn Nguyễn Du. Tiếp đó, tác giả nhắc tới chuyến thăm và làm việc tại trường Viết Văn Gorky (CHLB Nga) cuối 1993 – khi trường này đang trải qua những năm tháng cực kỳ khó khăn do bị ảnh hưởng bởi những sự kiện long trời lở đất (hệ thống Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu tan vỡ, nội bộ nước Nga khủng hoảng…). Nêu việc trường Gorky 60 năm, qua bao khó khăn mà người dạy, người học (trong đó có nhóm học viên Việt Nam) vẫn nườm nượp khí thế, tác giả không khỏi ngậm ngùi nêu ra những khó khăn mà trường Viết Văn Nguyễn Du 15 tuổi gặp phải.

“Trường Viết Văn Nguyễn Du ngay từ đầu đã vấp phải nhiều trở ngại lớn tưởng chừng không vượt qua nổi. Có những trở ngại nằm ở bề nổi: trường sinh sau đẻ muộn, trong hoàn cảnh khủng hoảng kinh tế-xã hội, thiếu thốn mọi thứ… Nhưng cũng có nhũng trở ngại nằm sâu hơn và khó khắc phục hơn, trong đó trước tiên phải nói tới những quan niệm không giống nhau. Nếu đào tạo được, dạy được, tại sao ít nước có trường viết văn đến thế? Đó là những câu hỏi rất chính đáng mà từ ngày được thành lập, trường Viết Văn Nguyễn Du luôn luôn phải đối diện và phải giải đáp bằng lý luận và nhất là bằng hoạt động thực tiễn của mình.”

Theo tác giả, “Đúng là nhà văn không thể đào tạo được…nhưng người viết văn cần phải được học hành đến nơi đến chốn, và trường Viết Văn Nguyễn Du không ngừng phấn đấu để trở thành nơi học tập tốt nhất, thích hợp nhất cho những người cầm bút ở Việt Nam”. Điểm nhấn làm nên đặc sắc của trường là: “…trường biết dựa vào một mạng lưới cộng tác viên rộng rãi gồm toàn các chuyên gia đầu ngành, các văn nghệ sỹ ưu tú, nhiều giờ giảng của họ để lại ấn tượng suốt đời cho học viên. Quả là nghề văn không thể truyền thụ như các nghề khác nhưng sự hướng dẫn, kèm cặp tận tình của những đồng nghiệp đi trước có thể giúp đỡ những người viết trẻ rút ngắn giai đoạn tìm tòi mò mẫm… Phát hiện, bồi đắp, xúc tác cho các văn tài phát triển – đó là sứ mệnh của trường văn” (Sđd., tr.211 – 212).

Bài thứ hai xem xét vấn đề ở bình diện rộng hơn Vài suy nghĩ về quốc sách bồi dưỡng nhân tài (Sđd., tr.950 – 958). Khảo sát các nền giáo dục thế giới, tác giả chỉ ra tỷ lệ tiềm năng thiên tài/ người thường khoảng 1/1000, tỷ lệ thiên tài thực sự là 1/ 10.000 tiềm năng kia. Thiên tài chỉ cần “được đào tạo, bồi dưỡng ở mức độ tối thiểu”. Nhưng các tài nắng dưới đó thì khác: “Tài năng nếu không được chăm sóc, vun đắp, trọng dụng thì hoặc sẽ thui chột, hoặc không phát huy được hết năng lực sáng tạo của mình…”. Quan trọng hơn, tác giả nêu rõ hậu quả của sự thờ ơ: “…nhũng rủi ro, những thiệt thòi cá nhân của họ hợp lại có thể làm nên các bi kịch quốc gia – bi kịch của sự lạc hậu, dốt nát đói nghèo – cho nên các quốc gia văn minh đều thực hiện chính sách phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài, những chính sách khôn khéo, tinh vi được cân nhắc từng ly, từng tý nhưng thường không tuyên bố thành lời, thành văn bản.” (Sđd., tr.951). Không tâm huyết, khổ công với trường, với nghề, không thể viết được những điều như vậy!

Kỷ niệm sâu sắc về Bá tước của chúng tôi trong trường Nguyễn Du thì rất nhiều. Một trong những kỷ niệm tuyệt vời nhất là bài giảng của Thầy Phạm Vĩnh Cư. Bài giảng nằm ngoài chương trình chính, khiêm tốn xếp vào “Phụ lục”, học viên không bắt buộc phải nghe và ai thích thì tới như buổi dạo chơi cuối khóa. Quả là chỉ có mươi người tới nghe. Một phần của bài giảng được công bố trong lược dịch in sau cùng trong tuyển tập Sđd:M.M. Bakhtin: Sáng tác của Francois Rabelais và nền văn hóa dân gian Trung cổ và Phục Hưng. (1208 – 1257).

Kỷ niệm với Bá tước của riêng tôi thì rất nhiều, rất xúc động! Chỉ đơn cử một chi tiết: Khi mới ở Nga về, gia cảnh rất khốn đốn, phức tạp. Tôi ra Hà Nội hoàn tất hồ sơ và tranh thủ khảo sát phần sách tiếng Nga về Lý thuyết dịch ở Thư viện quốc gia Tràng Thi và Thư viện KHKTTH Lý Thường Kiệt. Thầy biết thế nên “nhờ” tôi photo một số tài liệu, nói trường trả tiền photo và chút thù lao. Ngoài ra, Thầy còn rút ví đưa thêm 200.000 đ “thưởng” cho tinh thần làm việc của tôi. Tôi từ chối không được, thực tế tôi đã dùng để mua vé vào Nam. Tôi cố tiết kiệm giữ lại tờ 50.000 đcho tới nay để “làm kỷ niệm”… Nhìn nó, tôi lại nhớ tới Thầy – vị Bá tước không chỉ trên bục giảng mà còn là vị Bá tước trong cuộc đời nắng mưa này!

Lần Thầy vô Sài Gòn gặp nhau, tôi có nghe mấy bạn nói vừa rồi Thầy không được phong giáo sư. Tôi lựa lúc đề cập thấy Thầy buồn buồn: “ – Do họ không chấp nhận sự khác biệt…”!? Vài năm trước, ghé thăm Thầy ở Deco park: thấy Thầy lặng lẽ đọc, dịch và nghiền ngẫm các vấn đề chuyên môn đang theo đuổi. Một con người chỉ lo làm việc, cống hiến, không màng danh lợi, đúng là một “Hiền tài”,người lưu giữ một nguồn Nguyên khí của quốc gia…Đây là lúc để khẳng định lại vị trí trang trọng của trường Viết Văn Nguyễn Du, và cùng với đó, khẳng định tâm huyết, công lao to lớn của đội ngũ một thời giảng dạy, công tác, học tập tại trường này, trong đó có Thầy Phạm Vĩnh Cư.

TPHCM, 29-12-2020.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Trong màu xanh Vàm Cỏ
Nhà văn Hào Vũ, sinh năm 1950. Quê quán: An Hải, Hải Phòng. Dân tộc: Kinh. Hiện thường trú tại 6/3 Cư xá phường 3, thành phố Tân An, tỉnh Long An. Vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 1984.
Xem thêm
Đỗ Thành Đồng và chuyển động đường thơ
Sau gần 15 năm đắm say đến điên cuồng với thi ca, nhà thơ Đỗ Thành Đồng, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Bình, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đã xuất bản 7 tập thơ.
Xem thêm
Chuyện tình khó quên của Trịnh Công Sơn
Bài viết của nhà thơ Lê Thiếu Nhơn
Xem thêm
Nhà văn Di Li: Tôi bị hấp dẫn bởi người đàn ông nhân văn, tử tế
Tôi nghĩ rằng, là người văn minh thì phải chấp nhận sống chung với sự khác biệt, tuy nhiên, sự khác biệt đó nếu không tốt, muốn người ta thay đổi thì mình sẽ góp ý. Và cách góp ý của mình cũng khá hài hước nên người nghe không mấy khi khó chịu.
Xem thêm
Người tốt trại Vân Hồ
Nhà văn Trung Trung Đỉnh, Giải A cuộc thi tiểu thuyết Hội Nhà văn, 1998 – 2000) với tiểu thuyết Lạc rừng. Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007.
Xem thêm
Nhớ nhà báo Phú Bằng
Đọc bác Phú Bằng từ lâu, khi tôi còn trực tiếp cầm súng ở Trung đoàn 174 Sư đoàn 5 thời chống Mỹ. Lúc ấy bác Phạm Phú Bằng là phóng viên báo QĐND được tăng cường cho báo Quân Giải phóng Miền Nam.
Xem thêm
Nhà văn - dịch giả Trần Như Luận với tác phẩm “Tuyển tập 12 truyện ngắn Anh - Mỹ kinh điển, lừng danh”
Tháng Sáu 2022, trên Báo Thanh Niên rồi Tạp chí Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam, nhà báo Hà Tùng Sơn và nhà phê bình văn học Vân Phi giới thiệu tác phẩm thứ 7 của nhà văn Trần Như Luận (TNL): tiểu thuyết Gương Mặt Loài Homo Sapiens. Trước đó, anh từng gây tiếng vang nhờ giá trị đáng kể của bộ tiểu thuyết Thầy Gotama và 8000 Đệ Tử dày tới 1.200 trang, trình làng năm 2014. Chúng tôi cũng biết tới cả trăm tác phẩm dịch của anh, cả thơ và truyện, xuất hiện trên các tạp chí Văn nghệ Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, Văn nghệ Quân đội, Non Nước, Sông Hương, v.v… Xuân Giáp Thìn 2024, nhà văn ra mắt một “dịch phẩm” hoàn toàn mới: Tuyển tập 12 truyện ngắn Anh – Mỹ kinh điển, lừng danh. Sách dày 320 trang, bìa bắt mắt. Sách được Liên hiệp các Hội Văn học-nghệ thuật Việt Nam thẩm định chất lượng và hỗ trợ kinh phí; NXB Hội Nhà văn cấp phép. Nhân một cuộc hẹn thú vị tại Quận 7, TP Hồ Chí Minh, trong một quán cà phê tao nhã, không bỏ lỡ cơ hội, tôi đã thực hiện cuộc phỏng vấn này.
Xem thêm
Nhớ anh Mai Quốc Liên
Bài viết của nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam
Xem thêm
Nhà văn Trầm Hương: Sứ mạng nhà văn là đi tìm những ẩn số
Hàng chục năm nay, nhà văn Trầm Hương (Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM) vẫn âm thầm theo dấu chân những anh hùng, người lính, mẹ liệt sĩ… để tìm nhân vật cho những trang sách của mình. Chị ghi dấu ấn đậm nét trong dòng văn học cách mạng hiện nay.
Xem thêm
Thương nhớ anh Duy
Tôi viết ra đây mấy lời tâm sự như thắp một nén nhang kính nhớ thương tiễn anh Duy về trời cùng đàn anh Lê Văn Thảo...
Xem thêm
Nhà văn Ann Patchett: Thời gian tuyệt vời nhất là ở trên máy chạy bộ và viết sách
Ann Patchett là nhà văn Mĩ, tác giả của 9 cuốn tiểu thuyết, 4 cuốn sách phi hư cấu và 2 cuốn sách dành cho trẻ em. Trong văn nghiệp, bà từng giành giải Orange cho Bel Canto, cũng như lọt vào danh sách chung khảo giải Pulitzer 2020 với cuốn Ngôi nhà của người Hà Lan. Gần đây bà đã cho ra mắt cuốn tiểu thuyết mới mang tên Tom Lake, và điều đặc biệt là nó được viết trên bàn đặt trên máy chạy bộ và lời khuyên về năng suất từ ​​Elizabeth Gilbert.
Xem thêm
Lê Minh Quốc và cuộc hành trình chữ nghĩa
Bài của nhà thơ Ngô Xuân Hội trên báo Văn nghệ.
Xem thêm
Nhà thơ Nguyễn Thành Phong: Với chữ nghĩa, tôi như người đang yêu
Gọi Nguyễn Thành Phong là nhà thơ, nhà văn, biên kịch hay cái danh mà mang nhiều nghiệp nợ nhất là nhà báo, thì viết gì, dù là kiếm sống, anh cũng phải cố ở mức tốt nhất theo ý mình thì mới cho là được. Với chữ nghĩa, Nguyễn Thành Phong ví anh như người đang yêu, càng bị “ruồng rẫy”, càng thấy không thể bỏ cuộc.
Xem thêm
Vũ Cao - “Núi Đôi mãi mãi vẫn là Núi Đôi”
Nói đến nhà thơ Vũ Cao không thể không nói tới bài thơ Núi Đôi.
Xem thêm