TIN TỨC

Xuân Oanh - cánh chim Oanh của mùa Xuân Cách mạng! (Phần cuối)

Người đăng : vctphcm
Ngày đăng: 2023-08-17 17:58:13
mail facebook google pos stwis
530 lượt xem

Nhân kỷ niệm 78 năm Cách mạng Tháng Tám thành công, 100 năm ngày sinh nhạc sỹ Xuân Oanh, báo Tin tức xin trân trọng giới thiệu bài viết vào năm 2015 của tác giả Đỗ Lê Châu, con trai cả của nhạc sỹ Xuân Oanh.

Phần cuối: Bài hát Mười chín Tháng Tám đã ra đời như thế nào?

Là một trong những hội viên thế hệ đầu tiên của Hội Nhạc sỹ Việt Nam, nhưng Xuân Oanh không khi nào tự coi mình là một nhạc sỹ. Ông luôn tự coi mình là người biết nhạc, có say mê âm nhạc và là người "hết sức may mắn được lịch sử chọn làm người ghi lại bằng âm nhạc cái không khí cách mạng long trời lở đất của nhân dân Việt Nam trong ngày Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân". Cả đời, Xuân Oanh chỉ sáng tác khoảng trên dưới 400 bài hát, một vài tác phẩm khí nhạc và một số hợp xướng, trong đó có hợp xướng chưa bao giờ được ông đưa ra dàn dựng (Hợp xướng Đảng ta, Quê hương, Hà Nội - Hà Nội). Tuy nhiên, hầu hết các tác phẩm của ông đều gắn chặt với những hoạt động cách mạng Xuân Oanh đang trực tiếp tham gia.

Khúc tráng ca “Mười chín tháng Tám” là một ví dụ như vậy. Ngay từ cuối năm 1943 và trong năm 1944, khi đã trực tiếp tham gia hoạt động tuyên truyền bí mật cho Mặt trận Việt Minh chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa ở khu vực phía Nam Hà Nội, Xuân Oanh đã nung nấu trong suy nghĩ mong muốn sang tác một bài hát về "sự kiện vô cùng to lớn" này. Suốt ngày 18/8/1945 đắm mình trong các hoạt động chuẩn bị cho cuộc biểu tình tuần hành lớn vào ngày hôm sau 19/8 tiến về Nhà Hát Lớn Hà Nội, Xuân Oanh đã linh cảm "sự kiện vô cùng to lớn" sẽ là bước ngoặt lớn của dân tộc. Vì vậy, từ sáng sớm 19/8, ông đã có mặt ở vị trí chỉ huy, tổ chức đoàn tuần hành xuất phát từ khu vực Ga Giáp Bát. Đi đầu đoàn tuần hành, Xuân Oanh thấy mình đồng điệu với từng bước chân rầm rập của khối quần chúng sục sôi. Giai điệu cùng những câu từ đầu tiên của bài 19-8 vang lên trong đầu ông. Lập tức, ông hát vang giai điệu và ca từ đó, "Toàn dân Việt Nam đứng đều lên góp sức một ngày. Thề đem xương máu quyết lòng chiến đấu cho tương lai. Mười chín tháng Tám đây khối dân căm hơn kêu thét. Đứng lên cùng hô, mau diệt tan hết quân thù chung. Mười chín tháng Tám, ánh sao tự đo đưa tới, cờ bay muôn nơi, tung ánh sao vàng, máu pha tươi hồng trên lá cờ đi khắp chốn giang sơn. Người Việt Nam cùng thống nhất reo vang lời thề, Mười chín tháng Tám, chớ quên là Ngày Khởi nghĩa. Hạnh phục thắm tô, giang sơn Việt Nam." Được câu nào, Xuân Oanh phổ biến ngay cho đoàn biểu tình đến đó. Đoàn người lập tức cũng hát theo và thuộc luôn. Tới Chợ Mơ thì bài hát đã đến được câu cuối. Xuân Oanh lại bắt nhịp cho mọi người hát lại từ đầu, vừa tuần hành vừa hát, rất khí thế. Những người mới tham gia vào đoàn tuần hành cũng nhanh chóng thuộc và hát theo. Hát hết lại quay lại từ đầu. Và khi tới Nhà Hát Lớn, thì mọi người đều đã thuộc lòng và hát đi, hát lại bài hát một cách say sưa. Tới lúc đó, không chỉ khối tuần hành từ Giáp Bát lên mà tất cả các khối khác cũng nhanh chóng hoà vào, hát theo. Họ hát liên khúc các ca khúc cách mạng lúc đó, từ Diệt Phát xít tới Cờ Việt Minh và kết thúc bằng bài Mười chín tháng Tám. Nhiều nhà phê bình sau này nhận xét, mặc dù ca từ của bài Mười chín tháng Tám chỉ vẻn vẹn gồm 102 chữ, và bài hát được sáng tác theo nhịp đi hành khúc khá đơn giản, song nó đã trở thành ca khúc được phổ biến nhanh nhất trong lịch sử âm nhạc nước nhà. Hơn thế nữa, phải đến buổi chiều ngày 19-8, sau khi đã xong nhiệm vụ với đoàn tuần hành, Xuân Oanh mới có thời gian mang mảnh giấy vỏ bao thuốc lá có ghi vội vài ý nhạc và ca từ của bài hát về xưởng in của một người bạn ở phố Huế bây giờ để chép lại vào bản khắc gỗ để in. Và bài hát đã được in ra ngay chiều hôm đó để phổ biến cho quần chúng. Bản in đầu tiên đó hiện nay gia đình Xuân Oanh cũng không còn lưu giữ được nữa. Bản thân Xuân Oanh cũng chỉ có trong tay một vài bản in trên giấy thô, vàng khổ A4, đầu trang có in hình lá cờ đỏ sao vàng ở góc trước tên bài hát, song cũng không lưu lại được vì đã thất lạc trong quá trình hoạt động bí mật của ông trước khi trở lại Hà Nội năm 1955.

Hoài niệm và mong ước! 

Cả cuộc đời theo Cách mạng, Xuân Oanh luôn được dẫn dắt bởi những ước mơ lãng mạn về một "ngày mai tươi hát" cho dân tộc. Sinh thời, ông rất thích dùng cụm từ "ngày mai tươi hát" (singing tomorrow) này, một cụm từ mà hẳn ông đã học được từ văn học nước ngoài. Cũng có thể đây là lý do vì sao ông kết thúc bài Mười chín tháng Tám của mình bằng câu "hạnh phúc sáng tô non sông Việt Nam" đầy khát khao lãng mạn. Những ngày đầu tháng 4/1975 khi cuộc Tổng tiến công giải phóng miền Nam đang phát triển hết sức nhanh chóng, Xuân Oanh sáng tác liên tục, hầu như mỗi ngày một bài hát và tất cả đều mang âm hưởng của những bước chân dồn dập của các chiến sỹ giải phóng. Và, dù công cuộc thống nhất khi đó vẫn chưa thực sự hoàn thành, trong bài "Ngày hội Non sông" của mình, Xuân Oanh đã reo vui: "Từ Lạng Sơn nơi đây biên giới, những hàng cây ôm núi chập trùng, tới Cà Mau chân trời mênh mông, hàng cây xanh chắn sóng biển Đông. Từ đỉnh Sapa cao ngút lưng trời, tới những con kênh ngang dọc Tháp Mười, từ Trường Sơn bao la bát ngát, tới những vùng quần đảo xa khơi, nghe nhân dân ta nơi nơi reo hát mừng. Có hôm nay hân hoan nào sánh bằng!....".

Những ngày đầu sau 30/4/1975, cùng cả nước, Xuân Oanh bước vào một cuộc chiến đấu mới không kém phần gian khổ -- đó là phải kịp thời tuyên truyền về Việt Nam sau chiến tranh giúp bạn bè quốc tế hiểu và tiếp tục các hoạt động ủng hộ Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh và đối phó với tình trạng bao vây cấm vận và các hoạt động thù địch của những thế lực bại trận. Khó khăn nhất của thời kỳ này trên mặt trận ngoại giao nhân dân là phải làm sao bạn bè quốc tế không bị "hướng lái" theo luận điệu tuyên truyền thù địch chống Việt Nam, đặc biệt trong thời điểm nước ta còn rất nhiều việc cấp bách phải nhanh chóng giải quyết để ổn định tình hình ở vùng mới giải phóng. Không ít bạn bè quốc tế đã trở nên "bức xúc" trước tình trạng các yêu cầu, đòi hỏi của họ không được đáp ứng kịp thời. Thời kỳ này, ngoài việc trực tiếp giải quyết yêu cầu hàng ngày, Xuân Oanh còn viết hàng ngàn bức thư, điện cho các bạn, ân cần trả lời và giải thích để các bạn hiểu và chia sẻ. Đọc lại những bức thư đó của ông hôm nay, vẫn có thể cảm nhận được rõ sự nhẫn nại, chịu đựng cùng thái độ tận tuỵ, hết sức trân trọng của ông đối với những người bạn của Việt Nam, và cùng với đó là cách giải quyết mọi việc luôn thấu tình, đạt lý, mang tính thuyết phục cao... Và đây cũng chính là thành công của Xuân Oanh khi cầm lái con thuyền quốc tế nhân dân của Việt Nam bước vào giai đoạn mới của Cách mạng…

Khi đã nghỉ hưu, mặc dù luôn khước từ mọi lời mời ông trở lại công tác chính thức với lý do "nên ưu tiên để những việc đó cho anh em cán bộ trẻ có cơ hội tiến bộ", ông vẫn luôn sẵn sàng tiếp khách quốc tế theo yêu cầu của Liên Hiệp các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam. Ông cho biết ông phải làm những việc đó vì bạn bè quốc tế biết ông và tin ông từ những ngày xưa gian khó, vậy nên họ sẽ rất thất vọng nếu vào đến Việt Nam mà không được gặp ông. Mặt khác, Xuân Oanh cũng hiểu rõ rằng sẽ không dễ dàng cho các cán bộ quốc tế nhân dân trẻ tuổi giải thích những vấn đề hóc búa của Việt Nam hôm nay cho bạn bè quốc tế hiểu nếu như chỉ bám vào những chỉ thị, nghị quyết đơn thuần... Vốn văn hoá, hiểu biết sâu sắc về lịch sử, truyền thống dân tộc cùng một thái độ nhân văn rất cao là những yêu cầu tối thiểu để một người có thể thực sự trở thành "nhà ngoại giao nhân dân", ông tâm sự như vậy với người con lớn mà ông luôn coi là "truyền nhân". Và, đó cũng là bí quyết ông đã truyền lại cho các thế hệ cán bộ trẻ làm công tác quốc tế nhân dân ở nước ta.

Những năm cuối đời, Xuân Oanh vẫn làm việc không ngưng nghỉ. Ông tập trung đọc nhiều sách liên quan đến tình hình quốc tế và quan hệ chiến lược giữa các nước lớn và suy nghĩ, đàm đạo cùng những người mà ông tâm đắc. Diễn biến phức tạp trong quan hệ giữa các nước lớn liên quan đến khu vực và nước nhà là một trong những điều khiến ông trăn trở nhất. Ông lo lắng: "Lúc này, khi đất nước đã có hoà bình, e rằng công tác quốc tế nhân dân không còn được quan tâm nhiều như trước nữa". Và, cứ mỗi lần các con trai ông được huy động tham gia một hoạt động quốc tế nhân dân nào đó mà Việt Nam tham gia, ông lại tỏ ra băn khoăn về công tác đào tạo trẻ của đội ngũ cán bộ kế cận ông. Ông thường bảo, đào tạo một nhà ngoại giao chính thống có khi không khó bằng đào tạo một người làm công tác quốc tế nhân dân có thể tác chiến ở mọi diễn đàn, trong mọi vấn đề. Kỹ năng công tác quốc tế nhân dân đa phần phải do tự đào tạo, đòi hỏi nỗ lực không ngừng nghỉ của bản thân người cán bộ. Mặt khác, cũng không có bất kỳ trường đào tạo nào cho công tác này. Trong khi đó, để trở thành nhà ngoại giao có đẳng cấp, có thể chỉ cần kinh qua một kỳ đào tạo ở một trường danh tiếng như Oxford hay Columbia hay John Hopkins là đã đủ.

Và, Xuân Oanh đã rời bỏ thế giới của ông khi mà mối lo đó của ông dường như vẫn chưa được giải quyết. Khi người con trai lớn của ông trở về từ một diễn đàn nhân dân bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN ít lâu trước khi ông trở bệnh, ngồi nghe con kể chuyện hội nghị mà mắt ông như trống rỗng nhìn về xa xăm. Nghe xong ông chỉ thở dài mà không nói gì. Rồi ông chậm rãi kể lại những ngày ông còn một thân một mình con thoi giữa Paris, Berlin, Stockholm, Helsinki, Cairo tham dự các hoạt động ủng hộ Việt Nam để mang tiếng nói của người Việt Nam chiến đấu đến với bạn bè quốc tế. Rồi ông dặn: "Các con phải nhớ đấy. Việt Nam mình nhỏ, nghèo nhưng dám đứng lên chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ thù bởi mình biết biến tất cả những người khác thành bạn thân, ủng hộ mình hết lòng. Và mình cũng phải biết biến kẻ thù của mình thành bạn nữa. Và con thấy đấy, chính các bạn Mỹ đã là một nhân tố quan trọng giúp chúng ta chiến thắng trong cuộc chống Mỹ cứu nước, thống nhất Tổ quốc!”.

Theo Đỗ Lê Châu/ baotintuc.vn

Bài viết liên quan

Xem thêm
Gừng càng già càng cay
Nhà thơ Ngô Xuân Hội viết về nhà thơ Nguyễn Tùng Linh
Xem thêm
Nhà lý luận phê bình Trần Hoài Anh và sự dấn thân với ‘di sản văn học miền Nam’
Đây là Chuyên luận với nhiều trữ lượng thông tin quý và bổ ích về di sản văn học miền Nam 1954 -1975, với độ dày gần 600 trang. Tập sách được đầu tư, nghiên cứu kỹ lưỡng, nghiêm cẩn, khai mở nhiều thông tin hay và có giá trị.
Xem thêm
Thi ca điểm hẹn: Nguyên Hùng ký họa thơ và nhạc
Chương trình của VOH, Đài tiếng nói Nhân dân TP. Hồ Chí Minh
Xem thêm
Lâm Xuân Thi và những vần thơ mang nhiều nỗi niềm suy tư, trắc ẩn!
Bài viết của nhà văn nhà phê bình Nguyễn Văn Hòa
Xem thêm
Phạm Phương Lan và những câu thơ Nút ra từ đá
| “Nứt ra từ đá” (thơ song ngữ Việt - Anh, NXB Hội Nhà văn 8/2024) là tập thơ thứ bảy của nhà thơ Phạm Phương Lan (SN 1973, quê Hà Tĩnh; Hội viên Hội Nhà văn TPHCM). Trước đó, từ năm 2008, độc giả biết đến chị qua những tập thơ như: “Không là gió mây”, “Góc trọ hồn người”, “Khâu tình”, “Mật ngữ em” v.v... và một số ca khúc được phổ nhạc từ thơ của chị...
Xem thêm
Dấn thân vào con đường văn chương
Ở tuổi 80, nhà thơ Trần Nhuận Minh sáng tác và xuất bản sách nhiều hơn bất kỳ thời điểm nào trong cuộc đời ông.
Xem thêm
Nhà văn Xuân Phượng đi và đến...
Bài viết của nhà thơ Văn Công Hùng trên Người đưa tin
Xem thêm
Phùng Quán – Người đặc biệt nhà số 4
Đối với anh em Văn nghệ Quân đội, nhà thơ Phùng Quán là một trường hợp rất đặc biệt.
Xem thêm
“Khắc đi… khắc đến” - Bước chân của một nghị lực phi thường
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, số 139, ngày 05/9/2024.
Xem thêm