TIN TỨC

Anh hùng nơi làng quê

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
2322 lượt xem

CUỘC THI "ĐỀN ƠN ĐÁP NGHĨA"

VŨ ĐẢM

Từ cõi chết trở về

Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới”, năm 1979, bài hát của nhạc sĩ Phạm Tuyên ngay sau khi phát sóng trên Đài Tiếng nói Việt Nam đã lay động hàng chục triệu con tim của nhân dân cả nước, hàng vạn lá đơn tình nguyện đã được viết ra bằng trái tim và bằng cả máu; trong những lá đơn tình nguyện ra trận để chống quân xâm lược biên giới ấy có lá đơn của chàng trai trẻ 17 tuổi Đào Viết Thoàn, khi ấy anh đang làm công nhân của Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí (Quảng Ninh). Từ công nhân trở thành người lính xe tăng thuộc Lữ đoàn 408 Quân khu 3, người lính trẻ Đào Viết Thoàn nhanh chóng hòa mình với đồng đội, tham dự nhiều trận đánh ác liệt. Trong một cuộc chiến, anh bị đạn pháo của địch bắn trúng và bị thương rất nặng, đồng đội anh tất cả đều nghĩ anh sẽ hy sinh nhưng còn nước còn tát, họ đưa anh về cấp cứu, điều trị tại Bệnh viện 108 và Bệnh viện 103 Quân đội tại Hà Nội. Thân thể anh từ đầu đến chân đầy rẫy những vết thương: chấn thương sọ não, vỡ mỏ xương thái dương bên phải, cắt bỏ 1/2 tai phải, khoét bỏ mắt trái, mất khớp gối chân phải và toàn bộ hai cơ dép, hai cơ mông, gẫy hai dẻ xương sườn bên phải, xẹp đốt xương sống D11, D12.

Các bác sĩ cũng đều nghĩ 10 phần thì 9 phần chết 1 phần sống và trải qua 2 năm với hơn 10 lần lên bàn đại phẫu, người lính trẻ Đào Viết Thoàn đã cắn răng chịu bao đau đớn, có lúc chịu không nổi, anh đã ngất đi, rồi tỉnh lại, nén nỗi đau, nén nước mắt trong lòng, anh tự hứa với chính bản thân mình, là người lính Cụ Hồ thì không được gục ngã, phải chiến đấu để sống như từng dũng cảm trên chiến trường để đánh thắng kẻ thù. Thế rồi bằng ý chí, nghị lực phi thường của bản thân; được sự quan tâm giúp đỡ tận tình của các y bác sĩ; được sự động viên chăm nom của bố mẹ, của người vợ trẻ, người lính Đào Viết Thoàn đã tập tễnh tự đi được nhưng cuộc chiến với thương tật chưa kết thúc. Vết thương ở bàn chân phải của anh tuy đã được ghép da nhiều lần mà không liền, vẫn bị hoại tử và lộ xương. Sau đó anh được các bác sĩ Bệnh viện Quân y 103 giới thiệu ở chùa Trắng – thôn Hữu Lê, xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì, Hà Nội, có sư cụ Thích Đàm Lương đang sở hữu bài thuốc đắp cứu chữa vết thương rất hay. Thế rồi tiếng chuông chùa đã đưa anh đến chùa Trắng.


Lương y Đào Viết Thoàn đang khám cho bệnh nhân nhi (ngày 3/3/2022). Ảnh do tác giả cung cấp.

- Nam mô A di đà Phật! Con là Đào Viết Thoàn đang điều trị vết thương tại Bệnh viện 103, nghe nói nhà chùa có phương thuốc hay, con tìm đến để sư cụ rủ lòng cứu giúp.

- Mô Phật, con vào đây để ta coi vết thương cho!

Sau khi xem xét vết thương ở chân của anh, sư cụ Thích Đàm Lương đã lấy thuốc nam đắp vào chân anh, một cảm giác mát mẻ ập đến, vết thương dịu đau hẳn đi. Từ đó sư cụ dành cho anh một chỗ ăn ở tại chùa rồi ngày ngày thăm hỏi, bôi thuốc cho anh; còn anh thì vừa luyện tập, vừa quét dọn chùa như một chú tiểu siêng năng. Cảm phục nghị lực của người thương binh, lại thấy anh rất hiền lành, chăm chỉ, có cái tâm trong sáng nên sư cụ Thích Đàm Lương quyết định trao cho anh bí quyết bài thuốc chữa vết thương gia truyền này. Anh vô cùng xúc động, chắp tay vái:

- Nam mô A di đà Phật, con cảm ơn sư cụ đã tin tưởng trao cho bài thuốc gia truyền này, con xin hứa sẽ ra tay chữa bệnh cứu người.

- Ta tin tưởng con sẽ nghe theo lời dạy bảo của Phật, cứu giúp người bệnh nghèo!

Chữa bệnh cứu người

Sau 5 năm vừa chữa bệnh vừa học hỏi sư cụ Thích Đàm Lương, anh thương binh Đào Viết Thoàn đã hiểu biết khá kỹ càng cách chế thuốc và biện pháp điều trị. Sư cụ mừng lắm, vậy là bài thuốc quý của mình đã trao truyền cho đúng người, họ sẽ tiếp tục thay mình chữa bệnh cứu người. Và ngày 10/4/1986 âm lịch, sư cụ Thích Đàm Lương viên tịch về cõi Phật, hưởng thọ 94 tuổi. Chịu tang sư cụ xong, anh Đào Viết Thoàn còn ở lại chùa thêm nửa năm rồi quay lại Quân y viện. Năm 1987, sau 8 năm đằng đẵng điều trị vết thương ở Hà Nội, anh thương binh trẻ đề nghị với các bác sĩ quân y cho mình về quê để tự điều trị.

Trở về quê trong cảnh nghèo đói, bệnh tật; mỗi khi trái gió trở trời những vết thương, nhất là vết thương trong não lại hành hạ anh, phải vay mượn tứ tung để thuốc thang và nuôi 3 đứa con nhỏ. Nhà anh được giao 4 sào ruộng khoán, cộng với 13 kg gạo tiêu chuẩn thương binh hạng đặc biệt ¼ của anh, nhiều khi nhà hết gạo, vợ chồng phải vác rá sang hàng xóm để vay thóc, vay gạo, thậm chí vay lãi, 1 thùng thóc vay đến mùa trả thành 2 thùng. Chị Hơn, vợ anh Thoàn nhớ lại, có lần anh Thoàn chống nạng sang nhà hàng xóm vay gạo, đến ngõ thấy xấu hổ, mình thì trẻ lại đi vay của người già nên anh quay về. Thế là chị Hơn lại cắp rá sang vay nhà khác. Chị Hơn cũng từng là Thanh niên xung phong tận Đắk Lắk vừa đồng áng, vừa nuôi dạy con và phụ giúp chồng khi thì thay băng, khi thì bôi thuốc, cơm nước cho bệnh nhân.

Mưa. Những cơn mưa mùa hạ khiến căn nhà tranh vách đất của vợ chồng anh càng thêm dột nát, nhiều đêm ngồi hứng mưa trong nhà mà lòng xót xa; thấy vậy chính quyền xã, thôn và bà con xúm vào xây cho anh một căn nhà tình nghĩa. Anh thương bố mẹ, thương vợ con và để tránh bớt đi tiền thuốc, anh Thoàn tiếp tục nghiên cứu, phát triển bài thuốc chữa vết thương sinh cơ của sư cụ Thích Đàm Lương thành bài thuốc bỏng. Vết thương bỏng thường rất đau rát, khi lau rửa vết thương, bôi thuốc, thay băng hay bị dính cũng khiến bệnh nhân đau đớn, vậy mình phải nghiên cứu làm ra cho thuốc bôi vào cũng không bị rát, mau lành vết thương. Trời không phụ lòng anh, bài thuốc do anh sáng tạo từ bài thuốc sinh cơ ở chùa Trắng thành bài thuốc chữa bỏng rất hiệu quả, bệnh nhân bôi vào không bị rát, nhanh lành. Trong ngành y có một thứ không cần quảng cáo mà bệnh nhân vẫn tìm đến, đó chính là hiệu quả của thuốc. Anh ở một vùng quê xa xôi tận Thái Bình nhưng bệnh nhân bỏng trong tỉnh, ngoài tỉnh vẫn vượt qua bao xa xăm, khốn khó tìm đến lương y Đào Viết Thoàn để chữa bỏng.

Không chỉ có thuốc hay mà thấm nhuần lời dạy sư cụ Thích Đàm Lương, chữa bệnh cứu đời, nhất là những người nghèo khổ chứ không được làm giàu trên nỗi đau của bệnh nhân nên lương y Đào Viết Thoàn nhiều khi cơ thể đang bị bệnh tật hành hạ nhưng vì sự đau đớn xé lòng của bệnh nhân, anh đã khám chữa bệnh cho người bỏng từ 6 giờ sáng đến tận chiều tối. Có rất nhiều đêm, bệnh nhân đến gõ cửa, anh cũng không nề hà, bắt tay vào khám chữa cho bệnh nhân ngay.

Chị Lê Thị Nhàn ở xã Thụy Xuân, huyện Thái Thụy, Thái Bình có con là Nguyễn Thị Nhật Mai, sinh 2018, bị bỏng nước sôi độ 3 nói với tôi, con chị được bác Thoàn cứu chữa, nay đã khỏi được 80%. Lúc đầu mới đến cháu đau khóc suốt nhưng khi bôi thuốc của bác Thoàn vào thì cháu hết đau, thật là may mắn cho cháu được gặp bác Thoàn. Lương y Đào Viết Thoàn cho biết, cháu Mai còn nhẹ chứ như cháu Trần Đăng Khôi, 2 tuổi ở Quảng Trị bị bỏng do cháy nhà, gia đình đưa cháu vào TP.HCM chữa chạy rất tốn kém nhưng đầu vẫn lộ xương sọ, được mọi người mách bảo, bố cháu là Trần Đăng Quyền đã đưa con ra Bắc để lương y Thoàn cứu chữa, nhờ đó mà cháu đã khôi phục được cơ bản và trở về quê sinh sống. Thương gia đình cháu nghèo khó, anh Thoàn đã bao toàn bộ chi phí thuốc thang, ăn ở cho hai bố con.

Chị Nguyễn Thị Soi, 50 tuổi, ở xã Đông Đô, huyện Hưng Hà, Thái Bình bị bỏng xăng cả hai tay hai chân vô cùng đau đớn. Chị được gia đình đưa đến ngay lương y Thoàn chữa trị, hơn một tháng thì vết bỏng cơ bản đã khỏi, giờ chị quay lại để phục hồi chức năng. Con gái chị đi theo để phục vụ mẹ, được ở trong một căn phòng sạch sẽ, được anh Thoàn miễn tiền ở, điện nước, còn tiền ăn thì đặt cơm cho bộ phận nấu ăn. Tôi hỏi chị Soi:

- Điều trị ở đây chị thấy thế nào?

- Thuốc tốt lắm anh ạ, bôi vào mát rượi, thay băng không bị dính. Bác Thoàn lại tận tâm, vui vẻ, miễn phí tiền nhà, tiền điện nước chứ như nằm viện không có bảo hiểm y tế như em thì có nước mà vay nợ hay bán nhà.

Dãy nhà khám và điều trị cho bệnh nhân của lương y Thoàn mà bệnh nhân hay gọi là ngôi nhà tình thương, gồm 8 phòng, 1 phòng khám, 7 phòng ở, mỗi phòng 2 giường, tất cả đều sạch sẽ, có mắc điều hòa hai chiều. Ngày đông nhất có đến 50, 60 bệnh nhân đến khám, nặng thì ở lại điều trị nội trú, nhẹ thì tự mua thuốc về điều trị. Cho đến nay, sau hơn 30 năm chữa bệnh cứu người, lương y Đào Viết Thoàn đã khám và điều trị cho hơn 30.728 bệnh nhân bị bỏng và vết thương lâu liền mà không để lại di chứng gì, đem lại hạnh phúc vô bờ bến cho hàng vạn người. Anh cũng miễn tiền thuốc, tiền công, tiền nhà ở, điện nước cho 11.574 bệnh nhân là đối tượng chính sách, Mẹ Việt Nam anh hùng, bố mẹ liệt sĩ, anh chị em thương binh, bệnh binh, nạn nhân chất độc da cam, người tàn tật, trẻ mồ côi, trẻ em dưới 6 tuổi, bệnh nhân và thân nhân bệnh nhân nghèo số tiền 8 tỷ 650 triệu đồng. Anh cũng gom góp được 250 triệu cho xã để làm con đường vào thôn Đồng Ấu và làm nhiều từ thiện khác.

Tôi tò mò làm phép tính và nói với lương y Thoàn:

- Gần 40.000 bệnh nhân nếu anh chỉ thu mỗi người 1 triệu cũng được gần 40 tỷ.

- Bệnh nhân, mình bắt thu thế nào họ cũng phải chịu, nhưng họ hầu hết là nông dân nghèo, có những người không có tiền ăn, tiền đi xe về quê, tôi còn phải giúp họ thì làm sao dám làm giàu trên nỗi đau của bệnh nhân.

Không chỉ được bệnh nhân trong khắp cả nước ghi ơn công đức của lương y Đào Viết Thoàn mà anh cũng được tỉnh và Trung ương đánh giá cao, anh là chiến sĩ thi đua toàn quốc, được tặng nhiều huân, huy chương, bằng khen trong đó có Huân chương Lao động hạng Nhì và ngày 30/11/2015, anh được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động.

Hàng năm cứ đến ngày Lễ Phật đản hoặc giỗ sư cụ Thích Đàm Lương, lương y Đào Viết Thoàn lại lên Hà Nội, đến chùa Trắng để thắp hương tưởng nhớ đến sư cụ – người thầy từ bi của mình.

- Boong, boong, boong…

Lương y Đào Viết Thoàn thỉnh một hồi chuông, tiếng chuông ngân nga nhắc nhở anh hãy luôn luôn nhớ lời sư cụ dạy: Chữa bệnh để cứu người!

Nguồn: Tạp Chí Văn Nghệ TP.HCM số 18.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Tuổi thơ bên dòng lũ
Có thể nói, dù mưa bão thường mang đến nhiều thiệt hại cho người dân miền Trung, nhưng lũ lụt cũng bồi đắp phù sa cho vùng đồng bằng duyên hải này, nhờ đó mà người dân nơi đây có thể sống bằng nghề nông nghiệp ổn định với mùa màng tốt tươi, cây lúa phát triển.
Xem thêm
Chiếc Nóp quê hương – Tùy bút Nguyễn Thanh
Thời kháng chiến chống Pháp, trong giai đoạn đầu cuộc đấu tranh gian lao vì sự nghiệp giải phóng dân tộc còn thiếu thốn quân dụng, có một hình tượng đặc biệt đậm màu sắc quê hương, không thể thiếu đối với nhân dân lao động và những chiến sĩ yêu nước tham gia kháng chiến. Đó là chiếc nóp bàng mà người dân Nam Bộ sống cách đây bảy thập niên đều biết đến.
Xem thêm
Gia đình, những nỗi đau ngọt ngào của Trương Văn Dân - Elena
Mấy năm trước có một số bạn văn và bạn đọc đã đề nghị tôi và Elena nên in chung một tập truyện. Và tập truyện mà các bạn đang cầm trên tay có chủ đề về những mối quan hệ trong gia đình và tình nghĩa vợ chồng. Sự sắp xếp này này là hoàn toàn ngẫu nhiên, lựa chọn các truyện ngắn đã viết trong những năm qua, vì nếu chọn chủ đề rồi mới viết thì các bài viết có lẽ sẽ khác và thiếu tự nhiên.
Xem thêm
Má tôi - Tản văn Trần Trọng Trung
Má tôi là một người phụ nữ đảm đang, hiền thục; có một đức tính thật thà, nhân hậu; có một phẩm chất của người phụ nữ Á Đông “Công, Dung, Ngôn, Hạnh”.
Xem thêm
Dấu ấn anh hùng – Bút ký Trần Thế Tuyển
Trong kháng chiến chống Mỹ, tôi may mắn được giao chép sử Trung đoàn 174 (đoàn Cao Bắc Lạng). Sau ngày giải phóng (30-4-1975), tôi lại thêm một lần may mắn nữa: trở lại chiến trường xưa, nơi Trung đoàn đã chiến đấu và gặp lại những người con ưu tú đã góp phần xây nên truyền thống vẻ vang của đơn vị hai lần được tuyên dương danh hiệu Đơn vị AHLLVT ND.
Xem thêm
Có một người thương binh như thế
Về Trung tướng nhà văn Nguyễn Mạnh Đẩu
Xem thêm
Chữa lành và những ngôi sao thức – Bút ký Thanh Huyền
… Đêm đã về khuya, gió biển vẫn mải mê hợp xướng với dàn đồng ca đại dương. Tôi vẫn tản bộ trên dải cát cùng với những nghĩ suy, chất vấn. Tôi không biết mình đang chữa lành ở dạng thể nào nhưng mong rằng khoảng trống nơi tim được lấp đầy... và chắc chắn tôi cũng là một trong những ngôi sao thức!
Xem thêm
Hoàng hôn trên đảo vắng – Tạp bút của Thúy Dung
“Hoàng hôn” là lúc mặt trời lặn, kết thúc một ngày gieo ánh sáng. Ai từng nghe bài “Đà Lạt hoàng hôn” của Minh Kỳ – Dạ Cầm, hẳn còn nhớ câu “Lắng nghe chiều xuống thành phố mộng mơ, màu lam tím, Đà Lạt sương phủ mờ”.
Xem thêm
Hồn sông, hồn quê trong thơ trong nhạc
Nguồn: Hồn sông, hồn quê trong thơ trong nhạc (Tạp chí Sông Lam) và Văn nghệ Công an số 715, ngày 11/7/2024.
Xem thêm