TIN TỨC

Bóng chữ - dáng hình khắc khoải một niềm thơ…

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2021-09-23 09:25:40
mail facebook google pos stwis
2205 lượt xem

Thơ… như tôi hiểu…

0.0. BÓNG CHỮ  là một bài thơ của Lê Đạt, trong tập thơ cùng tên, được ấn hành bởi Nhà xuất bản Hội Nhà văn, năm 1994.
 

Dưới đây là nguyên văn:

BÓNG CHỮ

Chia xa rồi anh mới thấy em

Như một thời thơ thiếu nhỏ

Em về trắng đầy cong khung nhớ

Mưa mấy mùa

                mây mấy độ thu

Vườn thức một mùi hoa đi vắng

Em vẫn đây mà em ở đâu

Chiều Âu Lâu

                bóng chữ động chân cầu

... Tôi đọc bài thơ đã lâu, mà mãi nay mới thấy BÓNG CHỮ không phải là một phi lý vô tình “đầu Ngô, mình Sở”, mà chính là một dụng tâm hữu ý của thi nhân. Và rồi,  từ tâm thức của mình, BÓNG CHỮ lay động mãi, cái dáng hình khắc khoải một niềm thơ Lê Đạt...

Nhớ thi nhân, người một đời phu phen trên cánh đồng chữ gian lao với chủ thuyết: “Nhà thơ làm chữ chủ yếu không phải ở “nghĩa tiêu dùng”, nghĩa tự vị của nó, mà ở diện mạo, âm lượng, độ vang vọng, sức gợi cảm của chữ trong tương quan hữu cơ với câu thơ, với bài thơ.” *

Nhớ người mãi miết một lòng với phương cách thơ hai câu (“HaiKau”).

Nhớ người đã YÊU là yêu không gì thay đổi nổi niềm YÊU...

1.0. Thì đây:

“Chia xa rồi anh mới thấy em

Như một thời thơ thiếu nhỏ”

1.1. ... Là thơ mở câu chuyện tình bằng một hồi tưởng mới thao thiết làm sao!

Chỉ hai câu, (với “HaiKâu”), thơ đã chuyển tải hẳn một thông điệp. Rằng mãi đến lúc “Chia xa rồi anh mới thấy em // Như một thời thơ thiếu nhỏ”...

Mới thấy? Vậy là trước đó chưa thấy!

Phải thôi... Đắm yêu... say thế... thì chưa thấy được hết em... cũng là thường tình... của tình yêu đầu đời thôi mà!

Nhưng cái lạ của câu thơ, cái khác thường của sự thấy, là thấy “Như một thời thơ thiếu nhỏ”. Nghĩa là anh thấy... cả một thời thơ ngây, trinh trắng, đắm say và dâng hiến của tình em.

1.2. Còn tôi? 

Đọc hai câu thơ kia, tôi như thấy dáng hình thi nhân vẫn bền chí, dụng công, trên cánh đồng chữ chang chang nắng lửa, bới bới, tìm tìm, rút ra, nhấc lên, đặt xuống, vần xoay, xăm xói... ba chữ Thơ – Thiếu – Nhỏ...

Hẳn là người nghĩ, là làm sao, chỉ với vài ba chữ thôi, có thể chuyển tải được thông điệp của cả một thời, từ thơ ấu, sang thiếu niên, đến một thanh nữ... tràn đầy thơ ngây, trắng trinh, đắm say và dâng hiến...

Tôi làm một phép thử, ghép thêm vào sau “... một thời...”, để được các câu:

               - Như một thời... thơ ấu

               - Như một thời... thiếu niên

               - Như một thời... nhỏ nhỏ

Hoặc lại thêm một lần nữa:

               - Như một thời... thơ bé

               - Như một thời... thiếu nữ

               - Như một thời... nhỏ xinh

Vân vân...

... Và tôi thấy, dường như tác giả đã rút các chữ Thơ – Thiếu – Nhỏ kia ra, từ nhiều tổ hợp từ có các chữ khác nhau kia, để TẠO SINH một từ mới, gồm ba chữ : “Thơ – Thiếu – Nhỏ”; trong đó “Nhỏ” đảm trách chức năng TỰ SINH, nhưng, lạ kỳ độc đáo, chính là khi đặt các chữ đó vào câu thơ, thì câu thơ lại tạo ra được cái âm điệu hài hòa, biểu đạt một sự tăng trưởng nhịp nhàng, hồn nhiên, như nhiên... đến như thế! 

1.3. Đến đây, xin cho tôi nói ra ngoài câu chuyện thơ tình ái này một chút...

... Là nói rằng, cứ như chủ thuyết của Lê Đạt, thì ngay từ hai câu thơ đầu, cho đến từng “HaiKâu” tiếp sau, còn mở ra nhiều nữa những thông điệp khác nhau, tùy thuộc vào năng lực tư duy, suy tưởng của người đọc, chứ chẳng phải hiển ngôn như những gì tôi đã cứ với mới hai câu đầu bài thơ... 

Ví như, ngay câu thơ “Như một thời thơ thiếu nhỏ” kia, chỉ cần một cách ngắt nhịp : “Như một thời thơ / thiếu nhỏ” thôi, thì thông điệp sẽ sao nhỉ? Sẽ sao khi tiền giả định của chỉ một cái ngắt nhịp thơ ấy, đã là cả một đời thơ, với biết mấy điêu linh của thi nhân...

Và, đó có phải là BÓNG của CHỮ không?!...

2.0. Trở lại bài thơ, thì từ một “Chia xa...” thao thiết đến thế… nên cái sẽ đến phải đến.

Hai câu thơ kế tiếp đây:

“Em về trắng đầy cong khung nhớ

  Mưa mấy mùa

                  mây mấy độ thu”

            2.1. Thì “Em về...”, một hẳn nhiên rồi! Bởi cái sự “ Chia xa...” kia, chẳng qua chỉ là một “Sự đâu sóng gió bất kỳ” (KIỀU), ngoài cuộc yêu mà thôi!... Và cũng bởi thế, mà giờ đây, khi “ Em về...” cuộc yêu mới “... trắng đầy cong khung nhớ” đến vậy, phải không?!...

            Câu thơ cho tôi thấy, đó chỉ có thể là sự trở về của yêu đương, mà “Chia xa...” chỉ càng khiến thêm đắm say mà thôi. Chữ CONG trong câu thơ mới dâng hiến, mới bạo liệt làm sao! Tôi hiểu đó là một tận hiến!

            Cuộc yêu thần tiên, đến vít cong như muốn cho gãy nổ tan tành cái “khung nhớ” chất chứa, nén dồn... bấy nay!...

            “Em về trắng đầy cong khung nhớ” là một tuyệt cú thơ!

            Tôi chưa từng đọc thấy ở đâu một câu thơ tả thực mà hư huyền miên tưởng đến như vậy!

2.2. Nhưng, như một lẽ thường lên – xuống...

Câu thơ tiếp theo ngắt nhịp, cách dòng:

            “Mưa mấy mùa

                              mây mấy độ thu”

... đã trải nền âm trầm vang... nâng đỡ đất – trời, mây –  mưa... mới ngọt ngào êm ái làm sao!

Tôi yêu chữ MẤY ở đây lắm. Bởi nó hiển ngôn cho thấy một chút số lượng, tuy không nhiều, nhưng... cũng chả biết là bao nhiêu... MƯA – MÂY – MẤY MÙA – MẤY ĐỘ... thật chỉ có trời hay, đất biết chớ nào ai biết mà hay!...

Chưa hết, mà vẫn còn thấp thoáng ở đây bóng dáng của một cái gì đó, mỏng mảnh như một sợi phân trần... chưa kịp tượng hình, vừa lướt qua... thì đã lại bị một cơn sóng tình kế sau đắm say hơn... xua tan biến mất...

3.0. Rồi..., cuộc say nào mà rồi chẳng tỉnh!

Hai câu thơ tiếp theo:

“Vườn thức một mùi hoa đi vắng

Em vẫn đây mà em ở đâu”

... cho tôi thấy cái phút giờ thức tỉnh của cuộc yêu đắm say kia!...

3.1. Đúng là tỉnh thức giữa một VƯỜN địa đàng, trong ngập tràn một “... một mùi hoa đi vắng” bấy nay, đã  trở lại, với một câu hỏi không dấu hỏi : “Em vẫn đây mà em ở đâu”, càng khiến cho là thực đấy, mà cứ như mong, như mơ...

3.2. Chữ MÀ đặt giữa câu thơ mới thần tình làm sao!

Tôi giở Từ điển Hoàng Phê tra thấy “ MÀ: là từ biểu thị điều sắp nêu ra là không phù hợp với điều vừa nói, có gì trái với lẽ thường”, thì lại càng biết ơn người PHU CHỮ bến ÂU LÂU ấy biết nhường nào!

Hãy ngắt nhịp câu thơ sau chữ MÀ: “Em vẫn đây mà / em ở đâu”; hoặc ngắt nhịp trước chữ MÀ: “Em vẫn đây / mà em ở đâu”, thì có thể đọc được khá nhiều thông điệp tình huống hư thực, mong mơ, thậm chí đồng sàng dị mộng nữa...

4.0. Rất khác biệt là câu thơ thứ bảy (7), câu thơ cuối cùng của bài thơ:

“Chiều Âu Lâu

                  bóng chữ động chân cầu”

... một sự khác biệt có thể ngang tầm phi lý.

Hãy ngoái ngước lên đi, không phải BÓNG CHỮ giờ mới thấy như một phi lý ở câu thơ này, mà sự phi lý đã đứng sừng sững ngay từ cái nhan đề BÓNG CHỮ của bài thơ. Thêm một khác biệt trái với chủ trương “HaiKâu”, bài thơ dừng lại ở câu thứ bảy (7). Một cái kết như từ trên trời rơi xuống, đã chặn đứng cuộc yêu, tuồng như vẫn còn sẽ lại đắm say hơn nữa!...

4.1. Chặn... cái kia là cần, bởi đã đến lúc phải cho thấy cái hình của bóng. Nhưng làm sao để không làm cách đứt mạch thơ, hữu lý bài thơ ?...

Và, thật thần tình, là nếu ngắt nhịp câu thơ sau chữ MÀ, để đẩy toàn bộ câu chuyện yêu đương từ sau chữ MÀ đó lên mãi tận “Chia xa rồi...” hồi tưởng... thì câu thơ thứ bảy (7) cuối cùng sẽ không còn lẻ loi... và nhất là không còn phi lý như khi phải đứng một mình nữa.

Hãy đọc lên đi:

“Em vẫn đây mà / em ở đâu

                          Chiều Âu Lâu

                                       bóng chữ động chân cầu”

Thần tình hơn nữa, còn là chính nhờ thủ pháp “cước vận” tài tình, với vần chân của mấy chữ ĐÂU, ÂU LÂU., lại thêm một lần ngắt nhịp nữa, thế là cái địa danh Âu Lâu đã được đưa vào chiều... đổ bóng lay động chân cầu, theo dòng nước mãi trôi xuôi...

“Chiều Âu Lâu

            bóng chữ động chân cầu”

4.2. Âu Lâu – chốn sinh thành nên Lê Đạt, cái địa danh gắn với thân phận thi nhân của ông... xuất hiện ở câu thơ cuối này có ngẫu nhiên không? Có tất nhiên không thể khác được không? Và, BÓNG CHỮ nữa, hai chữ nhan đề tưởng như là phi lý của bài thơ, tại sao lại trở lại đứng sừng sững giữa câu thơ cuối cùng của bài thơ?

Thêm một lần phi lý nữa, để tạo ra sự phủ định, làm thành một cái có lý, đúng không?...

5.0. Có thể lắm chứ!

Hiển ngôn của sáu (6) câu thơ đầu, rõ ràng là câu chuyện tình yêu, được kể lại từ một hồi tưởng lúc “Chia xa...”, cho thấy cả “... một thời thơ thiếu nhỏ”; và, với một đặc tả cuộc yêu đương của ngày gặp lại “... trắng đầy cong khung nhớ” đắm say, tận hiến; nhưng rồi, tuy thế, vẫn lại thức tỉnh nguyên khôi như sẽ lại đến một khởi đầu...

Đó có thể nói gọn bằng một chữ YÊU, căn nguyên của mọi sự tình yêu, được không, đúng không? Hay trực ngôn hơn, có thể nói, tình yêu kia, dẫu có đắm say dâng hiến gì gì đi nữa... thì cũng chỉ như là MỘT cái bóng của YÊU, cái bóng của chữ YÊU mà thôi, phải không?

Vậy là qua đến ba tầng suy tưởng, cái nhan đề BÓNG CHỮ của bài thơ tưởng như vô lý đã tường hữu lý. Chiều Âu Lâu đổ bóng xuống dòng sông, lay động chân cầu, xuôi theo dòng nước, chảy đến muôn mãi ngàn năm...

Âu Lâu là ai? Tình yêu của ai? Dâng hiến cho ai? Tận hiến vì ai?... Ôi... BÓNG CHỮ sẽ còn cho tôi thấy mãi dáng hình khắc khoải một niềm thơ Lê Đạt!...

Lê Xuân Lâm

....................

* Lê Đạt Đối thoại với đời và với thơ. Nxb Trẻ, 2011, trang 86.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Cái “Chuẩn” hình thức sách văn học
Bài đăng Văn nghệ số 21/2023
Xem thêm
Những cảm nhận Sài Gòn
Bài đăng Văn nghệ số 17+18/2020
Xem thêm
Cần gì để văn học trẻ Việt Nam vươn ra thế giới?
Đó là một trong những câu hỏi lớn được đặt ra và mổ xẻ đầy sôi nổi trong buổi cà phê học thuật nhân văn chủ đề Văn học trẻ Việt Nam trong dòng chảy giao lưu quốc tế chiều 25-3.
Xem thêm
Học văn thời công nghệ số
Bài viết của GS.TS Huỳnh Như Phương
Xem thêm
Tết – không thể cắt nghĩa
Trong một năm, người Việt của chúng ta có rất nhiều cái Tết, nhưng nếu chỉ nói một từ Tết thôi, thì gần như bất kể, ai cũng nghĩ đó là Tết Nguyên đán.
Xem thêm
Hồi ký dễ viết - khó hay
Hồi ký Gánh gánh… gồng gồng… của đạo diễn Xuân Phượng vừa được NXB Tổng hợp TPHCM tái bản lần thứ 5.
Xem thêm
Lòng tri ân luôn là giá trị bất biến
Bài đăng Văn nghệ số 53/2022
Xem thêm
Một năm cũ mèm dạy ta điều gì?
Một năm cũ mèm dạy ta điều gì?
Xem thêm
Văn chương Việt Nam 2022 – Một góc nhìn
Tôi có thói quen ghi lại những sự việc, những hiện tượng văn học trong năm, trước hết là để làm tư liệu và để chia sẻ với bạn văn đôi điều, bởi 2022 đã là quá vãng và sẽ qua đi mãi mãi. Dẫu thế nào, dưới một góc nhìn riêng, những gì ghi nhận được luôn là chủ quan và phiến diện.
Xem thêm
‘Nhà thơ thế giới’ và những trò bịp trong văn nghệ
Hiện tượng tôn vinh “nhà thơ thế giới” Tống Thu Ngân không phải là cá biệt, trong đời sống văn học nghệ thuật hiện nay. Những cái bẫy lừa bịp như thế đang giăng ra khắp mọi nơi.
Xem thêm
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Nghĩ về câu lạc bộ thơ
Không phải đến khi có những bàn luận về các câu lạc bộ văn chương trên mạng xã hội tôi mới nghĩ về một trong những hình thức sinh hoạt xã hội này. Mà tôi đã nghĩ đến câu lạc bộ đã nhiều năm nay. Và có lẽ từ khi một số nhà thơ cho rằng: thơ câu lạc bộ sẽ giết chết thơ.
Xem thêm
‘Truyện Kiều’ được Đại thi hào Nguyễn Du viết thời điểm nào?
Thời điểm Đại thi hào Nguyễn Du viết Truyện Kiều từng được tranh luận gay gắt, nay câu hỏi ấy lại được đưa ra mổ xẻ trên mạng xã hội.
Xem thêm
Tâm thức biển trong thơ Nguyên Hùng
Bài đăng An ninh Thế giới cuối tháng số 255 (tháng 11/2022).
Xem thêm
Lựa chọn – vấn đề mới của văn học nghệ thuật
Nhàn đàm của Kabishev Alexander Konstantinovich
Xem thêm
Nhân đọc bài viết của Hoàng Thanh về công trình “Một số vấn đề văn học Việt Nam hiện đại” của Nguyễn Đăng Điệp
Tôi thực sự bất ngờ khi đọc bài viết Lại phát hiện rúng động về Nguyễn Đăng Điệp đạo văn của nhiều người trong công trình “Một số vấn đề văn học Việt Nam hiện đại” của Hoàng Thanh trên trang Pháp luật chính sách lúc 19:45, 9.11.2022. Bất ngờ vì trong cái nhìn của chúng tôi, PGS-TS Nguyễn Đăng Điệp là nhà nghiên cứu sắc sảo, cẩn trọng, luôn cầu thị và được nhiều đồng nghiệp, các thế hệ học trò quý mến.
Xem thêm
Nghĩ về nghề giáo
Ngày 20/11 hàng năm đã trở thành ngày hội của đất nước nhằm tôn vinh và biết ơn các thầy, cô giáo, những người âm thầm lặng lẽ trong sự nghiệp trồng người.
Xem thêm