- Truyện
- Chiếu bông dâng phật | Truyện ngắn dự thi của Hồ Thị Linh Xuân
Chiếu bông dâng phật | Truyện ngắn dự thi của Hồ Thị Linh Xuân
Chùa làng nhưng quanh năm khói hương nghi ngút, hoa quả dâng cúng ê hề nhiều bận ông thủ tự phải gom vào cần xé bán lại cho sạp trái cây ngoài chợ. Chùa thờ đức ngài Quán Thế Âm phổ độ chúng sinh. Tín chúng kính ngưỡng gọi ngài là Mẹ.
Lên cấp 3, tôi trọ học ngoài thị trấn. Mỗi chiều cuối tuần về đều thấy cô Ngà mặc đồ lam, đeo túi vải quày quả đến chùa đọc kinh. Gặp ngày rằm mùng 1, cô khệ nệ mang hoa quả nhang đèn có khi còn lỉnh kỉnh chè xôi. Bao giờ nhác thấy tôi cô cũng ngoắt theo, làm ra bộ vận nghiêm trọng. Đi chùa với cô. Tụi bây mặc dầu trẻ chưa bước ra đời để chiêu trò mánh lới cũng nên biết tu dần đi, tích phước thì không nói sớm trễ.
Cô Ngà là em họ con chú con bác với tía tôi. Dưới cô còn chú Út Thắng làm nghề thương hồ, chạy ghe bán hàng bông. Thím Út vợ chú xem bói, thầy phán số hai vợ chồng không nên ở cùng mẹ cha, phải tha hương cầu thực mới mong gầy dựng sự nghiệp được. Vậy là thím bàn với chú xin bà thím bán hai công ruộng để làm vốn mua ghe đi hàng. Vợ đâu chồng đó, thím đi thì chú phải theo. Cô Ngà bĩu môi. Cái thằng bất hiếu. Đội vợ trẻ lên đầu mà bỏ mẹ đành.
Vài lần vị nể tôi phủi vội đôi bàn tay lấm đất cát vì nhổ cỏ phụ má vào vạt áo rồi phụ xách đồ lễ, lót tót theo chân cô Ngà. Chúng tôi đi mải miết trên con đường đất chạy ngoằn ngoèo dọc theo dòng Trà Canh. Hai bên con kênh mọc dày lá nước. Cô Ngà nói chuyện luôn luôn, bảo hai cô cháu rất hạp tuổi nhau. Bao giờ cô cũng dạy tôi sự này điều kia mà thường nhất là say sưa thuyết giảng về trí tuệ và lòng từ bi bác ái của đức ngài Quán Thế. Bây cứ theo cô tu tập, làm công quả, cúng dường. Chỉ cần thành tâm thể gì sau rốt cũng về niết bàn hầu Phật.
Mười lăm tuổi. Tôi chưa biết niết bàn là đâu nhưng nghĩ chắc là chỗ đó buồn dữ lắm. Ở với má vui hơn nhiều. Má nấu ăn ngon số một, nhất là làm bánh xèo, bánh lá. Cô Ngà ra bộ giận, giọng xẵng đi. Con nít tụi bây hễ chút là ngủ với ăn. Tài-sắc-danh-thực-thùy là 5 đống rác chỉ khiến người đời mê muội.
Tôi nghe không hiểu nhưng có một điều cả xóm đều tường là cô Ngà không rườm rà chuyện ăn uống thật. Bữa cơm nhiều lúc chỉ dĩa rau luộc chấm với nước tương. Mà cô Ngà ăn sao thì bà thím cũng ăn y như vậy. Tôi thắc mắc. Ăn như thế ngày qua ngày không ngán sao cô? Cô Ngà cốc đầu tôi. Ăn nhưng không phải là ăn. Người ta phải đơn giản hóa cái sự ăn đi thì thân tâm mới an lạc.
Nhưng cứ cách tháng má lại điện ra, chuyện trò quanh quanh rồi má cho hay cô Ngà bị xỉu phải đi truyền nước biển. Tôi hỏi sao sức cô Ngà yếu nhớt vậy má. Má tôi thở dài, ăn uống cái kiểu của cô mày thì đến thánh cũng phải đi nhà thương.
Thường khi đến chùa tôi đặt đồ lễ ra bàn chờ để mặc cô Ngà bày biện theo ý cô. Chùa nhỏ không có sư sãi nhưng đâu đó rất hẳn hoi bởi được tín chúng thường xuyên tu bổ, coi sóc. Đồ đạc đựng lễ thuần đồ tốt. Bông huệ cắm vào bình gốm men lam. Trái cây đủ ngủ quả bề mặt trơn láng, rửa sạch, sắp vào dĩa sứ trắng. Chè xôi lá dứa nếp cẩm bắt mắt, mỗi thứ ba chén kiểu vẽ bông sen. Đôi ly bằng pha lê được chùi rửa sạch bong, thay nước cúng mới. Vừa tất bật cô Ngà vừa phân trần: Tu khổ ở kiệm nhưng dâng lên Mẹ thì không thể sơ sài được.
Nhìn xem có vẻ hài lòng, cô Ngà chỉnh trang lại áo xống. Đèn sáp thơm được thắp lên. Cô Ngà tẩm nước lên khăn bông sợi tre mới tinh lau chân cho Mẹ. Sơ bộ xong cô mở nắp chai nước thơm đã nấu sẵn pha với tinh dầu cúc la mã bắt đầu tắm tượng rồi dùng nước tắm ấy lau mặt mày mình. Cô cũng gọi tôi lên. Cô biểu dùng nước tắm Phật rửa cho mặt mũi sáng láng, trí tuệ minh mẫn mà học hành tấn tới. Tôi làm theo cho cô vui lòng. Xong nghi thức sắp lễ và tắm Mẹ cô Ngà đốt mấy nén nhang. Khói lãng đãng bay lên, hương trầm tỏa ngạt. Trong không gian trang nghiêm như vậy, cô Ngà ngồi xếp bằng mở sách đọc kinh. Ông thủ tự thi thoảng khẽ chuông. Đầu óc tôi như được tinh lọc, nhẹ bẫng. Nhưng chỉ được ba hồi chú là tôi thấy cả người ngầy ngật, thấm mệt vì cả ngày dang nắng dọn cỏ, chạy ra gốc tra bồ đề trước sân ngồi. Muỗi bay vo ve. Trời quê đêm xuống rất nhanh đã tối đen như mực. Ngồi đợi đến hơn 7 giờ thì bài chú đại bi được tụng xong. Ông thủ tự chuẩn bị đóng cửa chùa về ngủ. Từ ngoài sân tôi vẫn nghe tiếng cô chuyện vãng với người đàn ông trung niên. Tín chúng ngày lễ đến viếng Mẹ đông, chiếu lạy chẳng mấy mà sờn cũ. Nay mai muội dệt cặp chiếu bông mới, huynh hoan hỉ mỗi đêm thắp nhang cầu Mẹ phù hộ độ trì cho.
Cô Ngà vốn có cái tài dệt chiếu bông khéo có tiếng ở xóm tôi. Trước cô cũng dệt tháng vài chục đôi bỏ mối làng trên xóm dưới. Nhưng lúc rày chẳng mấy người ngủ chiếu lác nữa vì không bền bằng chiếu nhựa nên cô cũng thôi nghề dệt chiếu, chỉ thi thoảng dập bàn dệt đem cúng dường. Hồi chưa ra thị trấn học, ngày nghỉ tôi vẫn hay đến nhà coi bà thím và cô Ngà dệt chiếu bông. Bà thím cầm bàn dập. Cô Ngà mắc lác đan với sợi trân, cứ trở đầu lại qua, xong lại đến bẻ biên làm diềm, liên tục. Tôi nhìn thì chỉ thấy rối mắt nhưng người thợ phối hợp thật nhịp nhàng. đều tay. Cả ngày làm siêng chỉ được hai đôi chiếu trơn, muốn ra được chiếu bông phải đem nhuộm, ít gì cũng mất thêm một hai ngày nữa. Cô Ngà bảo, phải bỏ công cán chừng vậy đem cúng dường mới gọi là có lòng thành. Công đức dày lắm. Mấy lần cô rủ mẹ bây đến chùa làm Phật sự nhưng chỉ cứ than công chuyện nhà đăng đăng đê đê. Bận thì có ai không bận đâu. Nhưng phải đợi rỗi rãi mới làm thì biết đến bao giờ chứng quả.
Lững thững đi, tôi nghe cô Ngà rì rầm trong im lặng. Trăng đã lên, bóng hai cô cháu in hằn lên nền đất trắng khô nứt nẻ, hai cái bóng nhúc nhắc có lúc nằm chồng lên nhau. Sắp vào vụ thu hoạch, mùi lúa chín thơm thoang thoảng. Những bông lúa đỏ đuôi no căng, vỏ trấu ấp những hột cứng màu trắng đục đã ngậm đủ mồ hôi, gió mưa sương nắng đang chờ mùa bội thu. Trong tôi như vang lên tiếng máy liên hợp lịch xịch rền vang cánh đồng ngày gặt. Tôi hít một hơi khoan khoái. Lẫn trong mùi lúa vẫn còn mùi bùn ở những lỗ lung khi chân ruộng chớm khô.
Tôi về tới cổng rào dâm bụt thì đèn nhà đã tắt, con Luốc quen hơi không sủa chủ, nằm phục dưới chân. Cô Ngà bước thẳng không từ giã, tôi lí nhí chúc cô ngủ ngon rồi chui vào nhà tắm cạnh chái bếp. Má tôi chưa ngủ, bật sáng bóng đèn dây tóc vàng vọt biểu bây lấy ấm nước đây mà dùng. Chiều má nấu lau người cho bà nội vẫn còn ít, má châm thêm đặt lên lửa. Tắm nhanh, khuya sương đêm xuống lạnh rồi.
Tôi giũ bỏ chiếc áo váng mùi bùn đất. Má nhẹ bước lên nhà trên ngóng chừng hơi thở đều đều của bà nội trong màn đã ngủ say rồi lại đi xuống khe khẽ: Dỗ mãi bà mới chịu ngủ, cứ nhắc chừng bây đi đâu mà giờ này chưa về. Tôi vắt khăn qua cổ từ nhà tắm bước ra, giọng thỏ thẻ: Thương nội quá!
Tôi ngồi với má thêm một lúc nữa. Má khen trăng đêm nay sáng rồi vuốt mái tóc tôi. Giờ này đám côn trùng đã hát lên. Những âm thanh li ri như đứt hơi rồi tí chút lại râm ran trong khu vườn má trồng cơ man trái rau, chưa bao giờ hết xanh mơn mởn. Thi thoảng còn có tiếng đập cánh của con vạc sà xuống miệng ao sau nhà. Mà biểu tôi đi nghỉ sớm, mai má lại nấu cháo cá, con mang qua cho bà thím. Người già cần bồi bổ mà ăn theo cô Ngà bây thì thật... Má thở dài rồi lặng lẽ đi vào buồng.
Tôi nán lại thêm một lúc, ngồi bó gối nằm ngả đầu lên cánh tay ngắm chị Hằng đi vắng. Tôi nhớ những lần xách cà mên đi qua cầu khỉ để sang nhà bà thím đưa đồ ăn má nấu, không khí sao mà u tịch, chắc bởi cảnh nhà neo người. Má kể đáng lẽ bà thím phải ở chỗ mình đây. Nhưng cái hồi trẻ dại ông chú lêu lổng quá, nhất quyết không chịu ở cùng cha mẹ đẻ. Ông chú biểu với ông nội, cha thương anh thì thôi anh ở nhà tổ mà nuôi cha. Đất đai bên này bao nhiêu anh cứ giữ cả. Em qua sông nhận phần đất nhỏ, rồi làm thuê làm mướn thêm mà sống để cha khỏi phiền lòng.
Giờ ông chú không còn, chú Út Thắng cũng tha phương biền biệt luôn. Mỗi năm chú về neo bến mấy ngày, bước lên cầm tay bà thím hỏi: Má khỏe không? Chú mua nào cua ghẹ ốc mực mấy thùng xốp làm quà biếu. Ở chỗ chú đi qua thứ này rẻ lắm. Còn quê nhà hiếm thành ra đắt, chẳng mấy người dám mua ăn. Của hiếm ắt là của quý. Cô Ngà ăn chay, ngửi mùi tanh thì xây xẩm mặt mày, da mặt tái xanh phải xức dầu gió. Chú Út Thắng tỉ mẩn bốc mai, gỡ thịt giục bà thím, kệ chỉ, má ăn đi. Bà thím cầm cho chú vui rồi đặt lại chén cơm nhẹ giọng hiền từ: Thứ này má đâu còn ăn được.
Mấy lần nấu ăn cho bà nội, má nấu thêm, rồi xẻ nửa phần cho bà thím. Má nhũn nhặn, còn mỗi hai chị em bạn dâu hủ hỉ, có gì ngon nhớ tới nhau để còn biết thâm tình. Ở cái tuổi này rồi, má biểu, món ngon là món đơn giản. Cũng có khi cô Ngà bắt gặp tôi cắp cà mên đưa cho bà thím, cô ra chiều khách sáo, chậc lưỡi kêu má mày bày vẽ quá chừng. Chỉ được vậy rồi cô lại khoác áo lam, đeo túi vải bước đi. Tôi nghe trong gió tiếng chuông chùa đang ngân. Đêm nay cô Ngà phải tụng đủ bài kinh sám hối.
Chiều ấy qua nhà, tôi ra sau chái tìm tô ra cháo. Căn bếp nguội lạnh chỉ có siêu thuốc nam bắt lên cà ràng lửa cháy liu riu. Nồi niêu xooang chảo ngổn ngang. Con gà nòi nhảy lên giàn mổ cơm đổ ra ngoài vung vãi. Sàn nước nhẳm dấu chân vịt vừa lạch bạch đi qua cái trũng nước sình bùn. Rổ chén nằm cạnh cây nước giếng khoan, mặt ngoài bám đầy lá mục. Mùi ẩm mốc xộc ra theo cơn gió chướng. Bà thím ngồi trước hàng ba, bên cơi trầu chỉ còn hai lá héo, cái ống ngoái đóng khoen, bình vôi mẻ miệng, hai mắt trắng dã nhìn trời. Nhắm mưa không bây? Tôi vừa bưng cháo xuýt xoa hơi nóng đặt lên chiếc bàn xiêu vẹo vừa ngó theo. Dạ, mây chuyển đen kịn vầy chắc mưa. Mưa cho mát, ngủ cho ngon hen bà thím.
Bà thím gương mặt héo hắt cắm cúi ăn không nói tiếng nào nữa. Tôi gom cà mên bỏ chân ra về chỉ sợ chốc nữa không thấy đường qua cầu. Đi xa rồi ngoảnh lại vẫn thấy bóng người già đơn độc trong buổi chiều cô quạnh mây chuyển màu mưa. Bước chân tôi chùng chình. Và rồi không hiểu cớ gì quay lại. Xóm mất điện tối om, tôi thắp một ngọn đèn dầu có ống khói đặt lên bàn thờ. Gương mặt ông chú hiện ra sáng lòa mà đôi mắt lại nhiều u uẩn. Tôi thắp cho ông chú một nén nhang rồi ra sân ngồi chồm hổm chống cằm, giọng bà cụ non: Sao thím Út không chịu đẻ cho bà thím mớ cháu nội cho vui cửa vui nhà?
Không biết bà thím có nghe không, người tóc bạc vẫn chậm rãi ăn, khép nép ngồi. Cháo cá này hồi chiều má tôi đã lừa xương kỹ lưỡng ăn vào một buổi chiều thế này rất hợp. Tôi muốn ngồi lâu thêm chút nữa nhưng kẹt nỗi phải về soạn bài để khuya nay trở ra thị trấn sớm, ước chi mà có trường gần.
Lần khác về, má biểu, con mang cá kho cho bà thím ăn chiều. Tôi bưng chén cá đi, bà thím không có nhà, gió hắt vào tấm phên cửa phành phạch. Tôi lần đường cỏ xước ra bờ mẫu. Bà thím xắn quần tới gối cầm cái rổ xúc tép chấu dưới mương. Manh áo bà ba dính tre gai rách toạc mảng vai làm lộ mảnh da thịt nhăn nheo tím tái. Những con tép dính rong nhảy lách chách trong xô, vài con ốc lác vẫn còn đu nhau tình tứ. Hai bà cháu dắt tay nhau vô nhà. Tôi đốt lửa xỏ xâu nướng mấy con tép đất, bà thím biểu không dưng thèm quá. Rồi bà kể, hồi đó đi giữ trâu bà cũng xúc tép chấu xỏ xâu đốt rơm nướng với đám bạn, sao mà vui quá chừng! Má tôi nói người ta càng già sẽ càng nhỏ lại rồi không dưng ôm mặt khóc.
Tôi nấu nước nóng cho bà thím lau qua người rồi giúp bà thay bộ đồ khô ráo. Trong lúc tôi dở cơm ra bà thím ngồi cắt móng, những móng chân dày quặm chặt bùn đất, mặt móng ố vàng. Miếng lưỡi lam bén ngót trên đôi bàn tay run run lẹm vào chân bật máu. Tôi buông chén chạy tới. Nhà không ai hút thuốc nên không có gì cầm. Tôi ra mé sông bẻ mấy lá bần nhai đắp lên vết thương. Bà thím thấy tôi cuống quýt bẽn lẽn cười. Không đau đâu. Bà vụng về rồi nên làm con sợ.
Tôi đắp lá bần lấy vải vụn cột vết thương rồi bới cơm cho bà thím. Người tóc bạc ngồi xuống hít hà cơm thơm còn nóng hổi rồi cầm đũa lên và, móm mém nhai ngon lành. Trong lúc bà ăn, tôi chạy về nhà hỏi má lấy cái kềm cắt móng. Hồi trở lại bà thím đã ăn xong. Mặc chén đũa bỏ đó tôi ngồi xuống tỉ mẩn cắt từng cái móng thâm xì vằn vện. Bà thím nhìn tôi, lại bẽn lẽn cười. Tôi dìu bà thím vào giường nằm. Một lỗ thủng chót vót trên trần nhà, tôi nhìn lên, bóng tối đã dần đổ xuống. Một lỗ chiếu ẩm thủng dưới chân giường. Tôi lặng lẽ buông màn. Bà thím chỉ còn nhỏ xíu, nằm co ro như con tôm kho tàu giữa những chiếu mền nồng mùi ẩm mốc. Tôi tấn lại bốn góc mùng. Muỗi từ chỗ thủng chiếu bay lên vo ve. Tôi như kẻ rình mồi đưa tay đập mạnh. Tiếng vo ve càng lúc càng dày. Tôi cuốn một khoảnh mùng lấy mền quạt ra. Cởi chiếc áo gió đang mặc tôi đắp vào chỗ chiếu rách rồi buông mùng tấn lại. Tôi bước ra sân về. Gió thổi hắt vào hai cánh tay trần lạnh buốt.
Đan xong cặp chiếu bông cô Ngà rủ: Đi chùa với cô không? Tôi lắc đầu. Con bận làm bài tập.
Thời gian sau bận rộn, lịch học chính học phụ càng lúc càng dày đặc, tôi ít khi về nhà. Một bữa má điện ra biểu bây về gấp, bà thím mất.
Sao mà mất? Tôi bất ngờ đâm tức tối hỏi đổng. Má sụt sịt. Đêm ngủ thành ngủ luôn. Thôi vậy cũng là sướng. Tôi nhìn tấm lịch. Nhưng mai con phải thi hội thao rồi. Má nạt. Ba cái thi thố đó không quan trọng bằng thâm tình. Tôi òa lên khóc nhưng không phải vì giận má. Má và bà thím nào có ruột rà máu mủ gì đâu...
Khi tôi về thì chú Út Thắng vẫn còn ở xa. Bỏ ghe lại không đành mà chạy ghe về thì chịu chậm. Nghề sông nước nó vậy. Cô Ngà nhát gừng.
Má tôi rấm rứt khóc cạnh giường. Không dám tới ôm bà thím sợ nước mắt nhỏ xuống người chết là điều cấm kỵ. Cô Ngà đến vỗ vai: Thôi chị cũng đừng quá đau buồn để má em còn thong thả mà lên đường.
Khi chú Út Thắng về đến nơi cũng vừa lúc quan tài bà thím được đưa vào lò. Thím Út quỳ khóc nức nở: Má ơi má sao má không đợi vợ chồng con? Cô Ngà lắc đầu: Nghiệp báo.
Hỏa táng xong, những gì của bà thím còn lại chỉ là chiếc hũ sành nhỏ xíu. Cô Ngà bọc hũ sành vào manh vải màu nhạt, khi bước qua má tôi đang ngồi bẹp thất tha thất thểu, giọng cô thâm trầm: Để em đem má vô chùa. Quỳ dưới cặp chiếu bông dâng Mẹ, cô Ngà tụng 3 hồi kinh. Từ bỏ xác phàm. Sống mà ra đi. Con cầu cho má vãng sanh miền Tây phương cực lạc.
H.T.L.X